Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số:31/2007/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 03 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ TÍN DỤNG ĐỐI VỚI HỘ GIA ĐÌNH SẢN XUẤT,KINH DOANH TẠI VÙNG KHÓ KHĂN

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;
Căn cứ Nghị quyết số 06/2006/NQ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn là việc sử đụng các nguồn lực tài chính do Nhà nước huy động để cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, tăng trưởng kinh tế đồng đều giữa các vùng trong cả nước.

Ngân hàng Chính sách xã hội là tổ chức được giao thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định này.

Điều 2. Vùng khó khăn

1. Vùng khó khăn được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh quy định tại Quyết định này bao gồm các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) quy định trong Danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn.

2. Các xã thành lập sau khi Quyết định này có hiệu lực, trên cơ sở chia, tách, sáp nhập các đơn vị hành chính thuộc Danh mục nêu tại khoản 1 trên đây cũng được hưởng chính sách tín dựng theo Quyết định này.

Điều 3. Đối tượng được vay vốn

1. Các hộ gia đình theo quy định của Bộ luật Dân sự (bao gồm cả hộ gia đình làm kinh tế trang trại) không thuộc diện hộ nghèo (sau đây gọi chung là người vay vốn) thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm.

2. Chủ hộ gia đình là người đại diện cho hộ gia đình chịu trách nhiệm giao dịch với Ngân hàng Chính sách xã hội trong quan hệ vay vốn, trả nợ, trả lãi.

Điều 4. Điều kiện được vay vốn

1. Người vay vốn phải có dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh được Ủy ban nhân dân xã nơi thực hiện dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh xác nhận.

2. Người vay vốn phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

3. Người vay vốn cư trú hợp pháp tại nơi thực hiện dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh.

Điều 5. Nguyên tắc vay vốn

1. Người vay vốn phải sử dụng vốn vay đúng mục đích xin vay của dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh quy định tại Điều 6 Quyết định này.

2. Người vay vốn phải trả nợ, trả lãi đúng hạn theo hợp đồng tín dụng đã cam kết.

3. Người vay vốn có thể vay đầu tư một hoặc nhiều dự án, hoặc phương án sản xuất, kinh doanh nhưng tổng dư nợ cho một hộ gia đình vay vốn tại một thời điểm không vượt quá mức quy định tại Điều 7 Quyết định này.

Điều 6. Mục đích sử dụng vốn vay

1. Mua sắm vật tư, thiết bị, phương tiện phục vụ sản xuất; cây trồng, vật nuôi; sửa chữa, xây dựng mới nhà xưởng sản xuất, kinh doanh; xây dựng và cải tạo đồng ruộng, trang trại chăn nuôi; các nhu cầu về vệ sinh môi trường; thanh toán tiền thuê nhân công và các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh.

2. Góp vốn thực hiện các dự án hoặc phương án hợp tác sản xuất, kinh doanh.

3. Giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu về nhà ở, điện thắp sáng và đào tạo tay nghề có liên quan mật thiết đến dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh.

Điều 7. Mức vốn cho vay

1. Mức vốn cho vay đối với một hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tối đa là 30 triệu đồng.

2. Trong một số trường hợp cụ thể, mức vốn vay của một hộ có thể trên 30 triệu đồng, giao Ngân hàng Chính sách xã hội căn cứ vào khả năng nguồn vốn, nhu cầu đầu tư và khả năng trả nợ của hộ sản xuất, kinh doanh, để quy định mức cho vay cụ thể, nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng.

Đối với những hộ gia đình sản xuất, kinh doanh có nhu cầu vay vốn trên 30 triệu đồng, ngoài điều kiện quy định tại Điều 4 Quyết định này còn phải:

 a) Có vốn tự có (bao gồm: giá trị vật tư, quyền sử dụng đất, lao động, tiền vốn) tham gia tối thiểu bằng 20% tổng nhu cầu vốn của dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh;

 b) Cam kết sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay để làm tài sản bảo đảm tiền vay.

Điều 8. Lãi suất cho vay

1. Lãi suất cho vay bằng 0,9%/tháng.

2. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

3. Việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Tài chính.

Điều 9. Thời hạn cho vay

1. Thời hạn cho vay được xác định theo các loại cho vay: ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

2. Thời hạn cho vay của từng dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh do Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định, phù hợp với mục đích sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ của người vay vốn và chu kỳ sản xuất, kinh doanh của từng dự án hoặc phương án vay vốn.

3. Thời hạn gia hạn nợ đối với các khoản vay vốn ngắn hạn bằng một chu kỳ sản xuất, kinh doanh liền kề. Thời hạn gia hạn nợ đối với các khoản cho vay trung hạn và dài hạn, tối đa bằng 1/2 thời hạn cho vay ghi trong hợp đồng tín dụng.

Điều 10. Bảo đảm tiền vay

1. Người vay vốn đến 30 triệu đồng không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.

2. Người vay vốn từ trên 30 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Điều 11. Phương thức cho vay

Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện phương thức uỷ thác cho vay từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội hoặc trực tiếp cho vay tuỳ theo mức vốn cho vay đối với một dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh và khả năng quản lý của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đối với phương thức uỷ thác qua các tổ chức chính trị - xã hội, việc quản lý vốn bằng tiền, ghi chép kế toán và tổ chức giải ngân đến người vay do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện.

Điều 12. Xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan

Việc xử lý rủi ro được thực hiện theo Quyết định số 69/2005/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan về Quy chế xử lý nợ bị rủi ro của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Điều 13. Trách nhiệm của Ngân hàng Chính sách xã hội

1. Quy định quy trình và nội dung lập và thẩm định dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, thủ tục cho vay bảo đảm đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện.

2. Xây dựng quy trình và thực hiện việc kiểm tra, giám sát qúa trình vay vốn, sử dụng vốn và trả nợ của người vay vốn phù hợp với đặc điểm hoạt động của ngân hàng, tính chất của khoản vay nhằm bảo đảm hiệu quả và khả năng thu hồi vốn vay.

Điều 14. Trách nhiệm của người vay vốn

1. Lập hồ sơ vay vốn theo hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội và chịu trách nhiệm về tính chính xác và hợp pháp của các tài liệu gửi Ngân hàng Chính sách xã hội.

2. Thực hiện đầy đủ nguyên tắc vay vốn theo quy định tại Điều 5 Quyết định này.

3.Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và các cam kết khác trong hợp đồng tín dụng.

4. Chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức làm địch vụ uỷ thác về việc sử dụng vốn, trả nợ, trả lãi ngân hàng.

Điều 15. Trách nhiệm của các tổ chức làm dịch vụ uỷ thác

Các tổ chức làm dịch vụ uỷ thác cho vay vốn tại vùng khó khăn có trách nhiệm kiểm tra, giám sát người vay vốn trong việc vay vốn, trả nợ, trả lãi theo đúng hợp đồng uỷ thác đã ký với Ngân hàng Chính sách xã hội và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi vi phạm pháp luật của mình.

Điều 16. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phú thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo thẩm quyền đối với chính sách tín dụng tại vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định này, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.

2. Bộ Tài chính

 a) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài chính theo thẩm quyền; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định này;

 b) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp kế hoạch tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn trong kế hoạch tín dụng chính sách và kế hoạch cấp bù chênh lệch lãi suất hàng năm trình Thủ tướng Chính phủ, trình Quốc hội để giao Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp kế hoạch tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn theo Quyết định này trong kế hoạch tín dụng chính sách và kế hoạch cấp bù chênh lệch lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội, trình Thủ tướng Chính phủ, trình Quốc hội để giao Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện.

4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, ngoại hối, tín dụng, thanh toán có liên quan đến tín dụng chính sách vùng khó khăn.

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

 a) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, sở, ban, ngành ở địa phương phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội lồng ghép các chương trình, dự án sản xuất, kinh doanh; lựa chọn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển ngành, nghề; tổ chức đào tạo tay nghề, chuyển giao công nghệ; thực hiện các chương trình khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chỉ dẫn thị trường với việc sử dụng vốn tín dụng; kết hợp chương trình văn hoá - xã hội nhằm hỗ trợ người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả và hạn chế rủi ro;

 Chỉ đạo Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp, thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn, chấp hành đầy đủ chủ trương, chính sách tín dụng, thực hiện giải ngân trực tiếp đến người thụ hưởng, không qua cầu cấp trung gian, thực hiện "dân chủ hoá", "công khai hoá" kế hoạch cho vay hàng quý, hàng năm;

 c) Chỉ đạo các tổ chức làm dịch vụ uỷ thác của Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc chấp hành chính sách tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn đã cam kết; cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện xử lý các khoản nợ bị rủi ro đúng quy định của pháp luật.

Điều 17. Hàng năm, Hội đồng quản trị, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp xem xét những địa phương, những tổ chức và cá nhân có thành tích trong việc tạo lập nguồn vốn, chấp hành tốt việc thục hiện chính sách tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn đạt hiệu quả kinh tế thiết thực để khen thưởng hoặc trình cấp có thẩm quyền khen thưởng.

Điều 18. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 31/2007/QĐ-TTg về việc tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 31/2007/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/03/2007
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 18/03/2007
  • Số công báo: Từ số 242 đến số 243
  • Ngày hiệu lực: 02/04/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản