Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3522/QĐ-UB-KT

TP. Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 7 năm 1996

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 / 6 / 1994 ;

- Căn cứ Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 31/8/1994 ;

- Căn cứ Nghị định số 98/CP ngày 27/12/1995 của Chính phủ quy định việc thi hành Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ;

- Căn cứ Pháp lệnh đê điều được Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 9/11/1989 và Nghị định số 429/HĐBT ngày 15/12/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định việc thi hành Pháp lệnh đê điều ;

- Căn cứ Nghị định số 12/CP ngày 02/3/1993 của Chính phủ ban hành bản quy định về sắp xếp lại tổ chức và đổi mới cơ chế quản lý các doanh nghiệp Nông nghiệp Nhà nước ;

- Căn cứ Nghị định số 112/HĐBT ngày 25/8/1984 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc thu thủy lợi phí ;

- Căn cứ Quyết định số 861/TTg ngày 30/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, biện pháp quản lý và điều hành ngân sách Nhà nước năm 1996 ;

- Căn cứ Quyết định số 202/QĐ-UB ngày 7/10/1987 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quy định về thủy lợi phí ;

- Xét đề nghị tại tờ trình số 368/NN-TTQLKT ngày 02/4/1996 của ông Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. - Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy định về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi để thực hiện Pháp lệnh ngày 31/8/1994 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định số 98/CP ngày 27/12/1995 của Chính phủ.

Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành. Những quy định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề chưa hợp lý sẽ điều chỉnh, bổ sung.

Điều 3.- Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn , Sở Tài chánh, Sở Địa chính, Sở Công nghiệp, Sở Xây dựng, Sở Giao thông công chánh , Sở Tư pháp, Công an thành phố, Cục Thuế thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các Quận-Huyện và các ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.-

 

 

T / M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
Q. CHỦ TỊCH




Võ Viết Thanh

 

QUY ĐỊNH

VỀ KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3522/QĐ-UB-KT ngày 30/7/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố).

Chương I :

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Quy định này áp dụng đối với các công trình và hệ thống công trình thủy lợi đã và đang xây dựng được đưa vào quản lý khai thác như : Hệ thống kênh Đông Củ Chi, Hóc Môn- Bắc Bình Chánh ; các vùng thủy lợi và các công trình thủy lợi độc lập (cống đập rạch Chiếc, đập Hạ Tắc, kè biển, hồ chứa nước, giếng nước), hệ thống công trình thủy lợi, công trình tiêu thoát nước khác ở các huyện ngoại thành và vùng ven.

Điều 2.- Hộ dùng nước là cá nhân, tổ chức được hưởng lợi từ công trình thủy lợi do doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi phục vụ : tưới tiêu, cải tạo đất, nuôi trồng thủy sản, giao thông, du lịch, cấp nước cho công nghiệp và dân sinh.

Hộ dùng nước được phân làm 2 loại, có trách nhiệm phải trả thủy lợi phí :

1- Hộ dùng nước sản xuất lương thực và cây trồng ngắn ngày có trách nhiệm trả thủy lợi phí theo hợp đồng dùng nước.

2- Hộ dùng nước khác (các doanh nghiệp , tổ chức kinh tế, xã hội...) có trách nhiệm trả thủy lợi phí theo thỏa thuận giữa đơn vị quản lý khai thác và đơn vị dùng nước thông qua hợp đồng kinh tế.

Hộ dùng nước của công trình thủy lợi có quyền và nghĩa vụ quy định tại điều 17 Pháp lệnh và điều 9 Nghị định số 98/CP.

Chương II :

QUẢN LÝ KHAI THÁC

Mục 1 : Thủy lợi phí.

Điều 3.- “Thủy lợi phí” là một phần phí dịch vụ về nước của công trình thủy lợi, để góp phần chi phí cho công tác quản lý, vận hành, tu bổ và bảo vệ công trình thủy lợi.

Để giảm nhẹ thủy lợi phí đối với hộ sản xuất lương thực và cây ngắn ngày, Nhà nước quy định không tính khấu hao cơ bản các công trình xây đúc, công trình đất và không tính chi phí sửa chữa định kỳ, khấu hao sửa chữa lớn.

Thành phố quy định áp dụng các loại thu theo Nghị định 112/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và mức thu theo Quyết định số 202/QĐ-UB của UBND thành phố. Ngân sách thành phố sẽ cấp hỗ trợ cho công tác khai thác bảo vệ công trình (quy định ở điều 11 của Pháp lệnh) khi thu thủy lợi phí không đủ chi.

Điều 4.-

1- Mức thu thủy lợi phí được tính theo tỷ lệ phần trăm năng suất gieo trồng bình quân của cây lúa, ứng với các biện pháp tưới tiêu.

2- Mức thu thủy lợi phí được tính bằng lúa theo điều 3 của Quyết định số 202/QĐ-UB ngày 07/10/1987 của UBND thành phố, cụ thể như sau :

Biện pháp tưới tiêu

Vụ đông xuân

Vụ hè thu

Cả năm bằng lúa (kg)

Tỷ lệ (%)

Bằng lúa (kg)

Tỷ lệ (%)

Bằng lúa (kg)

- Tưới tiêu tự chảy (trọng lực)

4%

135

5%

165

300

- Tưới tiêu bằng bơm các loại (động lực)

5%

165

6%

195

360

Vụ mùa không thu thủy lợi phí vì chỉ tưới hỗ trợ khi khô hạn.

3- Giá lúa được tính bằng giá bình quân năm của thị trường.

4- Tưới (tiêu) tạo nguồn được tính bằng 50% mức thu trên.

Điều 5.-

Các loại mức thu cho dịch vụ khác được tính đủ chi phí quản lý vận hành và không tính trên đơn vị hecta.

1- Mức thu đối với nuôi trồng thủy sản, cây trồng lâu năm, cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp được xác định theo sự thỏa thuận của đơn vị dùng nước và đơn vị quản lý khai thác.

2- Giao thông thủy (có tính chất vận tải hàng hóa) qua công trình thủy lợi (cống, âu thuyền, kênh).

- Thuyền có tải trọng 3 đến 10 tấn thu 5.000đ/thuyền/lượt.

- Thuyền có tải trọng 10 đến 20 tấn thu 10.000 đ/thuyền/lượt.

- Thuyền có tải trọng trên 20 tấn thu 15.000đ/thuyền/lượt.

Không thu đối với thuyền của dân đi lại có tính chất sinh hoạt.

Điều 6.- Việc thu thủy lợi phí đối với hộ nông dân sản xuất cây lương thực và cây trồng ngắn ngày (loại hộ dùng nước ở phần 1- điều 2 của quy định này) được thực hiện theo nguyên tắc :

- Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi và UBND huyện lập kế hoạch thu thủy lợi phí hàng năm và phân bổ cho từng xã. UBND xã tổ chức thu cùng lúc với thu thuế sử dụng đất nông nghiệp.

- Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi thực hiện hợp đồng dùng nước với UBND xã trên cơ sở sổ bộ thủy lợi phí do công ty và UBND xã lập.

- Số thủy lợi phí thu được, trích tỷ lệ hợp lý cho công tác thu và tu sửa thường xuyên công trình trong phạm vi từng xã, tổ đường nước và cá nhân nhận khoán.

Điều 7.- Doanh nghiệp quản lý khai thác trực tiếp thu thủy lợi phí của các loại hộ dùng nước khác thông qua hợp đồng kinh tế.

Riêng thủy lợi phí thu đối với thuyền qua công trình thủy lợi phải có phiếu thu theo hướng dẫn của Sở Tài chánh và Cục Thuế thành phố.

Mục 2 : Công ty quản lý khai thác

Điều 8.- Việc khai thác và bảo vệ công trình thực hiện theo hệ thống công trình và tổ chức thống nhất một Công ty quản lý khai thác trên toàn địa bàn thành phố.

Các huyện có công trình thủy lợi nhỏ, phân tán có thể tổ chức các trạm đội quản lý khai thác trực thuộc Phòng Nông nghiệp thủy lợi của huyện hoặc Xí nghiệp thuộc Công ty của thành phố.

Điều 9.- Công ty quản lý khai thác là loại hình doanh nghiệp dịch vụ đặc thù, khai thác cơ sở kinh tế- kỹ thuật hạ tầng phục vụ xã hội, dân sinh, kinh tế, có tư cách pháp nhân, tự chủ về tài chánh, hoạt động theo phương thức hạch toán lấy thu bù chi, được Nhà nước hỗ trợ tài chánh (theo điều 11 Pháp lệnh).

Công ty quản lý khai thác có những chức năng sau :

1- Dịch vụ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ; xã hội và dân sinh.

2- Dịch vụ kỹ thuật thủy lợi, nông nghiệp, sản xuất kinh doanh tổng hợp, xây lắp, xử lý nước, ô nhiễm môi trường nước.

Điều 10.- Công ty quản lý khai thác có nhiệm vụ quy định tại điều 15 Pháp lệnh và điều 7 Nghị định số 98/CP. Công ty quản lý khai thác có quyền được quy định tại điều 16 Pháp lệnh và điều 8 Nghị định số 98/CP.

Ngoài ra Công ty có quyền tham gia và phải được thỏa thuận trước trong việc cấp giấy phép (hoặc thu hồi giấy phép) để khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định tại điều 20, điều 21 của Nghị định số 98/CP.

Điều 11.- Nguồn tài chánh của Công ty khai thác công trình thủy lợi (được quy định tại điều 13 của Pháp lệnh) để chi phí vận hành, tu sửa và bảo vệ công trình gồm :

1- Thủy lợi phí.

2- Ngân sách Nhà nước hỗ trợ.

3- Các khoản thu do khai thác tổng hợp công trình thủy lợi.

Ngân sách Nhà nước cấp cho Công ty quản lý khai thác trong các trường hợp sau :

- Chi sửa chữa định kỳ, sửa chữa lớn, khắc phục hậu quả do thiên tai lũ lụt, hạn hán... gây ra làm hư hỏng công trình và nâng cấp công trình.

- Hỗ trợ : hụt thu thủy lợi phí và chi nộp đầu mối hồ Dầu Tiếng.

- Cấp bổ sung kinh phí mua sắm trang thiết bị quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi (điều 10 Nghị định số 98/CP).

Hằng năm, Công ty quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi và Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn thành phố lập kế hoạch để Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cân đối ngân sách trình UBND thành phố xem xét giải quyết.

Điều 12.- Ngoài nhiệm vụ chính yếu là khai thác bảo vệ công trình thủy lợi ; Công ty được phép kinh doanh tổng hợp, lợi nhuận từ hoạt động này được dùng để tăng thu nhập cho đơn vị và người lao động .

Chương III :

BẢO VỆ CÔNG TRÌNH

Điều 13.- Trách nhiệm bảo vệ công trình :

1- Công ty quản lý khai thác chịu trách nhiệm trực tiếp bảo vệ máy móc, thiết bị, nhà xưởng của công trình thủy lợi ; lập hàng rào bảo vệ, cắm mốc chỉ giới, niêm yết nội quy, dựng biển báo, biển cấm cho từng công trình thủy lợi, đặc biệt là công trình đầu mối và quan trọng.

Lập phương án bảo vệ trình UBND thành phố phê duyệt.

2- UBND huyện, xã tổ chức thực hiện phương án bảo vệ đối với công trình ở địa phương mình và phân cấp như sau :

- Công trình phục vụ xã nào thì UBND xã đó tổ chức thực hiện phương án bảo vệ.

- Công trình có liên quan đến nhiều xã thì UBND huyện tổ chức thực hiện phương án bảo vệ.

- Công trình có liên quan đến các huyện thì công trình trên phạm vi huyện nào, UBND huyện đó tổ chức thực hiện phương án bảo vệ.

3- Khi phát hiện công trình thủy lợi bị xâm hại hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố thì người phát hiện có trách nhiệm báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan quản lý công trình nơi gần nhất ; chính quyền địa phương hoặc cơ quan quản lý công trình có trách nhiệm xử lý ngay đồng thời báo lên cấp trên.

Điều 14.- Phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi được quy định như sau :

1- Đối với kênh tưới (kênh nổi) :

- Lưu lượng từ 2 đến 10m3/s, từ chân mái ngoài của kênh trở ra là 5m.

- Lưu lượng trên 10m3/s từ chân mái ngoài của kênh trở ra là 10m.

2- Đối với kênh tiêu (kênh chìm) :

- Lưu lượng từ 10 đến 20m3/s từ chân mái ngoài của kênh trở ra là 20m.

- Lưu lượng trên 20m3/s từ chân mái ngoài của kênh trở ra là 30m.

3- Đối với đập :

- Cách chân đập 20 đến 50m (đập cấp IV và V).

- Cách vai đập về mỗi phía 20m.

4- Đối với cống đầu mối (tưới, tiêu, ngăn mặn) :

- Lưu lượng dưới 10m3/s giới hạn từ phần xây đúc cuối cùng trở ra mỗi phía là 20m.

- Lưu lượng trên 10m3/s là 30m.

- Với vùng ảnh hưởng triều, giới hạn trên được tăng thêm 20m.

5- Đối với cống trên hệ thống tưới, tiêu nội đồng, phạm vi bảo vệ áp dụng theo kênh.

6- Đối với đê, bờ bao :

- Chiều cao trên 1m từ chân đê, bờ bao trở ra 10m.

- Chiều cao dưới 1m từ chân đê, bờ bao trở ra 5m.

7- Đối với trạm bơm : phạm vi bảo vệ theo hàng rào được xây dựng và phải có giao quyền sử dụng đất cho đơn vị quản lý khai thác.

8- Các loại công trình khác (cầu máng, kè sông, kè biển...) đơn vị quản lý khai thác nghiên cứu trình UBND thành phố xem xét có quyết định riêng.

Điều 15.- Xử lý vi phạm và sử dụng đất trên phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi :

1- Các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình phải có sự chấp thuận của Công ty quản lý khai thác và cơ quan quản lý Nhà nước về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

2- Nhà và công trình đã xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình, cơ quan chính quyền địa phương phải xử lý theo điều 15, 16 của Nghị định số 98/CP. Cụ thể như sau :

- Trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi đã được quy định tại điều 27 của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi và phạm vi bảo vệ kênh đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt, nhà và công trình dù xây dựng trước ngày ban hành Nghị định này đều phải được xem xét, xử lý theo quy định sau đây :

 + Nhà và công trình đã xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi mà xâm phạm trực tiếp đến công trình thì phải tháo dỡ, di chuyển đi nơi khác và phải gia cố, tu bổ, bảo đảm an toàn cho công trình thủy lợi theo thiết kế. Những công trình thật cần thiết thì phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục sử dụng nhưng phải xử lý kỹ thuật, bảo đảm an toàn cho công trình thủy lợi.

 + Nhà và công trình xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi nhưng không xâm phạm trực tiếp đến công trình thì tùy theo mức độ ảnh hưởng đến an toàn của công trình thủy lợi, mà phải tháo dỡ, di chuyển đi nơi khác hoặc xem xét cho tiếp tục sử dụng, nhưng phải gia cố, xử lý kỹ thuật theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Ủy ban nhân dân thành phố căn cứ Pháp lệnh, Nghị định của Chính phủ, các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, xử lý việc tháo dỡ, di chuyển hoặc cho tiếp tục sử dụng đối với nhà và công trình hiện có trong phạm vi bảo vệ công trình đối với từng trường hợp cụ thể theo quy định hiện hành.

3- Công ty quản lý khai thác lập phương án sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ công trình để trình UBND thành phố phê duyệt và cấp phép sử dụng. Phương án sử dụng đất phải bảo đảm các yêu cầu theo điều 12 Nghị định số 98/CP.

Điều 16.- Nghiêm cấm các hành vi đã quy định theo điều 28 của Pháp lệnh và được bổ sung thêm :

- Các hành vi gây trở ngại cho công tác khai thác và bảo vệ công trình làm cản trở dòng chảy, canh tác trong lòng kênh, đổ đất, đá, rác làm bồi lắng lòng kênh, thả chăn dắt súc vật trong phạm vi bảo vệ công trình.

- Cản trở gây khó khăn cho người làm công tác quản lý vận hành và bảo vệ công trình.

- Phương tiện giao thông sai quy định an toàn công trình hoặc neo, đậu tàu thuyền trong phạm vi an toàn công trình.

- Thải bỏ chất bẩn, độc hại (rác, xác súc vật chết,...) vào nguồn nước, kênh dẫn.

Điều 17.- Xử lý các vi phạm bảo vệ công trình theo trình tự sau :

- Đội thanh tra chuyên ngành bảo vệ của Xí nghiệp hoặc Công ty quản lý khai thác lập biên bản và đình chỉ ngay các hành động, hoạt động vi phạm.

- Chuyển biên bản về UBND xã, huyện hoặc thành phố (theo sự phân cấp) để xử phạt theo Pháp lệnh xử phạt hành chánh hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật.

Chương IV :

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18.- Những quy định về quản lý Nhà nước, Thanh tra chuyên ngành về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Những quy định khác không đề cập trong quy định này phải thực hiện đúng theo Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 31/8/1994 và Nghị định số 98/CP ngày 27/12/1995 của Chính phủ.

Điều 19.- Tổ chức và cá nhân có thành tích trong khai thác và bảo vệ công trình được khen thưởng theo quy định Nhà nước.

Người vi phạm Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, Nghị định số 98/CP và quy định này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chánh hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Điều 20.- Quy định này có 4 chương và 20 điều, có hiệu lực từ ngày ký quyết định này.-

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3522/QĐ-UB-KT năm 1996 về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 3522/QĐ-UB-KT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/07/1996
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Võ Viết Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản