Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG ĐIỀU PHỐI VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 45/QĐ-HĐĐPĐBSH

Hà Nội, ngày 11 tháng 7 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG ĐIỀU PHỐI VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG ĐIỀU PHỐI VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thành lập tổ chức hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành;

Căn cứ Quyết định số 826/QĐ-TTg ngày 11 tháng 7 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 4357/TTr-BKHĐT ngày 09 tháng 6 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng.

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan, tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng phê duyệt danh sách các Phó Chủ tịch, các Ủy viên của Hội đồng điều phối vùng.

2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vùng đồng bằng sông Hồng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố vùng đồng bằng sông Hồng;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, HĐĐPĐBSH (2).

CHỦ TỊCH




THỦ TƯỚNG
Phạm Minh Chính

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG ĐIỀU PHỐI VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG
(Kèm theo Quyết định số: 45/QĐ-HĐĐPĐBSH ngày 11 tháng 7 năm 2023 của Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng đồng bằng sông Hồng)

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định về tổ chức hoạt động và phối hợp của Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ để thực hiện mục tiêu định hướng phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Hồng.

2. Vùng đồng bằng sông Hồng quy định tại Quy chế này gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sau: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình.

3. Chương trình, dự án liên kết vùng là các chương trình, dự án nằm trên địa bàn hai tỉnh, thành phố trở lên hoặc nằm trên địa bàn của một tỉnh, thành phố nhưng có tác động đến ít nhất một tỉnh, thành phố khác trong vùng đồng bằng sông Hồng.

Điều 2. Nguyên tắc điều phối

1. Tuân thủ Hiến pháp, quy định của các Luật liên quan về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng đồng bằng sông Hồng.

2. Nội dung, lĩnh vực điều phối là liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng.

3. Việc phối hợp phải bảo đảm theo nguyên tắc đồng thuận, bình đẳng, công khai, minh bạch và phù hợp với các quy định pháp luật.

4. Thực hiện phối hợp thông qua các quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

5. Việc chủ trì tổ chức thực hiện công tác phối hợp được giao cho bộ, ngành, địa phương có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn liên quan hoặc chịu tác động nhiều nhất đến lĩnh vực, nhiệm vụ cần phối hợp.

6. Những vấn đề không đạt được sự đồng thuận hoặc vượt thẩm quyền quyết định của các bộ, ngành và địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng thì căn cứ đề nghị của Hội đồng điều phối vùng, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 3. Phương thức điều phối

1. Về lập và tổ chức thực hiện quy hoạch:

a) Việc lập và tổ chức thực hiện các quy hoạch vùng, ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có liên quan trên địa bàn vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải được phối hợp để bảo đảm tính tích hợp, thống nhất và đồng bộ giữa các quy hoạch, trong đó các lĩnh vực chủ yếu cần phối hợp gồm: hệ thống giao thông kết nối; logistics; xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại; khu du lịch; nguồn nhân lực; các cơ sở giáo dục đại học; cơ sở nghiên cứu khoa học; các bệnh viện và xử lý ô nhiễm môi trường.

b) Phối hợp trong quá trình lập các quy hoạch vùng, ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan khác trên địa bàn vùng đồng bằng sông Hồng phải được thực hiện theo pháp luật về quy hoạch và các quy định hiện hành bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và thứ bậc.

c) Phối hợp trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch: Sau khi quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các cơ quan, địa phương quản lý quy hoạch có trách nhiệm tổ chức công bố, công khai quy hoạch, xây dựng kế hoạch triển khai quy hoạch, triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế tham gia thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện và có trách nhiệm phối hợp trong việc giám sát, kiểm tra thực hiện quy hoạch.

2. Về đầu tư phát triển:

a) Trên cơ sở quy hoạch vùng và quy hoạch các tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Hồng được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Hội đồng điều phối vùng chỉ đạo, phối hợp với các bộ, ngành và tỉnh, thành phố trong vùng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, huy động nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong nước để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư trong vùng.

b) Các lĩnh vực phối hợp chủ yếu trong đầu tư phát triển gồm: xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại; xây dựng hệ thống giao thông liên kết vùng và giao thông công cộng, đường cao tốc, cảng hàng không, cảng biển; xây dựng tuyến đường sắt; xây dựng các đô thị và vùng đô thị; phát triển các khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; khu du lịch quốc gia; xây dựng và phát triển các cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ sở đào tạo chất lượng cao, trung tâm ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, trung tâm ươm tạo công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển khu đô thị khoa học, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung; các tổ chức khoa học và công nghệ thực hiện dịch vụ công; hệ thống cơ sở dữ liệu; phát triển hệ thống các trung tâm y tế chất lượng cao, trung tâm y tế vùng, trung tâm văn hóa, thể thao vùng.

Việc xây dựng các công trình, dự án xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường phải phù hợp với quy hoạch và lợi ích của người dân các địa phương có liên quan và phải đảm bảo sự đồng bộ trong quá trình triển khai các dự án có liên quan.

c) Đối với các chương trình, dự án liên kết vùng đã có trong quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng thì các bộ, ngành liên quan, địa phương trong vùng có trách nhiệm phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

d) Đối với các chương trình, dự án liên kết vùng chưa có trong quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng thì các bộ, ngành liên quan, địa phương trong vùng theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với cơ quan được giao chủ trì, thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh, bổ sung vào các quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch sau khi tham khảo ý kiến của Hội đồng điều phối vùng.

3. Về đào tạo và sử dụng lao động:

a) Phối hợp trong việc đầu tư xây dựng phát triển các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở đào tạo nhân lực cho các địa phương trong vùng.

b) Phối hợp trong điều tiết, sử dụng lao động, lao động từ khu vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lao động trong các khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất. Định hướng, hướng dẫn, phối hợp hỗ trợ giới thiệu việc làm, hợp tác bố trí lao động, xử lý tranh chấp lao động khi cần thiết.

c) Phối hợp trong việc xây dựng và bố trí nhà ở, các công trình thiết yếu cho người lao động tại các khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; trong giải quyết các tệ nạn xã hội, vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội.

4. Về xây dựng các cơ chế, chính sách:

a) Các bộ, ngành rà soát, nghiên cứu xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ, huy động vốn đầu tư để áp dụng cho vùng đồng bằng sông Hồng:

- Thực hiện cơ chế xây dựng dự toán ngân sách địa phương, kế hoạch đầu tư công công khai, minh bạch, phù hợp với nhu cầu phát triển của các tỉnh, thành phố giai đoạn tới;

- Xây dựng cơ chế ưu đãi hỗ trợ phát triển khu công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực điện, điện tử, công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ số, ô tô, công nghiệp hỗ trợ, chip, bán dẫn, sản xuất rô-bốt, công nghiệp môi trường, công nghiệp năng lượng tái tạo, vật liệu mới; khu công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao; cơ sở hạ tầng trong khu du lịch quốc gia; phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất;

- Hỗ trợ đào tạo nghề bậc cao, chính sách thu hút nhân tài;

- Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp có tính liên vùng.

b) Ngoài chính sách áp dụng chung cho toàn vùng đồng bằng sông Hồng, các địa phương quy định cụ thể chính sách cho phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương nhưng không trái với quy định hiện hành và các chính sách chung của toàn vùng. Khi có sự thay đổi cơ chế, chính sách, các bộ, ngành, các địa phương có trách nhiệm báo cáo Hội đồng điều phối vùng và thông báo tới các địa phương khác trong vùng để phối hợp thực hiện.

c) Trường hợp để giải quyết những yêu cầu cấp thiết vượt thẩm quyền và khả năng, các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng có thể thông qua Hội đồng điều phối vùng trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét, quyết định.

5. Giải quyết các vấn đề liên kết vùng:

Hội đồng điều phối vùng phối hợp giữa các bộ, các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng giải quyết các vấn đề về liên kết vùng; theo dõi, đôn đốc giải quyết các vấn đề có tính chất liên ngành tại vùng. Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong vùng chủ động giải quyết những vấn đề liên tỉnh thuộc thẩm quyền của các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng. Lấy tam giác phát triển gồm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh là trọng tâm trong việc hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, giao thương mang tính chất liên kết giữa các vùng.

6. Kế hoạch điều phối liên kết vùng:

Hội đồng điều phối vùng xây dựng kế hoạch điều phối liên kết vùng hàng năm, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức các hoạt động chung xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, truyền thông của vùng theo đề nghị của các bộ, ngành, địa phương trong vùng; thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển hiệp hội doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội nghề nghiệp liên minh, liên hiệp hợp tác xã của vùng đồng bằng sông Hồng.

7. Về cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng:

a) Các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố trong vùng có trách nhiệm cung cấp thông tin về các lĩnh vực, nội dung phối hợp cho Hội đồng điều phối vùng. Các nội dung thông tin cần cung cấp gồm: cơ chế chính sách đã ban hành, dự báo thị trường, các dự án liên kết vùng, sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ và tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm.

b) Hội đồng điều phối vùng chỉ đạo tăng cường chia sẻ thông tin giữa các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng, giữa các địa phương với các bộ, ngành và Hội đồng điều phối vùng đảm bảo các vấn đề được xử lý kịp thời, chính xác.

Điều 4. Chế độ làm việc của Hội đồng điều phối vùng

1. Hội đồng điều phối vùng làm việc theo chế độ tập thể, thảo luận, trao đổi ý kiến để thỏa thuận thống nhất vì lợi ích chung của vùng, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; Chủ tịch Hội đồng có ý kiến kết luận cuối cùng.

2. Hội đồng điều phối vùng họp thường kỳ 1 năm một lần; khi cần thiết, có thể họp đột xuất. Địa điểm, phương thức họp Hội đồng điều phối vùng do Chủ tịch Hội đồng quyết định. Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng mời các đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy vùng đồng bằng sông Hồng tham gia tại các cuộc họp của Hội đồng điều phối vùng.

Đại diện các cơ quan, tổ chức và các cá nhân có liên quan có thể được mời dự phiên họp của Hội đồng khi cần thiết.

3. Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng chủ trì các hoạt động của Hội đồng, triệu tập và chủ tọa các phiên họp của Hội đồng. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng quyết định lấy ý kiến của các thành viên bằng văn bản.

4. Định kỳ trước ngày 31 tháng 12 hằng năm, Hội đồng điều phối vùng báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả hoạt động trong năm Hội đồng.

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng điều phối vùng

1. Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng:

a) Chỉ đạo, điều hành chung và đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Hội đồng điều phối vùng, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về hoạt động của Hội đồng điều phối vùng.

b) Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ủy quyền cho các Phó Chủ tịch thực hiện một số nhiệm vụ trong trường hợp cần thiết.

c) Quyết định, chủ trì chương trình và nội dung hoạt động của Hội đồng điều phối vùng, các cuộc họp, Hội nghị liên tịch của Hội đồng điều phối vùng, hội nghị giao ban vùng đồng bằng sông Hồng, thông qua kế hoạch điều phối vùng hàng năm của Hội đồng.

d) Quyết định bổ sung, thay thế các Ủy viên Hội đồng trên cơ sở đề nghị của cơ quan mà thành viên Hội đồng đại diện.

2. Phó Chủ tịch Thường trực - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

a) Giúp Chủ tịch Hội đồng chuẩn bị chương trình và nội dung hoạt động, kế hoạch điều phối hàng năm của Hội đồng điều phối vùng, chủ trì các cuộc họp của Hội đồng theo nhiệm vụ được phân công; chủ trì các cuộc họp khi được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền.

b) Thay mặt Chủ tịch Hội đồng chủ trì các buổi làm việc với các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng để giải quyết các vấn đề cụ thể có liên quan đến liên kết vùng, liên vùng và quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan khác trên địa bàn vùng.

c) Ký các văn bản điều hành chung của Hội đồng điều phối vùng, các báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng đối với những nội dung thuộc thẩm quyền.

d) Giúp Chủ tịch chủ trì điều phối các hoạt động trong việc huy động các nguồn vốn đầu tư công và nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách để thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng.

đ) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chủ tịch Hội đồng giao.

3. Phó Chủ tịch - Bộ trưởng Bộ Xây dựng:

a) Giúp Chủ tịch chủ trì điều phối các hoạt động về quy hoạch phát triển đô thị, các quy hoạch phát triển vùng đô thị và quản lý quá trình đầu tư xây dựng đô thị trong vùng đồng bằng sông Hồng theo quy hoạch.

b) Thay mặt Chủ tịch Hội đồng chủ trì các buổi làm việc với các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trung ương trong vùng đồng bằng sông Hồng để giải quyết các vấn đề, lĩnh vực công việc được phân công.

c) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chủ tịch Hội đồng giao.

4. Phó Chủ tịch - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:

a) Giúp Chủ tịch chủ trì điều phối các hoạt động về tài nguyên, khoáng sản, đất đai, môi trường, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, bền vững và toàn diện vùng đồng bằng sông Hồng.

b) Thay mặt Chủ tịch Hội đồng chủ trì các buổi làm việc với các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trung ương trong vùng đồng bằng sông Hồng để giải quyết các vấn đề, lĩnh vực công việc được phân công.

c) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chủ tịch Hội đồng giao.

5. Phó Chủ tịch - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ:

a) Giúp Chủ tịch chủ trì điều phối các hoạt động của các Chương trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển các trung tâm ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, phát triển các trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, khu công nghệ cao.

b) Thay mặt Chủ tịch Hội đồng chủ trì các buổi làm việc với các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trung ương trong vùng đồng bằng sông Hồng để giải quyết các vấn đề, lĩnh vực công việc được phân công.

c) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chủ tịch Hội đồng giao.

6. Phó Chủ tịch - Bộ trưởng Bộ Công Thương:

a) Giúp Chủ tịch điều phối các hoạt động về phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, xuất nhập khẩu, logistic, các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ thương mại cho vùng đồng bằng sông Hồng.

b) Thay mặt Chủ tịch Hội đồng chủ trì các buổi làm việc với các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trung ương trong vùng đồng bằng sông Hồng để giải quyết các vấn đề, lĩnh vực công việc được phân công.

c) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chủ tịch Hội đồng giao.

7. Các ủy viên:

a) Tham dự đầy đủ, phản ánh ý kiến chính thức của các cơ quan, tổ chức, giới khoa học, cộng đồng doanh nghiệp tại các phiên họp và các hoạt động khác của Hội đồng. Trường hợp vắng mặt, cử đại diện có thẩm quyền tham dự thay và phải được sự đồng ý của Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng.

b) Đề xuất những nội dung có liên quan đến liên kết vùng, phát triển bền vững với Hội đồng điều phối vùng.

c) Đề xuất các cơ chế, chính sách tháo gỡ các khó khăn cho phát triển vùng có liên quan đến ngành, địa phương để Hội đồng điều phối vùng trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

d) Thực hiện nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng.

8. Các Phó Chủ tịch, ủy viên:

Sử dụng bộ máy và kinh phí của bộ, địa phương theo quy định để tham gia các hoạt động của Hội đồng điều phối vùng; được Hội đồng điều phối vùng hỗ trợ kinh phí hoạt động trong những trường hợp do Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng quyết định.

Điều 6. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vùng đồng bằng sông Hồng

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về quản lý ngành, lĩnh vực, địa phương có liên quan đến liên kết vùng, phát triển bền vững vùng với các nhiệm vụ sau đây:

1. Cử đại diện, bố trí bộ máy giúp việc, bố trí kinh phí hoạt động cho đại diện tham gia làm thành viên của Hội đồng điều phối vùng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

2. Cung cấp các văn bản, tài liệu, thông tin, số liệu có liên quan cho Hội đồng điều phối vùng.

3. Đối với những nội dung cần lấy ý kiến tham gia của Hội đồng điều phối vùng trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định, phê chuẩn thì phải có văn bản gửi Hội đồng cho ý kiến chậm nhất là 15 ngày trước khi gửi cấp thẩm quyền.

4. Tổ chức triển khai các Nghị quyết của Hội đồng điều phối vùng có liên quan đến liên kết vùng đồng bằng sông Hồng phát triển bền vững.

5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vùng có trách nhiệm nghiên cứu, bố trí hoặc trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định sử dụng nguồn lực địa phương để tham gia thực hiện các nhiệm vụ có tính chất liên kết vùng; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực Hội đồng điều phối vùng bố trí địa điểm và tạo điều kiện thuận lợi để Hội đồng tiến hành phiên họp và hoạt động khác tại địa phương; các địa phương trong vùng cần đề cao trách nhiệm và tính chủ động trong việc đề xuất, cho ý kiến và phối hợp triển khai thực hiện các hoạt động liên kết phát triển vùng.

Điều 7. Bộ máy giúp việc của Hội đồng điều phối vùng

1. Văn phòng Hội đồng điều phối vùng đặt tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Văn phòng Hội đồng điều phối vùng có trách nhiệm tham mưu, giúp việc cho Hội đồng điều phối vùng, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng; hướng dẫn, phối hợp hoạt động của các Tổ điều phối cấp bộ và cấp địa phương theo sự chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng.

2. Các bộ có đại diện làm thành viên Hội đồng điều phối vùng thành lập Tổ điều phối cấp bộ (nếu cần thiết) hoặc sử dụng đơn vị tham mưu trực thuộc thực hiện nhiệm vụ giúp việc điều phối cấp bộ.

a) Tổ điều phối cấp bộ là tổ chức giúp việc cho các bộ có nhiệm vụ, quyền hạn như sau:

- Nghiên cứu, đề xuất với lãnh đạo bộ các cơ chế, chính sách thuộc ngành, lĩnh vực trong phạm vi quản lý của bộ; các giải pháp nâng cao hiệu quả điều phối phát triển các vùng;

- Giúp Bộ trưởng điều phối các tổ chức, đơn vị thuộc bộ thực hiện các nhiệm vụ trong việc điều phối phát triển vùng đồng bằng sông Hồng; phối hợp với Tổ điều phối cấp tỉnh kịp thời giải quyết các vấn đề liên kết trong vùng thuộc phạm vi quản lý của bộ;

- Cung cấp thông tin liên quan tới chủ trương phát triển ngành, tác động của các cơ chế, chính sách của ngành đối với phát triển vùng đồng bằng sông Hồng;

- Theo dõi, đôn đốc và giúp Bộ trưởng giải quyết các vấn đề điều phối trong vùng đồng bằng sông Hồng thuộc thẩm quyền của các bộ; tổng hợp, báo cáo Văn phòng Hội đồng điều phối vùng, Bộ trưởng theo định kỳ hàng năm về tình hình thực hiện nhiệm vụ điều phối phát triển vùng đồng bằng sông Hồng.

b) Tổ điều phối cấp bộ do lãnh đạo đơn vị tham mưu về công tác kế hoạch và đầu tư của bộ làm Tổ trưởng và một số thành viên có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm công tác. Bộ trưởng quyết định số lượng thành viên và nhân sự của Tổ điều phối theo đề nghị của Tổ trưởng Tồ điều phối trên cơ sở khối lượng công việc của bộ.

3. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vùng đồng bằng sông Hồng thành lập Tổ điều phối cấp tỉnh.

a) Tổ điều phối cấp tỉnh là tổ chức giúp việc cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vùng đồng bằng sông Hồng có nhiệm vụ, quyền hạn như sau:

- Giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các tổ chức, đơn vị thuộc địa phương thực hiện các nhiệm vụ điều phối phát triển vùng đồng bằng sông Hồng; đề xuất, kiến nghị với Hội đồng điều phối vùng kịp thời giải quyết các vấn đề liên kết trong vùng;

- Tổng hợp các nội dung liên kết từ phía doanh nghiệp và các đơn vị cơ sở;

- Theo dõi, đôn đốc và giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết các vấn đề điều phối thuộc thẩm quyền của địa phương, tổng hợp báo cáo Hội đồng điều phối vùng, Văn phòng Hội đồng điều phối vùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo định kỳ hàng năm về tình hình thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ điều phối liên kết vùng đồng bằng sông Hồng;

b) Tổ điều phối cấp tỉnh do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vùng đồng bằng sông Hồng làm Tổ trưởng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định số lượng thành viên và nhân sự của Tổ điều phối cấp tỉnh theo đề nghị của Tổ trưởng Tổ điều phối trên cơ sở đặc điểm cụ thể và khả năng tài chính của địa phương.

4. Hội đồng điều phối vùng được thành lập Tổ chuyên gia tư vấn của Hội đồng trong trường hợp cần thiết.

5. Văn phòng Hội đồng điều phối vùng, Tổ điều phối cấp bộ, Tổ điều phối cấp tỉnh được thuê, đặt bài nghiên cứu các chuyên gia tư vấn, nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo.

Điều 8. Chế độ thông tin, báo cáo của Hội đồng điều phối vùng

1. Hội đồng điều phối vùng có trách nhiệm báo cáo định kỳ trước ngày 31 tháng 12 hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng, Thủ tướng Chính phủ về tình hình hoạt động của Hội đồng.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan Thường trực của Hội đồng) có trách nhiệm báo cáo theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Hội đồng điều phối vùng có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện Quy chế này; định kỳ hàng năm tổng hợp tình hình thực hiện và đề xuất những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vùng đồng bằng sông Hồng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quy chế này.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 45/QĐ-HĐĐPĐBSH năm 2023 về Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng

  • Số hiệu: 45/QĐ-HĐĐPĐBSH
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/07/2023
  • Nơi ban hành: Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng
  • Người ký: Phạm Minh Chính
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản