Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 32/2014/QĐ-UBND

Quảng Trị, ngày 22 tháng 07 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003,

Căn cứ Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước ngày 28/12/2000;

Căn cứ Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/03/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 12/2002/TT-BCA(A11) ngày 13/9/2002 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước;

Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 14/2008/QĐ-UBND ngày 13/6/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước tỉnh Quảng Trị.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Công an (Cục A82);
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ và các đoàn thể tỉnh;
- Như Điều 3;
- Lưu VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Cường

 

QUY CHẾ

BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 32/2014/QĐ-UBND ngày 22 tháng 7 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định về nội dung, hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước (BMNN) và trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ BMNN trên địa bàn tỉnh Quảng Trị,

2. Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang và mọi cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (gọi tắt là các cơ quan, tổ chức, cá nhân)

Điều 2. Danh mục BMNN tỉnh Quảng Trị gồm

1. Những tin, tài liệu, vật thuộc danh mục BMNN độ Tuyệt mật, Tối mật, Mật đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định có hiệu lực thi hành đối với Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các cơ quan, tổ chức liên quan thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Danh mục BMNN của các bộ, ngành theo hệ thống từ Trung ương đến địa phương.

2. Những tin, tài liệu, vật mang BMNN được đóng dấu độ mật ở nơi khác gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Điều 3. Quy định độ mật đối với từng loại tin, tài liệu, vật mang BMNN

Căn cứ danh mục BMNN, Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn nghiên cứu, ban hành văn bản quy định cụ thể độ mật của từng loại tin, tài liệu, vật mang BMNN thuộc cơ quan, tổ chức, địa phương quản lý.

Điều 4. Những hành vi bị nghiêm cấm

Làm lộ, làm mất, chiếm đoạt, mua bán BMNN hoặc thu thập, lưu giữ, tiêu hủy trái phép BMNN; Lạm dụng bảo vệ BMNN để che dấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân.

Những hành vi nghiêm cấm khác được quy định cụ thể tại các điều khoản trong Quy chế này.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Soạn thảo, in, sao, chụp tài liệu, vật mang BMNN

1. Người được giao nhiệm vụ soạn thảo, in, sao, chụp tài liệu, vật mang BMNN phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN.

2. Soạn thảo, in, sao, chụp tài liệu, vật mang BMNN phải được thực hiện ở nơi đảm bảo an toàn; người soạn thảo phải đề xuất bằng văn bản mức độ mật của từng tài liệu, trình lãnh đạo cơ quan ký duyệt.

3. Quy trình In, sao, chụp tài liệu, vật mang BMNN thực hiện theo đúng quy định tại Điều 8, Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/03/2002 của Chính phủ; Thông tư 07/2012/TT-BNV ngày 22/11/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn quản lý, lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan; Quyết định số 11/2012/QĐ-UBND ngày 28/7/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh về ban hành Quy chế mẫu công tác văn thư, lưu trữ của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sao, chụp tài liệu BMNN từ nơi khác gửi đến phải được Thủ trưởng cơ quan, tổ chức (hoặc cấp phó được ủy quyền) đồng ý.

5. Lãnh đạo cơ quan ban hành văn bản có nội dung BMNN được quyền cho in, sao những văn bản do đơn vị mình phát hành.

6. Khi sao chụp văn bản BMNN được tiến hành đúng thể thức quy định về sao y bản chính, trích sao, sao lục; phải được bảo quản như bản gốc, được đóng dấu độ mật theo văn bản gốc; ghi rõ số lượng bản sao, nơi nhận, tên cơ quan, tên người in sao và họ tên chữ ký, chức vụ của Lãnh đạo cho phép in sao.

7. Các cơ quan, đơn vị phải khắc đầy đủ bộ dấu phục vụ công tác bảo vệ BMNN theo đúng quy định của Pháp luật về bảo vệ BMNN.

Điều 6. Phổ biến, nghiên cứu tin, tài liệu thuộc phạm vi BMNN

Việc lưu hành, phổ biến, trao đổi, sử dụng tin, tài liệu, số liệu thuộc danh mục BMNN phải thực hiện đúng nguyên tắc, đúng quy định tại Điều 9, Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/03/2002 của Chính phủ.

Điều 7. Giao nhận, vận chuyển, thống kê, thu hồi, bảo quản tin, tài liệu, vật thuộc danh mục BMNN

1. Việc vận chuyển, giao nhận, thống kê, thu hồi, bảo quản tài liệu, vật mang BMNN thực hiện theo quy định tại Điều 10, Điều 11, Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ và Thông tư 07/2012/TT-BNV ngày 22/11/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn quản lý, lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan.

2. Các cơ quan, đơn vị phải lập “Sổ quản lý văn bản mật đến; Sổ quản lý văn bản mật đi” để theo dõi, quản lý việc tiếp nhận, phát hành văn bản BMNN. Mẫu Sổ được thực hiện theo hướng dẫn về quản lý văn bản đi, văn bản đến của Bộ nội vụ.

3. Mọi trường hợp giao, nhận tài liệu, vật mang BMNN đều phải vào sổ, có ký nhận giữa bên giao và bên nhận.

Điều 8. Tiêu hủy tin, tài liệu, vật mang BMNN

1. Tin, tài liệu, vật mang BMNN nếu đã được nộp lưu vào hệ thống lưu trữ của Đảng, Nhà nước thì quá trình tiêu hủy phải được thực hiện theo quy định của Đảng, Điều 28 của Luật Lưu trữ 2011 và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

2. Tiêu hủy tài liệu, vật mang BMNN khi không còn giá trị sử dụng hoặc không cần lưu trữ thì được tiến hành theo quy định sau:

- Đối với cơ quan cấp tỉnh: Do Thủ trưởng cơ quan quyết định.

- Đối với cơ quan cấp huyện: Do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định.

- Phải lập Hội đồng và biên bản tiêu hủy tài liệu theo quy định tại Thông tư 12/2002/TT-BCA. Hồ sơ tiêu hủy được lưu giữ tại cơ quan tiêu hủy theo đúng thời gian quy định.

- Tiêu hủy phải bảo đảm không để lộ, lọt BMNN và không thể phục hồi được.

Điều 9. Bảo vệ BMNN trên lĩnh vực Công nghệ thông tin và truyền thông

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi truyền đi những nội dung BMNN bằng phương tiện viễn thông, máy tính phải được mã hóa theo quy định tại Điều 16, Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ; nghiêm cấm trao đổi thông tin BMNN qua điện thoại cố định, di động, thiết bị liên lạc khác chưa được bảo mật đường truyền.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được gửi, nhận, trao đổi thông tin, tài liệu BMNN qua hệ thống Email điện tử công cộng (Gmail, yahoo, hotmail....); không đưa thông tin BMNN lên Internet (Facebook; blog; diễn đàn, trang thông tin điện tử...).

3. Không sử dụng máy tính đã, đang nối mạng Internet hoặc mạng nội bộ không có biện pháp bảo mật để soạn thảo, lưu trữ, in ấn tài liệu BMNN; quản lý chặt chẽ việc sử dụng các thiết bị ngoại vi có chức năng lưu trữ thông tin (USB, thẻ nhớ...) trong cán bộ, công chức, viên chức.

4. Không sử dụng các thiết bị điện tử, viễn thông, tin học không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc do nước ngoài trao tặng, chuyển giao để lưu trữ, soạn thảo, in ấn thông tin, tài liệu BMNN; luôn quản lý, giám sát chặt chẽ việc sửa chữa các thiết bị có lưu giữ BMNN;

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc Quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí.

Điều 10. Cung cấp tin, tài liệu BMNN cho cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam

1. Người được giao nhiệm vụ tìm hiểu, thu thập tin, tài liệu BMNN phải có giấy chứng minh nhân dân, kèm theo giấy giới thiệu của cơ quan ghi rõ nội dung, yêu cầu tìm hiểu, thu thập và phải được cấp có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức lưu giữ BMNN đồng ý.

2. Cơ quan, tổ chức lưu giữ BMNN khi cung cấp tin, tài liệu thuộc phạm vi BMNN cho cơ quan, cá nhân Việt Nam phải được cấp có thẩm quyền duyệt theo quy định tại khoản 2, Điều 18, Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ.

Điều 11. Bảo vệ BMNN trong quan hệ, tiếp xúc, làm việc với tổ chức, cá nhân nước ngoài

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi quan hệ, tiếp xúc với tổ chức, cá nhân nước ngoài không được tiết lộ BMNN.

2. Việc cung cấp thông tin BMNN cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 19, Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ.

3. Cán bộ, công chức, viên chức khi mang tài liệu BMNN ra nước ngoài công tác phải được cấp có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản, cụ thể:

a. Đối với cơ quan trung ương đóng trên địa bàn: Do người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của cơ quan, tổ chức trung ương quyết định.

b. Đối với cơ quan, địa phương thuộc tỉnh, do Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý;

4. Phải sử dụng thông tin, tài liệu đúng mục đích và có biện pháp quản lý, bảo vệ tài liệu chặt chẽ; khi về phải giao nộp lại cho cơ quan.

Điều 12. Khu vực, địa điểm cấm; địa điểm có mang BMNN

1. Xác định Khu vực cấm, địa điểm cấm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được thực hiện theo Quyết định 160/2004/QĐ-TTg ngày 06/9/2004 của Thủ tướng chính phủ về xác định khu vực cấm, địa điểm cấm. Ban chỉ đạo công tác bảo vệ BMNN tỉnh phối hợp các cơ quan đơn vị tiến hành xác định các Khu vực cấm, địa điểm cấm để tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định. Danh mục Khu vực cấm, địa điểm cấm được quy định tại điều 2, Quyết định 160.

2. Các địa điểm có mang BMNN trong cơ quan, tổ chức (gồm nơi in ấn, sao chụp; nơi hội họp, phổ biến BMNN; kho tủ cất giữ tài liệu mật và sản phẩm mật mã; nơi dịch mã, chuyển, nhận những thông tin mật; kho ngân quỹ của các ngân hàng, kho bạc...) phải có biển cấm và nội quy bảo vệ.

Điều 13. Bố trí cán bộ làm công tác liên quan trực tiếp đến BMNN

1. Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải bố trí 01 cán bộ ( chuyên trách hoặc kiêm nhiệm) có đủ tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ ở bộ phận văn phòng hoặc tổ chức cán bộ để tham mưu giúp Lãnh đạo cơ quan thực hiện tốt công tác bảo vệ BMNN trong phạm vi quản lý.

2. Cán bộ làm công tác liên quan trực tiếp đến BMNN (Lãnh đạo cơ quan, người làm công tác cơ yếu, giao liên, văn thư, lưu trữ, người được giao nhiệm vụ tham mưu, soạn thảo, in ấn, bảo quản, lưu giữ BMNN) phải có đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; phải cam kết bảo vệ BMNN bằng văn bản; văn bản cam kết nộp cho tổ chức của cơ quan lưu giữ.

3. Cán bộ văn thư, lưu trữ của cơ quan, đơn vị, địa phương phải được đào tạo và có chứng chỉ về nghiệp vụ văn thư, lưu trữ theo quy định của nhà nước.

4. Người tiếp xúc với BMNN dưới mọi hình thức phải thực hiện và chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN.

Điều 14. Công tác sơ tổng kết, báo cáo và Thanh tra, kiểm tra

1. UBND tỉnh báo cáo sơ kết công tác bảo vệ BMNN gửi Chính phủ, Bộ Công an vào tháng 11 hàng năm. Cơ quan, tổ chức, địa phương phải báo cáo sơ kết cho UBND tỉnh và Công an tỉnh, gửi trước 30 tháng 10. Công tác tổng kết được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN.

2. Ngoài báo cáo định kỳ, các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm báo cáo đột xuất về những vụ việc làm lộ lọt, mất BMNN hoặc các vi phạm pháp luật về bảo vệ BMNN, gây ảnh hưởng đến tình hình ANCT hoặc lợi ích của nhà nước.

3. Ban chỉ đạo công tác bảo vệ BMNN tỉnh và Công an tỉnh giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Pháp lệnh BMNN trên địa bàn tỉnh theo quy định; các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức công tác tự kiểm tra trong phạm vi quản lý, kết quả kiểm tra gửi về Công an tỉnh để tập hợp, theo dõi báo cáo UBND tỉnh.

Điều 15. Kinh phí phục vụ công tác bảo vệ Bí mật nhà nước

1. Hằng năm, UBND tỉnh bố trí kinh phí phục vụ công tác bảo vệ BMNN cho Ban chỉ đạo công tác bảo vệ BMNN tỉnh (qua Thường trực Ban chỉ đạo-Công an tỉnh).

2. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan TW đóng trên địa bàn có trách nhiệm bố trí kinh phí phục vụ công tác bảo vệ BMNN trên cơ sở nguồn ngân sách được giao.

3. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán ngân sách phục vụ công tác bảo vệ BMNN theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Thông tư 110/2013/TT-BTC ngày 14 tháng 8 năm 2013 của Bộ Tài chính Quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thuộc công tác bảo vệ BMNN.

Điều 16. Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong công tác bảo vệ BMNN.

1. UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bảo vệ BMNN trên địa bàn tỉnh. Giao Ban chỉ đạo công tác bảo vệ BMNN tỉnh, Công an tỉnh giúp UBND tỉnh tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Nội dung quản lý nhà nước và thẩm quyền của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh được thực hiện theo quy định tại điều 10, điều 12 của Pháp lệnh bảo vệ BMNN.

2. Ban chỉ đạo công tác bảo vệ BMNN tỉnh là tổ chức kiêm nhiệm giúp Chủ tịch UBND tỉnh triển khai thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh về bảo vệ BMNN đối với các Sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan Trung ương trên địa bàn. Chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Ban chỉ đạo được quy định tại Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo công tác bảo vệ BMNN tỉnh Quảng Trị (Quyết định số 2418/QĐ-UBND ngày 10/12/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh)

3. Công an tỉnh chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về công tác bảo vệ BMNN; là cơ quan thường trực BCĐ công tác bảo vệ BMNN tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, điều tra, khởi tố, xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực bảo vệ BMNN.

Chương III

KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 17. Khen thưởng, xử lý vi phạm

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích về công tác bảo vệ BMNN sẽ được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

2. Mọi vi phạm quy định về bảo vệ BMNN phải được xác minh, điều tra làm rõ. Người có hành vi vi phạm, tùy theo tính chất, hậu quả tác hại gây ra sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật

Điều 18. Tổ chức thực hiện

1. Ban chỉ đạo công tác bảo vệ BMNN tỉnh, Công an tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy chế này.

2. Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quy chế này và các quy định của pháp luật phải xây dựng nội quy bảo vệ BMNN ở cơ quan, đơn vị, địa phương và tổ chức thực hiện nghiêm túc.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị báo cáo bằng văn bản gửi Công an tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.