Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 202/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 7 tháng 10 năm 1987

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ THU THỦY LỢI PHÍ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 - Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1983 ;
 - Căn cứ Nghị định số 112/HĐBT ngày 25-8-1984 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thu thủy lợi phí ;
 - Căn cứ thông tư Liên Bộ Tài chánh - Thủy lợi số : 47/TT LB ngày 02-11-1984 hướng dẫn thi hành Nghị định số 112/HĐBT ngày 25-8-1984 của Hội Đồng Bộ trưởng ;
 - Xét đề nghị của đồng chí Giám đốc Sở Thủy lợi thành phố ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Ban hành kèm theo quyết định này quy định về việc thu thủy lợi phí đối với các tổ chức và cá nhân được hưởng lợi về tưới nước, tiêu nước hoặc các dịch vụ khác từ các công trình thủy nông trên địa bàn thành phố.

Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3.- Các đồng chí Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở Thủy lợi, Sở Tài chánh, Công ty Lương thực thành phố, Sở nông nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH /THƯỜNG TRỰC




Lê Văn Triết

 

QUY ĐỊNH

VẾ VIỆC THU THỦY LỢI PHÍ Ở ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
( Ban hành kèm theo Quyết định số : 202/QĐ-UB ngày 07-10-1987 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Để đảm bảo duy trì và khai thác tốt các công trình thủy nông bằng sự đóng góp công bằng hợp lý của những diện tích hưởng lợi về nước. Nhằm tạo điều kiện cho các xí nghiệp thủy nông thực hiện hạch toán kinh tế, nâng cao hiệu quả phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Đồng thời đề cao trách nhiệm của các cấp chánh quyền và nhân dân trong việc bảo vệ, quản lý, sử dụng tốt các công trình thủy nông.

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thủy lợi, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quy định về thu thủy lợi phí ở địa bàn thành phố Hồ Chí Minh như sau :

1 : NGUYÊN TẮC CHUNG

Mọi tổ chức và cá nhân có hưởng lợi về tưới nước, tiêu nước từ các công trình thủy nông do Nhà nước quản lý đều phải trả thủy lợi phí cho các Xí nghiệp thủy nông.

Trường hợp có thiên tai (bão lụt, sâu rầy…) làm mất mùa, thất thu thì thủy lợi phí được miễn hay giảm.

2 : HÌNH THỨC THU

1) Thủy lợi phí thu bằng thóc khô (nếu cây trồng là lúa) hoặc đậu phộng (trên đất trồng đậu phộng).

2) Thủy lợi phí thu bằng tiền trong những trường hợp sau :

- Nếu những tập đoàn sản xuất, hợp tác xã, hộ nông dân cá thể trồng lúa nhưng cân đối lương thực chưa đạt tới mức tối thiểu cần thiết do Ủy ban nhân dân thành phố quy định.

- Nếu cây trồng là rau màu hay cây trồng ngắn ngày khác, thủy lợi phí thu bằng tiền ngang với giá trị số thóc hay số sản phẩm phải trả tính theo giá thu mua kinh doanh do Ủy ban nhân dân thành phố quy định cho vụ sản xuất đó.

3 : MỨC THU

Căn cứ vào nguyên tắc chung, mức thu thủy lợi phí (tính theo tỷ lệ phần trăm trên sản lượng trung bình của ruộng đất theo mức ấn định thuế nông nghiệp) đối với đơn vị 1 ha diện tích gieo trồng được tưới tiêu chủ động bằng công trình thủy nông quy định như sau :

 

Biện pháp

Vụ Đông Xuân

Vụ Hè Thu

Vụ Mùa

1)

Mức thu đối với lúa :

a)

Tưới tiêu tự chảy bằng trọng lực

3-5,5%

3,5-6%

2-4,5%

b)

Tưới bằng bơm điện tiêu tự chảy

3,5-6,0%

4-6,5%

2,5-50%

2)

Mức thu đối với rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày :

a)

Tưới tiêu tự chảy bằng trọng lực

2-3,5%

1-2%

1-1,5%

b)

Tưới bằng bơm điện (nguồn nước mặt), tiêu tự chảy

2-5%

2-3%

1-2%

c)

Tưới bằng bơm điện (nguồn nước ngầm) tiêu tự chảy

2-7%

2-4%

1-2%

- Diện tích tưới tiêu chủ động là diện tích được công trình đưa nước trực tiếp vào ruộng hoặc rút nước từ mặt ruộng ra đảm bảo yêu cầu sản xuất và sinh trưởng của cây trồng, không có nạn úng lớn gây ảnh hưởng nhiều đến năng suất cây trồng.

- Trong trường hợp lợi dụng thủy triều để tưới tiêu tự chảy thì thu bằng 70% mức thu ở mục a.

- Trong trường hợp tưới bằng bơm dầu Nhà nước suốt vụ thì thu bằng 12% mức thu ở mục b và c.

- Trường hợp bơm 2 cấp để tưới thì thu bằng 150% mức thu với bơm 1 cấp.

- Đối với cây trồng lâu năm, nuôi trồng thủy sản và giao thông tron hệ thống thủy nông sẽ có quy định sau.

4 : LẬP KẾ HOẠCH, TỐ CHỨC THU NỘP VÀ THANH TOÁN THỦY LỢI PHÍ .

1) Lập kế hoạch :

- Xí nghiệp Thủy nông phải cùng các hộ sử dụng nước ký kết hợp đông tưới tiêu từng vụ, từng năm... Hợp đồng ghi rõ diện tích được tưới tiêu, số thủy lợi phí phải nộp, các quy định về thưởng phạt và thanh toán...

- Ngoài ra, để việc cung cấp điện bơm tưới được ổn định đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp, trước mỗi vụ 2 Sở Thủy lợi và Điện lực cần họp bàn để thỏa thuận một số nguyên tắc làm cơ sở cho xí nghiệp Thủy nông và các chi nhánh điện ký kết hợp đồng cung cấp điện bơm nước trên tinh thần phân công trách nhiệm về số thưởng phạt.

2) Tổng hợp xét duyện và giao chỉ tiêu kế hoạch thu thủy lợi phí.

Việc lập kế hoạch thủy lợi phí phải từ cơ sở lên. Sở Thủy lợi làm việc với các huyện, quận và trao đổi với Sở Tài chánh để tổng hợp dự kiến chỉ tiêu giao nộp thủy lợi phí cho các địa phương, gởi về Ủy ban Kế hoạch thành phố để xét cân đối các mặt, sau đó trình Ủy ban nhân dân thành phố duyệt.

Sau khi Ủy ban nhân dân thành phố giao chỉ tiêu nộp thủy lợi phí cho các huyện, quận thì Sở Thủy lợi hướng dẫn về mặt nghiệp vụ đồng thời cùng với huyện, quận theo dõi đôn đốc kiểm tra, báo cáo kết quả thu thủy lợi phí vê Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Thủy lợi. Việc thu thủy lợi phí bằng lương thực do các huyện, quận thực hiện.

3) Tổ chức thu nộp và thanh toán.

- Căn cứ kết quả tổng nghiệm thu, Xí nghiệp Thủy nông lập và thu thủy lợi phí. Ủy ban nhân dân huyện, quận duyệt sổ thu thủy lợi phí và giao chính thức cho xã, phường, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và các ngành liên quan trong huyện, quận tổ chức thực hiện.

- Sau mỗi vụ thu hoạch, hộ dùng nước phải giao nộp trực tiếp, đầy đủ kịp thời cho ngành lương thực huyện, quận số thủy lợi phí bằng lương thực cùng một lúc với thuế nông nghiệp và thu mua lương thực.

- Sau khi nhận lương thực chậm nhất là 15 ngày, ngành lương thực phải thanh toán tiền cho Xí nghiệp Thủy nông theo giá thu mua kinh doanh.

- Xí nghiệp Thủy nông trực tiếp thu thủy lợi phí bằng tiền và đậu phộng của hộ sử dụng nước để cân đối chi phí hoạt động của xí nghiệp. Sản phẩm đậu phộng Xí nghiệp Thủy nông phải bán cho thương nghiệp xã hội chủ nghĩa theo giá kinh doanh.

5: THANH TOÁN VÀ MIỄN GIẢM THỦY LỢI PHÍ

1) Thanh toán : Cuối mỗi vụ tưới tiêu Xí nghiệp Thủy nông phải căn cứ kết quả nghiệm thu từng đợt tưới tiêu để cùng hộ dùng nước tổng nghiệm thu đánh giá kết quả thực hiện hợp đồng.

- Nếu nhờ thời tiết thuận lợi, số lần tưới tiêu là hơn số lần quy định trong hợp đồng nhưng không ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của người sử dụng nước thì vẫn được coi là thực hiện hợp đồng và thanh toán thủy lợi phí như đã ký kết.

- Nếu vì lý do khách quan mà có một số lần tưới tiêu không đảm bảo yêu cầu nhưng không quá 30% số lần quy định trong hợp đồng nhưng không ảnh hưởng nhiều đến năng suất cây trồng vẫn được coi là thực hiện hợp đồng và thanh toán thủy lợi phí như đã ký kết.

- Nếu số lần tưới tiêu không đạt yêu cầu từ 30 đến 50% số lần quy định trong hợp đồng thì thanh toán thủy lợi phí bằng 70% mức quy định trong hợp đồng.

- Nếu số lần tưới tiêu không đạt yêu cầu trên 50% thì thu thủy lợi phí bằng 30% mức đã quy định trong hợp đồng.

Trong trường hợp Xí nghiệp Thủy nông thất thu thủy lợi phí do ngành điện không thực hiện đúng hợp đồng thì ngành điện phải bồi thường thiệt hại cho Xí nghiệp Thủy nông theo hợp đồng 2 bên đã ký kết.

2) Miễn giảm :

Trong trường hợp thiên tai gây thiệt hại cho mùa màng, thủy lợi phí được giảm miễn theo mức sau :

- Thiệt hại trên 70% thì miễn.

- Thiệt hại dưới 70% thì giảm tương ứng với mức thiệt hại, thí dụ thiệt hại 40% thì giảm 40%.

Việc miễn giảm do Ủy ban nhân dân huyện, quận đề nghị, Sở Thủy lợi xem xét giúp Ủy ban nhân dân thành phố quyết định. Nếu thiên tai nặng và kéo dài, việc miễn giảm thủy lợi phí khiến cho Xí nghiệp Thủy nông không đủ khả năng thanh toán chi phí thì Ủy ban nhân dân thành phố sẽ xem xét giúp đỡ.

6 : QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG THỦY LỢI PHÍ

1) Quản lý, sử dụng thủy lợi phí

Các xí nghiệp thủy nông phải thực hiện hạch toán kinh tế trên số thủy lợi phí thu được (bao gồm số thủy lợi phí thu bằng thóc, đậu phộng quy ra tiền và trực tiếp bằng tiền). Xí nghiệp Thủy nông sử dụng nguồn thu một cách tiết kiệm, đúng chế độ, đồng thời dành một phần để dự phòng cho những năm bị thiên tai, chi phí tăng. Riêng khoảng chi thuộc về khấu hao cơ bản thì tập trung vào quỹ thủy nông của thành phố do Sở Tài chánh quản lý.

Những xí nghiệp thủy nông quản lý từng nhánh của hệ thống thủy nông liên tỉnh, liên huyện phải trình nộp một phần nguồn thu của mình cho xí nghiệp quản lý công trình đầu mối. Tỷ lệ trích nộp phải được các bên liên hệ thảo luận và thỏa thuận trước căn cứ trên các yếu tố chi phí khấu hao, quản lý và các yếu tố kinh tế kỹ thuật khác tùy theo đặc điểm của từng hệ thống công trình.

Trường hợp công trình thủy nông chưa hoàn chỉnh, cán bộ công nhân viên Xí nghiệp thủy nông có cố gắng phấn đấu mở rộng diện tích tưới tiêu nhưng vẫn còn thấp so với công suất thiết kế, hoặc do thiên tai, chi phí tăng, hoặc do miễn giảm thủy lợi phí, nguồn thu không đảm bảo chi cần thiết, thì ngân sách thành phố sẽ xét trợ cấp.

Sở Tài chánh có trách nhiệm theo dõi hướng dẫn, kiểm tra việc thu chi thủy lợi phí.

2) Quản lý sử dụng quỹ dự phòng :

Xí nghiệp Thủy nông được phép lập quỹ dự phòng để bù đắp cho những năm thiên tai chi phí tăng.

a) Nguồn trích lập :

- Nguồn để trích quỹ dự phòng là chênh lệch giữa chi phí thực tế hợp lý thấp hơn chi phí được duyệt. Số chênh lệch này (nếu có) được trích :

50% bổ sung 2 quỹ khen thưởng và phúc lợi.

50% chuyển vào quỹ dự phòng gởi ở tài khoản riêng tại Ngân hàng.

b) Sử dụng quỹ dự phòng :

Những năm thời tiết khó khăn, chi phí tăng hơn chi phí được duyệt và được Sở Thủy lợi chấp thuận thì Xí nghiệp Thủy nông được trích từ quỹ dự phòng để bù đắp chênh lệch được duyệt.

3) Quỹ thủy nông :

Một phần thủy lợi phí được dùng để thành lập quỹ thủy nông thành phố do Sở Tài chánh quản lý.

a) Nguồn trích lập : Bao gồm các khoản sau :

- Khấu hao cơ bản tài sản cố định đã đưa vào sử dụng (nếu công trình xây đúc và băng đất không trích khấu hao cơ bản).

- Thu tiết từ các xí nghiệp thủy nông có điều kiện khách quan thuận lợi.

b) Sử dụng quỹ thủy nông :

Quỹ thủy nông được sử dụng chủ yếu vào các việc sau :

- Đổi mới máy móc thiết bị.

- Đầu tư mở rộng các công trình thủy nông sẵn có.

- Hỗ trợ cho các xí nghiệp thủy nông do khó khăn vì điều kiện khách quan mà nguồn thu không đủ đảm bảo các nhu cầu chi.

7 : KHOẢN THI HÀNH

- Sở Tài chánh, Sở Thủy lợi, Sở Lương thực, Sở Nông nghiệp hướng dẫn các quận, huyện thực hiện tốt công tác thu thủy lợi phí ở địa bàn thành phố.

- Ủy ban nhân dân các quận, huyện phải chỉ đạo chặt chẽ việc ký kết hợp đồng và nghiệm thu kết quả tưới tiêu giữa Xí nghiệp Thủy nông và các đơn vị sử dụng nước . Đôn đốc các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và các hộ sử nước thanh toán thủy lợi phí đầy đủ, đúng thời hạn.

- Các Xí nghiệp Thủy nông phải tổ chức việc quản lý, khai thác bảo vệ công trình, phân phối nước vào đến mặt ruộng theo hợp đồng đã ký kết.

- Xí nghiệp Thủy nông phải căn cứ vào nhiệm vụ thiết kế công trình, kinh nghiệm quản lý khai thác, trên cơ sở các định mực kinh tế kỹ thuật, sắp xếp tổ chức lại sản xuất để tính đủ chi phí sản xuất hợp lý, tích cực khai thác các nguồn thu thủy lợi phí.

- Các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp và các hộ sử dụng nước có trách nhiệm gắn chặt với Xí nghiệp Thủy nông để thực hiện tưới tiêu nước và thi hành đầy đủ hợp đồng đã ký.

- Những đối tượng sử dụng nước cố tình trốn tránh việc trả thủy lợi phí, đảo hạng, khai giấu diện tích hưởng lợi hoặc dây dưa trong việc thanh toán thủy lợi phí đều bị xử lý theo pháp luật hiện hành.

Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Trong quá trình thực hiện, nếu xét thấy cần thiết bổ sung sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn thì Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các đơn vị cơ sở và Sở Thủy lợi đề xuất, Ủy ban nhân dân thành phố xem xét và quyết định.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 202/QĐ-UB năm 1987 ban hành quy định về thu thủy lợi phí của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh

  • Số hiệu: 202/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/10/1987
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Văn Triết
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/10/1987
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản