Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4097/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 06 tháng 9 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KIẾN TRÚC CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ HÀ NỘI - XÂY DỰNG THEO KHUNG KIẾN TRÚC CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ VIỆT NAM PHIÊN BẢN 2.0

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật công nghệ thông tin ngày 29/6/2006;

Căn cứ Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/04/2018 của Chính phủ về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính;

Căn cứ Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025;

Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;

Căn cứ Quyết định số 2323/QĐ-BTTTT ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc Ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0;

Căn cứ Quyết định số 6109/QĐ-UBND ngày 26/12/2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt Quy hoạch phát triển Công nghệ thông tin thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030/

Căn cứ Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 22/3/2021 của UBND Thành phố thực hiện Kế hoạch số 205-KH/TU ngày 10/9/2020 của Thành ủy Hà Nội về triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 1558/TTr-STTTT ngày 24/6/2021, Công văn số 2287/STTTT-CNTT ngày 23/8/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội, theo Khung Kiến trúc Chính phủ Việt Nam phiên bản 2.0, với những nội dung chủ yếu tại Phụ lục kèm theo.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Thông tin và Truyền thông

- Trực tiếp quản lý Kiến trúc Chính quyền điện tử Hà Nội; tham mưu UBND Thành phố kịp thời điều chỉnh, bổ sung, cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử Hà Nội khi có thay đổi.

- Chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố trong việc triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của Thành phố tuân thủ theo Kiến trúc Chính quyền điện tử đã được phế duyệt.

- Xây dựng và ban hành hướng dẫn triển khai Kiến trúc Chính quyền điện tử Hà Nội cho các cơ quan nhà nước Thành phố.

2. Các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã của Thành phố

- Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông triển khai Kiến trúc Chính quyền điện tử Hà Nội.

- Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ quan, đơn vị phải tuân thủ Kiến trúc đã được phê duyệt theo quy định nhằm đảm bảo sự kết nối liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ liệu giữa các cơ quan trên địa bàn Thành phố với các cơ quan Trung ương và giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký

Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Sở, ban, ngành Thành phố; Thủ trưởng cơ quan liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Thông tin và Truyền thông (để b/c);
- Thường trực Thành ủy (để b/c);
- Thường trực HĐND Thành phố (để b/c);
- Đồng chí Chủ tịch UBND TP;
- Các PCT UBND Thành phố;
- VPUB: CVP, các PVP,
Các phòng chuyên môn;
- Lưu: VT, KGVXDg.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Chu Ngọc Anh

 

PHỤ LỤC

NỘI DUNG CƠ BẢN KIẾN TRÚC CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ
(Kèm theo Quyết định số 4097/QĐ-UBND ngày 06/9/2021 của UBND Thành phố)

1. Mục tiêu, tầm nhìn Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội

1.1 Tầm nhìn

Đến năm 2025, hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử Hà Nội đưa thành phố Hà Nội dẫn đầu cả nước và xếp thứ hạng cao trong khu vực về phát triển Chính quyền điện tử, tạo tiền đề phát triển Chính quyền số, thành phố Hà Nội phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực.

Tầm nhìn 2030, thành phố Hà Nội với Chính quyền số là động lực phát triển kinh tế tri thức, xã hội văn minh, hiện đại, phát triển bền vững trên cơ sở hạ tầng đô thị “thông minh” phát triển ở mức độ cao. Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế.

1.2 Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

Mục tiêu tổng thể phát triển Chính quyền điện tử của Hà Nội, hướng tới Chính quyền số, góp phần tích cực xây dựng Chính quyền Hà Nội hiệu năng, hiệu quả, công khai và minh bạch phục vụ tốt mọi lúc, mọi nơi cho người dân và doanh nghiệp; phục vụ tốt công tác chỉ đạo điều hành của Chính quyền các cấp; Chính quyền điện tử, mức độ cao là Chính quyền số tạo nền tảng để xây dựng Hà Nội trở thành một thành phố thông minh, kinh tế tri thức và xã hội văn minh, hiện đại, phát triển bền vững.

b) Mục tiêu cụ thể

1. Hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử Hà Nội nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp: Tập trung phát triển các cơ sở dữ liệu cốt lõi, các hệ thống thông tin dùng chung phục vụ công tác điều hành và xử lý công việc của các cấp Chính quyền, thay đổi phương thức làm việc của bộ máy Chính quyền chuyển hoàn toàn sang môi trường mạng.

2. Phát triển Chính quyền điện tử Hà Nội dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số: chia sẻ cho các thành phần trong xã hội nguồn dữ liệu của các cơ quan Chính quyền, chủ động phát triển các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin cung cấp theo nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy hình thành các kho dữ liệu mở được đóng góp bởi các thành phần trong xã hội; Tạo nền tảng cho khai thác dữ liệu một cách hiệu quản nhằm tối ưu hóa hoạt động của Chính quyền Thành phố, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp khai thác nguồn dữ liệu chung tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới.

3. Xây dựng nền hành chính công phát triển dựa trên đổi mới phương thức hoạt động, quản lý, xử lý nghiệp vụ và cung cấp dịch vụ bằng việc khai thác hiệu quả nguồn thông tin dữ liệu của cơ quan Chính quyền và xã hội, sự tham gia chủ động của người dân trong quản trị xã hội và cung cấp dịch vụ công của cơ quan Chính quyền.

4. Phát triển hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), hạ tầng dữ liệu và các nền tảng ứng dụng dùng chung, đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, đồng thời kết nối với hệ thống thông tin Chính phủ, kết nối với hệ thống mạng công cộng làm nền tảng phát triển Chính quyền số và xã hội số.

5. Chính quyền điện tử Hà Nội tiếp tục duy trì trong nhóm 5 Tỉnh/Thành phố đứng đầu trên cả nước. Phấn đấu Hà Nội thuộc nhóm các thành phố có Chính quyền điện tử tốt nhất trong khu vực.

c) Các chỉ tiêu cụ thể

- Phát triển các hệ thống nền tảng Chính quyền điện tử: Hạ tầng mạng, Trung tâm Dữ liệu đảm bảo an toàn thông tin và đủ năng lực để triển khai các thành phần khác của Chính quyền điện tử Hà Nội; hoàn thành triển khai các Cơ sở dữ liệu cốt lõi: Đất đai, Dân cư, Doanh nghiệp, Cán bộ CCVC và các Cơ sở dữ liệu quan trọng, tích hợp, chia sẻ dữ liệu cho các ứng dụng; xây dựng các nền tảng ứng dụng dùng chung, hệ thống cung cấp dịch vụ hành chính công và các hệ thống thông tin phục vụ hoạt động của cơ quan chính quyền và cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp, làm cơ sở xây dựng Chính quyền số.

- Phát triển 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cung cấp qua Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử dùng chung 3 cấp, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia.

- Trên 40% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính quyền điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của Thành phố và Trung ương.

- Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 70% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.

- 60% các hệ thống thông tin có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu của Thành phố và Quốc gia không phải cung cấp lại.

- 90% hồ sơ công việc tại các Sở, ban, ngành, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật).

- 100% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) của các cơ quan hành chính nhà nước được cập nhật, chia sẻ trên Hệ thống thông tin báo cáo, phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành.

- Đến cuối năm 2022, phấn đấu 100% cấp Thành phố, 80% cấp quận/huyện thực hiện họp thông qua hệ thống họp trực tuyến.

- Hà Nội tiếp tục duy trì chỉ số về Chính quyền điện tử nằm trong nhóm 5 Tỉnh/Thành phố đứng đầu trên cả nước.

2. Kiến trúc Chính quyền điện tử Hà Nội

Kiến trúc Chính quyền điện tử Hà Nội đã được Tư vấn xây dựng trên cơ sở Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0,các nội dung chủ yếu của Kiến trúc Chính quyền điện tử của Hà Nội như sau.

2.1 Các nguyên tắc xây dựng kiến trúc Chính quyền điện tử

- Phù hợp với chiến lược, mục tiêu và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

- Phù hợp với mô hình cơ cấu tổ chức các cơ quan chính quyền Thành phố Hà Nội (3 cấp chính quyền), phù hợp với chức năng nhiệm vụ, quy trình nghiệp vụ theo quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố Hà Nội.

- Phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam và các văn bản hướng dẫn liên quan. Phù hợp với định hướng, mục tiêu triển khai ứng dụng CNTT của quốc gia.

- Kiến trúc tổng thể cần chỉ ra lộ trình phát triển Chính quyền điện tử Hà Nội trong thời gian từ 05 đến 10 năm. Kiến trúc được xây dựng phải đảm bảo luôn thể hiện kịp thời chiến lược hiện tại và tương lai của thành phố Hà Nội.

- Sử dụng Danh mục về tiêu chuẩn ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước để đảm bảo tính tương hợp, trong trường hợp cần thiết sử dụng những loại tiêu chuẩn không có trong Danh mục này, tiêu chuẩn mở có thể được xem xét sử dụng.

- Khuyến khích sự cộng tác giữa các cơ quan nhà nước, tích hợp liên thông giữa các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố, cũng như với Chính phủ và các bộ, ngành, tỉnh, thành phố khác nhằm đạt được mục tiêu chung là một Chính quyền điện tử cấp quốc gia.

- Quản lý thông tin tập trung, thống nhất, được liên thông, chia sẻ tối đa.

- Triển khai ứng dụng CNTT có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên triển khai trước các dịch vụ công có nhu cầu cao.

- Các giải pháp bảo mật, an toàn, an ninh thông tin được triển khai ở mọi thành phần trong Kiến trúc theo nhu cầu và lộ trình phù hợp.

2.2 Quan điểm xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử Hà Nội

- Xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử là một quá trình, vì vậy cần liên tục duy trì và hoàn thiện kiến trúc để kiến trúc Chính quyền điện tử phát huy cao nhất hiệu quả trong quá trình phát triển ứng dụng CNTT của Thành Phố.

- Kiến trúc Chính quyền điện tử phải đảm bảo phù hợp và tuân thủ với quy trình nghiệp vụ hiện hành và từng bước hỗ trợ công tác cải cách hành chính và trên cơ sở phát triển ứng dụng CNTT sẽ hỗ trợ cho việc cải tiến quy trình nghiệp vụ, các thủ tục hành chính.

- Kiến trúc Chính quyền điện tử là bản kiến trúc chung của Thành phố Hà Nội và được áp dụng cho các cơ quan, đơn vị Thành phố, khi xây dựng kiến trúc phải đưa ra các mô hình kiến trúc với các góc nhìn cụ thể ở các cấp độ để lãnh đạo, các cơ quan, đơn vị đều có thể hiếu và vận dụng được. Đồng thời cần có cách tiếp cận phù hợp theo hướng xây dựng từ mức tổng quát đến mức thành phần, từng bước chi tiết hóa khi triển khai các hệ thống CNTT cụ thể.

2.3 Khung tham chiếu Kiến trúc Chính quyền điện tử Hà Nội và vai trò của các Kiến trúc thành phần

Căn cứ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam 2.0, Khung tham chiếu Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội ở mức cao được mô tả như hình vẽ dưới đây, bao gồm các thành phần:

- Mục tiêu, định hướng chiến lược của tổ chức;

- Các thành phần kiến trúc;

- Mô hình Kiến trúc;

- Các tiêu chuẩn kỹ thuật, quản lý, hướng dẫn áp dụng Kiến trúc;

- Lộ trình phát triển Chính quyền điện tử Hà Nội.

Hình 1. Khung tham chiếu Kiến trúc Chính quyền điện tử Hà Nội

- Tầm nhìn, mục tiêu, định hướng chiến lược - Định hướng chiến lược và tầm nhìn của Thành phố về mục tiêu phát triển Chính quyền điện tử sẽ hướng dẫn sự phát triển kiến trúc mục tiêu.

- Các thành phần kiến trúc: Bao gồm 5 Kiến trúc thành phần kiến trúc:

Kiến trúc Nghiệp vụ: Kiến trúc nghiệp vụ mô tả các nghiệp vụ cần thiết đáp ứng hoạt động hành chính của Chính quyền thành phố Hà Nội. Nó mô tả, phân loại nghiệp vụ và cấu trúc các dòng nghiệp vụ của thành phố Hà Nội dưới góc độ các chức năng nghiệp vụ và các quy trình nghiệp vụ.

Kiến trúc ng dụng: Kiến trúc ứng dụng xác định các ứng dụng và các dịch vụ để hỗ trợ nghiệp vụ của Chính phủ đã được định nghĩa trong kiến trúc nghiệp vụ. Ngoài các dịch vụ theo lĩnh vực nghiệp vụ, còn có các thành phần chia sẻ và các dịch vụ chia sẻ để hỗ trợ cho các dịch vụ Chính phủ điện tử.

Kiến trúc Dữ liệu: Kiến trúc dữ liệu xác định dữ liệu nào sẽ dùng để hỗ trợ cho các dịch vụ và các nghiệp vụ. Bên cạnh việc tạo lập dữ liệu cho mỗi dịch vụ Chính phủ điện tử, Thành phố cần đưa ra quy định về tích hợp, trao đổi và chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị.

Kiến trúc Công nghệ: Kiến trúc Công nghệ xác định công nghệ nào sẽ được triển khai để cung cấp môi trường phát triển các ứng dụng, hỗ trợ việc cung cấp các dịch vụ và quản lý dữ liệu, phương pháp tích hợp và chia các hệ thống ứng dụng, cơ sở dữ liệu, và những giải pháp đảm bảo an toàn thông tin cho toàn bộ hệ thống Chính quyền điện tử.

Kiến trúc An toàn thông tin: Kiến trúc An toàn thông tin đảm bảo khả năng an toàn và bảo mật thông tin, dữ liệu chung của toàn hệ thống.

- Mô hình kiến trúc tổng thể Chính quyền điện tử là sự trình bày Kiến trúc theo sơ đồ trực quan với các góc nhìn cụ thể, ở các cấp độ để lãnh đạo, các cơ quan chuyên môn, các đơn vị đều có thể hiểu và vận dụng được.

- Các tiêu chuẩn, quản lý, hướng dẫn áp dụng Kiến trúc liên quan đến tất cả các tiêu chuẩn (một vài trong chúng có thế là phải bắt buộc), các quy định trong quản lý, hướng dẫn áp dụng và duy trì Kiến trúc.

- Lộ trình phát triển Chính quyền điện tử Hà Nội là quá trình đầu tư xây dựng và phát triển, với lộ trình phát triển thông qua kế hoạch đầu tư CNTT xây dựng các thành phần Chính quyền điện tử.

2.4 Mô hình Kiến trúc tổng thể Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội

Hình 2. Mô hình Kiến trúc tổng thể Chính quyền điện tử của Hà Nội

- Lớp đối tượng người dùng

Người dùng là người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, đơn vị muốn tương tác với các dịch vụ cung cấp bởi cơ quan chính quyền.

- Lp kênh truy cập

Các kênh truy nhập cung cấp cho người dùng các dạng truy nhập. Thông qua các kênh người dùng có thể truy nhập vào hệ thống thông tin và dịch vụ do các cơ quan Chính quyền cung cấp. Các dạng kênh bao gồm Internet (truy nhập vào Cổng thông tin, gửi thư điện tử), điện thoại (cố định hoặc di động), máy fax, Kiosk và có thể gặp trực tiếp đến các cơ quan chính quyền.

- Dịch vụ Cổng thông tin (Lớp giao diện người sử dụng)

Người sử dụng thông qua Cổng thông tin để truy nhập vào được các dịch vụ thông tin trực tuyến của cơ quan chính quyền. Nó cũng là giao diện giữa người dùng và các dịch vụ của Chính quyền điện tử. Cổng thông tin (Portal) sẽ cung cấp khả năng liên quan trực tiếp đến việc quản trị người sử dụng dùng các dịch vụ (cả bên trong và bên ngoài), các nghiệp vụ mà nó tương tác người dùng đang sử dụng dịch vụ đó. Cổng thông tin đảm bảo tính nhất quán truy nhập cả cho người sử dụng dịch vụ cũng như các ứng dụng dịch vụ trên các kênh truy cập khác nhau.

Cổng thông tin cung cấp các dịch vụ hỗ trợ chủ yếu bao gồm: Quản trị nội dung, Xuất bản tin tức, Tìm kiếm thông tin, Quản trị người dùng, Tải các tệp/mẫu biểu, Thông báo, Truy vấn về trạng thái, Thanh toán điện tử, Chức năng đăng nhập một lần, Xác thực, Quản lý tài khoản, ...

Đối với các cơ quan hành chính cũng sẽ thiết lập cống nội bộ để thiết lập môi trường làm việc của người dùng bên trong, cung cấp các dịch vụ cho người dùng: Thông tin nội bộ, Trang làm việc cá nhân, Lịch làm việc, Vụ việc đang xử lý, Thư điện tử, Quản lý thông tin cá nhân,

- Lớp dịch vụ cung cấp cho người dùng

Thành phần này sẽ bao gồm các dịch vụ nghiệp vụ mà cơ quan Chính quyền cung cấp cho người dân, doanh nghiệp cũng như các cơ quan Chính quyền khác. Các dịch vụ nghiệp vụ đó được phân loại thành các dịch vụ công, dịch vụ hành chính nội bộ, dịch vụ theo lĩnh vực nghiệp vụ.

- Lp ứng dụng và logic nghiệp vụ

Thành phần này bao gồm các ứng dụng tạo ra các dịch vụ cung cấp cho người dùng, tương ứng với các nhóm dịch vụ là nhóm ứng dụng cung cấp dịch vụ hành chính công (ứng dụng một cửa điện tử, ứng dụng xử lý nghiệp vụ cung cấp dịch vụ hành chính công, ...), nhóm ứng dụng hỗ trợ nghiệp vụ, nhóm ứng dụng hành chính nội bộ, bên cạnh đó có thể có thêm nhóm ứng dụng kỹ thuật dùng chung cung cấp công cụ cho người dùng chung như thư điện tử, phân tích thống kê, xác thực cấp quyền, ....

- Lớp tích hợp

Lớp này sẽ hoạt động như một nền tảng liên kết giữa các cơ quan, các đơn vị. Với nền tảng này, các thông tin nghiệp vụ có thể trao đổi được cả theo chiều ngang, theo chiều dọc giữa các cơ quan trong phạm vi thành phố. Thành phần này cũng được hoạt động như một cổng kết nối các dịch vụ và các nghiệp vụ để trao đổi thông tin với các Bộ hoặc các tỉnh khác. Bằng việc kết nối với nền tảng dịch vụ tích hợp của Chính phủ (NGSP), thông tin nghiệp vụ của các Sở, Ngành cũng có thể được trao đổi theo chiều dọc với các đơn vị cấp Bộ hoặc theo chiều ngang đến các đơn vị khác trong thành phố.

- Lớp Cơ sở dữ liệu và nền tảng dùng chung

Là hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho các nhóm ứng dụng cung cấp dịch vụ, có khả năng chia sẻ thông tin cho các ứng dụng, các hệ thống thông tin khác, bên cạnh đó các nền tảng cung cấp các dịch vụ dùng chung cho lớp ứng dụng. Các dịch vụ dùng chung này giúp việc phát triển các ứng dụng một cách hiệu quả, cũng như cung cấp các chức năng xử lý, lưu trữ, tích hợp giữa các hệ thống trong ngành.

- Lớp cơ sở hạ tầng và công nghệ

Thành phần này sẽ cung cấp các phần cứng, phần mềm, mạng, các thiết bị cho CSDL, thiết bị đảm bảo an toàn thông tin, các phương tiện vận hành và nền tảng công nghệ cho phát triển các hệ thống phần mềm.

- Các vấn đề khác

Ngoài ra các vấn đề các tiêu chuẩn CNTT, an toàn thông tin và quản lý điều hành sẽ được áp dụng thống nhất trên toàn Thành phố, xuyên suốt các lớp.

Mô hình Chính quyền điện tử phản ánh trạng thái kiến trúc ở từng thời điểm, sẽ tiếp tục hoàn thiện trong quá trình phát triển Chính quyền điện tử, trong quá trình áp dụng các thành tựu mới về công nghệ và quá trình tái cấu trúc nghiệp vụ của quá trình cải cách hành chính đang diễn ra trong các cơ quan của Thành phố.

2.5 Lộ trình phát triển Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội

Lộ trình phát triển Chính phủ điện tử Hà Nội

Hình 3. Lộ trình phát triển Chính quyền điện tử Hà Nội

Lộ trình xây dựng Chính quyền điện tử Hà Nội theo 03 giai đoạn sau:

- E-Hanoi (2021 - 2023): Hoàn thành nền tảng Chính quyền điện tử, hầu hết các giao dịch với người dân và doanh nghiệp được thực hiện trên môi trường mạng, hoàn thành các cơ sở dữ liệu cốt lõi, các hệ thống thông tin dùng chung phục vụ công tác điều hành và xử lý công việc của các cấp Chính quyền, thay đổi phương thức làm việc của bộ máy Chính quyền chuyển hoàn toàn sang môi trường mạng.

- D-Hanoi (2023 - 2025): Chính quyền điện tử Hà Nội hướng tới Chính quyền số, phát triển các nền tảng dữ liệu số trong Chính quyền và trong xã hội, dữ liệu trở thành tài nguyên được chia sẻ làm nhân tố thúc đẩy phát triển nền hành chính hiện đại, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số.

- S-Hanoi (2025 - 2030): Chính quyền điện tử Hà Nội phát triển ở mức cao với nên hành chính thông minh, dựa trên khai thác tối ưu nguồn tài nguyên số, cùng với các sự phát triển các hệ thống phục vụ dân sinh và xã hội, tạo điều kiện sống thuận lợi nhất cho người dân.

(Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm xây dựng và triển khai chi tiết các thành phần Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội theo quy định, đảm bảo đúng chỉ đạo của Trung ương và Thành phố).

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 4097/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội - xây dựng theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0

  • Số hiệu: 4097/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/09/2021
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Chu Ngọc Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/09/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản