Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3652/QĐ-UBND

Tiền Giang, ngày 22 tháng 12 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KIẾN TRÚC CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH TIỀN GIANG, PHIÊN BẢN 2.0

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật An toàn thông tin mạng ngày 19 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025;

Căn cứ Quyết định số 2323/QĐ-BTTTT ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0;

Căn cứ Công văn số 39/THH-CSCNTT ngày 13 tháng 01 năm 2020 của Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn mẫu Đề cương Kiến trúc Chính phủ điện tử/Kiến trúc Chính quyền điện tử phiên bản cập nhật 2.0;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 2072/TTr-STTTT ngày 09 tháng 12 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Tiền Giang, phiên bản 2.0 (kèm theo Kiến trúc chi tiết), với các nội dung chính sau:

I. MỤC ĐÍCH, PHẠM VI ÁP DỤNG

1. Mục đích

a) Mục đích chung:

Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Tiền Giang, phiên bản 2.0 được xây dựng nhằm thiết lập cơ sở, định hướng cho quá trình xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số tại tỉnh; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước của tỉnh, tăng cường tính công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh Tiền Giang hướng tới Chính quyền số, xã hội số và nền kinh tế số.

b) Mục đích cụ thể:

- Xác định bản quy hoạch tổng thể về ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh Tiền Giang, trong đó có các thành phần và mối quan hệ giữa các thành phần, gắn liền ứng dụng công nghệ thông tin với các hoạt động nghiệp vụ.

- Định hướng và triển khai tin học hóa quy trình nghiệp vụ trong tỉnh Tiền Giang một cách có hệ thống; thực thi chương trình cải cách thủ tục hành chính, nghiệp vụ hành chính theo hướng công khai, minh bạch để thực hiện hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

- Định hình mô hình kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu, tái cấu trúc cơ sở hạ tầng thông tin; nâng cao tính linh hoạt khi xây dựng các thành phần, hệ thống thông tin theo điều kiện thực tế.

- Là cơ sở xác định các thành phần, hệ thống công nghệ thông tin cần xây dựng và lộ trình, trách nhiệm triển khai Chính quyền điện tử tại tỉnh Tiền Giang.

- Làm căn cứ đề xuất và triển khai các nhiệm vụ, dự án về ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh Tiền Giang; tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư, đảm bảo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ, hạn chế trùng lặp, tiết kiệm chi phí, thời gian triển khai của cơ quan, đơn vị.

2. Phạm vi áp dụng

Tài liệu Kiến trúc Chính quyền điện tử, phiên bản 2.0 áp dụng cho các cơ quan nhà nước trên địa tỉnh Tiền Giang gồm:

a) Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh;

b) Các ban, ngành và đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh;

c) Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và các đơn vị trực thuộc;

d) Các cơ quan khác có liên quan đến việc triển khai Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh để bảo đảm kết nối, liên thông, triển khai đồng bộ với hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

II. KIẾN TRÚC CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỈNH TIỀN GIANG, PHIÊN BẢN 2.0

Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Tiền Giang, phiên bản 2.0 bao gồm các thành phần sau:

- Người sử dụng.

- Kênh giao tiếp.

- Dịch vụ cổng.

- Kiến trúc nghiệp vụ.

- Kiến trúc ứng dụng.

- Kiến trúc dữ liệu.

- Kiến trúc kỹ thuật - công nghệ.

- Kiến trúc an toàn thông tin.

- Quản lý, chỉ đạo.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, tổ chức triển khai thực hiện, công bố công khai Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Tiền Giang, phiên bản 2.0 theo quy định.

- Các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các nội dung của Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Tiền Giang, phiên bản 2.0 thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương phụ trách.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- VP: LĐVP, P. KT (Tâm);
- Cổng TTĐT tỉnh, Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, (Trinh).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Mười

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3652/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Tiền Giang, phiên bản 2.0

  • Số hiệu: 3652/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/12/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Người ký: Nguyễn Văn Mười
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản