Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3948/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 11 tháng 10 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ SỰ CỐ HÓA CHẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

CHỦ TỊCH UBND TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Hóa chất số 06/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Hóa chất; Nghị định s 26/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2008/NĐ-CP;

Căn cứ Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc hại;

Căn cứ Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ Công Thương quy định cụ thể một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ; Thông tư số 20/2013/TT-BCT ngày 05 tháng 8 năm 2013 của Bộ Công Thương quy định về Kế hoạch và Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp;

Theo đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 873/TTr-SCT ngày 23 tháng 9 năm 2016 về việc đề nghị phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU

Huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị và các lực lượng trên địa bàn tỉnh để ngăn chặn, hạn chế làm giảm thiệt hại tới mức thấp nhất do sự cố hóa chất gây ra đối với con người và môi trường, cũng như ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

II. PHÂN VÙNG MỨC ĐỘ NGUY HIỂM XUNG QUANH CƠ SỞ HÓA CHẤT

1. Phân vùng theo giới hạn nồng độ tiếp xúc của con người (AEGL)

AEGL là các giá trị nồng độ của hóa chất trong không khí được nghiên cứu để giúp cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp đánh giá được tình trạng phơi nhiễm trong trường hợp xảy ra sự cố rò rỉ làm phát tán khí độc hay các sự cố nghiêm trọng khác.

Có 3 mức độ nồng độ AEGL được định nghĩa như sau:

AEGL-1: Là nồng độ trong không khí của một chất mà tại nồng độ đó người tiếp xúc có thể cảm thấy khó chịu, kích thích, hoặc không có triệu chứng nhất định. Tuy nhiên, những tác động chỉ là tạm thời và hồi phục khi ngừng tiếp xúc.

AEGL-2: Là nồng độ trong không khí của một chất mà tại nồng độ đó người tiếp xúc có thể phải chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài, thậm chí không thể phục hồi ngay khi thoát ra khỏi khu vực đó.

AEGL-3: Là nồng độ trong không khí của một chất mà tại nồng độ đó người tiếp xúc có thể bị đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng hoặc tử vong.

2. Phân vùng theo nồng độ ngay lập tức nguy hiểm đến sức khỏe con người (IDLH)

IDLH là giá trị nồng độ hóa chất trong không khí mà người tiếp xúc có thể tử vong ngay lập tức hoặc phải chịu hậu quả vĩnh viễn.

Giá trị IDLH thường được sử dụng trong việc lựa chọn trang thiết bị bảo hộ cá nhân cho công nhân hay nhân viên cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống cụ thể.

3. Phân vùng theo khả năng cháy, nổ và cường độ bức xạ nhiệt

Hai phương án để đánh giá ảnh hưởng của một sự cố, đó là:

- Đánh giá ảnh hưởng sau khi sự cố đã xảy ra;

- Tính toán mô phỏng bằng các công cụ hỗ trợ.

Dựa trên kết quả đánh giá các tổ chức, cá nhân có thể lập được kế hoạch ứng phó nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại đối với con người và tài sản.

Hiện tại có nhiều phần mềm mô phỏng dựa trên các công cụ máy tính dễ sử dụng. Một số phần mềm này có thể mô phỏng kết quả của sự phơi nhiễm trong thời gian dài. Tuy nhiên, việc lập kế hoạch trong trường hợp khẩn cấp yêu cầu phải đánh giá được tình trạng phơi nhiễm tức thời nghĩa là phơi nhiễm một lần với nồng độ cao. Do vậy, hiện nay phần mềm phù hợp nhất để mô phỏng ảnh hưởng của sự cố hóa chất là phần mềm Aloha.

Các quy ước trong phần mềm Aloha:

- Khả năng bắt cháy được chia thành hai vùng: Vùng kí hiệu màu đỏ có nồng độ hơi amoniac lớn hơn 60% nồng độ giới hạn nổ dưới (LEL), là vùng có khả năng xảy ra cháy nổ cao khi tiếp xúc với nguồn lửa. Vùng kí hiệu màu vàng là vùng ước tính nồng độ Amoniac có thể vượt quá 10% nồng độ giới hạn nổ dưới (LEL) và nhỏ hơn 60% nồng độ giới hạn nổ dưới.

- Nguy cơ nổ chia làm 3 vùng: Vùng kí hiệu màu đỏ là vùng có áp suất nổ vượt quá áp suất khí quyển 8 psi (0.562 at), vùng ký hiệu màu cam là vùng có áp suất nổ vượt quá áp suất khí quyển 3.5 psi (0.246 at), vùng ký hiệu màu vàng là vùng có áp suất nổ vượt quá áp suất khí quyển 1psi (0.0703 at).

- Mức độ nguy hiểm do bức xạ nhiệt (cháy) chia thành ba cấp độ:

Vùng ký hiệu màu đỏ, ước tính phạm vi ảnh hưởng nặng nhất với cường độ bức xạ nhiệt lớn hơn 10 KW/m2, trong vùng này nếu không có trang bị bảo hộ phù hợp, con người sẽ chết trong vòng 60 giây.

Vùng ký hiệu màu cam, ước tính phạm vi có mức độ ảnh hưởng trung bình với cường độ bức xạ nhiệt từ 5 đến 10 KW/m2, trong vùng này nếu không có trang bị bảo hộ phù hợp, con người sẽ bị bỏng độ 2 trong vòng 60 giây.

Vùng ký hiệu màu vàng, ước tính phạm vi có mức độ ảnh hưởng nhẹ với cường độ bức xạ nhiệt từ 2 đến 5 KW/m2, trong vùng này nếu không có trang bị bảo hộ phù hợp, con người sẽ bị thương nhẹ trong vòng 60 giây.

III. PHÂN CẤP MỨC ĐỘ NGUY HIỂM CỦA SỰ CỐ HÓA CHẤT

Căn cứ vào phạm vi, mức độ nguy hiểm của các trường hợp sự cố hóa chất có thể xảy ra, phương án ứng phó được lập tương ứng với 3 cấp độ như sau:

1. Cấp 1 (cấp cơ sở)

Sự cố hóa chất xảy ra ở cơ sở, sự cố không lập tức gây nguy hại đối với tính mạng, tài sản, môi trường, sản xuất và kinh tế. Các tình huống này có thể kiểm soát được bởi các biện pháp xử lý tại chỗ. Trong trường hợp này chủ cơ sở phải tổ chức chỉ huy lực lượng của đội ứng phó sự cố hóa chất cấp cơ sở để triển khai thực hiện việc ứng cứu kịp thời.

Trường hợp sự cố hóa chất vượt quá khả năng của cơ sở, nguồn lực tại chỗ không đủ khả năng tự ứng cứu thì chủ cơ sở phải kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tỉnh. Chủ cơ sở xảy ra sự cố hóa chất chịu trách nhiệm chỉ huy hiện trường cho tới khi có lực lượng ứng cứu cấp tỉnh tiếp quản.

Các cơ sở có nguy cơ xảy ra sự cố ở mức độ này:

- Các sự cố tràn đổ hóa chất nhưng không cháy tại các đơn vị kinh doanh, sử dụng hóa chất trên địa bàn như: Axit, xút, Toluene, Butyl Acetat, Javen, Methanol, Ethanol, Methyl Isobuthyl Kentone, Sodium Carbonate, Hydrogen Peroxit.

- Sự cố tràn đổ, rò rỉ xăng dầu, LPG quy mô nhỏ dưới 200 kg.

2. Cấp 2 (cấp tỉnh/thành phố TW)

Trường hợp sự cố hóa chất gây nên những nguy hiểm nhất định đối với tính mạng, tài sản và môi trường (cháy, nổ nhỏ, nhiễm độc hóa chất...). Để kiểm soát được các tình huống này, ngoài việc triển khai các biện pháp ứng cứu bằng lực lượng ứng cứu của các đơn vị, cơ sở còn phải có sự phối hợp, hỗ trợ ứng cứu của các lực lượng, phương tiện sẵn có gần kề khu vực xảy ra sự cố theo các phương án đã thỏa thuận trước.

Trong trường hợp xảy ra vượt quá khả năng ứng cứu của cơ sở hoặc của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thì Ban Chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tỉnh tổ chức ứng cứu, đồng thời đề xuất huy động khẩn cấp nguồn lực cần thiết của các đơn vị hỗ trợ nhằm sớm ứng phó sự cố, tránh gây các hậu quả nghiêm trọng.

Các trường hợp có nguy cơ xảy ra sự cố ở mức độ này:

- Rò rỉ khí Ammonia, khí Clo, khí công nghiệp;

- Rò rỉ LPG;

- Sự cố tràn dầu hệ thống các cảng ven sông, ven biển;

- Sự cố cháy, nổ bồn chứa xăng, dầu; tràn đổ, rò rỉ các loại hóa chất như Axit, Xút, Methanol, Methyl Isobuthyl Kentone và các loại hóa chất ít nguy hại khác trên đường vận chuyển;

- Sự cố cháy, nổ tại các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu, cửa hàng kinh doanh gas; sự cố cháy nổ kho chứa VLNCN trữ lượng đến 5 tấn...

3. Cấp 3 (cấp quốc gia)

Trường hợp sự cố hóa chất gây nên mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với cuộc sống con người, môi trường hoặc có khả năng thiệt hại toàn bộ công trình (chết người, cháy lớn, nổ lớn...). Tình huống này có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc xuất phát từ các tình huống, sự cố thấp hơn do không kiểm soát được và phát triển theo xu hướng ngày càng xấu đi nghiêm trọng.

Khi mức độ nguy hiểm vượt quá khả năng ứng phó của Ban Chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tỉnh, UBND tỉnh kịp thời báo cáo để Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn trực tiếp chỉ đạo, Chính phủ và các các cơ quan liên quan phối hợp tổ chức ứng phó.

Các trường hợp có nguy cơ xảy ra sự cố ở mức độ này: Tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy sản xuất cồn, các trạm nạp khí vào chai; kho chứa xăng, dầu; kho chứa VLNCN trữ lượng từ 10 tấn trở lên.

Bảng phân loại tình huống và đơn vị xử lý

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp đối với công tác phòng ngừa sự cố hóa chất

a) Giải pháp về quy hoạch sử dụng đất

Nguyên tắc chung để xác định khoảng cách an toàn từ các công trình hóa chất đến khu vực dân cư sinh sống của hầu hết các nước có công nghiệp hóa chất phát triển là dựa vào các phương pháp đánh giá rủi ro hóa chất.

Đánh giá rủi ro hóa chất sẽ phụ thuộc vào bản chất nguy hại của hóa chất và lượng hóa chất có chứa tại thời điểm đang xem xét và khoảng cách từ nơi có hóa chất đến các đối tượng nhạy cảm (con người, thiết bị, môi trường).

Khi đã định lượng được rủi ro, thì cần tính đến mức rủi ro mà một đối tượng có thể chấp nhận được và mức rủi ro này được dùng để quy hoạch sử dụng đất liên quan đến các công trình nguy hiểm.

b) Giải pháp quản lý nhà nước và nâng cao năng lực ứng phó sự cố hóa chất

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn các Văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc phòng ngừa các sự cố hóa chất, đặc biệt là đối với các hóa chất nguy hiểm trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất;

- Đẩy mạnh công tác quản lý các hoạt động liên quan đến lĩnh vực hóa chất trên địa bàn tỉnh, bao gồm:

+ Sản xuất hóa chất;

+ Kinh doanh hóa chất;

+ Sử dụng hóa chất;

+ Vận chuyển hóa chất trên địa bàn tỉnh;

+ Tổ chức kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất;

+ Tổ chức đào tạo, huấn luyện về kỹ thuật an toàn hóa chất;

+ Tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất;

- Xây dựng, thiết kế hệ thống phần mềm quản lý số hóa bản đồ khoanh vùng ảnh hưởng, phân bố lực lượng tham gia ứng phó sự cố hóa chất và mô tả phạm vi ảnh hưởng và bố trí trang thiết bị, nguồn lực khác ứng cứu khi sự cố xảy ra để thuận lợi trong công tác chỉ đạo ứng phó;

- Tổ chức Hội thảo giới thiệu về Hệ thống hài hòa toàn cầu về ghi nhãn hóa chất và Thông tư số 04/2012/TT-BCT cho cán bộ phụ trách an toàn các Công ty và những cán bộ làm việc tại các Sở, ban, ngành có liên quan. Nội dung cụ thể:

+ Phân loại hóa chất theo các nguy hại vật lý;

+ Phân loại hóa chất theo các nguy hại tới sức khỏe con người;

+ Phân loại hóa chất theo các nguy hại tới môi trường;

+ Hướng dẫn việc bao gói và ghi nhãn hóa chất;

+ Hướng dẫn xây dựng phiếu an toàn hóa chất;

- Rà soát, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị lập Kế hoạch hoặc Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất;

- Lập kế hoạch trình Ban Chỉ đạo đầu tư kinh phí mua sắm phương tiện chuyên dùng, trang thiết bị bảo hộ cá nhân khi xử lý sự cố hóa chất.

c) Giải pháp từ phía các doanh nghiệp

- Thực hiện các quy định về khai báo hóa chất, lập và lưu giữ phiếu an toàn hóa chất; xây dựng Biện pháp hoặc Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất phù hợp với quy mô, điều kiện sản xuất và đặc tính của hóa chất; đảm bảo tốt nhất khả năng phòng ngừa và ứng phó khi xảy ra sự cố hóa chất;

- Kiểm tra, thực hiện và khắc phục các điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm;

- Tổ chức và tham gia đầy đủ các khóa huấn luyện về Kỹ thuật an toàn hóa chất theo đúng quy định;

- Trang bị đầy đủ các thiết bị bảo vệ cá nhân, ứng phó sự cố theo yêu cầu của Hội đồng Thẩm định Kế hoạch và Đoàn kiểm tra, xác nhận Biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố. Khi có thay đổi quy mô, vị trí sản xuất, kinh doanh ảnh hưởng đến nội dung bản Kế hoạch hoặc Biện pháp cần thông báo, xin ý kiến đơn vị thẩm định, xác nhận;

- Thông báo, phối hợp diễn tập với các cơ sở xung quanh đặc biệt là các cơ sở nằm trong phạm vi chịu tác động của sự cố hóa chất của Công ty;

- Thực hiện đầy đủ trách nhiệm báo cáo theo các quy định của văn bản pháp luật về quản lý hóa chất.

2. Giải pháp đối với công tác ứng phó sự cố hóa chất

Xây dựng các kịch bản sự cố hóa chất có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

2.1- Kịch bản tràn đổ, rò rỉ Axit Clohydric (HCl) tại các cơ sở sử dụng

a) Sự cố có thể xảy ra:

- Trong quá trình thao tác vận hành có sơ suất, sai sót để văng bắn hóa chất vào người;

- Trong khi nhập các loại hóa chất do thao tác không đảm bảo quy định về an toàn dẫn đến xảy ra sự cố, ví dụ như: Khi hạ các phuy axit từ phương tiện vận chuyển xuống, nếu không cẩn thận sẽ bị đổ vào người, nắp phuy có thể bị bung làm văng bắn axit ra xung quanh.

Khi xảy ra các sự cố trên thì ở một mức độ nhất định có thể gây thương tích cho người và hư hại tài sản, máy móc thiết bị,...

b) Các biện pháp phòng ngừa:

- Axit Clohidric phải được chứa đựng trong các phuy nhựa chuyên dụng, có khả năng chống ăn mòn cao, có nắp đậy chặt, chắc chắn, chịu được va đập, có đầy đủ nhãn sản phẩm, phiếu an toàn hóa chất và được vận chuyển bằng xe chuyên dụng.

- Bảo quản: Tránh ánh nắng mặt trời, không lưu trữ cùng các chất kiềm, không trộn cùng các loại axit hoặc chất hữu cơ. Khi hòa tan, luôn tuân thủ thêm HCl vào nước chứ không bao giờ được làm ngược lại. Không tẩy rửa để sử dụng thùng chứa vào mục đích khác. Xung quanh thiết bị, kho chứa phải có bờ chắn bằng vật liệu chịu axit để phòng khi bị rò rỉ không bị chảy lan.

Quá trình vận chuyển và bảo quản hóa chất luôn yêu cầu phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật tại Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 09/11/2009 của Chính phủ “Quy định danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ” và Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5507:2002 Hóa chất nguy hiểm - Quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển.

c) Một sbiện pháp xử lý khi xảy ra sự cố:

HCl khi phát tán vào môi trường thì chủ yếu ảnh hưởng đến nước ngầm, tuy nhiên, những ảnh hưởng tức thời của nó đối với con người (tác động xấu đến mắt, da và đường hô hấp) là rất nguy hiểm. Vì vậy, để ngăn chặn sự tiếp xúc của hóa chất với người trực tiếp xử lý sự cố thì cần có trang bị bảo hộ lao động và thiết bị chuyên dùng cho người lao động, phun nước để giải tán hơi hóa chất bảo vệ người lao động đồng thời tránh tình trạng nồng độ hóa chất trong không khí vượt quá giới hạn cháy nổ có thể cháy nổ gây thiệt hại về người và tài sản, cụ thể:

- Khi tràn đổ, rò rỉ ở mức nhỏ: Thông gió diện tích tràn đổ hóa chất, cách ly mọi nguồn đánh lửa, trang bị bảo hộ lao động đầy đủ trước khi tiến hành xử lý, hấp thụ hóa chất tràn đổ bằng chất liệu trơ (như cát hoặc đất) sau đó đựng trong thùng chứa chất thải kín;

- Khi tràn đổ, rò rỉ lớn ở diện rộng: Thông gió khu vực rò rỉ hoặc tràn, hủy bỏ tất cả các nguồn lửa, mang thiết bị phòng hộ cá nhân phù hợp, cô lập khu vực tràn đổ, nghiêm cấm người không có nhiệm vụ vào khu vực tràn đổ hóa chất. Hấp thụ hóa chất tràn đổ bằng chất liệu trơ (như cát hoặc đất), không sử dụng chất liệu dễ cháy (như mùn cưa), sau đó đựng trong thùng chứa chất thải kín. Nước rửa làm sạch khu vực tràn đổ rò rỉ không được xả ra hệ thống thoát nước chung. Phun nước để giải tán hơi hóa chất bảo vệ nhân viên trong khi xử lý rò rỉ hạn chế tiếp xúc với hóa chất. Sử dụng dụng cụ và thiết bị không phát ra tia lửa.

2.2- Kịch bản tràn đ, rò rXút (NaOH) tại các cơ sở sử dụng

a) Sự cố có thể xảy ra: Thất thoát, rò rỉ và thâm nhập NaOH vào môi trường gây ra những ảnh hưởng đến môi trường đất, không khí và môi trường nước.

b) Biện pháp phòng ngừa:

- Bao bì chứa phải làm từ vật liệu chịu kiềm và bền đối với va đập, như: sắt, nhựa cứng; có nắp đậy kín, trước khi dùng thùng chứa phải cọ rửa thật sạch nếu trước đó đã chứa loại hóa chất khác. Trong quá trình nhập kho, cần kiểm tra kỹ bao bì, phuy can chứa đựng để đảm bảo không có hiện tượng nứt vỡ thùng chứa, rách thủng bao bì, tránh hiện tượng rò rỉ tràn đổ. Nếu phát hiện có hiện tượng nứt vỡ, rách thủng thì phải để riêng và xử lý trước khi cho nhập kho;

- Để tránh hiện tượng tràn, đổ, rò rỉ hóa chất trong kho bảo quản phải sắp xếp các loại hóa chất ngay ngắn và theo từng khu vực riêng. Không có hiện tượng xếp chồng lên nhau hoặc xếp cao quá chiều cao quy định có thể gây nghiêng đổ (các thùng phuy, can khi xếp chồng không quá 2 lớp, chiều cao của các lô hàng không quá 2 m, lối đi giữa các lô hàng hóa tối thiểu là 1,5 m). Từng lô hàng được đánh dấu và ghi bảng tên trên tường để thuận tiện cho việc kiểm tra và giám sát.

c) Một số biện pháp xử lý khỉ xảy ra sự cố:

- Khi tràn đổ, dò rỉ ở mức nhỏ: Thông gió diện tích tràn đổ hóa chất, thu hồi hóa chất tràn đổ vào thùng chứa chất thải hóa học kín;

- Khi tràn đổ, dò rỉ lớn ở diện rộng: Thông gió khu vực rò rỉ hoặc tràn, mang thiết bị phòng hộ cá nhân phù hợp, cô lập khu vực tràn đổ, nghiêm cấm người không có nhiệm vụ vào khu vực tràn đổ hóa chất. Thu hồi hóa chất tràn đổ và chứa trong thùng chứa chất thải hóa học kín. Sử dụng phương pháp thu hồi không tạo ra bụi hóa chất. Không rửa mặt bằng tràn đổ hóa chất bằng nước và không xả ra hệ thống thoát nước chung. Lượng hóa chất tràn đổ không thu hồi được thì pha loãng với nước và trung hòa bằng axit loãng như Axit Acetic, Axit Sulfuric hoặc Axit Clohydric. Hấp thụ dung dịch sau trung hòa bằng chất liệu trơ (như cát hoặc đất), sau đó đựng trong thùng chứa chất thải kín.

2.3- Kịch bản sự cố bồn chứa NH3 hóa lỏng

a) Sự cố có thể xảy ra:

- Rò rỉ amoniac tại bình cầu; khi nạp amoniac từ xe bồn vào bình cầu;

- Nổ bồn chứa amoniac.

b) Biện pháp phòng ngừa:

- Có đê bao quanh khu vực bồn chứa Amoniac;

- Luôn dự trữ một lượng cát lớn để ngăn hoặc đào hố thu NH3 lỏng để giảm khả năng NH3 lỏng tràn rộng ra các khu vực, hạn chế sự bốc hơi NH3;

- Tại các vị trí có nguy cơ rò rỉ NH3 cần phải có hệ thống cảnh báo, và có các phương tiện xử lý sự cố, cấp cứu (nước, bình bọt, v.v.);

- Bồn chứa phải đạt các yêu cầu chung về chế tạo, lắp đặt, sửa chữa các bình áp lực: Đạt các yêu cầu về chế độ kiểm định kỹ thuật, vận hành theo đúng nguyên tắc an toàn; đạt các yêu cầu chung về các dụng cụ kiểm tra, đo lường, cơ cấu an toàn và phụ tùng kèm theo (áp kế, cơ cấu an toàn, các dụng cụ đo...) và phải tiến hành định kỳ kiểm định các dụng cụ này theo quy định;

- Có hệ thống quạt thông gió và dùng nước phun mưa toàn bộ hệ thống để hòa tan và pha loãng NH3.

c) Một s biện pháp xử lý khi xảy ra sự cố:

- Sơ tán dân cư khỏi khu vực ảnh hưởng của khí độc đến tập trung tại các địa điểm công cộng: Trường học, cơ quan nơi chắc chắn không bị ảnh hưởng bởi khí độc, đồng thời chặn các tuyến đường nhỏ;

- Đối với các đám cháy nhỏ sử dụng hóa chất khô hoặc carbon dioxide;

- Đối với đám cháy lớn sử dụng vòi phun nước, sương mù, hoặc bình bọt thông thường. Di chuyển các thùng chứa khỏi khu vực cháy nếu có thể làm mà chắc chắn không gặp rủi ro. Tránh để nước vào trong thùng chứa. Các thùng chứa hư hỏng cần chỉ được xử lý khi có chuyên gia;

- Đối với các thùng chứa nằm trong khu vực có đám cháy, dập lửa từ một khoảng cách lớn nhất có thể hoặc sử dụng vòi phun được điều khiển tự động. Lưu ý hiện tượng đóng băng có thể xuất hiện tại nguồn rò rỉ, nước thải từ việc chữa cháy có thể gây ô nhiễm. Vì vậy, nên kiểm soát và xử lý nước thải sau sự cố.

2.4- Kịch bản rò rỉ Clo trong xử lý nước cấp

a) Sự cố có thể xảy ra:

Rò rỉ từ thiết bị châm Clo, từ các mối nối, từ các gioăng đệm, từ thao tác, từ hỏa hoạn.

b) Biện pháp phòng ngừa:

- Khi bốc xếp các bình chứa Clo lỏng lên xuống xe ô tô phải dùng tời hoặc cần cẩu nhỏ. Nghiêm cấm việc lăn bình cho rơi tự do xuống khỏi xe;

- Các bình xếp trên xe phải được kê chèn chắc chắn. Phải có biện pháp thích hợp để chống lăn bình, đổ bình các van của bình phải xếp quay về 01 phía, không xếp các bình chồng lên nhau;

- Trên xe nhất thiết phải có 02 người đi theo hàng trong quá trình vận chuyển và phải luôn có đầy đủ dụng cụ: Cờ lê, mỏ lết, mặt nạ phòng độc... để giải quyết sự cố khi cần thiết. Xe chở bình chứa Clo lỏng phải đảm bảo thoáng mát, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào bình;

- Không chở Clo chung với bất kỳ loại hàng hóa nào khác; không được đỗ xe có chở Clo lỏng ở những nơi đông người;

- Thường xuyên kiểm tra các bình chứa Clo, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật khi sử dụng Clo trong xử lý nước.

c) Một số biện pháp xử khi xảy ra sự cố:

- Trong trường hợp phát hiện rò rỉ Clo, công nhân vận hành phải đeo mặt nạ phòng độc, mũ, quần áo bảo hộ, kính an toàn, găng tay bảo vệ và bình thở oxi để xử lý. Nếu bị nhiễm khí Clo cần lập tức đưa người bệnh ra chỗ thoáng mát, nới rộng quần áo và kịp thời đưa đến cơ sở y tế gần nhất, tuyệt đối không làm hô hấp nhân tạo vì làm như vậy sẽ gây tổn thương về phổi;

- Tại các Nhà máy cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh hiện nay, phần lớn xử lý sự cố rò rỉ Clo bằng hệ thống giàn phun nước lắp đặt trong kho chứa Clo. Tuy nhiên hiện nay có rất nhiều phương pháp để xử lý rò rỉ Clo, điển hình một số phương pháp như sau:

- Xử lý rò rỉ Clo bằng giàn phun mưa: Khi đó một lượng lớn axit HCl yếu sẽ phát tán ra ngoài môi trường làm ảnh hưởng không nhỏ đến xung quanh. Việc xử lý một lượng nước lớn axit yếu này gây hậu quả tốn kém;

- Xử lý rò rỉ Clo bằng dung dịch nước vôi: Một số nhà máy nước hiện nay áp dụng biện pháp này khi cho xây dựng ngay dưới nhà trạm Clo một thùng vôi lớn. Trong trường hợp Clo rò rỉ, van an toàn được mở ra và toàn bộ bình Clo đang rò lập tức được đánh tụt xuống thùng vôi và chờ xử lý tiếp;

- Xử lý rò rỉ Clo bằng tháp trung hòa Clo: Đây được coi là một trong các biện pháp tối ưu hiện nay và đang được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới.

2.5- Kịch bản sự cố nhóm sản xuất, kinh doanh xăng, dầu

a) Sự cố có thể xảy ra:

- Sự cố rò rỉ, tràn đổ xăng, dầu, xảy ra cháy;

- Sự cố nổ Bleve các bồn chứa xăng/dầu.

b) Biện pháp phòng ngừa:

- Thường xuyên kiểm tra rò rỉ xăng dầu trên toàn bộ hệ thống như bể chứa, đường ống dẫn, các cụm van, các thiết bị để có thể khắc phục kịp thời. Định kỳ cân chỉnh, kiểm tra các thiết bị như: van an toàn, van hồi lưu, áp kế, lưu lượng kế;

- Trang bị sẵn sàng các bộ dụng cụ ứng phó cơ động sự cố tràn đổ xăng dầu, đập chặn và thu hồi chuyên dụng để khống chế không cho xăng dầu tràn lan rộng;

- Các nhà và công trình có sử dụng ngọn lửa trần phải cách các điểm có nguy cơ rò rỉ, tràn, phát tán hơi xăng dầu ít nhất 30m;

- Thực hiện đầy đủ các quy định về PCCC được cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt.

c) Một số giải pháp ng phó khẩn cấp:

Khi sự cố xảy ra, thực hiện một số giải pháp ứng phó khẩn cấp sau:

- Đóng, khóa, tắt điện tại mọi nguồn xăng, dầu của kho; cô lập, khoanh vùng cách ly ban đầu, bán kính đến 1000 m (tùy thực tế sự cố) và loại bỏ toàn bộ các nguồn gây cháy trong vùng cách ly;

- Sử dụng các phương tiện chuyên dụng có khả năng hút chất lỏng (xe bồn xe cứu hỏa, xe hút vệ sinh, xe tiêu tẩy trong quân đội, bơm hút xăng, dầu, gàu, xô, chậu...) thu hồi xăng, dầu trong khu vực đê bao vào thiết bị chứa, hạn chế sự bay hơi của nhiên liệu. Lượng nhiên liệu thu hồi này sẽ được tách loại các tạp chất và sử dụng lại.

Trong trường hợp bị tràn ra ngoài đê bao, đắp đê bằng các phao quây dầu/hóa chất chuyên dụng, hoặc tương đương để ngăn chặn lan tỏa. Sử dụng các phương tiện tạo kênh, rãnh, hố, hoặc tạo các vật cản, điều hướng dòng chảy vào các hố lưu giữ, khu vực trũng, vũng sâu, kênh... để dễ thu hồi, ngăn không cho chảy vào các nguồn nước, hệ thống cống rãnh, khu vực dân sinh;

- Tổ chức sơ tán nhân viên không liên quan ra khỏi khu sự cố;

- Triển khai hệ thống cứu hỏa cố định của cơ sở, hệ thống làm mát cho các bồn chứa trong khu đê bao và các thiết bị, nhà xưởng bên ngoài khu sự cố để làm giảm nguy cơ cháy lan;

- Thực hiện các biện pháp chữa cháy theo phương án của lực lượng PCCC&CHCN của tỉnh, tập trung chủ yếu là đám cháy lớn trong khu vực đê bao.

2.6- Kịch bản sự cố liên quan đến khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG)

a) Sự cố có thể xảy ra:

Sự cố rò rỉ, cháy nổ kho chứa gas có thể xảy ra bất cứ vị trí nào trong toàn bộ hệ thống công nghệ nhập/xuất và bất kỳ thời gian nào trong ngày. Các tình huống nổ bồn, bình, đường ống LPG nếu xảy ra sẽ rất nguy hiểm.

b) Các biện pháp phòng ngừa:

- Trang bị đầy đủ, đúng chủng loại các thiết bị của hệ thống công nghệ và các thiết bị giám sát;

- Lập kế hoạch và thực hiện kiểm tra thường xuyên và định kỳ tất cả các thiết bị theo đúng quy định nhà nước, hướng dẫn của nhà sản xuất. Đặc biệt cần có kế hoạch thực hiện việc kiểm tra các trang thiết bị điện bao gồm cả điện động lực và điện chiếu sáng để ngăn chặn các khả năng chập điện trong các động cơ, trên dây dẫn qua các khu vực nguy hiểm;

- Sửa chữa ngay tất cả các thiết bị khi phát hiện hư hỏng. Tuyệt đối không vận hành hệ thống tại khu vực có phát hiện hư hỏng mà chưa có biện pháp bổ sung ngăn ngừa sự cố hữu hiệu;

- Giải pháp phòng ngừa đối với yếu tố con người:

+ Công nhân tuyển dụng làm việc tại kho phải đủ sức khoẻ, được đào tạo cơ bản về lĩnh vực công việc mình được phân công cũng như có kiến thức cơ bản về LPG;

+ Khi nhận việc, công nhân phải được biết rõ về các mối hiểm nguy có thể gặp phải trong công việc mình sắp làm và các biện pháp ngăn ngừa, phòng tránh, ứng phó với các mối hiểm nguy đó;

+ Hướng dẫn công nhân chi tiết bằng văn bản những quy trình cần thực hiện khi làm việc. Chỉ những công nhân đã qua đào tạo và kiểm tra đủ tiêu chuẩn mới được làm các công việc có yêu cầu cao về an toàn và kiến thức kỹ thuật;

+ Khi làm việc, tất cả công nhân phải được trang bị và sử dụng đúng chủng loại bảo hộ lao động.

- Giải pháp phòng ngừa đối với yếu tố hệ thống:

+ Xây dựng và hoàn thiện toàn bộ hệ thống quy trình, hướng dẫn chi tiết cho từng loại công việc;

+ Có kế hoạch kiểm tra, kiểm soát và thực hiện việc kiểm tra kiểm soát như nêu trong phần giải pháp thiết bị trên;

+ Tổ chức đào tạo huấn luyện phòng ngừa ứng phó sự cố khẩn cấp nói chung và sự cố hóa chất nói riêng;

+ Tổ chức giáo dục ý thức làm việc an toàn cho người lao động;

+ Bố trí nhân lực phù hợp yêu cầu công việc;

+ Tổ chức kiểm tra sức khoẻ, xây dựng chế độ làm việc, nghỉ ngơi và nghỉ dưỡng cho người lao động ít nhất cũng theo quy định nhà nước (nếu không có điều kiện tốt hơn);

+ Tổ chức cho tất cả cán bộ nhân viên làm việc trực tiếp với hóa chất phải tham gia các khóa đào tạo về hóa chất để đảm bảo mọi cán bộ nhân viên này có chứng chỉ đào tạo an toàn hóa chất.

c) Một s biện pháp xử lý khi xảy ra sự cố:

- Cấp cơ sở: Trường hợp tai nạn sự cố nhỏ không lập tức gây nguy hại đối với tính mạng, tài sản và môi trường. Các tình huống này có thể kiểm soát được bởi các biện pháp xử lý tại chỗ. Chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm huy động nguồn lực ứng cứu của đơn vị (đội ứng phó sự cố hóa chất cấp cơ sở) và thực hiện các biện pháp xử lý.

Các tình huống cấp cơ sở gồm các tình huống sau hoặc mức độ tương tự các tình huống sau:

+ Rò rỉ khí nhỏ từ các mối nối đường ống, bồn chứa với các thiết bị, các rò rỉ nhỏ từ gioăng đệm trên các máy bơm, máy nén mà mắt thường có thể phát hiện hoặc phải dùng bọt xà phòng mới phát hiện được;

+ Xì chai đang hoặc đã nạp;

+ Tuột ống mềm nối với tàu, ống mềm nạp cho xe bồn nhưng không bắt lửa;

+ Gãy ống hàng lỏng, hơi kích thước nhỏ dưới 2” không kèm theo cháy;

+ Va quệt xe bồn, xe chở bình trong khu vực kho nhưng không gây cháy nổ;

+ Cháy nhỏ, xa khu vực đường ống công nghệ, bồn chứa;

+ Cháy trong khu vực nhà văn phòng, nhà xe, trên bãi trống được phát hiện kịp thời dễ dàng khống chế bằng các dụng cụ chữa cháy cầm tay;

+ Sét đánh gần khu vực kho không gây cháy;

+ Cháy nổ nhỏ ở các đơn vị xung quanh chưa trực tiếp ảnh hưởng đến kho.

+ Công nhân bị bỏng lạnh, choáng do khí.

- Cấp khu vực: Trường hợp sự cố gây nên những mối nguy hiểm nhất định đối với tính mạng, tài sản và môi trường. Để có thể kiểm soát các tình huống này và ngoài sự kiểm soát của đội ứng phó sự cố hóa chất cấp cơ sở cần phải có sự phối hợp, chỉ đạo ứng cứu của chính quyền địa phương, các đơn vị có lực lượng, phương tiện sẵn có gần kề khu vực xảy ra sự cố theo phương án đã thỏa thuận trước.

Các tình huống sự cố cấp khu vực bao gồm các tình huống sau hoặc mức độ tương tự các tình huống sau:

+ Rò rỉ lớn trên đường ống nhập hay trên bồn như: Xì bồn do van an toàn hỏng, gãy ống nhập... và hậu quả là một lượng lớn khí thoát ra không khí;

+ Cháy gần bồn, đường ống công nghệ, trạm bơm, trạm nạp LPG vào chai có nguy cơ cháy lan vào các khu vực đó;

+ Sét đánh thẳng lên khu vực kho;

+ Đâm va xe bồn, xe chở bình vào hệ thống công nghệ của kho;

+ Cháy nổ từ bên ngoài sát tường kho có nguy cơ cháy lan sang kho;

+ Công nhân bị thương nặng hay tử vong do tai nạn lao động hay do tiếp xúc LPG.

- Cấp quốc gia: Sự cố hóa chất cấp quốc gia là sự cố vượt quá khả năng ứng phó của các tỉnh, thành và có tác động đặc biệt nghiêm trọng. Khi xảy ra sự cố Ban Chỉ đạo ứng phó sự cố hóa chất tỉnh Thanh Hóa chỉ huy ứng cứu đồng thời báo cáo để Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ứng phó.

Các tình huống sự cố cấp quốc gia bao gồm các tình huống sau hoặc mức độ tương tự các tình huống sau:

+ Cháy nổ trong kho và có nguy cơ lan truyền sang các kho khác;

+ Cháy nổ hay đổ vỡ tràn LPG từ các bồn do hậu quả của thiên tai không kiểm soát được.

2.7- Kịch bản sự cố nổ kho chứa VLNCN

a) Các nguyên nhân có thể xảy ra sự cố

- Do sơ xuất để xảy ra cháy dẫn đến nổ kho chứa VLNCN;

- Do các phần tử xấu đột nhập vào kho gây cháy nổ;

- Do các thế lực thù địch tấn công nhằm vào nhà kho.

b) Phương án ứng phó

- Lực lượng ứng phó sự cố hóa chất tại cơ sở thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công như trong bản Kế hoạch đã được phê duyệt của cơ sở;

- Sơ tán dân cư khỏi khu vực ảnh hưởng của khí độc đến tập trung tại các địa điểm công cộng: Trường học, cơ quan nơi chắc chắn không bị ảnh hưởng bởi khí độc, đồng thời chặn các tuyến đường nhỏ;

- Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, chặn các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, không cho người không có nhiệm vụ di chuyển về khu vực xảy ra sự cố để đảm bảo cho công tác ứng phó sự cố hóa chất;

- Phân bổ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp và các lực lượng chữa cháy hỗ trợ sao cho phù hợp với tình hình thực tế;

- Xử lý khí độc, cứu người theo chỉ đạo của chỉ huy, tiêu tẩy hiện trường, lập điểm làm sạch người, thiết bị ra khỏi vùng đỏ;

- Kiểm tra sức khỏe toàn bộ người đưa ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng, đặt điểm sơ cứu hiện trường;

- Giám sát nồng độ hóa chất tại vành đai cách ly, báo cáo ngay cho Trưởng Ban khi nồng độ đạt 80% AEGL-2.

2.8- Kịch bản xảy ra sự cố khi vận chuyển hóa chất

a) Sự cố có thể xảy ra:

Sự cố rò rỉ, cháy nổ hóa chất trên đường vận chuyển.

b) Phương án ứng phó như sau

- Cô lập xung quanh khu vực xảy ra sự cố với bán kính là 100m (tùy theo sự cố xảy ra), khu vực cần giám sát, bảo vệ người dân có chiều dài là 3 km tính từ tâm vị trí xảy ra sự cố và chiều rộng là 3 km tính từ tâm vị trí xảy ra sự cố về hai phía;

- Dùng bình xịt nước làm mát thùng chứa. Dập tắt đám cháy bằng cách sử dụng các vật liệu phù hợp;

- Trường hợp xảy ra cháy: Dập tắt đám cháy bằng cách sử dụng vật liệu không cháy hoặc khó cháy; làm mát tất cả các bình chứa bằng một lượng nước lớn; phun nước từ xa nếu có thể;

Trong quá trình ứng cứu cần sử dụng bình dưỡng khí với chế độ áp suất dương phù hợp và mặt nạ kín mặt;

- Trường hợp không xảy ra cháy: Có nguy cơ phát sinh khí độc. Ngăn chặn phát thải dòng khí nếu có thể. Mang kính bảo hộ, bình dưỡng khí, và quần áo bảo hộ bằng cao su (kể cả găng tay).

Vận chuyển hóa chất bằng đường bộ hay đường thủy luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất. Các biện pháp xử lý đối với từng hóa chất cụ thể cần phải tham khảo kỹ trong Phiếu an toàn hóa chất (MSDS). MSDS là giấy tờ bắt buộc và luôn sẵn có trong quá trình vận chuyển.

Khu vực phải cách ly hoàn toàn và khu vực cần theo dõi giám sát trong trường hợp rò rỉ hoặc hóa chất phát sinh khi xảy ra sự cố trên đường vận chuyển liên quan đến một số loại hóa chất phổ biến được sử dụng trên địa bàn tỉnh được tính toán và tổng hợp trong Bảng dưới đây:

2.9- Kế hoạch phối hợp của lc lượng bên trong với lực lượng bên ngoài

- Với sự cố cấp cơ sở: Đội ứng phó cơ sở có thể giải quyết thì chỉ thông tin trong nội bộ để triển khai công tác ứng phó và các cá nhân không có trách nhiệm sẽ di tản theo hướng thoát nạn đã được quy định;

- Với sự cố cấp khu vực: Ngoài việc doanh nghiệp triển khai các biện pháp ứng cứu tại chỗ, đồng thời doanh nghiệp phải báo cáo với Công an PCCC, Bệnh viện tuyến huyện nơi gần nhất, chính quyền địa phương (cấp huyện, cấp xã, Ban quản lý KCN...), UBND tỉnh, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội để hỗ trợ trong công tác ứng phó sự cố.

- Với sự cố cấp quốc gia: Ngoài công tác triển khai ứng cứu sự cố cấp khu vực còn phải báo cáo với các Bộ, ban, ngành Trung ương như Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.

Khi sự cố vượt quá sự kiểm soát của doanh nghiệp, doanh nghiệp phải liên hệ với Ban Chỉ đạo ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh để được điều động các lực lượng bên ngoài hỗ trợ trong việc ứng cứu và xử lý sự cố hóa chất.

Căn cứ vào quy chế phối hợp ứng phó sự cố hóa chất, các cơ quan, ban, ngành, các lực lượng liên quan triển khai các phương án ứng cứu cụ thể (dưới sự điều động, chỉ huy của Ban Chỉ đạo ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh).

2.10- Quy trình ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh

Giai đoạn 1: Tiếp nhận và xử lý thông tin

Tổ chức, cá nhân phát hiện sự cố ngay lập tức báo cho Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh theo số điện thoại 114. Cung cấp chi tiết nhất các thông tin có thể quan sát được, cụ thể về:

- Vị trí xảy ra sự cố;

- Số lượng và chủng loại hóa chất;

- Tình trạng hiện tại: rò rỉ, tràn đổ, cháy...;

- Số nạn nhân quan sát được.

Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thông báo cho Thường trực Ban Chỉ đạo là Sở Công Thương.

Giai đoạn 2: Huy động các lực lượng tham gia và tiến hành ứng phó sự cố hóa chất

Sở Công Thương có trách nhiệm thông tin đầy đủ cho các cơ quan liên quan để triển khai kế hoạch ứng cứu theo các phân cấp mức độ nguy hiểm, đồng thời thông báo và tham vấn ý kiến Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Công Thương và đề nghị hỗ trợ khi cần thiết.

Các đơn vị thực hiện nhiệm vụ cụ thể của ngành đã được phân công trong Kế hoạch ứng phó, đảm bảo an toàn cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban Chỉ đạo yêu cầu.

Chủ cơ sở xảy ra sự cố hóa chất có trách nhiệm cung cấp thông tin và hợp tác với lực lượng chức năng khi triển khai ứng phó sự cố hóa chất xảy ra tại đơn vị. Trong trường hợp nguồn nguy cơ vô chủ, UBND phường, xã nơi xảy ra sự cố hóa chất có trách nhiệm cung cấp thông tin về địa hình và các phương án tiếp cận nơi xảy ra sự cố.

Trong trường hợp cần thiết, Ban chỉ đạo tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh trưng dụng phương tiện, tài sản của tổ chức, cá nhân phục vụ công tác ứng phó sự cố tại hiện trường.

Suốt quá trình triển khai thực hiện kế hoạch ứng phó, mọi thông tin phải được báo cáo thường xuyên và xin ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban Chỉ đạo hoặc Thường trực Ban Chỉ đạo (nếu được ủy quyền).

Giai đoạn 3: Kết thúc hoạt động ứng phó sự cố hóa chất và khắc phục hậu quả môi trường

Sau khi quá trình ứng phó sự cố tại hiện trường đã đảm bảo xử lý hoàn toàn sự cố, Thường trực Ban Chỉ đạo báo cáo Trưởng Ban để tuyên bố kết thúc quá trình ứng phó.

Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành công tác kiểm soát chất lượng môi trường, khắc phục sự cố môi trường. Sau khi xử lý, khắc phục sự cố, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thông báo cho Trưởng Ban Chỉ đạo về hiện trạng môi trường đã trở lại an toàn để xem xét kết thúc hoạt động ứng cứu, thông báo cho các cơ sở, người dân trở lại hoạt động bình thường.

Giai đoạn 4: Báo cáo và đánh giá

Công an tỉnh tiến hành điều tra nguyên nhân gây ra sự cố, nếu có dấu hiệu hình sự thì tiến hành lập hồ sơ truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chủ cơ sở xảy ra sự cố hóa chất có trách nhiệm báo cáo về Ban Chỉ đạo nguyên nhân gây ra sự cố, tình hình thiệt hại, kế hoạch khắc phục sự cố tại cơ sở, phương án đền bù thiệt hại cho các cơ sở xung quanh, bồi thường chi phí cho việc ứng phó sự cố và khắc phục hậu quả sau ứng phó sự cố hóa chất tại cơ sở.

Các cơ quan thành viên báo cáo những hoạt động đã thực hiện của đơn vị mình (về quân số, phương tiện, thiệt hại, các biện pháp đã triển khai...) về Thường trực Ban Chỉ đạo. Thường trực Ban Chỉ đạo lập báo cáo tổng hợp, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo và cơ quan cấp trên có liên quan.

Ban Chỉ đạo tổ chức họp đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình ứng phó sự cố và thông cáo báo chí.

Quy trình thông tin liên lạc

3. Trách nhiệm và chế phối hợp chỉ đạo ứng phó sự cố hóa chất

3.1- Nguyên tắc chung

- Các cơ quan chủ động thực hiện công việc trong chức năng, quyền hạn của mình dưới sự điều hành của Trưởng Ban Chỉ đạo ứng phó sự cố hóa chất tỉnh;

- Các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm hằng năm cập nhật danh sách cán bộ được đào tạo, huấn luyện về ứng phó sự cố hóa chất, gửi về Ban Chỉ đạo; chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho cán bộ tham gia ứng phó sự cố hóa chất, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo nếu không đảm bảo điều kiện an toàn trước khi tham gia ứng phó sự cố;

- Hằng năm, Ban Chỉ đạo họp ít nhất 01 lần vào cuối năm để rà soát tình hình an toàn hóa chất trên địa bàn, các bài học rút ra từ các sự cố hóa chất đã xảy ra trên địa bàn, thống nhất kế hoạch hoạt động cho năm tiếp theo về nâng cao năng lực ứng phó, các đối tượng tập trung quản lý;

- Tùy theo tình hình cụ thể, Trưởng Ban hoặc các thành viên có thể đề nghị họp bất thường.

3.2- Trách nhiệm cụ thể

a) Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh

- Trực tiếp nhận thông tin, thông báo cho Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo;

- Huy động lực lượng, sử dụng trang thiết bị bảo vệ cá nhân phù hợp trực tiếp tiến hành xử lý sự cố tại hiện trường;

- Trong trường hợp sự cố cấp quốc gia hoặc các tình huống bất ngờ có thể huy động tất cả các lực lượng ứng cứu trên địa bàn tỉnh, báo cáo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Bộ Công an xin chi viện lực lượng, phương tiện phòng cháy chữa cháy từ các địa phương lân cận.

b) Công an tỉnh

- Huy động các lực lượng Cảnh sát cơ động, Công an khu vực và các lực lượng khác của địa phương sơ tán toàn bộ người dân trong vùng cách ly ban đầu theo yêu cầu của UBND tỉnh;

- Thiết lập vành đai an toàn, kiểm soát an ninh khu vực xảy ra sự cố và khu vực có liên quan, kiểm soát việc di chuyển, tổ chức các chốt chặn, không cho người không có phận sự xâm nhập vào vùng nguy hiểm. Lập phương án, điều hành, hướng dẫn đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống;

- Thông báo cho người dân trong khu vực chịu ảnh hưởng cuối hướng gió để có các giải pháp an toàn hoặc sơ tán toàn bộ cho đến khi sự cố được khắc phục hoàn toàn;

- Đảm bảo an ninh, an toàn tài sản cho cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân khi đi sơ tán khỏi vùng bị ảnh hưởng của sự cố hóa chất;

- Điều tra nguyên nhân gây ra sự cố, nếu có dấu hiệu hình sự thì tiến hành lập hồ sơ truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Phối hợp với các lực lượng chức năng khẩn trương khắc phục hậu quả trong và sau sự cố theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo.

c) Sở Công Thương

- Sau khi nhận được thông tin báo cáo từ Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy, Tổ chức, cá nhân phát hiện sự cố, lập tức liên lạc với các thành viên trong Ban Chỉ đạo;

- Xác định rõ tính chất vật lý, tính chất nguy hiểm, độc tính và các tính chất nguy hại khác của hóa chất để cung cấp cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy;

- Xác định khu vực cần cách ly ban đầu, khu vực phát tán theo hướng gió đối với từng sự cố để thông báo cho các lực lượng tại hiện trường;

- Liên hệ với Bộ Công Thương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn để tham vấn các vấn đề về tính chất nguy hại, giải pháp khắc phục sự cố trong trường hợp sự cố đối với các hóa chất chưa xác định rõ hoặc cần có sự hỗ trợ từ các lực lượng Trung ương.

d) Sở Y tế

- Tổ chức trạm sơ cứu ban đầu tại khu vực sự cố ngoài phạm vi vùng cách ly ban đầu và vùng chịu ảnh hưởng cuối hướng gió;

- Tổ chức cấp cứu tất cả các nạn nhân, kiểm tra sức khỏe cho những người được sơ tán khỏi vùng cách ly ban đầu, tiếp tục theo dõi những người có biểu hiện nhiễm độc hóa chất hoặc chịu các tác động khác đến sức khỏe do sự cố hóa chất;

- Phân loại nạn nhân và tổ chức vận chuyển bệnh nhân về các Bệnh viện điều trị;

- Phối hợp với chính quyền địa phương giám sát sức khỏe những người có mặt trong vùng cách ly ban đầu sau khi sự cố được khắc phục để đảm bảo phát hiện và cứu chữa kịp thời tất cả các nạn nhân.

đ) Sở Tài nguyên và Môi trường

- Phối hợp với Sở Công Thương để cung cấp các tính chất nguy hại của hóa chất cho lực lượng hiện trường;

- Sau khi hóa chất tràn đổ được thu gom trong thùng chứa chất thải kín, đảm bảo an toàn thì Ban Chỉ đạo bàn giao lại cho Sở Tài nguyên và Môi trường để chủ trì, phối hợp với các đơn vị có chức năng có biện pháp quản lý, xử lý như chất thải nguy hại;

- Chủ trì xây dựng phương án khắc phục các ảnh hưởng lâu dài của sự cố hóa chất sau khi ứng phó, kế hoạch quan trắc, giám sát môi trường. Thông báo cho Trưởng Ban sau khi môi trường đã an toàn cho người dân.

e) Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp

- Trường hợp sự cố hóa chất xảy ra trong các Khu công nghiệp, Khu kinh tế, tiến hành thông báo cho các Công ty lân cận để tiến hành sơ tán hoặc tham gia ứng cứu;

- Huy động các trang thiết bị hiện có tham gia ứng cứu dưới sự chỉ huy của Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy.

g) Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh

Khi nhận được yêu cầu trợ giúp của Ban Chỉ đạo, có trách nhiệm điều động lực lượng, phương tiện, vật tư tham gia phối hợp ứng phó sự cố và chịu sự chỉ đạo chung của Ban Chỉ đạo.

h) UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Phối hợp với Ban Chỉ đạo trong ứng phó sự cố hóa chất nếu sự cố xảy ra trên địa bàn quản lý;

- Huy động các lực lượng trên địa bàn để hỗ trợ, ứng phó, bảo vệ,... theo ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo ứng phó sự cố hóa chất tỉnh.

i) Chủ cơ sở xảy ra sự cố hóa chất

Khi xảy ra sự cố, tại cơ sở phải lập tức triển khai kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp vượt quá năng lực ứng phó sự cố của cơ sở, lập tức báo về Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy để được hỗ trợ ứng phó. Cơ sở có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin về nguồn nguy cơ (chủng loại, khối lượng, đặc tính và nguyên nhân ban đầu gây ra sự cố) và phải có trách nhiệm hỗ trợ cho Ban Chỉ đạo triển khai kế hoạch ứng phó cho đến khi kết thúc hoàn toàn công tác ứng phó sự cố.

V. THÀNH LẬP BAN CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ SỰ CỐ HÓA CHẤT

1. Ban Chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất

Thành phần chính của BCĐ ứng phó sự cố hóa chất bao gồm các thành viên kiêm nhiệm được cử ra từ các cơ quan ban ngành của tỉnh, cụ thể như sau:

- Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa - Phó Chủ tịch UBND - Trưởng ban;

- Sở Công Thương - Phó Giám đốc - Phó Trưởng ban Thường trực;

- Cảnh sát PCCC tỉnh - Phó Giám đốc - Phó Trưởng ban;

- Sở TN & MT - Phó Giám đốc - Phó Trưởng ban;

- Công an tỉnh - Phó Giám đốc - Phó Trưởng ban;

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh - Phó Chỉ huy trưởng - Phó Trưởng ban.

- Các ủy viên:

+ Sở Y tế - Phó Giám đốc;

+ Sở NN & PTNT - Phó Giám đốc;

+ Sở Giao thông vận tải - Phó Giám đốc;

+ Sở Thông tin và Truyền thông - Phó Giám đốc;

+ Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh - Phó Trưởng ban;

+ Sở Khoa học và Công nghệ - Phó Giám đốc;

+ Sở Kế hoạch và Đầu tư - Phó Giám đốc;

+ Sở Tài chính - Phó Giám đốc;

+ Sở Giáo dục và Đào tạo - Phó Giám đốc;

+ Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố - Chủ tịch.

2. Chc năng

Ban chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tỉnh Thanh Hóa được thành lập nhằm phối hợp các lực lượng, chỉ đạo thống nhất các hoạt động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó sự cố hóa chất của các cơ sở và thực hiện ứng phó khi có tình huống tràn đổ, cháy nổ hóa chất (vượt quá khả năng ứng cứu của doanh nghiệp) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Ban chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất hoạt động dưới sự điều phối của UBND tỉnh Thanh Hóa.

3. Nhiệm vụ chính

- Thay mặt UBND Tỉnh xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và kiểm tra, đôn đốc các hoạt động phòng ngừa sự cố hóa chất ở các cơ sở;

- Chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan kiểm tra, thanh tra an toàn hóa chất tại các cơ sở có lưu trữ, vận chuyển hóa chất;

- Tuyên truyền, nhắc nhở và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong việc triển khai Kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa;

- Chủ trì việc thống kê thiệt hại do sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền đưa ra phương án đền bù thiệt hại.

(Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo được quy định chi tiết, cụ thể trong Quyết định thành lập Ban chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Triển khai nhiệm vụ

- Các Sở, ban, ngành liên quan chủ động lên phương án thực hiện các nhiệm vụ đã nêu trong bản Kế hoạch; luôn đảm bảo điều kiện trang thiết bị, nhân lực sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra; lập kế hoạch, dự toán kinh phí huấn luyện nhân lực, bổ sung trang thiết bị, báo cáo Ban Chỉ đạo bố trí kinh phí thực hiện;

- Sở Công Thương tỉnh có trách nhiệm thường xuyên cập nhật các tính chất nguy hiểm, quy định tiêu chuẩn về bảo quản, kinh doanh, sử dụng của các loại hóa chất hiện có và các loại hóa chất mới xuất hiện trên địa bàn, phạm vi tác động trong trường hợp xảy ra sự cố và cách ứng phó phù hợp; triển khai Quyết định này đến các cơ sở kinh doanh, quản lý, vận chuyển, sử dụng hóa chất có liên quan;

- Hàng năm, Sở Công Thương có trách nhiệm lập báo cáo về các sự cố đã xảy ra trong năm, mức độ thiệt hại, các kinh nghiệm rút ra trong công tác phòng ngừa và ứng phó với sự cố, các việc đã thực hiện được và đề xuất hoạt động trong năm tiếp theo báo cáo Ban Chỉ đạo.

2. Kinh phí

Hàng năm, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí để Ban Chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất hoạt động và kinh phí cho tổ chức diễn tập, tập huấn, huấn luyện phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh và tham mưu kinh phí để từng bước trang bị các phương tiện bảo hộ ứng phó sự cố cho các đơn vị trực tiếp tham gia ứng cứu.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Công Thương, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn có liên quan thuộc UBND tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy, Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 QĐ;
- Bộ Công Thương (để b/c);
- UBQG Tìm kiếm cứu nạn (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh (để b/c);
- Lưu: VT, CN.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Văn Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3948/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

  • Số hiệu: 3948/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/10/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Ngô Văn Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản