Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/2011/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 09 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP KIỂM SOÁT CÁC HOẠT ĐỘNG HỢP PHÁP LIÊN QUAN ĐẾN MA TÚY

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy ngày 09 tháng 12 năm 2000 (đã được sửa đổi, bổ sung ngày 03 tháng 6 năm 2008);

Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 80/2001/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ hướng dẫn việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy ở trong nước;

Căn cứ Nghị định số 58/2003/NĐ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định về kiểm soát nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần;

Căn cứ Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;

Căn cứ Nghị định số 45/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ hướng dẫn việc nhập khẩu, lấy mẫu, quản lý, sử dụng mẫu các chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần vì mục đích quốc phòng, an ninh;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2011.

Điều 3. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các tập đoàn kinh tế Nhà nước và Tổng công ty 91;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (5b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP KIỂM SOÁT CÁC HOẠT ĐỘNG HỢP PHÁP LIÊN QUAN ĐẾN MA TÚY
(Ban hành kèm theo Quyết định số 52/2011/QĐ-TTg ngày 21 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định về cơ chế phối hợp trong việc cấp phép, theo dõi, kiểm tra và giám sát các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, sản xuất, bảo quản, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, phân phối, sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp, y tế và đấu tranh chống tội phạm.

2. Quy chế này áp dụng đối với:

a) Các Bộ: Công an, Công Thương, Y tế và Tài chính (lực lượng Hải quan) trong việc kiểm soát các hoạt động được quy định tại khoản 1 Điều này.

b) Các đơn vị có chức năng kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các đơn vị chức năng kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy được quản lý theo ngành đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Điều 2. Nguyên tắc phối hợp

1. Bảo đảm công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy thống nhất theo từng ngành, lĩnh vực được phân công; tránh chồng chéo, sót lọt, cản trở các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

2. Bộ Công an là cơ quan đầu mối phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Y tế và Bộ Tài chính trong công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

3. Hoạt động phối hợp giữa Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Y tế và Bộ Tài chính được thực hiện trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn đã được pháp luật quy định nhằm kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Điều 3. Nội dung phối hợp

1. Kiểm soát hoạt động nhập khẩu chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất.

2. Kiểm soát hoạt động xuất khẩu chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất.

3. Kiểm soát hoạt động tạm nhập tái xuất thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất.

4. Kiểm soát các hoạt động sản xuất, bảo quản, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, phân phối, sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất.

5. Trao đổi thông tin về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

6. Theo dõi, kiểm tra, giám sát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

Chương 2.

CƠ CHẾ PHỐI HỢP

Điều 4. Phối hợp kiểm soát hoạt động nhập khẩu chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất

1. Phối hợp kiểm soát trong thông báo tiền xuất khẩu đối với hoạt động nhập khẩu các tiền chất từ nước ngoài vào Việt Nam (áp dụng đối với hoạt động nhập khẩu từ các nước tham gia Điều 12 Công ước năm 1988 của Liên Hợp Quốc về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và các chất hướng thần):

Trên cơ sở giấy phép nhập khẩu do các Bộ chức năng cấp, trong thời hạn chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo của nước xuất khẩu, Bộ Công an có trách nhiệm trả lời nước xuất khẩu về tính hợp pháp của lô hàng. Trong trường hợp Bộ Công an không nhận được giấy phép nhập khẩu (thông qua hệ thống dữ liệu tại Trung tâm dữ liệu về phòng chống ma túy) đối với lô hàng được thông báo, Bộ Công an có trách nhiệm đề nghị nước xuất khẩu tạm dừng việc xuất khẩu lô hàng sang Việt Nam.

Đối với thủ tục hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất ở những quốc gia chưa tham gia Điều 12 Công ước năm 1988 của Liên Hợp Quốc thì không áp dụng các quy định về thông báo tiền xuất khẩu, chỉ thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 58/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kiểm soát nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần (sau đây gọi tắt là Nghị định số 58/2003/NĐ-CP).

2. Phối hợp kiểm soát trong cấp phép nhập khẩu:

Các Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Y tế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao thực hiện việc cấp phép nhập khẩu chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Nghị định số 58/2003/NĐ-CP. Trong thời hạn chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ khi cấp giấy phép nhập khẩu, cơ quan cấp phép có trách nhiệm gửi giấy phép nhập khẩu chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất tới Bộ Công an và các cơ quan, đơn vị được quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 58/2003/NĐ-CP.

3. Phối hợp kiểm soát hoạt động nhập khẩu.

Lực lượng Hải quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao kiểm soát hoạt động nhập khẩu theo quy định tại Điều 8, Điều 10 Nghị định số 58/2003/NĐ-CP. Trong quá trình làm thủ tục nhập khẩu, khi phát hiện những sai phạm không đúng với nội dung được quy định trong giấy phép, lực lượng Hải quan giải quyết theo thẩm quyền, đồng thời trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi phát hiện sai phạm thông báo cho Bộ Công an và cơ quan cấp phép để phối hợp quản lý, kiểm soát và xử lý.

Điều 5. Phối hợp kiểm soát hoạt động xuất khẩu chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất.

1. Phối hợp kiểm soát trong thông báo tiền xuất khẩu đối với hoạt động xuất khẩu tiền chất từ Việt Nam ra nước ngoài (áp dụng đối với hoạt động xuất khẩu sang các nước tham gia Điều 12 Công ước năm 1988 của Liên Hợp Quốc về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và các chất hướng thần), bao gồm cả dạng đơn chất và dạng phối hợp:

Trong thời hạn chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn và hồ sơ xin cấp phép xuất khẩu hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép có trách nhiệm gửi Bộ Công an những thông tin về tên, địa chỉ tổ chức xin cấp phép xuất khẩu; tên gọi, hàm lượng, số lượng tiền chất; tên, địa chỉ tổ chức nhập khẩu; tên cửa khẩu có hàng xuất khẩu đi qua để ra thông báo tiền xuất khẩu đối với lô hàng cho cơ quan chức năng của nước nhập khẩu.

Trong thời hạn chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông tin của cơ quan có thẩm quyền cấp phép, Bộ Công an có trách nhiệm ra thông báo tiền xuất khẩu đối với lô hàng xin cấp phép xuất khẩu. Trong thời hạn chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được ý kiến phản hồi của cơ quan chức năng nước nhập khẩu, Bộ Công an có trách nhiệm trả lời cơ quan cấp phép để quyết định cấp phép hoặc không cấp phép theo thẩm quyền.

2. Phối hợp kiểm soát trong cấp phép xuất khẩu.

Các Bộ: Công an, Công Thuơng, Y tế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao thực hiện việc cấp phép xuất khẩu chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Nghị định số 58/2003/NĐ-CP. Trong thời hạn chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ khi cấp giấy phép xuất khẩu, cơ quan cấp phép có trách nhiệm gửi giấy phép xuất khẩu chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất tới Bộ Công an và các cơ quan, đơn vị được quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 58/2003/NĐ-CP.

3. Phối hợp kiểm soát hoạt động xuất khẩu

Lực lượng Hải quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao kiểm soát hoạt động xuất khẩu theo quy định tại Điều 8, Điều 10 Nghị định số 58/2003/NĐ-CP. Trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu, khi phát hiện những sai phạm không đúng với nội dung được quy định trong giấy phép, lực lượng Hải quan giải quyết theo thẩm quyền, đồng thời trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi phát hiện sai phạm cần thông báo cho Bộ Công an và cơ quan cấp phép để phối hợp quản lý, kiểm soát và xử lý.

Điều 6. Phối hợp kiểm soát hoạt động tạm nhập tái xuất thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất

1. Phối hợp kiểm soát trong cấp phép tạm nhập tái xuất

a) Bộ Công Thương trong phạm vi quyền hạn được giao thực hiện việc cấp phép tạm nhập tái xuất thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất theo quy định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn và hồ sơ xin cấp phép tạm nhập tái xuất hợp lệ, Bộ Công Thương có trách nhiệm gửi Bộ Công an các thông tin về tên, địa chỉ tổ chức xin phép tạm nhập tái xuất; tên gọi, hàm lượng, số lượng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất; tên, địa chỉ tổ chức nhập khẩu; tên cửa khẩu có hàng tạm nhập tái xuất đi qua để ra thông báo tiền xuất khẩu.

Trong thời hạn chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông tin của cơ quan có thẩm quyền cấp phép, Bộ Công an có trách nhiệm ra thông báo tiền xuất khẩu đối với lô hàng xin cấp phép tạm nhập tái xuất. Trong thời hạn chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được ý kiến phản hồi của nước nhập khẩu, Bộ Công an có trách nhiệm trả lời cơ quan cấp phép để quyết định cấp phép hoặc không cấp phép tạm nhập tái xuất theo thẩm quyền.

c) Trong thời hạn chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ khi cấp giấy phép tạm nhập tái xuất, cơ quan có thẩm quyền cấp phép có trách nhiệm gửi giấy phép tạm nhập tái xuất thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất tới Bộ Công an và các cơ quan, đơn vị chức năng để theo dõi, kiểm soát.

2. Phối hợp kiểm soát hoạt động tạm nhập tái xuất

a) Lực lượng Hải quan có trách nhiệm giám sát hàng từ khi tạm nhập đến khi tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Việc thay đổi mẫu mã, bao bì của hàng tạm nhập tái xuất phải được sự đồng ý của cơ quan cấp phép và giám sát của lực lượng Hải quan.

b) Trong quá trình làm thủ tục tạm nhập tái xuất, khi phát hiện những sai phạm không đúng với nội dung được quy định trong giấy phép, lực lượng Hải quan có trách nhiệm giải quyết theo thẩm quyền, đồng thời trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi phát hiện sai phạm thông báo cho Bộ Công an và Bộ Công Thương để phối hợp quản lý, kiểm soát và xử lý.

Điều 7. Phối hợp kiểm soát các hoạt động sản xuất, bảo quản, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, phân phối, sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất

1. Các Bộ: Công an, Công Thuơng, Y tế và Tài chính trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra các cơ quan, tổ chức, địa phương, cá nhân kiểm soát hoạt động sản xuất, bảo quản, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, phân phối, sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất của các đơn vị nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất theo quy định tại Điều 4, Điều 6, Điều 9, Điều 13 Nghị định số 80/2001/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ hướng dẫn việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy ở trong nước và Điều 9 Nghị định số 58/2003/NĐ-CP.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp thực hiện kiểm soát các hoạt động sản xuất, bảo quản, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, phân phối, sử dụng các chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất tại địa phương.

Điều 8. Phối hợp trao đổi thông tin

1. Bộ Công an là cơ quan đầu mối trao đổi thông tin về kiểm soát các hoạt động được quy định tại khoản 1 Điều 1 Quy chế này với Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, các nước liên quan và Ủy ban Kiểm soát ma túy quốc tế (INCB) thông qua Trung tâm Dữ liệu kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy đặt tại Bộ Công an.

a) Trung tâm Dữ liệu kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy do Bộ Công an trực tiếp quản lý, vận hành, truy cập, cập nhật, khai thác, xử lý và trao đổi thông tin với Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, các nước liên quan và Ủy ban Kiểm soát ma túy quốc tế bằng phần mềm hệ thống quản lý dữ liệu về phòng, chống ma túy.

b) Các Bộ: Công Thương, Y tế, Tài chính có tài khoản và mật khẩu riêng của phần mềm hệ thống quản lý dữ liệu về phòng, chống ma túy do Bộ Công an cung cấp để truy cập, cập nhật, khai thác và trao đổi thông tin tại Trung tâm Dữ liệu kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, trừ những thông tin nghiệp vụ do Bộ Công an quy định.

c) Trường hợp cần thông tin, tài liệu không thuộc phạm vi Trung tâm Dữ liệu kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy để phục vụ công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, cơ quan phối hợp có trách nhiệm trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan đề nghị. Nếu từ chối cung cấp thông tin, tài liệu cơ quan được yêu cầu phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối.

2. Bộ Công an có trách nhiệm thông báo cho các Bộ, ngành và các địa phương liên quan thông tin về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và những thông tin khác có liên quan trong quá trình kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy để các Bộ, ngành và các địa phương có biện pháp chủ động ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả.

3. Bộ Công Thương, Bộ Y tế và Bộ Tài chính có trách nhiệm

a) Thu thập, quản lý thông tin về các hoạt động được quy định tại khoản 1 Điều 1 Quy chế này trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

b) Cung cấp những thông tin cần thiết có liên quan đến công tác kiểm soát các hoạt động được quy định tại khoản 1 Điều 1 Quy chế này cho Trung tâm Dữ liệu kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy thông qua việc truy cập và cập nhật dữ liệu bằng phần mềm hệ thống quản lý dữ liệu về phòng, chống ma túy; riêng đối với giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất cần gửi kèm theo bản chính.

c) Kịp thời trao đổi, thông tin với Bộ Công an để có biện pháp phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm khi nhận được nguồn tin, tài liệu hoặc phát hiện những sai phạm trong công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

4. Các cơ quan chức năng thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm trao đổi thông tin với nhau về kiểm soát các hoạt động sản xuất, bảo quản, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, phân phối, sử dụng các chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất tại địa phương.

Điều 9. Phối hợp theo dõi, kiểm tra, giám sát

1. Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các cơ quan thi hành pháp luật về phòng, chống ma túy trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn được giao có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động được quy định tại khoản 1 Điều 1 Quy chế này; xử lý hành chính đối với những cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân vi phạm theo thẩm quyền, chuyển Bộ Công an điều tra, xử lý những vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự.

2. Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Y tế và Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi các hoạt động được quy định tại khoản 1 Điều 1 Quy chế này thông qua Trung tâm Dữ liệu kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp, kiểm tra, giám sát hoạt động được quy định tại khoản 1, Điều 1 Quy chế này tại địa phương.

Chương 3.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy chế này, định kỳ 06 tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm.

2. Hàng năm, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai việc phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, thực hiện khen thưởng, kỷ luật theo quy định.

3. Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu cần sửa đổi, bổ sung Bộ Công an phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 52/2011/QĐ-TTg về Quy chế phối hợp kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 52/2011/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/09/2011
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 515 đến số 516
  • Ngày hiệu lực: 05/11/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản