Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
HỘI ĐỒNG ĐIỀU PHỐI VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 52/QĐ-HĐĐPĐBSCL | Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG ĐIỀU PHỐI VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG ĐIỀU PHỐI
VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành;
Căn cứ Quyết định số 974/QĐ-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 6066/TTr-BKHĐT ngày 31 tháng 7 năm 2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Điều 2. Điều khoản thi hành
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan, tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long phê duyệt danh sách các Phó Chủ tịch, các Ủy viên của Hội đồng điều phối vùng.
2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| CHỦ TỊCH |
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG ĐIỀU PHỐI VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
(Kèm theo Quyết định số 52/QĐ-HĐĐPĐBSCL ngày 31 tháng 8 năm 2023 của Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long)
Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về tổ chức hoạt động và phối hợp của Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ để thực hiện mục tiêu định hướng phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long.
2. Vùng đồng bằng sông Cửu Long quy định tại Quy chế này gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sau: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.
3. Chương trình, dự án liên kết vùng là các chương trình, dự án nằm trên địa bàn hai tỉnh, thành phố trở lên hoặc nằm trên địa bàn của một tỉnh, thành phố nhưng có tác động đến ít nhất một tỉnh, thành phố khác trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Điều 2. Nguyên tắc điều phối
1. Tuân thủ Hiến pháp, quy định của các Luật liên quan về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
2. Nội dung, lĩnh vực điều phối là liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long.
3. Việc phối hợp phải bảo đảm theo nguyên tắc đồng thuận, bình đẳng, công khai, minh bạch và phù hợp với các quy định pháp luật.
4. Thực hiện phối hợp thông qua các quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
5. Việc chủ trì tổ chức thực hiện công tác phối hợp được giao cho bộ, ngành, địa phương có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn liên quan hoặc chịu tác động nhiều nhất đến lĩnh vực, nhiệm vụ cần phối hợp.
6. Những vấn đề không đạt được sự đồng thuận hoặc vượt thẩm quyền quyết định của các bộ, ngành và địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long thì căn cứ đề nghị của Hội đồng điều phối vùng, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 3. Phương thức điều phối
1. Về lập và tổ chức thực hiện quy hoạch
a) Việc lập và tổ chức thực hiện các quy hoạch vùng, ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có liên quan trên địa bàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải được phối hợp để bảo đảm tính tích hợp, thống nhất và đồng bộ giữa các quy hoạch, trong đó các lĩnh vực chủ yếu cần phối hợp gồm: hệ thống giao thông kết nối; logistics; hệ thống cung cấp nước sạch và sử dụng nguồn nước; xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại; xử lý ô nhiễm môi trường.
b) Phối hợp trong quá trình lập các quy hoạch vùng, ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan khác trên địa bàn vùng đồng bằng sông Cửu Long phải được thực hiện theo pháp luật về quy hoạch và các quy định hiện hành bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và thứ bậc.
c) Phối hợp trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch: Sau khi quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các cơ quan, địa phương quản lý quy hoạch có trách nhiệm tổ chức công bố, công khai quy hoạch, xây dựng kế hoạch triển khai quy hoạch, triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế tham gia thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện và có trách nhiệm phối hợp trong việc giám sát, kiểm tra thực hiện quy hoạch.
2. Về đầu tư phát triển
a) Trên cơ sở quy hoạch vùng và quy hoạch các tỉnh, thành phố thuộc vùng vùng đồng bằng sông Cửu Long được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Hội đồng điều phối vùng chỉ đạo, phối hợp với các bộ, ngành và tỉnh, thành phố trong vùng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, huy động nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong nước để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư trong vùng.
b) Các lĩnh vực phối hợp chủ yếu trong đầu tư phát triển gồm: đầu tư xây dựng mới và hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái, hệ thống thủy lợi kiểm soát nguồn nước, tăng khả năng chủ động lấy nước, trữ nước, tiêu thoát và điều tiết lũ, các công trình thủy lợi tích hợp, hạ tầng cơ bản tại các vùng cần di dân; phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, các dự án an ninh nguồn nước; xây dựng hệ thống giao thông liên kết vùng và giao thông công cộng, đường ven biển, đường cao tốc, cảng hàng không, cảng biển, các cửa khẩu quốc tế, xây dựng tuyến đường sắt, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
Việc xây dựng các công trình, dự án xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường phải phù hợp với quy hoạch và lợi ích của người dân các địa phương có liên quan và phải đảm bảo sự đồng bộ trong quá trình triển khai các dự án có liên quan.
c) Đối với các chương trình, dự án liên kết vùng đã có trong quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng thì các bộ, ngành liên quan, địa phương trong vùng có trách nhiệm phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
d) Đối với các chương trình, dự án liên kết vùng chưa có trong quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng thì các bộ, ngành liên quan, địa phương trong vùng theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với cơ quan được giao chủ trì, thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh, bổ sung vào các quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch sau khi tham khảo ý kiến của Hội đồng điều phối vùng.
3. Về xây dựng các cơ chế, chính sách
a) Các bộ, ngành rà soát, nghiên cứu xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ, huy động vốn đầu tư để áp dụng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long:
- Thực hiện cơ chế xây dựng dự toán ngân sách địa phương, kế hoạch đầu tư công công khai, minh bạch, phù hợp với nhu cầu phát triển của các tỉnh, thành phố giai đoạn tới;
- Xây dựng cơ chế chính sách nhằm thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Vùng, liên kết vùng: phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư hệ thống đường ven biển; phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh, kết nối với các đô thị; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; xây dựng các nhà máy nước liên vùng; phát triển Trung tâm Logistics; trung tâm kinh tế biển quốc gia.
- Hỗ trợ đào tạo nghề bậc cao, chính sách thu hút nhân tài;
- Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp có tính liên vùng.
b) Ngoài chính sách áp dụng chung cho toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương quy định cụ thể chính sách cho phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương nhưng không trái với quy định hiện hành và các chính sách chung của toàn vùng. Khi có sự thay đổi cơ chế, chính sách, các bộ, ngành, các địa phương có trách nhiệm báo cáo Hội đồng điều phối vùng và thông báo tới các địa phương khác trong vùng để phối hợp thực hiện.
c) Trường hợp để giải quyết những yêu cầu cấp thiết vượt thẩm quyền và khả năng, các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long có thể thông qua Hội đồng điều phối vùng trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét, quyết định.
4. Giải quyết các vấn đề liên kết vùng
Hội đồng điều phối vùng phối hợp giữa các bộ, các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long giải quyết các vấn đề về liên kết vùng; theo dõi, đôn đốc giải quyết các vấn đề có tính chất liên ngành tại vùng. Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong vùng chủ động giải quyết những vấn đề liên tỉnh thuộc thẩm quyền của các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.
5. Kế hoạch điều phối liên kết vùng
Hội đồng điều phối vùng xây dựng kế hoạch điều phối liên kết vùng hàng năm, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức các hoạt động chung xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, truyền thông của vùng theo đề nghị của các bộ, ngành, địa phương trong vùng; thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển hiệp hội doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội nghề nghiệp liên minh, liên hiệp hợp tác xã của vùng.
6. Về cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng
a) Các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố trong vùng có trách nhiệm cung cấp thông tin về các lĩnh vực, nội dung phối hợp cho Hội đồng điều phối vùng. Các nội dung thông tin cần cung cấp gồm: cơ chế chính sách đã ban hành, dự báo thị trường, các dự án liên kết vùng, sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ và tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm.
b) Hội đồng điều phối vùng chỉ đạo tăng cường chia sẻ thông tin giữa các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, giữa các địa phương với các bộ, ngành và Hội đồng điều phối vùng đảm bảo các vấn đề được xử lý kịp thời, hiệu quả.
Điều 4. Chế độ làm việc của Hội đồng điều phối Vùng
1. Hội đồng điều phối vùng làm việc theo chế độ tập thể, thảo luận, trao đổi ý kiến để thỏa thuận thống nhất vì lợi ích chung của Vùng, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Chủ tịch Hội đồng có ý kiến kết luận cuối cùng.
2. Hội đồng điều phối vùng họp thường kỳ 1 năm một lần; khi cần thiết, có thể họp đột xuất. Địa điểm, phương thức họp Hội đồng điều phối vùng do Chủ tịch Hội đồng quyết định. Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng mời các đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy vùng đồng bằng sông Cửu Long tham gia tại các cuộc họp của Hội đồng điều phối vùng.
Đại diện các cơ quan, tổ chức và các cá nhân có liên quan có thể được mời dự phiên họp của Hội đồng khi cần thiết.
3. Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng chủ trì các hoạt động của Hội đồng, triệu tập và chủ tọa các phiên họp của Hội đồng. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng quyết định lấy ý kiến của các thành viên bằng văn bản.
4. Định kỳ trước ngày 31 tháng 12 hằng năm, Hội đồng điều phối vùng báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả hoạt động trong năm Hội đồng.
Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng điều phối Vùng
1. Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng:
a) Chỉ đạo và điều hành chung, đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Hội đồng điều phối vùng, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về hoạt động của Hội đồng điều phối vùng.
b) Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ủy quyền cho các Phó Chủ tịch thực hiện một số nhiệm vụ trong trường hợp cần thiết.
c) Quyết định, chủ trì chương trình và nội dung hoạt động của Hội đồng điều phối vùng, các cuộc họp, Hội nghị liên tịch của Hội đồng điều phối vùng, hội nghị giao ban vùng đồng bằng sông Cửu Long, thông qua kế hoạch điều phối vùng hàng năm của Hội đồng.
d) Quyết định bổ sung, thay thế các Ủy viên Hội đồng trên cơ sở đề nghị của cơ quan mà thành viên Hội đồng đại diện.
2. Phó Chủ tịch thường trực - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
a) Giúp Chủ tịch Hội đồng chuẩn bị chương trình và nội dung hoạt động, kế hoạch điều phối hàng năm của Hội đồng điều phối vùng, chủ trì các cuộc họp của Hội đồng theo nhiệm vụ được phân công; chủ trì các cuộc họp khi được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền.
b) Thay mặt Chủ tịch Hội đồng chủ trì các buổi làm việc với các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long để giải quyết các vấn đề cụ thể có liên quan đến liên kết vùng, liên vùng và quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan khác trên địa bàn vùng.
c) Ký các văn bản điều hành chung của Hội đồng điều phối vùng, các báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng chỉ đạo giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền.
d) Giúp Chủ tịch chủ trì điều phối các hoạt động trong việc huy động các nguồn vốn đầu tư công và nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách để thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng.
đ) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chủ tịch Hội đồng giao.
3. Phó Chủ tịch - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:
a) Giúp Chủ tịch chủ trì điều phối các hoạt động về tài nguyên, khoáng sản, đất đai, môi trường, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, bền vững và toàn diện đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu.
b) Thay mặt Chủ tịch Hội đồng chủ trì các buổi làm việc với các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trung ương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long để giải quyết các vấn đề, lĩnh vực công việc được phân công.
c) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chủ tịch Hội đồng giao.
4. Phó Chủ tịch - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Giúp Chủ tịch chủ trì điều phối các hoạt động sản xuất nông nghiệp, các hoạt động đầu tư các công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng.
b) Thay mặt Chủ tịch Hội đồng chủ trì các buổi làm việc với các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trung ương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long để giải quyết các vấn đề, lĩnh vực công việc được phân công.
c) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chủ tịch Hội đồng giao.
5. Phó Chủ tịch - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải:
a) Giúp Chủ tịch chủ trì điều phối các hoạt động về đầu tư, quản lý, vận hành các công trình giao thông vận tải có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng.
b) Thay mặt Chủ tịch Hội đồng chủ trì các buổi làm việc với các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trung ương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long để giải quyết các vấn đề, lĩnh vực công việc được phân công.
c) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chủ tịch Hội đồng giao.
6. Các Ủy viên:
a) Tham dự đầy đủ, phản ánh ý kiến chính thức của các cơ quan, tổ chức, giới khoa học, cộng đồng doanh nghiệp tại các phiên họp và các hoạt động khác của Hội đồng. Trường hợp vắng mặt, cử đại diện có thẩm quyền tham dự thay và phải được sự đồng ý của Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng.
b) Đề xuất những nội dung có liên quan đến liên kết vùng, phát triển bền vững với Hội đồng điều phối vùng.
c) Đề xuất các cơ chế, chính sách tháo gỡ các khó khăn cho phát triển vùng có liên quan đến ngành, địa phương để Hội đồng điều phối vùng trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
d) Thực hiện nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng.
7. Các Phó Chủ tịch, ủy viên:
Sử dụng bộ máy và kinh phí của bộ, địa phương theo quy định để tham gia các hoạt động của Hội đồng điều phối vùng; được Hội đồng điều phối vùng hỗ trợ kinh phí hoạt động trong những trường hợp do Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng quyết định.
Điều 6. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về quản lý ngành, lĩnh vực, địa phương có liên quan đến liên kết vùng, phát triển bền vững vùng với các nhiệm vụ sau đây:
1. Cử đại diện, bố trí bộ máy giúp việc, bố trí kinh phí hoạt động cho đại diện tham gia làm thành viên của Hội đồng điều phối vùng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
2. Cung cấp các văn bản, tài liệu, thông tin, số liệu có liên quan cho Hội đồng điều phối vùng.
3. Đối với những nội dung cần lấy ý kiến tham gia của Hội đồng điều phối vùng trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định, phê chuẩn thì phải có văn bản gửi Hội đồng cho ý kiến chậm nhất là 15 ngày trước khi gửi cấp thẩm quyền.
4. Tổ chức triển khai các Nghị quyết của Hội đồng điều phối vùng có liên quan đến liên kết phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long.
5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vùng có trách nhiệm nghiên cứu, bố trí hoặc trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định sử dụng nguồn lực địa phương để tham gia thực hiện các nhiệm vụ có tính chất liên kết vùng; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực Hội đồng điều phối vùng bố trí địa điểm và tạo điều kiện thuận lợi để Hội đồng tiến hành phiên họp và hoạt động khác tại địa phương; các địa phương trong vùng cần đề cao trách nhiệm và tính chủ động trong việc đề xuất, cho ý kiến và phối hợp triển khai thực hiện các hoạt động liên kết phát triển vùng.
Điều 7. Bộ máy giúp việc của Hội đồng điều phối Vùng
1. Văn phòng Hội đồng điều phối vùng đặt tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Văn phòng Hội đồng điều phối vùng có trách nhiệm tham mưu, giúp việc cho Hội đồng điều phối vùng, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng; hướng dẫn, phối hợp hoạt động của các Tổ điều phối cấp bộ và cấp địa phương theo sự chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng.
2. Các bộ có đại diện làm thành viên Hội đồng điều phối vùng thành lập Tổ giúp việc điều phối cấp bộ (nếu cần thiết) hoặc sử dụng đơn vị tham mưu trực thuộc thực hiện nhiệm vụ giúp việc điều phối cấp bộ.
a) Tổ điều phối cấp bộ là tổ chức giúp việc cho các bộ có nhiệm vụ, quyền hạn như sau:
- Nghiên cứu, đề xuất với lãnh đạo bộ các cơ chế, chính sách thuộc ngành, lĩnh vực trong phạm vi quản lý của bộ; các giải pháp nâng cao hiệu quả điều phối phát triển các vùng;
- Giúp Bộ trưởng điều phối các tổ chức, đơn vị thuộc bộ thực hiện các nhiệm vụ trong việc điều phối phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long; phối hợp với Tổ điều phối cấp tỉnh kịp thời giải quyết các vấn đề liên kết trong vùng thuộc phạm vi quản lý của bộ;
- Cung cấp thông tin liên quan tới chủ trương phát triển ngành, tác động của các cơ chế, chính sách của ngành đối với phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long;
- Theo dõi, đôn đốc và giúp Bộ trưởng giải quyết các vấn đề điều phối trong vùng đồng bằng sông Cửu Long thuộc thẩm quyền của các bộ; tổng hợp, báo cáo Văn phòng Hội đồng điều phối vùng, Bộ trưởng theo định kỳ hàng năm về tình hình thực hiện nhiệm vụ điều phối phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long.
b) Tổ điều phối cấp bộ do lãnh đạo đơn vị tham mưu về công tác kế hoạch và đầu tư của bộ làm Tổ trưởng và một số thành viên có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm công tác. Bộ trưởng quyết định số lượng thành viên và nhân sự của Tổ điều phối theo đề nghị của Tổ trưởng Tổ điều phối trên cơ sở khối lượng công việc của bộ.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vùng đồng bằng sông Cửu Long thành lập Tổ điều phối cấp tỉnh.
a) Tổ điều phối cấp tỉnh là tổ chức giúp việc cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiệm vụ, quyền hạn như sau:
- Giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các tổ chức, đơn vị thuộc địa phương thực hiện các nhiệm vụ điều phối phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long; đề xuất, kiến nghị với Hội đồng điều phối vùng kịp thời giải quyết các vấn đề liên kết trong vùng;
- Tổng hợp các nội dung liên kết từ phía doanh nghiệp và các đơn vị cơ sở;
- Theo dõi, đôn đốc và giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết các vấn đề điều phối thuộc thẩm quyền của địa phương, tổng hợp báo cáo Hội đồng điều phối vùng, Văn phòng Hội đồng điều phối vùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo định kỳ hàng năm về tình hình thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ điều phối liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long.
b) Tổ điều phối cấp tỉnh do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long làm Tổ trưởng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định số lượng thành viên và nhân sự của Tổ điều phối cấp tỉnh theo đề nghị của Tổ trưởng Tổ điều phối trên cơ sở đặc điểm cụ thể và khả năng tài chính của địa phương.
4. Hội đồng điều phối vùng được thành lập Tổ chuyên gia tư vấn của Hội đồng trong trường hợp cần thiết.
5. Văn phòng Hội đồng điều phối vùng, Tổ điều phối cấp bộ, Tổ điều phối cấp tỉnh có thể thuê, đặt bài nghiên cứu của các chuyên gia tư vấn, nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo.
Điều 8. Chế độ thông tin, báo cáo
1. Hội đồng điều phối vùng có trách nhiệm báo cáo định kỳ trước ngày 31 tháng 12 hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng, Thủ tướng Chính phủ về tình hình hoạt động của Hội đồng.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan Thường trực của Hội đồng) có trách nhiệm báo cáo theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 9. Tổ chức thực hiện
1. Hội đồng điều phối vùng có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện Quy chế này; định kỳ hàng năm tổng hợp tình hình thực hiện và đề xuất những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quy chế này.
- 1Quyết định 46/QĐ-HĐĐPĐNB năm 2023 về Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ
- 2Quyết định 45/QĐ-HĐĐPĐBSH năm 2023 về Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng
- 3Quyết định 47/QĐ-HĐĐPTN năm 2023 về Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên
- 4Quyết định 49/QĐ-HĐĐPBTBDHTB năm 2023 về Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ
- 5Quyết định 55/QĐ-HĐĐPTDMNPB năm 2023 về Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc
- 6Quyết định 91/QĐ-HĐĐPĐBSH về kế hoạch hoạt động các tháng cuối năm 2023 Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng
- 1Quyết định 34/2007/QĐ-TTg về Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Hiến pháp 2013
- 3Luật tổ chức Chính phủ 2015
- 4Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 5Nghị quyết 57/NQ-CP năm 2022 về nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội do Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 46/QĐ-HĐĐPĐNB năm 2023 về Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ
- 7Quyết định 45/QĐ-HĐĐPĐBSH năm 2023 về Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng
- 8Quyết định 47/QĐ-HĐĐPTN năm 2023 về Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên
- 9Quyết định 49/QĐ-HĐĐPBTBDHTB năm 2023 về Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ
- 10Quyết định 974/QĐ-TTg năm 2023 về thành lập Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11Quyết định 55/QĐ-HĐĐPTDMNPB năm 2023 về Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc
- 12Quyết định 91/QĐ-HĐĐPĐBSH về kế hoạch hoạt động các tháng cuối năm 2023 Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng
Quyết định 52/QĐ-HĐĐPĐBSCL năm 2023 về Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Cửu Long
- Số hiệu: 52/QĐ-HĐĐPĐBSCL
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 31/08/2023
- Nơi ban hành: Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long
- Người ký: Lê Minh Khái
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra