Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 439/QĐ-UBND | Cao Bằng, ngày 15 tháng 04 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở;
Căn cứ Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 (chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2);
Căn cứ Thông tư 08/2015/TT-BXD ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015;
Căn cứ Công văn số 1881/BXD-QLN ngày 24 tháng 8 năm 2015 của Bộ Xây dựng về lập Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo;
Theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 259/TTr-SXD ngày 11 tháng 4 năm 2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng (chương trình hỗ trợ nghèo 167 giai đoạn 2).
(có Đề án kèm theo Quyết định này)
Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban dân tộc, Kho bạc Nhà nước tỉnh; Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 33 tỉnh; Bí thư Tỉnh Đoàn thanh niên Cộng sản HCM; Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Cao Bằng; Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, Thành phố và thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
HỖ TRỢ NHÀ Ở ĐỐI VỚI HỘ NGHÈO THEO CHUẨN NGHÈO GIAI ĐOẠN 2011-2015 THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 33/2015/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG (CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ HỘ NGHÈO 167 GIAI ĐOẠN 2)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 439/QĐ-UBND ngày 15 tháng 4 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng)
1. Những đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh, sự ảnh hưởng của vị trí địa lý, khí hậu đối với nhà ở của các hộ nằm trong đối tượng được hỗ trợ tại địa phương.
Cao Bằng là một tỉnh miền núi vùng cao, biên giới; có 13 huyện thành phố với 199 xã, phường, thị trấn; Diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh là 6.690,72km2, là vùng núi đá vôi xen lẫn núi đất, có độ cao trung bình trên 200m, vùng sát biên có độ cao từ 600-1.300m so với mặt nước biển. Rừng núi chiếm hơn 90% diện tích toàn tỉnh. Đất nông nghiệp 66.036,63 ha, đất lâm nghiệp 229.321,11 ha, đất chuyên dùng 7.355,67ha, đất đồi núi đá 301.282,93ha. Là tỉnh có đường biên giới dài hơn 333km, nhiều cửa khẩu và đường mòn thông thương với nước bạn Trung Quốc vì vậy, đã khẳng định vị trí chiến lược an ninh quốc phòng về phát triển kinh tế của tỉnh trong chiến lược chung của đất nước;
Cao Bằng có 520.168 người, với 8 dân tộc đồng cộng dân cư lâu đời, trong đó các dân tộc thiểu số chiếm hơn 95%. Sự hình thành cộng đồng dân cư các dân tộc thiểu số bám trụ trên các địa hình vùng cao, vùng sâu, vùng biên giới;
Trong những năm qua thực hiện một số chủ trương, chính sách xóa đói giảm nghèo hỗ trợ các đối tượng cải thiện nhà ở, các chương trình mục tiêu Quốc gia về xoá đói giảm nghèo, văn hóa, xã hội... Đến nay đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng cao và vùng biên giới đã có những chuyển biến đáng kể: Kinh tế - xã hội có bước phát triển, cơ bản định canh định cư, có cuộc sống ổn định, nhiều mô hình sản xuất kinh tế hộ gia đình có hiệu quả đã xuất hiện; các vấn đề bức xúc xã hội từng được giải quyết, đời sống mọi mặt của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đồng bào tin tưởng và chấp hành tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, đa số đồng bào dân tộc thiểu số, sống phân tán trên địa bàn rộng, địa hình chia cắt phức tạp, nhu cầu về kinh phí đầu tư lớn trong khi đó ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp và công tác chỉ đạo thực hiện chủ trương, chính sách còn hạn chế, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp và mọi nguồn lực để vực dậy vùng khó khăn này. Do vậy hiện nay đồng bào dân tộc ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới đời sống vẫn còn nhiều khó khăn, sản xuất còn mang tính tự cung, tự túc và còn phụ thuộc vào thiên nhiên; tỷ lệ nghèo cao, thực tế vẫn còn một bộ phận lớn đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, thiếu đất ở, đa số nhà ở tạm bợ, tình trạng du canh, du cư và di dân tự do vẫn còn xảy ra, mức sống còn chênh lệch lớn giữa các vùng, các dân tộc; cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật còn thiếu thốn, các yếu tố trên đã làm giảm khả năng tiếp cận của đồng bào để hưởng lợi từ nguồn phúc lợi xã hội;
2. Sự cần thiết để lập Đề án
Là một tỉnh miền núi vùng cao biên giới, địa hình phức tạp giao thông đi lại khó khăn hiện nay chỉ có giao thông đường bộ, quy mô nền kinh tế nhỏ, nguồn lực còn hạn chế do đó ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế toàn tỉnh. Vì vậy rất khó có điều kiện để giải quyết những vấn đề bức xúc như: Cơ sở hạ tầng kém, kinh tế phát triển chậm, tỷ lệ nghèo còn cao, trình độ dân trí thấp, nhà ở xiêu vẹo dột nát. Chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các hộ nghèo nhằm ổn định chỗ ở, cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo bền vững, nâng cao dân trí, hạn chế mức thấp nhất di cư tự do, tăng cường đoàn kết dân tộc, ổn định trật tự an toàn xã hội, củng cố an ninh quốc phòng là rất thiết thực đối với tỉnh Cao Bằng. Việc thực hiện hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ đã tạo ra bước phát triển mới trong đời sống của những người nghèo trên cả nước và tỉnh Cao Bằng nói riêng, tạo cho các hộ nghèo có nhà ở ổn định an tư lạc nghiệp góp phần xây dựng quê hương ngày một đổi mới.
3. Các căn cứ để lập Đề án
Căn cứ Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015;
Căn cứ Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 -2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2);
Căn cứ Thông tư số 08/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015;
Căn cứ số lượng hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ nhà ở và hộ nghèo thuộc diện hỗ trợ tự nguyện đăng ký vay vốn làm nhà ở theo quy định tại Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015.
1. Nhận xét, đánh giá thực trạng nhà ở của các hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh
Trong những năm qua, việc chăm lo cải thiện chỗ ở cho đối tượng người nghèo luôn được tỉnh Cao Bằng quan tâm và đạt được những kết quả nhất định về xóa đói giảm nghèo. Ngoài các Chương trình hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Cao Bằng đã huy động các tổ chức, cá nhân, cơ quan ban ngành tham gia giúp đỡ kinh phí làm nhà đoàn kết, nhà tình nghĩa tặng cho các hộ đồng bào đặc biệt khó khăn không có nhà ở. Tuy nhiên toàn tỉnh đến năm 2012 vẫn còn 33.545 hộ theo chuẩn nghèo (chuẩn nghèo 2011-2015), trong đó hộ nghèo đã được hỗ trợ theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg và Quyết định 134/2004/QĐ-TTg là 15.898 hộ (đến thời điểm hiện nay có 15.134 hộ trong tổng số 15.898 hộ đã được hỗ trợ về nhà ở nhưng nhà ở đã hư hỏng, xuống cấp; số hộ đủ điều kiện hỗ trợ và cần hỗ trợ về nhà ở là 10.571 hộ);
Chất lượng nhà ở: Nhìn chung hiện trạng nhà của các hộ dân tộc thiểu số nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn hầu hết là nhà tạm khung cột gỗ, vách đan cây, trát đất, mái lợp gianh, đặc biệt một bộ phận dân tộc thiểu số ít người sống rải rác ở sườn núi cao nhà quá tạm bợ.
2. Đánh giá tác động của các yếu tố khí hậu đối với nhà ở về đảm bảo an toàn khu xảy ra bão, tố, lốc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
Cao Bằng là tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, núi cao, có nhiều sông suối, vào mùa mưa thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất gây ảnh hưởng đến nhà ở, đặc biệt là nhà ở các hộ nghèo; những nhà ở siêu vẹo, tạm bợ rất dễ đổ sập, mất an toàn tính mạng khi xảy ra mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất.
3. Đánh giá chung về thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo đã và đang thực hiện tại tỉnh
a) Về ưu điểm: Là động lực giúp người nghèo vươn lên, có một mái nhà tương đối chắc chắn để ổn định cuộc sống, tạo lòng tin của người nghèo vào Đảng, nhà nước, phát huy tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách.
b) Về các hạn chế, tồn tại, phân tích nguyên nhân và biện pháp khắc phục:
- Hạn chế tồn tại: Đại bộ phận các hộ nghèo là thuần nông tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, thiếu đất canh tác, sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên. Trình độ văn hóa thấp khó tiếp cận với khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, chậm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhiều hộ nghèo qua nhiều năm cố gắng nhưng vẫn nghèo và tái nghèo. Ngoài ra còn có hộ nghèo mắc vào tệ nạn xã hội, lười lao động, sinh nhiều con, ốm đau thường xuyên...vì vậy công tác xóa đói giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Mặc dù Đảng và nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi đối với các hộ nghèo, nhưng trên thực tế một số hộ nghèo còn trông chờ ỷ lại, chưa có ý thức tự lực vươn lên để thoát nghèo vì vậy gây ra sự so bì trong một bộ phận nhân dân.
- Biện pháp khắc phục:
+ Tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức cho hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước;
+ Thực hiện hỗ trợ trực tiếp để xây dựng nhà ở đúng đối tượng và thứ tự ưu tiên theo quy định.
+ Thực hiện phương châm “Nhân dân tự làm, Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ”; Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí và các đoàn thể để phổ biến tuyên truyền vận động hộ nghèo cùng tham gia.
1. Về phương thức huy động nguồn lực
Đa dạng từ các nguồn vốn của nhiều kênh hỗ trợ như: Huy động cộng đồng tương thân tương ái, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, các Chương trình nhà tình thương, nhà đại đoàn kết do Tỉnh Đoàn thanh niên vận động; Hội phụ nữ với chương trình hỗ trợ cho phụ nữ nghèo, ngành giáo dục hỗ trợ nhà ở cho cán bộ công chức nghèo có hoàn cảnh khó khăn... đảm bảo chặt chẽ thống nhất không bị trùng.
2. Về quản lý nguồn lực của địa phương trong quá trình thực hiện hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở
Sở Xây dựng (cơ quan thường trực) đã có hướng dẫn thực hiện, xác định nhu cầu cần hỗ trợ, đồng thời chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã và các ngành tập trung triển khai, giám sát thi công, nghiệm thu công trình, quản lý chặt chẽ các nguồn lực để thực hiện chính sách.
3. Về thực hiện việc quản lý sử dụng, cấp phát, thanh toán nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương và vốn vay tín dụng ưu đãi cũng như các nguồn vốn huy động khác
Việc quản lý sử dụng cấp phát, thanh toán nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương cũng như các nguồn vốn huy động hỗ trợ khác thực hiện theo quy định của pháp luật, trong quá trình thực hiện có sự chỉ đạo sát sao, phối hợp chặt chẽ giữa tỉnh, huyện, xã, các tổ chức đoàn thể Chính trị xã hội đảm bảo phát huy nguồn vốn hỗ trợ đạt hiệu quả cao nhất.
4. Về cách thức hỗ trợ
Đối với vốn vay: Ủy ban nhân dân tỉnh gửi danh sách các hộ vay vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh để thực hiện cho vay. Các hộ có nhu cầu vay vốn phải trực tiếp ký khế ước vay vốn theo quy định của Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Đối với vốn hỗ trợ: Giao tiền trực tiếp cho người dân tự làm nhà ở, số ít doanh nghiệp xây dựng nhà sau đó bàn giao cho hộ dân, có những hộ già cả neo đơn hoặc tàn tật thì chính quyền địa phương huy động cộng đồng giúp đỡ.
5. Đánh giá chung về việc thực hiện huy động và quản lý nguồn lực của địa phương trong quá trình thực hiện việc hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở
- Thời gian qua, các địa phương đã tập trung nhiều nguồn lực, nguồn hỗ trợ của Trung ương, ngân sách địa phương và vận động cộng đồng hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp, các tổ chức và nhân dân;
- Chủ trương hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo là chính sách ưu đãi lớn, người nghèo thấy được sự quan tâm giúp đỡ của Nhà nước trong chính sách xã hội nên ngày càng tin tưởng và đường lối của Đảng;
- Các địa phương trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền về ý nghĩa của chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, từ đó vận động người dân, dòng họ góp tiền, góp sức để xây dựng căn nhà được khang trang hơn, chất lượng tốt hơn.
IV. MỘT SỐ NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu, nguyên tắc hỗ trợ
Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo khu vực nông thôn, đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững; nhà nước hỗ trợ theo phương thức cho vay vốn để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở với lãi suất ưu đãi, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở.
2. Yêu cầu về diện tích và chất lượng nhà ở
Nhà ở mới hoặc sửa, nâng cấp nhà ở đang có, đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 24 m2 (đối với hộ độc thân không nơi nương tựa, có thể xây dựng nhà ở có diện tích sử dụng nhỏ hơn nhưng không thấp hơn 18 m2). Nhà ở phải đạt tiêu chuẩn “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng); tuổi thọ căn nhà từ 10 năm trở lên. Các bộ phận nền, khung mái của căn nhà phải được làm từ các loại vật liệu có chất lượng tốt, không làm từ các loại vật liệu tạm, mau hỏng, dễ cháy. Cụ thể:
- Nền cứng: là nền làm bằng các loại vật liệu có tác dụng làm tăng độ cứng của nền như: vữa xi măng - cát, bê tông, gạch lát;
- Khung - tường cứng: bao gồm hệ thống khung, cột, tường kể cả móng đỡ. Tùy điều kiện cụ thể, khung, cột được làm từ các loại vật liệu bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc; tường xây gạch, đá hoặc làm từ gỗ bền chắc, móng làm bằng bê tông cốt thép hoặc xây gạch đá;
- Mái cứng: gồm hệ thống đỡ mái và mái lợp. Tùy điều kiện cụ thể, hệ thống đỡ mái có thể làm từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc. Mái làm bằng bê tông cốt thép, lợp ngói hoặc lợp bằng các loại tấm lợp có chất lượng tốt như tôn, phi brô xi măng.
3. Mức vay để làm nhà ở
Hộ gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo quy định của Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg có nhu cầu vay vốn, được vay tối đa 25 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở. Lãi suất vay 3%/năm; thời hạn vay 15 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm. Thời gian trả nợ tối đa là 10 năm bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 10% tổng số vốn đã vay.
4. Đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Quyết định 33/2015/QĐ-TTg
a) Đối tượng:
Là hộ nghèo theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định 09/2011/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015, có trong danh sách hộ nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý tại thời điểm Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 có hiệu lực thi hành, và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Quyết định này có hiệu lực thi hành tối thiểu là 5 năm.
b) Điều kiện:
- Chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy sập đổ và không có khả năng tự cải thiện nhà ở;
- Chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, chính sách hỗ trợ của nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội khác;
- Trường hợp đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính sách hỗ trợ khác thì phải thuộc các đối tượng sau:
+ Nhà ở đã bị sập đổ hoặc hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ do thiên tai gây ra như: Bão, lũ, lụt, động đất, sạt lở đất, hỏa hoạn nhưng chưa có nguồn vốn để sửa chữa, xây dựng lại;
+ Đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính sách hỗ trợ khác có thời gian từ 8 năm trở lên tính đến thời điểm ngày 01/10/2015 (thời điểm Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 có hiệu lực thi hành) nhưng nay nhà đã hư hỏng, dột nát, có nguy cơ gây sụp đổ.
c) Những trường hợp sau đây không được hỗ trợ:
- Hộ thuộc diện đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình bố trí dân các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020;
- Thuộc diện đối tượng hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.
5. Phạm vi áp dụng
Chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo giai đoạn 2011- 2015 giai đoạn 2 đang cư trú tại khu vực nông thôn hoặc tại các thôn, làng, bản (gọi tắt là thôn) trực thuộc xã, thị trấn, phường thuộc tỉnh Cao Bằng.
6. Xác định số lượng hộ nghèo cần hỗ trợ xây dựng nhà ở trên địa bàn tỉnh
- Tổng số hộ thuộc diện đối tượng được hỗ trợ nhà ở tự nguyện đăng ký vay vốn làm nhà ở (toàn tỉnh): 4.320 hộ, cụ thể như sau:
TT | Tên địa danh | Tổng số hộ nghèo đăng ký vay vốn làm nhà ở tại QĐ số 33/2015/ QĐ -TTg | Phân loại đối tượng ưu tiên | ||||||
Hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn | Hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số | Hộ gia đình thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai | Hộ gia đình đang sinh sống tại các thôn, bản ĐBKK | Hộ GĐ đang sinh sống tại các ĐVHC thuộc vùng KK | Hộ GĐ cư trú tại các huyện nghèo theo NQ 30a/2008 /NĐ-CP | Hộ GĐ còn lại | |||
(1) | (2) | (3)=(4+5 +6+... 10) | (4) | (5) | (6) | (7) | (8) | (9) | (10) |
| Tổng Cộng: | 4.320 | 298 | 2.424 | 163 | 1.016 | 320 | 74 | 25 |
1 | Hà Quảng | 441 | 35 | 180 | 145 | 42 | 16 | 23 | 0 |
2 | Quảng Uyên | 275 | 28 | 9 | 0 | 0 | 238 | 0 | 0 |
3 | Bảo Lâm | 921 | 104 | 817 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 |
4 | Bảo Lạc | 431 | 39 | 319 | 4 | 63 | 0 | 6 | 0 |
5 | Hạ Lang | 283 | 14 | 150 | 0 | 49 | 28 | 42 | 0 |
6 | Thông Nông | 211 | 9 | 103 | 2 | 85 | 9 | 3 | 0 |
7 | Nguyên Bình | 524 | 0 | 11 | 1 | 500 | 12 | 0 | 0 |
8 | Phục Hòa | 318 | 27 | 258 | 0 | 33 | 0 | 0 | 0 |
9 | Hòa An | 105 | 0 | 68 | 0 | 37 | 0 | 0 | 0 |
10 | Trùng Khánh | 227 | 10 | 201 | 0 | 16 | 0 | 0 | 0 |
11 | Thạch An | 261 | 19 | 128 | 11 | 78 | 0 | 0 | 25 |
12 | Trà Lĩnh | 295 | 13 | 180 | 0 | 85 | 17 | 0 | 0 |
7. Phân loại đối tượng ưu tiên:
a) Hộ gia đình có hoàn cảnh ĐBKK (già cả, neo đơn, tàn tật...): 298 hộ;
b) Hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số: 2.424 hộ;
c) Hộ gia đình trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai: 163 hộ;
d) Hộ gia đình đang sinh sống tại các thôn bản đặc biệt khó khăn: 1.016 hộ;
đ) Hộ gia đình đang sinh sống tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn: 320 hộ;
e) Hộ gia đình đang cư trú tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ: 74 hộ;
f) Các hộ gia đình còn lại: 25 hộ.
8. Nguồn vốn thực hiện:
Ngoài các nguồn vốn quy định tại Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, còn có các nguồn vốn của tỉnh dự kiến huy động được để hỗ trợ:
- Nguồn vốn trích từ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” (nếu là hộ chính sách xã hội) và quỹ “Vì người nghèo” ủng hộ xây dựng nhà ở người nghèo. Tùy theo khả năng thu được để hỗ trợ tập trung cho những huyện, xã nghèo và có nhiều hộ nghèo, không thực hiện hỗ trợ bình quân;
- Nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng và người dân.
9. Xác định tổng số vốn thực hiện và phân khai nguồn vốn thực hiện
- Nguồn vốn xây dựng nhà ở cho hộ nghèo thuộc đối tượng hỗ trợ: 108,27 tỷ đồng. Trong đó:
+ Vốn vay tín dụng ưu đãi: 108 tỷ đồng;
Tổng số hộ có nhu cầu vay vốn nhân với số tiền được vay tối đa bằng vốn vay tín dụng ưu đãi: 4.320 hộ x 25.000.000 đ = 108.000.000.000 đồng (108 tỷ đồng)
+ Chi phí quản lý: 0,27 tỷ đồng
UBND tỉnh xem xét sử dụng ngân sách địa phương và lồng ghép các nguồn vốn khác để bố trí kinh phí quản lý, tổ chức triển khai thực hiện chính sách (cho các cấp tỉnh, huyện, xã) với mức tối đa không quá 0,5% tổng vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội (bằng 50% vốn vay tín dụng ưu đãi) để thực hiện chính sách theo quy định: 54.000.000.000 đ x 0,5% = 270.000.000,đồng (0,27 tỷ đồng)
10. Cách thức thực hiện
a) Bình xét và phê duyệt danh sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015.
Các thôn tổ chức bình xét đối tượng và phân loại ưu tiên theo đúng quy định, đảm bảo dân chủ, công khai, công bằng, minh bạch và gửi danh sách số hộ được bình xét lên Ủy ban nhân dân xã;
Ủy ban nhân dân xã xem xét, rà soát lại danh sách hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ xây dựng nhà ở trình Ủy ban nhân dân cấp huyện để kiểm tra, thẩm định, lập danh sách báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để làm cơ sở lập và phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011- 2015 trên địa bàn.
b) Cấp vốn vay ưu đãi làm nhà ở: Ủy ban nhân dân tỉnh gửi danh sách hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ xây dựng nhà cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện cho vay;
Việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài Chính;
Đối với vốn vay, hộ gia đình thực hiện thủ tục, quy định vay vốn theo hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội;
Đối với vốn huy động từ “Quỹ vì người nghèo” và các đóng góp tự nguyện khác trên địa bàn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp hỗ trợ cho các hộ thuộc diện đối tượng.
c) Thực hiện xây dựng nhà ở
Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các hộ gia đình xây dựng và sửa chữa nhà ở đảm bảo yêu cầu về diện tích và chất lượng theo quy định và vận động các hộ gia đình tự tổ chức xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở. Đối với gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật...) không thể tự xây dựng được, Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của địa phương tổ chức xây dựng cho các đối tượng này.
11. Tiến độ thực hiện
- Năm 2016: thực hiện hỗ trợ khoảng 10%;
- Năm 2017: thực hiện hỗ trợ khoảng 20%;
- Năm 2018: thực hiện hỗ trợ khoảng 25%;
- Năm 2019: thực hiện hỗ trợ khoảng 25%;
- Năm 2020: thực hiện hỗ trợ khoảng 20%;
12. Tiến độ huy động vốn hàng năm:
Tổng số vốn vay tín dụng ưu đãi để thực hiện: 108 tỷ đồng;
a) Năm 2016:
Tổng số vốn cần có để thực hiện: 10,8 tỷ đồng (10%)
- Vốn vay tín dụng ưu đãi: 10,8 tỷ đồng;
b) Năm 2017:
Tổng số vốn cần có để thực hiện: 21,6 tỷ đồng (20%)
- Vốn vay tín dụng ưu đãi: 21,6 tỷ đồng;
c) Năm 2018:
Tổng số vốn cần có để thực hiện: 27 tỷ đồng (25%)
- Vốn vay tín dụng ưu đãi: 27 tỷ đồng;
d) Năm 2019:
Tổng số vốn cần có để thực hiện: 27 tỷ đồng (25%)
- Vốn vay tín dụng ưu đãi: 27 tỷ đồng;
đ) Năm 2020:
Tổng số vốn cần có để thực hiện: 21,6 tỷ đồng (20%)
- Vốn vay tín dụng ưu đãi: 21,6 tỷ đồng;
13. Tổ chức thực hiện:
a) Ủy ban nhân dân tỉnh
- Kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015. Chỉ đạo thực hiện việc rà soát, bình xét, lập danh sách, phân loại đối tượng ưu tiên được hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích và có hiệu quả trên địa bàn;
- Tổ chức lập và phê duyệt Đề án gửi Bộ Xây dựng, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng chính sách xã hội để bố trí vốn vay;
- Tổ chức triển khai thực hiện chính sách theo quy định. Chỉ đạo các cơ quan liên quan, các cấp chính quyền địa phương phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn vận động cộng đồng ủng hộ, giúp đỡ hộ nghèo xây dựng nhà ở;
- Chỉ đạo thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở đến người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, pa nô, áp phích, tờ rơi.
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện:
- Chịu trách nhiệm chính trong công việc chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở trên địa bàn;
- Thực hiện chính sách đảm bảo đúng mục tiêu, đúng đối tượng và đúng các quy định hiện hành của nhà nước;
- Tiến hành thẩm định, rà soát lại, xác định chính xác số hộ có nhu cầu hỗ trợ về nhà ở;
- Tổ chức xây dựng và bố trí kế hoạch hỗ trợ hàng năm cho từng xã; phối hợp với Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các lực lượng xã hội trong việc huy động các nguồn lực, mở cuộc vận động, quyên góp ủng hộ, giúp đỡ hỗ trợ các hộ nghèo có khó khăn về nhà ở, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để thực hiện tốt nội dung, mục tiêu của chính sách trên địa bàn.
- Hàng năm sử dụng ngân sách địa phương để bố trí kinh phí quản lý, tổ chức triển khai thực hiện chính sách cho cấp huyện, xã theo quy định.
c) Ủy ban nhân dân cấp xã:
- Chủ trì thực hiện chính sách tại cơ sở; tổ chức lựa chọn, rà soát lại, xác định chính xác số hộ có nhu cầu hỗ trợ về nhà ở và tổ chức thực hiện chính sách tại địa bàn;
- Tiến hành thành lập các Ban quản lý, Ban vận động, huy động nguồn lực, nhân lực hỗ trợ đối tượng làm nhà;
- Hàng năm lập kế hoạch hỗ trợ cho từng hộ thuộc đối tượng chính sách; tổ chức quản lý nguồn kinh phí theo quy định.
d) Các Sở, Ban, Ngành liên quan.
- Sở Xây dựng: Là cơ quan thường trực thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở của tỉnh, chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện, tổng hợp báo cáo kết quả theo quy định; Phối hợp với Sở lao động - Thương binh và Xã hội xác định chính xác đối tượng thụ hưởng, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện hỗ trợ nghèo về nhà ở; phối hợp với Sở Tài chính trong việc bố trí chi phí quản lý, tổ chức triển khai thực hiện chính sách cho cấp tỉnh theo quy định; phối hợp các Ngành, Đoàn thể và UBND các huyện trong công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện chương trình, huy động thêm nguồn lực của cộng đồng để thực hiện chính sách; có thiết kế mẫu nhà gửi tới các huyện, xã để giới thiệu rộng rãi cho nhân dân lựa chọn;
- Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: Phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra xác định đảm bảo đúng đối tượng hộ nghèo có khó khăn về nhà ở theo quy định; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện hỗ trợ;
- Sở Tài chính: Căn cứ hướng dẫn của Bộ Tài chính, cân đối khả năng nguồn ngân sách địa phương, phối hợp với các cơ quan hướng dẫn việc bố trí kinh phí quản lý, tổ chức triển khai thực hiện chính sách cho cấp tỉnh;
- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài chính tổng hợp, cân đối kế hoạch hàng năm; thực hiện giao kế hoạch cho các đơn vị theo phân cấp, ủy quyền của UBND tỉnh; lồng ghép với các chương trình, dự án khác đầu tư trên địa bàn;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, hàng năm trên cơ sở số lượng hộ nghèo thuộc đối tượng trong Đề án được duyệt có kế hoạch đảm bảo kinh phí cho các hộ nghèo thuộc đối tượng vay theo mức quy định; việc thực hiện cho vay, thu hồi vay nợ, hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, thủ tục vay vốn làm nhà ở theo quy định phải đảm bảo đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện;
- Ban Dân tộc căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với Sở Xây dựng và các Sở, đơn vị liên quan trong việc thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số;
- Tỉnh Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh: Có trách nhiệm chỉ đạo Đoàn Thanh niên các cấp tuyên truyền, phổ biến chính sách; tham gia vận động các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng ủng hộ bằng tiền, vật liệu xây dựng hoặc ngày công lao động để giúp đỡ các hộ nghèo xây dựng nhà ở. Chỉ đạo Đoàn Thanh niên cấp xã tham gia xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo;
- Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiếp tục cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, phối hợp với các cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tích cực vận động tạo thêm nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở; đồng thời thực hiện chức năng giám sát quá trình triển khai thực hiện chính sách nhà ở đối với người nghèo đảm bảo đúng mục tiêu và yêu cầu.
Trên đây là Đề án thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo 2011-2015 theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng xây dựng Đề án báo cáo Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Trung ương, Ngân hàng Chính sách Xã hội Trung ương và các bộ ngành liên quan tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí để tỉnh Cao Bằng tổ chức thực hiện.
Bảng tổng hợp danh sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 theo quy định tại Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ./.
- 1Quyết định 2117/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án Hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg
- 2Quyết định 2472/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở giai đoạn 2016-2020 (đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015) trên địa bàn tỉnh An Giang
- 3Quyết định 1498/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Hà Nam
- 4Quyết định 403/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 5Quyết định 2672/QĐ-UBND phê duyệt Danh sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2016 (Đợt 1)
- 6Quyết định 653/QĐ-UBND năm 2016 về Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
- 7Quyết định 553/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
- 8Quyết định 5139/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án Hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg
- 9Kế hoạch 3231/KH-UBND năm 2018 thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định 1858/QĐ-UBND do tỉnh Hà Nam ban hành
- 1Quyết định 134/2004/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 167/2008/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo do Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 09/2011/QĐ-TTg về chuẩn hộ nghèo, cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 1776/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 22/2013/QĐ-TTG hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 8Quyết định 33/2015/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Quyết định 2117/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án Hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg
- 10Công văn 1881/BXD-QLN năm 2015 thực hiện Quyết định 33/2015/QĐ-TTg về Chính sách hỗ trợ nhà ở với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 do Bộ Xây dựng ban hành
- 11Quyết định 2472/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở giai đoạn 2016-2020 (đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015) trên địa bàn tỉnh An Giang
- 12Quyết định 1498/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Hà Nam
- 13Thông tư 08/2015/TT-BXD hướng dẫn thực hiện Quyết định 33/2015/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 14Quyết định 403/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 15Quyết định 2672/QĐ-UBND phê duyệt Danh sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2016 (Đợt 1)
- 16Quyết định 653/QĐ-UBND năm 2016 về Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
- 17Quyết định 553/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
- 18Quyết định 5139/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án Hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg
- 19Kế hoạch 3231/KH-UBND năm 2018 thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định 1858/QĐ-UBND do tỉnh Hà Nam ban hành
Quyết định 439/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Cao Bằng (chương trình hỗ trợ nghèo 167 giai đoạn 2)
- Số hiệu: 439/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 15/04/2016
- Nơi ban hành: Tỉnh Cao Bằng
- Người ký: Nguyễn Bích Ngọc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 15/04/2016
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra