Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 46/2016/QĐ-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 11 năm 2016 |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Hóa chất ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 26/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ quy định Danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp; Nghị định số 115/2016/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16 tháng 12 năm 2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014;
Căn cứ Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định cụ thể một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất;
Căn cứ Thông tư số 04/2012/TT-BCT ngày 13 tháng 02 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phân loại và ghi nhãn hóa chất;
Căn cứ Thông tư số 44/2012/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định Danh mục hàng công nghiệp nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển và vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa;
Căn cứ Thông tư số 20/2013/TT-BCT ngày 05 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về kế hoạch và biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 42/2013/TT-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định quản lý, kiểm soát tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 36/2014/TT-BCT ngày 22 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất và cấp Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 11784/TTr-SCT ngày 28 tháng 10 năm 2016 và ý kiến thẩm định của Giám đốc Sở Tư pháp tại Công văn số 6614/STP-VB ngày 10 tháng 8 năm 2016.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng, tồn trữ và vận chuyển hóa chất nguy hiểm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau mười (10) ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Giám đốc các Sở, ngành gồm: Sở Công Thương, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố, Cục Hải quan thành phố, Cục Hóa chất - Bộ Công Thương, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, xã, phường, thị trấn, các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất và tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
VỀ HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH, SỬ DỤNG, TỒN TRỮ VÀ VẬN CHUYỂN HÓA CHẤT NGUY HIỂM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 46/2016/QĐ-UBND ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh)
1. Quy định này quy định về hoạt động sản xuất (trong đó có sang chiết, pha trộn, đóng gói lại), kinh doanh, sử dụng, tồn trữ và vận chuyển hóa chất nguy hiểm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Quy định này áp dụng đối với hóa chất nguy hiểm theo định nghĩa tại khoản 4 Điều 4 Luật Hóa chất; hóa chất nguy hiểm ngành công nghiệp, y tế, thực phẩm, thú y, bảo vệ thực vật; hóa chất thuộc các danh mục: hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện; hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh; hóa chất cấm; hóa chất nguy hiểm phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và thiết lập khoảng cách an toàn; hóa chất phải khai báo; hóa chất độc phải xây dựng Phiếu kiểm soát mua bán hóa chất độc; hóa chất phải xây dựng Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; hóa chất nguy hiểm phải đăng ký sử dụng và các tiền chất.
Quy định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sử dụng, tồn trữ và vận chuyển hóa chất nguy hiểm và tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động hóa chất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh theo quy định của Luật Hóa chất và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Điều 3. Danh mục hóa chất kiểm soát
1. Hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện là hóa chất nguy hiểm có yêu cầu kiểm soát chặt chẽ về kỹ thuật an toàn trong sản xuất, kinh doanh (theo Phụ lục 1 Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ Công Thương).
2. Hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh là hóa chất nguy hiểm được kiểm soát đặc biệt về kỹ thuật an toàn, phạm vi, loại hình, quy mô, thời hạn sản xuất, kinh doanh để bảo đảm không gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, sức khỏe con người, tài sản, môi trường (theo Phụ lục II Nghị định số 26/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ).
3. Hóa chất cấm là hóa chất đặc biệt nguy hiểm thuộc Danh mục hóa chất cấm do Chính phủ quy định (theo Phụ lục III Nghị định số 108/2008/NĐ-CP).
4. Tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp là các hóa chất được sử dụng làm nguyên liệu, dung môi, chất xúc tiến trong sản xuất, nghiên cứu khoa học, phân tích, kiểm nghiệm của các ngành công nghiệp đồng thời là các hóa chất không thể thiếu trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma tuý (theo Phụ lục 1 Thông tư số 42/2013/TT-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ Công Thương).
Điều 4. Yêu cầu chung đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện phải thực hiện thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện theo quy định.
2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh phải thực hiện thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh theo quy định.
3. Tổ chức, cá nhân không được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng, tồn trữ, và vận chuyển hóa chất cấm, trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
4. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm (đặc biệt là tiền chất công nghiệp) phải thực hiện các yêu cầu theo quy định tại Thông tư số 42/2013/TT-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ Công Thương:
a) Chịu trách nhiệm về nguồn gốc, xuất xứ của hóa chất; có chứng từ, hóa đơn hợp pháp chứng minh rõ nguồn gốc nơi sản xuất, nơi nhập khẩu hoặc nơi cung cấp các hóa chất nguy hiểm; chỉ mua hóa chất từ những đơn vị có đủ điều kiện kinh doanh hóa chất nguy hiểm;
b) Lập sổ theo dõi mua, bán hóa chất nguy hiểm; có thông tin đầy đủ về khách hàng; chỉ được bán hóa chất nguy hiểm cho tổ chức, cá nhân cung cấp đầy đủ thông tin về chủ thể, địa điểm và mục đích sử dụng hóa chất nguy hiểm;
c) Thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời các đặc tính nguy hiểm của hóa chất và các biện pháp phòng ngừa cần thiết cho khách hàng; bảo đảm an toàn cho người, tài sản, hệ sinh thái và môi trường; trật tự, an toàn xã hội.
5. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hóa chất nguy hiểm không chấp hành quy định tại điểm b khoản 4 Điều này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật; có thể bị truy cứu trách nhiệm khi đối tượng mua hóa chất phạm tội.
Điều 5. Điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm
1. Có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có đăng ký ngành nghề sản xuất, kinh doanh hóa chất.
2. Đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm, bao gồm các điều kiện về nhà xưởng, kho tàng, trang thiết bị, phương tiện vận chuyển và vận hành an toàn theo quy định tại Luật Hóa chất; Điều 5, Điều 6, Điều 7 Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ Công Thương; Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5507:2002 Hóa chất nguy hiểm - Quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển và các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành có liên quan.
3. Có cán bộ, người chuyên trách về an toàn hóa chất có trình độ chuyên môn phù hợp với loại hình sản xuất, kinh doanh hóa chất theo quy định tại Điều 8 Quy định này và các quy định pháp luật hiện hành khác có liên quan.
Điều 6. Quy định về điều kiện an toàn đối với nhà xưởng sản xuất, kho chứa hóa chất nguy hiểm
1. Tổ chức, cá nhân có nhà xưởng sản xuất, kho chứa hóa chất nguy hiểm phải thực hiện các điều kiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ Công Thương và Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5507:2002.
2. Việc bố trí, thiết kế xây dựng nhà xưởng, kho chứa hóa chất nguy hiểm phải đảm bảo các yêu cầu sau:
a) Địa điểm phù hợp với quy hoạch của địa phương; không đặt nhà xưởng, kho chứa hóa chất nguy hiểm trong khu dân cư;
b) Bố trí nhà xưởng, kho chứa hóa chất phải đảm bảo khoảng cách an toàn với khu dân cư, các công trình công cộng lân cận và nguồn nước sinh hoạt. Khoảng cách an toàn của nhà xưởng, kho chứa hóa chất nguy hiểm được xác định theo các tiêu chí kỹ thuật quy định tại Điều 14 Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ;
c) Nhà xưởng, kho chứa được thiết kế và xây dựng phù hợp với đặc tính nguy hiểm của hóa chất (cháy, nổ, ăn mòn, độc hại). Các khu vực kín và rộng phải có lối thoát hiểm theo hai hướng; lối thoát hiểm phải được chỉ dẫn rõ ràng (bằng bảng hiệu, sơ đồ...) và được thiết kế thuận lợi trong trường hợp khẩn cấp. Cửa thoát hiểm phải dễ mở trong bóng tối hoặc trong lớp khói dày đặc;
3. Tài liệu pháp lý về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường của nhà xưởng, kho chứa hóa chất phải thể hiện tính chất hoạt động, quy mô cơ sở sản xuất, kinh doanh, quy trình sang chiết, đóng gói, sử dụng hóa chất và nội dung về đảm bảo điều kiện an toàn để sản xuất, tồn trữ hóa chất nguy hiểm. Các tài liệu gồm:
a) Giấy chứng nhận thẩm duyệt, văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy hoặc Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy;
b) Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường hoặc Giấy xác nhận Đề án bảo vệ môi trường hoặc văn bản xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường.
4. Trang thiết bị tại nhà xưởng, kho chứa hóa chất phải đảm bảo điều kiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ Công Thương, bao gồm:
a) Đối với cơ sở sản xuất, kho chứa hóa chất dễ cháy, nổ, ngoài việc phải trang bị đầy đủ các phương tiện và chất chữa cháy thích hợp theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3890:2009 Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình -Trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng; phải trang bị thêm các phương tiện bảo vệ cá nhân chống độc thích hợp khi chữa cháy;
b) Hệ thống thu gom, xử lý khí thải và chất thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường;
c) Trang thiết bị, phương tiện ứng cứu sự cố phù hợp với các đặc tính nguy hiểm của hóa chất.
5. Nhà xưởng, kho chứa hóa chất nguy hiểm phải được vận hành an toàn theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ Công Thương và các quy định dưới đây:
a) Bố trí hóa chất trong kho phải đảm bảo tuân thủ quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5507:2002 và các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy, nổ hay tràn đổ và phải đảm bảo tách riêng các hóa chất có khả năng gây ra phản ứng hóa học với nhau;
b) Có bảng nội quy về an toàn hóa chất, hệ thống báo hiệu phù hợp với mức độ nguy hiểm của hóa chất tồn trữ tại kho (biển "Cấm lửa", biển "Cấm hút thuốc, hình đồ cảnh báo, biểu trưng nguy hiểm);
c) Có Kế hoạch hoặc Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận theo quy định tại Thông tư số 20/2013/TT-BCT ngày 05 tháng 8 năm 2013 của Bộ Công Thương.
d) Có quy chế quản lý chặt chẽ hoạt động xuất, nhập hóa chất tại kho. Chỉ có người có trình độ chuyên môn phù hợp theo Điều 8 của Quy định này được giao nhiệm vụ quản lý hóa chất nguy hiểm mới được phép giao, nhận. Phải có sổ theo dõi xuất, nhập, tồn kho hàng ngày, khi thấy thiếu, thừa, sai quy cách phải báo ngay với cấp trên.
Điều 7. Quy định về điều kiện vận chuyển hóa chất nguy hiểm
1. Điều kiện về phương tiện vận chuyển
a) Phương tiện vận chuyển hóa chất nguy hiểm phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ Công Thương và mục 7 Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5507:2002;
b) Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vận chuyển hóa chất nguy hiểm phải được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm theo quy định tại Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Điều kiện đối với người tham gia vận chuyển hóa chất nguy hiểm
a) Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, người áp tải, nhân viên xếp dỡ và thủ kho hóa chất nguy hiểm phải được huấn luyện kỹ thuật an toàn hàng trong vận chuyển hóa chất nguy hiểm theo quy định tại Thông tư số 44/2012/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ Công Thương;
b) Người điều khiển phương tiện phải tuân thủ các quy định về tuyến đường vận chuyển, các điểm dừng, đỗ trên đường, thời gian thực hiện vận chuyển, mức xếp tải trên phương tiện được ghi trong Giấy phép; không được dừng ở nơi công cộng đông người (chợ, trường học, bệnh viện, ...). Đối với hóa chất nguy hiểm bị nhiệt tác động, khi vận chuyển không được dừng, đỗ nơi phát sinh ra nguồn nhiệt và không được đỗ lâu dưới trời nắng gắt;
c) Nghiêm cấm vận chuyển hóa chất nguy hiểm chung với người, gia súc và các hàng hóa khác.
3. Điều kiện về đóng gói, bao bì và giao nhận hóa chất nguy hiểm
a) Quy cách đóng gói, tiêu chuẩn về bao bì, phương tiện chứa hóa chất nguy hiểm khi vận chuyển phải đảm bảo các yêu cầu theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6 Thông tư số 44/2012/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ Công Thương và mục 4.4 Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5507:2002;
b) Khi giao nhận hóa chất nguy hiểm, chứng từ phải ghi rõ ngày tháng năm, họ tên, có chữ ký người giao hàng, nhận hàng và xác nhận của cơ sở có hàng. Chỉ được giao nhận hàng có bao bì nguyên vẹn và đầy đủ nhãn hàng hóa với đầy đủ các thông tin theo quy định hiện hành.
Điều 8. Điều kiện về trình độ chuyên môn của người sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm
1. Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật hoặc cán bộ kỹ thuật phụ trách hoạt động sản xuất hóa chất của cơ sở sản xuất hóa chất phải có bằng đại học trở lên về chuyên ngành hóa chất.
2. Người phụ trách về an toàn hóa chất của cơ sở kinh doanh hóa chất phải có trình độ trung cấp trở lên về chuyên ngành hóa chất.
3. Lãnh đạo, người quản lý trực tiếp hóa chất, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, cất giữ, bảo quản, sử dụng hóa chất nguy hiểm trong lĩnh vực công nghiệp phải được huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất và được cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Thông tư số 36/2014/TT-BCT ngày 22 tháng 10 năm 2014 của Bộ Công Thương.
Điều 9. Quy định về điều kiện sang chiết, pha trộn, đóng gói hóa chất nguy hiểm
1. Điều kiện sang chiết, pha trộn hóa chất nguy hiểm với mục đích sản xuất sản phẩm, hàng hóa
a) Khu vực sang chiết, pha trộn hóa chất phải đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định;
b) Có người phụ trách về an toàn hóa chất với trình độ chuyên môn phù hợp; người lao động trực tiếp sang chiết, pha trộn hóa chất phải được huấn luyện về kỹ thuật an toàn hóa chất.
2. Điều kiện sang chiết, đóng gói lại hóa chất với mục đích kinh doanh
a) Có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có đăng ký ngành nghề sản xuất hóa chất hoặc bán buôn hóa chất với chi tiết "được thực hiện hoạt động sản xuất, sang chiết, pha trộn, đóng gói hóa chất tại cơ sở";
b) Cơ sở sang chiết, đóng gói hóa chất (gọi là nhà xưởng sản xuất) phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 6 Quy định này;
c) Có thiết bị chuyên dùng, phục vụ hoạt động sang chiết, đóng gói hóa chất, được kiểm định an toàn theo quy định; không được thực hiện sang chiết, đóng gói hóa chất bằng phương pháp thủ công;
d) Hóa chất sau khi sang chiết phải được bao gói theo quy định tại Phụ lục 2, Phụ lục 3 Thông tư số 44/2012/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ Công Thương và được ghi nhãn theo quy định tại Chương III Thông tư số 04/2012/TT-BCT ngày 13 tháng 02 năm 2012 của Bộ Công Thương;
đ) Tổ chức, cá nhân sang chiết, đóng gói hóa chất phải đảm bảo không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp và phải chịu trách nhiệm về chất lượng của sản phẩm hóa chất sau sang chiết.
3. Hóa chất nguy hiểm thuộc các danh mục hóa chất kiểm soát quy định tại Điều 3 Quy định này phải được kinh doanh nguyên đai, nguyên kiện; không được phép sang chiết, đóng gói lại để kinh doanh nhỏ lẻ.
Điều 10. Quy định đối với tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất nguy hiểm
1. Tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất nguy hiểm để sản xuất sản phẩm, hàng hóa, thí nghiệm, nghiên cứu khoa học, tiêu dùng phải thực hiện các quy định sau:
a) Cung cấp cho người bán các thông tin cần thiết (địa chỉ, số điện thoại) và các giấy tờ tùy thân, tài liệu chứng minh mục đích sử dụng khi mua hóa chất nguy hiểm (Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân đối với cá nhân; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy giới thiệu đối với tổ chức);
b) Sử dụng hóa chất nguy hiểm đúng mục đích và theo hướng dẫn của nhà sản xuất thể hiện trên nhãn, bao bì hàng hóa hoặc trong hướng dẫn sử dụng kèm theo sản phẩm hóa chất;
c) Bảo đảm các điều kiện an toàn cho con người và môi trường trong quá trình sử dụng, bảo quản hóa chất nguy hiểm.
d) Không được sử dụng các hóa chất độc có các đặc tính gây ung thư hoặc có nguy cơ gây ung thư, gây biến đổi gen, độc đối với sinh sản hoặc tích lũy sinh học trong các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm.
2. Tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất nguy hiểm phải tuân thủ các quy định về quản lý an toàn hóa chất; về xử lý, thải bỏ hóa chất tồn dư, chất thải và dụng cụ chứa hóa chất.
3. Tổ chức, cá nhân sử dụng tiền chất công nghiệp ngoài việc thực hiện các quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải đảm bảo các yêu cầu:
a) Lập sổ theo dõi việc sử dụng tiền chất công nghiệp; lưu giữ chứng từ, hóa đơn hợp pháp chứng minh rõ nguồn gốc nơi sản xuất, nơi nhập khẩu hoặc nơi cung cấp các loại tiền chất công nghiệp;
b) Trong quá trình sử dụng tiền chất công nghiệp để sản xuất, tổ chức, cá nhân phải xây dựng định mức tiêu hao tiền chất trên một đơn vị sản phẩm; phải có bản cam kết không để thất thoát tiền chất trong quá trình sử dụng vào điều chế chất ma túy và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc làm thất thoát tiền chất.
Điều 11. Quản lý hóa chất hết hạn sử dụng
1. Trong thời hạn 03 ngày kể từ khi hóa chất hết hạn sử dụng, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất phải có văn bản thông báo cho Cơ quan quản lý Thuế và Quản lý thị trường địa phương về chủng loại, số lượng của hóa chất đã hết hạn sử dụng, chờ xử lý tiêu hủy theo quy định.
2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất không chấp hành quy định tại Khoản 1 Điều này, nếu cơ quan chức năng phát hiện hóa chất hết hạn sử dụng tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, tồn trữ hóa chất thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng.
PHÂN LOẠI, GHI NHÃN VÀ KIỂM SOÁT MUA, BÁN HÓA CHẤT NGUY HIỂM
Điều 12. Phân loại, ghi nhãn hóa chất
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hóa chất có nghĩa vụ phân loại, ghi nhãn hóa chất trước khi đưa hóa chất vào sử dụng, lưu thông trên thị trường.
2. Việc phân loại hóa chất được thực hiện theo quy tắc, hướng dẫn kỹ thuật của Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất và được quy định cụ thể tại Điều 5, Điều 6 Thông tư số 04/2012/TT-BCT ngày 13 tháng 02 năm 2012 của Bộ Công Thương.
3. Việc ghi nhãn đối với hóa chất nguy hiểm được thực hiện theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa và hướng dẫn của Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất và được quy định cụ thể tại Chương III Thông tư số 04/2012/TT-BCT ngày 13 tháng 02 năm 2012 của Bộ Công Thương.
Điều 13. Phiếu kiểm soát, mua bán hóa chất độc
1. Tổ chức, cá nhân thực hiện mua, bán hóa chất độc phải có phiếu kiểm soát, có xác nhận của bên mua, bên bán để làm cơ sở cho việc kiểm soát hóa chất độc lưu thông trên thị trường.
2. Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc theo mẫu quy định tại Phụ lục 16 ban hành kèm theo Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ Công Thương, bao gồm: thông tin về tên, khối lượng hóa chất, mục đích sử dụng; tên, chữ ký của người mua, người bán; địa chỉ, số chứng minh nhân dân của đại diện bên mua, bên bán; ngày giao nhận hàng.
3. Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc phải được lưu giữ tại bên bán, bên mua ít nhất năm năm và phải xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Điều 14. Xây dựng Phiếu an toàn hóa chất
1. Hóa chất nguy hiểm (kể cả hỗn hợp chất có thành phần nguy hiểm) phải được lập Phiếu an toàn hóa chất.
2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hóa chất nguy hiểm trước khi đưa vào sử dụng, lưu thông trên thị trường phải xây dựng Phiếu an toàn hóa chất. Phiếu an toàn hóa chất được chuyển giao miễn phí cho tổ chức, cá nhân tiếp nhận hóa chất nguy hiểm ngay tại thời điểm giao nhận hóa chất lần đầu.
3. Trường hợp những bằng chứng khoa học cho thấy có sự thay đổi về đặc tính nguy hiểm của hóa chất, tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất nguy hiểm phải tiến hành sửa đổi, bổ sung Phiếu an toàn hóa chất. Phiếu an toàn hóa chất sửa đổi, bổ sung phải được tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều này cung cấp ngay cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến hóa chất đó. Ngày tháng sửa đổi, bổ sung và những nội dung sửa đổi, bổ sung phải được thể hiện bằng dấu hiệu rõ ràng lưu ý người sử dụng Phiếu an toàn hóa chất.
4. Tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động hóa chất nguy hiểm phải lưu giữ Phiếu an toàn hóa chất đối với tất cả các hóa chất nguy hiểm hiện có trong cơ sở của mình và xuất trình khi có yêu cầu, đảm bảo tất cả các đối tượng có liên quan đến hóa chất nguy hiểm có thể nắm được các thông tin trong Phiếu an toàn hóa chất của các hóa chất nguy hiểm đó.
5. Xây dựng Phiếu an toàn hóa chất theo mẫu quy định tại Phụ lục 17 ban hành kèm theo Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ Công Thương.
Điều 15. Lập sổ theo dõi tiền chất công nghiệp
1. Tổ chức, cá nhân phải mở sổ theo dõi riêng số lượng tiền chất công nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng và tồn trữ.
2. Sổ theo dõi tiền chất công nghiệp không được ghi chung với hàng hóa khác. Sổ theo dõi tiền chất gồm các thông tin: tên đầy đủ của khách hàng; địa chỉ trụ sở chính; số điện thoại; số fax; tên tiền chất; số lượng mua hoặc bán; nồng độ hoặc hàm lượng sử dụng; số lượng tồn kho; mục đích sử dụng.
Điều 16. Trách nhiệm của các Sở, ngành
1. Các Sở, ngành thực hiện công tác quản lý hoạt động hóa chất theo chức năng và theo phân công tại Quyết định số 31/2015/QĐ-UBND ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; phối hợp triển khai, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sử dụng, tồn trữ và vận chuyển hóa chất nguy hiểm thực hiện Quy định này; tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố trong công tác di dời các cơ sở kinh doanh, kho chứa hóa chất nguy hiểm xen cài trong khu dân cư.
2. Trách nhiệm của Sở Công Thương
a) Phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật trong hoạt động hóa chất ngành công nghiệp;
b) Tổ chức huấn luyện, kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận huấn luyện về kỹ thuật an toàn hóa chất và Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vận chuyển hóa chất nguy hiểm;
c) Hướng dẫn, giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hóa chất công nghiệp theo quy định;
d) Tổ chức thanh tra, kiểm tra các điều kiện của cơ sở hoạt động hóa chất công nghiệp; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất đã cấp đối với tổ chức, cá nhân không đảm bảo các điều kiện quy định tại thời điểm kiểm tra.
3. Trách nhiệm của Sở Y tế
a) Phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật trong hoạt động hóa chất ngành y tế, thực phẩm;
b) Tổ chức huấn luyện về an toàn vận chuyển hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế; tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm;
c) Hướng dẫn, giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hóa chất y tế, thực phẩm theo quy định; tổ chức thẩm định, xét duyệt hồ sơ và cấp giấy phép vận chuyển hóa chất trong lĩnh vực y tế bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ;
d) Tổ chức thanh tra, kiểm tra các điều kiện sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế; phối hợp với các ngành chức năng thanh tra, kiểm tra việc vận chuyển hóa chất của cơ sở vận chuyển đã được cấp giấy phép vận chuyển hóa chất thuộc lĩnh vực và thẩm quyền quản lý; thu hồi giấy phép vận chuyển hóa chất khi phát hiện vi phạm theo quy định.
4. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Phổ biến, hướng dẫn, tập huấn kiến thức chuyên môn về sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất trong nông nghiệp;
b) Hướng dẫn điều kiện, thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất, kinh doanh hóa chất trong nông nghiệp;
c) Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất trong nông nghiệp.
5. Trách nhiệm của Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy Thành phố
a) Phổ biến, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất thực hiện các quy định pháp luật về phòng cháy và chữa cháy;
b) Thực hiện công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định pháp luật về phòng cháy và chữa cháy; thể hiện nội dung kết luận cơ sở đủ điều kiện hay không đủ điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy để hoạt động hóa chất nguy hiểm trong các văn bản pháp lý về phòng cháy và chữa cháy;
c) Tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác phòng cháy và chữa cháy của các cơ sở hoạt động hóa chất và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; tạm đình chỉ, đình chỉ đối với các hành vi vi phạm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ;
d) Phối hợp thống kê và di dời các cơ sở hóa chất nguy hiểm không đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, có nguy cơ cháy, nổ xen cài trong khu dân cư;
6. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động hóa chất;
b) Thực hiện công tác thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; xác nhận Bản cam kết bảo vệ môi trường, Đề án bảo vệ môi trường, Kế hoạch bảo vệ môi trường đối với các dự án/cơ sở hoạt động hóa chất;
c) Kiểm tra việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở hoạt động hóa chất; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; đình chỉ các cơ sở hóa chất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng;
7. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Phối hợp hướng dẫn, thông báo cho các doanh nghiệp đăng ký ngành nghề về hóa chất thực hiện các thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động sau đăng ký kinh doanh;
b) Thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát việc đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá dự án đầu tư và quản lý hoạt động sau đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật đối với dự án, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến hoá chất nguy hiểm.
8. Trách nhiệm của Công an Thành phố
a) Tổ chức kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm;
b) Kiểm soát hóa chất nguy hiểm lưu thông trên địa bàn thành phố, đặc biệt đối với hóa chất nhập lậu, hóa chất không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không ghi nhãn theo quy định;
c) Khởi tố, điều tra các trường hợp có dấu hiệu phạm tội và các vụ án liên quan đến hoạt động hóa chất để xảy ra sự cố gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và môi trường.
9. Cục Hải quan Thành phố, Cục Hóa chất - Bộ Công Thương phối hợp kiểm soát, quản lý hóa chất nhập khẩu; chia sẻ thông tin về danh sách doanh nghiệp nhập khẩu hóa chất cho các Sở, ngành chức năng để phục vụ công tác quản lý hoạt động hóa chất trên địa bàn.
10. Cục Thuế Thành phố tiếp nhận và chỉ đạo các Chi cục Thuế quận, huyện tiếp nhận văn bản thông báo chủng loại, số lượng hóa chất hết hạn sử dụng của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất và hướng dẫn xử lý theo quy định pháp luật về quản lý thuế.
11. Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố có trách nhiệm phổ biến, phối hợp kiểm tra việc thực hiện Quy định này của các doanh nghiệp hoạt động hóa chất trong khu quản lý.
12. Trách nhiệm của Chi cục Quản lý thị trường Thành phố
a) Tổ chức kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm Quy định này;
b) Kiểm soát hóa chất nguy hiểm lưu thông trên thị trường, đặc biệt đối với hóa chất nhập lậu, hóa chất không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không ghi nhãn theo quy định.
13. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các quận, huyện
a) Phổ biến Quy định này đến các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất thuộc địa bàn quản lý;
b) Phối hợp rà soát, lập phương án di dời các cơ sở kinh doanh, kho chứa hóa chất nguy hiểm hoạt động xen cài trong khu dân cư;
c) Giám sát, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm trên địa bàn và xử lý triệt để các cơ sở tồn trữ, sang chiết hóa chất nguy hiểm trong khu dân cư;
d) Không cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh ngành nghề sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm trong khu dân cư.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Quy định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nêu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
1. Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân căn cứ trách nhiệm được phân công phối hợp triển khai Quy định này.
2. Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất, liên quan đến hoạt động hóa chất có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn hóa chất theo Quy định này, pháp luật về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan để bảo đảm an toàn cho người lao động, sức khoẻ cộng đồng và môi trường.
3. Khi có sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ pháp lý ban hành, Quy định này sẽ được điều chỉnh phù hợp và áp dụng theo quy định pháp luật hiện hành./.
- 1Quyết định 3948/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- 2Kế hoạch 5272/KH-UBND năm 2016 phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ ban hành
- 3Quyết định 3747/QĐ-UBND năm 2016 Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất, phòng ngừa và ứng phó sự cố Hóa chất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- 4Chỉ thị 08/2011/CT-UBND về tăng cường quản lý, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh An Giang
- 5Kế hoạch 64/KH-UBND năm 2017 thực hiện Đề án "Nâng cao chất lượng công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020"
- 6Quyết định 09/2018/QĐ-UBND bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang
- 7Kế hoạch 222/KH-UBND năm 2018 tổ chức triển khai Nghị định 113/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hóa chất trên địa bàn tỉnh Hà Giang
- 8Chỉ thị 19/CT-UBND năm 2018 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
- 9Kế hoạch 739/KH-UBND về kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh năm 2022
- 10Quyết định 17/2023/QĐ-UBND quy định về quản lý hoạt động hóa chất nguy hiểm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 11Quyết định 303/QĐ-UBND năm 2024 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2023
- 12Quyết định 633/QĐ-UBND năm 2024 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kỳ Hệ thống hóa 2019-2023
- 1Quyết định 17/2023/QĐ-UBND quy định về quản lý hoạt động hóa chất nguy hiểm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 2Quyết định 303/QĐ-UBND năm 2024 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2023
- 3Quyết định 633/QĐ-UBND năm 2024 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kỳ Hệ thống hóa 2019-2023
- 1Luật phòng cháy và chữa cháy 2001
- 2Luật Hóa chất 2007
- 3Nghị định 108/2008/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Hóa chất
- 4Nghị định 104/2009/NĐ-CP quy định danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ
- 5Thông tư 28/2010/TT-BCT quy định cụ thể một số điều của Luật hóa chất và Nghị định 108/2008/NĐ-CP hướng dẫn Luật hóa chất do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 6Nghị định 26/2011/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định 108/2008/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Hóa chất
- 7Thông tư 04/2012/TT-BCT quy định phân loại và ghi nhãn hóa chất do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 8Thông tư 44/2012/TT-BCT quy định Danh mục hàng công nghiệp nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển và vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành
- 9Thông tư 20/2013/TT-BCT quy định về Kế hoạch và Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 10Nghị định 163/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp
- 11Luật phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013
- 12Thông tư 42/2013/TT-BCT quy định quản lý, kiểm soát tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành
- 13Luật bảo vệ môi trường 2014
- 14Nghị định 79/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi
- 15Thông tư 36/2014/TT-BCT về huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất và cấp Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 16Thông tư 66/2014/TT-BCA hướng dẫn Nghị định 79/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi do Bộ Công an ban hành
- 17Quyết định 31/2015/QĐ-UBND Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất Thành phố Hồ Chí Minh
- 18Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 19Nghị định 115/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 163/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp do Chính phủ ban hành
- 20Quyết định 3948/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- 21Kế hoạch 5272/KH-UBND năm 2016 phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ ban hành
- 22Quyết định 3747/QĐ-UBND năm 2016 Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất, phòng ngừa và ứng phó sự cố Hóa chất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- 23Chỉ thị 08/2011/CT-UBND về tăng cường quản lý, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh An Giang
- 24Kế hoạch 64/KH-UBND năm 2017 thực hiện Đề án "Nâng cao chất lượng công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020"
- 25Quyết định 09/2018/QĐ-UBND bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang
- 26Kế hoạch 222/KH-UBND năm 2018 tổ chức triển khai Nghị định 113/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hóa chất trên địa bàn tỉnh Hà Giang
- 27Chỉ thị 19/CT-UBND năm 2018 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
- 28Kế hoạch 739/KH-UBND về kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh năm 2022
Quyết định 46/2016/QĐ-UBND Quy định về hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng, tồn trữ và vận chuyển hóa chất nguy hiểm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- Số hiệu: 46/2016/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 15/11/2016
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Trần Vĩnh Tuyến
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 1 đến số 2
- Ngày hiệu lực: 25/11/2016
- Ngày hết hiệu lực: 04/04/2023
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra