Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4939/QĐ-UBND

Quảng Bình, ngày 23 tháng 12 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP KIỂM SOÁT CÁC HOẠT ĐỘNG HỢP PHÁP LIÊN QUAN ĐẾN MA TÚY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật phòng chống ma túy ngày 09/12/2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy ngày 03/6/2008;

Căn cứ Nghị định số 80/2001/NĐ-CP ngày 05/11/2001 của Chính phủ hướng dẫn việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy ở trong nước;

Căn cứ Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ ban hành Quy định các Danh mục chất ma túy và tiền chất;

Căn cứ Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính Phủ về thuốc và nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt;

Căn cứ Quyết định số 52/2011/QĐ-CP ngày 21/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy;

Căn cứ Quyết định số 3796/QĐ-UBND ngày 07/10/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình thành lập Tổ công tác liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Bình;

Xét đề nghị của Công an tỉnh tại Tờ trình số 5638/TTr-CAT-PV01 ngày 03/11/2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc các Sở: Y tế, Công Thương, Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Công an;
- Chủ tịch, PCT UBND tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Tiến Dũng

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP KIỂM SOÁT CÁC HOẠT ĐỘNG HỢP PHÁP LIÊN QUAN ĐẾN MA TÚY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4939/QĐ-UBND ngày 23 tháng 12 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định về cơ chế phối hợp trong thực hiện kiểm soát các hoạt động xuất, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, sản xuất, bảo quản, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, phân phối, sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và hóa chất, tiền chất trong lĩnh vực y tế, trong công nghiệp, nông nghiệp, thương mại nhập khẩu, xuất khẩu... và đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

2. Quy chế áp dụng đối với:

a) Sở Công Thương, Sở Y tế, Cục Hải quan, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Công an tỉnh trong việc kiểm soát các hoạt động được quy định tại khoản 1 Điều này.

b) Các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, chất hướng thần, hóa chất, tiền chất... (đối tượng được kiểm tra, kiểm soát); Tổ Công tác liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy của tỉnh (gọi tắt là Tổ Công tác liên ngành).

c) Các đơn vị có chức năng kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy được quản lý theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Điều 2. Nguyên tắc phối hợp

1. Đảm bảo công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống ma túy thống nhất theo từng ngành, lĩnh vực được phân công, tránh chồng chéo, bỏ sót hoặc cản trở các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

2. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Cục Hải quan tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trong công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

3. Hoạt động phối hợp giữa Sở Công Thương, Sở Y tế, Cục Hải quan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng và Công an tỉnh được thực hiện trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn trong công tác phòng, chống ma túy đã được pháp luật quy định, nhằm kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Nội dung phối hợp

1. Kiểm soát các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, sản xuất, bảo quản, quản lý, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, phân phối, sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và hóa chất, tiền chất trong lĩnh vực y tế, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại... trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

2. Theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn tỉnh.

3. Trao đổi thông tin về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

4. Phối hợp phòng ngừa, đấu tranh bắt giữ, xử lý các hành vi vi phạm hành chính và tội phạm ma túy liên quan lĩnh vực hóa, dược bao gồm các hành vi quy định tại Khoản 1, Điều 3 Quy chế này.

Chương II

CƠ CHẾ PHỐI HỢP

Điều 4. Phối hợp kiểm soát các hoạt động sản xuất, bảo quản, quản lý, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, phân phối, sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất

1. Sở Công Thương, Sở Y tế, Cục Hải quan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm thống nhất các kế hoạch dài hạn, ngắn hạn, phối hợp các cơ quan liên quan tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân đóng trên địa bàn tỉnh về hoạt động sản xuất, bảo quản, quản lý, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, phân phối, sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất và hóa chất...

2. Trách nhiệm của Sở Y tế:

a) Rà soát, thống kê các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân được Bộ Y tế cấp phép sản xuất nguyên liệu, thành phẩm, bán thành phẩm thuốc gây nghiện, tiền chất; bệnh viện có giường bệnh được pha chế thuốc thành phẩm gây nghiện, hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc cho người bệnh điều trị nội trú và ngoại trú, có tồn trữ, sử dụng các loại thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh;

b) Tăng cường công tác hướng dẫn và quản lý các đối tượng trong hoạt động liên quan đến chất gây nghiện, thuốc hướng thần và các loại tiền chất để bảo đảm thực hiện đúng quy định theo Thông tư số 20/2017/TT-BYT ngày 10/5/2017 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Luật dược và Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ về thuốc và nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt và Thông tư số 14/2015/TT-BYT ngày 25/6/2015 của Bộ Y tế về quản lý thuốc Methadone;

c) Tăng cường công tác kiểm soát chế độ phân phối, mua hán, sử dụng, trao đổi chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất sử dụng trong lĩnh vực y tế, phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học.

Định kỳ ít nhất 02 lần trong 01 năm phối hợp với Công an tỉnh thực hiện công tác kiểm tra các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, phân phối sử dụng các loại thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và các loại hóa chất, tiền chất dùng làm thuốc trên địa bàn tỉnh.

3. Trách nhiệm của Sở Công Thương:

a) Rà soát, thống kê các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các hóa chất, tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh;

b) Hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng quy chế quản lý tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp khi sản xuất, phân phối, mua bán, bảo quản, sử dụng, vận chuyển, như: hệ thống sổ sách, chứng từ, phiếu xuất nhập kho, hàng hóa tồn kho, bảo quản, định mức tiêu hao...các loại hóa chất, tiền chất trên đơn vị sản phẩm...

c) Nghiên cứu, tổ chức tuyên truyền về tác dụng độc hại, nguy hiểm của các loại hóa chất, tiền chất ma túy vừa có tác dụng trong sản xuất công nghiệp đồng thời là hóa chất không thể thiếu trong sản xuất, điều chế chất ma túy, nhằm nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp trong quản lý hóa chất, tiền chất, chống thất thoát, không để tội phạm về ma túy lợi dụng mua bán, sản xuất, trao đổi thương mại...

4. Trách nhiệm của Cục Hải quan tỉnh:

a) Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao kiểm soát các hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu theo quy định tại Điều 8, Điều 10 Nghị định số 58/2003/NĐ-CP ngày 29/5/2003 của Chính phủ quy định về kiểm soát nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam các chất ma túy, hóa chất, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần. Quá trình làm thủ tục xuất, nhập khẩu khi có phát hiện những sai phạm không đúng với nội dung được quy định trong giấy phép, lực lượng Hải quan giải quyết theo thẩm quyền, đồng thời trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản vi phạm, lực lượng Hải quan có trách nhiệm thông báo cho cơ quan chức năng. Trong thời hạn 02 ngày kể từ khi nhận được thông báo cơ quan chức năng phải phản hồi để cơ quan Hải quan có căn cứ thực hiện. Đối với các trường hợp có tính chất phức tạp thì trong vòng 07 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm, lực lượng Hải quan có trách nhiệm thông báo cho Công an tỉnh, cơ quan cấp phép, các cơ quan có trách nhiệm và trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan Hải quan, các cơ quan chức năng gửi ý kiến để lực lượng Hải quan có cơ sở xử lý theo đúng quy định;

b) Tăng cường công tác giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất để phát hiện, xử lý các hành vi lợi dụng các hoạt động này để đưa các loại hóa chất, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và ma túy vào địa bàn cũng như đưa ra nước ngoài bất hợp pháp;

c) Định kỳ ngày 30 hàng tháng, tổng hợp số liệu các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hóa chất, tiền chất, thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện, chất ma túy gửi Sở Công Thương, Sở Y tế, Công an tỉnh để phối hợp theo dõi, quản lý.

5. Trách nhiệm của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:

a) Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, giám sát các hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của người và phương tiện; kiểm soát các hoạt động mua bán, vận chuyển, phân phối các loại hóa chất, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần qua biên giới, cửa khẩu;

b) Phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Cục Hải quan, Công an tỉnh thực hiện công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với công tác xuất, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất các loại hóa chất, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và đảm bảo an ninh hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phòng, chống buôn lậu các loại hóa chất, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần trên tuyến biên giới;

c) Tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn, phối hợp với Công an và các cơ quan chức năng của tỉnh xử lý hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy trên tuyến biên giới.

6. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Rà soát, thống kê các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc thú y có chứa các chất gây nghiện, chất hướng thần và hóa chất, tiền chất ma túy trên địa bàn tỉnh.

b) Nghiên cứu, tổ chức tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp, cá nhân trong quản lý các loại thuốc thú y có chứa các chất gây nghiện, chất hướng thần, hóa chất, tiền chất, chống thất thoát, hư hỏng, mua bán...

c) Hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng quy chế quản lý thuốc thú y có chất gây nghiện, chất hướng thần, hóa chất, tiền chất khi nhập khẩu, mua bán, sử dụng, trao đổi, vận chuyển như: hệ thống sổ sách, chứng từ, phiếu xuất nhập kho, định mức tiêu hao các loại tiền chất trên đơn vị sản phẩm để phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm soát...

7. Trách nhiệm của Sở Tài chính:

a) Phối hợp với Công an tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối ngân sách sự nghiệp hàng năm và các nguồn huy động khác; bố trí đủ kinh phí cho các hoạt động phòng, chống ma túy của các ngành, các địa phương. Đánh giá khả năng nguồn thu dịch vụ điều trị Methadone và nguồn tài trợ bị cắt giảm để cân đối, bố trí kinh phí đảm bảo duy trì hoạt động của các cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.

c) Phối hợp với Công an tỉnh hướng dẫn thực hiện cơ chế quản lý tài chính phù hợp, đồng thời kiểm tra, hướng dẫn, giám sát và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình quản lý, sử dụng nguồn kinh phí phòng, chống ma túy được phân bổ.

d) Cung cấp các thông tin, tài liệu, sổ sách, chứng từ, phiếu xuất nhập kho, định mức tiêu hao các loại tiền chất trên đơn vị sản phẩm có liên quan chất gây nghiện, chất hướng thần, hóa chất, tiền chất khi nhập khẩu, mua bán, sử dụng, trao đổi, vận chuyển để phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm soát...

đ) Phối hợp với Công an tỉnh và các ban, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý đến các đối tượng, địa phương phù hợp trên địa bàn tỉnh.

e) Cung cấp số liệu thống kê tiền nộp thuế trên đơn vị sản phẩm có liên quan chất gây nghiện, chất hướng thần, hóa chất, tiền chất khi nhập khẩu, mua bán, sử dụng, trao đổi, vận chuyển để phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm soát...

8. Trách nhiệm của Công an tỉnh:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Hải quan tỉnh và các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các văn bản của pháp luật và kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo hoạt động của Tổ công tác liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn tỉnh. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh và cấp giấy phép kinh doanh, sử dụng và lưu giữ các loại hóa chất, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần; tham mưu quản lý chặt chẽ các loại hóa chất, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tránh thất thoát để tội phạm ma túy lợi dụng.

b) Duy trì và tăng cường kiểm soát chế độ phân phối, quản lý, mua bán, sử dụng, trao đổi chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, hóa chất, tiền chất phục vụ nghiên cứu, giám định, huấn luyện nghiệp vụ, điều tra tội phạm về ma túy;

c) Tổ chức điều tra, xác minh, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tổ chức công tác nắm tình hình, thu thập thông tin, tài liệu hoặc phát hiện những sai phạm của các tổ chức, doanh nghiệp trong công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn tỉnh. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm đề xuất cấp có thẩm quyền hoặc xác định lỗi vi phạm, xử lý theo quy định của pháp luật.

d) Chủ trì tổ chức họp, sơ kết, tổng kết công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn tỉnh. Huy động Tổ công tác liên ngành định kỳ ít nhất 02 lần trong 01 năm (trừ trường hợp đột xuất) tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc xuất, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, sản xuất, bảo quản, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, phân phối, sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và hóa chất, tiền chất trong lĩnh vực y tế, trong công nghiệp, nông nghiệp, thương mại nhập khẩu, xuất khẩu...; tổng hợp số liệu, tình hình báo cáo cấp trên theo quy định. Phát hiện sơ hở, thiếu sót trong quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự để đề xuất, kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành liên quan chấn chỉnh, khắc phục.

Điều 5. Phối hợp trao đổi thông tin

1. Công an tỉnh là cơ quan đầu mối trung tâm tiếp nhận và trao đổi thông tin về kiểm soát các hoạt động được quy định tại Khoản 1, Điều 1 của Quy chế này. Thông qua công tác quản lý, giám sát của các ngành chức năng khi phát hiện nguồn tin, tài liệu hoặc các hành vi sai phạm kịp thời thông báo cho Công an tỉnh để phối hợp xác minh, xử lý.

2. Công an tỉnh, Sở Công Thương, Sở Y tế, Cục Hải quan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, đề ra nội dung, lịch trình công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và tổng hợp tình hình báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 6. Phối hợp theo dõi, kiểm tra, giám sát

1. Công an tỉnh, Sở Công Thương, Sở Y tế, Cục Hải quan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và các cơ quan thi hành pháp luật về phòng, chống ma túy trong phạm vi, nhiệm vụ và quyền hạn được giao có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động được quy định tại Khoản 1, Điều 1 Quy chế này; xử lý hành chính những cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm theo thẩm quyền, chuyển Công an tỉnh điều tra, xử lý những vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự.

2. Công an tỉnh, Sở Công Thương, Sở Y tế, Cục Hải quan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp các đơn vị chức năng của các bộ, ngành liên quan theo dõi các hoạt động được quy định tại Khoản 1, Điều 1 Quy chế này.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm thi hành

1. Giám đốc các sở, ngành: Công an tỉnh, Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính; Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện Quy chế này. Định kỳ 06 tháng, 01 năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tỉnh (Ban Chỉ đạo 138 tỉnh), Cơ quan đầu mối Tổ công tác liên ngành (Phòng Cảnh sát ma túy - Công an tỉnh).

2. Các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ để đề xuất kế hoạch kiểm tra, kiểm soát; khi phát hiện vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành nào thì ngành đó tiến hành xử lý, trao đổi kết quả xử lý với các thành viên của Tổ công tác liên ngành; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

3. Công an tỉnh:

Chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Cục Hải quan, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh được phân công phối hợp tham gia công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát các hoạt động quy định tại Khoản 1, Điều 1 của Quy chế này.

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan định kỳ báo cáo việc thực hiện Quy chế này; tham mưu khen thưởng, xử lý sai phạm trong quá trình thực hiện theo quy định.

4. Quá trình thực hiện Quy chế, nếu có khó khăn, vướng mắc, phát sinh, các đơn vị, địa phương báo cáo UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) để xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.