Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3385/QĐ-UBND | Vĩnh Long, ngày 21 tháng 12 năm 2020 |
QUYẾT ĐỊNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chức chính quyền địa phương, ngày 22/11/2019;
Căn cứ Quyết định số 174/QĐ-UBND ngày 22/01/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long ban hành Chương trình công tác Ủy ban nhân dân tỉnh năm 2020;
Theo đề nghị tại Tờ trình số 1855/TTr-SCT, ngày 20/11/2020 của Sở Công Thương.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2021 - 2025 của tỉnh Vĩnh Long.
Điều 2. Giao Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2021 - 2025 của tỉnh Vĩnh Long.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành tỉnh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HÓA THỜI KỲ 2021-2025 CỦA TỈNH VĨNH LONG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3385/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2020 của UBND tỉnh Vĩnh Long)
1. Kết quả thực hiện
Xuất khẩu hàng hóa là một trong những điểm sáng của ngành công thương trong những năm gần đây, đóng góp tích cực cho tăng trưởng GRDP của tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2011-2019 đã tăng từ 401 triệu USD lên 560 triệu USD, tỷ lệ tăng trưởng đạt 4,25%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng không ổn định. Trong giai đoạn 2012-2015, kim ngạch xuất khẩu giảm từ 403 triệu USD xuống còn 302 triệu USD, do sản lượng gạo xuất khẩu liên tục sụt giảm trong giai đoạn này. Tuy nhiên từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng đạt 9,9%. Riêng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu là 559,5 triệu USD vượt chỉ tiêu Nghị quyết đảng bộ tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ 2015-2020 là 530 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu bình quân trên đầu người đạt 547,12 USD/người.
Kết quả này một phần rất lớn là nhờ chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu, thu hút các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu công nghiệp nhẹ và thủ công mỹ nghệ nhất là hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, việc thực thi các hiệp định thương mại tự do FTA thế hệ mới cũng đóng góp đáng kể trong việc mở rộng thị trường.
Trong giai đoạn 2011-2020, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã đảm bảo đúng mục tiêu đề ra tại Chương trình hành động thực hiện chiến lược xuất khẩu hàng hóa thời kỳ 2011- 2020, định hướng đến năm 2030. Có sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu từ nhóm hàng nông lâm thủy sản sang nhóm ngành công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp. Năm 2011, trị giá xuất khẩu trên địa bàn phân theo nhóm ngành như sau nhóm ngành công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp 35,38%, nhóm ngành nông lâm thủy sản 63,02%, hàng khác 1,6%. Dự kiến năm 2020, trị giá xuất khẩu nhóm ngành công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp tăng lên 93,1%, nhóm ngành nông lâm thủy sản giảm còn 4,5%, hàng khác 2,4%.
Trong những năm qua, hàng hóa của tỉnh Vĩnh Long đã khai thác tốt thị trường truyền thống, tìm kiếm và phát triển thị trường mới, hàng hóa tỉnh Vĩnh Long đã xuất khẩu đến hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, có nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ,… Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là giày các loại, may mặc, túi xách, hàng thủ công mỹ nghệ, gạo, thủy sản, hàng rau củ quả. Trong năm 2019, tỉnh Vĩnh Long đã xuất khẩu được lô xoài đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ.
Trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm được 440,6 triệu USD, đạt 80,1% so với kế hoạch. Dự kiến cả năm vẫn duy trì mức độ tăng trưởng khá, đạt kế hoạch đề ra là 550 triệu USD.
Về tình hình nhập khẩu, năm 2011, kim ngạch nhập khẩu đạt 133,8 triệu, đến năm 2020 ước đạt 220 triệu USD, tỷ lệ tăng trưởng giai đoạn 2011-2020 đạt 5,6%/năm. Kết quả thực hiện không đạt kế hoạch theo Chương trình hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Vĩnh Long là 300 triệu USD. Các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu của tỉnh Vĩnh Long thời gian qua là nguyên vật liệu sản xuất giày, phụ liệu may mặc, thức ăn gia súc, máy móc thiết bị. Thị trường nhập khẩu chủ yếu từ các nước châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Úc,….
2. Thuận lợi
Trong thời gian qua, tỉnh đã thu hút được các dự án lớn, tăng cường nguồn lực xuất khẩu, góp phần tăng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh.
Quy mô và khối lượng hàng hóa xuất khẩu ngày càng được mở rộng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh đạt mức độ khá cao.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã có những chuyển biến tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp nhẹ - tiểu thủ công nghiệp. Nhiều mặt hàng xuất khẩu đã mở rộng được quy mô sản xuất, nâng cao giá trị xuất khẩu như giày da, hàng dệt may, thủ công mỹ nghệ… và nhóm hàng công nghiệp nhẹ – tiểu thủ công nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh xuất khẩu trong những năm tới do có sự đầu tư mạnh trong lĩnh vực này.
Công tác phát triển thị trường xuất khẩu đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, mở ra được nhiều thị trường xuất khẩu mới, đưa vào xuất khẩu một số mặt hàng mới của tỉnh như sản phẩm như trái cây, gia vị truyền thống, nông sản chế biến,…vừa khai thác tốt hơn những thị trường đang có như thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Phi,….
Các doanh nghiệp không ngừng tìm kiếm, mở rộng thị trường thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương do trung ương và địa phương tổ chức, xuất khẩu trực tiếp ngày càng tăng, hoạt động ngày càng có hiệu quả, khu vực kinh tế tư nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tham gia mạnh vào xuất khẩu và chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu xuất khẩu của tỉnh.
3. Hạn chế
Trong thời gian qua, hoạt động xuất nhập khẩu tỉnh Vĩnh Long vẫn còn một số hạn chế, chủ yếu là:
Quy mô xuất khẩu vẫn còn hạn chế, kim ngạch xuất khẩu bình quân/người của tỉnh còn thấp so với cả nước và trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, xuất khẩu trong giai đoạn 2011 – 2020 của tỉnh có bước tăng trưởng, nhưng chưa vững chắc còn chịu nhiều ảnh hưởng bởi sự biến động của giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới.
Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của tỉnh còn kém đa dạng, chủng loại hàng hóa xuất khẩu còn đơn điệu. Khả năng thâm nhập các thị trường lớn kém do mức độ đa dạng hàng hóa xuất khẩu của tỉnh Vĩnh Long chưa cao. Các mặt hàng nông thủy sản chủ yếu xuất khẩu thô, hình thức xuất khẩu chủ yếu là hình thức tiểu ngạch với quy mô nhỏ lẻ, phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc đã không còn là một thị trường dễ tính, yêu cầu của người tiêu dùng với trái cây, gạo, thủy sản nhập khẩu tại thị trường này ngày càng khắt khe.
Thị trường xuất khẩu chưa thực sự vững chắc, ổn định đối với một số mặt hàng thuộc thế mạnh của tỉnh như gạo, thủy sản, trái cây, gốm đất nung...
Các doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô nhỏ, nguồn vốn kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu còn hạn chế,…
1. Mục tiêu chung
Chương trình hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2021-2025 tập trung thực hiện các mục tiêu:
- Phát triển xuất khẩu theo mô hình tăng trưởng bền vững và hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô xuất khẩu, vừa chú trọng nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu trên cơ sở đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh và phù hợp với thế mạnh của tỉnh, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế ô nhiễm môi trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển sản xuất, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
- Khuyến khích, huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế theo hướng xã hội hóa và đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài để phát triển sản xuất; đặc biệt sản xuất chế biến hàng hóa xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
- Đẩy mạnh xuất nhập khẩu trên cơ sở đa dạng hóa thị trường, gắn kết thị trường trong nước với thị trường ngoài nước. Tập trung khai thác các thị trường trọng điểm phục vụ cho các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.
2. Mục tiêu cụ thể
Theo các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI (2020-2025), chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt:
- Tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa hàng năm bình quân 8-10%/năm, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025 đạt 870 triệu USD, phấn đấu đạt 1 tỷ USD.
- Tăng trưởng hàng hóa kim ngạch nhập khẩu bình quân 7-8%/năm, kim ngạch nhập khẩu đến năm 2025 đạt 320 triệu USD.
1. Phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế
a) Về sản xuất công nghiệp
- Khai thác và phát huy tối đa các lợi thế, tiềm năng của tỉnh, nhất là lợi thế nằm ở khu vực trung tâm đồng bằng sông Cửu Long để phát triển các ngành, lĩnh vực, trong đó chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến nông sản, chú trọng sản xuất các sản phẩm có giá trị cao.
- Duy trì phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, có lợi thế so sánh, phát triển các ngành công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm góp phần tiêu thụ nông, thủy sản. Chuyển một số ngành công nghiệp từ hình thức gia công sang sản xuất thành phẩm, xuất khẩu trực tiếp, nhằm gia tăng giá trị và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án sản xuất xuất khẩu nhằm gia tăng nguồn lực cho xuất khẩu.
- Thực hiện nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất công nghiệp. Tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng, hệ thống xử lý chất thải trong khu, cụm công nghiệp.
- Hình thành thêm các khu công nghiệp tập trung, trong đó mở rộng các khu công nghiệp đã được lấp đầy để tạo địa bàn thuận lợi cho việc xây dựng các cơ sở công nghiệp mới, góp phần thúc đẩy gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh.
b) Về sản xuất nông nghiệp
- Nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp để hỗ trợ cho sản xuất và đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp trong các khâu, nhất là khâu sơ chế và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Đầu tư hiện đại hóa khâu bảo quản, chế biến nông, thủy sản.
- Từng bước nâng cao chất lượng các vùng cây chuyên canh: lúa, khoai lang, cây ăn trái...chủ động thực hiện chính sách điều tiết, hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
- Phát triển nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương; áp dụng công nghệ cao để giảm thiểu chi phí và nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh của sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản có thế mạnh của tỉnh.
- Khuyến khích thành lập các trang trại, câu lạc bộ ngành nghề, hợp tác xã phát triển các loại hình dịch vụ nông nghiệp.
c) Về dịch vụ
Đẩy mạnh công tác vận động, mời gọi đầu tư vào các ngành dịch vụ có lợi thế và có giá trị gia tăng cao như: Dịch vụ khai thuế hải quan, tài chính - ngân hàng, bưu chính - viễn thông, vận tải, tư vấn…tiếp tục phát triển dịch vụ phục vụ khu công nghiệp, xuất nhập khẩu, ưu tiên phát triển dịch vụ nhà ở cho người lao động.
2. Phát triển thị trường, xúc tiến thương mại
Trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, tập trung thực hiện các giải pháp sau:
- Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng chương trình xúc tiến thương mại cũng như việc tổ chức thực hiện chương trình, đảm bảo sử dụng nguồn kinh phí xúc tiến thương mại tiết kiệm và có hiệu quả.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, khảo sát thị trường trong và ngoài nước… giúp các doanh nghiệp quảng bá hàng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường, gia tăng khách hàng. Đồng thời tham gia các chương trình hợp tác, liên kết giữa các tỉnh, thành phố giữa các vùng, miền nhằm tạo nguồn sản phẩm cho xuất khẩu.
- Cung cấp thông tin thường xuyên và đầy đủ về thị trường cho doanh nghiệp, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp chủ động bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa xuất khẩu trên thị trường thế giới.
- Đa dạng hóa ngành hàng xuất khẩu, ngoài ngành hàng truyền thống, có thế mạnh cần tập trung khai thác các mặt hàng mới mà tỉnh có tiềm năng như nông sản chế biến, thủ công mỹ nghệ; nâng cao tỷ trọng hàng tinh chế; giảm dần sản phẩm sơ chế; tăng mạnh xuất khẩu gạo thơm, gạo đặc sản, gạo hữu cơ,...
- Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử vào quản lý, điều hành doanh nghiệp, mở rộng tìm kiếm đối tác, thị trường. Tham gia các sàn thương mại điện tử quốc tế để quảng bá, kinh doanh sản phẩm.
- Vận dụng các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, RCEP mở rộng, tiếp cận thị trường mà Việt Nam và đối tác đã có những chính sách ưu đãi.
- Chủ động, thường xuyên tham gia đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
3. Chính sách tài chính, tín dụng và đầu tư phát triển sản xuất hàng xuất khẩu
- Xây dựng các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa.
- Triển khai kịp thời các chính sách của Nhà nước về tài chính, tín dụng, đầu tư nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
- Các ngân hàng thương mại, Quỹ đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh tập trung bố trí vốn kịp thời và dành nguồn vốn với lãi suất hợp lý theo quy định cho các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, ưu tiên các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ.
- Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào tỉnh để phát triển vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.
4. Đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ phục vụ xuất nhập khẩu và đẩy nhanh xã hội hóa hoạt động dịch vụ logistics
- Huy động tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển hệ thống kết nối hạ tầng thương mại, kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ; đáp ứng yêu cầu phát triển của khu, cụm, tuyến công nghiệp và yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
- Lập dự án kêu gọi đầu tư xây dựng chợ đầu mối nông sản khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
- Khuyến khích đầu tư phát triển dịch vụ logistics phục vụ các khu công nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu.
5. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực
- Nghiên cứu bổ sung hoàn chỉnh cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.
- Đa dạng hóa và mở rộng hình thức đào tạo theo hướng gắn kết giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, thực hiện đào tạo theo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và nhu cầu của doanh nghiệp; tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
- Triển khai đúng, kịp thời các chính sách hỗ trợ đối với công chức, viên chức được cử đi học hoặc tự học nâng cao trình độ.
6. Định hướng hàng xuất khẩu và kiểm soát nhập khẩu
a) Định hướng xuất khẩu
- Tập trung đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh đồng thời tích cực phát triển các mặt hàng có tiềm năng thành những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, theo hướng nâng cao hiệu quả xuất khẩu. Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, tăng sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghệ cao.
- Tổ chức triển khai quy hoạch vùng nguyên liệu nông sản, thủy sản giai đoạn 2021-2025; tăng cường hỗ trợ nông dân sản xuất nông thủy sản sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
- Đẩy mạnh công tác vận động và xúc tiến đầu tư, ưu tiên hàng đầu là thu hút vào công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành giày dép, dệt may, điện tử, cơ khí tạo điều kiện cho các nhà sản xuất, xuất khẩu chủ động về nguyên liệu, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
- Hướng dẫn, phổ biến, cập nhật tình hình thực thi cam kết trong các FTA thế hệ mới, để doanh nghiệp nhận thức đầy đủ hơn, tận dụng tối đa các cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu.
b) Kiểm soát nhập khẩu
- Khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng hàng hóa trong nước đã sản xuất được hạn chế nhập khẩu vừa góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển vừa tiết kiệm ngoại tệ.
- Tăng cường kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tổ chức được kênh phân phối hàng Việt tại chợ truyền thống một cách bền vững.
- Tăng cường công tác chống hàng hóa nhập lậu và gian lận thương mại.
7. Cải cách thủ tục hành chính
- Tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính có liên quan đến doanh nghiệp để có cơ sở kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các thủ tục không còn phù hợp.
- Tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp trong công tác thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, thuế, thủ tục cấp đất, giải quyết các thủ tục đầu tư cho sản xuất hàng hóa xuất khẩu; công khai thủ tục hành chính có liên quan đến hoạt động xuất khẩu trên website của các sở, ban, ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
8. Nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và vai trò của Hiệp hội ngành hàng
- Các Hiệp hội ngành hàng kịp thời tổng hợp ý kiến đề xuất của doanh nghiệp, kiến nghị UBND tỉnh các cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, ngành hàng phát triển sản xuất, xuất khẩu; phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng và tổ chức thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại cho ngành hàng, thể hiện tốt chức năng cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
- Phát huy vai trò hiệp hội trong việc liên kết các hội viên, đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên.
- Chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ mới trong sản xuất và đổi mới công nghệ trong khai thác, bảo quản và chế biến. Thực hiện chuỗi giá trị trong sản xuất những mặt hàng chủ lực trong lúa gạo, thủy sản, trái cây.
- Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, đồng thời chú trọng sản xuất các sản phẩm mới, hướng vào thị trường xuất khẩu.
IV. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
Kinh phí thực hiện chương trình được huy động từ các nguồn vốn: Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn huy động từ các thành phần kinh tế và các nguồn vốn hỗ trợ hợp pháp khác.
Căn cứ vào mục tiêu, nội dung chương trình và các đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhiệm vụ cụ thể được phân công tại phụ lục kèm theo, các sở, ngành, địa phương có liên quan lập dự toán kinh phí hàng năm theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện nhiệm vụ được giao.
1. Các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị liên quan có trách nhiệm triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình, đề án thuộc trách nhiệm của đơn vị mình tại danh mục ban hành kèm theo Chương trình hành động, định kỳ trước ngày 15/01 hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Công Thương.
2. Hàng năm, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng dự toán kinh phí thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được giao, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.
3. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị có liên quan theo dõi kết quả triển khai thực hiện Chương trình hành động, tham mưu kịp thời và tổng hợp báo cáo kết quả cho UBND tỉnh.
- 1Quyết định 1064/QĐ-UBND năm 2014 về Chương trình hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Vĩnh Long
- 2Quyết định 2661/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch hành động thực hiện “Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định 2471/QĐ-TTg do tỉnh Quảng Trị ban hành
- 3Kế hoạch 57/KH-UBND thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh An Giang năm 2019
- 4Quyết định 5375/QĐ-UBND năm 2020 về Phương án điều tra xuất, nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá
- 5Kế hoạch hành động 175/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Bình Thuận đến năm 2030
- 6Kế hoạch 4431/KH-UBND năm 2022 về hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Kon Tum đến năm 2030
- 1Quyết định 1064/QĐ-UBND năm 2014 về Chương trình hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Vĩnh Long
- 2Quyết định 2661/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch hành động thực hiện “Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định 2471/QĐ-TTg do tỉnh Quảng Trị ban hành
- 3Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 4Kế hoạch 57/KH-UBND thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh An Giang năm 2019
- 5Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 6Quyết định 174/QĐ-UBND về Chương trình công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long năm 2020
- 7Quyết định 5375/QĐ-UBND năm 2020 về Phương án điều tra xuất, nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá
- 8Kế hoạch hành động 175/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Bình Thuận đến năm 2030
- 9Kế hoạch 4431/KH-UBND năm 2022 về hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Kon Tum đến năm 2030
Quyết định 3385/QĐ-UBND năm 2020 về Chương trình hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2021-2025 của tỉnh Vĩnh Long
- Số hiệu: 3385/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 21/12/2020
- Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
- Người ký: Lê Quang Trung
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 21/12/2020
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra