Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 331/QĐ-UBND

Quy Nhơn, ngày 08 tháng 6 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN QUY CHẾ TIẾP NHẬN VÀ HỖ TRỢ TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG CHO PHỤ NỮ, TRẺ EM BỊ BUÔN BÁN TỪ NƯỚC NGOÀI TRỞ VỀ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg ngày 29/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 107/TTg-LĐTBXH ngày 31/5/2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Quy chế tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em Bình Định bị buôn bán từ nước ngoài trở về.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp các sở, ban ngành đoàn thể liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Y tế, Tư pháp, UB Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh, Công an tỉnh, BCH quân sự tỉnh, BCH Bộ đội biên phòng tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Thanh Bình

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUY CHẾ TIẾP NHẬN VÀ HỖ TRỢ TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG CHO PHỤ NỮ, TRẺ EM BÌNH ĐỊNH BỊ BUÔN BÁN TỪ NƯỚC NGOÀI TRỞ VỀ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 331/QĐ-UBND ngày 08/6/2007 của UBND tỉnh)

Thực hiện Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg ngày 29/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về; Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em trên địa bàn tỉnh Bình Định bị buôn bán từ nước ngoài trở về như sau:

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

Bình Định là tỉnh nằm ở khu vực duyên hải Nam Trung bộ, có tổng diện tích tự nhiên 6.025 km2, dân số trên 1,5 triệu người. Toàn tỉnh có 11 đơn vị hành chính cấp huyện trong đó có 3 huyện miền núi, 2 huyện trung du, 5 huyện đồng bằng và 1 thành phố Quy Nhơn; với tổng số 159 xã, phường, thị trấn, trong đó có 130 xã, 16 phường, 13 thị trấn; có hơn 55 xã, phường, thị trấn có tệ nạn xã hội.

Tỉnh Bình định có địa giới hành chính giáp với các tỉnh như: Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên, Quảng Ngãi là tỉnh không có đường biên giới chung với các nước nên ít xảy ra tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới. Tuy nhiên là một tỉnh có bờ biển dài và cảng biển lớn đây chính là môi trường thuận lợi đối với các loại tội phạm trong đó có loại tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài.

Năm 2001, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ buôn bán phụ nữ với 3 nạn nhân và đã được xử lý theo pháp luật quy định. Từ khi thành lập Ban chỉ đạo Chương trình 130 của tỉnh cho đến nay trên địa bàn tỉnh chưa để xảy ra vụ buôn bán phụ nữ trẻ em.

II. MỤC ĐÍCH VÀ NGUYÊN TẮC TIẾP NHẬN

1. Mục đích:

- Nâng cao ý thức trách nhiệm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị, xã hội và nhân dân về công tác phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em nhằm phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra trình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em trên địa bàn tỉnh.

- Tuyên truyền làm cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em nhận thức được âm mưu, phương thức thủ đoạn, hậu quả, tác hại, pháp luật, công tác phòng ngừa… để mọi người, mọi gia đình chủ động phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em góp phần xây dựng môi trường lành mạnh ở cộng đồng dân cư.

- Tạo điều kiện giúp cho chị em phụ nữ và trẻ em sau khi trở về địa phương có nơi ở và làm việc sớm ổn định cuộc sống hòa nhập cộng đồng, tránh tư tưởng xa lánh, mặc cảm. Giúp đỡ ngay từ khi tiếp nhận và trong suốt quá trình phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng.

2. Đối tượng tiếp nhận:

- Phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về (sau đây gọi tắt là nạn nhân) có hộ khẩu thường trú tại các địa phương thuộc tỉnh Bình Định.

- Trẻ em là nạn nhân hoặc con nạn nhân có hộ khẩu thường trú là người địa phương.

3. Nguyên tắc tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng:

- Việc tiếp nhận đối với nạn nhân do phía nước ngoài trao trả phải qua xác minh của Bộ Công an (hoặc Công an tỉnh biên giới do Bộ Công an ủy quyền). Đối với nạn nhân được giải cứu và nạn nhân tự trở về qua biên giới mà không do nước ngoài trao trả thì phải được BCH Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh xác minh.

- Tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp và không phân biệt đối xử đối với nạn nhân.

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia, hỗ trợ nạn nhân ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

III. NỘI DUNG CÔNG TÁC TIẾP NHẬN VÀ HỖ TRỢ TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG

1. Cơ quan tiếp nhận và xử lý thông tin về nạn nhân:

Công an tỉnh, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận và phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý thông tin về nạn nhân do phía nước ngoài cung cấp, chịu trách nhiệm xác minh, trả lời đối với những thông tin về nạn nhân đang ở nước ngoài hoặc do cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.

2. Xác minh làm rõ nạn nhân bị buôn bán:

- Công an tỉnh, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh tiến hành các thủ tục làm rõ nhân thân, lai lịch, lý do bị mua bán, hồ sơ cá nhân của từng nạn nhân để quản lý thống kê theo dõi.

- Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nạn nhân tự trở về không qua tiếp nhận có trách nhiệm thu nhập thông tin, lập hồ sơ và làm văn bản chuyển phòng Nội vụ - Lao động Xã hội cấp huyện, thành phố xác nhận, gửi Sở Lao động - Thương binh và xã hội đề nghị xác định nạn nhân.

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp danh sách nạn nhân và làm văn bản đề nghị Công an tỉnh xác minh. Công an cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời chính thức bằng văn bản kết quả xác minh đối tượng để Sở Lao động

- Thương binh và Xã hội xem xét, ra quyết định giải quyết theo thẩm quyền.

3. Hỗ trợ sau khi tiếp nhận:

- Nạn nhân có nguyện vọng trở về gia đình thì thông báo cho gia đình, chính quyền nơi người đó cư trú và hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn đi đường để họ trở về.

- Nạn nhân cần chăm sóc về sức khỏe, tâm lý trước khi tái hòa nhập cộng đồng; nạn nhân là trẻ em thì tiếp tục chăm sóc tại các cơ sở BTXH; nạn nhân là phụ nữ được chăm sóc tại Trung tâm giáo dục lao động xã hội tỉnh.

- Riêng đối với các nạn nhân là trẻ em sẽ có trách nhiệm thông báo hoặc bố trí người đưa về nơi thân nhân cư trú; trường hợp trẻ em mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa thì phối hợp với các cơ quan liên quan làm thủ tục chuyển sang cơ sở bảo trợ xã hội quản lý, chăm sóc.

4. Nhiệm vụ của cơ sở tiếp nhận:

- Tiếp nhận nạn nhân từ nước ngoài trở về. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan: Y tế, Ủy ban dân số Gia đình và trẻ em. Hội Phụ nữ tổ chức hỗ trợ về ăn ở, sức khỏe, tâm lý, giáo dục cho nạn nhân sau khi tiếp nhận phù hợp với lứa tuổi, nguyện vọng của nạn nhân và khả năng đáp ứng của cơ sở.

- Giáo dục kỹ năng sống hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho nạn nhân.

- Đánh giá khả năng tái hòa nhập cộng đồng của nạn nhân, cung cấp các thông tin về chính sách, dịch vụ hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng.

- Hỗ trợ các cơ quan liên quan tiếp tục xác minh nhân thân, địa chỉ và đưa nạn nhân trở về gia đình và cộng đồng.

5. Thời gian lưu trú của nạn nhân:

- Thời gian nạn nhân lưu trú tại các cơ sở hỗ trợ nạn nhân (cơ sở tiếp nhận ban đầu) không quá 15 ngày kể từ ngày được tiếp nhận.

- Thời gian nạn nhân lưu trú tại các Trung tâm bảo trợ xã hội nạn nhân không quá 30 ngày; đối với nạn nhân cần hỗ trợ về sức khỏe; giáo dục trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn thì thời gian lưu trú có thể dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày được tiếp nhận.

IV. CHẾ ĐỘ VÀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NẠN NHÂN

1. Chế độ quản lý:

Nạn nhân lưu trú tại các cơ sở tiếp nhận nạn nhân và cơ sở hỗ trợ nạn nhân phải chịu sự quản lý, tuân thủ nội quy của cơ sở và các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Chế độ trợ cấp:

- Nạn nhân sau khi được tiếp nhận được cấp một lần quần áo, chăn màn, vật dụng cá nhân cần thiết.

- Định mức ăn hàng tháng của nạn nhân được áp dụng theo chế độ quy định hiện hành đối với đối tượng ở tại cơ sở xã hội do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.

- Trong thời gian lưu trú tại cơ sở tiếp nhận, nạn nhân được sắp xếp chỗ ở phù hợp với lứa tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe.

- Nạn nhân khi trở về địa phương được hỗ trợ tiền tàu xe, trợ cấp tiền ăn trong thời gian đi đường, được hưởng các chính sách hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng theo quy định.

3. Chế độ hỗ trợ y tế:

- Đối với nạn nhân phải điều trị để phục hồi sức khỏe thì được xem xét hỗ trợ chi phí khám bệnh, tiền thuốc chữa trị.

- Chi phí điều trị trong thời gian nằm viện do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chi trả từ nguồn ngân sách hỗ trợ nạn nhân theo quy định về định mức thu một phần viện phí tại các cơ sở y tế công lập.

4. Hỗ trợ về tâm lý:

Các cơ quan chức năng khi thực hiện công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân cần có các biện pháp nhằm giúp nạn nhân ổn định về tâm lý ngay từ khi tiếp nhận và trong suốt quá trình hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.

5. Hỗ trợ về thủ tục pháp lý:

Nạn nhân trở về nơi cư trú được xem xét cấp lại hộ khẩu, chứng minh nhân dân. Trẻ em là con của nạn nhân đi cùng mẹ nếu chưa có giấy khai sinh thì được làm thủ tục khai sinh theo quy định của pháp luật hiện hành.

6. Hỗ trợ học văn hóa, học nghề:

- Nạn nhân là trẻ em nếu tiếp tục đi học thì được hỗ trợ tiền mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập trong năm học đầu tiên.

- Nạn nhân khi trở về địa phương thì được xem xét, hỗ trợ học nghề. Việc tổ chức dạy nghề do hệ thống các Trung tâm Dạy nghề tại địa phương thực hiện.

7. Trợ cấp khó khăn ban đầu và hỗ trợ vay vốn.

- Nạn nhân khi trở về nếu thuộc hộ nghèo hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn thì được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu.

- Nạn nhân nếu có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh thì được xem xét, tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo theo quy định của pháp luật.

V. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Chủ trì công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng. Tiếp nhận đối tượng từ BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh và Công an tỉnh giao sang, tổ chức bố trí cho các nạn nhân ăn ở tại các Trung tâm Bảo trợ Xã hội trực thuộc sở quản lý và phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan thực hiện các chính sách hỗ trợ cho nạn nhân nêu tại mục III của Kế hoạch này.

Phối hợp với Công an, Bộ đội Biên phòng, các ngành liên quan cùng UBND các huyện, thành phố thực hiện việc thống kê, khảo sát tình hình nạn nhân trở về, đánh giá công tác tiếp nhận, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân định kỳ báo cáo cho UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Chương trình 130 tỉnh.

2. Công an tỉnh.

Chủ trì phối hợp với BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về trình tự, thủ tục xác minh, tiếp nhận nạn nhân.

Chỉ đạo lực lượng Công an các cấp điều tra thống kê số phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài về xác minh nhân thân nạn nhân để đăng ký lại hộ khẩu cấp chứng minh nhân dân. Thực hiện các quy định về bảo vệ nạn nhân và hỗ trợ nạn nhân.

3. BCH Bộ đội Biên phòng.

Tiếp nhận, phân loại các đối tượng phối hợp với Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, phụ nữ, các cấp ở địa phương tổ chức bàn giao đối tượng.

4. Sở Tài chính.

Bố trí kinh phí cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố theo phân cấp ngân sách hiện hành, quy định các mức hỗ trợ nạn nhân, chi phí các hoạt động xác minh; đồng thời phối hợp với các ngành liên quan tổ chức kiểm tra việc sử dụng kinh phí công tác tiếp nhận và tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân.

5. Sở Y tế.

Có trách nhiệm hướng dẫn các Trung tâm y tế cấp huyện cùng với các ban, ngành liên quan ở địa phương tổ chức khám chữa bệnh cho nạn nhân khi có yêu cầu cơ sở tiếp nhận nạn nhân và hỗ trợ nạn nhân.

6. Sở Tư pháp.

Chỉ đạo các Trung tâm Trợ giúp pháp lý, cơ quan Tư pháp ở các địa phương thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý cho nạn nhân, hướng dẫn thủ tục khai sinh cho trẻ em là con của nạn nhân.

7. Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh.

Phối hợp với các ngành chức năng thực hiện việc tiếp nhận, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em là nạn nhân và trẻ em là con của phụ nữ bị buôn bán từ nước ngoài trở về, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quyền trẻ em sau khi tái hòa nhập cộng đồng.

8. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội ở địa phương phối hợp với các ngành chức năng thực hiện các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân trong quá trình tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.

9. UBND các huyện, thành phố.

Quản lý số phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về quản lý tại địa bàn, thực hiện chính sách hỗ trợ đối tượng trên; nâng cao vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục các thành viên.

Tổ chức thực hiện các hoạt động dạy nghề, vay vốn, tạo việc làm hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về.

Chỉ đạo các ngành chức năng tại địa phương hướng dẫn các tổ chức và cá nhân thực hiện các hoạt động hỗ trợ về pháp lý, y tế, xã hội cho phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về. Thực hiện các quy định về báo cáo công tác thống kê tiếp nhận, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân.

Bố trí kinh phí cho công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng. Tổ chức huy động các nguồn lực ở địa phương để giúp nạn nhân ổn định cuộc sống.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch theo chức năng nhiệm vụ được giao. Định kỳ hàng quý sơ kết, đánh giá và báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Chương trình 130 tỉnh về kết quả thực hiện để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình 130 của Chính phủ.

2. Kinh phí để thực hiện kế hoạch từ nguồn kinh phí tỉnh phân bổ cho các địa phương, đơn vị theo phân cấp ngân sách hiện hành.

Nhận được kế hoạch này yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan; UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện nếu có vướng mắc liên hệ về Ban Chỉ đạo Chương trình 130 - Công an tỉnh (Cơ quan thường trực); Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để hướng dẫn thực hiện./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 331/QĐ-UBND kế hoạch thực hiện Quy chế tiếp nhận và tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về do tỉnh Bình Định ban hành

  • Số hiệu: 331/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/06/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Nguyễn Thị Thanh Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/06/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản