Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: : 40/2021/QĐ-UBND

Long An, ngày 04 tháng 10 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 10/2021/NQ-HĐND NGÀY 17/8/2021 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO GẮN VỚI TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Công nghệ cao ngày 13/11/2008;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18/6/2013;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19/11/2018;

Căn cứ Luật Trồng trọt ngày 19/11/2018;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17/6/2020;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ;

Căn cứ Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi;

Thực hiện Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình quốc gia về phát triển công nghệ cao đến 2030;

Thực hiện Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030;

Thực hiện Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025;

Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 14/4/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 17/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành quy định chính sách hỗ trợ Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021 - 2025;

Thực hiện Văn bản số 555/HĐND-HCTCQT ngày 01/9/2021 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về việc đính chính số Nghị quyết quy phạm pháp luật tại kỳ họp thứ hai, Hội đồng nhân dân tỉnh;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 4700/TTr-SNN ngày 20/9/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 17/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành quy định chính sách hỗ trợ Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021 - 2025 (ban hành kèm theo quy định).

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/10/2021.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Cục KSTTHC - Văn phòng Chính phủ;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- TT.Tỉnh ủy, TT.HĐND tỉnh;
- TT.UBMTTQVN và các Đoàn thể tỉnh;
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- VP ĐĐBQH và HĐND tỉnh;
- CVP, các PCVP.UBND tỉnh;
- Phòng: KTTC, THKSTTHC;
- Ban Nội chính - Tiếp công dân;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, SNN, Nguyên.
QD_TRIEN KHAI NQ 10 VE CS CNC (4700)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Út

 

QUY ĐỊNH

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO GẮN VỚI TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Kèm theo Quyết định số 40/2021/QĐ-UBND ngày 04/10/2021 của UBND tỉnh)

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định chính sách hỗ trợ Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Long An nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các hợp tác xã (HTX), hộ gia đình, cá nhân, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thực hiện sản xuất 4 loại cây trồng (lúa, rau, thanh long, chanh) và 02 con vật nuôi (bò thịt, tôm nước lợ).

2. Các doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xử lý nước thải, chất thải nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Nguyên tắc hỗ trợ

1. Nhà nước khuyến khích sản xuất và hỗ trợ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ thông qua hình thức tín dụng (cho vay lãi suất ưu đãi), hỗ trợ bằng tiền (trên cơ sở hợp đồng, chứng từ hợp pháp) để áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa kết nối thị trường.

2. Ưu tiên hỗ trợ các HTX, hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo quy trình sản xuất sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và các chứng nhận an toàn thực phẩm khác.

3. Trong cùng một thời điểm, một nội dung có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác nhau, đối tượng thụ hưởng được lựa chọn áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ cao nhất. Trong cùng một nội dung hỗ trợ, nếu đã được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương thì không được hưởng hỗ trợ của ngân sách tỉnh và ngược lại.

Điều 4. Nội dung và mức hỗ trợ

1. Hỗ trợ xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu đối với 03 loại cây trồng (lúa, thanh long, chanh)

a) Nội dung và mức hỗ trợ:

- Hỗ trợ giá giống: Hỗ trợ 70% giá giống lúa từ cấp xác nhận trở lên; giống chanh, thanh long sạch bệnh cho các đối tượng đáp ứng điều kiện hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 1,2 triệu đồng/hecta/vụ đối với lúa; không quá 15 triệu đồng/hecta đối với chanh và không quá 15 triệu đồng/hecta đối với thanh long.

- Hỗ trợ ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ số,… vào sản xuất:

+ Hỗ trợ 50% giá thuê máy móc thiết bị cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ số,… phục vụ sản xuất, mức hỗ trợ tối đa không quá 05 triệu đồng/ha/vụ.

+ Hoặc hỗ trợ 40% chi phí mua máy móc thiết bị cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ số,… phục vụ sản xuất, mức hỗ trợ tối đa không quá 150 triệu đồng/máy móc hoặc thiết bị.

b) Điều kiện hỗ trợ:

Phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện:

- Quy mô diện tích tối thiểu của vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: 100 hecta đối với cây lúa, 10 hecta đối với cây chanh và 10 hecta đối với cây thanh long.

- Giống cây trồng nằm trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam.

- Danh mục trang thiết bị công nghệ cao, công nghệ hiện đại, tự động hóa, công nghệ số,… phải nằm trong danh mục khuyến khích ưu tiên hỗ trợ theo Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình quốc gia về phát triển công nghệ cao đến 2030 và các quy định khác do Trung ương ban hành.

- Có dự án hoặc hợp đồng tiêu thụ, cam kết thu mua của doanh nghiệp về sản phẩm đầu ra.

2. Hỗ trợ xây dựng mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao đối với 04 loại cây trồng (lúa, rau, thanh long, chanh)

a) Nội dung và mức hỗ trợ:

Hỗ trợ 03 năm liên tiếp thực hiện mô hình, mức hỗ trợ:

- Năm thứ nhất: Hỗ trợ 50% tổng chi phí mua giống, vật tư sản xuất; thiết kế, cải tạo lại đồng ruộng; mua hoặc thuê thiết bị công nghệ cao, công nghệ hiện đại, tự động hóa, công nghệ số,… phục vụ sản xuất nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 300 triệu đồng/mô hình.

- Năm thứ hai: Hỗ trợ 30% tổng chi phí mua giống, vật tư sản xuất; thiết kế, cải tạo lại đồng ruộng; mua hoặc thuê thiết bị công nghệ cao, công nghệ hiện đại, tự động hóa, công nghệ số,… phục vụ sản xuất nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/mô hình.

- Năm thứ ba: Hỗ trợ 20% tổng chi phí mua giống, vật tư sản xuất; thiết kế, cải tạo lại đồng ruộng; mua hoặc thuê thiết bị công nghệ cao, công nghệ hiện đại, tự động hóa, công nghệ số,… phục vụ sản xuất nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 100 triệu đồng/mô hình.

b) Điều kiện hỗ trợ:

Phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện:

- Quy mô diện tích tối thiểu của mô hình điểm: 50 hecta đối với cây lúa, 10 hecta đối với cây chanh, 10 hecta đối với cây thanh long, 01 hecta đối với cây rau.

- Có phương án, kế hoạch sản xuất trong 03 năm liên tiếp và được phê duyệt của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với mô hình tỉnh triển khai và UBND huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là UBND cấp huyện) phê duyệt đối với mô hình điểm của huyện.

- Duy trì kết quả hỗ trợ ít nhất 03 năm, trường hợp buộc thanh lý trước thời hạn do thiên tai, dịch bệnh không thể tiếp tục duy trì kết quả hỗ trợ thì tổ chức, cá nhân được nhận hỗ trợ thông báo cho UBND xã, phường (gọi chung là UBND cấp xã) (nơi triển khai mô hình). UBND cấp xã báo cáo và đề nghị UBND cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng thẩm định. Hội đồng thẩm định do đại diện lãnh đạo UBND cấp huyện làm Chủ tịch hội đồng, các thành viên gồm đại diện lãnh đạo các đơn vị: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp huyện, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện và UBND cấp xã. Hội đồng tiến hành thẩm định, lập biên bản đánh giá, xác định nguyên nhân và đề xuất phương án xử lý.

Căn cứ vào Phương án xử lý do Hội đồng thẩm định đề xuất, UBND cấp huyện quyết định thanh lý các nội dung đã hỗ trợ. Đối với các trường hợp không được thanh lý trước hạn thì UBND cấp huyện đề nghị thu hồi toàn bộ kinh phí mà tổ chức, cá nhân đã nhận hỗ trợ (đối với các mô hình do huyện thực hiện).

Đối với các mô hình do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện, căn cứ vào Phương án xử lý do Hội đồng thẩm định của huyện đề xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thanh lý các nội dung đã hỗ trợ. Đối với các trường hợp không được thanh lý trước hạn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị thu hồi toàn bộ kinh phí mà tổ chức, cá nhân đã nhận hỗ trợ.

- Giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam.

- Danh mục trang thiết bị công nghệ cao, công nghệ hiện đại, tự động hóa, công nghệ số,…phải nằm trong danh mục khuyến khích ưu tiên hỗ trợ theo Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình quốc gia về phát triển công nghệ cao đến 2030 và các quy định khác do Trung ương ban hành.

3. Hỗ trợ xây dựng mô hình nhân rộng ứng dụng công nghệ cao, duy trì các mô hình giai đoạn 2016 - 2020 đối với 04 loại cây trồng (lúa, rau, thanh long, chanh)

a) Nội dung và mức hỗ trợ: Hỗ trợ 02 năm liên tiếp thực hiện nhân rộng mô hình, mức hỗ trợ:

- Năm thứ nhất: Hỗ trợ 30% tổng chi phí mua giống, vật tư sản xuất; thiết kế, cải tạo lại đồng ruộng; mua hoặc thuê thiết bị công nghệ cao, công nghệ hiện đại, tự động hóa, công nghệ số,… phục vụ sản xuất nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 300 triệu đồng/mô hình.

- Năm thứ hai: Hỗ trợ 20% tổng chi phí mua giống, vật tư sản xuất; thiết kế, cải tạo lại đồng ruộng; mua hoặc thuê thiết bị công nghệ cao, công nghệ hiện đại, tự động hóa, công nghệ số,… phục vụ sản xuất nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/mô hình.

b) Điều kiện hỗ trợ:

Phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện:

- Quy mô diện tích tối thiểu của các mô hình: 50 hecta đối với cây lúa, 10 hecta đối với cây chanh, 10 hecta đối với cây thanh long, 01 hecta đối với cây rau.

- Có phương án, kế hoạch sản xuất trong 02 năm liên tiếp và được phê duyệt của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với mô hình tỉnh triển khai và UBND cấp huyện phê duyệt đối với mô hình điểm của huyện.

- Duy trì kết quả hỗ trợ ít nhất 03 năm, trường hợp buộc thanh lý trước thời hạn do thiên tai, dịch bệnh không thể tiếp tục duy trì kết quả hỗ trợ thì tổ chức, cá nhân được nhận hỗ trợ thông báo cho UBND cấp (nơi triển khai mô hình). UBND cấp xã báo cáo và đề nghị UBND cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng thẩm định. Hội đồng thẩm định do đại diện lãnh đạo UBND cấp huyện làm Chủ tịch hội đồng, các thành viên gồm đại diện lãnh đạo các đơn vị: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp huyện, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện và UBND cấp xã. Hội đồng tiến hành thẩm định, lập biên bản đánh giá, xác định nguyên nhân và đề xuất phương án xử lý.

Căn cứ vào Phương án xử lý do Hội đồng thẩm định đề xuất, UBND cấp huyện quyết định thanh lý các nội dung đã hỗ trợ. Đối với các trường hợp không được thanh lý trước hạn thì UBND cấp huyện đề nghị thu hồi toàn bộ kinh phí mà tổ chức, cá nhân đã nhận hỗ trợ (đối với các mô hình do huyện thực hiện).

Đối với các mô hình do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện, căn cứ vào Phương án xử lý do Hội đồng thẩm định của huyện đề xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thanh lý các nội dung đã hỗ trợ. Đối với các trường hợp không được thanh lý trước hạn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị thu hồi toàn bộ kinh phí mà tổ chức, cá nhân đã nhận hỗ trợ.

- Giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam.

- Danh mục trang thiết bị công nghệ cao, công nghệ hiện đại, tự động hóa, công nghệ số,… phải nằm trong danh mục khuyến khích ưu tiên hỗ trợ theo Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình quốc gia về phát triển công nghệ cao đến 2030 và các quy định khác do Trung ương ban hành.

4. Hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò thịt

a) Nội dung và mức hỗ trợ:

- Hỗ trợ một lần 70% tổng chi phí mua giống, vật tư, thiết bị công nghệ cao, công nghệ hiện đại, tự động hóa, công nghệ số,… để xây dựng mô hình điểm ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào chăn nuôi bò thịt nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 300 triệu đồng/mô hình.

- Hỗ trợ một lần 50% tổng chi phí mua giống, vật tư, thiết bị công nghệ cao, công nghệ hiện đại, tự động hóa, công nghệ số,… để xây dựng nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/mô hình.

- Hỗ trợ 10 triệu đồng/con bò cái sinh sản 12 tháng tuổi trở lên cho các cơ sở chăn nuôi chuyển đổi sang giống bò thịt chất lượng cao nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/cơ sở.

- Hỗ trợ 100% kinh phí thụ tinh nhân tạo/lần phối giống, bao gồm tinh bò chất lượng cao và vật tư kèm theo (Nitơ lỏng, găng tay và dẫn tinh quản) nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 120.000 đồng/lần phối giống, tối đa không quá 02 lần phối giống/con/năm cho tất cả các hộ chăn nuôi bò thịt nằm trong vùng được phép chăn nuôi của 4 huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Thủ Thừa và Tân Trụ.

- Hỗ trợ một lần đến 100% giá trị bình chứa Nitơ lỏng cho Dẫn tinh viên, mức hỗ trợ không quá 05 triệu đồng/bình chứa Nitơ lỏng.

- Hỗ trợ 50% chi phí cho HTX, doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi để đầu tư đổi mới trang thiết bị, dụng cụ hiện đại, nghiên cứu cải tiến, tiếp nhận chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong chăn nuôi bò thịt, mức hỗ trợ tối đa không quá 01 tỷ đồng/dự án.

b) Điều kiện hỗ trợ:

- Đối với nội dung hỗ trợ tại gạch đầu dòng thứ 1, 2, 3 đáp ứng đủ các điều kiện:

+ Quy mô: Mô hình điểm có tổng đàn ít nhất 30 con bò cái sinh sản; mô hình nhân rộng có tổng đàn ít nhất 15 con bò cái sinh sản; cơ sở chăn nuôi có tổng đàn bò 10 con trở lên trong đó có ít nhất 03 con bò cái sinh sản.

+ Duy trì kết quả hỗ trợ ít nhất 03 năm, trường hợp buộc thanh lý trước thời hạn do thiên tai, dịch bệnh, bò cái giống được hỗ trợ gặp vấn đề về sinh sản không thể tiếp tục duy trì kết quả hỗ trợ thì tổ chức, cá nhân được nhận hỗ trợ thông báo cho UBND cấp xã (nơi triển khai mô hình). UBND cấp xã báo cáo và đề nghị UBND cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng thẩm định. Hội đồng thẩm định do đại diện lãnh đạo UBND cấp huyện làm Chủ tịch hội đồng, các thành viên gồm đại diện lãnh đạo các đơn vị: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp huyện, trạm Chăn nuôi và Thú y huyện và UBND cấp xã. Hội đồng tiến hành thẩm định, lập biên bản đánh giá, xác định nguyên nhân loại thải đàn bò giống được hỗ trợ trước hạn và đề xuất phương án xử lý.

Căn cứ vào Phương án xử lý do Hội đồng thẩm định đề xuất, UBND cấp huyện quyết định thanh lý các nội dung đã hỗ trợ. Đối với các trường hợp không được thanh lý trước hạn thì UBND huyện đề nghị thu hồi toàn bộ kinh phí mà tổ chức, cá nhân đã nhận hỗ trợ (đối với các mô hình do huyện chủ trì thực hiện).

Đối với các mô hình do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện, căn cứ vào Phương án xử lý do Hội đồng thẩm định của huyện đề xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thanh lý các nội dung đã hỗ trợ. Đối với các trường hợp không được thanh lý trước hạn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị thu hồi toàn bộ kinh phí mà tổ chức, cá nhân đã nhận hỗ trợ.

+ Sử dụng giống bò được phép kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

- Đối với nội dung hỗ trợ tại gạch đầu dòng thứ 4 đáp ứng điều kiện: Sử dụng tinh bò được phép kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

- Đối với nội dung hỗ trợ tại gạch đầu dòng thứ 5 đáp ứng điều kiện: Dẫn tinh viên tham gia chương trình và bảo quản, sử dụng bình trong thời gian không ít hơn 03 năm liên tục.

- Nội dung hỗ trợ tại gạch đầu dòng thứ 6 đáp ứng điều kiện: Có phương án, kế hoạch đầu tư đổi mới trang thiết bị, dụng cụ hiện đại, nghiên cứu cải tiến, tiếp nhận, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong chăn nuôi bò thịt và phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018.

5. Hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao a) Nội dung và mức hỗ trợ:

Hỗ trợ một lần 50% tổng kinh phí thực hiện mô hình điểm nhưng tối đa không quá 300 triệu đồng/mô hình; 30% tổng kinh phí thực hiện mô hình nhân rộng nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng/mô hình.

b) Điều kiện hỗ trợ:

- Doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình nuôi tôm nước lợ trong vùng quy hoạch trên địa bàn các huyện Cần Đước, Châu Thành, Tân Trụ có tổng diện tích ao tối thiểu 0,5 ha (đối với hộ gia đình), tối thiểu 03 ha (đối với doanh nghiệp, HTX). Đối với nuôi tôm trên bể có thể tích bể ít nhất là 500 m3; có ao/bể lắng đảm bảo chứa đủ nước cấp cho ao nuôi.

- Nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao như quy trình nuôi 2 - 3 giai đoạn, ứng dụng và phát triển công nghệ xử lý môi trường bằng các chế phẩm vi sinh trong nuôi tôm; ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát môi trường ao nuôi và quản lý sức khỏe tôm nuôi; ứng dụng các bộ kít phát hiện nhanh bệnh, các chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh,...

6. Hỗ trợ doanh nghiệp, HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

a) Nội dung và mức hỗ trợ:

- Doanh nghiệp, HTX được vay vốn với mức lãi suất tín dụng nhà nước ưu đãi đầu tư trong 03 năm liên tiếp để tiếp tục đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ. Hạn mức tối đa không quá 70% tổng mức đầu tư dự án, nhưng không quá 20 tỷ đồng/dự án.

- Hỗ trợ 70% chi phí đầu tư cho các doanh nghiệp, HTX có dự án đầu tư cơ sở bảo quản nông sản (gồm sấy, chiếu xạ, khử trùng, đông lạnh, bảo quản) để xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước, xử lý chất thải, nhà xưởng và mua thiết bị, mức hỗ trợ không quá 02 tỷ đồng/dự án.

- Hỗ trợ 70% chi phí cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi bò thịt quy mô 300 con bò thịt trở lên để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị, mức hỗ trợ tối đa không quá 05 tỷ đồng/dự án.

- Hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX có dự án nuôi tôm nước lợ có quy mô tối thiểu 05 ha trở lên được hỗ trợ 200 triệu đồng/ha để xây dựng hạ tầng, cấp nước, thoát nước, xử lý môi trường, mức hỗ trợ tối đa không quá 10 tỷ đồng/dự án.

- Hỗ trợ 60% chi phí cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật; nước thải sinh hoạt tại nông thôn; thu gom xử lý chất thải làng nghề, nông thôn để mua thiết bị, xây dựng hệ thống xử lý, mức hỗ trợ tối đa không quá 05 tỷ đồng/dự án.

- Hỗ trợ 100% chi phí cho các doanh nghiệp thuê đơn vị tư vấn lập hồ sơ đề nghị công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mức hỗ trợ theo thực tế, nhưng đối đa không quá 50 triệu đồng/doanh nghiệp.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản chứng nhận đạt tiêu chuẩn HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000, Halal,…: Hỗ trợ một lần 100% kinh phí tư vấn, đào tạo, tập huấn, chứng nhận doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000, Halal,… mức hỗ trợ theo thực tế, nhưng đối đa không quá 150 triệu đồng/doanh nghiệp.

- Hỗ trợ một lần 100% kinh phí cho các doanh nghiệp, HTX để phân tích mẫu (đất, nước, sản phẩm); thuê tư vấn đào tạo, tập huấn; thuê tổ chức chứng nhận đánh giá để cấp Giấy chứng nhận sản phẩm GlobalGAP, mức hỗ trợ theo thực tế; tối đa không quá 250 triệu đồng/doanh nghiệp, HTX.

- Hỗ trợ HTX, doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ tiêu dùng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu mức hỗ trợ tối đa không quá 150 triệu đồng/chuỗi.

- Hỗ trợ 30% chi phí (vật tư, công xây dựng) cho HTX, doanh nghiệp để xây dựng nhà màng, nhà lưới, nhà kính, mức hỗ trợ đối đa không quá 100 triệu đồng/nhà lưới, tối đa không quá 300 triệu đồng/nhà màng; tối đa không quá 01 tỷ đồng/nhà kính.

b) Điều kiện hỗ trợ:

- Các HTX, doanh nghiệp chỉ được hưởng một trong năm nội dung hỗ trợ từ nội dung hỗ trợ gạch đầu dòng thứ 01 đến nội dung hỗ trợ gạch đầu dòng thứ 05 của điểm a nếu đảm bảo các điều kiện sau đây:

+ Hoạt động có hiệu quả 02 năm liên tiếp trước thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ, có dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận.

+ Danh mục trang thiết bị, công nghệ phải nằm trong danh mục khuyến khích ưu tiên hỗ trợ theo Quyết định số 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/01/2021 về ban hành Chương trình quốc gia về phát triển công nghệ cao đến 2030 và các quy định khác do Trung ương ban hành.

- Đối với doanh nghiệp có nhà máy chế biến, kho bảo quản nông sản phải có công suất cơ sở sấy lúa, ngô, khoai, sắn,... phải đạt tối thiểu sấy 100 tấn sản phẩm/ngày; sấy phụ phẩm thủy sản, chăn nuôi đạt tối thiểu 50 tấn sản phẩm/ngày. Bảo quản rau, hoa quả tươi đạt 1.000 tấn/kho; bảo quản lưu trữ giống cây trồng đạt công suất 100 tấn/kho.

- Đối với hỗ trợ xây dựng chuỗi, các chứng nhận sau khi được cấp giấy chứng nhận.

Điều 5. Nguồn kinh phí

1. Nguồn vốn, chương trình, dự án: Nguồn ngân sách Trung ương; nguồn vốn Dự án VnSAT; nguồn hỗ trợ phát triển đất trồng lúa; nguồn hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; vốn xổ số kiết thiết (vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ có mục tiêu cho cấp huyện thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới),...

2. Nguồn ngân sách nhà nước theo khả năng cân đối và phân cấp ngân sách, các nguồn huy động hợp pháp khác.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

Khi các văn bản quy định về điều kiện hỗ trợ được dẫn chiếu để áp dụng tại quy định của quyết định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.

Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các sở ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương; các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính để tổng hợp, thống nhất với các sở, ngành tỉnh có liên quan trình UBND tỉnh xem xét, quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 40/2021/QĐ-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết 10/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 40/2021/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/10/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Long An
  • Người ký: Nguyễn Văn Út
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản