Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36/2014/QĐ-UBND

Phan Rang - Tháp Chàm, ngày 08 tháng 5 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC, BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản; Căn cứ Thông tư số 02/2007/TT-BTS ngày 13 tháng 7 năm 2007 của Bộ Thủy sản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản;

Căn cứ Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;

Căn cứ Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ Thủy sản về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định của Chính phủ số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;

Căn cứ Thông tư số 62/2008/TT-BNN ngày 20 tháng 5 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ Thủy sản về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định của Chính phủ số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;

Căn cứ Nghị định số 14/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi,bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;

Căn cứ Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển;

Căn cứ Nghị định số 53/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về lĩnh vực thủy sản;

Thực hiện Quyết định số 375/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 70/TTr-SNNPTNT ngày 14 tháng 4 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thủ trưởng các cơ quan chuyên môn có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có quản lý hoạt động khai thác hải sản chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Xuân Hòa

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC, BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 36/2014/QĐ-UBND ngày 08 tháng 5 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh

1. Đối tượng áp dụng: các cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

2. Phạm vi điều chỉnh: quy định công tác quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; chính sách, biện pháp và nguồn lực trong quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Điều 2. Mục đích, nguyên tắc chung

1. Mục đích: cụ thể hóa một số nội dung của Luật Thủy sản, các chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước về hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cho phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện cụ thể của địa phương; đồng thời quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận theo hướng bền vững.

2. Nguyên tắc chung:

a) Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận;

b) Khai thác thủy sản một cách bền vững phải kết hợp với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản nhằm đảm bảo lợi ích lâu dài của nhân dân và hiệu quả kinh tế cho toàn xã hội; kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên, môi trường; kết hợp hài hòa giữa lợi ích của các ngành, các địa phương; kết hợp với bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển;

c) Khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản là yêu cầu cấp thiết trước mắt và lâu dài; là sự nghiệp của toàn xã hội; là quyền và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư;

d) Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào hoạt động khai thác và dịch vụ khai thác thủy sản nhưng phải tuân thủ quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn trong phạm vi tỉnh và cả nước; thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật để bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản; đảm bảo hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, tính đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên;

đ. Chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ tác hại của thiên nhiên; chủ động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu; bảo đảm an toàn cho người và phương tiện hoạt động khai thác thủy sản trên biển và vùng nước nội địa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Điều 3. Giải thích một số thuật ngữ

Trong Quy chế này những thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Ngư cụ cố định: là ngư cụ có kết cấu gắn liền với nền đáy trong suốt mùa khai thác thủy sản.

2. Ngư cụ di động: là ngư cụ có kết cấu không gắn liền với nền đáy, di động trong một chu kỳ khai thác và trong các lần khai thác khác nhau.

3. Chà: là một công trình nhân tạo đặt dưới mặt nước, kết cấu bởi các vật nặng để cố định vị trí cội chà như: xác vỏ tàu thuyền, xác vỏ xe, các sọt đá,... lá dừa, cây tre và các vật liệu liên kết như: dây nylon, dây sóng lá,... kết thành khối vật thể (gọi tắt là cội chà) nhằm tạo bóng mát và nhiều khu vực trú ẩn để thu hút cá, tôm, mực và các loại thủy sinh vật khác tới trú ẩn, sinh sản.

4. Môi trường sống của các loài thủy sản: bao gồm vùng nước, vùng đất ngập nước và phần đất mà các loài thủy sản sinh sống, phát triển.

5. Vùng nước nội địa: là các vùng nước nằm trong đất liền, gồm: sông, suối, đầm, hồ chứa và vùng nước nội đồng.

6. Đồng quản lý: là một phương thức quản lý, trong đó Nhà nước chia sẻ quyền hạn, trách nhiệm và chức năng quản lý với những người sử dụng nguồn lợi.

Điều 4. Phân vùng khai thác thủy sản

1. Vùng biển tỉnh Ninh Thuận được phân thành ba vùng khai thác thủy sản theo thứ tự như sau: (đính kèm phụ lục)

a) Vùng biển ven bờ (vùng bờ) được giới hạn bởi mực nước thủy triều thấp nhất và tuyến bờ thuộc phạm vi tỉnh Ninh Thuận;

b) Vùng lộng được giới hạn bởi tuyến bờ và tuyến lộng thuộc phạm vi tỉnh Ninh Thuận;

c) Vùng khơi được giới hạn bởi tuyến lộng thuộc phạm vi tỉnh Ninh Thuận và ranh giới phía ngoài vùng đặc quyền kinh tế của vùng biển Việt Nam.

Trong đó: tuyền bờ và tuyến lộng được xác định theo quy định của Chính phủ.

2. Ranh giới vùng khai thác thủy sản ven bờ giáp ranh giữa Ninh Thuận với các tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận sẽ được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành bằng một văn bản khác sau khi hiệp thương với Ủy ban nhân dân các tỉnh.

Chương II

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC THỦY SẢN

Điều 5. Quy định đối với hoạt động khai thác thủy sản trên vùng nước nội địa

Các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình hoạt động khai thác thủy sản trên vùng nước nội địa phải tuân thủ các quy định sau:

1. Cấm sử dụng tàu cá gắn máy để khai thác thủy sản trong vùng nước nội địa.

2. Cấm sử dụng các loại ngư cụ có kích thước mắt lưới 2a nhỏ hơn 15mm để khai thác thủy sản.

3. Du nhập nghề khai thác mới trên vùng nước nội địa phải được phép của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Khai thác thủy sản bằng các ngư cụ cố định chỉ được bố trí ngư cụ trên vùng nước của địa phương nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, theo quy hoạch được duyệt và vị trí đặt các loại ngư cụ khai thác cố định phải đảm bảo đường di cư tự do của các loài thủy sản đồng thời phải đảm bảo hành lang an toàn giao thông đường thủy nội địa trên các sông, đầm, cửa biển.

5. Ngư cụ di động được phép khai thác trên các vùng nước nội địa nhưng không làm ảnh hưởng đến các ngư cụ cố định của ngư dân địa phương sở tại.

Điều 6. Quy định vùng hoạt động khai thác thủy sản đối với tàu cá

1. Tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính nhỏ dưới 20 sức ngựa hoặc tàu cá không lắp máy được phép hoạt động khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ; không được hoạt động khai thác thủy sản tại vùng lộng, vùng khơi và vùng biển cả.

2. Tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20 đến dưới 90 sức ngựa được phép hoạt động khai thác thủy sản tại vùng lộng và vùng khơi; không được hoạt động khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng biển cả.

3. Tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 sức ngựa trở lên được phép hoạt động khai thác thủy sản tại vùng khơi và vùng biển cả; không được hoạt động khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng.

4. Nghiêm cấm tàu cá các tỉnh khác hoạt động khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ tỉnh Ninh Thuận. Trừ trường hợp có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận.

Điều 7. Khu vực và các nghề cấm khai thác thủy sản

1. Tại vùng biển ven bờ: cấm các nghề lưới kéo (trừ lưới kéo moi/ruốc ở tầng nước mặt), nghề kết hợp ánh sáng (trừ nghề rớ, câu tay mực); cấm các nghề kết hợp ánh sáng có tổng công suất các cụm chiếu sáng của mỗi đơn vị khai thác vượt quá 200w với nghề rớ (vó cất lưới bằng trục quay tay), 500w với nghề câu mực; cấm khai thác thủy sản bằng nghề đăng, đáy, lờ xếp (lờ dây) tại các đầm và vùng nước thuộc cửa sông, cửa biển.

2. Tại vùng lộng: cấm các nghề lưới vây, vó, mành, câu mực, pha xúc có tổng công suất các cụm chiếu sáng của mỗi đơn vị khai thác vượt quá 5.000w; công suất của mỗi bóng đèn dùng trong nghề pha xúc không được vượt quá 2.000w và vị trí lắp đặt đèn pha phải cách mặt nước trên 1,2mét; khoảng cách giữa điểm đặt cụm sáng với các cụm chà rạo hoặc nghề cố định không được dưới 500 m.

3. Cấm khai thác thủy sản làm hủy hoại các rạn đá ngầm, rạn san hô, các bãi rạn nhân tạo, các bãi thực vật ngầm và hệ sinh cảnh khác; lấn, chiếm, xâm hại các khu bảo tồn biển đã được quy hoạch và công bố; vi phạm các quy định trong quy chế quản lý khu bảo tồn biển; vi phạm các quy định về an toàn giao thông, an toàn của các công trình theo quy định của pháp luật về hàng hải, dầu khí, bưu chính viễn thông.

4. Cấm mọi hoạt động khai thác thủy sản tại khu quy hoạch du lịch biển, nuôi trồng thủy sản đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; khu phục hồi nguồn lợi thủy sản Hòn Chông; khu bảo vệ nguồn lợi san hô Mỹ Hiệp (xã Thanh Hải); khu vực Bãi Thùng (xã Vĩnh Hải) và khu bãi rạn san hô Cà Ná.

5. Nghiêm cấm các hành vi: khai thác thủy sản bằng chất nổ, điện, công cụ kích điện hoặc tạo xung điện, hóa chất hoặc chất độc; khai thác san hô dưới mọi hình thức; sử dụng các loại nghề hoặc công cụ chuyên khai thác cá nóc.

6. Cấm khai thác những đối tượng: bị cấm khai thác, bị cấm khai thác có thời hạn trong năm, có kích thước nhỏ hơn kích thước tối thiểu của các loài thủy sản kinh tế sống trong các vùng nước tự nhiên được phép khai thác được quy định tại các phụ lục 5, phụ lục 6, phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ Thủy sản.

7. Cấm sử dụng ngư cụ khai thác có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định tại phụ lục 2, phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ Thủy sản.

8. Cấm phát triển tàu cá gắn máy có tổng công suất máy chính dưới 90 sức ngựa làm nghề lưới kéo (giã, cào) và dưới 30 sức ngựa làm các nghề khác; các nghề kết hợp ánh sáng hoạt động tại vùng biển ven bờ và vùng lộng.

9. Cấm tất cả các hoạt động khai thác thủy sản tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chương III

BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN VEN BỜ

Điều 8. Bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản

1. Khuyến khích các cộng đồng ngư dân khai thác thủy sản trong vùng biển ven bờ, tự quy định và bảo vệ các khu vực nhỏ để làm nơi sinh sản, sinh trưởng, dự trữ nguồn lợi thủy sản.

2. Khuyến khích xã hội hóa các hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản của các tổ chức, cá nhân và các thành phần kinh tế khác.

Điều 9. Quy định về thả chà rạo nhân tạo

1. Tại vùng biển ven bờ và vùng nước nội địa: các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được phép thả các chà rạo, rạn nhân tạo trong vùng nước được giao quyền sử dụng để làm nơi trú ẩn và sinh sản của các loài thủy sản.

2. Tại vùng lộng và vùng khơi: khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thả chà rạo, rạn nhân tạo làm nơi trú ngụ cho các loài thủy sản nhưng không được làm ảnh hưởng đến hoạt động giao thông trên biển.

Điều 10. Đồng quản lý trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ

1. Khuyến khích cộng đồng ngư dân, chính quyền địa phương vùng biển tổ chức quản lý các hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại các vùng nước ven bờ được phân công quản lý với sự tham gia của cộng đồng; gắn trách nhiệm và quyền lợi của người dân trong việc khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường. Tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng ngư dân thành lập hợp tác xã, tổ, đội và phối hợp với chính quyền địa phương quản lý việc khai thác, nuôi trồng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên vùng nước ven bờ.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ven biển căn cứ quy hoạch đã được phê duyệt (đảm bảo không chồng lấn các quy hoạch và các hoạt động dân sự, quân sự khác), sau khi có ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành giao, cho thuê mặt nước biển theo hạn mức, thẩm quyền quy định tại Luật Đất đai cho cộng đồng ngư dân để thực hiện các mô hình đồng quản lý trong khai thác, nuôi trồng thủy sản, trong đó ưu tiên phát triển các mô hình gắn kết phát triển thủy sản và du lịch, bảo vệ hệ sinh thái và môi trường.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN VÀ CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Điều 11. Quyền của tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản

1. Được khai thác thủy sản theo nội dung ghi trong giấy phép khai thác thủy sản.

2. Được cơ quan chuyên môn thông báo về tình hình diễn biến thời tiết, nguồn lợi thủy sản, thông tin về thị trường, các hoạt động thủy sản và hướng dẫn kỹ thuật về khai thác thủy sản.

3. Được Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp do thành quả lao động và kết quả đầu tư hoạt động khai thác thủy sản mang lại.

Điều 12. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khi hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản

1. Thực hiện nghiêm túc các nội dung ghi trong giấy phép khai thác thủy sản.

2. Nộp các khoản thuế, lệ phí theo quy định của pháp luật.

3. Đánh dấu ngư cụ đang sử dụng và báo cáo khai thác, ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Tuân thủ sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng, cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; các quy định về quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản nêu tại Quy định này và các quyết định khác của pháp luật có liên quan.

5. Phải cứu nạn khi gặp người, tàu thuyền bị nạn.

6. Phát hiện, tố giác, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản.

7. Thực hiện đầy đủ các quy định của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động khai thác thủy sản trên biển.

8. Trong quá trình hoạt động trên biển, tàu cá phải có bản chính các giấy tờ sau:

a) Giấy phép khai thác thủy sản đối với tàu cá hoạt động khai thác thủy sản, trừ tàu cá khai thác thủy sản có trọng tải dưới 0,5 tấn;

b) Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đối với tàu cá theo quy định của pháp luật phải có giấy chứng nhận an toàn tàu cá;

c) Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá đối với loại tàu cá theo quy định của pháp luật phải có giấy chứng nhận đăng ký tàu cá. Đối với trường hợp tàu cá đã được thế chấp vay vốn tại ngân hàng thì phải có bản sao giấy chứng nhận đăng ký tàu cá được ngân hàng đó xác nhận;

d) Sổ danh bạ thuyền viên, sổ thuyền viên tàu cá theo quy định của pháp luật. Đối với thuyền viên và người làm việc trên tàu cá mà pháp luật quy định không phải có sổ thuyền viên thì phải có giấy tờ tùy thân;

e) Người điều khiển tàu cá phải có bằng thuyền trưởng, máy trưởng phù hợp với cỡ loại tàu theo quy định:

- Hạng Nhỏ đối với tàu gắn máy có tổng công suất máy chính từ 20 sức ngựa đến dưới 90 sức ngựa.

- Hạng Năm đối với tàu gắn máy có tổng công suất máy chính từ 90 sức ngựa đến dưới 400 sức ngựa.

- Hạng tư đối với tàu lắp máy có tổng công suất máy chính từ 400 sức ngựa trở lên.

Điều 13. Trách nhiệm của Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển tàu cá, cơ cấu nghề nghiệp nhằm khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững.

- Hướng dẫn ngư dân chuyển đổi nghề khai thác ven bờ, nghề cấm khai thác sang nghề khác; phổ biến nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất trên biển theo tổ, đội, nghiệp đoàn sản xuất gắn việc quản lý vùng biển; quản lý các hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển; thanh tra, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm luật thủy sản; tìm kiếm cứu nạn cho người và phương tiện hoạt động thủy sản; tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tổ chức triển khai thực hiện việc đánh dấu tàu khai thác thủy sản, xử lý số liệu nhật ký khai thác và báo cáo khai thác thủy sản.

2. Chủ trì đánh giá thẩm định nghề mới, đảm bảo nguyên tắc bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản.

3. Tổ chức việc quản lý tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tổ chức, cá nhân theo phân cấp, thẩm quyền; phối hợp với các viện, vụ, trường, cục để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ đăng kiểm viên, cán bộ quản lý nguồn lợi thủy sản.

4. Hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các đơn vị chuyên môn cấp huyện, xã quản lý tàu cá theo phân cấp; nhập và tổng hợp báo cáo khai thác thủy sản; thiết lập các tổ chức quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản có sự tham gia của cộng đồng.

Điều 14. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành liên quan: trong phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền của mình phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tuyên truyền phổ biến pháp luật thủy sản; thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thủy sản; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động khai thác thủy sản; đào tạo, phát triển lực lượng quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Điều 15. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

1. Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về thủy sản cho nhân dân trên địa bàn quản lý được biết và thực hiện.

2. Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch phát triển tàu cá, cơ cấu nghề nghiệp trong hoạt động khai thác thủy sản của tỉnh để xây dựng kế hoạch cụ thể cho địa phương, đồng thời làm tốt công tác quản lý các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.

3. Quản lý các hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ở vùng biển ven bờ, vùng nước nội địa theo quy hoạch, phân cấp và hướng dẫn của cơ quan cấp tỉnh.

4. Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, xây dựng, nhân rộng và phát triển các mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản ở vùng biển ven bờ và vùng nước nội địa.

5. Chỉ đạo các phòng chuyên môn và Ủy ban nhân dân cấp xã: xây dựng các mô hình tổ chức khai thác thủy sản theo tổ, đội, nghiệp đoàn sản xuất và quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi có sự tham gia của cộng đồng; báo cáo kết quả khai thác thủy sản.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Tổ chức thực hiện

1. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức hướng dẫn và triển khai thực hiện Quy chế này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu nảy sinh những khó khăn vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ảnh kịp thời bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 36/2014/QĐ-UBND về Quy chế quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

  • Số hiệu: 36/2014/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/05/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Trần Xuân Hòa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/05/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản