Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3422/QĐ-UBND

An Giang, ngày 15 tháng 11 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VÀ TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG ĐỒNG BÀO VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI” TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2018 - 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 08 tháng 8 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2021”.

Xét đề nghị của Trưởng ban Ban Dân tộc tại Tờ trình số 27/TTr-BDT ngày 08 tháng 11 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi” tỉnh An Giang giai đoạn 2018 - 2020.

Điều 2. Giao Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố tổ chức thực hiện Kế hoạch này; theo dõi và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Ban Dân tộc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban Dân tộc;
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND huyện, thị, thành phố;
- Lãnh đạo VPUBND tỉnh;
- Website Văn phòng
- Lưu: HC-TC, KGVX, TH.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Nưng

 

KẾ HOẠCH

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VÀ TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG ĐỒNG BÀO VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI” TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2018 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3422/QĐ-UBND ngày 15/11/2017)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

Triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1163/QĐ-TTg, ngày 08 tháng 8 năm 2017.

Nâng cao trách nhiệm, từng bước hình thành thói quen chủ động học tập, tự giác tuân thủ pháp luật của đồng bào dân tộc; đồng thời nắm bắt dư luận xã hội và định hướng tuyên truyền vùng dân tộc thiểu số.

Giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, hạn chế thua thiệt khi tham gia các quan hệ kinh tế, dân sự, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

2. Yêu cầu:

Đẩy mạnh công tác PBGDPL và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện công tác PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, chất lượng, tiết kiệm và hiệu quả; huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa trong công tác PBGDPL.

Quá trình triển khai cần bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của ngành; nhiệm vụ chính trị và điều kiện thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

II. NỘI DUNG

1. Đối tượng:

Đồng bào các dân tộc sinh sống, cư trú ở vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh.

Đội ngũ cán bộ trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc từ tỉnh đến địa phương.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp được giao nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền (PBGDPL), vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số.

2. Thời gian thực hiện:

Kế hoạch được triển khai thực hiện trong 3 năm từ năm 2018 - 2020.

3. Phạm vi thực hiện:

- Đồng bào Chăm tại các huyện: Châu Phú, Châu Thành, An Phú, Thị xã Tân Châu.

- Đồng bào Hoa tại thành phố Long Xuyên, thành phố Châu Đốc và thị xã Tân Châu.

- Đồng Bào Khmer tại các huyện: Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Thành và Thoại Sơn.

III. CÁC HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

1. Phổ biến nội dung Hiến pháp, các luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vùng dân tộc thiểu số:

a) Các hoạt động chủ yếu: Tập trung tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến nội dung các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như: Bộ luật dân sự, Bộ luật Hình sự (khi được Quốc hội thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung), Bộ luật tố tụng hình sự; Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Trẻ em, Luật tiếp cận thông tin, pháp luật về an toàn giao thông đường bộ… các văn bản pháp luật về kinh tế, đất đai, tài nguyên môi trường và các văn bản khác liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của đồng bào dân tộc thiểu số.

b) Phương thức thực hiện: Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành có liên quan triển khai thực hiện.

c) Thời gian thực hiện: Năm 2018 - 2020.

2. Đẩy mạnh tuyên truyền về công tác dân tộc, chính sách dân tộc:

a) Các hoạt động chủ yếu: Tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc và đại đoàn kết dân tộc; chú trọng nâng cao nhận thức về chính sách dân tộc, tạo niềm tin của đồng bào vào sự lãnh đạo Đảng, Nhà nước, yên tâm lao động, sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số.

b) Phương thức thực hiện: Ban Dân tộc tỉnh chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành có liên quan triển khai thực hiện.

c) Thời gian thực hiện: hằng năm

3. Tuyên truyền các chính sách an sinh xã hội và Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững:

a) Các hoạt động chủ yếu: Tuyên truyền một số nội dung liên quan đến Chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc trong tỉnh bao gồm: Bảo hiểm xã hội; hỗ trợ y tế cho người nghèo và trẻ em; chính sách tín dụng, bảo trợ xã hội, giảm nghèo, lao động, việc làm, dạy nghề… góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của đồng bào.

b) Phương thức thực hiện: Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành có liên quan triển khai thực hiện.

c) Thời gian thực hiện: hằng năm.

4. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số:

a) Các hoạt động chủ yếu: Tổ chức tuyên truyền việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc thiểu số (tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội của các dân tộc thiểu số, ẩm thực...), gắn với phát triển du lịch; vận động xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn minh, hiện đại.

b) Phương thức thực hiện: Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành có liên quan triển khai thực hiện.

c) Thời gian thực hiện: hằng năm

5. Tăng cường đấu tranh, ngăn ngừa các loại tội phạm, tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia trong vùng đồng bào dân tộc:

a) Các hoạt động chủ yếu:

- Phối hợp tuyên truyền, thăm dò, định hướng dư luận xã hội về bảo vệ an ninh, trật tự khu vực biên giới và vùng đồng bào dân tộc.

- Tích cực, chủ động phối hợp với các địa phương nhận diện, đấu tranh làm thất bại âm mưu, chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; vạch trần âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của các thế lực thù địch và các loại tội phạm khác trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Động viên đồng bào dân tộc vùng biên hăng hái tham gia các phong trào xây dựng và bảo vệ biên giới.

b) Phương thức thực hiện: Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với lực lượng vũ trang trên địa bàn và Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành có liên quan triển khai thực hiện.

c) Thời gian thực hiện: hằng năm

6. Đẩy mạnh thông tin về tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh:

a) Các hoạt động chủ yếu: Tăng cường các đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Phát huy vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng như: Báo An Giang, Đài Phát thanh Truyền hình An Giang, các tạp chí chuyên ngành, Cổng thông tin/Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong xây dựng, phát triển chuyên trang, chuyên mục thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số với nội dung phù hợp và hiệu quả.

b) Phương thức thực hiện: Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành có liên quan triển khai thực hiện.

c) Thời gian thực hiện: hằng năm

7. Phát huy vai trò Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số:

a) Các hoạt động chủ yếu:

- Chủ động tuyên truyền, vận động người có uy tín tích cực tuyên truyền, giải thích, vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.

- Chủ động nắm tình hình dư luận xã hội, đời sống, sản xuất, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, phản ánh kịp thời về các cơ quan chức năng có liên quan; tham gia ngăn ngừa, hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự ở địa phương.

- Tích cực hưởng ứng, ủng hộ, tham gia xây dựng nông thôn mới và các cuộc vận động, phong trào thi đua tại địa phương.

- Tổ chức hội nghị điển hình tiên tiến về một số lĩnh vực; tôn vinh và nêu gương các điển hình tiêu biểu là người có uy tín; gương người tốt, việc tốt trong đồng bào vùng dân tộc thiểu số.

b) Phương thức thực hiện: Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành có liên quan triển khai thực hiện.

c) Thời gian thực hiện: hằng năm

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2018 - 2020: Ước tính 1.650 triệu đồng (đính kèm kế hoạch kinh phí).

2. Nguồn kinh phí thực hiện Đề án: Ngân sách Trung ương hỗ trợ 100% để đảm bảo thực hiện các hoạt động Đề án.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Dân tộc:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố có liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 8 tháng 8 năm 2017;

- Xây dựng kế hoạch và kinh phí hàng năm, dài hạn để triển khai thực hiện, phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của từng địa phương;

- Theo dõi, tổng hợp, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc tổ chức thực hiện Kế hoạch; định kỳ 6 tháng, 01 năm tổng hợp báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan kết quả thực hiện Đề án.

2. Sở Tài chính: Cân đối, bố trí nguồn kinh phí hằng năm theo quy định.

3. Sở Tư pháp: Phối hợp với Ban Dân tộc hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến vùng dân tộc thiểu số.

4. Sở Lao Động Thương binh và Xã hội: Phối hợp với Ban Dân tộc đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách an sinh xã hội, các mục tiêu giảm nghèo bền vững đến vùng đồng bào dân tộc.

5. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch: Phối hợp Ban Dân tộc tổ chức tuyên truyền việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc thiểu số.

6. Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí của tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh, Đài Truyền thanh các huyện, thị, thành phố xây dựng chuyên trang, chuyên mục, dành thời lượng thích hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc trong tỉnh.

7. Các sở, ban, ngành liên quan: theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp, lồng ghép các hoạt động liên quan góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Đề án.

8. Đề nghị UBMTTQVN tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội: Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền lồng ghép các hoạt động trong chương trình, kế hoạch của ngành để thực hiện Đề án.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố: Căn cứ Kế hoạch này và tùy vào điều kiện cụ thể của địa phương mình chỉ đạo bộ phận chuyên môn tổ chức triển khai thực hiện Đề án theo quy định. Định kỳ 6 tháng, 01 năm báo cáo kết quả thực hiện về Ban Dân tộc để tổng hợp báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

KẾ HOẠCH

KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN GIAI ĐOẠN 2018 - 2020
(Kèm theo Kế hoạch của Quyết định số 3422 /QĐ-UBND ngày 15 tháng 11 năm 2017)

STT

Nội dung hoạt động

Kế hoạch kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2018 - 2020

Tổng

Ghi chú

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

550.000

550.000

550.000

1.650.000

1

Phổ biến nội dung Hiến pháp, các luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vùng dân tộc thiểu số.

60.000

60.000

60.000

180.000

 

2

Tuyên truyền về công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh.

40.000

40.000

40.000

120.000

 

3

Biên soạn, cung cấp thông tin, sản phẩm tuyên truyền (bằng 02 thứ tiếng) về pháp luật liên quan đến đồng bào dân tộc.

40.000

40.000

40.000

120.000

 

4

Tuyên truyền các chính sách an sinh xã hội và Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh.

60.000

60.000

60.000

180.000

 

5

Các hoạt động Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số

40.000

40.000

40.000

120.000

 

6

Tuyên truyền, vận động đồng bào đấu tranh, ngăn ngừa các loại tội phạm trong vùng dân tộc thiểu số.

40.000

40.000

40.000

120.000

 

7

Nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn biên giới trong việc tuân thủ pháp luật và tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia.

60.000

60.000

60.000

180.000

 

8

Đẩy mạnh thông tin về tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trên các phương tiện thông tin đại chúng.

40.000

40.000

40.000

120.000

 

9

Phát huy vai trò Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

120.000

120.000

120.000

360.000

 

10

Hoạt động chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết thực hiện Đề án hằng năm, rút kinh nghiệm.

50.000

50.000

50.000

150.000

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3422/QĐ-UBND năm 2017 về kế hoạch thực hiện Đề án Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh An Giang giai đoạn 2018-2020

  • Số hiệu: 3422/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/11/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Lê Văn Nưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản