Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 44/2012/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 15 tháng 10 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP TỈNH TÂY NINH ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP, ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội.

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP, ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 92/2006/NĐ-CP, ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 124/QĐ-TTg, ngày 02 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND, ngày 11 tháng 7 năm 2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh khóa VIII, kỳ họp thứ 4 về Quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2625/TTr-SNN, ngày 01 tháng 10 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 (có Quy hoạch kèm theo), với một số nội dung chính sau:

1. Quan điểm

Quan điểm chung sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp là bộ phận quan trọng trong tổng thể kinh tế xã hội của tỉnh, phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát huy vai trò của giai cấp nông dân được xác định là nhiệm vụ chiến lược góp phần tăng trưởng kinh tế, giữ gìn ổn định chính trị, bảo đảm trật tự xã hội và an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Về nông nghiệp: Xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững theo hướng coi trọng chất lượng và gia tăng giá trị, gắn sản xuất với công nghiệp chế biến và kết nối chặt chẽ với thị trường tiêu thụ. Từng bước xây dựng và nhân rộng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái đô thị nhằm tạo bước đột phá mới phát triển trồng trọt – chăn nuôi hàng hóa đạt tiêu chuẩn Quốc gia và quốc tế.

Về lâm nghiệp: Sử dụng tối ưu đất lâm nghiệp, tài nguyên động thực vật và cảnh quan vốn có của rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững về môi trường, xã hội kinh tế, quản lý bảo vệ tài nguyên rừng với thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng, năng suất các loại rừng theo đúng Luật Bảo vệ và phát triển rừng.

Về ngư nghiệp: Phát triển ngư nghiệp có năng suất, chất lượng hiệu quả cao và tăng giá trị sản xuất ngư nghiệp trong khu vực nông - lâm - ngư nghiệp. Sử dụng hợp lý mặt nước nuôi thủy sản ở các thủy vực với các loại thủy sản phù hợp, bền vững phục vụ cho chế biến công nghiệp. Đặc biệt coi trọng việc bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường nước, môi trường sinh thái.

2. Mục tiêu

Xây dựng nền nông - lâm - ngư nghiệp phát triển toàn diện, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa lớn có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, gia tăng giá trị và lợi nhuận trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp.

3. Các chỉ tiêu chủ yếu

Tốc độ phát triển ngành nông nghiệp nói chung tăng 5,6 - 5,8%/năm giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó sản xuất nông nghiệp tăng 5,6 - 5,7%/năm , lâm nghiệp tăng 2,9 - 3%/năm, ngư nghiệp tăng 14,5 - 15,5%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp trong năm 2015 là: Trồng trọt 74,5%, chăn nuôi trên 20% và dịch vụ nông nghiệp 5,5%.

Tốc độ phát triển ngành nông nghiệp nói chung tăng 5,4 - 5,5%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó sản xuất nông nghiệp tăng 5,5 - 5,7%/năm , lâm nghiệp tăng 2,4 - 2,5%/năm, ngư nghiệp tăng 12 - 12,5%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất trong năm 2015 là: Trồng trọt 68%, chăn nuôi 26% và dịch vụ nông nghiệp 6%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản hàng hóa sản xuất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2015 đạt 390 - 400 triệu USD và năm 2020 đạt 490 - 500 triệu USD.

4. Phương án quy hoạch

a) Quy hoạch phát triển trồng trọt đến năm 2020

Bảng 1: Diện tích - sản lượng cây trồng chính tỉnh Tây Ninh

Diện tích: Ha, Sản lượng: Tấn

Cây trồng chính

Năm 2010

Năm 2015

Năm 2020

Diện tích

Sản lượng

Diện tích

Sản lượng

Diện tích

Sản lượng

1. Lúa

154.192

738.779

140.000

704.909

125.000

665.000

2. Rau

20.235

283.700

21.700

340.777

23.000

395.145

3. Mía

25.478

1.607.536

30.000

2.156.950

30.000

2.333.500

4. Khoai mì

40.090

1.150.698

30.000

959.900

29.000

1.020.500

5. Đậu phộng

14.871

44.244

12.205

39.206

10.500

36.403

6. Thuốc lá

4.580

8.236

4.200

8.548

4.000

8.989

7. Bắp

5.865

29.953

6.000

34.991

6.500

43.155

8. Cao su

77.812

117.295

84.400

162.222

87.000

180.375

9. Cây ăn quả

15.597

165.750

15.079

178.317

14.900

189.297

Ghi chú: Diện tích lúa là diện tích gieo trồng.

b) Quy hoạch phát triển chăn nuôi đến năm 2020

Bảng 2: Quy mô đàn và sản phẩm chăn nuôi tỉnh Tây Ninh

Hạng mục

Đơn vị tính

Năm 2010

Kế hoạch 2015

Quy hoạch 2020

I. Quy mô đàn

1. Trâu

Con

28.451

20.000

15.000

2. Bò

Con

128.115

146.000

160.000

Trong đó: Bò sữa

Con

2.055

8.000

12.000

3. Heo

Con

210.509

270.000

355.000

4. Gia cầm

1.000 con

3.252

5.100

6.800

II. Sản phẩm chăn nuôi

1. Thịt hơi các loại

Tấn

67.541

92.040

127.240

2. Trứng gia cầm

Triệu quả

56

130

250

3. Sữa tươi

Tấn

2.405

11.000

23.000

c) Quy hoạch phát triển lâm nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2020

- Đất lâm nghiệp đến 2020 là: 71.400 ha, chia ra theo mục đích sử dụng và quản lý như sau: Rừng đặc dụng: 31.850 ha, rừng phòng hộ: 29.555 ha, rừng sản xuất: 9.995 ha.

d) Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngư nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 (kế thừa quy hoạch tổng thể thủy sản tỉnh Tây Ninh đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt)

- Kế hoạch năm 2015:

+ Diện tích nuôi thủy sản: 1.650 ha, sản lượng khoảng 42.150 tấn;

+ Tổng sản lượng thủy sản: 45.000 tấn, trong đó khai thác khoảng: 2.850 tấn.

- Quy hoạch đến năm 2020:

+ Diện tích nuôi thủy sản: 2.000 ha, sản lượng khoảng: 57.300 tấn;

+ Tổng sản lượng thủy sản: 60.000 tấn, trong đó khai thác khoảng: 2.700 tấn.

5. Các giải pháp chủ yếu

a) Xây dựng các chương trình, đề án, dự án ưu tiên đầu tư cho phát triển nông - lâm – ngư nghiệp (phụ lục kèm theo);

b) Cải thiện môi trường thu hút tốt nhất các nguồn nội - ngoại lực đầu tư phát triển nông nghiệp tỉnh Tây Ninh hiện đại - bền vững;

c) Thực hiện đúng, kịp thời cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông - lâm – ngư nghiệp đã và sẽ ban hành trong giai đoạn 2012 – 2020;

d) Đưa nhanh tiến bộ khoa học và công nghệ mới, công nghệ cao vào phát triển nông, lâm nghiệp, nuôi thủy sản nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa;

đ) Đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống công trình kết cấu hạ tầng phục vụ nông - lâm – ngư nghiệp ;

e) Tiếp tục đổi mới loại hình tổ chức, hoàn thiện cơ chế quản lý sản xuất nông lâm ngư nghiệp phù hợp với phương thức sản xuất hàng hóa, chủ động hội nhập với khu vực và thế giới;

g) Xây dựng thương hiệu hàng hóa, đăng ký nhãn hàng, đăng ký cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý và tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng đối với nông - lâm - thủy sản chủ lực của tỉnh Tây Ninh.

h) Tiếp tục phát triển công nghệ chế biến nông - lâm - thủy sản với thiết bị công nghệ hiện đại;

i) Đào tạo và bố trí sử dụng nguồn nhân lực.

6. Tổ chức thực hiện

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan triển khai thực hiện từng nội dung quy hoạch theo đúng chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan;

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tiến hành xây dựng chương trình, kế hoạch, dự án đầu tư phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiêp hàng năm, năm năm trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

b) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã căn cứ “Quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2020” tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch nông – lâm - ngư nghiêp của địa phương, đảm bảo tính thống nhất, đúng định hướng, định tính về cơ cấu đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi thủy sản và các chỉ tiêu sản xuất đối với các cây trồng, loại gia súc, gia cầm và thủy sản được bố trí trên địa bàn huyện, thị xã.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Thu Thủy

 

QUY HOẠCH

PHÁT TRIỂN NÔNG LÂM NGƯ NGHIỆP TỈNH TÂY NINH ĐẾN NĂM 2020

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1 Quan điểm chung

- Nông lâm ngư nghiệp là ngành sản xuất quan trọng trong tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh, phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát huy cao độ vai trò của giai cấp nông dân được xác định là nhiệm vụ chiến lược, góp phần tăng trưởng kinh tế, giữ gìn ổn định chính trị, đảm bảo trật tự xã hội và anh ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái.

- Phát triển nông lâm ngư nghiệp phải đảm bảo nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư, khai thác hiệu quả các nguồn lực, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, tạo ra sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh cao, phát huy được tiềm năng - lợi thế của các vùng sinh thái, từng ngành hàng nông lâm thủy sản mà tỉnh có thế mạnh. Động lực thúc đẩy phát triển nông lâm ngư nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 chính là ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, gắn với đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đi đôi với cải thiện môi trường thu hút các nguồn đầu tư. Đồng thời tổ chức lại sản xuất theo hướng mở rộng hợp tác - liên kết thông qua chuỗi giá trị, cùng với cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

2 Quan điểm phát triển của từng ngành:

- Quan điểm phát triển sản xuất nông nghiệp:

Xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, coi trọng chất lượng và gia tăng giá trị, gắn sản xuất với công nghiệp chế biến và kết nối với thị trường tiêu thụ. Từng bước xây dựng và nhân rộng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái đô thị nhằm tạo bước đột phá mới trong trồng trọt - chăn nuôi hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng Quốc gia và quốc tế.

- Quan điểm phát triển sản xuất lâm nghiệp

Sử dụng tối ưu đất lâm nghiệp, tài nguyên động thực vật và cảnh quan vốn có của rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững về môi trường, xã hội và kinh tế, quản lý bảo vệ tài nguyên rừng đi đôi với thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng, năng suất các loại rừng theo đúng luật “Bảo vệ và phát triển rừng”, giữ gìn nguồn gen động, thực vật quý hiếm, gắn phát triển rừng với du lịch sinh thái, du lịch lịch sử văn hóa đảm bảo sản xuất kinh doanh rừng đúng mục đích, đạt được kết quả ngày một cao hơn để lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng, người làm lâm nghiệp có thu nhập ổn định và có thể làm giàu từ tài nguyên rừng.

- Quan điểm phát triển ngư nghiệp

Phát triển ngư nghiệp có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao và tăng tỷ trọng GTSX ngư nghiệp trong khu vực nông - lâm - ngư nghiệp. Sử dụng hợp lý diện tích mặt nước nuôi thủy sản ở các thủy vực với loại thủy sản thích hợp và bền vững. Trong đó, tập trung ưu tiên phát triển nuôi cá các loại - nhất là cá tra nuôi thâm canh, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến hàng thủy sản xuất khẩu. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nghề khai thác thủy sản trong hồ Dầu Tiếng và các sông Sài Gòn, Vàm Cỏ Đông. Đặc biệt, coi trọng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường nước và điều kiện sinh thái.

3 Mục tiêu phát triển:

3.1 Mục tiêu tổng quát:

Xây dựng nền nông lâm ngư nghiệp phát triển toàn diện, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, gia tăng giá trị và lợi nhuận trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp.

3.2 Một số chỉ tiêu cụ thể

+ Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 đạt bình quân: 5,6 - 5,8%/năm, trong đó sản xuất nông nghiệp tăng: 5,6 - 5,7%/năm, lâm nghiệp tăng: 2,9 - 3,0%/năm và ngư nghiệp tăng: 14,5 - 15,5%/năm. cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2015: Trồng trọt: 74,5%, chăn nuôi: Trên 20,0% và dịch vụ nông nghiệp: 5,5%.

+ Giai đoạn 2016 - 2020 tốc độ tăng GTSX nông - lâm - ngư nghiệp đạt bình quân: 5,4 - 5,5%/năm trong đó nông nghiệp: 5,2 - 5,3%/năm, lâm nghiệp: 2,4 - 2,5%/năm và ngư nghiệp tăng: 12,0 - 12,5%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2020: Trồng trọt: 68,0%, chăn nuôi: 26,0%; dịch vụ nông nghiệp: 6,0%.

+ Tốc độ tăng GTSX nông - lâm - ngư nghiệp giai đoạn 2011 - 2020 đạt bình quân là: 5,5 - 5,7%/năm trong đó sản xuất nông nghiệp tăng: 5,3 - 5,4%/năm, lâm nghiệp tăng: 2,7 - 2,8%/năm và ngư nghiệp tăng: 13,5 - 14,0%/năm.

+ Tổng kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản hàng hóa sản xuất - chế biến trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2015 đạt 390 - 400 triệu USD và 2020 đạt 490 - 500 triệu USD.

Bảng 26: Sản lượng một số nông lâm thủy sản chính của tỉnh Tây Ninh đến năm 2020

STT

Tên sản phẩm

ĐVT

HT 2010

KH 2015

QH 2020

1

Sản phẩm trồng trọt (PÁII)

 

 

 

 

1.1

Thóc

tấn

738.779

704.909

665.000

1.2

Rau thực phẩm

tấn

283.700

340.777

395.145

1.3

Mía cây

tấn

1.607.536

2.156.950

2.333.500

1.4

Khoai mì

tấn

1.150.698

959.900

1.020.500

1.5

Đậu phộng

tấn

44.246

39.206

36.403

1.6

Trái cây các loại

tấn

165.750

178.317

189.297

 

Trong đó: Mãng cầu (na)

tấn

47.941

56.004

62.027

1.7

Cau su (mủ khô)

tấn

117.295

162.222

180.374

1.8

Bắp

tấn

29.953

34.991

43.155

1.9

Thuốc lá

tấn

8.236

8.862

8.989

2

Sản phẩm chăn nuôi

 

 

 

 

2.1

Thịt hơi các loại

tấn

67.541

92.040

127.240

2.2

Trứng gia cầm

triệu quả

50

130

250

2.3

Sữa bò tươi

tấn

2.405

11.000

23.000

3

Lâm sản

 

 

 

 

3.1

Gỗ khai thác

m3

66.345

67.500

69.000

3.2

Tre, trúc các loại

1.000 cây

15.393

16.500

17.900

3.3

Củi khai thác

1.000 ste

353

360

365

4

Thủy sản (tổng sản lượng TS)

 

12.578

45.000

60.000

4.1

Thủy sản nuôi

tấn

9.518

42.150

57.300

 

Trong đó: Cá các loại

tấn

9.396

42.000

57.100

4.2

Thủy sản khai thác

tấn

3.060

2.850

2.700

II. CÁC PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NÔNG LÂM NGƯ NGHIỆP TỈNH TÂY NINH ĐẾN NĂM 2020

1. Căn cứ định hướng phát triển nông lâm ngư nghiệp tỉnh Tây Ninh

- Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước giai đoạn 2011 - 2020, trong đó xác định mục tiêu định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp như sau:

+ Nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững với nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

+ Khai thác lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới để phát triển sản xuất hàng hóa lớn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản, nâng cao thu nhập và đời sống nông dân, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực Quốc gia, xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với từng loại cây, con.

+ Khuyến khích tập trung ruộng đất, phát triển kinh tế trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp với quy mô và điều kiện của từng vùng, địa phương.

+ Gắn kết chặt chẽ, hài hòa lợi ích giữa người sản xuất - người chế biến - người tiêu thụ, giữa việc áp dụng kỹ thuật và công nghệ với tổ chức sản xuất, giữa việc phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới.

+ Tiếp tục đổi mới, xây dựng mô hình tổ chức để phát triển kinh tế hợp tác. Đẩy nhanh ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại vào sản xuất.

+ Hỗ trợ phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp, bảo đảm chất lượng và an toàn dịch bệnh.

+ Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung trên cơ sở tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn đồng thời với áp dụng kỹ thuật tiên tiến.

+ Phát triển lâm nghiệp bền vững, quy hoạch và có chính sách phát triển phù hợp từng loại rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng với chất lượng được nâng cao,… Lấy nguồn thu từ rừng để phát triển rừng và làm giàu từ rừng.

+ Khai thác bền vững, có hiệu quả nguồn lợi thủy sản. Phát triển nuôi thủy sản theo quy hoạch, tập trung vào những loại thủy sản nuôi có thế mạnh và giá trị cao, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng vùng nuôi, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm. Xây dựng ngành thủy sản Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực.

Những mục tiêu - định hướng nêu trên được xem là căn cứ vững chắc nhất để tiến hành tính toán các phương án quy hoạch nông lâm ngư nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2020.

- Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI đối với ngành nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 phải quán triệt và thực hiện tốt nội dung chủ yếu sau đây:

+ Phát triển nông lâm ngư nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa gắn với giải quyết tốt vấn đề nông dân, nông thôn.

+ Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững.

+ Phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường,… đảm bảo vững chắc an ninh lương thực Quốc gia. Mở rộng diện tích áp dụng công nghệ cao đối với rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp có lợi thế,…

+ Phát triển lâm nghiệp toàn diện, bền vững, trong đó chú trọng cả 3 loại rừng.

+ Phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản đa dạng theo quy hoạch,… Phấn đấu giá trị gia tăng nông nghiệp bình quân 5 năm đạt 2,6 - 3,0%/năm. Thu nhập của người dân nông thôn tăng 1,8 - 2,0 lần so với năm 2010

- Chương trình tái cấu trúc lại ngành nông nghiệp Việt Nam: Xác định các đối tượng cây trồng, vật nuôi sẽ được ưu tiên phát triển mạnh gồm có nhóm cây rau và hoa ứng dụng công nghệ cao, đổi mới cơ cấu giống, thâm canh, thực hành nâng cao chất lượng sản phẩm. Tái cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm và bò sữa. Chuyển dịch mạnh chăn nuôi nhỏ lẻ sang trang trại. Thủy sản ưu tiên phát triển nuôi cá tra,… theo hướng công nghiệp, thâm canh đảm bảo vệ sinh an toàn và môi trường bền vững. Mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đây chính là xu thế phát triển nông nghiệp theo hướng chủ động hội nhập kinh tế thế giới và thực hiện đúng cam kết với các nhà tài trợ quốc tế (ISG) cho nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 với chủ đề “Việt Nam hưởng ứng tầm nhìn mới trong nông nghiệp”.

- Căn cứ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2046/QĐ-TTg, ngày 09/11/2010. Trong đó có một số chỉ tiêu - định hướng phát triển nông nghiệp như sau:

+ GDP khu vực nông lâm nghiệp - thủy sản giai đoạn 2011 - 2020 tăng bình quân 5,5 - 6,0%/năm. Trong đó (2011 - 2015) tăng 6,0 - 6,2%/năm, (2016 - 2020) tăng bình quân: 5,5 - 6,0%/năm.

+ Cơ cấu GDP khu vực nông lâm nghiệp - thủy sản năm 2015 chiếm 26,0 - 26,5% và đến năm 2020 là: 15,0 - 15,5% so với tổng GDP của nền kinh tế tỉnh Tây Ninh.

+ Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Thực hiện đa canh, đa dạng hóa sản phẩm nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

+ Sử dụng hợp lý, hiệu quả quỹ đất dành cho lâm nghiệp 71.006,0 ha, trong đó đất rừng: 59.380,0 ha.

+ Phát triển thủy sản phải đảm bảo những yêu cầu gìn giữ tốt môi trường nước, sử dụng nguồn nước mặt tại các thủy vực hồ Dầu Tiếng, Tây sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, phát triển nuôi thủy sản quy mô vừa và nhỏ.

- Căn cứ nội dung văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010 - 2015, các nội dung quan trọng đối với nông nghiệp phải được quán triệt trong quy hoạch nông nghiệp gồm có:

+ Hạn chế yếu kém của nông nghiệp tỉnh Tây Ninh trong 05 năm (2006 - 2010) đươc xác định: “Sản xuất nông nghiệp chưa ổn định, còn chịu nhiều rủi ro, cây trồng chính phát triển không theo kế hoạch, diện tích các cây mía, thuốc lá, đậu phộng, bắp, điều đến năm 2010 đạt thấp so với chỉ tiêu đề ra, chăn nuôi trang trại quy mô lớn chưa nhiều, trồng rừng không đạt kế hoạch. Kinh tế hợp tác - HTX tăng chậm và chất lượng hiệu quả hoạt động chưa cao”.

+ Chỉ tiêu chính đối với nông nghiệp tỉnh Tây Ninh (2011 - 2015): GTSX nông lâm ngư nghiệp tăng bình quân 5,5%/năm, cơ cấu giá trị GDP khu vực nông lâm ngư nghiệp năm 2015 giảm còn 30,0 - 31,0%. Cơ cấu GTSX ngành chăn nuôi đạt 20,0% vào năm 2015.

+ Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, khả năng cạnh tranh cao, ứng dụng nhanh khoa học - công nghệ, hình thành nền nông nghiệp sạch, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

+ Hình thành vùng lúa cao sản chất lượng cao, khuyến khích phát triển cao su, duy trì vùng mía nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến đường, từng bước giảm diện tích khoai mì, quy hoạch xây dựng khu liên hợp nông - công nghiệp.

+ Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn.

+ Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, bảo vệ khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản hồ Dầu Tiếng.

- Căn cứ Quyết định số 26/2011/QĐ-UBND, ngày 15/8/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh 05 năm (2011 - 2015). Sau đây là một số chỉ tiêu của ngành nông nghiệp.

+ Tốc độ tăng GDP khu vực I nông lâm ngư nghiệp bình quân đạt 5,5%/năm. Cơ cấu GDP khu vực I năm 2015 là 30,0 - 31,0%.

+ Giá trị sản xuất nông lâm thủy sản tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2011 - 2015 là 5,5%/năm, GTSX chăn nuôi đạt từ 20% trở lên, 20% xã đạt 19 tiêu chí NTM.

+ Hình thành vùng lúa chất lượng cao, đảm bảo an ninh lương thực, phát triển vùng rau an toàn, khuyến khích phát triển cây cao su. Đến năm 2015, diện tích lúa: 120.000,0 ha, khoai mì: 30.000,0 ha, mía: 30.000,0 ha, cao su: 75.000,0 ha, đất lâm nghiệp: 70.000,0 ha.

Ngoài các tài liệu quan trọng kể trên đề cập đến chỉ tiêu, định hướng mà nông nghiệp tỉnh Tây Ninh phải quán triệt và xây dựng phương án tổ chức triển khai thực hiện, Quy hoạch nông nghiệp tỉnh Tây Ninh còn dựa trên cơ sở tài liệu đã được các cấp, các ngành xây dựng và thông qua như sau:

+ Các chiến lược phát triển của cả nước đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về lâm nghiệp, nuôi thủy sản, chăn nuôi,…

+ Các quy hoạch phát triển ngành hàng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ ngành ban hành quyết định phê duyệt như: Quy hoạch phát triển cao su, điều, rau ăn quả, hoa, khoai mì, mía đường, cá tra,…

+ Các văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ 08 huyện và thị xã Tây Ninh nhiệm kỳ 2010 -2015 và Kế hoạch 05 năm (2011 - 2015) phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thị xã trong đó có các chỉ tiêu của ngành nông nghiệp.

2. Phương án quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2020

2.1. Phương án quy hoạch phát triển ngành trồng trọt

2.1.1. Luận cứ tính toán phương án

- Đánh giá đất và xét thích nghi cây trồng:

Tổ chức nông nghiệp - lương thực Liên hợp quốc - FAO đã đề xuất phương pháp đánh giá đất và xét thích nghi cây trồng; khuyến cáo các quốc gia, tổ chức quốc tế nên áp dụng trong lập quy hoạch, dự án phát triển cây trồng nhằm đảm bảo tính bền vững.

Ngân hàng thế giới, ngân hàng phát triển châu Á - ADB, chương trình phát triển Liên hợp quốc - UNDP,… khi thẩm tra các dự án ngành trồng trọt sử dụng vốn của các tổ chức kể trên phải có nội dung đánh giá đất - xét thích nghi cây trồng theo phương pháp của FAO.

Ở Việt Nam, đánh giá đất và xét thích nghi cây trồng được ứng dụng đầu tiên chính là dự án VIE87/031 - Quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL do FAO tài trợ, Công ty tư vấn Nedeco - Hà Lan thực hiện lập dự án. Tiếp đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã kế thừa và ban hành thành quy trình kỹ thuật tiêu chuẩn ngành (10-TCN-343-98).

Kết quả nghiên cứu đánh giá đất - xét thích nghi cây trồng trên nền bản đồ 1/100.000 theo phương pháp của FAO được trình bày chi tiết tại phụ lục số 5. Tổng hợp một số nội dung chính như sau:

- Bản đồ đơn vị đất đai tỷ lệ 1/100.000:

+ Đơn vị đất đai được tổ hợp (chồng xếp) các yếu tố ứng với tiêu chuẩn phân cấp như sau:

• Nhóm đất (soil group): 12 nhóm được kế thừa từ bản đồ đất đã chỉnh lý bổ sung năm 2005;

• Địa hình (Topographic): Chia thành 03 cấp (cao, bằng, thấp);

• Đặc trưng về nước: Điều kiện tưới bằng nước mặt phân thành 04 cấp (không tưới, tưới tự chảy, tưới bơm, tưới bởi thủy triều), ngập úng cục bộ (không ảnh hưởng, ảnh hưởng ngập do xả lũ hồ Dầu Tiếng, ảnh hưởng ngập do lũ tràn về từ Campuchia).

Ghi chú: Các yếu tố được mã hóa bằng ký hiệu lấy theo chữ cái của từ tiếng Anh chỉ tên yếu tố (ví dụ: Đất là soil - ký hiệu là S).

+ Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 37 đơn vị đất đai với diện tích 373.703,86 ha (không kể đến sông suối, mặt nước chuyên dùng và vùng bán ngập hồ Dầu Tiếng) trình bày chi tiết tại bảng 27 trang sau và phân bố đến 09 huyện (TX) ở phụ lục số 5.

- Xét thích nghi cây trồng với từng đơn vị đất đai:

+ Các loại hình sử dụng đất được chọn đưa vào xét thích nghi: Qua điều tra khảo sát tháng 8 năm 2011, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có nhiều loại hình sử dụng đất, song phổ biến có 10 loại là: 02 vụ lúa, 03 vụ lúa, luân canh lúa - màu, khoai mì, mía, cao su, điều, mãng cầu, dừa và cây ăn quả khác. Mỗi loại hình sử dụng đất có yêu cầu cụ thể về điều kiện đất - nước - chế độ thủy văn,… và mức độ thích nghi cũng khác nhau ứng với từng tiêu chuẩn phân cấp.

+ Theo FAO, thang phân cấp thích nghi chia thành 04 mức (S1 rất thích nghi, S2 thích nghi, S3 ít thích nghi, N không thích nghi). Thang phân cấp thích nghi của 10 loại hình sử dụng đất của tỉnh Tây Ninh trình bày ở bảng 6 phụ lục số 5.

+ Kết quả xét thích nghi của 10 loại hình sử dụng đất tương ứng với 37 đơn vị đất đai trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trình bày ở bảng 28 trang sau. Trong đó, xét thích nghi với một số loại hình chính như sau:

• Trường hợp 1: Các đơn vị đất đai đưa vào xét thích nghi có tổng diện tích 266.211,33 ha (sau khi loại trừ đất phi nông nghiệp - đất lâm nghiệp năm 2010 và đất nuôi thủy sản năm 2010), kết quả trình bày ở bảng 9 - phụ lục số 5.

• Trường hợp 2: Diện tích các đơn vị đất đai đưa vào xét thích nghi là: 143.954,66 ha (kế thừa quy mô xét thích nghi của trường hợp 1, tiếp tục loại trừ đất đang trồng cây lâu năm 2010) cho thấy:

• Đất rất thích nghi với canh tác lúa 2 - 3 vụ chỉ có 1.477,98 ha, chiếm 1,03% so với tổng diện tích đưa vào xét thích nghi, chứng tỏ đất đai ở tỉnh Tây Ninh thua kém đất lúa ở các tỉnh ĐBSCL hoặc ĐBSH vì được thành tạo bởi trầm tích phù sa mới.

• Tổng diện tích thích nghi với 2 vụ lúa: 92.851,0 ha (S1: 1.477,98 ha, S2: 44.459,76 ha, S3: 46.913,03 ha) và không thích nghi: 51.103,89 ha, chiếm 35,57%

• Tổng diện tích thích nghi với 3 vụ lúa: 67.658,0 ha và không thích nghi (N): 76,296,27 ha, chiếm 53,0% so với tổng diện tích đưa vào xét thích nghi.

• Đất luân canh lúa - màu: Thích nghi 75.869,0 ha (chiếm 53,0%). Đây là diện tích luân canh lúa - màu lớn nhất so với các tỉnh - TP trong cả nước.

• Mía đường: Diện tích thích nghi 81.165,0 ha, trong đó S1: 18.773,0 ha, S2: 26.071,23 ha, S3: 36.520,0 ha và không thích nghi là 62.789,4 ha. Song, mức S1 và S2 lại trùng với đất đang trồng lúa luân canh với màu. Hạch toán tài chính - kinh tế năm 2010 đối với mía thấp hơn so với lúa - màu nên diện tích mía chỉ là 25.478,0 ha.

• Cao su, ngoài diện tích cao su đã trồng 77.812,0 ha đương nhiên là thích nghi, xét thích nghi với đối tượng đất đang trồng cây hàng năm để thấy khả năng mở rộng diện tích trồng cao su giai đoạn 2011 - 2020 trong tổng số 143.954,0 ha đưa vào xét thích nghi có 22.398,0 ha mức S2 và 39.315,0 ha mức S3, tổng cộng hai mức thích nghi S2 + S3 là 61.713 ha và không thích nghi (N) là 82.241,0 ha. Như vậy, các đơn vị đất đai đang trồng cây hàng năm, có 61.713 thích nghi với cao su (chủ yếu là đất đang trồng mía và khoai mì hoặc lúa mùa mưa).

Tóm lại, kết quả nghiên cứu xây dựng bản đồ đơn vị đất đai và xét thích nghi cây trồng là cơ sở vững chắc cho việc chọn và chuyển đổi loại hình sử dụng đất thích nghi cao về sinh thái, áp dụng kỹ thuật thâm canh đạt năng suất cao, giá thành vừa phải, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường. Các loại hình ưu tiên chuyển đổi tăng diện tích trồng là lúa luân canh với màu, cao su, mãng cầu, mía và giảm đất trồng chuyên canh lúa, khoai mì, điều, cây ăn quả khác.

- Phân tích biến động diện tích cây trồng giai đoạn 2000 - 2010

+ Các cây trồng giảm diện tích gồm có: Lúa (trong đó chủ yếu là lúa mùa), bắp, đậu phộng, mè, điều, tiêu, dừa.

+ Các cây trồng diện tích tăng giảm không ổn định gồm có:

√ Mía (năm 2000: 25.419,0 ha, 2002 tăng lên 33.054,0 ha, sau đó giảm, đến 2007 đạt cao nhất: 37.963,0 ha, tiếp đó giảm xuống thấp nhất năm 2008: 18.850,0 ha, đến 2010 tăng trở lại: 25.478,0 ha).

√ Thuốc lá năm 2000: 2.804,0 ha, 2001 tăng lên: 4.982,0 ha và 2003: 6.202,0 ha và đạt cao nhất 2006: 6.564,0 ha,… Năm 2008 đạt thấp nhất 2.596,9 ha, đến năm 2010 tăng trở lại 4.580,0 ha.

Do đó, khi tính toán phương án phát triển trồng trọt phải xem quy luật diễn biến diện tích của giai đoạn 2000 - 2010 là một căn cứ. Trong đó, các cây giảm diện tích do sản phẩm thiếu thị trường tiêu thụ, hiệu quả kinh tế thấp, lạm dụng lao động sống sẽ buộc phải giảm diện tích đó là lúa, đậu phộng, mè, điều và tăng diện tích rau, hoa, cao su, mãng cầu,…

- Phân tích điểm xuất phát về năng suất cây trồng chính: Giai đoạn 2000 - 2010 thâm canh tăng năng suất cây trồng ở tỉnh Tây Ninh đạt kết quả cao, mức năng suất năm 2010 của khoai mì, mãng cầu, cao su, thuốc lá xếp thứ nhất so với các tỉnh - TP cả nước, các loại cây còn lại cũng xếp số 1, 2 so với tỉnh (TP) ở vùng ĐNB. Do vậy, tiềm năng tăng năng suất tối ưu về kinh tế - tài chính của các cây trồng còn không nhiều.

- Năng suất bình quân đến năm 2020 của một số cây chủ yếu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh như sau: Lúa 5,3 - 5,4 tấn/ha, bắp 6,4 - 6,6 tấn/ha (không kể bắp biến đổi gen), rau 1,5 - 1,7 tấn/ha, khoai mì 34,0 - 35,0 tấn/ha, mía 75,0 - 80,0 tấn/ha, đậu phộng 3,4 - 3,5 tấn/ha, cao su 2,3 - 2,35 tấn/ha, mãng cầu 13,0 - 13,5 tấn/ha,…

- Nghiên cứu kế thừa có chọn lọc các chỉ tiêu định mức tính diện tích, năng suất cây trồng trong kế hoạch năm 2011, kế hoạch 05 năm (2011 - 2015) của 09 huyện - TX và tỉnh Tây Ninh, đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển mía đường tỉnh Tây Ninh,… đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1464/QĐ-UBND.

2.1.2. Kết quả tính toán phương án quy hoạch phát triển trồng trọt

- Kết quả tính toán hai phương án phát triển trồng trọt (bảng 29 trang sau):

+ Phương án I (tính toán đề xuất của 08 Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện và Phòng Kinh tế thị xã Tây Ninh)

Áp dụng phương pháp tiếp cận đa chiều, trong đó tiếp cận thông qua cơ quan chuyên ngành nông nghiệp ở dưới một cấp trong quy hoạch là rất quan trọng. Phòng NN&PTNT vừa là cơ quan quản lý nhà nước, vừa tham mưu cho hệ thống chính trị cấp huyện và có chức năng đề xuất xây dựng chỉ tiêu kế hoạch hàng năm, 05 năm nên sát thực tế.

Phương án phát triển trồng trọt từng huyện - TX được căn cứ vào các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010 - 2015, kế hoạch 05 năm, hoặc một số địa phương căn cứ vào quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội.

Kết quả tính toán chi tiết trình bày ở phụ biểu số 32. Một số chỉ tiêu đáng chú ý là: Đến năm 2020 năng suất lúa đạt 5,57 tấn/ha (hơn năm 2010: 0,78 tấn/ha), sản lượng lúa đạt cao 743.100,0 tấn (hơn 2010: 4.321,0 tấn); diện tích bắp 7.996,0 ha (tăng 2.131,0 ha), năng suất đạt cao 7,07 tấn/ha (tăng 1,96 tấn/ha); khoai mì giảm còn 33.030,0 ha, mía năng suất bình quân 81,02 tấn/ha (tăng 17,92 tấn/ha); đậu phộng 15.770,0 ha (tăng 899,0 ha). Một số cây trồng giảm diện tích đến năm 2020 so với năm 2010 có: Cây ăn quả (giảm còn 13.870,0 ha); rau thực phẩm giảm -1.465,0 ha; mè, đậu đỗ; lúa cả năm giảm đến năm 2020 còn 133.408,0 ha, khoai mì (33.030,0 ha).

Cơ quan tư vấn và Sở Nông nghiệp - PTNT thống nhất xem kết quả tính toán kể trên là phương án nền của dự án quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Tây Ninh.

+ Phương án II (kế thừa có chọn lọc phương án I, kết hợp với các căn cứ định hướng, phân tích cơ sở khoa học - thực tế nhằm xây dựng ngành trồng trọt tỉnh Tây Ninh dựa trên nền tảng phát huy kết quả đã đạt được đến năm 2010, khai thác tốt nhất tiềm năng, tranh thủ lợi thế - cơ hội của từng sản phẩm hình thành ngành trồng trọt sản xuất hàng hóa lớn phát triển bền vững trong bối cảnh kinh tế thị trường và BĐKH).

√ Kế thừa có chọn lọc phương án I về một số định hướng chính là tập trung đầu tư thâm canh tăng năng suất để đến năm 2020 các cây trồng phải đạt cao hơn so với năm 2010.

√ Giảm diện tích một số cây trồng kém hiệu quả (lúa, mè, điều, đậu đỗ, thuốc lá).

√ Giai đoạn 2011 - 2020 phải tăng diện tích cao su, mía, mãng cầu, rau thực phẩm, hoa phong lan, cây dược liệu.

√ Điều chỉnh lại diện tích, năng suất, sản lượng cây trồng ở một số huyện do mới nhìn trên phạm vi hành chính xã - huyện mà chưa quan tâm đến địa bàn rộng hơn là tỉnh, vùng Đông Nam bộ và vùng KTTĐPN.

Đồng thời, phân tích các chỉ tiêu DT - NS - SL cây trồng ở PÁ I tính toán còn thiếu cơ sở khoa học và khó khả thi, cụ thể như: Sản lượng một số cây tăng mạnh so với năm 2010 là: Rau, quả, cao su, mãng cầu, bắp. Năng suất các loại cây trồng ở huyện Tân Biên rất cao: Rau 25,0 tấn/ha, mía 90,0 tấn/ha, cao su 2,4 tấn/ha, đậu phộng 3,5 tấn/ha. Huyện Dương Minh Châu: Đậu phộng 3,87 tấn/ha, rau 23,0 tấn/ha, cao su 2,8 tấn/ha. Huyện Trảng Bàng: Bắp 8,2 tấn/ha, lúa Đông Xuân 6,0 tấn/ha, mía 120,0 tấn/ha, thuốc lá 3,0 tấn/ha, mè 1,8 tấn/ha, cao su 3,2 tấn/ha,…

+ Phương án II kế thừa có chọn lọc đồng thời nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung các hạn chế nêu trên của phương án I nên chỉ tiêu diện tích - năng suất - sản lượng của từng loại cây trồng thuộc các huyện - TX được tính toán có căn cứ khoa học và thực tế, đảm bảo mức độ khả thi cao, phù hợp với chủ trương tái cấu trúc lại ngành nông nghiệp, trong đó có trồng trọt. Đặc biệt là tập trung sản xuất các cây trồng xác định là hàng hóa chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao của từng huyện (TX) và toàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020. Kết quả chi tiết trình bày ở phụ biểu 33.

√ Các chỉ tiêu diện tích, sản lượng cây trồng đến năm 2020 của phương án II cao hơn phương án I gồm: Rau, quả trong đó có mãng cầu,

√ Phần lớn các chỉ tiêu diện tích - năng suất - sản lượng của các loại cây trồng trong phương án II điều chỉnh giảm một cách hợp lý, đảm bảo tuân thủ các quy luật tự nhiên - kinh tế - tài chính - thị trường. Đáng chú ý, có một số cây trồng phương án II giảm khá nhiều so với phương án I, đó là: Lúa (giảm 8.408,0 ha, năng suất giảm 0,25 tấn/ha, sản lượng lúa giảm 78.100,0 tấn), bắp (giảm 1.496,0 ha). Một số cây giảm diện tích, tăng năng suất nên sản lượng ổn định là: Khoai mì, đậu phộng, mè, thuốc lá,… Đặc biệt, một số cây ưu tiên phát triển mạnh là: Hoa - cây cảnh (nhất là phong lan), cây dược liệu, cỏ trồng cắt làm thức ăn chăn nuôi ở các trang trại nuôi bò sữa, bò thịt.

- So sánh và lựa chọn phương án phát triển ngành trồng trọt: Diện tích - năng suất - sản lượng cây trồng chính của hai phương án được tổng hợp trình bày ở bảng 29. Qua bảng rút ra nhận xét:

+ Phương án I: Có một số hạn chế chủ yếu như sau:

√ Đa số chỉ tiêu diện tích - năng suất - sản lượng của tất cả cây trồng chính đều tăng ở mức cao nên khó khả thi. Đồng thời một số chỉ tiêu diện tích - sản lượng cây trồng lẽ ra phải tăng (rau, quả,…) lại tính toán giảm.

√ Lý do giải thích cho các tính toán tổng hợp ở phương án I là do các Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện, Phòng Kinh tế thị xã Tây Ninh còn thiếu phương pháp và chưa có đủ các thông tin tư liệu cần thiết, đảm bảo độ tin cậy khi lập quy hoạch phát triển ngành trồng trọt.

√ Chỉ tiêu sản xuất cây trồng chưa căn cứ vào quỹ đất sản xuất nông nghiệp dự báo đến năm 2020

√ Đặc biệt, một số huyện xác định mức năng suất cây trồng năm 2020 tăng rất cao so với năm 2010 (lúa cả năm ở huyện Châu Thành đạt 6,11 tấn/ha, vụ lúa Đông Xuân 6,5 tấn/ha trên diện tích 12.000 ha, Hè Thu 6,0 tấn/ha; huyện Trảng Bàng năng suất bắp 8,2 tấn/ha, mía 120,0 tấn/ha, thuốc lá 3,0 tấn/ha; huyện Dương Minh Châu tính năng suất rau bình quân 23,0 tấn/ha, năng suất cao su: 2,8 tấn/ha, huyện Gò Dầu tính năng suất mè 2,0 tấn/ha).

Qua phân tích rất cụ thể các chỉ tiêu tính toán của hai phương án, đề nghị chọn phương án II trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2020 với cơ cấu đất sản xuất nông nghiệp tỉnh Tây Ninh trình bày ở bảng 30 như sau:

Bảng 30: Cơ cấu đất SXNN tỉnh Tây Ninh đến năm 2020

ĐVT: ha

Hạng mục

Tổng diện tích đất SXNN

Chia ra

Đất trồng cây hàng năm

Đất trồng cây lâu năm

Tổng số

Trong đó

Cây CN lâu năm

Cây ăn quả lâu năm

Toàn tỉnh

247.438,70

129.301,70

118.137,00

90.526,00

14.900,00

1. TX. Tây Ninh

6.894,91

2.688,91

4.206,00

1.360,00

2.846,00

2. Tân Biên

46.829,00

17.794,00

29.035,00

23.916,00

1.000,00

3. Tân Châu

62.882,94

17.174,94

45.708,00

37.000,00

3.520,00

4. Dương Minh Châu

25.950,00

14.450,00

11.500,00

10.000,00

1.446,00

5. Châu Thành

44.342,10

33.639,10

10.703,00

8.012,00

1.550,00

6. Hòa Thành

4.453,85

2.156,85

2.297,00

437,00

1.860,00

7. Gò Dầu

16.953,90

11.311,90

5.642,00

4.886,00

650,00

8. Bến Cầu

15.713,00

12.985,00

2.728,00

1.150,00

820,00

9. Trảng Bàng

23.419,00

17.101,00

6.318,00

3.765,00

1.208,00

+ Quá trình chuyển đổi cơ cấu đất SXNN theo đúng định hướng mục tiêu phát triển nông nghiệp được ghi trong Nghị quyết tỉnh Đảng bộ Tây Ninh nhiệm kỳ 2010 - 2015 và các quyết định của UBND tỉnh phê duyệt như Đề án quy hoạch phát triển mía đường, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2011 - 2015),…

+ Đặc biệt lưu ý việc chuyển đổi đất lúa ở tỉnh Tây Ninh là chuyển đổi loại cây trồng trong nội bộ cơ cấu đất SXNN. Đây là chuyển đổi “Mềm” nên hoàn toàn khác với chuyển đổi “Vĩnh viễn” từ đất lúa sang đất xây dựng khu - cụm công nghiệp, đô thị,…

+ Thực hiện chuyển đổi cơ cấu đất SXNN tỉnh Tây Ninh trong nội dung quy hoạch nông nghiệp theo đúng tinh thần đề án tái cấu trúc lại nền nông nghiệp Việt Nam.

- Kế hoạch 05 năm (2011 - 2015) của ngành trồng trọt tỉnh Tây Ninh: Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã có Quyết định số 26/2011/QĐ-UBND, ngày 15/8/2011 Ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2011 - 2015) trong đó có nội dung kế hoạch phát triển ngành trồng trọt. Song, đối chiếu với kết quả ước thực hiện năm 2011, các chỉ tiêu quy hoạch trồng trọt theo phương án II, dự báo kế hoạch sử dụng đất SXNN đến năm 2015 và cập nhật các thông tin khoa học - công nghệ, thị trường, các khuyến cáo của đề án tái cấu trúc lại nền nông nghiệp Việt Nam,… cơ quan tư vấn kính mong UBND tỉnh nghiên cứu xem xét điều chỉnh các chỉ tiêu Kế hoạch 05 năm của ngành trồng trọt cho hợp lý hơn được trình bày ở bảng 31 trang sau và các phụ biểu số 34, 35. Sau đây là một số chỉ tiêu chính:

+ DT - NS - SL lúa tỉnh Tây Ninh năm 2015 theo Quyết định số 26/2011/QĐ-UBND là 120.000,0 ha - 4,87 tấn/ha - 584.800,0 tấn được điều chỉnh tăng lên 140.000,0 ha - 5,04 tấn/ha - 704.909,0 tấn (vì sau 05 năm diện tích lúa giảm -34.192,0 ha, sản lượng giảm đến -53.979 tấn là khó chấp nhận, khi Quốc hội đã ban hành nghị quyết thông qua đề án giữ đất lúa, Chính phủ sẽ ban hành chính sách khuyến khích sản xuất lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia).

+ Giảm diện tích - sản lượng bắp năm 2015 (10.000,0 ha - 55.000,0 tấn xuống 6.000,0 ha - 34.991,0 tấn).

+ Tăng diện tích - sản lượng rau đến năm 2015 (15.500,0 ha - 232.500,0 tấn lên 21.700,0 ha - 340.777,0 tấn) vì đây là cây thế mạnh của trồng trọt tỉnh Tây Ninh.

+ Giảm diện tích - năng suất - sản lượng đậu phộng đến năm 2015 (30.000,0 ha - 3,5 tấn/ha - 105.000,0 tấn xuống còn 12.205,0 ha - 3,21 tấn/ha - 39.206,4 tấn) vì đậu phộng là cây mang lại hiệu quả kinh tế thấp và lạm dụng lao động sống,…

+ Giảm diện tích - sản lượng thuốc lá đến năm 2015 (8.000,0 ha - 16.000,0 tấn xuống còn 4.200,0 ha - 8.548,0 tấn) vì các chính sách tăng thuế đánh vào thuốc lá và thu hẹp thị trường tiêu thụ đã được Chính phủ trình Quốc hội khóa XIII.

+ Giảm diện tích - sản lượng đậu đỗ, mè vì chỉ tiêu kế hoạch đến năm 2015 quá cao, rất khó khả thi (đậu đỗ 12.000,0 ha - 15.600,0 tấn, mè 4.000 ha).

+ Đặc biệt, tăng diện tích cao su theo kế hoạch năm 2015 từ 70.000,0 ha - 136.500,0 tấn lên 84.400,0 ha - 162.222,0 tấn (ước thực hiện kế hoạch 2011, diện tích cao su đã là 81.500,0 ha) và mãng cầu tăng 525,0 ha, sản lượng tăng thêm 8.063,0 tấn.

+ Bổ sung vào kế hoạch sản xuất: Hoa phong lan, cây dược liệu và cỏ trồng làm TĂCN.

Tóm lại, chỉ tiêu kế hoạch 5 năm (2011 - 2015) tuy UBND tỉnh đã có Quyết định số 26/2011/QĐ-UBND phê duyệt nhưng nên điều chỉnh cho sát thực tế.

2.2. Các phương án quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011 – 2020

2.2.1. Căn cứ định hướng và các cơ sở tính toán các phương án quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi tỉnh Tây Ninh

- Trên cơ sở phân tích, đánh giá, toàn diện, sâu sắc kết quả kết quả sản xuất ngành chăn nuôi tỉnh Tây Ninh, từng huyện (TX) trong giai đoạn 2001 – 2010 đặc biệt, coi trọng các thành tựu – kết quả đã đạt được, song cũng xác nhận và chỉ rõ đâu là các hạn chế, khó khăn, thách thức để lựa chọn giải pháp phát triển phù hợp và bền vững.

- Từ các dự báo tác động đến ngành chăn nuôi tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011 – 2020, tìm ra xu thế phát triển từng loại gia súc gia cầm, nhất là các vật nuôi được xác định là thế mạnh của ngành chăn nuôi tỉnh Tây Ninh và từng huyện (TX). Đặc biệt, là định hướng phát triển loại hình kinh tế trang trại chăn nuôi gắn liền với giết mổ - chế biến + bảo quản và thị trường tiêu thụ.

- Vấn đề chất lượng giống vật nuôi, thời gian nuôi để có sản phẩm, loại hình tổ chức chăn nuôi gắn với phương thức nuôi, trong đó đáng chú ý là phương thức chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp,… nhằm tăng năng suất, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với từng sản phẩm gia súc, gia cầm.

- Đặc biệt, trong các định hướng phát triển chăn nuôi của tỉnh Tây Ninh luôn phải quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2010 – 2015, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 đã được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản lần thứ XI, trong đó có các nội dung định hướng phát triển chăn nuôi.

- Các định mức kỹ thuật sử dụng tính toán phát triển chăn nuôi căn cứ theo Quyết định số 67/2002/QĐ-BNN, ngày 16/07/2002 của Bộ Nông nghiệp – PTNT về việc Ban hành các chỉ tiêu kỹ thuật của từng loại vật nuôi. Đồng thời cập nhật các định mức nuôi về chi phí thức ăn chăn nuôi cho 1kg tăng trọng của heo, gà, vịt và thời gian nuôi đến xuất chuồng, cũng như số lứa vật nuôi trong 1 năm. Riêng đối với đàn bò thịt được tính toán dựa vào cơ cấu đàn hiện có, tiến hành bài toán chu chuyển đàn để đạt mục tiêu của phương án (số lượng vật nuôi, quy mô sản phẩm và giá trị sản phẩm,…)

- Đặc biệt, quy mô đàn bò sữa căn cứ vào các dự án sẽ được Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh cấp phép đầu tư cho Tổng Công ty sữa Việt Nam và Công ty TNHH Minh Đăng.

2.2.2. Các phương án quy hoạch phát triển chăn nuôi đến năm 2020

- Tính toán hai phương án phát triển chăn nuôi:

+ Phương án I: Phương án này được tổng hợp từ kết quả tính toán đề xuất bởi 08 Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện và Phòng Kinh tế thị xã Tây Ninh. Cơ sở tính toán phương án của từng địa phương được căn cứ vào yếu tố chính là: Diễn biến quy mô đàn và sản phẩm chăn nuôi 10 năm (2000 - 2010), kế hoạch 5 năm (2011 - 2015) đã được UBND huyện (TX) phê duyệt và trước đó đã trình hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện và thị xã Tây Ninh.

+ Trong phương pháp tiếp cận xây dựng quy hoạch chăn nuôi tỉnh Tây Ninh đã được UBND tỉnh thông qua có 2 cách tiếp cận là kế thừa có chọn lọc và tiếp cận đa chiều. Trong đó chiều từ dưới lên chính là từ tính toán quy hoạch chăn nuôi của từng huyện (TX) tổng hợp lên toàn tỉnh. Với cách tiếp cận này nhằm phát huy kinh nghiệm và tính sâu sát thực tế của các cán bộ đang công tác tại Phòng Nông nghiệp và PTNT. Hơn nữa, khi quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện sẽ thuận lợi hơn vì chính họ đã tham gia tính toán phương án.

+ Phương án II: Kế thừa có chọn lọc kết quả tính toán phương án I đối với quy mô đàn từng loại gia súc - gia cầm và sản phẩm vật nuôi đến năm 2015, 2020 của 08 huyện và thị xã Tây Ninh. Từ lượng hóa các nguồn lực liên quan đến phát triển từng loại vật nuôi chủ lực có lợi thế cạnh tranh, mà trên địa bàn tỉnh Tây Ninh còn tiềm năng và lợi thế cho phép tiếp tục khai thác, sử dụng mang lại hiệu quả cao hơn. Đặc biệt, tiến hành tính toán lại cân đối giữa cung - cầu trên nhiều lĩnh vực: vốn đầu tư, giống gia súc - gia cầm chất lượng cao, thức ăn chăn nuôi, sản xuất với tiêu thụ trong nội bộ tỉnh và bán ra thị trường vùng KTTĐPN, nhất là thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2015, 2020, đồng thời có xét đến phạm vi địa bàn quy hoạch phát triển chăn nuôi trang trại, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ, mức độ thay đổi nhận thức của các nhà ở tỉnh Tây Ninh đối với ngành chăn nuôi, môi trường thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế và các doanh nghiệp trong - ngoài tỉnh vào phát triển ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020.

Kết quả tính toán 2 phương án phát triển chăn nuôi tỉnh Tây Ninh trình bày ở bảng 32 và bảng 33 trang sau.

Bảng 34: Kết quả tổng hợp 02 phương án phát triển chăn nuôi tỉnh Tây Ninh

Số TT

HẠNG MỤC

Phương án I

Phương án II

So sánh PÁII/PÁI

2015

2020

2015

2020

2015

2020

I

QUY MÔ ĐÀN (Con)

 

 

 

 

 

 

1

Đàn bò

177.000

220.000

146.000

160.000

-31.000

-60.000

 

- Trong đó bò sữa

11.000

15.000

8.000

12.000

-3.000

-3.000

2

Đàn heo

273.000

347.000

270.000

355.000

-3.000

8.000

 

- Heo nái

43.000

56.000

42.000

57.000

-1.000

1.000

3

Đàn gia cầm

6.000.000

8.300.000

5.100.000

6.800.000

-900.000

-1.500.000

a

Đàn gà

5.000.000

7.000.000

4.100.000

5.700.000

-900.000

-1.300.000

 

- Trong đó mái đẻ

1.330.000

2.200.000

1.100.000

1.900.000

-230.000

-300.000

b

Đàn vịt

1.000.000

1.300.000

1.000.000

1.100.000

 

-200.000

 

- Trong đó mái đẻ

230.000

340.000

210.000

300.000

-20.000

-40.000

4

Đàn trâu

38.000

45.000

20.000

15.000

-18.000

-30.000

 

- Trong đó sinh sản

20.000

22.000

10.000

7.000

-10.000

-15.000

II

SẢN PHẨM CHĂN NUÔI

 

 

 

 

 

 

1

Thịt hơi các loại (Tấn)

97.900

138.800

92.040

127.040

-5.860

-11.760

 

- Thịt heo

63.380

85.710

62.880

87.380

-500

1.670

 

- Thịt bò

11.340

16.270

10.760

12.320

-580

-3.950

 

- Thịt trâu

3.640

4.320

2.130

1.560

-1.510

-2.760

 

- Thịt gà

15.990

28.020

12.920

22.080

-3.070

-5.940

 

- Thịt vịt

3.530

4.390

3.350

3.900

-180

-490

2

Trứng gia cầm (1000quả)

160.000

290.000

130.000

250.000

-30.000

-40.000

3

Sữa bò tươi (Tấn)

15.000

29.000

11.000

23.000

-4.000

-6.000

Ghi chú: Đã cập nhật các dự án nuôi gà chuyên trứng (Malaysia), nuôi bò sữa đã được UBND tỉnh chấp nhận chủ trương đầu tư.

Phân tích đề xuất lựa chọn phương án quy hoạch phát triển chăn nuôi tỉnh Tây Ninh đến năm 2020

+ Phương án I: Đề xuất không được chọn tổ chức thực hiện vì có không ít hạn chế. Đặc biệt là khó khả thi bởi các lý do sau đây:

√ Đàn trâu năm 2010: 28.451 con kế hoạch của năm 2015: 38.000 con, quy hoạch đến năm 2020 tăng lên 45.000 con là khó khả thi vì 10 năm trước đó đàn trâu giảm rất mạnh không chỉ ở tỉnh Tây Ninh mà ở tất cả các tỉnh – thành phố Nam bộ. Địa bàn có thể nuôi trâu thu hẹp đến mức tối đa (năm 2015 không còn đất chưa sử dụng. Hơn nữa, tổng số huyện (TX) đã có 4 địa phương giảm đàn trâu, là thị xã Tây Ninh, các huyện: Tân Biên, Dương Minh Châu và Hòa Thành. Còn 05 huyện tăng đàn trâu, trong số đó có huyện Trảng Bàng tăng nhiều từ 6.769 con lên 15.600 con (tăng 8.831 con), huyện Tân Châu từ 2.179 con lên 6.500 con (tăng 4.321 con); huyện Gò Dầu tăng gấp đôi (từ 3.565 con lên 7.000 con) và Bến Cầu từ 3.719 con tăng lên 5.000 con (tăng 1.281 con) được xác định là rất khó khả thi.

√ Đàn bò dự kiến liên tục tăng với mức cao, năm 2010: 128.115 con; 2015: 168.000 con và đến năm 2020: 209.000 còn (tăng 80.885 con). Thực tế, đàn bò năm 2008 - 2010 giảm từ 145.467 con xuống 128.115 con (giảm 17.352 con), năm 2011: 125.860 con do dịch LMLM hiệu quả chăn nuôi bò thấp vì giá bán bò giống giảm hơn 30-40% so với năm 2005, địa bàn chăn nuôi bị thu hẹp, vì vậy tăng mạnh đàn bò giai đoạn 2011 - 2020 là không dễ, số lượng đàn bò tăng lên chủ yếu ở 2 địa phương (huyện Tân Châu dự kiến đàn bò từ 8.258 con tăng lên 40.000 con tăng lên gấp 4,85 lần và huyện Trảng Bàng đàn bò năm 2020: 43.400 con hơn năm 2010: 16.073 con) do vậy quy mô đàn bò đến năm 2020 theo phương án I còn thiếu tính thực tiễn.

√ Đàn gia cầm: Năm 2020 dự kiến đạt 7.394 nghìn con, so với năm 2000 tăng gấp 2,27 lần đặt trong điều kiện dịch cúm gia cầm vẫn được xem là có nguy cơ tái phát, giá giống gà công nghiệp 25.000 – 27.000 đồng/con trong khi giá bán gà thịt chỉ có 35.000 – 37.000 đồng/kg, giá thức ăn nuôi gà cũng ở mức cao chính vì vậy phương án khó khả thi. Hơn nữa, chăn nuôi gà công nghiệp là hướng phát triển chính nên khi tăng số con thường xuyên sẽ tăng số lượng gà xuất chuồng cả năm. Ước tính sản lượng thịt gà hơi năm 2020: 27.350 tấn gấp 4 lần so với năm 2010. Đối chiếu với số liệu thống kê của cả nước 25 năm (1996 – 2010) thực hiện đường lối đổi mới cũng chưa có địa phương nào chăn nuôi gà có mức tăng rất cao như trên. Trong đó đáng xem xét là huyện Tân Biên tăng đàn gà từ 213,13 nghìn con lên 800 nghìn con (gấp 4 lần), huyện Tân Châu từ 272,53 nghìn con lên 670,0 nghìn con (gấp 2,5 lần), huyện Dương Minh Châu từ 393,78 nghìn con lên 1.700 nghìn con (tăng gấp 4,32 lần) đã ảnh hưởng đến tổng đàn gà toàn tỉnh Tây Ninh.

√ Quy mô đàn heo phương án I thấp hơn phương án II không nhiều (8.000 con), song lưu ý là huyện Tân Châu tính tốc độ tăng đàn heo ở mức rất cao từ 8.258 con (2010) lên 40.000 con (2020) gấp 4,48 lần và huyện Trảng Bàng năm 2020 có tổng đàn heo 43.400 con gấp 1,6 lần nên các chỉ tiêu quy mô đàn heo ở huyện Tân Châu và Trảng Bàng trở thành hiện thực.

+ Hạn chế của phương án I là do: Đa số Phòng Nông nghiệp - PTNT 08 huyện và Phòng Kinh tế thị xã Tây Ninh không có cán bộ được đào tạo về chăn nuôi (cao đẳng, đại học chăn nuôi hoặc thú y) nên ít hiểu biết sâu về các định mức kinh tế - kỹ thuật, đồng thời thiếu thông tin về giống gia súc - gia cầm, thức ăn chăn nuôi, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hơn nữa, vấn đề tiềm năng, lợi thế phát triển chăn nuôi trang trại đặt trong bối cảnh của tỉnh Tây Ninh so với các địa phương khác trong vùng Đông Nam bộ còn chưa được tiếp cận. Do vậy, thiếu sót khi tính toán các chỉ tiêu chăn nuôi ở phương án I là khó tránh khỏi.

+ Phương án II: Kế thừa có chọn lọc các tính toán của từng huyện (TX) của phương án I, thông qua phân tích cập nhật các thông tin về môi trường đầu tư, địa bàn khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại, các thuận lợi và cơ hội phát triển chăn nuôi trang trại sản xuất hàng hóa lớn. Đặc biệt là tiếp cận với dự án đầu tư của các doanh nghiệp đang và sẽ được cấp phép đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, gia cầm, sản xuất TĂCN - thuốc thú y,… đảm bảo cơ cấu GTSX chăn nuôi trong ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ Tây Ninh nhiệm kỳ 2011 - 2015. Chính vì vậy, phương án II đã giải quyết được các hạn chế của phương án I nên Sở Nông nghiệp - PTNT thống nhất chọn trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, tạo cơ sở pháp lý tổ chức thực hiện.

3. Quy hoạch phát triển lâm nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2020

(Kế thừa báo cáo quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011 - 2020 xây dựng năm 2011)

- Kết quả tính toán phương án quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Tây Ninh đến năm 2020

+ Chuyển đổi cơ cấu đất lâm nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2020

Bảng 35: Diện tích đất lâm nghiệp và sử dụng đất rừng tỉnh Tây Ninh đến năm 2020

Nguồn: Quy hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Tây Ninh

ĐVT: ha

STT

Hạng mục

Diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp giai đoạn 2011 - 2020

DT theo

QH 03 loại rừng

Chênh lệch GĐ 2011 - 2020 với QH 03 loại rừng

 

TỔNG DT ĐẤT LN

71.400

69.626

1.774

I

Chia theo huyện - TX

 

 

 

1

Tân Châu

32.640

32.221

419

2

Tân Biên

31.189

30.094

1.095

3

Châu Thành

4.598

4.384

214

4

Dương Minh Châu

662

657

5

5

TX Tây Ninh

1.541

1.534

7

6

Bến Cầu

770

736

34

II

Chia theo 03 loại rừng

 

 

 

1

Rừng đặc dụng

31.850

30.848

1.002

2

Rừng phòng hộ

29.555

29.270

285

3

Rừng sản xuất

9.995

9.508

487

Như vậy, Quy hoạch Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 so với quy hoạch 03 loại rừng có thay đổi theo hướng gia tăng diện tích đất lâm nghiệp 1.774,0 ha, trong đó, huyện Tân Biên: +1.075,0 ha, Tân Châu: +419,0 ha, Châu Thành: +214,0 ha,… Đối với 03 loại rừng thì diện tích rừng đặc dụng tăng 1.002,0 ha, riêng rừng phòng hộ tăng: 285,0 ha và rừng sản xuất tăng: 487,0 ha.

+ Quy hoạch đất lâm nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 theo các cơ quan quản lý

Bảng 36: Quy hoạch đất lâm nghiệp theo cơ quan quản lý đến 2020

Nguồn: Quy hoạch Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Tây Ninh

STT

Hạng mục

Diện tích (ha)

 

 

 

 

TỔNG DIỆN TÍCH ĐẤT RỪNG

71.400

 

I

Rừng đặc dụng

31.850

 

1

Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát

19.156

 

2

Khu rừng văn hóa - lịch sử Chàng Riệc

10.711

 

3

Khu rừng văn hóa - lịch sử Núi Bà

1.761

 

4

Khu rừng di tích lịch sử Căn cứ Huyện ủy Châu Thành

190

 

5

Khu rừng di tích lịch sử Căn cứ Đồng Rùm (H. Tân Châu)

32

 

II

Rừng phòng hộ

29.555

 

 

Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng (phòng hộ đầu nguồn)

29.555

 

III

Rừng sản xuất

9.995

 

1

Rừng sản xuất khu vực Chàng Riệc

1.322

 

2

Rừng sản xuất khu vực Dầu Tiếng

3.495

 

3

Rừng sản xuất huyện Châu Thành

4.408

 

4

Rừng sản xuất huyện Bến Cầu

770

 

Như vậy, rừng đặc dụng có 01 vườn Quốc gia, 02 khu rừng văn hóa lịch sử và 02 khu rừng di tích lịch sử cách mạng, 01 Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng: 29.555,0 ha.

√ Theo quy hoạch đến năm 2020, đất có rừng tăng thêm 10.700,0 ha.

√ Đất lâm nghiệp của tỉnh Tây Ninh đến năm 2020: 71.006,0 ha, phân bố chủ yếu ở BQLRPH Dầu Tiếng: 32.764,0 ha (chiếm 46,14%), Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát: 19.168,0 ha (26,99%), rừng VHLS Chàng Riệc: 11.913,0 ha (16,77%), UBND huyện Châu Thành: 4.598,0 ha (6,47%),…

- Các giải pháp cần thực hiện và khái toán vốn đầu tư bảo vệ - phát triển rừng

+ Các giải pháp: Cần thực hiện tốt 06 giải pháp chủ yếu sau đây:

√ Tổ chức quản lý và tổ chức sản xuất;

√ Khoa học - công nghệ, giáo dục đào tạo và khuyến lâm;

√ Vận dụng hệ thống cơ chế chính sách;

√ Phát triển nguồn nhân lực trong ngành nông nghiệp;

√ Mở rộng - tăng cường hợp tác quốc tế;

√ Triển khai các dự án ưu tiên đầu tư (05 dự án) như quy hoạch Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Tây Ninh;

+ Khái toán đầu tư:

√ Tổng nhu cầu vốn đầu tư: 431.152,0 triệu đồng, trong đó 2011 - 2015: 289.983,0 triệu đồng, 2016 - 2020: 141.169,0 triệu đồng.

√ Nguồn vốn đầu tư: Ngân sách Trung ương: 221.428,0 triệu đồng, ngân sách địa phương: 40.307,0,0 triệu đồng, doanh nghiệp: 39.417,0 triệu đồng và dịch vụ môi trường rừng: 130.000,0 triệu đồng.

4. Điều chỉnh quy hoạch ngư nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2020

(Báo cáo rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể tỉnh Tây Ninh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 xây dựng năm 2007, quy hoạch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt)

- Cơ sở điều chỉnh quy hoạch ngư nghiệp tỉnh Tây Ninh:

+ Kết quả khảo sát phân tích chất lượng nguồn nước mặt tại một số thủy vực (rạch Tây Ninh, sông Vàm Cỏ Đông,…) mức độ ô nhiễm có xu hướng gia tăng (nhất là các tháng mùa khô) ảnh hưởng đến môi trường sống của các loại thủy sản.

+ Sản lượng thủy sản khai thác của một số huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu, Châu Thành, Tân Biên giảm năm 2010 thấp hơn các năm trước đó do nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt.

+ Hiệu quả khai thác thủy sản thấp nên một số ngư dân chuyển nghề, số lượng tàu thuyền được cấp phép hành nghề giảm.

+ Kết quả nuôi và khai thác thực hiện năm 2010 thấp hơn so với chỉ tiêu quy hoạch, cụ thể như sau:

√ Diện tích nuôi thủy sản năm 2010: 1.227,0 ha, thấp hơn so với quy hoạch: -373,0 ha (quy hoạch: 1.600,0 ha).

√ Sản lượng thủy sản nuôi năm 2010: 9.518,0 tấn, thấp hơn so với quy hoạch: -5.812,0 tấn (quy hoạch: 15.330,0 tấn).

√ Sản lượng thủy sản khai thác năm 2010: 3.060,0 tấn, thấp hơn so với quy hoạch: -440,0 tấn (quy hoạch: 3.500,0 tấn).

√ Một số loại thủy sản nuôi như tôm càng xanh và mô hình nuôi lúa - cá gần như không còn tồn tại trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Tổng hợp các căn cứ nêu trên đặt ra yêu cầu cấp thiết phải điều chỉnh lại quy hoạch thủy sản tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 về: Địa bàn - sản lượng khai thác thủy sản, loại hình nuôi thủy sản, diện tích - sản lượng thủy sản nuôi, cuối cùng là tổng sản lượng và GTSX ngư nghiệp.

- Kết quả điều chỉnh quy hoạch thủy sản tỉnh Tây Ninh đến năm 2020

Bảng 37: Diện tích và sản lượng thủy sản tỉnh Tây Ninh đến năm 2020

Hạng mục

Kế hoạch năm 2015

Quy hoạch đến năm 2020

DT nuôi (ha)

Sản lượng thủy sản (tấn)

DT nuôi (ha)

Sản lượng thủy sản (tấn)

Tổng SL

TS nuôi

TS

khai thác

Tổng SL

TS nuôi

TS

khai thác

Toàn tỉnh Tây Ninh

1.650

45.000

42.150

2.850

2.000

60.000

57.300

2.700

1. TX. Tây Ninh

40

290

250

40

43

260

230

30

2. Tân Biên

62

220

150

70

65

260

200

60

3. Tân Châu

70

525

450

75

72

540

475

65

4. Dương Minh Châu

350

8.295

7.000

1.295

430

11.220

10.000

1.220

5. Châu Thành

370

10.485

10.000

485

570

20.475

20.000

475

6. Hòa Thành

64

700

500

200

60

640

450

190

7. Gò Dầu

144

500

400

100

140

520

425

95

8. Bến Cầu

160

440

350

90

150

460

375

85

9. Trảng Bàng

390

23.545

23.050

495

470

25.625

25.145

480

Ghi chú: Diện tích nuôi thủy sản được hiểu là diện tích các vụ nuôi trong một năm (giống diện tích gieo trồng cây ngắn ngày), không phải là đất có mặt nước nuôi thủy sản

+ Diện tích quy hoạch nuôi thủy sản của tỉnh năm 2020 điều chỉnh theo hướng giảm so với quy hoạch trước đây là 3.450,0 ha, nay còn 2.000,0 ha (-1.450,0 ha).

+ Quy mô và địa bàn nuôi thủy sản phân bố tập trung chủ yếu ở 03 huyện: Châu Thành, Dương Minh Châu và Trảng Bàng sử dụng cả hai nguồn nước hồ Dầu Tiếng và nước mặt sông Sài Gòn.

+ Loại thủy sản nuôi gồm: Cá và thủy sản đặc sản thích hợp với môi trường thủy lý hóa của từng thủy vực, nhất là chất lượng nguồn nước khai thác sử dụng nuôi thủy sản. Đặc biệt, ưu tiên phát triển cá tra nuôi thâm canh ở 03 huyện Trảng Bàng, Châu Thành, Dương Minh Châu sử dụng làm nguyên liệu chế biến sản phẩm xuất khẩu.

+ Thủy sản khai thác tập trung ở hồ Dầu Tiếng kết hợp các tỉnh khác, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản nước ngọt.

+ Tổng sản lượng thủy sản đến năm 2020: 60.000,0 tấn, so với chỉ tiêu rà soát quy hoạch trước đây giảm - 9.890,0 tấn, trong đó thủy sản nuôi giảm -7.990,0 tấn và thủy sản khai thác giảm -1.900,0 tấn.

+ Loại bỏ tôm càng xanh ra khỏi danh sách thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh.

- Các giải pháp chủ yếu thực hiện các mục tiêu - phương án điều chỉnh quy hoạch thủy sản tỉnh Tây Ninh đến năm 2020: Phải tập trung thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu sau đây:

+ Cơ chế chính sách;

+ Vốn đầu tư;

+ Giống thủy sản;

+ Thức ăn và chế phẩm, thuốc sử dụng nuôi thủy sản;

+ Đầu tư hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất;

+ Đào tạo nhân lực, khoa học công nghệ và khuyến ngư;

+ Thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản;

+ Tổ chức lại sản xuất;

+ Thực hiện 10 dự án ưu tiên đầu tư cả trong nuôi trồng và khai thác.

III. ĐỀ XUẤT HỆ THỐNG CÁC GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Đề xuất hệ thống các giải pháp

1.1. Đề xuất chương trình, đề án, dự án ưu tiên đầu tư

Để các mục tiêu - chỉ tiêu Quy hoạch phát triển nông lâm ngư nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và kế hoạch năm 2015 trở thành hiện thực cần huy động tốt nhất các nguồn lực, song các nguồn lực phải đầu tư tập trung có trọng điểm theo các chương trình, đề án, dự án ưu tiên, cụ thể như sau:

- Tiếp tục thực hiện các chương trình, đề án, dự án đầu tư thuộc lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp được các cấp có thẩm quyền phê duyệt đã và đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

- Triển khai lập, trình duyệt và thực hiện các dự án đầu tư phát triển chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản được trình bày trong 03 tài liệu quy hoạch (Quy hoạch Bảo vệ và phát triển rừng, Quy hoạch phát triển chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm, Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản của tỉnh Tây Ninh).

- Đối với nội dung Quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất thêm 02 chương trình, 01 đề án và 15 dự án ưu tiên đầu tư:

+ Chương trình cơ giới hóa nông nghiệp và bảo quản nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2012 - 2020. Trong nội dung chương trình cần xây dựng, trình duyệt và thực hiện các dự án, đề án chủ yếu sau đây:

• Đề án cơ chế chính sách hỗ trợ lãi suất tiền vay mua một số loại máy nông nghiệp chuyên dùng và đầu tư xây dựng - trang thiết bị đối với cơ sở phân loại - đóng gói bảo quản rau an toàn, hoa và quả đặc sản (mãng cầu).

• Dự án đầu tư cơ giới hóa sản xuất lúa, đậu phộng, khoai mì tỉnh Tây Ninh (Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg).

• Dự án đầu tư xây dựng các cơ sở phân loại - đóng gói - bảo quản rau an toàn, hoa, quả đặc sản.

+ Chương trình hỗ trợ - thực hiện phương thức xã hội hóa sản xuất giống một số cây trồng, vật nuôi, thủy sản - thủy đặc sản nuôi được xác định là nông thủy sản hàng hóa chủ lực của tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2012 - 2020.

• Dự án đầu tư hỗ trợ sản xuất giống lúa (giống nguyên chủng và giống xác nhận).

• Dự án đầu tư hỗ trợ sản xuất giống mía chất lượng cao.

• Dự án đầu tư hỗ trợ sản xuất một số giống cá - thủy đặc sản được nuôi phổ biến trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

• Dự án đầu tư sản xuất giống bắp lai (các công ty giống liên kết hợp đồng sản xuất với nông dân các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Dương Minh Châu).

• Dự án đầu tư nhân giống hoa phong lan (ở huyện Trảng Bàng).

+ Đề xuất các dự án ưu tiên đầu tư phát triển:

• Dự án đầu tư phát triển vùng mía ứng dụng công nghệ cao;

• Dự án đầu tư phát triển vùng mãng cầu ứng dụng công nghệ cao;

• Dự án đầu tư phát triển vùng tập trung sản xuất rau an toàn;

• Dự án đầu tư phát triển hoa - cây kiểng ở thị xã Tây Ninh và 03 huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Hòa Thành;

• Dự án đầu tư xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (cánh đồng mẫu lớn với hai loại cây lúa và mía, riêng lúa tiếp tục nhân rộng);

• Các dự án đầu tư nuôi cá tra thâm canh chất lượng cao làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến hàng thủy sản xuất khẩu ở 03 huyện Trảng Bàng, Dương Minh Châu, Châu Thành tỉnh Tây Ninh.

• Dự án đầu tư xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tây Ninh hoặc tổ hợp nông - công nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

• Dự án đầu tư điều tra, khảo sát, bảo tồn, khai thác phát triển bền vững các loại rau tự nhiên mọc hoang dã gắn với các món ăn đặc sản truyền thống nổi tiếng của tỉnh Tây Ninh.

1.2. Cải thiện môi trường thu hút tốt nhất các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp hiện đại - bền vững

Trong bối cảnh hiện nay và đến năm 2020, từ vị trí địa lý gắn với đất - tài nguyên - nước - khí hậu - nhân lực tạo ra cho nông nghiệp tỉnh Tây Ninh cơ hội thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, tỉnh Tây Ninh cần phải tận dụng triệt để các hạn chế do quá trình đô thị hóa, xây dựng khu - cụm công nghiệp tập trung ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của các địa phương trong vùng Đông Nam bộ, nhất là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,… trở thành thời cơ tốt nhất để tái cơ cấu lại sản xuất theo hướng hàng hóa lớn chất lượng cao, công nghệ tiên tiến,…

Song, đáp án lý giải cho câu hỏi tại sao thu hút đầu tư từ bên ngoài đến với tỉnh Tây Ninh trên các lĩnh vực kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng còn hạn chế chính là môi trường đầu tư chưa thực sự hấp dẫn. Chính vì vậy, cải thiện môi trường đầu tư là việc mà tỉnh Tây Ninh phải làm ngay và làm sao tạo được nhiều động lực mới đối với đầu tư phát triển nông nghiệp chính là:

+ Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, trước hết là đường giao thông đồng ruộng, điện lưới 3 pha, hệ thống cấp nước và đê bao - kênh tiêu nước cho các địa bàn quy hoạch mời gọi đầu tư phát triển trang trại, doanh nghiệp sản xuất - chế biến nông thủy sản chủ lực của tỉnh Tây Ninh.

+ Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các văn bản, rút ngắn thời gian giải quyết các hồ sơ dự án đầu tư.

+ Thực thi đúng, đủ, kịp thời cơ chế chính sách của Nhà nước ban hành.

+ Ở một số lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư (Nghị định số 61/2010/NĐ-CP) tỉnh Tây Ninh nên triển khai và có văn bản hướng dẫn thật cụ thể.

1.3. Thực hiện đúng, kịp thời các cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông lâm ngư nghiệp

Ngay sau Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bộ ngành Trung ương và địa phương đã nghiên cứu đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ các khó khăn, tạo môi trường mới, khuyến khích các thành phần kinh tế mạnh dạn đầu tư phát triển nông nghiệp. Sau đây là một số cơ chế chính sách đã ban hành còn hiệu lực thi hành mà nông dân tỉnh Tây Ninh còn ít được thụ hưởng, cụ thể như sau:

- Quyết định số 394/QĐ-TTg, ngày 13 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Khuyến khích đầu tư xây dựng mới, mở rộng cơ sở giết mổ, bản quản, chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm và cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung công nghiệp”.

- Quyết định số 1318/2005/QĐ-TTg, ngày 13 tháng 12 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Hỗ trợ giết mổ tập trung và chế biến sản phẩm gia cầm”.

- Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg, ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

- Thông tư số 59/2009/TT-BNN-PTNT, ngày 09 tháng 9 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn thực hiện Quyết định số 107/2008/QĐ-TTg.

- Nghị quyết số 48/2009/NQ-CP, ngày 23 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về cơ chế giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông thủy sản.

- Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg, ngày 15 tháng 10 năm 2010 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông thủy sản.

- Thông tư số 03/2011/TT-NHNN, ngày 08 tháng 3 năm 2011 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện Quyết định số 63/QĐ-TTg.

- Nghị định số 06/2010/NĐ-CP, ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ Ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.

- Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất - kinh doanh tại vùng khó khăn.

- Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp.

- Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 - 2015.

- Nghị định số 61/2010/NĐ-CP, ngày 04/6/2010 về chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Ngoài ra, Chính phủ - Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành nghiên cứu đề xuất các chính sách mới nhằm giữ ổn định đất lúa, chính sách bảo hiểm nông nghiệp, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,…

1.4. Đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới, công nghệ cao vào phát triển nông lâm nghiệp, nuôi thủy sản nhằm tăng năng suất, chất lượng và nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa.

Trong quan điểm phát triển nông lâm ngư nghiệp đã nói rõ là dựa trên cơ sở ứng dụng nhanh tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất kể cả công nghệ cao. Thực tế khoa học công nghệ ở thế kỉ XXI đã trở thành yếu tố đặc biệt quan trọng của lực lượng sản xuất và trở thành sản nghiệp có vai trò quyết định đến hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như tồn tại phát triển của doanh nghiệp trong đó có sản xuất nông nghiệp. Trước bối cảnh quỹ đất nông nghiệp ngày càng giảm, ô nhiễm gia tăng, giá vật tư nông nghiệp tăng,… muốn tăng sản lượng, năng suất, chất lượng và thu nhập thì con đường ứng dụng nhanh tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất là giải pháp hiệu quả cao nhất.

Những thành tựu nghiên cứu khoa học - công nghệ cần đặc biệt quan tâm đưa vào sản xuất nông lâm ngư nghiệp và nuôi thủy sản bao gồm:

- Chọn, tạo, nhập, khu vực hóa, lai tạo để có bộ giống cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái, có khả năng chống chịu tốt với yếu tố môi trường và sâu bệnh, đạt năng suất cao đặc biệt là phải có chất lượng được người tiêu dùng chấp nhận tiêu thụ. Phấn đấu 100% diện tích cây lâu năm trồng mới hoặc cải tạo trẻ hóa vườn cây bằng giống mới, giống tiến bộ kỹ thuật, được nhân vô tính, 100% diện tích gieo trồng lúa bằng giống xác nhận, 100% diện tích bắp trồng bằng giống mới (giống lai năng suất cao), sử dụng các giống rau lai F1, rau á ôn đới được nhiệt đới hóa thích hợp với điều kiện sinh thái ở tỉnh Tây Ninh. Các vật nuôi phải chọn được tổ hợp lai thích hợp bò sữa HF2, HF3, bò thịt Zêbu hóa, heo lai 3 - 4 máu ngoại, vịt siêu thịt, siêu trứng, …

- Ứng dụng 4 lĩnh vực công nghệ cao: Công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tin học và công nghệ tự động hóa các ngành hàng ưu tiên phát triển: Chăn nuôi heo, gà, trồng hoa cây cảnh, trồng rau an toàn, sản xuất trái cây đặc sản (mãng cầu), sản phẩm chăn nuôi và thủy sản an toàn, … đặc biệt là ở các mô hình nông nghiệp sinh thái đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Sử dụng hiệu quả các chế phẩm sinh học trong các khâu: Xử lý môi trường, phòng trừ dịch hại, kích thích sinh trưởng, bón phân vi sinh,… nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm sạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bón phân theo quy trình quản lý dinh dưỡng INM, phòng trừ dịch bệnh tổng hợp cho cây trồng IPM,…

- Hoàn thiện và ứng dụng có hiệu quả quy trình kỹ thuật thâm canh từng loại cây trồng, cây rừng, gia súc gia cầm nuôi, cá tôm và thủy đặc sản để có năng suất tối ưu cả về sinh học và kinh tế. Sản xuất một số sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế: Global GAP hoặc GAP, Eurep GAP, hay tiêu chuẩn an toàn của quốc tế: HACCP, GMP, ISOO và tiêu chuẩn Viet GAP. Đây chính là xu thế tất yếu đối với sản xuất và tiêu dùng nông sản trên toàn cầu. Đồng thời áp dụng và sản xuất đại trà quy trình canh tác lúa “3 tăng 3 giảm”, “1 phải 5 giảm”, “Sử dụng phân bón 4 đúng”,...

- Một số kỹ thuật cần áp dụng nhanh trên diện rộng nhằm tiết kiệm nước, phân bón, lao động là: Áp dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm (tưới nhỏ giọt, tưới bán thấm, tưới phun sương, phun mưa, …), áp dụng cơ giới hóa vào tất cả các công đoạn sản xuất, công nghệ sau thu hoạch bằng các máy móc do cơ khí trong nước chế tạo hoặc cải tiến thiết bị nhập từ nước ngoài(máy là đất, máy gieo hạt, máy bón phân, máy gặt đập liên hợp, máy trồng - chăm sóc mía, máy tách bẹ bắp, máy tách hạt ngô, máy cắt cỏ, máy băm cỏ, máy lặt quả đậu phộng, …).

- Làm tốt công tác quản lý cây đầu dòng, vườn đầu dòng và nhân giống cây lâu năm, cây rừng bằng phương pháp nhân giống vô tính để cây giống thuần chủng chất lượng cao, chấm dứt tình trạng sử dụng giống thực sinh hoặc cây giống theo phương pháp chiết cành.

Tóm lại, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tây Ninh và từng cán bộ khoa học kỹ thuật phải luôn luôn tâm niệm một vấn đề bức xúc là phải áp dụng thành công khoa học công nghệ - tiến bộ kỹ thuật được tổng kết từ thực tiễn, từ các chương trình nghiên cứu khoa học như: Chương trình ứng dụng công nghệ sinh học vào nông nghiệp – thủy sản, chương trình giống cây trồng – cây rừng và giống vật nuôi, chương trình giống thủy sản, chương trình cơ giới hóa nông nghiệp và sau thu hoạch, chương trình khí sinh học, chương trình nghiên cứu phân bón và thuốc bảo vệ thự vật, chương trình kiên cố hóa kênh mương và sử dụng nước tiết kiệm, … Đây là thành tựu, nguồn lực vô tận của nhân loại phải được tiếp nhận, chuyển giao và áp dụng nhanh vào sản xuất nông lâm ngư nghiệp tỉnh Tây Ninh.

Hoạt động đưa tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất chính là làm tốt công tác khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm bằng: Xây dựng mô hình, tập huấn kỹ thuật, cập nhật và ứng dụng đầy đủ về một cây trồng, vật nuôi cho nông dân của trang trại, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh nông nghiệp (Website: http://www.khuyennongvn.gov.vn). Xây dựng và có chế độ chính sách khuyến khích nâng cao hiệu quả hoạt động của khuyến nông cơ sở, trong đó tỉnh An Giang là mô hình mẫu mà cán bộ và nông dân tỉnh Tây Ninh nên tham quan học tập.

1.5 Đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển nông – lâm – ngư nghiệp

1.5.1. Xây dựng và quản lý vận hành hệ thống thủy lợi

Theo báo cáo Quy hoạch Thủy lợi tỉnh Tây Ninh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 37/2008/QĐ-UBND, ngày 13/5/2008 và Quyết định số 46/2010/QĐ-UBND, ngày 08/9/2010, các nhiệm vụ chính của thủy lợi có liên quan đối với phát triển nông lâm ngư nghiệp tỉnh Tây Ninh được xác định như sau:

- Hệ thống công trình tưới, tiêu thoát nước:

+ Vùng 1: Khu vực được tưới tự chảy bằng hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng thuộc 07 huyện và thị xã Tây Ninh (ngoại trừ huyện Bến Cầu).

• Tiếp tục đầu tư kiên cố hóa hệ thống kênh tưới, tiêu hiện có và hiện đại hóa các công trình thủy lợi (VWRAP), gắn với đầu tư xây dựng mới khu tưới Tân Biên (dự án Phước Hòa). Tổng diện tích tưới: 74.750,0 ha và tiêu cho 42.775,0 ha.

• Đầu tư xây dựng đê bao, cống tiêu nước và kiểm soát nước lũ ở ấp 1 xã Bến Củi - huyện Dương Minh Châu, nạo vét Suối Bà Tươi huyện Gò Dầu.

+ Vùng 2: Khu vực hữu sông Vàm Cỏ Đông (06 xã huyện Châu Thành, 03 xã huyện Trảng Bàng và huyện Bến Cầu)

• Tiếp tục đầu tư các kênh trục và hệ thống kênh nhánh đảm bảo chủ động tiêu nước đạt hiệu quả và tạo nguồn nước để nông hộ sử dụng bơm khai thác nước tưới.

• Xây dựng một số trạm bơm tưới, một số tuyến đê bao ở tiểu vùng ngăn lũ phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản.

• Xây dựng đê bao ấp Phước Long, ấp Phước Hòa xã Phước Chỉ huyện Trảng Bàng.

• Nạo vét kênh tiêu biên giới thuộc 02 xã Bình Thạnh - Phước Chỉ và xây dựng trạm bơm Phước Lưu.

Tổng diện tích được tưới: 17.110,0 ha (trong đó tưới triều 12.525,0 ha, tưới bơm 4.585,0 ha) và tiêu thoát nước cho 42.758,0 ha.

+ Vùng 3: Bắc Tây Ninh gồm một phần của 02 huyện Tân Châu, Tân Biên.

• Xây dựng một số kênh tiêu cho các vùng ngập úng và xây dựng các hồ chứa nhỏ, đập dâng để cấp nước vào mùa khô cho sản xuất - sinh hoạt và cải thiện môi trường.

• Tổng diện tích tiêu thoát nước 14.404,0 ha, trong đó năng lực của kênh tiêu Hội Thành: 2.516,0 ha, kênh tiêu Hội Thạch: 2.820,0 ha, kênh tiêu Tân Hà: 3.560,0 ha.

- Hệ thống công trình phòng chống lũ: Xây dựng hệ thống đê bao tiểu vùng có quy mô nhỏ dưới 1.000,0 ha, đào mới nạo vét kênh trục tiêu và tạo nguồn nước tưới kết hợp tiêu úng và phòng chống lũ.

- Tổng số vốn đầu tư xây dựng hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011 - 2020: 1.886,669 tỷ đồng (vốn Trung ương 914,806 tỷ đồng, chiếm 48,49%).

Song, nghiên cứu hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2010 và dự báo quỹ đất SXNN gắn với chuyển đổi cây trồng theo hướng khai thác hợp lý, hiệu quả tài nguyên, tận dụng triệt để tiềm năng lợi thế, tái cấu trúc lại ngành nông nghiệp, sản xuất hàng hóa chất lượng cao, phát triển toàn diện - bền vững trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020. Dự toán vốn của Quy hoạch thủy lợi giai đoạn 2011 - 2020 khá lớn: 1.886,669 tỷ đồng khó có thể cân đối đủ. Hơn nữa, các đối tượng (nông hộ, trang trai,…) được giao quyền sử dụng không thể chờ nguồn nước của hệ thống công trình thủy lợi nên đã chọn trồng một số cây ít hoặc không cần tưới nhiều nước như: Cao su, khoai mì có hiệu quả kinh tế cao ở khu tưới Tân Biên (13.460,0 ha, trong đó tưới bơm 5.000,0 ha). Chính vì vậy, cơ quan chuyên ngành thủy lợi nên rà soát lại quy mô vùng hưởng lợi, tránh lãng phí vốn đầu tư.

Kết hợp phát triển sản xuất nông nghiệp - nuôi trồng thủy sản - hình thành vùng chăn nuôi trang trại đã chỉ ra các khu vực nếu được đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi sẽ trở thành động lực và đạt hiệu quả kinh tế đó là: Cánh đồng mẫu lớn ở dọc hai bên bờ sông Vàm Cỏ Đông, vùng đất xám cao thuận lợi cho đa dạng hóa cây trồng ở huyện Bến Cầu, Châu Thành,… Đây chính là các địa bàn ưu tiên hỗ trợ vốn đầu tư, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới kênh tưới, tiêu, đê bao, trạm bơm điện quy mô vừa và nhỏ.

1.5.2. Xây dựng hệ thống đường nội đồng

Hệ thống đường (quốc lộ, tỉnh lộ, liên xã, nội bộ xã) đã xây dựng đến năm 2010 có tổng chiều dài 4.723,96 km (quốc lộ 116,1 km, tỉnh lộ 716,6 km, huyện lộ 1.031,3 km, đường giao thông nông thôn 2.859,96 km). Đường ô tô đến trung tâm của 100% số xã đã góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nông nghiệp nông thôn nói riêng. Song, qua đánh giá xã đạt nông thôn mới (tiêu chí phụ 2.4 đường giao thông nội đồng) đã cho thấy 82/82 xã điều tra không đạt theo định mức kỹ thuật của tiêu chí này. Trên thực tế rất ít xã có làm đường giao thông nội đồng. Do vậy, kết hợp thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đối với các xã trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cần phải đầu tư làm đường giao thông nội đồng. Đường nội đồng được nối từ hai tuyến quốc lộ 22 và 22B, đường tỉnh, đường liên xã vào các cánh đồng. Mặt đường tối thiểu rộng 3,5 - 5,0 m, trải sỏi đỏ để các loại máy kéo, máy nông nghiệp có thể lưu thông nhằm thực hiện tốt chương trình cơ giới hóa nông nghiệp. Đường nội đồng thường là bờ kênh trục tưới tiêu sẽ giảm diện tích đất xây dựng, tận dụng đất đào đắp. Đồng thời, ven theo các trục đường nội đồng có thể lắp dựng lưới điện phục vụ nông ngư nghiệp.

Địa bàn ưu tiên đầu tư xây dựng đường nội đồng là các cánh đồng mẫu lúa lớn, đường nội đồng nối QL22, QL22B, ĐT786, ĐT782,… Khoảng cách đường nội đồng từ QL22, QL22B nối ra sông Vàm Cỏ Đông là 2,0 km xây dựng 01 tuyến, mặt đường ≥ 4,0 m. Những tuyến đường được đầu tư xây dựng sẽ thực sự trở thành động lực góp phần cải thiện môi trường mời gọi đầu tư, con đường chính là “Dòng chảy” tiền - hàng - tri thức đến với kinh tế nông thôn tỉnh Tây Ninh.

1.5.3. Tiếp tục xây dựng lưới điện phục vụ SXNN và nuôi thủy sản

Điện lưới Quốc gia đã kéo đến 100% số xã, thị trấn và có 99,3% số hộ sử dụng điện trên địa bàn tỉnh Tây Ninh được xem là thành tích đáng trân trọng. Nhưng lưới điện và sản lượng điện chủ yếu phục vụ sinh hoạt và sản xuất - kinh doanh của một số ngành nghề nông thôn. Riệng điện phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản chỉ mới có điện chạy máy bơm nước và vận hành thiết bị một số trang trại chăn nuôi gà lạnh, heo, bò sữa trong khi giá 01 lít xăng dầu trên 20.000 đồng, gần bằng 14 KW điện đã làm tăng chí phí sản xuất. Vì vậy, để điện khí hóa nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh cho các nông thủy sản rất cần tiếp tục xây dựng lưới điện phục vụ nông thủy sản ở các vùng sản xuất tập trung.

Tóm lại, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, đường giao thông, lưới điện phục vụ SXNN và nuôi TS luôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển SXNN, TS của tỉnh Tây Ninh. Các công trình hạ tầng kỹ thuật kể trên vừa là tiền đề, tạo động lực thu hút vốn đầu tư, đổi mới công nghệ, tăng năng suất vật nuôi giảm chi phí sản xuất nên cần ưu tiên đầu tư.

1.6. Tiếp tục đổi mới loại hình tổ chức, hoàn thiện cơ chế quản lý sản xuất nông lâm nghiệp và nuôi thủy sản phù hợp với phương thức sản xuất hàng hóa, chủ động hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới

Trong những năm qua, Đảng, Chính phủ và hệ thống chính trị đã có chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách nhằm đổi mới lại tổ chức sản xuất nông lâm nghiệp và nuôi thủy sản nhưng thực tế chuyển biến chậm. Số lượng mới thành lập rất ít nhưng tỷ lệ các loại hình tổ chức yếu kém không giảm mà còn tăng, đặc biệt là chưa theo kịp nền sản xuất hàng hóa hội nhập kinh tế thế giới. Do vậy, cơ quan tư vấn tổng kết thực tế xin có đề xuất:

- Khuyến khích, tạo điều kiện thành lập các câu lạc bộ SXKD chuyên một lại cây trồng vật nuôi (rau an toàn, mãng cầu, mía, khoai mì, thuốc lá, hoa kiểng, đậu phộng, bắp, nuôi cá,…) đặt dưới sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp kết hợp với hệ thống chính trị xã, huyện - TX.

- Củng cố tạo điều kiện để các loại hình kinh tế hợp tác (tổ đoàn kết sản xuất, HTX, …) đã thành lập có thể tiếp tục tồn tại và đi vào sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Đồng thời cũng xem xét giải thể các loại hình kinh tế hợp tác tồn tại mang tính hình thức, hoạt động SXKD kém hiệu quả, xã viên không còn gắn bó với HTX, …

Loại hình kinh tế hợp tác trong nông nghiệp ở tỉnh Tây Ninh muốn phát triển bền vững cần làm tốt một số nội dung say đây:

+ Tuyên truyền vận động thật sâu sắc về kinh tế hợp tác để các hộ tự nguyện tham gia dưới sự lãnh đạo của Đảng và hỗ trợ từ ngành chức năng tại địa phương.

+ Quốc hội khóa XII thỏa thuận sửa đổi Luật Hợp tác xã, đồng thời ban hành chính sách hỗ trợ một cách thiết thực, nhằm thu hút được đông đảo hộ nông dân tham gia.

+ Cơ quan ban hành quyết định thành lập là Ủy ban nhân dân huyện (thị xã) phải thực sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ từ khi thành lập đến suốt quá trình hoạt động qua các niên vụ, năm,… kịp thời giải quyết các khó khăn do chủ quan và khách quan gây ra.

+ Có kế hoạch cụ thể hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho loại hình kinh tế hợp tác.

- Kinh tế trang trại là loại hình rất phù hợp với sản xuất nông lâm nghiệp và nuôi thủy sản theo cơ chế kinh tế thị trường. Trang trại ra đời là hợp quy luật khách quan khi mà kinh tế hộ đã hết vai trò trong sản xuất hàng hóa yêu cầu số lượng lớn với chất lượng cao. Thông qua khuyến khích tích tụ đất đai được pháp lý hóa với chính sách tín dụng phù hợp chắc chắn loại hình kinh tế trang trại sẽ thực sự trở thành loại hình tổ chức kinh tế nông nghiệp hoạt động có hiệu quả cao hơn.

1.7. Xây dựng thương hiệu hàng hóa, đăng ký nhãn hàng và tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ nông thủy sản hàng hóa chủ lực tỉnh Tây Ninh

- Nông lâm thủy sản nuôi ở tỉnh Tây Ninh khá đa dạng, phong phú về chủng loại đặc biệt là có các nông đặc sản nổi tiếng và một số nông sản có sản lượng lớn nhưng chỉ mới có mãng cầu là đã được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Đây được xem là khâu yếu kém đã gây ảnh hưởng rất lớn đến phát triển bền vững nông nghiệp, nuôi thủy sản theo cơ chế kinh tế thị trường.

- Hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, thương hiệu – hàng hóa và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường là yếu tố rất quyết định đến sự tồn tại, phát triển của sản phẩm. Bấy lâu nay nông hộ, trang trại, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh chỉ lo khâu sản xuất mà lại ít quan tâm đến thị trường tiêu thụ. Trong khi sản xuất kinh doanh vận hành theo quy luật cung cầu, nên tình trạng “Trồng chặt” do sản xuất chạy theo thị trường hoặc được mùa mất giá, giá thành sản xuất cao hơn giá bán dẫn đến thua lỗ là chuyện có thật.

Do vậy, để khắc phục các yếu kém, hạn chế của nông thủy sản, UBND tỉnh Tây Ninh cần chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương, Sở NN - PTNT xây dựng thương hiệu hàng hóa và đăng ký cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý đối với một số loại nông sản chủ lực của tỉnh, đồng thời tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Cụ thể như sau:

+ Tập trung ưu tiên xây dựng thương hiệu hàng hóa hoặc đăng ký cấp giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa cho các nông sản, cũng như sản xuất nông sản hàng hóa chủ lực theo tiêu chuẩn Viet GAP.

+ Hỗ trợ tạo điều kiện để các doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, tổ kinh tế hợp tác đăng ký nhãn hàng đối với các sản phẩm hàng hóa như: Rau an toàn, quả đặc sản, hoa kiểng, thịt bò, …

+ Hỗ trợ tạo điều kiện để các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nông lâm nghiệp và thủy sản xây dựng website nhằm quảng bá sản phẩm, đồng thời từng bước tiếp cận với thương mại điện tử.

+ UBND tỉnh Tây Ninh giao cho Sở Khoa học và Công nghệ hoặc Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện nhiệm vụ xây dựng thương hiệu hàng hóa hoặc đăng ký cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý đối với một số nông thủy sản hàng hóa chủ lực bằng nguồn vốn ngân sách. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường - Bộ Nông nghiệp và PTNT tập huấn về nội dung và các bước đăng ký xin cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý đối với nông thủy sản.

+ Các hợp tác xã, trang trại, cũng nên chủ động tham gia hội chợ triển lãm do tỉnh tổ chức, nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại.

+ Tăng cường nghiên cứu phân khúc thị trường tiêu thụ, kết nối với nhiều kênh phân phối trong đó có hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp hoạt động thương mại tại các thị trường tiêu thụ sản phẩm.

+ Kết nối sản xuất với thị trường tiêu thụ, trong đó đặc biệt quan tâm các kênh phân phối chủ yếu sau đây:

· Doanh nghiệp - thương lái và chủ vựa tại 3 chợ đầu mối lớn là: Bình Điền - Bình Chánh, Tân Xuân - Hóc Môn, Tam Bình - Thủ Đức TP. Hồ Chí Minh với các trang trại, hợp tác xã nông nghiệp, tập đoàn - tổ đoàn kết sản xuất nông nghiệp hoặc nuôi thủy sản.

· Các trang trại, chủ DN, HTX, … với các siêu thị thuộc Metro Cash (3 siêu thị lớn tại TP. HCM), Liên minh HTX thành phố (chuỗi siêu thị Coop Mart), chuỗi siêu thị Big C, 03 chợ đầu mối Tân Xuân, Thủ Đức, Bình Điền,…

· Các doanh nghiệp chế biến thực phẩm lớn như: Công ty cổ phần thực phẩm Vissan, Công ty chế biến thực phẩm Nam Phong, Công ty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ, Công ty TNHH Ba Huân,…

· Thiết lập các kênh kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ như: Kết nỗi giữa cơ sở sản xuất nông thủy sản với các doanh nghiệp kinh doanh bữa ăn công nghiệp tại các khu công nghiệp và đô thị, các nhà hàng - khách sạn, …đóng tại tỉnh Tây Ninh và TP. HCM, Bình Dương, Bình Phước.

+ Tiếp tục đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới chợ nông thôn và trung tâm thương mại huyện theo quy hoạch “Phát triển mạng lưới cơ sở bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020” đã được UBND tỉnh phê duyệt, song cần đặc biệt quan tâm trang đầu tư xây dựng thiết bị đồng bộ hệ thống cấp - thoát nước, điện cho khu vực bán các loại nông thủy sản tươi sống (thịt, rau, quả,…) bởi hiện tại khu vực này tại các chợ nông thôn và trung tâm thương mại huyện có diện tích thường không đủ lớn và chưa đảm bảo vệ sinh môi trường; người bán và người mua nông thủy sản tươi sống đều cảm thấy chưa thật yên tâm.

+ Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh có quy hoạch sắp xếp lại các cửa hàng tiêu thụ nông thủy sản theo hệ thống nhằm gia tăng sức mua cho người dân tại chỗ và khách vãng lai, khách du lịch đối với hàng nông thủy sản hàng hóa là thế mạnh của tỉnh Tây Ninh; nhất là nông đặc sản truyền thống nổi tiếng của các địa phương trong tỉnh.

+ Khuyến khích tiểu thương mở rộng quy mô kinh doanh, thành lập các doanh nghiệp chuyên doanh hoặc kinh doanh thương mại tổng hợp, gia tăng doanh số bán hàng và mở rộng liên kết tiêu thụ sản phẩm hàng hóa với số lượng lớn.

1.8. Tiếp tục phát triển công nghiệp chế biến nông thủy sản với công nghệ, thiết bị tiên tiến hỗ trợ đắc lực cho sản xuất nông thủy sản

- Công nghiệp chế biến nông thủy sản của tỉnh đến năm 2010: Đã có 03 nhà máy đường (tổng CSTK 12.500,0 tấn mía cây/ngày), 12 nhà máy chế biến khoai mì và gần 70 cơ sở chế biến khoai mì (tổng CSTK khoảng trên 2.000,0 tấn bột/ngày). Hai lĩnh vực chế biến mía đường, khoai mì của tỉnh xếp thứ nhất so với 62 tỉnh -TP cả nước. Chế biến mủ cao su: 26 doanh nghiệp (CSTK 159.800,0 tấn sản phẩm/năm), xếp thứ hai sau tỉnh Bình Phước (CSTK 208.860,0 tấn sản phẩm/năm), chế biến cá tra (CSTK 40.000,0 tấn sản phẩm/năm)…

Trên thực tế, mía, khoai mì, mủ nước cao su, cá tra làm nguyên liệu cho các nhà máy chưa đáp ứng đủ so với công suất thiết kế. Song, các doanh nghiệp chế biến khoai mì, mủ cao su, cá tra chưa thực sự quan tâm đúng mức đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, quan hệ giữa nhà sản xuất nguyên liệu với doanh nghiệp chế biến ít gắn kết. Trên thực tế, nông hộ - trang trại trồng mía trên địa bàn tỉnh Tây Ninh luôn gánh chịu rủi ro và bị sức ép không đáng có từ phía nhà máy đường (xác định không đúng chữ đường, tạp chất, việc chặt mía và thanh toán tiền,…). Nếu không sớm khắc phục thì mục tiêu 30.000,0 ha mía rất khó trở thành hiện thực.

- Đối tượng công nghiệp chế biến nông thủy sản tỉnh Tây Ninh mời gọi đầu tư gồm: Chế biến lúa gạo quy mô công nghiệp (150.000 - 200.000 tấn sản phẩm/năm), chế biến TĂCN có công suất thiết kế lớn (> 100.000 tấn sản phẩm/năm), đầu tư công nghiệp giết mổ - chế biến thịt, trứng, xây dựng nhà máy chế biến sữa bò, xây dựng nhà phân loại - sơ chế đóng gói bảo quản rau, hoa phong lan, quả đặc sản,… Đặc biệt, mời gọi doanh nghiệp lớn đầu tư xây dựng các khu liên hợp hoặc tổ hợp nông - công nghiệp sản xuất - chế biến nông thủy sản bằng dây chuyền thiết bị, ứng dụng công nghệ cao.

1.9. Đào tạo và bố trí sử dụng nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực đạt chất lượng có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện các quan điểm, mục tiêu và chỉ tiêu phát triển nông nghiệp. Yêu cầu đặt ra đối với ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2020 phải có ít nhất 40,0% lao động được đào tạo bao gồm:

- Ưu tiên đào tạo kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản trồng rừng cho 70,0 - 75,0% số lao động chính trong độ tuổi ở các hộ nông lâm ngư nghiệp.

- Đào tạo lao động là chủ các trang trại có kiến thức về kỹ thuật - quản lý tài chính kinh tế,… để quản trị - điều hành sản xuất - kinh doanh đạt kết quả.

- Đào tạo cán bộ chuyên môn có trình độ trung cấp - cao đẳng - đại học cho hệ thống chính trị xã, thị trấn. Đến năm 2020: 100% số xã có cán bộ đại học.

- Đào tạo đủ số lượng, đúng trình độ và đảm bảo cơ cấu chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ (nông học, chăn nuôi thú y, nuôi thủy sản, lâm nghiệp) bố trí làm việc tại các Phòng Nông nghiệp - PTNT 08 huyện và Phòng Kinh tế thị xã Tây Ninh.

- Đào tạo, bố trí cán bộ đạt chuẩn theo chức danh và chuyên môn nghiệp vụ công tác tại cơ quan của ngành nông nghiệp tỉnh.

- Đào tạo lao động đủ năng lực và trình độ chuyên môn có thể tuyển dụng vào làm việc tại các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tổ hợp nông - công nghiệp.

- Phương thức đào tạo đa dạng, phù hợp với thực tế công việc, trong đó đặc biệt quan tâm đào tạo nguồn nhân lực theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, Quyết định số 2534/QĐ-BNN-TCCB. Riêng cán bộ nông nghiệp cấp xã nên cử người địa phương đi đào tạo, lồng ghép kinh phí đào tạo trong chương trình nông thôn mới.

1.10. Khái toán vốn đầu tư phát triển sản xuất nông lâm ngư đến năm 2020

Theo hướng dẫn của Viện Chiến lược – Bộ Kế hoạch và Đầu tư về “Hướng dẫn tính toán vốn đầu tư”, công thức tính toán vốn đầu tư như sau:

VĐT(2010-2015)= (Giá trị GDPngành NN 2015 - GDPngành NN 2010) x ICOR2011-2015

VĐT(2016-2020)= (Giá trị GDPngành NN 2020 - GDPngành NN 2015) x ICOR2016-2020

Kế thừa khái toán vốn đầu tư của quy hoạch thủy sản và lâm nghiệp đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, tổng khái toán vốn đầu tư phát triển nông lâm ngư nghiệp tỉnh đến năm 2020 như sau:

Bảng 38: Khái toán vốn đầu tư phát triển nông lâm ngư nghiệp tỉnh Tây Ninh

ĐVT: Tỷ đồng

Số TT

HẠNG MỤC

Tổng

vốn đầu tư

Chia ra

Ghi chú

2011 - 2015

2016 - 2020

 

Tổng số vốn đầu tư

3.649,802

2.012,163

1.637,639

 

A

CHIA THEO NGÀNH - LĨNH VỰC

I

NÔNG NGHIỆP

2.985,450

1.617,280

1.368,170

 

 

Tỷ lệ (%)

81,798

80,375

83,545

 

1

Trồng trọt

2.075,000

1.174,000

901,000

Phụ biểu 53

2

Chăn nuôi

782,450

375,280

407,170

Phụ biểu 50

3

Dịch vụ NN

128,000

68,000

60,000

 

II

LÂM NGHIỆP

431,152

289,983

141,169

 

 

Tỷ lệ (%)

11,813

14,412

8,620

 

III

NGƯ NGHIỆP

233,200

104,900

128,300

Phụ biểu 52

 

Tỷ lệ (%)

6,389

5,213

7,834

 

B

CHIA THEO NGUỒN VỐN

1

Vốn Ngân sách

537,312

360,955

176,357

 

 

Tỷ lệ (%)

14,722

17,939

10,769

 

 

Nông nghiệp

263,577

134,147

129,430

 

 

Lâm nghiệp

261,735

219,808

41,927

 

 

Ngư nghiệp

12,000

7,000

5,000

 

2

Vốn tín dụng

1.604,158

879,108

725,050

 

 

Tỷ lệ (%)

43,952

43,690

44,274

 

3

Vốn tự có của nông hộ, TT, DN và vốn khác

1.508,332

772,100

736,232

 

 

Tỷ lệ (%)

41,326

38,372

44,957

 

Chú ý: Trong tổng số vốn đầu tư của lâm nghiệp có tính 130,0 tỷ đồng lấy từ vốn dịch vụ môi trường rừng.

Dự kiến cơ cấu các nguồn vốn:

- Vốn ngân sách:

+ Tổng số vốn ngân sách đầu tư phát triển nông lâm ngư nghiệp chiếm 14,72%, trong đó nông nghiệp chiếm 8,82%, thủy sản 5,14%, lâm nghiệp 60,70% so với vốn đầu tư của từng ngành.

+ Vốn ngân sách được chi cho nghiên cứu khoa học - công nghệ, chuyển giao TBKT và công nghệ xây dựng mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông thủy sản hàng hóa, xúc tiến thương mại, hỗ trợ sản xuất cây con giống đầu dòng, xử lý môi trường, trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, bảo vệ tái tạo nguồn lợi thủy sản, hỗ trợ cho các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, hỗ trợ lãi suất tín dụng mua máy nông nghiệp, xây dựng cơ sở bảo quản nông thủy sản, hỗ trợ sản xuất nông thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, v.v... Căn cứ xác định vốn ngân sách theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh.

- Vốn tín dụng: Chiếm 43,95% so với tổng số vốn đầu tư của toàn ngành nông nghiệp nhằm đáp ứng vay vốn của các đối tượng là nông hộ, doanh nghiệp, hình thức vay vốn có tài sản thế chấp và bảo lãnh tín dụng phục vụ cho trồng cây lâu năm, xây dựng nhà lưới, nhà màng, trại chăn nuôi, ao nuôi thủy sản, …

- Vốn tự có và các nguồn vốn khác (ODA, FDI,…) gồm có: Các nông hộ, chủ trang trại, doanh nghiệp chiếm 41,33% so với tổng vốn đầu tư của nông lâm ngư nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2020.

2. Tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Tây Ninh

- Sau khi quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức công bố công khai sản phẩm quy hoạch trên các phương tiện thông tin đại chúng theo Nghị định số 92/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

- UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị các Bộ ngành Trung ương là chủ đầu tư các công trình, dự án do ngân sách Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (hệ thống thủy lợi, đường giao thông,…) triển khai đúng tiến độ tạo tiền đề hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo các cấp, các sở ngành tiến hành lập chương trình, dự án đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt triển khai thực hiện đạt kết quả.

- Sở Nông nghiệp - PTNT căn cứ vào các nội dung quy hoạch lập kế hoạch sản xuất 5 năm, hàng năm. Đồng thời thường xuyên cập nhật các kết quả đã đạt được, nếu có vấn đề nảy sinh kịp thời trình Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình của tỉnh, bối cảnh trong nước và quốc tế. Đặc biệt Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho các Trung tâm, Chi cục,… lập chương trình kế hoạch thực hiện các nội dung của quy hoạch theo đúng chức năng nhiệm vụ và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả.

- Các chỉ tiêu quy hoạch nông lâm ngư nghiệp muốn trở thành hiện thực không chỉ có trách nhiệm của Sở Nông nghiệp - PTNT mà rất cần có sự phối hợp thực hiện của các sở ngành: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương,… và UBND các huyện (thị xã). Trên cơ sở chức năng, quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của sở ngành để có chương trình kế hoạch phù hợp. Đặc biệt, trong nền kinh tế thị trường vài trò trách nhiệm của các nhà trong mối quan hệ 04 khâu: Sản xuất - thu mua - chế biến + bảo quản - tiêu thụ nông thủy sản là hàng hóa chủ lực của tỉnh Tây Ninh cần có sự liên kết hợp tác chặt chẽ của 6 nhà (nhà nông - Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà ngân hàng - nhà truyền thông) trong đó chú trọng liên kết nhà nông - nhà doanh nghiệp.

IV. LỢI ÍCH KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ BÁO TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG KHI THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Lợi ích kinh tế

Thực hiện thành công quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 sẽ mang lại sự gia tăng đáng kể các chỉ tiêu phản ánh lợi ích kinh tế (phụ biểu 53).

Bảng 39: So sánh chỉ tiêu nông lâm ngư nghiệp đến năm 2020 với 2010

Nguồn: Năm 2010 theo Niên giám thống kê

STT

Hạng mục

ĐVT

Hiện trạng 2010

Quy hoạch 2020

So sánh 2020/2010 (tăng +, giảm -)

1

Tổng GTSX NLNN

(theo giá cố định 1994)

tỷ đồng

5.804,88

10.075,09

4.270,21

1.1

GTSX nông nghiệp

tỷ đồng

5.541,20

9.466,02

3.924,82

 

+ GTSX trồng trọt

tỷ đồng

4.538,11

6.404,62

1.866,51

 

+ GTSX chăn nuôi

tỷ đồng

738,38

2.288,19

1.549,81

 

+ GTSX dịch vụ NN

tỷ đồng

264,71

773,21

508,50

1.2

GTSX lâm nghiệp

tỷ đồng

152,88

200,49

47,61

1.3

GTSX ngư nghiệp

tỷ đồng

110,80

408,58

297,78

2

Cơ cấu GTSX nông nghiệp (theo giá thực tế)

%

100,00

100,00

 

 

+ Trồng trọt

%

81,20

68,00

-13,20

 

+ Chăn nuôi

%

14,17

25,94

11,77

 

+ Dịch vụ NN

%

4,63

6,06

1,43

3

Sản lượng các SP chính

 

 

 

 

3.1

Nông sản

 

 

 

 

 

+ Rau thực phẩm

tấn

283.700,00

395.145,00

111.445,00

 

+ Cao su

tấn

117.295,00

180.375,00

63.080,00

 

+ Thóc (lúa)

tấn

738.779,00

665.000,00

-73.779,00

 

+ Trái cây các loại

tấn

165.750,00

189.297,00

23.547,00

 

+ Mía cây

tấn

1.607.356,00

2.333.500,00

726.144,00

 

+ Khoai mì

tấn

1.150.698,00

1.020.500,00

-130.198,00

 

+ Bắp

tấn

29.953,00

43.155,00

13.202,00

 

+ Đậu phộng

tấn

44.244,00

36.403,00

-7.841,00

 

+ Thuốc lá

tấn

8.236,00

8.989,00

753,00

 

+ Thịt hơi xuất chuồng

tấn

67.599,00

127.240,00

59.641,00

 

+ Trứng gia cầm

1.000 quả

50.570,00

250.000,00

199.430,00

 

+ Sữa bò tươi

tấn

2.413,00

23.000,00

20.587,00

3.2

Thủy sản

 

 

 

 

 

Sản lượng thủy sản các loại

tấn

9.518,00

60.000,00

50.482,00

3.3

Một số lâm sản

 

 

 

 

 

+ Gỗ tròn khai thác

m3

66.345,00

85.000,00

18.655,00

 

+ Củi khai thác

ste

353.000,00

420.000,00

67.000,00

 

+ Tre, tầm vông, trúc

1.000 cây

15.393,00

17.200,00

1.807,00

Ghi chú: Giá trị SXNN tính toán chi tiết ở phụ biểu 53

- Số lượng nông thủy sản hàng hóa xuất ra ngoài tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 tăng đáng kể.

Bảng 40: Một số loại nông thủy sản hàng hóa chủ yếu xuất ra ngoài tỉnh Tây Ninh năm 2020

Loại hàng hóa

ĐVT

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Loại hàng hóa

ĐVT

Số lượng

Tỷ lệ (%)

1. Gạo

tấn

250.000

57,0

8. Bắp

tấn

15.000

35,0

2. Rau thực phẩm

tấn

275.000

69,0

9. Đậu đỗ

tấn

2.025

25,0

3. Quả các loại

tấn

100.000

53,0

10. Hoa các loại

Triệu cành

50

79,0

4. Đường kết tinh

tấn

210.000

92,7

11. Thịt hơi các loại

tấn

69.900

58,0

5. Tinh bột khoai mì

tấn

220.000

90,0

12. Trứng gia cầm

1.000 quả

143.000

57,0

6. Đậu phộng vỏ

tấn

30.000

82,4

13. Sữa tươi

tấn

18.400

80,0

7. Lá thuốc lá

tấn

8.500

99,0

14. Cá phi lê XK

tấn

24.000

96,0

Ghi chú: Tỷ lệ % so với tổng sản lượng sản xuất ra trong năm 2020

- Một số chỉ tiêu bình quân đầu người đến năm 2020

+ Bình quân lương thực 569,0 kg/người/năm

+ Bình quân rau thực phẩm 317,0 kg/người/năm

+ Bình quân thịt hơi các loại 102,0 kg/người/năm

+ Bình quân đường kết tinh 182,0 kg/người/năm

+ Bình quân trứng gia cầm 201,0 quả/người/năm

- Tổng kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản năm 2020 đạt: 490 - 500 triệu USD.

2. Lợi ích xã hội

- Triển khai thực hiện đúng các chủ trương, đường lối, cơ chế - chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI và Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các Nghị định, Quyết định của Chính phủ - Thủ tướng Chính phủ về định hướng chiến lược phát triển nông lâm ngư nghiệp nói chung và từng ngành hàng nói riêng vào thực tế địa bàn tỉnh Tây Ninh.

- Đặc biệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ cấp xã, huyện (TX) và tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2010 - 2015 đối với ngành nông nghiệp.

- Góp phần xây dựng nông thôn mới thành công và thực hiện chỉ tiêu 20% số xã trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đạt tiêu chuẩn nông thôn mới vào năm 2015.

- Tạo việc làm, tăng thu nhập đến năm 2020 tối thiểu gấp 2,0 - 2,5 lần năm 2010, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

- Ổn định trật tự xã hội, gìn giữ vững chắc an ninh quốc phòng, nhất là các xã biên giới thuộc các huyện Trảng Bàng, Bến Cầu, Tân Biên, Tân Châu tỉnh Tây Ninh.

3. Dự báo ảnh hưởng xấu đến môi trường và biện pháp khắc phục

Theo Nghị định số 29/2011/NĐ-CP của Chính phủ, Quy hoạch Nông nghiệp tỉnh không thuộc danh mục phải lập báo cáo đánh giá môi trường mà chỉ trình bày các nội dung định hướng, định tính về môi trường như sau:

- Dự báo các ảnh hưởng xấu đến môi trường khi thực hiện quy hoạch:

+ Tăng số lượng đàn vật nuôi, trong đó đáng lưu ý là chăn nuôi bò sữa, heo, gà công nghiệp sẽ tăng số lượng chất - nước thải (phân, nước tiểu, nước vệ sinh chuồng trại) nếu không thực hiện biện pháp quản lý - xử lý tốt sẽ là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

+ Mở rộng diện tích nuôi cá tra thâm canh dùng thức ăn công nghiệp, nuôi đặc sản dùng thức ăn có nguồn gốc động vật nếu không xử lý đúng quy trình kỹ thuật sẽ ảnh hưởng không tốt đến môi trường.

+ Thực trạng công nghiệp chế biến nông sản, nhất là: Chế biến tinh bột, khoai mì, mủ cao su, cơ sở giết mổ gia súc - gia cầm đã và đang là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường do chất thải của một số cơ sở chưa qua xử lý đã xả ra kênh rạch,…

+ Khi đầu tư thâm canh cây trồng thường sử dụng số lượng phân bón vô cơ, thuốc BVTV,… nhiều hơn, sẽ làm suy thoái đất và ô nhiễm nguồn nước.

+ V.v…

- Các biện pháp khắc phục, giảm thiểu các yếu tố gây ô nhiễm môi trường của sản xuất nông ngư nghiệp.

+ Khi chọn bố trí cây trồng đã căn cứ vào khả năng thích nghi đất đai “Đất nào - cây ấy” được tổ chức FAO khuyến cáo sẽ hạn chế ảnh hưởng xấu đến tính chất đất.

+ Áp dụng nghiệm ngặt quy trình kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật trong chăn nuôi, nuôi thủy sản,… cơ sở chế biến nông thủy sản cộng với việc kiểm tra thường xuyên, giám sát chặt chẽ, khi phát hiện xử phạt thích đáng theo quy định hiện hành.

+ Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường với các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm (trang trại chăn nuôi, trang trại nuôi thủy sản, cơ sở chế biến nông thủy sản,…). Đồng thời, kiểm tra đánh giá thường xuyên sẽ ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm.

+ Trong trồng trọt, ứng dụng phương pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, bón phân theo phương pháp 4 đúng và quản lý dinh dưỡng INM, quy trình kỹ thuật canh tác lúa theo hướng giảm phân bón, giảm thuốc BVTV, sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP, Global GAP,… sẽ giảm tác động xấu đến môi trường.

+ Tiến hành phổ biến chương trình xây dựng hầm biogas trong các nông hộ, trang trại chăn nuôi, xử lý ao nuôi thủy sản bằng chế phẩm sinh học, áp dụng quy trình nuôi thủy sản, thủy đặc sản thân thiện với môi trường. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi gia súc - gia cầm tại các trang trại và nuôi thủy sản tập trung.

Tóm lại, một trong những mục tiêu phát triển nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 là phải bền vững. Do vậy, ba lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường luôn được xem trọng. Trong đó, lợi ích môi trường được chú ý hơn. Đồng thời, thực hiện quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng và tăng diện tích trồng cây lâu năm, trồng cây phân tán ở các khu dân cư, công sở,… sẽ góp phần tăng độ che phủ, cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường.

 

KẾT LUẬN - KIẾN NGHỊ

I. KẾT LUẬN

1. Các nguồn lực giữ vai trò nền tảng cơ bản để xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa có sức cạnh tranh cao, phát triển bền vững trong cơ chế kinh tế thị trường chính là: Vị trí địa lý, tài nguyên đất, nguồn nước, khí hậu thời tiết và con người ở tỉnh Tây Ninh hội tụ khá đầy đủ với tiềm năng, lợi thế mà ít tỉnh - thành phố nước ta có được

2. Thành tựu kết quả nông nghiệp tỉnh đạt được trong 10 năm (2001 - 2010) là khá toàn diện với các chỉ tiêu tăng trưởng (giá trị sản xuất, năng suất, sản lượng, số lượng vật nuôi,…) cao nhất trong suốt thời gian đã qua về khai thác tài nguyên phát triển kinh tế nông nghiệp trong đó có 25 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng lãnh đạo diễn ra trên địa bàn tỉnh.

3. Những kết quả sản xuất nông lâm ngư nghiệp tỉnh có được đến năm 2011 là rất đáng ghi nhận. Song, so với tiềm năng vẫn chưa tương xứng và còn khá nhiều lợi thế. Phát triển sản xuất nông lâm ngư nghiệp hàng hóa mà tỉnh hướng đến phải có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái ven đô thị, nông - thủy sản chuyên canh - trang trại quy mô lớn. Đặc biệt là hình thành tại tỉnh Tây Ninh địa bàn trọng điểm sản xuất chế biến lương thực thực phẩm chất lượng cao phát triển bền vững theo chuỗi giá trị gia tăng, kết nối thành công với các kênh phân phối của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

4. Cây trồng - vật nuôi được xác định là nông thủy sản thế mạnh nên ưu tiên đầu tư phát triển trong chương trình tái cấu trúc lại ngành nông nghiệp của tỉnh được xếp theo thứ tự ưu tiên như sau:

+ Nhóm 1: Rau an toàn, hoa phong lan, mãng cầu, nuôi gia cầm trang trại khép kín an toàn sinh học, nuôi cá tra thâm canh đạt tiêu chuẩn Global GAP gắn với công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, sản xuất giống cây trồng, giống gia súc gia cầm, giống cá và giống thủy đặc sản chất lượng cao, chăn nuôi bò sữa trang trại quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao gắn với nhà máy chế biến được trang bị dây chuyền thiết bị tiên tiến tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao.

+ Nhóm 2: Mía, cao su, bò thịt lai zebu, heo lai 2 - 3 - 4 máu ngoại nuôi trang trại theo quy hoạch, nuôi thủy sản - thủy đặc sản đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ tốt môi trường nước, phát triển các loại sinh vật cảnh, rau hoang dã là cây bản địa gắn với ẩm thực là đặc sản truyền thống nổi tiếng của tỉnh Tây Ninh.

+ Nhóm 3: Lúa, bắp, khoai mì, đậu phộng, thuốc lá, đậu đỗ, trâu thịt, một số loại quả (không kể mãng cầu), hồ tiêu, dừa, điều, khai thác thủy sản nước ngọt,…

II. KIẾN NGHỊ

1. Để vượt qua khó khăn - thách thức trình bày ở mục (2) phần thứ 2 đạt được các mục tiêu ghi cụ thể ở mục 1.3 phần thứ 3 rất cần toàn thể hệ thống chính trị, ngành nông nghiệp, các cơ quan thuộc 3 cấp xã (TT), huyện (TX), tỉnh. Đặc biệt là nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp phải liên kết hợp tác tốt trong quá trình triển khai thực thi hệ thống giải pháp nhằm hiện thực hóa quy hoạch nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2020.

2. Quy hoạch sử dụng đất tỉnh Tây Ninh (ở cả 3 cấp tỉnh, huyện - TX, xã - phường - thị trấn) đến năm 2020 và kế hoạch 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) chuẩn bị bước vào giai đoạn thẩm định - trình duyệt. Song, các số liệu trình bày trong bản thảo Báo cáo quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất nói chung và các loại đất nông nghiệp như: Đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp và đất nuôi thủy sản cần phải tiến hành cập nhật bổ sung hoàn chỉnh đảm bảo tính pháp lý, có cơ sở khoa học và sát với thực tế ở cả 03 cấp (xã, huyện - thị xã và tỉnh Tây Ninh).

3. Nghiên cứu kế thừa một số tài liệu đã được UBND tỉnh Tây Ninh thông qua hoặc đã ban hành quyết định phê duyệt cơ quan tư vấn nhận thấy còn một số vấn đề: Thiếu thống nhất về định hướng và các số liệu về nông nghiệp ghi trong một tài liệu hoặc giữa các tài liệu phát hành trong năm 2010. Do vậy, đề nghị các cơ quan chức năng được UBND tỉnh giao chủ trì lập quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án nên rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh nhằm đảm bảo tính thống nhất vì đây là cơ sở pháp lý tiến hành triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

4. Sản xuất nông nghiệp tỉnh Tây Ninh có mối quan hệ rất chặt chẽ với vùng Đông Nam bộ, nhất là Tp. Hồ Chí Minh. Vấn đề liên kết hợp tác giữa các địa phương là rất cần thiết trong đó chương trình - kế hoạch liên kết kinh tế của tỉnh với Tp. Hồ Chí Minh nên xây dựng thành chương trình dự án thật cụ thể và có cơ quan đặc trách về chương trình liên kết hợp tác kinh tế này.

5. Để nông thủy sản của tỉnh tiếp tục tăng trưởng cao và phát triển bền vững, cần phải:

+ Nên có cơ chế chính sách đặc thù được xây dựng căn cứ vào cơ chế chính sách của Chính phủ - Thủ tướng Chính phủ song được vận dụng sáng tạo – sát với thực tế tỉnh Tây Ninh nhằm thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất - chế biến - tiêu thụ các nông thủy sản chủ lực ưu tiên phát triển của tỉnh (rau an toàn, chăn nuôi trang trại, nuôi thủy sản thâm canh, xây dựng khu liên hợp nông – công nghiệp ứng dụng công nghệ cao,…).

+ Cần tăng số lượng vốn ngân sách đầu tư cho nông lâm ngư nghiệp tương xứng với vị trí, vai trò và tỷ lệ GDP của ngành trong tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh.

TX. Tây Ninh, ngày 15 tháng 10 năm 2012

GIẢI NGHĨA ĐẦY ĐỦ CÁC CHỮ VIẾT TẮT

Chữ viết tắt

Viết đầy đủ

Chữ viết tắt

Viết đầy đủ

ATVSTP

: An toàn vệ sinh thực phẩm

IRSG

: Tập đoàn nghiên cứu cao su quốc tế

ADB

: Ngân hàng phát triển châu Á

KHCN

: Khoa học công nghệ

BĐKH

: Biến đổi khí hậu

KTTĐPN

: Kinh tế trọng điểm phía Nam

BNN

: Bộ Nông nghiệp

KT-XH

: Kinh tế - xã hội

BR-VT

: Bà Rịa - Vũng Tàu

LMLM

: Lở mồm long móng

BTC

: Bộ Tài chính

NHNN

: Ngân hàng Nhà nước

BTNMT

: Bộ Tài nguyên và Môi trường

NLTS

: Nông lâm thủy sản

BVTV

: Bảo vệ thực vật

NQ, TT

: Nghị quyết, Thông tư

CNH-HĐH

: Công nghiệp hóa - hiện đại hóa

NTM

: Nông thôn mới

CP, TTg

: Chính phủ, Thủ tướng

PTNT

: Phát triển nông thôn

CSTK

: Công suất thiết kế

QCVN

: Quy chuẩn Việt Nam

CT, BC

: Chỉ thị, Báo cáo

QĐ, NĐ

: Quyết định, Nghị định

ĐBSCL

: Đồng bằng sông Cửu Long

QH, PL

: Quốc hội, Pháp lệnh

ĐNB

: Đông Nam bộ

QL, ĐT

: Quốc lộ, đường tỉnh

ĐVT

: Đơn vị tính

SNN

: Sở Nông nghiệp

DN

: Doanh nghiệp

SX-KD

: Sản xuất - kinh doanh

DT-NS-SL

: Diện tích - năng suất - sản lượng

SXNN

: Sản xuất nông nghiệp

DTTN

: Diện tích tự nhiên

TĂCN

: Thức ăn chăn nuôi

FAO

: Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc

TBKT

: Tiến bộ kỹ thuật

FDI

: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

TCN

: Tiêu chuẩn ngành

GDP

: Tổng sản phẩm

TCVN

: Tiêu chuẩn Việt Nam

GTSX

: Giá trị sản xuất

TNHH

: Trách nhiệm hữu hạn

HCM

: Hồ Chí Minh

TP, TX

: Thành phố, thị xã

H, X, TT

: Huyện, xã, thị trấn

TW

: Trung ương

HĐND

: Hội đồng nhân dân

UBND

: Ủy ban nhân dân

HTX

: Hợp tác xã

WTO

: Tổ chức Thương mại thế giới

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 44/2012/QĐ-UBND về Quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2020

  • Số hiệu: 44/2012/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/10/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh
  • Người ký: Nguyễn Thị Thu Thủy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/10/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản