Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3518/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 25 tháng 9 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH LẬP LẠI TRẬT TỰ HÀNH LANG AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG SẮT NĂM 2017, TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;

Căn cứ Luật Đường sắt ngày 14/6/2005;

Căn cứ Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 - 2020;

Căn cứ Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 21/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt;

Căn cứ Quyết định số 3002/QĐ-UBND ngày 08/9/2014 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ đường sắt giai đoạn 2014 - 2020, trên địa bàn tỉnh;

Xét đề nghị của Sở Giao thông Vận tải tại Tờ trình số 114/TTr-SGTVT ngày 01/9/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt năm 2017, trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh chịu trách nhiệm triển khai và đôn đốc tổ chức thực hiện Kế hoạch này theo đúng quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh, Giám đốc các Sở: Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các sở, ban, ngành đoàn thể có liên quan, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hồ Quốc Dũng

 

KẾ HOẠCH

LẬP LẠI TRẬT TỰ HÀNH LANG AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG SẮT NĂM 2017, TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Kèm theo Quyết định số: 3518/QĐ-UBND ngày 25/9/2017 của UBND tỉnh)

Thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 21/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, Văn bản số 8637/BGTVT-ATGT ngày 03/8/2017 của Bộ Giao thông Vận tải về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 21/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt năm 2017 cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Quyết định số 3002/QĐ-UBND ngày 08/9/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 - 2020 trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành và địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ hành lang đường bộ, đường sắt; kiểm tra, xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi lấn, chiếm, sử dụng trái phép và ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tái lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt góp phần bảo đảm an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt.

- Các cấp, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, liên tục các biện pháp quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; từng cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị để thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả kế hoạch giải toả hành lang an toàn đường bộ, đường sắt năm 2017.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Nội dung

a. Tổ chức tháng cao điểm tuyên truyền, vận động người dân thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; tập trung tuyên truyền, vận động người dân tự giác tháo dỡ, khắc phục vi phạm hành lang, lòng đường, vỉa hè trước; sau đó chỉ đạo đồng loạt ra quân, triển khai giải tỏa hành lang đường bộ đối với tất cả hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh.

b. Hướng dẫn, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ đường sắt giai đoạn 2014 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các dự án khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, dịch vụ thương mại… hạn chế nằm trong hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; không được làm ảnh hưởng đến khả năng thoát nước, vệ sinh môi trường của hệ thống đường bộ, đường sắt; chỉ đấu nối vào quốc lộ, tỉnh lộ tại các điểm nằm trong quy hoạch đấu nối đã được Bộ Giao thông Vận tải thỏa thuận, ưu tiên xây dựng đường gom để kết nối giao thông vào quốc lộ tại các điểm đấu nối quy hoạch.

c. Làm gờ giảm tốc và cắm biển cảnh báo nguy hiểm trên tất cả các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt từ nguồn kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông; chấm dứt việc để phát sinh đường ngang dân sinh trái phép; huy động các đoàn thể chính trị xã hội tổ chức đội tự quản, tình nguyện cảnh giới tại các lối đi dân sinh tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, tình nguyện cảnh giới tại các lối đi dân sinh tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông; huy động nguồn lực trong và ngoài ngân sách để xây dựng đường gom xóa lối đi dân sinh và xây dựng rào chắn ngăn cách đường sắt với khu dân cư có đường sắt đi qua theo quy định của pháp luật.

d. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý vi phạm, giải tỏa các công trình xây dựng vi phạm, công trình đã được đền bù nhưng chưa tháo dỡ, công trình tái lấn chiếm hành lang đường bộ, đường sắt.

e. Rà soát, lập quy hoạch điều chỉnh, thỏa thuận lại với Bộ Giao thông Vận tải và tổ chức thực hiện việc quy hoạch đấu nối đường nhánh vào Quốc lộ, đường Tỉnh để tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính liên quan công tác đấu nối, hạn chế đấu nối riêng lẻ.

III. Tổ chức thực hiện

1. Sở Giao thông Vận tải

- Phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng triển khai tháng cao điểm tuyên truyền, vận động người dân thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt; vận động người dân tự giác tháo dỡ, khắc phục vi phạm hành lang, lòng đường, vỉa hè, hành lang đường sắt để bảo đảm an toàn giao thông.

- Hướng dẫn các địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ đường sắt giai đoạn 2014 - 2020 ban hành theo Quyết định số 994/QĐ- TTg ngày 29/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ; Quy chế phối hợp bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ ban hành kèm theo Quyết định số 1197/QĐ-UBND ngày 05/4/2017 của UBND tỉnh Bình Định.

- Xây dựng gờ giảm tốc và cắm biển cảnh báo nguy hiểm trên các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt từ nguồn kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông; cập nhật, thay thế hệ thống báo hiệu đường bộ theo quy định; rà soát, lập quy hoạch điều chỉnh đấu nối trình UBND tỉnh thỏa thuận với Bộ Giao thông Vận tải để triển khai thực hiện.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ như tăng thời lượng huấn luyện kỹ năng lái xe, chú trọng giáo dục đạo đức, kiến thức pháp luật cho người lái xe.

- Chỉ đạo Thanh tra Sở Giao thông Vận tải phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi lấn, chiếm, sử dụng trái phép hành lang đường bộ, đường sắt; tham gia cưỡng chế, giải toả công trình lấn chiếm, xây dựng trái phép, công trình đã được đền bù nhưng chưa giải tỏa, công trình tái lấn chiếm hành lang đường bộ, đường sắt trong tháng cao điểm và trong năm 2017.

2. Công an tỉnh

- Chỉ đạo các đơn vị, Công an địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; cương quyết xử lý nghiêm các đối tượng gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ.

- Chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố cử cán bộ, chiến sỹ tham gia Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt năm 2017 trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; bố trí lực lượng và có phương án bảo đảm an ninh trật tự cho các địa phương thực hiện cưỡng chế, giải tỏa hành lang đường bộ, đường sắt.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp Sở Giao thông Vận tải, các địa phương và lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt; Kế hoạch giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 - 2020; lên án, phê phán các hành vi sử dụng trái phép vỉa hè, lòng đường, phá hoại công trình giao thông, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ, đường sắt... gây mất an toàn giao thông và hư hỏng công trình đường bộ, đường sắt; phát hiện tuyên dương các điển hình tiên tiến.

- Xây dựng các chuyên đề, phóng sự tuyên truyền về công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt năm 2017; các địa phương cưỡng chế, giải tỏa vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh.

4. Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh

- Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền sâu rộng các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt để người dân biết chấp hành và ủng hộ chủ trương giải tỏa hành lang đường bộ, đường sắt.

- Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải đôn đốc thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang đường bộ, đường sắt; tổng hợp báo cáo, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Tổ chức tháng cao điểm tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt và Kế hoạch giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt năm 2017 để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn quản lý.

- Kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân lấn, chiếm sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ, đường sắt. Trong đó tập trung xử lý các hành vi vi phạm: Trong giữ xe trái phép, bán hàng họp chợ trên lòng, lề đường, vỉa hè; xây dựng lều quán, mái vẩy, xây bục bệ, đắp vuốt làm lối đi lên vỉa hè, vào nhà; lắp đặt biển quảng cáo, biển hiệu trong phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; phá hoại công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đấu nối trái phép vào quốc lộ, tỉnh lộ...; tổ chức giải tỏa dứt điểm các trường hợp tái lấn chiếm đất trong phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đất hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt đã được bồi thường, đền bù.

- Huy động các đoàn thể, chính trị xã hội ở địa phương tổ chức đội tự quản, tình nguyện tại các lối đi dân sinh tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông; huy động nguồn lực trong và ngoài ngân sách để xây dựng đường gom, xóa lối đi dân sinh và xây dựng rào chắn ngăn cách đường sắt với khu dân cư có đường sắt đi qua theo đúng quy định của pháp luật; chấm dứt việc phát sinh đường ngang dân sinh trái phép.

- Xây dựng các khu khu dân cư, cụm công nghiệp, dịch vụ thương mại… nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; không được làm ảnh hưởng đến khả năng thoát nước, vệ sinh môi trường của hệ thống đường bộ, đường sắt; xây dựng đường gom để kết nối giao thông vào quốc lộ, tỉnh lộ tại các điểm nằm trong quy hoạch.

6. Đề nghị Chi cục Quản lý đường bộ III.2, Công ty cổ phần Đường sắt Nghĩa Bình và Công ty cổ phần Đường sắt Phú Khánh

- Phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt, hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.

- Cử người tham gia cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, xử lý, cưỡng chế giải tỏa các trường hợp vi phạm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các tuyến quốc lộ, đường sắt.

- Công ty cổ phần Đường sắt Nghĩa Bình và Công ty cổ phần Đường sắt Phú Khánh chủ trì phối hợp với các địa phương thống kê, rà soát lắp đặt biển cảnh báo nguy hiểm, đèn tín hiệu, xây dựng rào chắn... bảo đảm an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; tổ chức cảnh giới tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt có lưu lượng phương tiện lớn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

IV. Thời gian thực hiện: Mở đợt cao điểm trong tháng 9 năm 2017 và tiếp tục thực hiện các tháng còn lại của năm 2017.

V. Chế độ báo cáo: Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch này, báo cáo kết quả thực hiện tháng cao điểm và các tháng còn lại của năm 2017 (chậm nhất vào ngày 25 hàng tháng), thông qua Sở Giao thông Vận tải để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo quy định./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3518/QĐ-UBND về Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt năm 2017 trên địa bàn tỉnh Bình Định

  • Số hiệu: 3518/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/09/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Hồ Quốc Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/09/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản