- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Nghị định 168/2003/NĐ-CP quy định về nguồn tài chính và quản lý, sử dụng nguồn tài chính cho quản lý, bảo trì đường bộ
- 3Nghị định 186/2004/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
- 4Nghị quyết 38/2005/NQ-HĐND phê chuẩn đề án phát triển Giao thông nông thôn giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 31/2007/QĐ-UBND | Lạng Sơn, ngày 27 tháng 8 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ KHOÁN QUẢN LÝ, BẢO DƯỠNG THƯỜNG XUYÊN ĐƯỜNG TỈNH, ĐƯỜNG HUYỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05/11/2004 của Chính phủ Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 168/2003/NĐ-CP ngày 24/12/2003 của Chính phủ Quy định về nguồn tài chính và quản lý, sử dụng nguồn tài chính cho quản lý, bảo trì đường bộ;
Căn cứ Nghị quyết 38/2005/NQ-HĐND ngày 05/08/2005 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn về việc phê duyệt Đề án phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2006-2010 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 993/TTr-SGTVT ngày 22/ 8/2007; Báo cáo số 1074/BC-STP ngày 13/8/2007 của Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế khoán quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường tỉnh, đường huyện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Giao thông vận tải; Kế hoạch - Đầu tư; Tài chính; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện và các tổ chức, cá nhân liên quan trong công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường tỉnh, đường huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
KHOÁN QUẢN LÝ, BẢO DƯỠNG THƯỜNG XUYÊN ĐƯỜNG TỈNH, ĐƯỜNG HUYỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2007/QĐ-UBND ngày 27 tháng 8 năm 2007 của UBND tỉnh Lạng Sơn).
Chương I
NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về nội dung, hình thức, kinh phí và định mức kinh phí, đối tượng, điều kiện giao - nhận khoán, quyền và nghĩa vụ của đối tượng nhận khoán quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường tỉnh, đường huyện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
2. Quy chế này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường tỉnh, đường huyện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Điều 2. Mục đích yêu cầu
Nhằm phát huy sức mạnh của tập thể, nâng cao tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm của đối tượng nhận khoán trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo dưỡng thường xuyên và bảo vệ đường bộ; làm cho đối tượng nhận khoán hiểu rõ hơn tầm quan trọng của công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; tạo thêm việc làm tại chỗ cho nhân dân cư trú dọc theo tuyến đường, tăng thêm nguồn thu nhập, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và sử dụng nguồn vốn cho duy tu bảo dưỡng đường bộ đúng mục đích, khai thác hiệu quả hệ thống đường hiện có.
Chương II
NỘI DUNG, HÌNH THỨC KHOÁN QUẢN LÝ, BẢO DƯỠNG THƯỜNG XUYÊN ĐƯỜNG TỈNH, ĐƯỜNG HUYỆN
Điều 3. Các công việc giao khoán theo mục tiêu
Đối với công việc ổn định trên 1 đơn vị là 1 km đường bộ, gồm các công việc: Phát cây, khơi thông cống, rãnh, thanh thải lòng cầu, bạt lề đường, đắp bù lề đường, đắp bù mặt đường đất hoặc cấp phối tự nhiên, sử dụng lao động thủ công (phần cứng).
Thực hiện hình thức khoán mục tiêu. Cụ thể các công việc sau:
1. Trông coi bảo vệ đường, hành lang an toàn đường bộ, bảo vệ cọc tiêu biển báo, cột Km, cột H, mốc lộ giới, hộ lan, cầu, cống, ngầm tràn, trong phạm vi đoạn đường được giao khoán.
2. Kiểm tra thường xuyên đoạn tuyến giao khoán và xử lý khơi nước ứ đọng ở rãnh, lòng, lề đường, mặt cầu và thông cống thoát nước khi trời mưa;
3. Phát cây, cỏ ở 2 bên lề đường, rãnh và ta luy đường, ở mố cầu và đầu cống để đảm bảo tầm nhìn.
4. Nạo vét rãnh, sửa mái ta luy đường; nắn sửa và chôn lại cọc tiêu biển báo bị nghiêng, đổ.
5. Vệ sinh mặt đường, mặt cầu.
6. Đào bạt và đắp phụ lề, nền đường.
7. San tẩy gợn sóng nền mặt đường, gạt đất bùn trơn lầy, gạch, đá rơi vãi trên mặt đường.
8. Bù phụ, san vá lấp các ổ gà bằng cấp phối tự nhiên (đối với mặt đường cấp phối) để luôn giữ cho mặt đường bằng phẳng êm thuận.
9. Hót đất sụt lẻ tẻ (khối lượng < 5 m3/1 đống).
Điều 4. Các công việc giao khoán theo khối lượng
1. Đối với công việc phải sử dụng vật liệu, vật tư, máy, thiết bị như: vá ổ gà nhựa nóng, sửa tường, kè, cầu; sơn kẻ biển, thì thực hiện khoán theo khối lượng. Cụ thể các công việc sau:
a) Sửa chữa nền, mặt đường có khối lượng lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp và phải sử dụng máy móc thiết bị, vật tư, vật liệu;
b) Sửa chữa cầu, cống, kè, sơn cọc tiêu biển báo, cột Km, cột H, mốc lộ giới..
c) Trồng bổ sung cọc tiêu biển báo, mốc lộ giới;
d) Hót đất sụt có khối lượng lớn hơn 5m3/1đống.
2. Trường hợp bất khả kháng xảy ra đột xuất làm phát sinh khối lượng nằm ngoài phần giao khoán, thì người nhận khoán phải báo cáo kịp thời bên giao khoán để có biện pháp giải quyết.
Điều 5. Các công việc không giao khoán
Do Công ty QL&SCĐB và phòng Hạ tầng kinh tế huyện thực hiện theo chức năng quản lý. Gồm công việc sau:
1. Kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất các công trình.
2. Thu thập, cập nhật số liệu về tình hình cầu đường trên tuyến để lập hồ sơ quản lý theo quy định.
3. Lập kế hoạch duy tu, bảo dưỡng thường xuyên hàng năm; lập báo cáo theo quy định.
4. Những công việc có khối lượng lớn phát sinh do mưa, bão, lũ lụt hoặc đầu tư bổ sung, sửa chữa lớn công trình,… thì các đơn vị quản lý đường bộ phải lập thành hồ sơ thủ tục theo quy định để xin đầu tư riêng.
Chương III
KINH PHÍ VÀ ĐỊNH MỨC KINH PHÍ GIAO KHOÁN
Điều 6. Kinh phí thực hiện giao khoán
Kinh phí giao khoán theo Quyết định về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương hàng năm của ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 7. Đối với Đường tỉnh (ĐT)
1. Đường Bê tông nhựa, BTXM: 30% định mức được giao/ Km/ năm.
2. Đường láng nhựa: 40% định mức được giao/Km/ năm.
3. Đường cấp phối: 60% định mức được giao/ Km/ năm.
4. Đường đất: 85% định mức được giao/Km/ năm.
Điều 8. Đối với Đường huyện (ĐH)
1. Đường Bê tông xi măng: 30% định mức được giao/ Km/ năm.
2. Đường láng nhựa: 40% định mức được giao/Km/ năm.
3. Đường cấp phối: 60% định mức được giao/ Km/ năm.
4. Đường đất: 85% định mức được giao/Km/ năm.
Chương IV
ĐỐI TƯỢNG, ĐIỀU KIỆN GIAO, NHẬN KHOÁN, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA ĐỐI TƯỢNG NHẬN KHOÁN
Điều 9. Đối tượng giao, nhận khoán
1. Các tuyến đường tỉnh, đường huyện đã giao cho các huyện quản lý theo Quyết định số 1853/QĐ-UB ngày 02/10/2001 của ủy ban nhân dân tỉnh về việc giao danh mục và khối lượng đường tỉnh (ĐT), đường huyện (ĐH), đường đô thị (ĐT) cho đơn vị, huyện quản lý, sửa chữa thường xuyên và bảo vệ, trước mắt giao khoán theo 2 hình thức:
a) Các huyện có đội duy tu: Uỷ ban nhân dân huyện thông qua Phòng Hạ tầng kinh tế giao khoán cho các đội duy tu thực hiện việc quản lý, bảo dưỡng thường xuyên;
b) Các huyện không có đội duy tu: Uỷ ban nhân dân huyện thông qua Phòng Hạ tầng kinh tế giao khoán cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, nhóm hộ gia đình có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 12 Quy chế này (sau đây gọi tắt là đối tượng nhận khoán).
2. Đường tỉnh, đường huyện đã giao cho Công ty Quản lý và Sửa chữa đường bộ quản lý, sửa chữa và bảo vệ theo Quyết định số 1853/QĐ-UB ngày 02/10/2001: Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ giao khoán cho các Hạt quản lý giao thông để quản lý, bảo dưỡng thường xuyên.
Điều 10. Dự toán giao khoán
1. Giao khoán cho đối tượng là hộ dân: Bậc thợ bình quân tính toán là 2,7/7; dự toán chỉ tính phần chi phí trực tiếp và chi phí quản lý, ngoài ra không tính các khoản chi phí khác. Chi phí trực tiếp gồm: chi phí nhân công, chi phí vật liệu, chi phí máy (nếu có).
2. Dự toán giao khoán cho các tổ chức doanh nghiệp, Đội duy tu, Công ty Quản lý và Sửa chữa đường bộ được tính theo quy định hiện hành (do người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội; chi phí quản lý; thuế thu nhập doanh nghiệp).
Điều 11. Điều kiện nhận khoán
1. Hạt quản lý giao thông, Đội duy tu phải có đủ năng lực, điều kiện để thực hiện thường xuyên công tác khoán theo quy định.
2. Tổ chức tham gia nhận khoán: phải có nhân lực, đủ công cụ lao động và các điều kiện để thực hiện nội dung yêu cầu khoán.
3. Cá nhân, hộ gia đình, nhóm hộ gia đình nhận khoán: phải đang sinh sống tại địa phương, đảm bảo thực hiện thường xuyên, liên tục công việc nhận khoán, có đủ dụng cụ lao động để thực hiện các công việc nhận khoán.
Điều 12. Quyền và nghĩa vụ của đối tượng nhận khoán
1. Chủ động bố trí sắp xếp thời gian, trang thiết bị, dụng cụ lao động và tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng giao nhận khoán.
2. Được thanh toán đầy đủ khối lượng công việc đã nghiệm thu hoàn thành; trường hợp khi có khối lượng phát sinh lớn ngoài hợp đồng giao nhận khoán thì phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý biết để xử lý kịp thời không để ách tắc giao thông quá 24 giờ.
3. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và báo cáo cơ quan chức năng xử lý các hành vi xâm phạm công trình đường bộ, lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ.
4. Tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đảm bảo duy trì tiêu chuẩn kỹ thuật của đường đang khai thác, phục vụ giao thông đường bộ được thông suốt, an toàn, thuận lợi.
Chương V
CHẾ ĐỘ KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 13. Khen thưởng
Hàng năm Sở Giao thông vận tải, Uỷ ban nhân dân các huyện, tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường tỉnh, đường huyện để đánh giá kết quả rút kinh nghiệm; các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện quản lý, bảo dưỡng thường xuyên thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Quy chế này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi hoàn theo quy định của pháp luật.
Chương VI
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Sở Giao thông vận tải phối hợp với Sở Tài Chính: hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Uỷ ban nhân dân các huyện, đơn vị liên quan thực hiện Quy chế khoán quản lý, bảo dưỡng thường xuyên; ban hành văn bản hướng dẫn việc lập kế hoạch giao khoán, hồ sơ dự toán, tổ chức nghiệm thu thanh quyết toán.
Điều 16. Trên cơ sở kinh phí cho sự nghiệp giao thông đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hàng năm, Sở Tài chính có trách nhiệm đảm bảo cấp đủ kinh phí cho công tác khoán quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường tỉnh, đường huyện và theo dõi, kiểm tra việc sử dụng nguồn kinh phí cho công tác này đảm bảo hiệu quả và tuân thủ quy định của pháp luật.
Điều 17. Uỷ ban nhân dân các huyện chỉ đạo các phòng chức năng triển khai thực hiện theo Hướng dẫn liên ngành Sở Giao thông vận tải - Sở Tài chính để áp dụng thống nhất; xây dựng danh mục, kế hoạch giao khoán, tỷ lệ giao khoán cho từng tuyến đường tỉnh, đường huyện được giao quản lý.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ảnh về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
- 1Quyết định 25/2008/QĐ-UBND ban hành Quy định về quản lý, xây dựng, khai thác và bảo dưỡng hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai do Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành
- 2Quyết định 35/2011/QĐ-UBND về Quy chế quản lý nhà nước trong duy tu, bảo dưỡng và bảo trì đường giao thông nông thôn tỉnh Hà Tĩnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Nghị định 168/2003/NĐ-CP quy định về nguồn tài chính và quản lý, sử dụng nguồn tài chính cho quản lý, bảo trì đường bộ
- 3Nghị định 186/2004/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
- 4Quyết định 25/2008/QĐ-UBND ban hành Quy định về quản lý, xây dựng, khai thác và bảo dưỡng hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai do Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành
- 5Quyết định 35/2011/QĐ-UBND về Quy chế quản lý nhà nước trong duy tu, bảo dưỡng và bảo trì đường giao thông nông thôn tỉnh Hà Tĩnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành
- 6Nghị quyết 38/2005/NQ-HĐND phê chuẩn đề án phát triển Giao thông nông thôn giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
Quyết định 31/2007/QĐ-UBND về Quy chế khoán quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường tỉnh, đường huyện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
- Số hiệu: 31/2007/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 27/08/2007
- Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
- Người ký: Phùng Thanh Kiểm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 06/09/2007
- Tình trạng hiệu lực: Không xác định