Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3600/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 14 tháng 10 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT RÀ SOÁT, BỔ SUNG QUY HOẠCH VÙNG NGUYÊN LIỆU MÍA ĐƯỜNG VIỆT NAM - ĐÀI LOAN ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ các Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội số 04/2008/ NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 26/2007/QĐ-TTg ngày 15/02/2007 phê duyệt Quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; số 114/QĐ-TTg ngày 28/9/2009 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020;

Căn cứ các Thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư số 01/2007/TT-BKH ngày 07/02/2007 về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 92/2006/ NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ; số 03/2008/TT-BKH ngày 01/7/2008 về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ;

Căn cứ các Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa số 3090/QĐ-CT ngày 26/9/2003 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu mía phía Bắc tỉnh Thanh Hóa; số 1190/QĐ-UBND ngày 23/4/2007 về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015 và định hướng 2020;

Căn cứ Quyết định số 1339/QĐ-UBND ngày 09/5/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành Quy định về trình tự, thủ tục thẩm định phê duyệt quy hoạch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa;

Xét đề nghị của Hội đồng thẩm định dự án rà soát, bổ sung quy hoạch vùng nguyên liệu mía đường Việt Nam - Đài Loan, đến năm 2020 tại Tờ trình số 01/TTr-HĐTĐ ngày 02/10/2013 về việc đề nghị phê duyệt kết quả rà soát, bổ sung quy hoạch vùng nguyên liệu mía đường Việt Nam - Đài Loan đến năm 2020, kèm theo Biên bản họp Hội đồng thẩm định ngày 12/7/2013 của Hội đồng thẩm định, ý kiến tham gia của các Sở, ngành, các đơn vị liên quan và ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định dự án rà soát, bổ sung quy hoạch vùng nguyên liệu mía đường Việt Nam - Đài Loan, đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt rà soát, bổ sung quy hoạch vùng nguyên liệu mía đường Việt Nam - Đài Loan, đến năm 2020 với các nội dung chính như sau:

I. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Quy hoạch vùng nguyên liệu mía đường Việt Nam - Đài Loan phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và Quy hoạch phát triển nông nghiệp toàn tỉnh đến năm 2015 và định hướng 2020 tại Quyết định số 1190/QĐ-UBND, ngày 23/4/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và Quyết định số 1344/QĐ-UBND ngày 09/5/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về dự thảo quy hoạch tổng thể nông nghiệp toàn tỉnh đến 2020 và định hướng đến 2030.

2. Xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu mía đường phải gắn với thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả thu nhập trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân trong vùng. Hình thành và phát triển mối quan hệ liên kết chặt chẽ, bền vững lâu dài giữa Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan với các địa phương, doanh nghiệp, với các hộ trồng mía trên cơ sở thỏa thuận và hài hòa về lợi ích, hai bên cùng có lợi.

3. Kế thừa và phát huy ưu điểm của vùng nguyên liệu đã có; đồng thời tăng năng suất, sản lượng và chất lượng mía đáp ứng yêu cầu nguyên liệu cho Nhà máy hoạt động ổn định và phát triển bền vững. Tích cực ứng dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh để có năng suất, hiệu quả cao; gắn phát triển vùng nguyên liệu mía đường với tổ chức quản lý, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm mía nguyên liệu. Việc phát triển vùng nguyên liệu mía theo quy hoạch đã được phê duyệt.

4. Trong chỉ đạo thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu mía đường Việt Nam - Đài Loan phải phân định rõ trách nhiệm của các ngành; UBND các huyện, xã; các doanh nghiệp và người dân trong việc phát triển vùng nguyên liệu mía đường.

II. MỤC TIÊU QUY HOẠCH

1. Mục tiêu chung

Rà soát, bổ sung quy hoạch nhằm khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu mía cho chế biến đường hiện tại và lâu dài đến năm 2020. Nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ, tập trung thâm canh tăng năng suất mía; đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và nhu cầu thị trường. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho khâu quản lý được đồng bộ, góp phần phát triển sản xuất bổ sung cho nhóm ngành hàng chế biến, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động trong vùng quy hoạch.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Mục tiêu đến năm 2015

- Về diện tích: Trong giai đoạn này đầu tư mở rộng diện tích mía thâm canh ở 2 huyện trọng điểm: huyện Thạch Thành và Cẩm Thủy. Về diện tích mía đứng toàn vùng phải đạt 10.041,9ha, trong đó diện tích mía thâm canh là 3.115ha, diện tích này chủ yếu tập trung trên chân đất ruộng và đất đồi.

- Về năng suất: Năng suất mía nguyên liệu toàn vùng bình quân phải đạt 70 tấn/ha trở lên, trong đó năng suất mía thâm canh đạt 80 - 90 tấn/ha, trữ đường bình quân đạt 11ccs trở lên.

- Về sản lượng: Tổng sản lượng trong vùng quy hoạch đạt trên 755.000 tấn. Trong đó mía thâm canh đạt trên 270.000 tấn và mía đại trà đạt trên 485.000 tấn (chưa tính sản lượng ở 2 tỉnh Hòa Bình và Ninh Bình).

2.2. Mục tiêu đến năm 2020

Tiếp tục đầu tư thâm canh tăng năng suất để đạt được công suất của Nhà máy. Như vậy, đến năm 2020 vùng nguyên liệu mía vẫn tập trung ở 7 huyện (Thạch Thành, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Hà Trung, thị xã Bỉm Sơn, Yên Định và Bá Thước).

Đến năm 2020 diện tích mía đứng toàn vùng 10.041,9ha, trong đó: Huyện Thạch Thành 5.144,5ha, Cẩm Thủy 2.148,26ha, Yên Định 88,5ha, Vĩnh Lộc 445,3ha, Bá Thước 800ha, Hà Trung 664,9ha và thị xã Bỉm Sơn 750ha. Trong đó, diện tích thâm canh toàn vùng 4.213ha.

Năng suất bình quân toàn vùng đạt 75-80 tấn/ha, trong đó năng suất mía thâm canh đạt 90-100 tấn/ha, trữ đường bình quân đạt trên 12ccs. Sản lượng mía toàn vùng đạt trên 850.000 tấn/năm (chưa tính sản lượng ở 2 tỉnh Hòa Bình và Ninh Bình).

III. QUY HOẠCH CHI TIẾT VÙNG NGUYÊN LIỆU MÍA VIỆT NAM - ĐÀI LOAN ĐẾN NĂM 2020

1. Quy hoạch bố trí quỹ đất trồng mía

Quỹ đất quy hoạch để trồng mía gồm: Đất chuyên màu (đồi, bãi); đất có độ dốc thấp, đang canh tác các cây trồng khác kém hiệu quả; đất bằng chưa sử dụng; đất 1 vụ lúa, màu năng suất thấp, kém hiệu quả.

Diện tích đất quy hoạch trồng mía vùng nguyên liệu mía đường Việt Nam - Đài Loan tại các huyện: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Bá Thước, Hà Trung, Yên Định và thị xã Bỉm Sơn.

Tổng quỹ đất trong kỳ quy hoạch là 10.041,9ha; trong đó: Diện tích đã trồng mía nguyên liệu 8.646,78ha, diện tích mở rộng thêm 1.395,15ha.

2. Quy hoạch chi tiết phát triển vùng mía nguyên liệu đến năm 2020

2.1. Quy hoạch đến năm 2015

Tổng diện tích đất trồng mía 10.041,93ha, gồm: trên đất đang trồng mía 8.646,78ha, diện tích mở rộng thêm được 1.395,15ha. Trong đó: trên đất lúa mùa là 150,24ha; đất 1 lúa là 502,24ha; đất chuyên màu là 322,27ha; đất chưa sử dụng 419,9ha và đất khác 6,6ha. Bao gồm:

- Huyện Cẩm Thủy diện tích đất trồng mía 2.148,26ha.

- Huyện Hà Trung diện tích đất trồng mía 664,94ha.

- Thị xã Bỉm Sơn diện tích đất trồng mía 750,34ha.

- Huyện Yên Định diện tích đất trồng mía 88,50ha.

- Huyện Vĩnh Lộc diện tích đất trồng mía 445,34ha.

- Huyện Thạch Thành diện tích đất trồng mía 5.144,55ha.

- Huyện Bá Thước diện tích đất trồng mía 800,00ha.

2.2. Quy hoạch đến năm 2020

Tổng diện tích mía đứng nguyên liệu là 10.041,93 bao gồm cả diện tích sau rà soát và mở rộng diện tích trồng mía quy hoạch cho Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan tại 7 huyện, 5 Nông Lâm trường. Trong đó:

- Diện tích mía đứng sau khi rà soát hiện trạng là 8.646,78ha;

- Diện tích mở rộng thêm được 1.395,15ha. Trong đó: trên đất lúa màu là 150,24ha; đất 1 lúa là 502,24ha; đất chuyên màu là 322,27ha; đất chưa sử dụng 419,9ha và đất khác 6,6ha.

Quy hoạch chi tiết tại các huyện như sau:

+ Đối với huyện Cẩm Thủy: Tổng diện tích đất trồng mía 2.148,26ha. Trong đó, diện tích mía rà soát 1.563,13ha và diện tích mở rộng 585,13ha bao gồm: đất lúa màu là 13,5ha; đất 1 lúa 281,76ha; đất chuyên màu 224,07ha và đất bằng chưa sử dụng là 65,80ha.

+ Đối với huyện Hà Trung: Tổng diện tích đất trồng mía 664,94ha. Trong đó, diện tích mía rà soát 617,79ha và diện tích mở rộng 47,15ha bao gồm: đất 1 lúa 29,15ha và đất bằng chưa sử dụng là 18,00ha.

+ Đối với Thị xã Bỉm Sơn: Tổng diện tích đất trồng mía 750,34ha. Trong đó, diện tích mía rà soát 750,34ha và diện tích mở rộng 0ha.

+ Đối với huyện Yên Định: Tổng diện tích đất trồng mía 88,50ha. Trong đó, diện tích mía rà soát 33,50ha và diện tích mở rộng 55,00ha bao gồm: đất lúa màu là 41,50ha và đất 1 lúa 13,50ha.

+ Đối với huyện Vĩnh Lộc: Tổng diện tích đất trồng mía 445,34ha. Trong đó, diện tích mía rà soát 366,34ha và diện tích mở rộng 79,00ha bao gồm: đất 1 lúa 36,50ha và đất chuyên màu 42,50ha.

+ Đối với huyện Thạch Thành: Tổng diện tích đất trồng mía 5.144,55ha. Trong đó, diện tích mía rà soát 4.735,68ha và diện tích mở rộng 408,87ha bao gồm: đất lúa màu là 95,75ha; đất 1 lúa 134,33ha; đất chuyên màu 55,70ha và đất bằng chưa sử dụng là 123,10ha.

+ Đối với huyện Bá Thước: Tổng diện tích đất trồng mía 800,00ha. Trong đó, diện tích mía rà soát 580,00ha và diện tích mở rộng 220,00ha bao gồm: đất 1 lúa 7,00ha và đất chưa sử dụng là 213,00ha.

3. Quy hoạch các cơ sở nhân giống

Diện tích các cơ sở nhân giống tại các huyện của vùng nguyên liệu mía Việt Nam - Đài Loan là 600ha. Trong đó, 100ha dùng để nhân giống cấp 1; 500ha dùng để nhân giống cấp 2.

Diện tích cụ thể được bố trí tại các huyện như sau:

- Huyện Thạch Thành: 7 điểm nhân giống với diện tích 150ha;

- Huyện Cẩm Thủy: 6 điểm nhân giống với diện tích 140ha;

- Thị xã Bỉm Sơn: 5 điểm nhân giống với diện tích 130ha;

- Huyện Hà Trung: 4 điểm nhân giống với diện tích 100ha;

- Huyện Bá Thước: 3 điểm nhân giống với diện tích 80ha;

IV. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Công tác quản lý quy hoạch

- Trên cơ sở quy hoạch vùng nguyên liệu mía đường Việt Nam - Đài Loan được phê duyệt, các huyện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và xây dựng kế hoạch phát triển mía nguyên liệu của địa phương phù hợp với quy hoạch chung của toàn vùng.

- Tiến hành rà soát điều chỉnh các chương trình, đề án phát triển cây, con đã có cho phù hợp với quy hoạch; không quy hoạch, bố trí các cây trồng khác chồng lấn lên diện tích đã quy hoạch cho trồng mía nguyên liệu.

- Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan và UBND các huyện, các xã phối hợp chặt chẽ, để quản lý, triển khai thực hiện tốt quy hoạch.

- Sau khi rà soát, bổ sung quy hoạch được phê duyệt, tiến hành công bố quy hoạch theo quy định của pháp luật.

2. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất được quy hoạch trồng mía

- Chuyển diện tích mía trên đất đồi có độ dốc cao (trên 150) sang trồng cao su hoặc cây lâm nghiệp; bù diện tích trồng mía bằng diện tích trên đất bằng chưa sử dụng, đất 1 lúa, 1 lúa 1 màu, những đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng mía. Việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng mía theo quy hoạch phải được các cấp, các ngành quản lý thật chặt chẽ; phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục và được cấp có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.

- Khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, hình thành các trang trại, thành lập HTX, tổ hợp tác để tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật và phát triển sản xuất mía đường theo hướng sản xuất lớn, hiện đại.

- Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan có chính sách hỗ trợ các hộ thực hiện chuyển dịch đất từ các cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng mía, tập trung thâm canh ngay để cây mía thực sự mang lại hiệu quả kinh tế và phát triển ổn định, bền vững.

- Bố trí quỹ đất thuận lợi để sản xuất mía giống cung cấp cho vùng nguyên liệu.

3. Tăng cường đầu tư, áp dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển vùng mía nguyên liệu

- Phấn đầu đến năm 2015, toàn vùng nguyên liệu mía Việt - Đài đạt 80% diện tích mía trồng giống mới có năng suất và chất lượng cao. Công ty chủ động bố trí cơ cấu giống chín sớm, chín trung bình, chín muộn phù hợp với điều kiện đất đai và kế hoạch chế biến của Nhà máy; du nhập, khảo nghiệm, chọn lọc giống phù hợp với điều kiện sinh thái, phục tráng và nhân nhanh giống đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cung cấp cho sản xuất đại trà. Xây dựng hệ thống nhân giống từ Công ty đến địa phương, cơ sở để luôn luôn có đủ giống tốt phục vụ sản xuất.

- Thực hiện tốt quy trình thâm canh mía: Trồng mía ở đất có độ dốc dưới 15o; phấn đấu cơ giới hóa 100% khâu làm đất, đảm bảo độ sâu 45-50cm; từng bước mở rộng cơ giới hóa khâu chăm sóc và thu hoạch mía. Thực hiện luân canh mía với các cây trồng khác, nhất là cây họ đậu, theo chu kỳ 3 năm 1 lần (1 vụ mía tơ - 2 vụ gốc), trường hợp đặc biệt không quá 4 năm.

- Tận dụng các nguồn nước để mở rộng diện tích trồng mía có tưới và áp dụng các biện pháp giữ ẩm đơn giản như cày sâu, giữ tủ gốc bằng xác thực vật, trồng cây phân xanh, cây họ đậu. Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan chủ động cùng với các địa phương và nông dân đầu tư các dự án tưới mía gắn với các mô hình thâm canh, mô hình công nghệ cao. Mở rộng diện tích mía ứng dụng công nghệ cao trong canh tác (trồng mía bầu, sử dụng màng phủ nông nghiệp, nhân rộng diện tích tưới nhỏ giọt (theo công nghệ của Israel,...).

- Tăng cường bón vôi khử chua, bón phân cân đối; tăng phân hữu cơ, phân vi sinh, nhất là tạo nguồn phân hữu cơ từ lá mía, cây họ đậu. Áp dụng biện pháp quản lý dinh dưỡng và cây trồng (ICM), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm các loại sâu, bệnh, chỉ đạo phòng chống có hiệu quả, không để phát sinh thành dịch đặc biệt là bọ hung đen, rệp hại mía,...

- Xây dựng các mô hình sản xuất mía theo công nghệ mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, làm nòng cốt nhân ra diện rộng.

- Tăng cường đào tạo cán bộ, đảm bảo đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao cho sản xuất mía trong thời kỳ hội nhập. Thường xuyên mở các lớp tập huấn để hướng dẫn, phổ biến quy trình kỹ thuật, tiến bộ kỹ thuật mới trong thâm canh mía cho các hộ trồng mía nguyên liệu.

4. Tăng cường các hoạt động dịch vụ phát triển vùng mía

- Tập trung đầu tư, nâng cao năng lực của cơ sở nghiên cứu, các cơ sở sản xuất giống mía chất lượng cao cung cấp cho vùng nguyên liệu.

- Khuyến khích các hộ trồng mía, các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phương tiện vận tải mía nguyên liệu, bảo đảm chủ động phương tiện vận chuyển mía sau khi thu hoạch.

- Tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ về phân bón, thuốc trừ sâu trong vùng nguyên liệu.

5. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp, củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng vùng mía

Tiếp tục đầu tư làm mới, nâng cấp các công trình hạ tầng phục vụ vùng mía; trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng về giao thông, thủy lợi cho những vùng, những hộ có điều kiện áp dụng hình thức đầu tư thâm canh cao.

6. Rà soát, bổ sung chính sách phát triển vùng nguyên liệu và thực hiện việc ký kết hợp đồng theo đúng quy định

- Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các hộ trồng mía đầu tư thâm canh, tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo cung cấp đủ, ổn định nguyên liệu cho Nhà máy chế biến; có cơ chế đầu tư hạ tầng giao thông nội vùng cho các vùng trồng mía tập trung.

- Lồng ghép việc phát triển vùng nguyên liệu với các chương trình, dự án khác để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đảm bảo đời sống cho nhân dân vùng mía nguyên liệu; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự khu vực nông thôn miền núi.

- Thực hiện tốt việc ký kết hợp đồng kinh tế giữa Công ty với các tổ chức, cá nhân sản xuất mía nguyên liệu theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.

7. Về vốn đầu tư phát triển vùng nguyên liệu

Nguồn vốn đầu tư phát triển vùng nguyên liệu được huy động từ nguồn vốn của các hộ, doanh nghiệp trồng mía, của Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan, vốn liên doanh, liên kết giữa các đơn vị, vốn tín dụng và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. UBND các huyện, xã trong vùng quy hoạch

- Trên cơ sở quy hoạch vùng nguyên liệu mía đường Việt Nam - Đài Loan được phê duyệt, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và xây dựng kế hoạch phát triển mía nguyên liệu của địa phương phù hợp với quy hoạch chung của vùng. Quản lý quy hoạch, xây dựng và triển khai kế hoạch trồng mía hàng năm trên địa bàn huyện, xã theo quy hoạch đã được duyệt. Kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân thực hiện kế hoạch trồng mía và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

- Tiến hành rà soát điều chỉnh các chương trình, đề án phát triển cây, con đã có cho phù hợp với quy hoạch; không quy hoạch, bố trí các cây trồng khác chồng lấn lên diện tích đã quy hoạch cho trồng mía nguyên liệu khi chưa có ý kiến của cấp có thẩm quyền. Phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan, để quản lý, triển khai thực hiện tốt các giải pháp, nội dung quy hoạch.

- Chỉ đạo, giám sát việc thực hiện các hợp đồng tiêu thụ mía nguyên liệu đã ký kết giữa các tổ chức, cá nhân trồng mía với các nhà máy chế biến mía đường; phát hiện kịp thời và ngăn chặn các hành vi vi phạm có thể xảy ra. Có biện pháp giúp đỡ cần thiết, tạo điều kiện cho người sản xuất và doanh nghiệp thực hiện phát triển vùng nguyên liệu mía đường.

2. Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện vùng nguyên liệu và các ngành, đơn vị có liên quan cụ thể hóa các giải pháp, nội dung quy hoạch nêu trên; phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nghề nghiệp trong vùng tổ chức thực hiện xây dựng vùng nguyên liệu theo tiến độ quy hoạch; xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển vùng nguyên liệu ổn định, bền vững; tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc khuyến khích sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng; thực hiện đầy đủ các điều khoản của hợp đồng; chịu trách nhiệm bao tiêu mía nguyên liệu do công ty đã đầu tư thuộc vùng quy hoạch; phối hợp với các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu xây dựng chế độ canh tác hợp lý, chế độ luân canh bắt buộc phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng, kinh tế - xã hội của từng vùng, tiểu vùng trong vùng nguyên liệu của công ty để đảm bảo vùng nguyên liệu phát triển bền vững.

- Đầu tư vốn, vật tư, giống mới, phân bón đảm bảo chất lượng và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và bảo quản cho các tổ chức, cá nhân trồng mía làm nguyên liệu chế biến.

- Hỗ trợ kinh phí cho các địa phương về các nội dung: Hoạt động của các Ban chỉ đạo; công tác cơ giới hóa như làm đất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch; công tác dồn điền, đổi thửa, chuyển diện tích đất lúa và các cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng mía.

- Hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trồng mía ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng.

- Củng cố lại hệ thống nông vụ để lực lượng này phối hợp với Khuyến nông Nhà nước và Khuyến nông viên cơ sở trở thành lực lượng nòng cốt hướng dẫn nông dân thâm canh mía; phối hợp với các huyện mở các lớp đào tạo, tập huấn quy trình kỹ thuật thâm canh mía.

3. Các Sở, ban, ngành:

- Sở Nông nghiệp và PTNT: Chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương và Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan tổ chức công bố công khai quy hoạch; tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch; cụ thể hóa và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện quy hoạch; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính trên cơ sở quy hoạch, chương trình dự án đầu tư, cơ chế chính sách đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để bố trí, cân đối nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch; lồng ghép các dự án, cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội được triển khai trên địa bàn để phát triển vùng nguyên liệu mía. Các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan theo chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tham gia, tạo điều kiện thực hiện quy hoạch, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp.

- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường quản lý nhà nước về đất đai và môi trường, giám sát quá trình thực hiện quy hoạch; kịp thời phát hiện những bất hợp lý, sai phạm trong quá trình thực hiện quy hoạch, để điều chỉnh, nhắc nhở, chấn chỉnh, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND tỉnh.

4. Đề nghị các ngân hàng thương mại, Ngân hàng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ gia đình được vay vốn phát triển vùng nguyên liệu, cải thiện đời sống nhân dân.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chủ tịch UBND các huyện trong vùng nguyên liệu mía đường Việt Nam - Đài Loan; Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan; Thủ trưởng các ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Quyền

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3600/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt rà soát, bổ sung quy hoạch vùng nguyên liệu mía đường Việt Nam - Đài Loan, đến năm 2020 do tỉnh Thanh Hóa ban hành

  • Số hiệu: 3600/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/10/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Nguyễn Đức Quyền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/10/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản