Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3302/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 12 tháng 08 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH XÂY DỰNG QUY CHUẨN KỸ THUẬT ĐỊA PHƯƠNG VỀ CHẤT LƯỢNG NƯỚC SẠCH SỬ DỤNG CHO MỤC ĐÍCH SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 của Bộ Y tế về việc Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt;

Căn cứ Thông tư số 26/2019/TT-BKHCN ngày 25/12/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định chi tiết xây dựng, thẩm định và ban hành quy chuẩn kỹ thuật;

Theo đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 140/TTr-SYT ngày 10/8/2020 (có ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan).

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Điều 2. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức triển khai Kế hoạch nêu tại Điều 1 Quyết định này theo mục đích, yêu cầu đề ra và theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Y tế, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các Bộ: Y tế; KHCN (báo cáo);
- Cục Quản lý môi trường y tế; Viện Pasteur Nha trang (Bộ Y tế);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Trung tâm Nước sạch và VSMTNT;
- Trung tâm KSBT tỉnh;
- PVP VX;
- Lưu VT, K13, K15.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tuấn Thanh

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG QUY CHUẨN KỸ THUẬT ĐỊA PHƯƠNG VỀ CHẤT LƯỢNG NƯỚC SẠCH SỬ DỤNG CHO MỤC ĐÍCH SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3302/QĐ-UBND ngày 12 tháng 08 năm 2020 của UBND tỉnh Bình Định)

Thực hiện Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 của Bộ Y tế về việc Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt; Thông tư số 26/2019/TT-BKHCN ngày 25/12/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định chi tiết xây dựng, thẩm định và ban hành quy chuẩn kỹ thuật; UBND tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt áp dụng trên địa bàn tỉnh Bình Định (sau đây gọi tắt là Kế hoạch); cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

a) Ban hành "Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Định" (sau đây gọi tắt là QCĐP) góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt áp dụng trên địa bàn tỉnh.

b) Là căn cứ để kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch trên địa bàn tỉnh theo QCĐP nhằm cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng để hạn chế những tác hại của nước ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân tỉnh Bình Định.

2. Yêu cầu:

a) Bảo đảm thực hiện các quy định theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ về Quy chuẩn kỹ thuật và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

b) Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt phải dựa trên nền tảng các tiêu chuẩn quốc gia, nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý, bảo vệ, theo dõi, kiểm tra, giám sát tốt nhất, có tính đặc thù trên địa bàn tỉnh Bình Định.

c) Phù hợp với đặc thù riêng, tình hình thực tế tại địa phương về đặc điểm điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, công nghệ xử lý nước tại các đơn vị cấp nước, chất lượng nguồn nước nguyên liệu (nước ngầm, nước mặt, sông, hồ,….), chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt.

II. THỜI GIAN THỰC HIỆN:

Từ tháng 8 năm 2020 đến hết tháng 12 năm 2020.

III. CÁC HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG QCĐP

1. Thành lập Tổ soạn thảo QCĐP

2. Biên soạn dự thảo QCĐP

3. Lấy ý kiến và hoàn chỉnh dự thảo QCĐP

4. Xem xét, cho ý kiến về việc ban hành QCĐP

5. Ban hành QCĐP

IV. CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH CỦA TỔ SOẠN THẢO

1. Căn cứ vào số liệu tổng hợp, thu thập được từ các Sở, ban ngành liên quan và kết quả khảo sát đánh giá chất lượng nước của Sở Y tế làm cơ sở cho việc lựa chọn các tiêu chí đưa vào QCĐP.

2. Lập dự toán kinh phí chi tiết để triển khai các hoạt động cho việc xây dựng QCĐP.

3. Biên soạn dự thảo QCĐP.

4. Tham dự và tiếp thu ý kiến đóng góp các Sở, ngành tại các buổi Hội thảo hoàn chỉnh dự thảo QCĐP trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

5. Nghiên cứu, chỉnh lý lại Dự thảo trong trường hợp Bộ, cơ quan ngang Bộ có góp ý thêm cho Dự thảo QCĐP.

V. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Sử dụng từ nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện Kế hoạch.

- Sở Y tế lập dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch, gửi Sở Tài chính để thẩm định, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện:

- Quyết định thành lập Tổ soạn thảo xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương (thành phần cụ thể giao Sở Y tế chủ trì, thống nhất với các đơn vị liên quan, đảm bảo theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế).

- Lập dự toán kinh phí chi tiết để triển khai các hoạt động xây dựng QCĐP, gửi Sở Tài chính để thẩm định, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

- Phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan thu thập, nghiên cứu số liệu về chất lượng nước đối với các nguồn nước sử dụng cung cấp sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

- Kiểm tra và lấy mẫu nước xét nghiệm để đánh giá chất lượng các loại nguồn nước theo từng khu vực trên địa bàn tỉnh để có số liệu tổng quát về thực trạng chất lượng nước sinh hoạt.

- Tổng hợp báo cáo về các chỉ tiêu xét nghiệm để đánh giá chất lượng các nguồn nước trên địa bàn tỉnh và các chỉ tiêu thu thập liên quan.

- Chủ trì họp Tổ soạn thảo thống nhất lựa chọn các chỉ số cần thiết đưa vào QCĐP; cùng với Tổ soạn thảo xây dựng hoàn chỉnh dự thảo QCĐP.

- Gửi dự thảo QCĐP đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để lấy ý kiến, đồng thời gửi dự thảo đến cơ quan thông báo và điểm hỏi đáp của địa phương tương ứng để xác định sự cần thiết phải thông báo cho WTO theo quy định tại Thông tư số 16/2018/TT-BKHCN ngày 29/11/2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc quy định hoạt động, phối hợp trong mạng lưới các cơ quan thông báo và hỏi đáp và ban liên ngành về hàng rào kỹ thuật trong thương mại.

- Chủ trì tổ chức các buổi Hội thảo lấy ý kiến đóng góp các Sở, ngành, tổ chức, cá nhân, chuyên gia lĩnh vực liên quan để hoàn chỉnh dự thảo QCĐP.

- Trình UBND tỉnh xem xét, có ý kiến chỉ đạo.

- Phối hợp với Tổ soạn thảo nghiên cứu xem xét, chỉnh sửa những nội dung mà Bộ, cơ quan ngang Bộ có ý kiến góp ý; gửi lại Hồ sơ dự thảo QCĐP đã tiếp thu, chỉnh lý cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ để xin ý kiến hoàn chỉnh trước khi UBND tỉnh ban hành.

2. Sở Tài chính: Trên cơ sở dự toán kinh phí được Sở Y tế lập, Sở Tài chính tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh bố trí kinh phí từ dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 để Sở Y tế tổ chức triển khai Kế hoạch.

3. Sở Khoa học và Công nghệ: Phối hợp với Sở Y tế thực hiện các thủ tục xây dựng QCĐP; gửi Hồ sơ dự thảo QCĐP, liên hệ với Bộ Khoa học và Công nghệ để xin ý kiến góp ý cho dự thảo QCĐP.

4. Sở Tư pháp: Tham gia xây dựng, tổ chức thẩm định dự thảo QCĐP đảm bảo chất lượng, nội dung, hình thức, gửi Sở Y tế tổng hợp, hoàn chỉnh, trình UBND tỉnh xem xét, ban hành.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Cung cấp cho Sở Y tế số liệu về chất lượng nước bề mặt, nước dưới đất được các nhà máy nước khai thác sử dụng để cung cấp sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

- Cung cấp kết quả quan trắc đối với chất lượng các nguồn xả thải từ các khu công nghiệp hoặc các cơ sở sản xuất công nghiệp; sản xuất nông nghiệp; đặc biệt đối với những khu công nghiệp hoặc cơ sở sản xuất có xả thải vào hoặc gần nguồn nước, khu vực khai thác nước nguyên liệu của đơn vị cấp nước.

- Cử người tham gia Tổ soạn thảo xây dựng dự thảo QCĐP do Sở Y tế thành lập.

- Tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo QCĐP khi Sở Y tế lấy ý kiến góp ý.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Cung cấp cho Sở Y tế thông tin số liệu về chất lượng nước thành phẩm, chất lượng nước dưới đất, nước bề mặt được các đơn vị cấp nước khai thác thuộc quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Cung cấp thông tin về loại hình sản xuất nông nghiệp (chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng lúa/cây lương thực…), hình thức sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,... trên địa bàn, đặc biệt tập trung ở những khu vực hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh khai thác nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt.

- Cử người tham gia Tổ soạn thảo xây dựng dự thảo QCĐP do Sở Y tế thành lập.

- Tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo QCĐP khi Sở Y tế lấy ý kiến góp ý.

7. Sở Xây dựng:

- Cung cấp cho Sở Y tế thông tin về các đơn vị cấp nước thuộc quyền quản lý của Sở Xây dựng và số liệu về chất lượng nước nguồn khai thác, chất lượng nước thành phẩm.

- Cử người tham gia Tổ soạn thảo xây dựng dự thảo QCĐP do Sở Y tế thành lập.

- Tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo QCĐP khi Sở Y tế lấy ý kiến góp ý.

8. Sở Công thương:

- Cung cấp cho Sở Y tế thông tin về các loại hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc trừ sâu (gồm cả thành phần) được phép sử dụng trên địa bàn tỉnh.

- Cử người tham gia Tổ soạn thảo xây dựng dự thảo QCĐP do Sở Y tế thành lập.

- Tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo QCĐP khi Sở Y tế lấy ý kiến góp ý.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc: Phòng Nông nghiệp, Phòng Y tế,... tổng hợp số liệu kết quả xét nghiệm mẫu nước của các công trình cấp nước tập trung và của hộ gia đình trên địa bàn gửi về Sở Y tế để có căn cứ xây dựng dự thảo QCĐP.

- Tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo QCĐP khi Sở Y tế lấy ý kiến góp ý.

10. Các đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh:

- Có trách nhiệm cung cấp cho Sở Y tế số liệu, tài liệu có liên quan đến chất lượng nước nguồn và nước thành phẩm cho Ban soạn thảo khi có yêu cầu.

- Tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo QCĐP khi Sở Y tế lấy ý kiến góp ý. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ảnh về Sở Y tế để phối hợp giải quyết.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch này./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3302/QĐ-UBND năm 2020 về Kế hoạch xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Định

  • Số hiệu: 3302/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/08/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Nguyễn Tuấn Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản