Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 02/2011/QĐ-UBND

Quy Nhơn, ngày 14 tháng 01 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC, BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 59/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 04/5/2005 về điều kiện kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;
Căn cứ Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ về đảm bảo cho người và tàu cá hoạt động thủy sản;
Căn cứ Nghị định số 14/2009/NĐ-CP ngày 13/02/2009 của Chính phủ quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2005/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31/3/2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 3906/TTr-SNN ngày 27 tháng 12 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Điều 2.

- Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này.

- Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 5170/QĐ-UBND ngày 26/7/1994 của UBND tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện và thành phố Quy Nhơn; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Quốc Dũng

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC, BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 02/2011/QĐ-UBND ngày 14/01/2011 của UBND tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích, đối tượng, phạm vi điều chỉnh

1. Quy chế Quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Định nhằm cụ thể hóa một số nội dung của Luật Thủy sản, các chính sách của Đảng và Nhà nước về thủy sản cho phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện cụ thể của địa phương. Đồng thời quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên vùng biển Bình Định (vùng ven bờ) và vùng nước nội địa thuộc địa bàn tỉnh Bình Định, phát triển thủy sản theo hướng bền vững.

2. Quy chế này quy định cụ thể về công tác quản lý, hoạt động khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản; chính sách, biện pháp và nguồn lực trong quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động khai thác, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Định.

3. Quy chế này áp dụng cho tất cả cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân (kể cả cơ quan trung ương, tổ chức, cá nhân nước ngoài) có liên quan đến các hoạt động khai thác, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định.

Điều 2. Nguyên tắc chung

1. Khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản phải kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên, môi trường, hài hòa lợi ích của các ngành, các địa phương.

2. Khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đi đôi với tăng cường kiểm soát khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên và kiểm soát môi trường nhằm đảm bảo cân bằng sinh thái tự nhiên các thủy vực.

3. Khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản là yêu cầu cấp thiết trước mắt và lâu dài, là sự nghiệp của toàn xã hội, quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức và cộng đồng dân cư.

4. Phát triển các hoạt động khai thác thủy sản phải theo quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn trong phạm vi cả nước và của tỉnh; đảm bảo hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, tính đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên.

5. Hoạt động khai thác thủy sản phải kết hợp với bảo đảm an ninh, quốc phòng; bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên vùng biển và các vùng nước tự nhiên khác; tuân theo những quy định tại quy chế này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

6. Chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ tác hại của thiên nhiên; bảo đảm an toàn cho người và phương tiện hoạt động thủy sản trên biển, sông, hồ, đầm và các vùng nước tự nhiên khác trên địa bàn tỉnh Bình Định.

7. Tổ chức, cá nhân gây hủy hoại và ô nhiễm vùng biển, vùng nước nội địa có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại và chịu các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Giải thích một số thuật ngữ

1. Tàu cá: Là tất cả các loại tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác chuyên dùng cho khai thác, nuôi trồng, bảo quản, chế biến và dịch vụ thủy sản.

2. Tàu cá cỡ nhỏ: Là tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác chuyên dùng cho khai thác, nuôi trồng, bảo quản, chế biến và dịch vụ thủy sản có tổng công suất máy chính dưới 20 CV hoặc không lắp máy có chiều dài đường nước thiết kế dưới 15 m.

3. Chủ tàu cá: Là các tổ chức, cá nhân sở hữu tàu cá, đứng tên đăng ký sử dụng tàu theo pháp luật Việt Nam.

4. Ngư cụ cố định : là ngư cụ có kết cấu gắn liền nền đáy trong suốt mùa khai thác thủy sản.

5. Ngư cụ di động : là ngư cụ không kết cấu gắn liền với nền đáy, di động trong một chu kỳ khai thác và trong các lần khai thác khác nhau.

6. Chà: là một công trình nhân tạo đặt dưới mặt nước, kết cấu bởi các vật nặng để cố định vị trí cội chà như: xác vỏ tàu thuyền, xác vỏ xe, các sọt đá...lá dừa, cây tre và các vật liệu liên kết như: dây nylon, dây sóng lá,...kết thành khối vật thể (gọi tắt là cội chà ) nhằm tạo bóng mát và nhiều khu vực trú ẩn để thu hút cá, tôm, mực và các loại thủy sinh vật khác tới trú ẩn, sinh sản.

7. Hoạt động thủy sản: là hoạt động khai thác, nuôi trồng, vận chuyển thủy sản; bảo quản, chế biến, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản; hậu cần dịch vụ thủy sản; điều tra, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

8. Nguồn lợi thủy sản: là tài nguyên sinh vật trên biển, sông, hồ, đầm và trong vùng nước tự nhiên, có giá trị kinh tế, khoa học để phát triển nghề khai thác thủy sản, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản.

9. Môi trường sống của các loài thủy sản: bao gồm vùng nước, vùng đất ngập nước và phần đất mà các loài thủy sản sinh sống và phát triển.

10. Vùng nước nội địa: Là vùng nước được tính từ ngấn nước thủy triều thấp nhất của bờ biển vào sâu trong nội địa (bao gồm sông, ngòi, ao, hồ, đầm …).

11. Vùng nước nhạy cảm: là một vùng nước có vai trò quan trọng, phục vụ cho lợi ích của con người (cấp nước sinh hoạt, thủy lợi, sản xuất công nghiệp, du lịch, thủy sản, xử lý ô nhiễm…), dễ bị biến đổi theo chiều hướng xấu khi có sự tác động của con người hay đang ở mức nguy hiểm đối với mục đích sử dụng của con người. Có ba cấp độ đánh giá vùng nước nhạy cảm: ít nhạy cảm; nhạy cảm trung bình; rất nhạy cảm dựa trên chỉ tiêu về chất lượng nước và mục đích sử dụng vùng nước.

12. Khu bảo tồn vùng nước nội địa là nơi được khoanh vùng thuộc các vùng đất ngập nước để bảo vệ nghiêm ngặt các hệ sinh thái đặc thù, có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế, có giá trị đa dạng sinh học cao nhằm cân bằng sinh thái, bảo vệ các giống, loài đang sinh sống, cư trú.

13. Khu bảo tồn biển là vùng biển được xác định (kể cả đảo có trong vùng biển đó) có các loài động vật, thực vật có giá trị và tầm quan trọng quốc gia hoặc quốc tế về khoa học, giáo dục, du lịch, giải trí được bảo vệ và quản lý theo quy chế của khu bảo tồn.

Chương II

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SỐNG VÀ NGUỒN LỢI THỦY SẢN

Điều 4. Bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản

1. Nghiêm cấm các hoạt động sau làm hủy hoại, phá vỡ cân bằng sinh thái gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của các loài thủy sản:

a. Phá hoại các bãi san hô, rừng ngập mặn, các rạn đá, các bãi thực vật ngầm dưới nước và các sinh cảnh đặc biệt khác.

b. Xây dựng mới, phá bỏ, thay đổi các công trình liên quan đến thủy vực vùng nước khi chưa được cấp phép của cấp có thẩm quyền làm thiệt hại đến môi trường sống của các loài thủy sản.

c. Xả, thải, để rò rỉ các chất độc hại, ô nhiễm vào các vùng nước vượt quá giới hạn quy định.

d. Thả các loài thủy sản bị nhiễm bệnh, hoặc xả các nguồn nước nuôi trồng nhiễm bệnh vào các vùng nước.

e. Lấn, chiếm, xâm hại các khu bảo tồn vùng nước nội địa; khu bảo tồn biển đã được quy hoạch và công bố; vi phạm các quy định trong quy chế quản lý khu bảo tồn sinh thái.

2. Mọi hoạt động có tác động, ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài thủy sản như: thăm dò dầu khí, khoáng sản, trục vớt xác tàu, xử lý tràn dầu, chất thải công nghiệp.. phải có biện pháp tốt nhất để xử lý không gây tác hại ô nhiễm đến môi trường sống của các loài thủy sản và phải được phép của cơ quan có thẩm quyền.

3. Các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động tại khoản 2 Điều này có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, tổn thất về môi trường và nguồn lợi thủy sản do mình gây ra để xử lý, khắc phục, tái tạo môi trường và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Điều 5. Bảo vệ nguồn lợi thủy sản

1. Nghiêm cấm các hoạt động sau làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản, khai thác thủy sản tận diệt, gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển và duy trì loài, giống của các loài thủy sản:

a. Sử dụng chất nổ, điện, công cụ kích điện hoặc tạo xung điện, hóa chất hoặc chất độc để khai thác thủy sản trong vùng biển, sông, đầm, ao, hồ, đồng ruộng và các vùng nước trên địa bàn tỉnh.

b. Sử dụng các loại ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định.

c. Khai thác các đối tượng thủy sản bị cấm khai thác hoặc bị cấm khai thác có thời hạn tại các vùng nước theo quy định pháp luật.

d. Khai thác các loài thủy sản có kích thước tối thiểu nhỏ hơn quy định.

e. Kinh doanh, vận chuyển các giống loài thủy sản bị nhiễm bệnh.

g. Sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ, di chuyển giống loài thủy sản chưa đủ các chứng nhận kiểm dịch; chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ.

h. Khai thác, tiêu thụ, chế biến, vận chuyển các loài thủy sản quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần bảo vệ, bảo tồn và phát triển theo quy định của Công ước CITES và các loài thuộc danh mục bảo vệ của Sách đỏ.

2. Nhà nước khuyến khích các cộng đồng ngư dân được ủy quyền cho khai thác thủy sản trong các vùng nước ven bờ, vùng nước nội địa, đầm phá tự quy định và bảo vệ các khu vực nhỏ để làm nơi sinh sản, sinh trưởng, dự trữ nguồn lợi thủy sản.

Chương III

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC THỦY SẢN TRONG VÙNG NƯỚC NỘI ĐỊA VÀ VÙNG BIỂN

Điều 6. Phân vùng khai thác thủy sản

1. Vùng nước nội địa Bình Định: bao gồm các đầm: Thị Nại, Đề Gi, Trà Ổ, các sông, hồ, ao… và các vùng đất ngập nước thuộc phạm vi của tỉnh, được quản lý hoạt động khai thác theo quy định của Nghị định số 109/2003/NÐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2003 của Chính phủ về bảo tồn và khai thác bền vững các vùng đất ngập nước và Chỉ thị 02/2007/CT-BTS ngày 15/06/2007 của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) về việc tăng cường quản lý nghề cá nội địa .

2. Vùng biển Bình Định được phân vùng khai thác thủy sản theo thứ tự, tại phụ lục Tuyến phân vùng khai thác thủy sản trong vùng biển Bình Định (được quy định tại Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31/03/2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển):

a. Vùng biển ven bờ được giới hạn bởi mép nước biển tại bờ biển và tuyến bờ thuộc phạm vi tỉnh Bình Định.

b. Vùng lộng: là vùng biển được giới hạn bởi tuyến bờ và tuyến lộng thuộc phạm vi tỉnh Bình Định.

c. Vùng khơi: là vùng biển được giới hạn bởi tuyến lộng và ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền kinh tế của vùng biển Việt Nam.

3. Việc xác định và công bố ranh giới vùng khai thác ven bờ giữa các tỉnh Phú Yên và Quảng Ngãi sẽ được ban hành bằng một văn bản khác sau khi thỏa thuận giữa UBND tỉnh với các tỉnh Phú Yên và Quảng Ngãi.

Điều 7. Quản lý hoạt động khai thác thủy sản trong vùng nước nội địa

1. Nghề cá thể thao, giải trí và một số nghề khai thác thủy sản thủ công nhỏ được tự do sử dụng trên đầm, sông, hồ và các vùng nước tự nhiên của tỉnh là: câu tay các loại; nơm; dậm; xúc vợt; chài quăng; câu giăng và rê bén có chiều dài dưới 50m; các loại lờ truyền thống, lợp; đẽo hầu, cào ngao, bắt cua, ốc bằng tay.

Hoạt động các loại hình này không được gây ảnh hưởng đến các loại ngư cụ của ngư dân tại địa phương đã đăng ký.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản tại vùng nước nội địa phải tuân thủ các quy định sau:

a. Cấm sử dụng tàu cá có công suất máy chính từ 20 CV trở lên để khai thác thủy sản trong vùng nước nội địa.

b. Cấm khai thác thủy sản bằng các loại nghề: te xiệp, giã cào, lưới quét; lưới xiếc, cào nghêu có sử dụng thuyền gắn máy tại các đầm Thị Nại, Đề Gi, Trà Ổ.

c. Các tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản bằng tàu cá có trọng tải từ 0,5 tấn trở lên phải có Giấy phép khai thác thủy sản.

d. Các tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản bằng các loại nghề: đăng, đáy, đón, chồ rớ, lưới rê cước, lồng bẫy mà không dùng tàu cá hoặc sử dụng tàu cá có trọng tải dưới 0,5 tấn phải có Chứng nhận quyền khai thác thủy sản trong vùng nước nội địa.

đ. Du nhập nghề khai thác mới trên các đầm, hồ phải được phép của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm đánh giá thẩm định nghề mới, đảm bảo nguyên tắc bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản.

e. Các loại ngư cụ khai thác cố định: đăng, đáy, sáo, chồ rớ đặt ở vị trí phải đảm bảo đường di cư thủy sản trên 1/3 bề rộng của cửa lạch và phải đảm bảo hành lang an toàn giao thông đường thủy nội địa trên các sông, đầm.

g. Kích thước mắt lưới nhỏ nhất tại phần tập trung cá của nghề đăng đáy, sáo là 2a=18 mm; khoảng cách tối thiểu giữa hai trộ nghề sáo là 150m (khoảng cách hai trộ nghề được tính là khoảng cách nò hàng trên đến cánh hàng dưới); khoảng cách tối thiểu giữa hai cánh sáo liền kề là 10m.

h. Ngư dân sử dụng các ngư cụ cố định chỉ được bố trí đánh bắt trên vùng nước của ngư dân địa phương mình và phải dành hành lang cho các loài thủy sản di chuyển theo quy hoạch được duyệt. Ngư dân sử dụng ngư cụ di động có thể khai thác các vùng mặt nước liền kề nhưng không làm ảnh hưởng đến các ngư cụ cố định.

3. Quyền khai thác thủy sản trên vùng nước nội địa bao gồm các quyền hạn và trách nhiệm ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm pháp luật thủy sản, trách nhiệm bảo vệ ngư trường, phát triển nguồn lợi thủy sản, trách nhiệm đảm bảo luồng tuyến giao thông thủy, trách nhiệm phòng chống suy thoái môi trường vùng nước và đóng góp nghĩa vụ thuế cho Nhà nước.

a. Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có vùng nước nội địa cấp quyền khai thác thủy sản cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ngư dân cấp thôn, xã trong vùng mặt nước cụ thể thuộc địa bàn quản lý trên cơ sở số lượng, chủng loại ngư cụ, mùa vụ và đối tượng đánh bắt.

b. Các loại thuế khai thác thủy sản tự nhiên trên vùng nước nội địa được để lại 100% cho ngân sách cấp xã dùng để chi phí cho việc tổ chức thu thuế trong cộng đồng và công tác, quản lý, tổ chức, thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

c. Mức sản lượng khai thác thủy sản tính thuế cho từng khu vực khai thác thủy sản tại các vùng nước nội địa do Cục Thuế tỉnh thống nhất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định sau khi đã trao đổi với chính quyền cấp xã và cộng đồng ngư dân.

d. Các tổ chức, cá nhân được cấp quyền khai thác thủy sản có thời hạn 10 năm đối với vùng nước bình thường, 5 năm đối với vùng nước nhạy cảm. Đối với vùng nước đặc biệt nhạy cảm, thì quyền khai thác thủy sản chỉ được cấp hằng năm hoặc giao cho Ủy ban nhân dân xã tổ chức đấu giá khai thác hàng năm.

đ. Nhà nước có quyền thu hồi toàn bộ hoặc một phần vùng nước đã giao cho tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản trong các trường hợp:

- Tổ chức, cá nhân được giao không còn tồn tại.

- Tổ chức, cá nhân tự nguyện trả lại vùng nước được giao.

- Vùng nước được giao sử dụng đã hết thời hạn.

- Tổ chức, cá nhân không tiến hành khai thác thủy sản, không thực hiện việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả, không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

- Tổ chức, cá nhân được giao quyền khai thác trên vùng nước đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật về quản lý thủy sản và các vi phạm pháp luật khác.

- Thời hạn sử dụng quyền khai thác thủy sản trên vùng nước chưa hết nhưng Nhà nước có nhu cầu sử dụng vùng nước đã giao để phát triển kinh tế - xã hội.

e. Cơ quan Nhà nước cấp nào quyết định cấp quyền khai thác thủy sản thì có quyền quyết định hủy bỏ, chấm dứt quyền khai thác thủy sản đã cấp.

4. Việc quy định khu vực cấm khai thác và khai thác có thời hạn trên vùng nước nội địa sẽ được tiến hành từng bước thích hợp, bảo đảm công ăn việc làm và đời sống cho cộng đồng ngư dân theo đúng quy định của Luật Thủy sản. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất các khu vực cấm khai thác và khai thác có thời hạn, lập và bổ sung danh mục các loại nghề khai thác bị hạn chế phát triển hoặc bị cấm trên địa bàn tỉnh.

5. Việc sử dụng chắn sáo, lưới, lồng nuôi thủy sản để ăn thực vật, phù du và các hình thức nuôi khác trên vùng nước nội địa phải tuân thủ theo quy hoạch và được phép của cơ quan có thẩm quyền.

6. Việc khai thác các loài thủy sản vùng nước nội địa có kích thước tối thiểu nhỏ hơn quy định để sử dụng vào mục đích nghiên cứu khoa học, để làm giống hoặc cứu nạn các loài thủy sản sống trong vùng nước bị ô nhiểm có nguy cơ bị chết thì phải được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận.

Điều 8. Quản lý hoạt động khai thác thủy sản trong vùng biển

1. Các tổ chức, cá nhân sử dụng tàu cá có trọng tải từ 0,5 tấn khai thác thủy sản trên các vùng khai thác thủy sản đều phải có Giấy phép khai thác thủy sản do Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cấp.

2. Nghiêm cấm các hoạt động khai thác thủy sản sau:

a. Sử dụng chất nổ, điện, công cụ kích điện hoặc tạo xung điện, hóa chất hoặc chất độc để khai thác thủy sản tại các vùng ven biển, vùng lộng và vùng khơi.

b. Xả, thải, để rò rỉ dầu, chất thải, chất độc tại các vùng nước neo đậu tàu thuyền và các vùng biển khai thác thủy sản.

c. Vi phạm các quy định về an toàn giao thông, an toàn của các công trình theo quy định của pháp luật về hàng hải, bưu chính viễn thông và các quy định pháp luật khác có liên quan.

d. Vi phạm các quy định về bảo tồn, quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển, đảo và các khu vực mà tổ chức, cá nhân đã được cấp có thẩm quyền giao hoặc cho thuê mặt nước ven biển, đảo để nuôi trồng thủy sản.

e. Nghiêm cấm tàu cá ngoài tỉnh có công suất máy chính dưới 20 CV hoặc tàu không lắp máy khai thác hải sản tại vùng biển ven bờ. Trừ trường hợp có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định.

3. Trong quá trình hoạt động tại các vùng khai thác thủy sản trên vùng biển Bình Định, các tàu cá phải tuân thủ các quy định sau:

a. Thực hiện đầy đủ các quy định tại Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19/05/2005 của Chính phủ về bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản.

b. Mang theo trên tàu đầy đủ các giấy tờ sau đây: (bản chính)

 - Giấy phép khai thác thủy sản đối với tàu cá hoạt động khai thác thủy sản, trừ tàu cá có trọng tải dưới 0,5 tấn;

 - Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá (đối với tàu cá theo quy định của phải có);

 - Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá (đối với loại tàu cá theo quy định phải có). Đối với trường hợp tàu cá đã thế chấp vay vốn tại ngân hàng thì phải có bản sao Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá được ngân hàng đó xác nhận.

 - Sổ danh bạ thuyền viên, sổ thuyền viên tàu cá theo quy định. Đối với thuyền viên và người làm việc trên tàu cá mà pháp luật quy định không có sổ thuyền viên thì phải có giấy tờ tùy thân.

 - Bằng thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá (đối với loại tàu cá theo quy định phải có).

c. Ghi chép nhật ký và báo cáo khai thác thủy sản theo quy định.

4. Quy định về công suất tàu cá và các vùng khai thác thủy sản trên vùng biển Bình Định theo các nguyên tắc sau:

a. Tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên khai thác thủy sản tại vùng khơi và vùng biển cả, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng;

b. Tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20 CV đến dưới 90 CV khai thác hải sản tại vùng lộng và vùng khơi, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng biển cả.

c. Tàu cá lắp máy có công suất máy chính dưới 20 CV hoặc tàu không lắp máy khai thác hải sản tại vùng biển ven bờ không được khai thác thủy sản tại vùng lộng, vùng khơi và vùng biển cả;

Tàu cá có công suất máy chính dưới 20 CV hoặc tàu không lắp máy đăng ký tại Bình Định thì chỉ được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ của tỉnh. Trừ trường hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên và tỉnh Quảng Ngãi có thỏa thuận riêng với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định về việc cho phép loại tàu cá này của tỉnh Bình Định vào khai thác thủy sản trong vùng biển ven bờ của tỉnh Quảng Ngãi và Phú Yên.

d. Các tàu làm nghề: lưới vây cá nổi nhỏ, mành, trũ, lưới rê 2,3,5, câu bã và nghề khai thác nhuyễn thể, nghề khai thác tôm hùm giống không bị giới hạn công suất khi hoạt động khai thác trong vùng biển ven bờ và vùng lộng.

đ. Ngoài quy định về công suất máy chính của tàu, tàu khai thác hải sản còn phải đáp ứng đầy đủ quy định về đảm bảo an toàn khi tàu hoạt động trên từng vùng biển.

e. Tàu cá hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi phải được đánh dấu để nhận biết theo quy định cụ thể về dấu hiệu nhận biết đối với tàu cá hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi.

5. Quy định về số đăng ký tàu cá tại Bình Định

Số đăng ký tàu cá được viết hai bên mạn phía mũi tàu, trường hợp tàu nhỏ không thể viết số đăng ký ở bên mạn phía mũi tàu thì làm biển số gắn ở phía ngoài vách ca bin hoặc vách buồng ngủ, nếu tàu không có cả ca bin và buồng ngủ thì viết hoặc gắn vào bất kỳ vị trí nào của thân tàu nơi dễ nhìn thấy nhất.

Số đăng ký tàu cá ghi trên tàu nhằm thể hiện tàu cá của các huyện, thành phố trong tỉnh và nhóm công suất của tàu để nhận biết tàu cá hoạt động ở vùng ven biển, vùng lộng, vùng khơi.

Số đăng ký tàu cá gồm ba nhóm :

a. Nhóm thứ nhất : BĐ là thể hiện tàu cá đăng ký tại tỉnh Bình Định.

b. Nhóm thứ hai : Gồm 5 chữ số theo thứ tự từ 00001 đến 99999 

- Đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên, quy ước có số thứ nhất là 9, số thứ hai là số đại diện cho huyện, thành phố có tàu đăng ký, ba số còn lại theo thứ tự đăng ký.

- Đối với tàu cá lắp máy có công suất dưới 20 CV quy ước số thứ nhất là 0, số thứ hai là số đại diện cho huyện, thành phố có tàu đăng ký, ba số còn lại theo thứ tự đăng ký.

- Đối với tàu cá lắp máy có công suất từ 20 sức ngựa đến dưới 90 sức ngựa quy ước số thứ nhất là số đại diện cho huyện, thành phố có tàu đăng ký, bốn số còn lại theo thứ tự đăng ký.

- Số đại diện cho huyện, thành phố có tàu cá đăng ký theo thứ tự từ phía Nam ra phía Bắc của tỉnh quy định như sau:

+ Số 1 thể hiện tàu cá đăng ký tại thành phố Quy Nhơn.

+ Số 2 thể hiện tàu cá đăng ký tại huyện Tuy Phước.

+ Số 3 thể hiện tàu cá đăng ký tại huyện Phù Cát.

+ Số 4 thể hiện tàu cá đăng ký tại huyện Phù Mỹ.

+ Số 5 thể hiện tàu cá đăng ký tại huyện Hoài Nhơn.

Các huyện khác: do tàu thuyền nghề cá chủ yếu tập trung ở 5 huyện nên ở các huyện khác trong tỉnh có rất ít tàu nên không đặt trong quỹ số mà chỉ đưa vào ở huyện liền kề gần nhất tính từ phía Bắc tỉnh vào.

c. Nhóm thứ ba : TS là chữ viết tắt của từ thủy sản

5. Các nghề và loại tàu khai thác thủy sản bị cấm hoạt động trong một số vùng khai thác thủy sản:

a. Vùng biển ven bờ cấm các nghề : lưới kéo (trừ lưới kéo moi/ruốc ở tầng nước mặt), nghề kết hợp ánh sáng (trừ nghề rớ, câu tay mực); các nghề khai thác thủy sản sử dụng tàu cá có công suất máy chính từ 20 CV trở lên ngoại trừ các tàu được quy định tại điểm d khoản 4 điều này.

Tổng công suất các cụm chiếu sáng của mỗi đơn vị khai thác không được vượt quá 200W với nghề rớ (vó cất lưới bằng trục quay tay), 500W với nghề câu mực.

b. Vùng lộng cấm các nghề kết hợp ánh sáng sử dụng công suất nguồn sáng vượt quá quy định; các nghề khai thác thủy sản sử dụng tàu cá có công suất máy chính dưới 20 CV hoặc từ 90 CV trở lên ngoại trừ các tàu được quy định tại điểm d khoản 3 Điều này.

Tổng công suất các cụm chiếu sáng của mỗi đơn vị khai thác làm các nghề lưới vây, vó, mành, câu mực, pha xúc không vượt quá 5000W ; công suất của mỗi bóng đèn dùng trong nghề pha xúc không vượt quá 2000W và vị trí lắp đặt đèn pha phải cách mặt nước trên 1,2 m; khoảng cách giữa điểm đặt cụm sáng với các cụm chà rạo hoặc nghề cố định không được dưới 500 m.

6. Cấm phát triển đóng mới hoặc mua từ ngoài tỉnh các tàu khai thác thủy sản có công suất máy chính hoặc sử dụng các nghề bị cấm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn :

- Các nghề kết hợp ánh sáng hoạt động tại tuyến bờ và tuyến lộng;

- Các nghề te, xiệp, xịch, đáy trong sông, đáy biển;

- Tàu lắp máy có công suất dưới 90 sức ngựa làm nghề lưới kéo cá;

- Tàu lắp máy dưới 30 sức ngựa làm các nghề khác.

7. Việc sử dụng các loại chà rạo, lồng bè nuôi thủy sản, các vùng nước phục vụ bảo tồn, du lịch sinh thái, dịch vụ thủy sản và các hình thức nuôi trồng thủy sản khác trên các vùng khai thác phải tuân thủ theo quy hoạch và được phép của cơ quan có thẩm quyền.

Chương IV

PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN

Điều 9. Bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản

1. Nhà nước khuyến khích việc thả giống bổ sung, tái tạo, làm phong phú nguồn lợi thủy sản tại các vùng nước. Đối với vùng nước mà nguồn lợi thủy sản liên quan đến nhiều huyện, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chịu trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để tái tạo nguồn lợi. Đối với các vùng nước có nguồn lợi thủy sản độc lập, chính quyền cấp huyện, xã chủ động kế hoạch và tổ chức thực hiện thả giống bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản hàng năm.

2. Việc xã hội hóa bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản được đặc biệt khuyến khích. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có kế hoạch tái tạo nguồn lợi hàng năm, để huy động sự tham gia của cá nhân, hộ gia đình, tổ chức ngư dân, các cơ sở sản xuất giống. Việc thả giống bổ sung được giám sát bởi Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và chính quyền địa phương.

3. Việc du nhập giống mới vào các vùng nước do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chịu trách nhiệm thực hiện, theo quy định của pháp luật.

4. Việc sử dụng chà rạo, rạn nhân tạo trong các vùng nước tự nhiên từng bước thực hiện phù hợp với khả năng kinh tế của chính quyền các cấp.

Nhà nước khuyến khích các tổ chức ngư dân địa phương tự xây dựng các chà rạo, rạn nhân tạo trong vùng nước được ủy quyền để làm nơi trú ẩn và sinh sản của thủy sản.

Điều 10. Khu bảo tồn nội địa và khu bảo tồn biển

1. Bảo tồn vùng nước nội địa, bảo tồn biển phải được coi là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của toàn xã hội; đồng thời phải có chính sách, biện pháp nhằm bảo vệ, khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản, phát triển nghề cá bền vững, bảo vệ sự đa dạng hệ sinh thái thủy sinh của các vùng nước nội địa và vùng biển.

2. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Phù Mỹ và các ban ngành có liên quan thực hiện các bước triển khai xây dựng, trình cấp có thẩm quyền thành lập và tổ chức quản lý khu bảo tồn vùng nước nội địa cấp tỉnh tại đầm Trà Ổ theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 13.10.2008 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020.

3. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án điều tra, nghiên cứu khoa học làm cơ sở xác định, đề xuất các khu bảo tồn và biện pháp bảo vệ cụ thể đối với từng khu bảo tồn. Tập trung điều tra, nghiên cứu đối với một số thủy vực có nhiều giống loài thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế và khoa học, có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng cao.

Điều 11. Nguồn tài chính cho công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản

1. Kinh phí bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản hàng năm: Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng địa phương (diện tích mặt nước nuôi trồng, khai thác thủy sản, số lượng tàu thuyền, phương tiện đánh bắt, sản lượng đánh bắt thủy sản…) và khả năng ngân sách của cấp mình để bố trí kinh phí phù hợp cho công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

2. Nguồn lực xã hội hóa.

a. Đóng góp của tổ chức, cá nhân trực tiếp khai thác, nuôi trồng, chế biến, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản;

b. Đóng góp của tổ chức, cá nhân hoạt động trong các ngành, nghề có ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lợi thủy sản;

c. Tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;

d. Vốn ủy thác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước dành cho các hoạt động nhằm tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản;

đ. Tiền đền bù thiệt hại về nguồn lợi thủy sản, khắc phục hậu quả sự cố môi trường sống của các loài thủy sinh vật theo quy định của pháp luật;

e. Phí bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

g. Các nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật.

3. Thành lập Quỹ Tái tạo nguồn lợi thủy sản của tỉnh nhằm thu hút các nguồn đầu tư và chủ động trong việc thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ nghiên cứu, đề xuất thành lập Quỹ Tái tạo nguồn lợi thủy sản của tỉnh, xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động Quỹ Tái tạo nguồn lợi thủy sản. Hàng năm phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có các vùng nước tự nhiên sử dụng nguồn kinh phí của Quỹ tổ chức thả giống, chà rạo nhân tạo xuống các vùng nước tự nhiên phục vụ tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Điều 12. Mô hình đồng quản lý trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản

1. Khuyến khích cộng đồng ngư dân, chính quyền địa phương cấp xã, phường tổ chức quản lý các hoạt động nghề cá tại các vùng nước nội địa, vùng nước ven bờ với sự tham gia của cộng đồng; gắn trách nhiệm và quyền lợi của người dân trong việc khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường. Tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng ngư dân thành lập Hợp tác xã, tổ nhóm, hội và phối hợp với chính quyền địa phương quản lý việc khai thác, nuôi trồng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên vùng nước nội địa, vùng nước ven bờ.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố hướng dẫn, xây dựng, nhân rộng và phát triển các mô hình quản lý có sự tham gia của cộng đồng đối với việc quản lý nguồn lợi thủy sản ở vùng nước nội địa và vùng biển ven bờ.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố căn cứ các quy hoạch đã được phê duyệt tiến hành giao quyền sử dụng mặt nước cho cộng đồng ngư dân để thực hiện các mô hình đồng quản lý trong khai thác, nuôi trồng thủy sản nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, gắn kết sinh kế cộng đồng ở vùng nước nội địa và vùng nước ven bờ; ưu tiên phát triển các mô hình gắn kết phát triển thủy sản và du lịch, bảo vệ hệ sinh thái và môi trường.

Chương V

TRÁCH NHIỆM TRONG HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC, BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN

Điều 13. Đối với tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

1. Quyền lợi của tổ chức, cá nhân

a. Được khai thác thủy sản theo những nội dung ghi trong Giấy phép khai thác thủy sản.

b. Được cơ quan chuyên môn thông báo về tình hình diễn biến thời tiết, nguồn lợi thủy sản, thông tin về thị trường, các hoạt động thủy sản và hướng dẫn kỹ thuật về khai thác thủy sản.

c. Được Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp do thành quả lao động và kết quả đầu tư hoạt động khai thác thủy sản mang lại.

d. Được tham gia vào công tác bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn lợi thủy sản; bảo đảm tái tạo nguồn lợi thủy sản và phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, sông, hồ, đầm, phá và các vùng nước tự nhiên khác

2. Nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân

a. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định ghi trong Giấy phép khai thác thủy sản.

b. Nộp các khoản thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

c. Đánh dấu ngư cụ đang sử dụng theo quy định của pháp luật.

d. Tuân thủ sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng, cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

đ. Phải cứu hộ khi gặp người, tàu thuyền bị tai nạn.

e. Phát hiện, tố giác, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản.

f. Tuân thủ theo các quy định về quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại quy chế này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 14. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng quy hoạch phát triển thủy sản, kế hoạch phát triển tàu cá, cơ cấu nghề nghiệp nhằm khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững; phối hợp với cơ quan liên quan điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Định;

2. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cho ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp khai thác ven bờ, nghề cấm khai thác sang các nghề khác; hướng dẫn và nhân rộng các mô hình tổ đoàn kết sản xuất trên biển, hướng dẫn thực hiện mô hình đồng quản lý đối với vùng biển ven bờ có sự tham gia quản lý của cộng đồng; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan trong việc kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản tại vùng khơi và ngoài vùng biển Việt Nam.

3. Phối hợp với các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường trong quản lý các hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển, thanh tra, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thủy sản; tìm kiếm cứu nạn người và phương tiện hoạt động thủy sản; tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Điều 15. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

1. Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch phát triển tàu cá, cơ cấu nghề nghiệp trong khai thác thủy sản của tỉnh để xây dựng kế hoạch cụ thể cho địa phương, đồng thời làm tốt công tác quản lý các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.

2. Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật thủy sản cho nhân dân, nhất là ngư dân.

3. Quản lý các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng ven biển và các vùng nước tự nhiên khác được phân cấp quản lý; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, ngành liên quan trong việc quản lý các hoạt động khai thác thủy sản tại các vùng nước, quản lý đăng ký, đăng kiểm tàu cá theo phân cấp.

4. Chỉ đạo việc xây dựng các mô hình tổ chức khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với việc quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.

5. Căn cứ vào vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên để phân cấp quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho cấp xã, phường, thị trấn tại vùng nước nội địa, vùng biển ven bờ để phát triển các mô hình quản lý có sự tham gia của cộng đồng.

6. Triển khai các biện pháp nhằm quản lý tốt các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên phạm vi được phân công quản lý; phối hợp với các lực lượng của tỉnh để kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển và các vùng nước tự nhiên khác trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Điều 16. Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành liên quan

Trong phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền của mình phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật thủy sản; thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thủy sản; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động khai thác thủy sản trong vùng biển và các vùng nước tự nhiên khác trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Chương VI

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 17. Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân có thành tích thực hiện Quy chế này được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Quy chế thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 31/2010/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm hoặc bao che cho người có hành vi vi phạm các quy định tại quy chế này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Khiếu nại, tố cáo

1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm các quy định tại quy chế này và các quy định khác của pháp luật có liên quan với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi nhận được khiếu nại, tố cáo phải có trách nhiệm giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật về khiếu nại và tố cáo.

Chương VII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 20. Triển khai thực hiện

1. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức phổ biến, thực hiện Quy chế và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và xã, phường, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và trách nhiệm của mình, tăng cường phối hợp, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác được quy định trong Quy chế này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh những vấn đề cần bổ sung, sửa đổi, phản ảnh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, đề xuất trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định./.


PHỤ LỤC

TUYẾN PHÂN VÙNG KHAI THÁC THỦY SẢN TRONG VÙNG BIỂN BÌNH ĐỊNH
(Kèm theo Quyết định số 02/2011/QĐ-UBND ngày 14/01/2011 của UBND tỉnh)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 02/2011/QĐ-UBND về Quy chế quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Định do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định ban hành

  • Số hiệu: 02/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/01/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Hồ Quốc Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản