Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3726/QĐ-UBND | Quảng Nam, ngày 20 tháng 12 năm 2021 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025;
Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 17/2010/TTLT-BTTTT-BNV ngày 27/7/2010 của liên Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Phát thanh và Truyền hình thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện;
Căn cứ Thông tư số 03/2018/TT-BTTTT ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về sản xuất chương trình truyền hình;
Căn cứ Thông tư số 09/2020/TT-BTTTT ngày 24/4/2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về sản xuất chương trình phát thanh;
Căn cứ Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 20/7/2021 Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ tư, khóa XXII về phát triển sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Kế hoạch số 7001/KH-UBND ngày 22/11/2019 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025;
Căn cứ Quyết định số 2960/QĐ-UBND ngày 19/10/2021 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025;
Căn cứ Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 11/8/2021 của UBND tỉnh về nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị thông tin thiết yếu của các cơ quan báo chí tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2021-2025;
Xét đề nghị của Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam tại Tờ trình số 635/TTr-PTTH ngày 27/10/2021 và theo Thông báo số 498/TB-UBND ngày 03/11/2021 của UBND tỉnh.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phát triển Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam trong thời kỳ chuyển đổi số, giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030” (có Đề án kèm theo).
Điều 2. Giao Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các Sở, Ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Đề án đạt mục tiêu đề ra.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, đơn vị có liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHÁT TRIỂN ĐÀI PHÁT THANH - TRUYỀN HÌNH QUẢNG NAM TRONG THỜI KỲ CHUYỂN ĐỔI SỐ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 3726/QĐ-UBND ngày 20 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam)
SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Quảng Nam là cơ quan báo chí, đơn vị sự nghiệp công lập, tự đảm bảo một phần kinh phí hoạt động thường xuyên theo cơ chế tự chủ tài chính tại Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ về quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về việc quy định cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, từ ngày 15/8/2021 thực hiện theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Về nhiệm vụ chính được giao, đơn vị được chủ động quyết định các biện pháp để tổ chức sản xuất, truyền dẫn và tiếp, phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình; đảm bảo về thời lượng và chất lượng các chương trình, phục vụ tốt cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Ngoài ra, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Đài PT-TH Quảng Nam còn tổ chức thực hiện hoạt động dịch vụ quảng cáo và tuyên truyền trên sóng PT-TH, nhằm tạo thêm nguồn thu cho đơn vị, để cân đối cùng với nguồn kinh phí do ngân sách cấp, chi phí cho các hoạt động thường xuyên của đơn vị.
Trước yêu cầu phát triển giai đoạn mới, Đài PT-TH Quảng Nam cần phải vươn lên đáp ứng vai trò của một cơ quan báo chí chủ lực của tỉnh, thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới tầng lớp Nhân dân; phát huy vai trò to lớn của Nhân dân trong phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH); quảng bá hình ảnh Quảng Nam, góp phần thu hút các nguồn lực trong và ngoài tỉnh vì sự giàu mạnh của quê hương, đất nước.
Từ trước đến nay, Báo chí cách mạng là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, là diễn đàn của Nhân dân. Báo chí hiện nay đang bị cạnh tranh khốc liệt với các loại hình thông tin khác. Trong điều kiện kinh tế thị trường, bên cạnh hoạt động mang tính thương mại, dịch vụ còn thực hiện nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu cho xã hội. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, để tồn tại, báo chí phải chạy theo cơ chế thị trường; dễ bị chi phối, ảnh hưởng về cơ cấu nội dung thông tin của các nhà tài trợ. Trong điều kiện đó, không gian, thời lượng báo chí dành cho định hướng dư luận, phục vụ nhiệm vụ chính trị sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, sự hỗ trợ của Nhà nước cho việc duy trì phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Bộ Thông tin và Truyền thông ưu tiên nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay việc quản lý báo chí phải đi đôi với phát triển báo chí; đặc biệt là Đề án hỗ trợ báo chí giai đoạn 2021-2025, xây dựng các cơ quan báo chí chủ lực thực sự là chủ lực; hỗ trợ báo chí chuyển đổi số.
Mặt khác, cần nhận thấy rằng việc phát triển Đài PT-TH Quảng Nam trong thời gian đến có tính tất yếu và cần thiết khi cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đang tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, trong đó có lĩnh vực truyền thông, báo chí, phát thanh, truyền hình; phù hợp với xu thế phát triển của truyền thông số như hiện nay; giảm sự gia tăng áp lực cạnh tranh lên các loại hình báo chí, PT-TH truyền thống trước sự bùng nổ của mạng xã hội và thói quen, phương tiện đón nhận thông tin của công chúng cũng đang có sự thay đổi mạnh mẽ. Do đó, việc ứng dụng công nghệ mới, đón nhận tiến bộ của ngành PT-TH vào quy trình sản xuất, quản lý, phát sóng là yêu cầu quan trọng để Đài PT-TH Quảng Nam có những bước thay đổi phù hợp và giữ vững được đà phát triển. Ngoài ra, hạ tầng sản xuất phát sóng chương trình trong thời gian qua đã được quan tâm bổ sung, đầu tư theo hướng hiện đại hoá, góp phần tạo nền tảng quan trọng để Đài PT-TH Quảng Nam thực hiện chuyển đổi số theo đúng tinh thần chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ nhằm khẳng định được vai trò là cơ quan truyền thông chủ lực, chính thống, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân.
Trong bối cảnh đó, Đề án “Phát triển Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Nam trong thời kỳ chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” được xây dựng để đảm bảo hiệu quả hoạt động và phát triển của Đài PT-TH Quảng Nam, góp phần tích cực vào sự phát triển của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2021-2025.
- Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
- Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
- Căn cứ Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025;
- Căn cứ Thông tư liên tịch số 17/2010/TTLT-BTTTT-BNV ngày 27/7/2010 của liên Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Phát thanh và Truyền hình thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Đài Truyền thanh-Truyền hình thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện;
- Căn cứ Thông tư số 03/2018/TT-BTTTT ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về sản xuất chương trình truyền hình;
- Căn cứ Thông tư số 09/2020/TT-BTTTT ngày 24/4/2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về sản xuất chương trình phát thanh;
- Căn cứ Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 26/10/2020 Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025;
- Căn cứ Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 20/7/2021 Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ tư, khóa XXII về phát triển sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030;
- Căn cứ Kế hoạch 7001/KH-UBND ngày 22/11/2019 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025;
- Căn cứ Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 11/8/2021 của UBND tỉnh về nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị thông tin thiết yếu của các cơ quan báo chí tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2021-2025;
- Thực hiện Thông báo số 208/TB-UBND ngày 08/6/2020 của UBND tỉnh về kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu tại buổi làm việc với Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Nam về tổng kết 05 năm thực hiện Đề án theo Quyết định số 1537/QĐ-UBND ngày 04/5/2015 về triển khai thực hiện Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; xây dựng Đề án phát triển Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Nam trong 05 năm tới 2021-2025, định hướng đến năm 2030;
- Quyết định số 1537/QĐ-UBND ngày 04/5/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam về triển khai thực hiện Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam;
- Thông báo số 199/TB-UBND ngày 14/6/2018 của UBND tỉnh về kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân tại buổi làm việc với Đài PT-TH Quảng Nam về việc đưa sóng truyền hình QRT lên các hạ tầng truyền dẫn lớn như VTVcab, SCTV theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1686/UBND-KGVX ngày 05/4/2018 về triển khai hoạt động thông tin đối ngoại;
- Báo cáo số 122/BC-UBND ngày 19/7/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam về đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 (tại Biểu số 09);
- Căn cứ Quyết định số 2960/QĐ-UBND ngày 19/10/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam về Ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025; trong đó có nội dung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, văn hóa, xây dựng hệ thống chính quyền các cấp vững mạnh.
THỰC TRẠNG ĐÀI PHÁT THANH - TRUYỀN HÌNH QUẢNG NAM
Đài PT-TH Quảng Nam là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, thực hiện chức năng cơ quan báo chí của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Nam; Chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức được thực hiện theo Quyết định số 04/2011/QĐ-UBND ngày 09/02/2011 của UBND tỉnh.
Đài PT-TH Quảng Nam có cơ cấu tổ chức gồm: lãnh đạo Đài và 09 phòng chuyên môn. Số biên chế được giao năm 2021 là 94 người; tổng số cán bộ, viên chức và người lao động tính đến 30/11/2021 là 113 người; trong đó, biên chế đã tuyển dụng 83 người, lao động hợp đồng từ nguồn tự chủ của Đài: 30 người (Chi tiết tại Phụ lục I).
III. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH
1. Chương trình thời sự: hằng ngày sản xuất và phát sóng 05 bản tin thời sự truyền hình, 03 bản tin thời sự phát thanh; 02 bản tin thời sự quốc tế; phản ánh khá toàn diện về các lĩnh vực, vùng miền trong tỉnh và các sự kiện, hoạt động gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh tại các địa phương, đơn vị trong và ngoài nước.
2. Các chương trình chuyên đề, chuyên mục: duy trì 20 chuyên đề, chuyên trang, chuyên mục chính luận, kịp thời tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới có hiệu quả và là cầu nối của bạn nghe, xem phát thanh, truyền hình như: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “Đất và người xứ Quảng”, “Người Quảng và thương hiệu”...
Hằng năm, Đài PT-TH Quảng Nam sản xuất hàng chục phim tài liệu; trong đó, có 05 phim do UBND tỉnh giao về các vấn đề lịch sử và danh nhân Quảng Nam. Ngoài ra, còn phối hợp với các Sở, Ban, ngành, các địa phương sản xuất thêm phim tài liệu nhân các ngày lễ lớn, thành lập ngành ... Mảng phim tài liệu lịch sử của QRT tạo nét nổi bật trong các đài khu vực duyên hải miền Trung; các Chương trình khách mời trường quay được tổ chức thường xuyên, phù hợp với xu thế thông tin nhanh nhạy hiện nay.
3. Chương trình PT-TH tiếng dân tộc thiểu số: sản xuất và phát sóng các chương trình PT-TH bằng tiếng Cơ Tu, tiếng Ca Dong; phản ánh các tin tức chính trị xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa, giảm nghèo bền vững... tới bà con các dân tộc thiểu số trong và ngoài tỉnh. Tích cực cộng tác chương trình để phát trên sóng Quốc gia VTV5-Đài Truyền hình Việt Nam.
4. Chương trình văn hóa, giải trí: được thực hiện khá phong phú, đa dạng; đảm bảo giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa dân tộc và bản sắc văn hóa xứ Quảng, các hoạt động văn nghệ - thể thao, phục vụ nhu cầu người hâm mộ trong và ngoài tỉnh. Nhiều chương trình, chuyên mục như: Tiếng hát đất Quảng, Sắc màu cuộc sống, Kiến thức cuộc sống, Văn học nghệ thuật, Giai điệu tuổi thơ và các gamesshow giải trí lớn như: Chương trình “Học trò xứ Quảng”; "Quê mình xứ Quảng"… đã thể hiện được đặc trưng của văn hóa và con người xứ Quảng.
IV. THỜI LƯỢNG SẢN XUẤT, PHÁT SÓNG VÀ TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ (Chi tiết tại Phụ lục II)
1. Đối với chương trình phát thanh
Từ tháng 10/2021 trở về trước, chương trình phát thanh của Đài PT-TH Quảng Nam được phát sóng vào các buổi sáng, trưa và chiều trong ngày, với tổng thời lượng phát sóng là 02h30/ngày, bao gồm 03 bản tin thời sự, các chuyên mục chính luận, giải trí và Chương trình ca nhạc; trong đó 100% là tự sản xuất mới. Để đáp ứng yêu cầu công tác tuyên truyền trong tình hình mới, nhất là địa bàn tỉnh Quảng Nam có đến 09 huyện miền núi, có vùng biển ngư trường rộng lớn, lại chịu nhiều thiên tai, dịch bệnh; được sự cho phép của UBND tỉnh, từ ngày 01/10/2021, Đài PT-TH Quảng Nam đã thành lập Phòng Phát thanh và Trang thông tin điện tử, tổ chức sản xuất và nâng tổng số giờ phát sóng phát thanh lên 18 giờ trong ngày.
2. Đối với chương trình truyền hình
- Hiện nay, Đài PT-TH Quảng Nam đã thực hiện sản xuất và phát sóng các chương trình truyền hình 18 giờ/ngày; trong đó, tự sản xuất mới đạt 30% (tương đương 05 giờ/ngày). Tính bình quân chương trình tự sản xuất và khai thác chương trình trong nước đạt 70%.
- Bình quân trong 01 năm, Đài PT-TH Quảng Nam sản xuất hơn 1.800 bản tin thời sự; gần 250 chuyên đề chuyên mục chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội; gần 100 chuyên mục tiếng dân tộc, miền núi, 280 chuyên mục văn học - nghệ thuật.
- Đến nay, đã có trên 40 đơn vị, Ban, ngành, địa phương phối hợp thực hiện các chuyên mục truyền hình và 18/18 huyện, thị xã, thành phố có chuyên trang truyền hình địa phương phát trên sóng của Đài PT-TH Quảng Nam.
3. Trang Thông tin điện tử tại địa chỉ www.qrt.vn: được thiết lập từ năm 2007; nội dung phong phú, tính cập nhật cao, thu hút được số lượng lớn độc giả. Đến nay, lượt người truy cập tăng lên đáng kể do trang tin luôn được nâng cấp về công nghệ, giao diện và luôn nâng cao chất lượng nội dung tin bài, góp phần tích cực giới thiệu, quảng bá hình ảnh Quảng Nam trong và ngoài nước.
V. THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHỦ SÓNG PHÁT THANH-TRUYỀN HÌNH
- Về sóng phát thanh, chương trình phát thanh QRT được tiếp phát trên sóng và phát sóng trên kênh FM với máy phát công suất 5KW (thực tế đã xuống cấp sau nhiều lần hư hỏng, sửa chữa, hiện chỉ còn công suất 1,2 KW) tại trung tâm thành phố Tam Kỳ và một số khung giờ được tiếp phát trên kênh AM (công suất 20KW) Đài Phát sóng An Hải của VOV tại thành phố Đà Nẵng.
- Về sóng truyền hình, hiện nay kênh QRT của Đài tỉnh từ năm 2012 được phát trên vệ tinh Vinasat-2, với lợi thế phủ sóng các nước trong khu vực nên đã góp phần phủ sóng 100% địa bàn dân cư trong tỉnh; nhất là địa bàn các huyện miền núi cao trong tỉnh đều thu bắt được sóng truyền hình Đài PT-TH Quảng Nam.
- Ngoài ra, sóng truyền hình còn được phát sóng trên hạ tầng số mặt đất của của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam (Đà Nẵng 2KW kênh 25, Tam Kỳ 2KW kênh 26). Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Đài PT-TH Quảng Nam hợp đồng với Công ty TNHH Truyền hình Kỹ thuật số Miền Nam (SDTV) để phát sóng kênh QRT trên mạng số đơn tần 1KW kênh 36. Ngoài ra, kênh QRT còn phát trên hạ tầng truyền dẫn của các hệ thống truyền hình cáp Sông Thu tại thành phố Đà Nẵng, cáp Quảng Nam, truyền hình Internet và các ứng dụng App, Youtube…
- Thực hiện tiếp phát các kênh Đài Truyền hình Việt Nam VTV1, VTV2, VTV3, VTV6 bằng máy phát số mặt đất.
VI. CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ TRANG THIẾT BỊ KỸ THUẬT
1. Thiết bị sản xuất chương trình
1.1. Thiết bị tiền kỳ
- Xe truyền hình lưu động 04 camera được trang bị từ năm 2019, đây là hệ thống thiết bị định dạng tín hiệu số chuẩn HD, xe màu đã phát huy tối đa hiệu quả công việc truyền hình trực tiếp, ghi hình lưu động. Tuy nhiên, do kinh phí có hạn nên một số thiết bị đi kèm còn thiếu, cần bổ sung thêm 03 camera và một số thiết bị dự phòng như mixer Video, Audio, màn hình giám sát.
- Trong nhiều năm qua, Đài PT-TH Quảng Nam đã đầu tư một số trang thiết bị tiền kỳ khác, phát huy được nhu cầu sản xuất chương trình truyền hình, đảm bảo nâng thời lượng phát sóng lên 18 giờ trong ngày, số chương trình tự sản xuất chiếm hơn 30%, đảm bảo điều kiện phát sóng vệ tinh từ năm 2012 đến nay. Tuy nhiên, do điều kiện kinh phí có hạn, do công nghệ thay đổi nhanh, đầu tư nhiều đợt, từ năm 2005 đến nay nên có một số thiết bị tiền kỳ không đáp ứng được việc sản xuất chương trình truyền hình HD.
- Hiện nay, Đài có tổng số 22 camera phóng viên ghi hình định dạng video HD, trong đó có 05 camera đã hư hỏng xuống cấp; với số lượng này là rất ít so với yêu cầu tác nghiệp của phóng viên; bình quân từ 02 đến 03 phóng viên mới được cấp 01 camera.
- Đã thiết lập hệ thống truyền tin bài qua mạng FTP, xây dựng Hosting upload/download để phóng viên tác nghiệp tại hiện trường có thể gửi hình ảnh, âm thanh về Đài PT-TH Quảng Nam phát sóng và có thể cộng tác, trao đổi tin bài với các Đài Trung ương và trong khu vực; qua đó, nâng cao tính thời sự của bản tin và giảm nhiều chi phí và thời gian cho việc trao đổi tư liệu hơn so với trước đây.
1.2. Thiết bị hậu kỳ
- Hệ thống thiết bị sản xuất chương trình và truyền dẫn tín hiệu truyền hình được đầu tư lắp đặt từ năm 2003, với công nghệ mạng SAN, sản xuất chương trình và phát sóng khép kín trên hệ thống mạng, bước đầu số hóa được khâu hậu kỳ. Tuy nhiên, quy mô sản xuất chương trình và hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất chương trình hiện tại, năm 2006 đầu tư hệ thống mạng NAS, được nâng cấp hằng năm; năm 2008, đầu tư thư viện lưu trữ DLS 1000, với công nghệ này Đài PT-TH Quảng Nam cơ bản số hóa toàn bộ khâu sản xuất hậu kỳ và lưu trữ, chuyển đổi tư liệu tương tự từ các băng từ để lưu trữ file data.
- Hiện nay, từ nguồn đầu tư của tỉnh, Đài PT-TH Quảng Nam đã bổ sung thiết bị tiêu chuẩn HD, bước đầu đã sản xuất và phát sóng định dạng HD. Với trang thiết bị hậu kỳ hiện tại đang cơ bản đáp ứng hoạt động tuyên truyền của tỉnh và cung cấp chương trình cho Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các kênh truyền thông khác nhưng thiết bị thiếu số lượng và không đồng bộ, thiếu dự phòng.
- Hệ thống thiết bị sản xuất và truyền dẫn tín hiệu Phát thanh: 01 hệ thống được trang bị từ năm 1999 (thuộc Dự án SIDA - Thụy Điển) nay đã xuống cấp nghiêm trọng.
1.3. Hệ thống lưu trữ tư liệu
Đài PT-TH Quảng Nam trang bị hệ thống lưu trữ trên sever Nas, trên thư viện điện tử có bảo mật bản quyền DLS 1000, các hệ thống này có ưu điểm là lưu tư liệu an toàn, truy xuất, tìm kiếm nhanh, quản lý dễ dàng; tuy nhiên, khi nguồn tư liệu ngày càng nhiều lên thì vấn đề đầu tư thêm hệ thống tốn quá nhiều chi phí; tuổi thọ HDD của hệ thống phải thay thế định kỳ 03 năm; công nghệ thiết bị có thể thay đổi không có vật tư thay thế nếu hư hỏng... Chính vì vậy, ngoài những hệ thống lưu trữ chuyên nghiệp còn phải lưu dự phòng tư liệu trên HDD Box - USB 2.0, 3.0 cho nên hệ thống còn nhiều bất cập.
2. Hệ thống truyền dẫn và phát sóng
- Hệ thống truyền dẫn tín hiệu từ Trung tâm sản xuất chương trình (mạng sản xuất chương trình, máy phát sóng tự động) đến Trạm phát sóng An Hà.
- Hệ thống phát sóng Chương trình truyền hình Master Play; trong đó, 01 bộ chạy và 01 bộ dự phòng.
- Hệ thống máy phát sóng truyền hình số của VTV công suất 02 KW, SDTV công suất 02 KW đặt tại Trạm Phát sóng An Hà đảm bảo sẵn sàng phát sóng các chương trình truyền hình của QRT.
- Hệ thống truyền dẫn qua vệ tinh Vinasat-2 với tiêu chuẩn tín hiệu SD.
- Hệ thống truyền dẫn kênh QRT lên các hạ tầng cáp, IP, di động.
- Máy phát sóng, phát thanh FM công suất 5KW được Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) hỗ trợ đầu tư năm 2001, qua thời gian sử dụng, giông sét làm hư hỏng, nhiều lần sửa chữa hiện nay công suất đã giảm còn 1,2KW, không có máy thay thế; công nghệ phát thanh Analog, hệ thống truyền dẫn kênh phát thanh từ thành phố Tam Kỳ đến thành phố Đà Nẵng còn thủ công, chưa được đầu tư an toàn.
3. Cơ sở vật chất phục vụ điều hành, sản xuất và phát sóng chương trình
3.1. Diện tích đất
- Trụ sở chính của Đài PT-TH Quảng Nam tại địa chỉ số 58 đường Hùng Vương, thành phố Tam Kỳ được cấp với tổng diện tích là 11.970 m2 đất ; khối nhà làm việc kết hợp phòng dựng chương trình, tổng diện tích khống chế là 1.132 m2 hiện chỉ đáp ứng yêu cầu sản xuất chương trình một phần do xây dựng đã quá lâu (từ năm 2002); hiện tại các studio phát thanh, truyền hình và phim trường văn nghệ 150m2, đã xuống cấp; khối nhà làm việc kết hợp các phòng dựng chương trình qua thời gian tuy có sửa chữa, bảo trì, nhưng kết cấu phòng nhỏ, không đáp ứng được yêu cầu lắp đặt thêm các thiết bị đáp ứng yêu cầu sản xuất chương trình.
- Trạm Phát sóng An Hà tại phường An Phú, thành phố Tam Kỳ có diện tích đất được UBND tỉnh cấp 2.927 m2; riêng phần đất là hành lang tuyến bảo vệ Trạm Phát sóng An Hà tương đối rộng (khoảng 05 ha) đã được rào chắn an toàn; hệ thống cột ăngten phát sóng cao 125 mét.
- Dự án phim trường sản xuất chương trình truyền hình có khán giả đang được đầu tư tại địa chỉ số 58 đường Hùng Vương, thành phố Tam Kỳ có tổng diện tích 977 m2, với công năng phục vụ ghi hình, trực tiếp các sự kiện có quy mô từ 300 đến 500 chỗ ngồi.
3.2. Phương tiện phục vụ hoạt động nghiệp vụ
Hiện nay, Đài có 06 xe ô tô chuyên dùng; trong đó, 02 xe truyền hình lưu động (01 xe sử dụng từ năm 2005, 01 xe đưa vào sử dụng năm 2019), 02 xe phục vụ hoạt động tác nghiệp của phóng viên (01 xe do Đài Truyền hình Việt Nam cấp từ dự án năm 2002, đã hết thời gian khấu hao, tiêu tốn nhiên liệu không đáp ứng yêu cầu đặc thù tác nghiệp của chuyên ngành PT-TH), 01 xe chuyên chở trang thiết bị phục vụ truyền hình lưu động, 01 xe chở ekip thực hiện ghi hình truyền hình lưu động (loại xe 16 chỗ ngồi đã hết niên hạn sử dụng, đã thanh lý trong năm 2021)
1. Nguồn thu
Cơ cấu nguồn kinh phí này trong những năm qua đang có xu hướng giảm dần theo Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 19/7/2018 của HĐND tỉnh thông qua Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2018 - 2021 từ 105 biên chế năm 2016 xuống còn 94 biên chế năm 2021. Đồng thời, lập kế hoạch chi theo định mức biên chế là không phù hợp với đặc thù hoạt động sản xuất chương trình và vận hành máy phát sóng của Đài PT-TH Quảng Nam.
- Về nhuận bút so với định mức cấp chi theo Quyết định 06/2015/QĐ- UBND ngày 20/3/2015 của UBND tỉnh thì định mức chi hằng năm của Đài PT- TH Quảng Nam hiện mới chỉ đạt gần 35%; vì vậy, chưa khuyến khích được sự sáng tạo, nâng cao chất lượng tin, bài của phóng viên, biên tập viên.
- Thu dịch vụ Quảng cáo và tuyên truyền: Đây là nguồn thu từ hoạt động thông tin sản phẩm cho các doanh nghiệp. Từ năm 2017 đến 2020 doanh thu hoạt động sự nghiệp đạt trung bình 22 tỷ đồng/năm, bù đắp rất đáng kể cho chi phí sản xuất chương trình thực hiện xã hội hóa, chi phí hoạt động sự nghiệp, chi trả nhuận bút và ổn định thu nhập cho cán bộ viên chức; song nguồn thu này không ổn định mà phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp và môi trường cạnh tranh ngày càng lớn trong lĩnh vực quảng cáo báo chí.
- Đặc biệt, trong 02 năm (2020, 2021) do tình hình dịch bệnh Covid-19, nhất là tại các tỉnh phía Nam nên nguồn thu từ quảng cá, tài trợ và thu tuyên truyền từ cộng đồng doanh nghiệp người con Quảng Nam xa quê đã giảm đáng kể. Năm 2020, thu chỉ bằng 92,5% (23 tỷ) so với năm 2019 (25 tỷ), 08 tháng đầu năm 2021 tiếp tục giảm 07 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020.
TT | Chỉ tiêu | Số tiền (triệu đồng/năm) | |||
2017 | 2018 | 2019 | 2020 | ||
| Tổng cộng (I II) | 38.644 | 37.319 | 43.912 | 44.431 |
I | Thu từ nguồn ngân sách | 18.524 | 17.651 | 18.688 | 20.998 |
1 | NSNN cấp chi thường xuyên | 12.056 | 12.408 | 13.056 | 13.544 |
2 | NSNN cấp theo nhiệm vụ đột xuất | 6.468 | 5.243 | 5.632 | 7.454 |
II | Hoạt động dịch vụ và thu khác | 20.120 | 19.668 | 25.224 | 23.433 |
1 | Hoạt động Thông tin-Quảng cáo- Dịch vụ | 12.456 | 11.322 | 15.568 | 13.376 |
2 | Hoạt động dịch vụ khác | 7.016 | 7.743 | 9.011 | 9.420 |
3 | Hoạt động thu khác | 648 | 603 | 645 | 637 |
2. Chi phí
- Chi hoạt động sự nghiệp PT-TH: bao gồm các khoản chi tiền lương; chi phí nhiên liệu, điện năng; công tác phí; nguyên vật liệu phục vụ hoạt động nghiệp vụ; dịch vụ thuê đường truyền, đặt hàng chương trình; nhuận bút ... theo quy định hiện hành.
Do yêu cầu nâng cao chất lượng và thời lượng sản xuất, phát sóng chương trình phát thanh, truyền hình nên hiện nay Đài PT-TH Quảng Nam đang hợp đồng 20 lao động kinh phí chi trả từ nguồn thu sự nghiệp, nên việc cân đối nguồn kinh phí để phục vụ hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng chương trình và chi trả chế độ cho cán bộ, viên chức đang là một khó khăn lớn.
TT | Chỉ tiêu | Số tiền (triệu đồng/năm) | |||
2017 | 2018 | 2019 | 2020 | ||
I | Chi thường xuyên hoạt động sự nghiệp |
|
|
|
|
1 | Chi lương, phụ cấp, BH các loại, KPCĐ | 7.536 | 8.099 | 9.012 | 9.079 |
2 | Chi hoạt động sự nghiệp |
|
|
|
|
II | Nguồn kinh phí (tổng nguồn chi) | 31.558 | 31.333 | 36.655 | 36.439 |
1 | Ngân sách nhà nước cấp trong năm | 12.056 | 12.408 | 13.056 | 13.544 |
2 | Bù chi từ hoạt động dịch vụ và thu khác | 19.502 | 18.925 | 23.599 | 22.895 |
III | Cơ cấu nguồn chi hoạt động sự nghiệp |
|
|
|
|
1 | Ngân sách nhà nước cấp trong năm | 38,2% | 39,6% | 35,6% | 37,2% |
2 | Bù chi từ hoạt động dịch vụ và thu khác | 61,8% | 60,4% | 64,4% | 62,8% |
2.2. Chi phí hoạt động dịch vụ:
- Chi phí cho hoạt động dịch vụ: chi phí hoạt động thu bao gồm chi phí mua bản quyền chương trình (phim, các chương trình giải trí,...); chi phí dịch vụ phục vụ trực tiếp cho các chương trình; chi phí nguyên liệu, nhiên, vật liệu, điện năng; tiền lương; khấu hao... được thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Thông tư số 150/2010/TT-BTC ngày 27/9/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các cơ quan báo chí.
Có thể thấy, ngược chiều với sự biến động mang tính thụ động của nguồn thu thì các khoản chi phí cho hoạt động này lại có chiều hướng tăng do yêu cầu nâng cao chất lượng để thu hút nguồn thu.
- Chi từ nguồn ngân sách cấp thường xuyên: nguồn kinh phí chi thường xuyên hằng năm được ngân sách nhà nước cấp phục vụ hoạt động tiếp, phát sóng và sản xuất chương trình PT-TH, được tính theo định mức biên chế quy định tại Quyết định số 2432/QĐ-UBND ngày 31/7/2019 của UBND tỉnh về việc giao quyền tự chủ tài chính cho Đài PT-TH Quảng Nam ổn định trong 03 năm từ 2019-2021.
1. Kết quả thực hiện
Qua 05 năm (2015-2020) triển khai thực hiện, được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo tạo điều kiện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp của các Sở, ngành mà Đài PT-TH Quảng Nam đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra của Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (Đề án số hóa).
1.1. Về công tác tuyên truyền
Đài PT-TH Quảng Nam đã thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền theo yêu cầu của Đề án số hóa, nội dung tuyên truyền đã giúp cho các địa phương và Nhân dân nắm rõ được lộ trình, lợi ích khi chuyển đổi sang truyền hình số mặt đất và các công việc cần thực hiện khi triển khai số hóa truyền hình mặt đất; theo đó, các sản phẩm thông tin tuyên truyền là các video clip, audio clip, phóng sự, bản tin được phát liên tục trên sóng PT-TH và Trang thông tin điện tử.
Thông qua công tác thông tin tuyên truyền của QRT đã góp phần tích cực vào việc nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân và công tác triển khai Đề án số hóa, lợi ích của người dân khi triển khai số hóa truyền hình, thông tin về kế hoạch ngừng phát sóng các kênh truyền hình tương tự tại thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam; khi ngừng phát sóng các kênh truyền hình tương tự thì người dân cần làm gì để xem được các kênh truyền hình; những lưu ý khi mua tivi, thiết bị setup box có hỗ trợ thu các kênh truyền hình số hóa; công tác hỗ trợ đầu thu truyền hình số hóa cho hộ nghèo, hộ cận nghèo cho người dân.
1.2. Công tác tổ chức, nhân lực, đào tạo
Đài PT-TH Quảng Nam đã tổ chức sắp xếp lại bộ phận truyền dẫn, phát sóng theo yêu cầu của Đề án số hóa. Theo đó, đơn vị đã sáp nhập Phòng Truyền dẫn và Phát sóng vào Phòng Kỹ thuật và Công nghệ; đã đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho 03 kỹ thuật viên thành 03 quay phim, dựng hình để bổ sung nhân sự cho các phòng nội dung; các kỹ thuật viên còn lại được đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu công việc sau khi sáp nhập phòng. Ngoài ra, Đài PT-TH Quảng Nam thường xuyên mở các lớp đào tạo, hướng dẫn cán bộ, viên chức của Đài PT-TH Quảng Nam, Đài cấp huyện (nay là Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thanh-Truyền hình) sản xuất chương trình theo tiêu chuẩn số hóa (từ năm 2015 đến 2018, Đài PT-TH Quảng Nam mở 06 lớp đào tạo liên quan đến công tác số hóa).
1.3. Về công tác đầu tư trang thiết bị sản xuất chương trình, truyền dẫn tín hiệu theo hướng số hóa
Từ năm 2015 đến nay, Đài PT-TH Quảng Nam từng bước đầu tư trang thiết bị theo hướng số hóa. Hiện nay về khâu sản xuất chương trình và truyền dẫn tín hiệu, Đài PT-TH Quảng Nam đã số hóa hoàn toàn theo chuẩn HD, xe truyền hình lưu động (xe màu), mới được đầu tư theo công nghệ số chuẩn HD; ngoài ra, định hướng, hướng dẫn các Đài huyện đầu tư công nghệ số chuẩn HD trong khâu sản xuất chương trình hợp tác và phát sóng trên sóng Đài PT-TH Quảng Nam.
Chỉ tiêu | Số tiền (triệu đồng/năm) | ||||
2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | |
Tổng nguồn kinh phí | 5.045 | 4.500 | 22.027 | 6.660 | 27.693 |
Nguồn đầu tư phát triển | 5.045 | 4.500 | 22.027 | 4.500 | 27.693 |
Nguồn sự nghiệp |
|
|
| 1.000 |
|
Nguồn phát triển hoạt động sự nghiệp của Đài PT-TH Quảng Nam |
| 0 | 0 | 1.160 | 148 |
* Năm 2021: 05 tỷ (ngân sách nhà nước: 3,5 tỷ đồng; nguồn thu sự nghiệp: 1,5 tỷ đồng)
1.4. Về lựa chọn đơn vị truyền dẫn phát sóng để đưa kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu, phát sóng không khóa mã trên hạ tầng truyền dẫn phát sóng số mặt đất và các hạ tầng truyền dẫn khác
Hiện nay, kênh QRT của Đài PT-TH Quảng Nam đang phát sóng trên hạ tầng số mặt đất của của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tại Đà Nẵng, Quảng Nam (Đà Nẵng 2KW kênh 25, Tam Kỳ 2KW kênh 26).
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Đài PT-TH Quảng Nam đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Truyền hình Kỹ thuật số Miền Nam (SDTV) để phát sóng kênh QRT trên mạng số đơn tần 1KW kênh 36. Ngoài ra, kênh QRT còn phát trên vệ tinh Vinasat-2, trên hạ tầng truyền dẫn của các hệ thống truyền hình cáp, truyền hình Internet và truyền hình di động.
Từ ngày 15/7/2019, Đài PT-TH Quảng Nam chấm dứt phát sóng Analog, chuyển phát số hoàn toàn; từ ngày 01/11/2019 hoàn toàn sản xuất, truyền dẫn và phát sóng theo chuẩn HD 1080i; từ ngày 30/6/2020 các trạm phát lại truyền hình các huyện miền núi dừng phát sóng Analog. Hiện chưa có chủ trương phát số truyền hình mặt đất tại các huyện, sau khi ngưng phát sóng Analog.
2. Một số tồn tại khi thực hiện Đề án số hóa
Do nguồn kinh phí có hạn nên việc đầu tư thiết bị số hóa không được đồng bộ. Để chuyển đổi từ Analog sang Digital, từ chuẩn SD sang HD Đài PT- TH Quảng Nam tính toán phải đầu tư từng bước để phù hợp với kinh phí và không gây lãng phí thiết bị cũ, Tuy nhiên, so với yêu cầu hoạt động hiện nay, thiết bị số hóa vừa thiếu số lượng và không đồng bộ về công nghệ.
Hiện tại Đài PT-TH Quảng Nam chưa có đủ kinh phí để truyền dẫn kênh QRT chuẩn HD lên các hạ tầng truyền dẫn số mặt đất, hệ thống truyền hình cáp được đông đảo người xem như VTVcab, SCTV, SDTV...
Phần lớn nguồn kinh phí đào tạo, kinh phí tuyên truyền Đài PT-TH Quảng Nam dùng từ nguồn tự thu để thực hiện do 02 nguồn này không được cấp như yêu cầu của Đề án số hóa.
Kết quả thực hiện Đề án số hóa là thành quả bước đầu, vì số hóa truyền hình không dừng ở việc sản xuất, truyền dẫn và phát sóng số chuẩn HD. Trong thời gian tới Đài PT-TH Quảng Nam sẽ tiếp tục xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả theo hướng nâng cao hệ thống quản lý, tiến tới trao đổi chung dữ liệu số, tạo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các khối chức năng trong cơ quan trong môi trường số; trong đó, việc xây dựng tòa soạn hội tụ là xu thế hướng đến của Đài PT-TH Quảng Nam.
IX. HẠN CHẾ, KHUYẾT ĐIỂM VÀ NGUYÊN NHÂN
1. Cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện phục vụ tác nghiệp còn thiếu số lượng, chất lượng thiếu đồng bộ và dự phòng thấp, không an toàn trong các hoạt động tác nghiệp. Địa bàn tỉnh rộng, nhiều huyện miền núi nhưng điều kiện làm việc cho phóng viên như: phương tiện đi lại, máy móc tác nghiệp hiện không đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ ngày càng cao; riêng số lượng máy quay phim hiện chỉ có khoảng 20 camera, nên bình quân từ 02 đến 03 phóng viên sử dụng một máy.
Có một số hệ thống thiết bị sản xuất chương trình cũ được đầu tư những năm trước đây được khai thác, sử dụng với cường độ cao, thuộc thế hệ cũ và thực tế đã hết khấu hao nên chất lượng chương trình không đáp ứng nhu cầu của khán, thính giả; không tương thích về hình ảnh và âm thanh, dễ gây mất an toàn khi phát sóng.
2. Nguồn nhân lực hiện có đang gặp khó khó khăn, vẫn còn 21 trường hợp hợp đồng chuyên môn, trong khi số hợp đồng này lại rơi vào các vị trí như phóng viên, biên tập viên các chương trình tiếng dân tộc thiểu số, biên tập viên kiêm phát thanh viên trẻ bổ sung cho số biên tập viên, phát thanh viên lớn tuổi, các vị trí đặc thù khó tuyển dụng như biên tập viên, phóng viên, đạo diễn; do đó, Đài PT-TH Quảng Nam dự báo sẽ rất khó khăn trong việc thu hút thêm nhân lực giỏi để thực hiện chiến lược phát triển những năm tới.
3. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lộ trình số hóa mặc dù Đài PT-TH Quảng Nam đã có nhiều cố gắng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn việc chuyển đổi công nghệ, thiết bị truyền dẫn, phát sóng và sản xuất chương trình đáp ứng yêu cầu số hóa, chuyển đổi sản xuất và phát sóng chương trình truyền hình HD cho đội ngũ kỹ thuật của Đài và các Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh - Truyền hình huyện, thị xã, thành phố tham gia học tập. Tuy nhiên, công tác đào tạo vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra; phần lớn nguồn kinh phí đào tạo, kinh phí tuyên truyền Đài PT-TH Quảng Nam dùng nguồn tự thu sự nghiệp để thực hiện, do 02 nguồn này không được cấp như yêu cầu của Đề án.
4. Nguồn kinh phí được cấp từ ngân sách chi thường xuyên hằng năm chỉ đáp ứng được bình quân 35% nhu cầu chi (năm 2017: 38,2%, năm 2018: 39,6%, năm 2019: 35,6% và năm 2020: 37,2%); trong khi nguồn thu từ Quảng cáo và thu khác không tăng hằng năm mà có nguy cơ sụt giảm sâu do tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp (năm 2020 giảm 02 tỷ đồng so với năm 2019, 08 tháng đầu năm 2021 giảm 07 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước và con số hụt thu dự kiến trong năm 2021 khoảng 10 tỷ đồng).
Nguyên nhân chính của hạn chế nêu trên là do khó khăn chung đối với hệ thống các Đài PT-TH trên cả nước nhiều năm qua nhưng Bộ Thông tin và Truyền thông, các địa phương chưa có cơ chế chính sách tháo gỡ. Riêng đối với Đài PT-TH Quảng Nam chưa tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh và các Sở, Ban, ngành có liên quan cơ chế chính sách để hỗ trợ, giải quyết.
MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Quan điểm chung
- Phát triển Đài PT-TH Quảng Nam trên cơ sở kế thừa và đổi mới, nâng cấp toàn diện cả về nội dung chương trình, nhân lực, phương thức hoạt động, cơ sở vật chất, thiết bị, công nghệ đáp ứng trong thời kỳ chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay.
- Đài PT-TH Quảng Nam là cơ quan báo chí của Đảng bộ, chính quyền Quảng Nam do UBND tỉnh quản lý, có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực duyên hải miền Trung bằng chất lượng nội dung chương trình, sự tiên phong về chất lượng đội ngũ nhân lực, phương thức hoạt động, quản lý, sự tiên tiến về cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ, góp phần tích cực trong công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị; quảng bá hình ảnh về Quảng Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển trong giai đoạn hiện nay.
2. Mục tiêu tổng quát
Phát triển Đài PT-TH Quảng Nam có đủ năng lực sản xuất, phát sóng các chương trình PT-TH đảm bảo chất lượng cao, phong phú, đa dạng về nội dung; đáp ứng thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh và nhu cầu hưởng thụ thông tin, giải trí ngày càng cao của Nhân dân.
3. Mục tiêu cụ thể
3.1. Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung chương trình, phản ánh toàn diện các hoạt động chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh; tiếng nói của các tầng lớp nhân dân; là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền, đoàn thể với Nhân dân. Mở rộng không gian và nội dung phản ánh các vấn đề có tính quốc gia và khu vực. Tích cực sản xuất các chương trình hợp tác với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và một số Đài của tỉnh, thành phố khác.
3.2. Thực hiện đúng lộ trình theo Kế hoạch 7001/KH-UBND ngày
22/11/2019 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
- Thực hiện theo Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 11/8/2021 của UBND tỉnh về nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị thông tin thiết yếu của các cơ quan báo chí tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025: hằng năm tăng khoảng 20% số lượng tin, bài, thời lượng chương trình phát thanh, truyền hình sản xuất mới phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu.
- Địa bàn tỉnh tương đối rộng, với 09 huyện miền núi, có vùng biển ngư trường rộng lớn, hằng năm luôn chịu tác động của thiên tai, bão lũ, do vậy, ngoài việc duy trì phát sóng truyền hình với 18 giờ/ngày, từ ngày 01/10/2021 tăng thời lượng sóng phát thanh từ 02 giờ 20 phút trong ngày lên quy mô 18 giờ/ngày.
- Nâng cao hiệu quả Trang thông tin điện tử www.qrt.vn đáp ứng yêu cầu giới thiệu, quảng bá tỉnh Quảng Nam tới độc giả trong và ngoài nước.
3.3. Đổi mới phương thức hoạt động và quản lý; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức theo hướng chuyên nghiệp hóa, chuyên sâu hóa; đặc biệt là cán bộ quản lý và cán bộ tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất chương trình.
3.4. Thực hiện xã hội hóa sản xuất các chương trình PT-TH, tăng cường tạo các nguồn thu chính đáng và đúng pháp luật trong lĩnh vực PT-TH góp phần tăng đầu tư nâng cao chất lượng chương trình, ổn định và nâng cao đời sống cho đội ngũ cán bộ, viên chức.
3.5. Tổ chức tốt các hoạt động xã hội, phát huy mạnh mẽ vai trò và ảnh hưởng của Đài PT-TH Quảng Nam trong công tác xã hội, nhân đạo, từ thiện, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo bền vững của tỉnh.
1. Nhóm giải pháp về đổi mới nâng cao chất lượng nội dung chương trình
Nâng cao tính thời sự, phát hiện, phản biện của báo chí và phát huy thế mạnh của PT-TH; chú trọng tính chuyên sâu trong tổng kết, đánh giá các vấn đề của chuyên đề, chuyên mục; đổi mới và nâng cao tính nghệ thuật, bản sắc văn hóa xứ Quảng, văn hóa các dân tộc thiểu số phía tây của tỉnh và khu vực trong các chương trình văn nghệ, giải trí; mở thêm một số chương trình, chuyên mục mới đáp ứng nhu cầu và thu hút đông đảo các đối tượng khán, thính giả trong và ngoài tỉnh. Tăng cường sản xuất và phối hợp sản xuất các tin tức, phóng sự, chuyên đề, văn nghệ giải trí trên địa bàn tỉnh và khu vực cung cấp cho Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các Đài PT-TH trong khu vực và trong nước, giới thiệu, quảng bá về hình ảnh, cơ hội thu hút đầu tư, bản sắc văn hóa Quảng Nam, các dân tộc thiểu số trong tỉnh và khu vực tới khán, thính giả.
1.1. Thời sự chính luận
- Từ năm 2021 đến năm 2025 duy trì ổn định, phát triển 05 bản tin thời sự phát thanh, 05 bản tin thời sự truyền hình/ngày đảm bảo có chất lượng, bao gồm: bản tin sáng, bản tin trưa, bản tin chiều, bản tin tối và bản tin cuối ngày; từng bước tiến tới thực hiện trực tiếp một số bản tin thời sự 06h00, 18h30 trong ngày.
- Nâng cao tính cập nhật, tính phát hiện, tính phản biện của tin tức, phóng sự; đảm bảo tính định hướng và tư tưởng, tính toàn diện giữa các lĩnh vực, vùng miền trong tỉnh; kịp thời phát hiện và phản ánh những vấn đề mới phát sinh, những mô hình, điển hình mới, những vấn đề bức xúc mà dư luận quan tâm; kiên trì theo đuổi các vấn đề, vụ việc, có chính kiến bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái xấu, tiêu cực.
- Sản xuất, phối hợp sản xuất các tin bài, phóng sự phản ánh các sự kiện, vấn đề nổi bật của khu vực để phát sóng trên kênh QRT và cung cấp tin tức, chương trình của tỉnh cho VTV, VOV.
1.2. Chuyên đề, chuyên mục
- Ổn định và chuyên sâu, tổ chức lại các chuyên mục chính luận chủ yếu sau đây: Chuyên mục kinh tế, Văn hóa-xã hội, Pháp luật và đời sống, Hộp thư truyền hình, Xây dựng Đảng, Đất và người xứ Quảng; nâng cao chất lượng chương trình, khuyến khích lối thể hiện mới, sáng tạo, có tính tương tác với khán giả.
- Đẩy mạnh sản xuất phim tài liệu, nhất là mảng phim lịch sử, danh nhân xứ Quảng; rèn luyện, bồi dưỡng một số đạo diễn, biên kịch, quay phim để hình thành đội ngũ làm phim tài liệu trẻ, có năng lực chuyên môn cao, bắt kịp xu hướng đổi mới trong lĩnh vực này.
- Phối hợp với các Sở, Ban, ngành và các địa phương để xây dựng chương trình, chuyên mục phát trên sóng Đài PT-TH Quảng Nam; thực thi các giải pháp thích hợp để nâng cao chất lượng chương trình.
1.3. Văn nghệ, giải trí, khoa giáo
- Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các chương trình văn nghệ, giải trí như: Văn học nghệ thuật, Văn nghệ xứ Quảng, Bạn có biết, Kiến thức cuộc sống, Sắc màu cuộc sống, Tiếng hát đất Quảng… Xây dựng các chương trình về giáo dục giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, quảng bá giới thiệu các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các danh lam thắng cảnh, các điểm tham quan du lịch, các giải thể thao của tỉnh.
- Phối hợp với các Sở, Ban, ngành và các địa phương tổ chức các chương trình giải trí có quy mô lớn góp phần đáp ứng nhu cầu giải trí, thưởng thức văn nghệ của các tầng lớp nhân dân, phù hợp với bản sắc văn hóa xứ Quảng.
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sản xuất và phát sóng các chương trình như: "Dạy hát dân ca trên sóng truyền hình", chuyên mục “Dân ca, bài chòi xứ Quảng”; trong đó, chú trọng khai thác các làn điệu dân ca như: hát Hò khoan, hô Bài chòi, hát Bả trạo, múa hát sắc bùa cùng với các loại nhạc cụ truyền thống nhằm làm nên âm sắc riêng của một vùng đất xứ Quảng. Phối hợp các ngành, đơn vị liên quan tổ chức sản xuất và phát sóng các chương trình ca nhạc lớn về Quảng Nam, tổ chức thi giọng hát hay đất Quảng, tiếng hát tuổi thơ khi Dự án phim trường mới hoàn thành.
1.4. Chương trình tiếng dân tộc thiểu số
- Duy trì, nâng cao chất lượng các chương trình phát sóng Tiếng dân tộc Cơ Tu, Ca Dong với quy mô 04 số tháng đối với tiếng Cơ Tu, 02 số/tháng đối với tiếng Ca Dong.
- Nghiên cứu và phối hợp với các địa phương để tiến tới sản xuất, phát sóng Chương trình bằng tiếng Giẻ Triêng (M’Nông).
- Thực hiện tốt việc phối hợp sản xuất chương trình cho VTV5.
1.5. Ưu tiên đầu tư nguồn lực để tăng thời lượng phát sóng, đầu tư phát triển kênh sóng phát thanh, Trang Thông tin điện tử http://qrt.vn, các trang mạng xã hội
- Thực hiện Quyết định số 1947/QĐ-UBND ngày 13/7/2021 của UBND tỉnh ban hành Đề án sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh; thành lập thêm 01 Phòng Phát thanh và Trang Thông tin điện tử để thực hiện chức năng, nhiệm vụ là tổ chức sản xuất, hoàn chỉnh và phát sóng tổng thể chương trình phát thanh hằng ngày; quản lý, khai thác, cập nhật tin tức, chương trình PT-TH lên Trang Thông tin điện tử http://qrt.vn và các trang mạng xã hội như: fanpage, youtube.
- Bên cạnh việc quan tâm đến đội ngũ, con người, trong khuôn khổ nguồn đầu tư công giai đoạn 2021-2025, từ năm 2022 sẽ đầu tư mua sắm Hệ thống thiết bị sản xuất chương trình phát thanh, bao gồm Studio phát thanh trực tiếp; Studio phát thanh thu ghi chương trình, Hệ thống thiết bị phát sóng chương trình phát thanh gồm: thiết bị cho bộ phận tổng khống chế và phát chương trình phát thanh; hệ thống máy phát sóng FM; hệ thống anten, cáp dẫn sóng và thiết bị phụ trợ; để phục vụ thiết thực cho việc việc sản xuất, phát sóng chương trình tăng thời lượng sóng phát thanh từ 02 giờ 20 phút trong ngày lên quy mô 18 giờ/ngày, thường xuyên cập nhật thông tin về các chương trình truyền hình của QRT lên các trang mạng xã hội. Đối với Quảng Nam là tỉnh có 125 km bờ biển, ngư dân chiếm một lượng lớn hành nghề trên biển nên bên cạnh việc phủ sóng bằng công nghệ IP; trong truyền dẫn, phát sóng phát thanh, cần đầu tư máy phát sóng phát thanh FM công suất lớn (10 KW) để phục vụ người dân nghe đài qua radio ngay trên ngư trường rộng lớn, tham gia tích cực vào công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo.
2. Nhóm giải pháp về đổi mới phương thức quản lý, hoạt động sản xuất chương trình
Nâng cao năng lực để chủ động sản xuất đủ và đảm bảo chất lượng các chương trình, chuyên mục chủ yếu của Đài PT-TH Quảng Nam, mặt khác mở rộng và tổ chức tốt các hoạt động liên kết với các đối tác trong sản xuất và khai thác các chương trình khác. Cụ thể:
- Với 02 Đài quốc gia: tích cực sản xuất, cung cấp các chương trình PT- TH; duy trì hợp tác sản xuất hằng năm theo đơn đặt hàng với VTV5.
- Với các Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh - Truyền hình huyện, thị xã, thành phố: duy trì việc sản xuất, phát sóng Trang truyền hình địa phương với hệ thống Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện; hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật để đủ năng lực kịp thời phát hiện và phản ánh những vấn đề của địa phương cung cấp cho Đài PT-TH Quảng Nam; từng bước hợp tác sản xuất chương trình phát thanh (mỗi tháng 02 số) phát trên sóng phát thanh Đài PT-TH Quảng Nam.
- Với các cơ quan, Ban, ngành cấp tỉnh: ổn định các chương trình, chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề của từng ngành có nhu cầu truyền thông trên Đài PT-TH Quảng Nam để xây dựng kế hoạch phối hợp, liên kết thực hiện. Trong đó, khuyến khích các ngành có điều kiện tự xây dựng nội dung hoặc đảm nhận các khâu chủ yếu trong sản xuất chương trình, Đài PT-TH Quảng Nam đảm nhận khâu hoàn thiện hậu kỳ và phát sóng. Với các ngành không có điều kiện, cần phối hợp chặt chẽ trong xây dựng đề cương, kịch bản, tổ chức sản xuất để đảm bảo tính chuyên sâu của từng lĩnh vực, ngành.
- Với các doanh nghiệp truyền thông: liên kết với một số công ty truyền thông trong và ngoài tỉnh để tổ chức sản xuất và khai thác các chương trình; nhất là các chương trình văn nghệ, giải trí và coi đây là một giải pháp quan trọng để khắc phục tình trạng thiếu và yếu về nhân lực, kinh phí và thiết bị hiện nay của Đài PT-TH Quảng Nam.
- Khai thác các chương trình miễn phí hoặc được cho, tặng, mua bản quyền một số chương trình/tác phẩm có chất lượng và phù hợp.
- Tranh thủ sự tư vấn của các chuyên gia trên các lĩnh vực để xây dựng chiến lược phát triển, định hướng xây dựng nội dung các chương trình, chuyên đề, chuyên mục hoặc từng tác phẩm, sản phẩm cụ thể; nghiên cứu thành lập hội đồng tư vấn/cố vấn gồm một số chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, trí thức có năng lực và tâm huyết để tư vấn/cố vấn về nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng các chương trình của Đài PT-TH Quảng Nam.
- Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác kết nghĩa với xã miền núi Trà Dơn, huyện Nam Trà My; chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng tại xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn; duy trì Giải đua thuyền truyền thống PT-TH hằng năm vào dịp ngày 19/5; duy trì các Chuyên mục như: Địa chỉ từ thiện, Cho ngày mai tươi sáng; phối hợp với các ngành, đơn vị tổ chức các hoạt động, sự kiện về đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, giúp đỡ người nghèo, cứu trợ thiên tai, thảm họa trên địa bàn tỉnh.
3. Nhóm giải pháp về công tác tổ chức bộ máy
3.1. Tổ chức bộ máy
- Xây dựng và phê duyệt Đề án vị trí việc làm, đảm bảo đủ số lượng và chất lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý, phóng viên, kỹ thuật viên, dẫn chương trình... Tập trung quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, biên tập viên, phóng viên và kỹ thuật viên giỏi.
- Trước mắt, ổn định đủ số lượng 94 biên chế giai đoạn 2021-2022. Thống nhất chủ trương cho Đài PT-TH Quảng Nam được hợp đồng chuyên môn, chi trả từ nguồn thu sự nghiệp, tự trang trải.
- Có cơ chế cho Đài PT-TH Quảng Nam được tuyển chọn nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc thù để phục vụ cho sự nghiệp phát triển PT-TH của tỉnh. Từ năm 2022 đến năm 2025, tổ chức tuyển chọn, thu hút ít nhất từ 05 - 10 lao động có chất lượng cao về dẫn chương trình, biên tập viên, phóng viên, đạo diễn, quay phim, họa sĩ, nhạc sĩ, biên kịch và kỹ thuật viên...
Ở đây, cần thấy rằng Đài PT-TH Quảng Nam phải thực hiện phát sóng 18 tiếng/ngày cho cả sóng PT-TH; trong đó, phải đảm bảo thời lượng chương trình tự sản xuất tối thiểu phải đạt 40% thời lượng kênh chương trình trong ngày. Đồng thời, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc nâng cao dân trí, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ, Nhân dân trên địa bàn. Trong thời gian qua, Đài PT-TH Quảng Nam đã sản xuất nhiều chương trình phát thanh, truyền hình mang đậm bản sắc văn hóa xứ Quảng, nên cần phải được bổ sung nguồn lực về con người mới thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
3.2. Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng
- Về chuyên môn: nghiên cứu mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ PT-TH cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của Đài PT-TH Quảng Nam, các Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thanh-Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố. Việc mở lớp đào tạo này là cần thiết, nhằm thực hiện Thông tư liên tịch số 17/2010/TTLT-BTTTT-BNV ngày 27/7/2010 của liên Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Phát thanh và Truyền hình thuộc UBND cấp tỉnh, Đài Truyền thanh-Truyền hình thuộc UBND cấp huyện.
- Về chính trị: từng bước chuẩn hóa trình độ trung cấp lý luận chính trị đối với đội ngũ phóng viên, biên tập viên và trình độ cao cấp lý luận chính trị cho đội ngũ trưởng, phó phòng.
- Về đào tạo chuyên sâu: phát hiện kịp thời những nhân tố có năng lực và triển vọng để tập trung đào tạo bồi dưỡng trở thành những cán bộ giỏi, có chuyên môn vững vàng; trong đó, lưu ý các lĩnh vực cán bộ quản lý, đạo diễn, biên kịch, dẫn chương trình, quay phim, cán bộ kỹ thuật - công nghệ.
4. Nhóm giải pháp về trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ điều hành, sản xuất và phát sóng chương trình (chi tiết tại Phụ lục III)
4.1. Thiết bị sản xuất và phát sóng chương trình
- Tiếp tục duy trì các trang thiết bị hiện có đảm bảo duy trì phát sóng chương trình chuẩn HD.
- Từng bước thực hiện đầu tư mới các trang thiết bị theo hướng đảm bảo số lượng, đồng bộ về công nghệ và đạt hệ số dự phòng; trong đó, chú ý thực hiện đầu tư mới trang thiết bị sản xuất và điều khiển phát sóng theo tiêu chuẩn HD; tiếp tục đầu tư đồng bộ hệ thống camera, xe truyền hình lưu động, hệ thống lưu trữ và phát sóng theo tiêu chuẩn HD, các Studio truyền hình đáp ứng tiêu chuẩn.
- Đầu tư lắp đặt thiết bị tại các Studio, phòng bá âm sản xuất và phát sóng chương trình phát thanh, cập nhật chương trình lên Trang thông tin điện tử tại địa chỉ https://qrt.vn và các trang mạng xã hội như: fanpage, youtube...
- Từng bước thay thế các trang thiết bị đã cũ, đảm bảo quy trình hoạt động và điều hành thông qua mạng máy tính tại Trung tâm sản xuất chương trình (tại địa chỉ số 58, đường Hùng Vương, thành phố Tam Kỳ) sử dụng các công nghệ hiện đại, tốc độ cao để nâng cao hiệu quả quản lý và sản xuất chương trình.
4.2. Cơ sở vật chất và phương tiện
- Hoàn thành Dự án phim trường sản xuất chương trình truyền hình để đưa vào sử dụng trong năm 2022.
- Sửa chữa, chống thấm khu nhà kỹ thuật, sản xuất chương trình 03 tầng và sửa chữa các khu nhà để xe.
- Đầu tư xây dựng tường rào, cổng ngõ, khuôn viên cơ quan Đài PT-TH Quảng Nam tại địa chỉ số 58 đường Hùng Vương, thành phố Tam Kỳ.
- Trang bị 02 máy nổ (công suất mỗi máy 250 KVA), phục vụ phát sóng tại Trạm Phát sóng An Hà và dự phòng tại Trung tâm sản xuất chương trình, địa chỉ số 58 đường Hùng Vương, thành phố Tam Kỳ.
- Từng bước thay thế phương tiện đã hết thời gian sử dụng phải thanh lý (01 xe ô tô 16 chỗ ngồi) để đảm bảo đáp ứng yêu cầu sản xuất chương trình lưu động tại các địa phương trong tỉnh.
4.3. Về truyền dẫn, tiếp phát sóng
- Tiếp tục đầu tư hỗ trợ kinh phí để duy trì phủ sóng PT-TH Quảng Nam qua vệ tinh Vinasat-2; hệ thống số mặt đất của Công ty TNHH Truyền hình Kỹ thuật số miền Nam (SDTV); phối hợp đưa sóng QRT trên hệ thống truyền hình cáp Sông Thu tại thành phố Đà Nẵng, truyền hình cáp tại Quảng Nam và các hạ tầng truyền dẫn khác.
- Từng bước có sự đầu tư kinh phí để nâng cấp tín hiệu đưa sóng truyền hình Quảng Nam từ chuẩn SD lên chuẩn HD tại các hạ tầng như vệ tinh Vinasats-2, SDTV, VTV cáp toàn quốc, SCTV để đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu xem truyền hình của Nhân dân. Mặt khác, nghiên cứu duy trì kênh QRT trên hệ thống truyền hình số mặt đất tại thành phố Đà Nẵng, MyTV, mở rộng thêm hình thức phủ sóng qua IpTV (truyền hình qua mạng internet), MobiTV (truyền hình qua mạng di động).
5. Nhóm giải pháp về công tác tài chính
5.1. Về nguồn thu
a) Nguồn thu từ ngân sách
- Việc xây dựng phương án tự chủ tài chính theo tinh thần quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và việc triển khai đặt hàng tuyên truyền theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ là giải pháp quan trọng để các cơ quan báo chí ổn định, giảm áp lực về bài toán kinh tế, có điều kiện để đầu tư nâng cao chất lượng chương trình tuyên truyền nhiệm vụ chính trị nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và phát triển sự nghiệp.
- Để thực hiện đảm bảo Quy hoạch Đài PT-TH Quảng Nam chủ động xây dựng phương án tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ để trình UBND tỉnh ban hành theo hướng chuyển từ việc giao kinh phí chi thường xuyên sang giao nhiệm vụ đặt hàng để nâng cao hiệu quả quản lý. Lộ trình thực hiện khi có hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ.
- Đài PT-TH Quảng Nam tập trung tham mưu UBND tỉnh thực hiện các quy định liên quan đến triển khai thực hiện Quyết định số 2608/QĐ-UBND ngày 14/9/2021 của UBND tỉnh ban hành quy định thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Trong đó, tập trung tham mưu xây dựng chi tiết danh mục dịch vụ sự nghiệp công lĩnh vực PT-TH, định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá dịch vụ công để làm cơ sở cung cấp các dịch vụ công, ngân sách nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu theo quy định, đồng thời làm cơ sở để tiến tới triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo quy định.
b) Thu hoạt động Quảng cáo và dịch vụ khác
- Tích cực xã hội hóa, khai thác tốt các nguồn tài chính; đặc biệt là hoạt động kinh tế báo chí để từng bước đầu tư nâng cao chất lượng nội dung chương trình, hiện đại hóa cơ sở vật chất và trang thiết bị, ổn định và nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức, người lao động.
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quảng cáo, cơ chế thu hút quảng cáo phù hợp với môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong quảng cáo báo chí; tập trung phát triển lĩnh vực nội dung số, mạng xã hội youtube, facebook, tiktok... để tương tác và thu hút khán giả ở nhiều thành phần khác nhau.
- Có chính sách giá cả quảng cáo hợp lý cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp đang đầu tư vào Quảng Nam; mở rộng quan hệ với các doanh nghiệp, đơn vị làm công tác truyền thông quảng cáo ngoài tỉnh; nhất là đội ngũ doanh nhân là con em người Quảng Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam gắn liền với việc thu hút khán, thính giả của Đài PT-TH Quảng Nam.
- Đa dạng hóa hình thức liên kết với một số công ty truyền thông trong và ngoài tỉnh để tổ chức sản xuất và khai thác các chương trình; nhất là văn nghệ, thể thao, giải trí theo nguyên tắc thị trường.
- Nguồn thu hoạt động quảng cáo, tài trợ chương trình và dịch vụ khác thực hiện theo nguyên tắc phải đảm bảo tự trang trải chi phí của hoạt động thu và chi trả một phần các khoản chi nâng cao chất lượng chương trình, đầu tư trang thiết bị, cải thiện đời sống cán bộ, viên chức, người lao động và có nộp ngân sách nhà nước theo quy định.
5.2. Về chi phí
- Chi hoạt động sự nghiệp PT-TH: bao gồm các khoản chi tiền lương, chi phí nhiên liệu, điện năng, công tác phí, nguyên vật liệu phục vụ hoạt động nghiệp vụ, dịch vụ thuê kênh, đặt hàng sản xuất chương trình, nhuận bút cho các kênh PT-TH và Trang thông tin điện tử... theo quy định hiện hành. Riêng đối với số hợp đồng lao động ngoài chỉ tiêu biên chế, Đài PT-TH Quảng Nam phải tự cân đối lương, phụ cấp các khoản từ nguồn thu sự nghiệp.
- Chi phí hoạt động thu: chi phí hoạt động thu bao gồm chi phí mua bản quyền chương trình (phim truyện, các chương trình giải trí,..); chi phí dịch vụ phục vụ trực tiếp cho các chương trình; chi phí nguyên liệu, nhiên vật liệu, điện năng; tiền lương; khấu hao... được thực hiện theo quy định hiện hành.
6. Phân kỳ đầu tư: (chi tiết theo Phụ lục IV)
6.1. Giai đoạn 2021-2022
- Tiếp tục hoàn thiện và đưa vào sử dụng Dự án phim trường sản xuất chương trình truyền hình trong quý III năm 2022 (theo Quyết định số 3475/QĐ- UBND ngày 31/10/2019 của UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: Phim trường sản xuất chương trình truyền hình).
- Triển khai thực hiện Dự án thiết bị nâng cao năng lực sản xuất các chương trình PT-TH từ nguồn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trong đó, năm 2022 tập trung đầu tư chủ yếu cho hệ thống thiết bị phát thanh để phục vụ tăng thời lượng sản xuất, phát sóng, phát thanh từ 2h30/ngày lên 18h/ngày; bao gồm Hệ thống thiết bị sản xuất chương trình phát thanh: Studio phát thanh trực tiếp, Studio phát thanh thu ghi chương trình; Hệ thống thiết bị phát sóng chương trình phát thanh: thiết bị cho bộ phận tổng khống chế và phát chương trình phát thanh; Hệ thống máy phát sóng FM; Hệ thống anten, cáp dẫn sóng và thiết bị phụ trợ (theo Thông báo số 208/TB-UBND ngày 08/6/2020 của UBND tỉnh về kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu tại buổi làm việc với Đài PT-TH Quảng Nam về tổng kết 05 năm thực hiện Đề án theo Quyết định số 1537/QĐ-UBND ngày 04/5/2015 về triển khai thực hiện Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; xây dựng Đề án phát triển Đài PT-TH Quảng Nam trong 05 năm tới 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và theo Nghị quyết số 66/NQ- HĐND ngày 29/9/2021 của HĐND tỉnh về quyết định chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công nhóm B sử dụng vốn ngân sách địa phương và Quyết định số 2342/QĐ-UBND ngày 16/8/2021 của UBND tỉnh về việc giao nhiệm vụ lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án đầu tư kế hoạch năm 2022 nguồn ngân sách nhà nước).
- Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam (Ban Truyền hình Dân tộc VTV5) tham gia Đề án “Tăng cường năng lực sản xuất và phát sóng chương trình truyền hình tiếng Dân tộc trong tình hình mới, giai đoạn 2021- 2025”, để được đầu tư thiết bị, phương tiện sản xuất chương trình tiếng Dân tộc và đầu tư máy phát sóng (nguồn kinh phí từ VTV5).
6.2. Giai đoạn 2023-2024
- Tiếp tục triển khai dự án: Thiết bị nâng cao năng lực sản xuất các chương trình phát thanh truyền hình; trọng tâm là hệ thống thiết bị truyền hình. Bao gồm: Hệ thống thiết bị Trường quay thời sự; Hệ thống thiết bị Studio Trường quay các chương trình tọa đàm; Camera HD ghi hình thẻ nhớ 1/2 inch và các thiết bị phụ trợ; Hệ thống thiết bị máy biên tập và dựng hình các chương trình; nâng cấp: hệ thống thiết bị xe truyền hình lưu động chuẩn HD, hệ thống thiết bị bộ phận tổng khống chế HD, hệ thống thiết bị mạng và lưu trữ, gồm: thiết bị lưu trữ NAS 160TB; bộ lưu trữ nội bộ 60TB; cổng mạng 10Gb và Switch mạng lõi (theo Nghị quyết số 66/NQ-HĐND ngày 29/9/2021 của HĐND tỉnh về quyết định chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công nhóm B sử dụng vốn ngân sách địa phương và Quyết định số 2342/QĐ-UBND ngày 16/8/2021 của UBND tỉnh về việc giao nhiệm vụ lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án đầu tư kế hoạch năm 2022 nguồn ngân sách nhà nước).
- Nâng cấp hệ thống Trang thông tin điện tử website www.qrt.vn, xây dựng trang youtube và fanpage của Đài.
- Đầu tư mua sắm mới 01 xe ô tô từ 16 đến 30 chỗ ngồi (thay thế cho xe ô tô 16 chỗ ngồi đã hết thời gian khấu hao và niên hạn sử dụng, thanh lý trong năm 2021) để vận chuyển trang thiết bị chuyên dụng và ekip kỹ thuật viên, phóng viên... phục vụ đảm bảo đáp ứng yêu cầu cho việc sản xuất các chương trình truyền hình lưu động, tại vùng cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa... (kinh phí khoảng 1 tỷ 500 triệu đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa).
- Lập các thủ tục để triển khai dự án thứ 2 về đầu tư trung hạn giai đoạn 2022 - 2025, gồm: Dự án thiết bị khâu tiền kỳ, hậu kỳ, lưu trữ phục vụ sản xuất chương trình truyền hình theo chuẩn HD và mua sắm bổ sung thiết bị âm thanh, ánh sáng phim trường lớn. Kinh phí khoảng 50 tỷ đồng (theo Báo cáo số 122/BC-UBND ngày 19/7/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam tại Phụ biểu số 09 đính kèm)
- Lập các thủ tục phê duyệt đầu tư kinh phí để nâng cấp tín hiệu đưa sóng truyền hình Quảng Nam từ chuẩn SD lên chuẩn HD tại các hạ tầng lớn của quốc gia trên phạm vi toàn quốc theo thứ tự ưu tiên từ đưa sóng QRT lên hạ tầng HD của VTV cáp, SCTV, nâng cấp chuẩn từ SD lên HD vệ tinh Vinasats-2 và SDTV (thực hiện theo Thông báo số 199/TB-UBND ngày 14/6/2018 của UBND tỉnh về kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân tại buổi làm việc với Đài PT-TH Quảng Nam về việc đưa sóng truyền hình QRT lên các hạ tầng truyền dẫn lớn như VTVcab, SCTV).
Trong đó:
- Ưu tiên 1: nâng cấp tín hiệu và đưa sóng truyền hình Quảng Nam từ chuẩn SD lên chuẩn HD lên hạ tầng kênh VTV cáp trên phạm vi toàn quốc: 01 tỷ 350 triệu đồng.
- Ưu tiên 2: đầu tư kinh phí và đưa sóng truyền hình Quảng Nam từ chuẩn SD lên chuẩn HD tại hạ tầng SCTV toàn quốc: 01 tỷ 621 triệu đồng.
- Ưu tiên 3: đầu tư kinh phí để nâng cấp tín hiệu đưa sóng truyền hình Quảng Nam từ chuẩn SD lên chuẩn HD trên vệ tinh Vinasat-2: 04 tỷ 500 triệu đồng (tăng 01 tỷ 750 triệu/năm so với mức thuê lên vệ tinh chuẩn SD hiện nay là 02 tỷ 750 triệu).
- Ưu tiên 4: đầu tư kinh phí để nâng cấp tín hiệu đưa sóng truyền hình Quảng Nam từ chuẩn SD lên chuẩn HD lên hạ tầng SDTV toàn quốc: 02 tỷ 736 triệu đồng.
6.3. Giai đoạn năm 2025 và định hướng đến năm 2030:
- Đầu tư cải tạo và sửa chữa nâng cấp khu nhà 07 tầng và khu kỹ thuật 03 tầng tại địa chỉ số 58, đường Hùng Vương, thành phố Tam Kỳ phục vụ hoạt động điều hành và sản xuất chương trình PT-TH Quảng Nam khoảng 02 tỷ đồng (từ nguồn không thường xuyên của ngân sách tỉnh).
- Nâng cấp phim trường văn nghệ cũ hiện có và các Studio truyền hình, phòng thu âm lồng tiếng đáp ứng tiêu chuẩn tại Trung tâm sản xuất chương trình số 58 Hùng Vương, khoảng 02 tỷ đồng (từ nguồn không thường xuyên của ngân sách tỉnh).
- Tiếp tục triển khai thực hiện Dự án thứ 2 về đầu tư trung hạn giai đoạn 2022 - 2025, gồm: Dự án thiết bị khâu tiền kỳ, hậu kỳ, lưu trữ phục vụ sản xuất chương trình truyền hình theo chuẩn HD và mua sắm bổ sung thiết bị âm thanh, ánh sáng phim trường lớn.
6.4. Kinh phí và nguồn vốn thực hiện
- Nguồn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị được thực hiện theo các dự án từ nguồn đầu tư công được cấp có thẩm quyền phê duyệt (Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua trong giai đoạn 2021-2025) và các dự án mới từ nguồn ngân sách không thường xuyên hằng năm.
- Tổng kinh phí thực hiện: 134.564.833.000 đồng
Bằng chữ: Một trăm ba mươi bốn tỷ, năm trăm sáu mươi bốn triệu, tám trăm ba mươi ba ngàn đồng.
Trong đó:
Nguồn đầu tư phát triển ngân sách tỉnh: 117.349.000.000 đồng.
(đã bao gồm nguồn vốn bố trí cho dự án chuyển tiếp là 17.349.000.000 đồng)
Nguồn vốn sự nghiệp ngân sách tỉnh: 15.715.833.000 đồng.
Nguồn dịch vụ quảng cáo và xã hội hóa: 1.500.000.000 đồng.
Thực hiện theo Kế hoạch 7001/KH-UBND ngày 22/11/2019 của UBND tỉnh Quảng Nam về triển khai thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ về việc quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; Chỉ thị số 01/CT-BTTTT ngày 11/01/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc xác định phải xây dựng các cơ quan báo chí chủ lực thực sự là chủ lực; hỗ trợ báo chí chuyển đổi số và thực hiện Đề án “Phát triển Đài PT-TH Quảng Nam trong thời kỳ chuyển đổi số, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
II. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Thông tin và Truyền thông
- Hỗ trợ tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản liên quan nhằm tuyên truyền, quán triệt công tác triển khai Đề án; nhất là tính ưu việt và xu thế phát triển tất yếu của loại hình báo chí đặc thù thuộc lĩnh vực phát thành, truyền hình trong thời kỳ chuyển đổi số.
- Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các hoạt động của Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thanh-Truyền hình cấp huyện đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên cơ sở bám sát các nhiệm vụ chính trị, định hướng của địa phương và nhiệm vụ phối hợp sản xuất, cung cấp chương trình PT-TH để phát sóng trên Đài PT-TH Quảng Nam.
- Phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu UBND tỉnh về định hướng thiết bị công nghệ PT-TH theo hướng số hóa.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, hướng dẫn hồ sơ thủ tục đầu tư, thẩm định dự án đầu tư theo thẩm quyền; tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí kế hoạch vốn triển khai các nội dung liên quan thuộc Đề án đảm bảo khả năng cân đối vốn theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh giai đoạn 2021-2025.
3. Sở Tài chính
- Tham mưu UBND tỉnh kiểm tra, có ý kiến phương án tự chủ tài chính của Đài PT-TH Quảng Nam theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ và các quy định có liên quan.
- Tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí chi thường xuyên và không thường xuyên từ ngân sách nhà nước để triển khai các nội dung của Đề án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, khả năng cân đối ngân sách hàng năm và các quy định có liên quan.
4. Sở Nội vụ
- Phối hợp với Đài PT-TH Quảng Nam tham mưu UBND tỉnh Quyết định phê duyệt Đề án Vị trí việc làm của Đài PT-TH Quảng Nam. Trên cơ sở đó, tham mưu UBND tỉnh bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển Đài PT-TH Quảng Nam.
- Phối hợp Đài PT-TH Quảng Nam tham mưu UBND tỉnh về công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn PT-TH hằng năm, tăng cường công tác quản lý nghiệp vụ địa phương tại Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thanh- Truyền hình cấp huyện theo nội dung Thông tư liên tịch số 17/2021/TTLT- BTTTT-BNV ngày 27/7/2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Nội vụ.
5. Sở Khoa học và Công nghệ
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PT-TH Quảng Nam và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh tiêu chí đầu tư thiết bị công nghệ theo hướng số hóa PT-TH giai đoạn 2022-2025.
6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Phối hợp với Đài PT-TH Quảng Nam tổ chức sản xuất và phát sóng các chương trình truyền hình nhằm tuyên truyền, bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa xứ Quảng trong thời kỳ hội nhập theo đúng tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 20/7/2021 tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ tư, khóa XXII về phát triển sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.
- Phối hợp tổ chức tường thuật trực tiếp/ghi hình phát sóng lễ kỷ niệm, sự kiện chính trị trọng đại của tỉnh, chương trình nghệ thuật, giải thể thao; phối hợp xây dựng các chuyên mục về văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình phát trên sóng Đài PT-TH Quảng Nam.
7. UBND các huyện, thị xã, thành phố
Triển khai thực hiện Đề án này phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Tập trung chỉ đạo xây dựng Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thanh-Truyền hình cấp huyện đủ năng lực, điều kiện sản xuất chương trình PT- TH để phát trên sóng của Đài PT-TH Quảng Nam.
8. Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án.
- Định kỳ hằng năm, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện với UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo triển khai thực hiện đạt kết quả đề ra.
THỰC TRẠNG CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ SỐ LƯỢNG NGƯỜI LÀM VIỆC TẠI ĐÀI PHÁT THANH-TRUYỀN HÌNH QUẢNG NAM
(Kèm theo Đề án Phát triển Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Nam trong thời kỳ chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030)
TT | Cơ cấu tổ chức | Biên chế được giao | Tổng số người cần bố trí theo vị trí việc làm | Số người làm việc | |||
Tổng cộng | Trong đó | ||||||
Biên chế đã tuyển dụng | Hợp đồng chuyên môn, nghiệp vụ | Hợp đồng theo Nghị định 68 | |||||
1 | 2 | 3 | 4 |
| 5 | 6 | 7 |
I | Lãnh đạo Đài | 4 | 4 | 3 | 3 |
|
|
II | Các phòng chuyên môn trực thuộc |
|
|
|
|
|
|
1 | Phòng Tổ chức, Hành chính và Quản lý nghiệp vụ địa phương | 7 | 13 | 13 | 5 | 1 | 7 |
2 | Phòng Dịch vụ-Quảng cáo và Kế hoạch - Tài vụ | 10 | 10 | 8 | 6 | 2 |
|
3 | Phòng Chuyên đề | 8 | 10 | 10 | 7 | 3 |
|
4 | Phòng Thời sự | 11 | 19 | 19 | 11 | 8 |
|
5 | Phòng Chương trình | 9 | 12 | 11 | 9 | 2 |
|
6 | Phòng Dân tộc và Miền núi | 8 | 10 | 9 | 6 | 3 |
|
7 | Phòng Văn nghệ và Giải trí | 8 | 10 | 10 | 8 | 2 |
|
8 | Phòng Kỹ thuật và Công nghệ | 22 | 23 | 23 | 22 | 1 |
|
9 | Phòng Phát thanh và Trang thông tin điện tử | 7 | 9 | 7 | 6 | 1 |
|
Tổng cộng: | 94 | 120 | 113 | 83 | 23 | 7 |
THỜI LƯỢNG SẢN XUẤT CÁC CHƯƠNG TRÌNH
(Kèm theo Đề án Phát triển Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Nam trong thời kỳ chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030)
TT | Tên chương trình, chuyên mục | Số chương trình/01 năm | Tổng thời lượng trong năm (phút) |
I | TRUYỀN HÌNH | 5.609 | 79.420 |
1 | Bản tin thời sự (gồm 8 bản tin) | 2.920 | 36.865 |
2 | Chuyên đề, chuyên mục, chuyên trang (gồm 7 chuyên mục) | 156 | 2.085 |
3 | Tiếng dân tộc (gồm Cơtu, Cadong, Bh'noong, Kinh) | 96 | 1.344 |
4 | Văn nghệ, giải trí (gồm 17 chuyên mục) | 1.935 | 27.996 |
5 | Phim khoa giáo, phim tài liệu | 360 | 9.000 |
6 | Các chương trình an ninh,, quốc phòng, biển đảo... | 142 | 2.130 |
7 | Các chương trình khác |
|
|
II | PHÁT THANH | 2.347 | 40.955 |
1 | Bản tin thời sự | 1.095 | 20.075 |
2 | Chuyên đề, chuyên mục (gồm 7 chương trình) | 364 | 6.240 |
3 | Tiếng dân tộc (gồm Cơtu, Cadong, Kinh) | 120 | 1.680 |
4 | Văn nghệ, giải trí (gồm 15 chuyên mục) | 768 | 12.960 |
5 | Các chương trình khác |
|
|
III | TRANG TIN ĐIỆN TỬ (qrt.vn) |
|
|
THIẾT BỊ SẢN XUẤT, PHÁT SÓNG CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH - TRUYỀN HÌNH VÀ CƠ SỞ VẬT CHẤT
(Kèm theo Đề án Phát triển Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Nam trong thời kỳ chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030)
TT | Thiết bị | Số lượng | Đơn vị tính |
1 | Thiết bị sản xuất chương trình phát thanh |
|
|
1.1 | Studio phát thanh trực tiếp | 01 | Hệ thống |
1.2 | Studio sản xuất chương trình phát thanh | 01 | Hệ thống |
2 | Thiết bị phát sóng phát thanh |
|
|
2.1 | Thiết bị cho phòng tổng khống chế & phát chương trình phát thanh; | 01 | Hệ thống |
2.2 | Hệ thống máy phát sóng FM và Anten | 01 | Hệ thống |
3 | Thiết bị sản xuất chương trình truyền hình |
|
|
3.1 | Hệ thống thiết bị trường quay thời sự 1 | 01 | Hệ thống |
3.2 | Hệ thống thiết bị trường quay thời sự 2 | 01 | Hệ thống |
3.3 | Hệ thống thiết bị trường quay tọa đàm | 01 | Hệ thống |
4 | Thiết bị sản xuất và phát sóng chương trình truyền hình |
|
|
4.1 | Camera cho phóng viên và phụ kiện | 20 | Bộ |
4.2 | Hệ thống máy biên tập; dựng hình | 10 | Bộ |
5 | Bổ sung thiết bị cho xe truyền hình lưu động HD |
|
|
5.1 | Hệ thống camera và thiết bị phụ trợ | 02 | Bộ |
6 | Bổ sung thiết bị kỹ thuật tổng khống chế |
|
|
6.1 | Bàn điều khiển phát sóng Tổng khống chế | 01 | Bộ |
7 | Nâng cấp hệ thống mạng trung tâm | 01 | Hệ thống |
8 | Máy phát điện dự phòng | 02 | Hệ thống |
9 | Xe ô tô 16 chỗ ngồi | 01 | Chiếc |
10 | Sửa chữa cơ sở vật chất |
|
|
10.1 | Sửa chữa, chống thấm khu nhà kỹ thuật, sản xuất chương trình 03 tầng và sửa chữa các khu nhà để xe | 01 | Hệ thống |
10.2 | Cải tạo, sửa chữa tường rào, cổng ngõ | 01 | Hệ thống |
10.3 | Sửa chữa khu nhà làm việc 7 tầng | 01 | Hệ thống |
BẢNG CHI TIẾT DỰ KIẾN PHÂN KỲ NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ GIAI ĐOẠN 2021 – 2025
(Kèm theo Đề án Phát triển Đài Phát thanh -Truyền hình Quảng Nam trong thời kỳ chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030)
Đơn vị tính: 1.000 đồng
STT | PHÂN KỲ ĐẦU TƯ | DANH MỤC ĐẦU TƯ | TỔNG MỨC ĐẦU TƯ | CƠ CẤU NGUỒN VỐN | TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN | GHI CHÚ | ||
Nguồn đầu tư phát triển | Nguồn sự nghiệp | Nghiệp dịch vụ XHH | ||||||
1 | Giai đoạn 2021 - 2022 | Dự án Xây dựng Phim trường sản xuất chương trình QRT (dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước chuyển sang) | 17.349.000 | 17.349.000 | - | - | Đã triển khai | QĐ số 3475/QĐ UBND ngày 31/10/2019 |
2 | Dự án Thiết bị nâng cao năng lực sản xuất các chương trình phát thanh và truyền hình. Giai đoạn 1 gồm các hạng mục sau: - Hệ thống SXCT phát thanh: studio phát thanh trực tiếp, ghi hình - Hệ thống phát sóng phát thanh: thiết bị cho tổng khống chế và truyền dẫn tín hiệu, Máy phát sóng FM | 20.000.000 | 20.000.000 | - | - | Quý 2/2022 | Nghị quyết số 66/NQ-HĐND ngày 29/9/2021 và QĐ số 2342/QĐ-UBND ngày 16/8/2021 | |
3 | Hệ thống thiết bị phục vụ sản xuất chương trình tiếng Dân tộc | - | - | - | - |
| VTV5 hỗ trợ | |
Tổng |
| 37.349.000 | 37.349.000 | - | - |
|
| |
1 | Giai đoạn 2023 - 2024 | Dự án Thiết bị nâng cao năng lực sản xuất các chương trình phát thanh và truyền hình. Giai đoạn 2 gồm các hạng mục sau: - Hệ thống thiết bị Trường quay thời sự; gồm: Hệ thống thiết bị trường quay ảo và thiết bị phụ trợ. - Hệ thống thiết bị Trường quay các chương trình tọa đàm. - Bổ sung Camera và các phụ kiện kèm theo | 30.000.000 | 30.000.000 | - | - | Hoàn thành trong năm 2023 | Nghị quyết số 66/NQ-HĐND ngày 29/9/2021 và QĐ số 2342/QĐ-UBND ngày 16/8/2021 |
2 | Nâng cấp Trang TTĐT - Youtube | 1.508.833 | - | 1.508.833 |
| Quý 1/2023 | Trình xin chủ trương UBND tỉnh | |
3 | Mua xe ô tô 16 đến 30 chỗ ngồi | 1.500.000 | - | - | 1.500.000 | Quý 2/2023 | Trình xin chủ trương UBND tỉnh | |
4 | Dự án Thiết bị khâu tiền kỳ, hậu kỳ và lưu trữ phục vụ sản xuất chương trình truyền hình. Giai đoạn 1 gồm các hạng mục: - Hệ thống Server lưu trữ dữ liệu tập trung. - Thiết bị xử lý hậu kỳ: Bộ dựng hình phi tuyến, thiết bị key phim trường, thiết bị chạy chữ, micro đúp âm và các thiết bị phụ trợ | 25.000.000 | 25.000.000 | - | - | Quý 3/2023 | Báo cáo số 122/BC-UBND ngày 19/7/2021 | |
5 |
| Lập thủ tục xin chủ trương: Nâng cấp tín hiệu QRT từ chuẩn SD lên chuẩn HD trên các hạ tầng truyền dẫn phát sóng: VTV cáp, SCTV, Vinasat-2, SDTV toàn quốc. Theo thứ tự ưu tiên như sau: |
|
|
|
|
| Thông báo số 199/TB-UBND ngày 14/6/2019 |
5.1 |
| Nâng cấp tín hiệu QRT từ chuẩn SD lên chuẩn HD trên hạ tầng truyền dẫn phát sóng VTV cáp | 1.350.000 | - | 1.350.000 | - |
| Ưu tiên 1 |
5.2 |
| Đầu tư nâng cáp tín hiệu QRT từ chuẩn SD lên HD trên hạ tầng truyền dẫn phát sóng SCTV | 1.621.000 | - | 1.621.000 | - |
| Ưu tiên 2 |
5.3 |
| Nâng cáp tín hiệu QRT từ chuẩn SD lên HD trên hạ tầng truyền dẫn phát sóng vệ tinh Vinasat-2 | 4.500.000 | - | 4.500.000 | - |
| Ưu tiên 3 |
5.4 |
| Đầu tư nâng cáp tín hiệu QRT từ chuẩn SD lên HD trên hạ tầng truyền dẫn phát sóng SDTV | 2.736.000 | - | 2.736.000 | - |
| Ưu tiên 4 |
Tổng |
| 68.215.833 | 55.000.000 | 11.715.833 | 1.500.000 |
|
| |
1 | Giai đoạn 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 | Cải tạo, nâng cấp khu nhà 7 tầng và khu 3 tầng | 2.000.000 |
| 2.000.000 |
| Quý 1/2025 | Trình xin chủ trương UBND tỉnh |
2 | Nâng cấp các Studio truyền hình Thời sự, Văn nghệ | 2.000.000 |
| 2.000.000 |
| Quý 2/2025 | Trình xin chủ trương UBND tỉnh | |
3 | Dự án Thiết bị khâu tiền kỳ, hậu kỳ và lưu trữ phục vụ sản xuất chương trình truyền hình. Giai đoạn 2 gồm các hạng mục: - Thiết bị sản xuất khâu tiền kỳ, hậu và lưu trữ - Hệ thống âm thanh, hệ thống ánh sáng phục vụ Phim trường truyền hình QRT | 25.000.000 | 25.000.000 |
|
| Quý 2/2025 | Báo cáo số 122/BC- UBND ngày 19/7/2021 | |
Tổng |
| 29.000.000 | 25.000.000 | 4.000.000 | - |
|
| |
TỔNG CỘNG | 134.564.833 | 117.349.000 | 15.715.833 | 1.500.000 |
|
|
Bằng chữ: Một trăm ba mươi bốn tỷ, năm trăm sáu mươi bốn triệu, tám trăm ba mươi ba ngàn đồng./.
- 1Quyết định 46/2021/QĐ-UBND quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Nam Định
- 2Quyết định 47/2021/QĐ-UBND sửa đổi Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Lai Châu kèm theo Quyết định 07/2016/QĐ-UBND
- 3Quyết định 5124/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Danh mục vị trí việc làm; Bản mô tả công việc và Khung năng lực vị trí việc làm của Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định
- 4Quyết định 966/QĐ-UBND năm 2021 về Đề án “Phát triển Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An theo hướng chuyển đổi số, giai đoạn 2021-2025” do tỉnh Nghệ An ban hành
- 5Quyết định 3937/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án Phát triển Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa đến năm 2030
- 6Quyết định 416/QĐ-UBND-HC năm 2024 phê duyệt Đề án Phát triển Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2024-2025 và đến năm 2030
- 1Nghị định 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập
- 2Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008
- 3Thông tư liên tịch 17/2010/TTLT-BTTTT-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Phát thanh và Truyền hình thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện do Bộ Thông tin và Truyền thông - Bộ Nội vụ ban hành
- 4Thông tư 150/2010/TT-BTC hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp đối với các cơ quan báo chí do Bộ Tài chính ban hành
- 5Quyết định 04/2011/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Đài Phát thanh - Truyền hình do tỉnh Quảng Nam ban hành
- 6Nghị định 16/2015/NĐ-CP Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập
- 7Quyết định 06/2015/QĐ-UBND ban hành Quy định chế độ nhuận bút đối với các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, bản tin trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 8Quyết định 1537/QĐ-UBND năm 2015 về Triển khai thực hiện Đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 9Luật ngân sách nhà nước 2015
- 10Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 11Thông tư 03/2018/TT-BTTTT về Định mức kinh tế - kỹ thuật về sản xuất chương trình truyền hình do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 12Nghị định 32/2019/NĐ-CP quy định về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên
- 13Nghị quyết 17/NQ-HĐND thông qua Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2018-2021 và giao biên chế công chức, tổng số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh Quảng Nam năm 2018
- 14Quyết định 362/QĐ-TTg năm 2019 về phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 15Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 16Thông tư 09/2020/TT-BTTTT về định mức kinh tế - kỹ thuật về sản xuất chương trình phát thanh do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 17Quyết định 749/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 18Chỉ thị 01/CT-BTTTT về định hướng phát triển ngành thông tin và truyền thông năm 2021 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 19Nghị định 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
- 20Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2021 về nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu của các cơ quan báo chí tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025
- 21Quyết định 46/2021/QĐ-UBND quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Nam Định
- 22Quyết định 47/2021/QĐ-UBND sửa đổi Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Lai Châu kèm theo Quyết định 07/2016/QĐ-UBND
- 23Quyết định 5124/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Danh mục vị trí việc làm; Bản mô tả công việc và Khung năng lực vị trí việc làm của Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định
- 24Quyết định 1947/QĐ-UBND năm 2021 về Đề án sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 25Quyết định 2608/QĐ-UBND năm 2021 thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 26Quyết định 966/QĐ-UBND năm 2021 về Đề án “Phát triển Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An theo hướng chuyển đổi số, giai đoạn 2021-2025” do tỉnh Nghệ An ban hành
- 27Quyết định 3937/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án Phát triển Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa đến năm 2030
- 28Quyết định 416/QĐ-UBND-HC năm 2024 phê duyệt Đề án Phát triển Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2024-2025 và đến năm 2030
Quyết định 3726/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án "Phát triển Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam trong thời kỳ chuyển đổi số, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030" do tỉnh Quảng Nam ban hành
- Số hiệu: 3726/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 20/12/2021
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
- Người ký: Hồ Quang Bửu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra