Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ CÔNG NGHIỆP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 31/2007/QĐ-BCN | Hà Nội, ngày 20 tháng 07 năm 2007 |
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM BẮC BỘ ĐẾN NĂM 2015, CÓ XÉT ĐẾN NĂM 2020
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2003 của Chính Phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Thông báo số 3174/VPCP-CN của Văn phòng Chính phủ ngày 11 tháng 6 năm 2007 thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm định, phê duyệt chiến lược, quy hoạch và uỷ quyền cho Bộ trưởng Bộ Công nghiệp phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2015, có xét đến năm 2020;
Xét tờ trình số 241/TTr-VCL ngày 10 tháng 7 năm 2007 của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công nghiệp;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2015, có xét đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm
- Phát triển công nghiệp Vùng với tốc độ cao, hiệu quả và bền vững, phát huy được lợi thế của từng tỉnh trong Vùng. Đảm bảo tính liên kết vùng trên cơ sở phân bố hợp lý về không gian lãnh thổ, về cơ cấu của các ngành công nghiệp. Hình thành được các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn có sức cạnh tranh trong nước và quốc tế, đưa Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trở thành một trong những trung tâm kinh tế phát triển nhanh của đất nước.
- Phát triển công nghiệp kết hợp chặt chẽ với sự phát triển các ngành kinh tế, xã hội khác,với bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh, quốc phòng.
2. Mục tiêu phát triển
- Tốc độ tăng trưởng GDP công nghiệp và xây dựng giai đoạn 2006-2010 đạt 14,19%; giai đoạn 2011-2015 đạt 13,81%;
- Tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong cơ cấu GDP năm 2010 chiếm 47,65%; năm 2015 chiếm 52,87% (trong đó công nghiệp chiếm tương ứng là 41,14% và 45,52%);
- Tốc độ tăng giá trị tăng thêm công nghiệp giai đoạn 2006-2010 là 14,86%, giai đoạn 2011-2015 là 13,75%. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2006-2010 là 19,85%, giai đoạn 2011-2015 là 18,09%.
3. Định hướng phát triển
- Huy động tối đa mọi nguồn lực của các địa phương trong Vùng, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài, coi trọng và nâng cao hiệu quả của hợp tác quốc tế, hợp tác liên vùng và liên ngành cho phát triển công nghiệp.
- Phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung gắn với nguồn nguyên liệu để giảm chi phí sản xuất và đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn.
- Chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực có hàm lượng chất xám cao như công nghệ phần mềm, phần cứng, kỹ thuật điện, cơ điện tử, sản xuất thiết bị máy móc siêu trường, siêu trọng, đóng và sửa chữa tầu thủy, sản xuất thép, vật liệu xây dựng cao cấp.
- Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, các ngành cơ khí chế tạo thiết bị và phụ tùng cho sản xuất ô tô, xe máy, linh kiện điện tử, thiết bị đồng bộ, động cơ điện (nhất là động cơ điện có công suất lớn).
- Đa dạng hoá về quy mô và loại hình sản xuất công nghiệp. Khuyến khích phát triển công nghiệp quy mô vừa và nhỏ, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề.
4. Quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp
4.1. Công nghiệp cơ khí
a) Quan điểm phát triển
- Phát triển tập trung ở những tỉnh có thế mạnh để tận dụng và phát huy năng lực các cơ sở hiện có, nâng cao tính chuyên môn hóa, hợp tác hóa, tạo thuận lợi để đầu tư chuyên sâu.
- Phát triển ngành phải gắn liền với ứng dụng các thành tựu của công nghệ điện tử - tin học, công nghệ tự động hoá, phát triển cơ - điện tử với công nghệ tiên tiến.
- Phát triển ngành phải gắn với việc tăng cường tiềm lực, củng cố an ninh quốc phòng, kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất dân dụng với sản xuất phục vụ quốc phòng.
b) Mục tiêu phát triển
- Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2006-2010 khoảng 19,5%; giai đoạn 2011-2015 khoảng 20,4%.
- Phấn đấu đến năm 2010 và 2015, các sản phẩm chủ yếu như máy động lực, máy nông nghiệp, động cơ điện, các loại thiết bị điện tử dân dụng, các loại máy biến thế, động cơ điện, dây và cáp điện đáp ứng đủ nhu cầu trong vùng và một phần cho xuất khẩu.
c) Định hướng phát triển
- Phát triển công nghiệp cơ khí ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh trở thành các trung tâm mạnh của Vùng, phối hợp và tận dụng năng lực cơ khí của các tỉnh khác nhằm đưa Vùng trở thành một trong những trung tâm cơ khí lớn nhất nước, phát huy cao độ tính chuyên môn hoá và hợp tác hoá trong sản xuất.
- Tập trung đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ các doanh nghiệp cơ khí trọng điểm, đồng thời xây dựng mới có chọn lọc một số cơ sở với trang bị hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến, chế tạo được các sản phẩm có chất lượng cao.
- Khai thác tốt nguồn lực trí tuệ, tạo sự dịch chuyển mới về chất trong cơ cấu sản phẩm cơ khí theo hướng tăng dần tỷ trọng các sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao.
- Đầu tư máy móc thiết bị chế tạo có trình độ kỹ thuật và độ chính xác cao ở những địa phương có khả năng đáp ứng nguồn nhân lực có trình độ, có cơ sở hạ tầng tốt và có các Trung tâm nghiên cứu lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và một số khu công nghiệp của các tỉnh liền kề.
- Phát triển các cụm công nghiệp cơ khí nhỏ, cơ khí sửa chữa ở một số địa bàn nông thôn, tạo nền tảng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
d) Quy hoạch phát triển
Phát triển các sản phẩm động cơ điện, máy biến áp, động cơ diezen dưới 50 sức ngựa, ô tô, xe máy, máy móc cơ khí nặng, thiết bị toàn bộ, quạt điện, máy móc cơ khí chính xác tại Hà Nội; tàu thuỷ, máy móc cơ khí nặng, thiết bị khai thác, sàng tuyển, ô tô tải nặng Tại Quảng Ninh; Các loại thiết bị siêu trường, siêu trọng, thiết bị điện tử dân dụng, phụ tùng ô tô xe máy, máy công cụ cỡ nhỏ, đóng tàu, động cơ diezen tại Hải Phòng; Lắp ráp ô tô, xe máy, linh kiện máy móc, sản xuất côngtenơ, máy móc phục vụ nông nghiệp tại Hải Dương; Các loại quạt điện, xe máy, động cơ diêzen, phụ tùng ô tô xe máy, máy móc công trình tại Hưng Yên; Máy móc phục vụ nông nghiệp, xe máy, linh kiện máy móc các loại tại Hà Tây; Lắp ráp ô tô, xe máy, linh kiện điện tử, các thiết bị nghe nhìn tại Vĩnh Phúc; Linh phụ kiện máy móc, thiết bị điện, điện tử dân dụng, lắp ráp máy tính tại Bắc Ninh.
4.2. Công nghiệp luyện kim
a) Quan điểm phát triển
- Phát triển luyện kim trong Vùng phải phù hợp với Chiến lược, quy hoạch phát triển ngành luyện kim của cả nước, tại những địa phương có lợi thế so sánh, gắn với hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh.
- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, chú trọng đầu tư với quy mô lớn, công nghệ hiện đại, sản phẩm có chất lượng cao, chủng loại đa dạng.
- Sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững.
b) Mục tiêu phát triển
- Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2006-2010 khoảng 23,6%; giai đoạn 2011-2015 khoảng 16,5%.
- Đến năm 2015, đáp ứng đủ nhu cầu của Vùng các sản phẩm chủ yếu như phôi thép, thép cán, dây kéo, ống thép.... và một phần thép đặc chủng.
c) Định hướng phát triển
Từ nay đến năm 2015 đẩy mạnh sản xuất phôi thép để đáp ứng nhu cầu của ngành; một số sản phẩm thép chất lượng cao phục vụ cơ khí chế tạo, sản xuất ô tô, xe máy và một số sản phẩm thép đặc chủng phục vụ công nghiệp quốc phòng.
d) Quy hoạch phát triển
Ngoài các dự án đầu tư của Tổng công ty Thép Việt Nam, trong giai đoạn từ nay đến năm 2010, kêu gọi đầu tư một số dự án sản xuất loại thép cán nóng, thép tấm công suất 250.000 tấn/năm; nhà máy thép cường độ cao phục vụ công nghiệp đóng tàu công suất 250.000 tấn/năm tại khu công nghiệp tàu thuỷ Cái Lân (Quảng Ninh); Nhà máy thép đặc chủng công suất 50.000 tấn/năm tại Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương; Nhà máy thép và phôi thép công suất 250.000 tấn/năm tại Hải Dương.
4.3. Công nghiệp điện tử – tin học
a) Quan điểm phát triển
- Tận dụng lợi thế của nước đi sau, của tiềm năng về lao động để phát triển ngành điện tử - tin học thành ngành mũi nhọn, là động lực thúc đẩy các ngành kinh tế - kỹ thuật khác trong Vùng.
- Phát triển ngành điện tử của Vùng phù hợp với chiến lược, quy hoạch chung của cả nước; thực hiện phân công lao động, mở rộng liên doanh, liên kết và hợp tác quốc tế, nhất là với những nước có công nghệ nguồn, công nghệ hiện đại.
b) Mục tiêu phát triển
- Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2006-2010 khoảng 25,0%; giai đoạn 2011-2015 khoảng 22,0%.
- Phát huy vai trò đầu tàu của Hà Nội, Hải Phòng trong lĩnh vực phát triển công nghệ phần mềm. Liên kết với các địa phương trong vùng sản xuất máy tính, thiết bị văn phòng, điện tử dân dụng, thiết bị truyền thông, các sản phẩm phần mềm và dịch vụ nhằm đáp ứng 70-85% nhu cầu của toàn Vùng.
c) Định hướng phát triển
- Phát triển công nghiệp điện tử theo xu hướng mở, tham gia vào hệ thống sản xuất điện tử toàn cầu, phấn đấu là một trung tâm điện tử - tin học hàng đầu của đất nước.
- Phát triển ngành bắt đầu từ ứng dụng rộng rãi công nghệ điện tử - tin học, ưu tiên phát triển phần mềm để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và tham gia xuất khẩu; từng bước triển khai lắp ráp phần cứng.
- Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư công nghệ kỹ thuật cao sản xuất linh kiện, phụ tùng, phát triển công nghiệp phụ trợ, thay thế dần các chi tiết nhập khẩu, phát triển nghiên cứu thiết kế sản phẩm, làm chủ công nghệ.
- Đáp ứng các yêu cầu nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử; ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh và các hoạt động kinh tế khác.
- Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành kỹ thuật cao làm chủ được công nghệ chuyển giao và có khả năng tạo công nghệ nội sinh.
d) Quy hoạch phát triển
Định hướng phát triển sản xuất máy tính ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và Hà Tây; lắp ráp tivi ở Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương; Máy in và các thiết bị sao chụp khác ở Hà Nội, Bắc Ninh; điện thoại các loại sản xuất với công nghệ hoàn chỉnh tại Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh; Sản xuất các thiết bị cơ điện tử, thiết bị chuyên dụng tập trung ở Hà Nội, các cơ sở lắp ráp đặt tại Hải Phòng, Vĩnh Phúc và Quảng Ninh. Sản xuất và lắp ráp các linh, phụ kiện điện tử tại Hà Nội, triển khai mở rộng ra Hưng Yên, Hà Tây, Bắc Ninh. Phát triển phần mềm tập trung ở Hà Nội, Hà Tây (Hoà Lạc), Bắc Ninh (Khu CNTT).
4.4. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng
a) Quan điểm phát triển
- Phát triển đa dạng các chủng loại vật liệu xây dựng, chú trọng sản xuất một số chủng loại vật liệu xây dựng mới, sử dụng công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước như gạch ceramic, gạch granit nhân tạo, gạch ốp lát các loại, đá ốp lát, sứ vệ sinh và vật liệu trang trí nội thất cao cấp...
- Quy mô, phân bố các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng phải phù hợp với nguồn tài nguyên, thị trường tiêu thụ. Quan tâm đúng mức đến phát triển các chủng loại vật liệu xây dựng giá rẻ cho xây dựng nhà ở, đường xá, kênh mương, thuỷ lợi phục vụ địa bàn nông thôn.
b) Mục tiêu phát triển
- Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2006-2010 khoảng 20,9%; giai đoạn 2011-2015 khoảng 18,8%.
- Phấn đấu đến năm 2015, các sản phẩm chủ yếu như xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của Vùng và đẩy mạnh xuất khẩu.
c) Định hướng phát triển
- Tập trung nguồn lực để thực hiện tốt các dự án sản xuất vật liệu xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu cho các dự án quan trọng trong Vùng như cải tạo nâng cấp quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, nâng cấp các thị trấn, thị tứ...
- Trong giai đoạn 2006-2015, tập trung phát triển các loại vật liệu có lợi thế, lựa chọn qui mô đầu tư hợp lý đối với từng chủng loại, bố trí sản xuất gần các vùng nguyên liệu và địa bàn tiêu thụ. Sử dụng công nghệ xi măng lò quay và gạch nung tuy nen.
- Tập trung đầu tư đổi mới và nâng cấp công nghệ các cơ sở sản xuất hiện có để sản phẩm đạt chất lượng cao tương đương các nước trong khu vực và quốc tế, nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
d) Quy hoạch phát triển
Định hướng phát triển sản xuất xi măng ở các địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Tây, Hải Dương có lợi thế về nguồn nguyên liệu; Gạch tuynen ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Tây; Kính xây dựng ở Hải Phòng, Quảng Ninh; Men màu cho sản xuất gốm, sứ, gạch men ở Hải Dương, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh; Sứ vệ sinh ở Hà Nội, Quảng Ninh; Gạch ốp lát ở Hà Nội, Hải Dương…
4.5. Công nghiệp chế biến nông lâm, thuỷ sản - thực phẩm
a) Quan điểm phát triển
- Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm với công nghệ tiên tiến, bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, gắn công nghiệp chế biến với phát triển vùng nguyên liệu, với công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.
- Đa dạng hóa về quy mô, loại hình sản xuất và các thành phần kinh tế. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm vệ tinh cho các doanh nghiệp chế biến lớn có công nghệ hiện đại...
b) Mục tiêu phát triển
- Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2006-2010 khoảng 17,7%; giai đoạn 2011-2015 khoảng 19,0%.
c) Định hướng phát triển
- Tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có thị trường tiêu thụ lớn trong và ngoài nước.
- Nhanh chóng giảm dần sản phẩm sơ chế, đầu tư công nghệ chế biến sâu để sản xuất ra những sản phẩm tiêu dùng cuối cùng nhằm tăng giá trị của hàng hóa phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
d) Quy hoạch phát triển
Phát triển chế biến quả tươi tại Đông Triều, Quảng Ninh để phục vụ tốt cho nhu cầu du lịch. Các nhà máy tinh luyện dầu thực vật bố trí tại Hải Phòng, Hà Tây. Chế biến sữa tập trung tại Hà Nội, Hà Tây, Bắc Ninh, Quảng Ninh….
4.6. Công nghiệp hóa chất
a) Quan điểm phát triển
Phát triển công nghiệp hóa chất cần đi thẳng vào sử dụng công nghệ tiên tiến, hình thành theo cụm sản xuất liên hoàn để giảm chi phí và có điều kiện xử lý tác động môi trường một cách tập trung, phù hợp với quy hoạch ngành hoá chất cả nước, bảo đảm nhu cầu những sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế như phân bón, hoá chất cơ bản...
b) Mục tiêu phát triển
Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2006-2010 khoảng 20,94%; giai đoạn 2011-2015 khoảng 18,16%.
c) Định hướng phát triển
- Từng bước xây dựng ngành công nghiệp hóa chất hiện đại, hình thành các tổ hợp sản xuất hóa chất có quy mô lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh, từng bước đáp ứng nhu cầu trong nước, tiến tới mở rộng thị trường xuất khẩu.
- Ưu tiên phát triển các loại hoá chất phục vụ nông nghiệp. Sản xuất các loại phân bón có hàm lượng dinh dưỡng cao, các loại phân bón lá và phân vi sinh, các loại thuốc bảo vệ thực vật ít độc hại đối với môi trường và con người. Đẩy mạnh sản xuất các loại kích thích tố, chất điều hoà sinh trưởng, các chế phẩm gia dụng, vệ sinh dịch tễ…
- Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế về các sản phẩm chế biến từ cao su, các sản phẩm điện hoá, các sản phẩm hoá chất tiêu dùng và gia dụng khác với nhiều mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh.
d) Quy hoạch phát triển
Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất các loại phân bón và hoá chất, nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có và đa dạng hóa sản phẩm, tập trung đầu tư tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên. Đầu tư mới một số cơ sở sản xuất sơn chất lượng cao, các loại sơn kỹ thuật tại Quảng Ninh, Hải Phòng. Tiếp tục đầu tư công nghệ hiện đại cho một số sản phẩm như sản xuất lốp ô tô mành thép (công nghệ radian), săm ô tô, xe máy từ cao su tổng hợp và các sản phẩm cao su kỹ thuật khác tại Hà Nội, Hà Tây, Bắc Ninh, Quảng Ninh. Tạo mọi điều kiện để khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển các sản phẩm cao su, thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất các sản phẩm cần công nghệ và kỹ thuật cao. Sản xuất một số loại hoá dược chất lượng cao, nhằm thay thế nhập khẩu tại Hà Nội,
4.7. Công nghiệp dệt may - da giầy
a) Quan điểm phát triển
- Phát triển công nghiệp dệt may, da giầy đáp ứng nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm thiết yếu cho người dân, tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo nhiều việc làm cho người lao động.
- Phát triển ngành dệt may, da giầy trên cơ sở huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực của tư nhân trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế nhiều thành phần, tăng thêm nhiều doanh nghiệp mới, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- Đầu tư phát triển dệt may, da giày theo hướng chuyên môn hoá, hiện đại hóa nhằm tạo ra bước nhảy vọt về chất và lượng của sản phẩm. Phát triển mạnh các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên phụ liệu.
b) Mục tiêu phát triển
Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2006-2010 khoảng 8,6%; giai đoạn 2011-2015 khoảng 8,5%. Trong đó, ngành dệt may đạt tương ứng 8,15% và 9,01%; ngành da giày đạt 9,48% và 7,86%.
Đến năm 2015 đáp ứng phần lớn nguyên, phụ liệu cho sản xuất của ngành, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
c) Định hướng phát triển
- Phát triển ngành dệt may, da giày theo định hướng xuất khẩu. Bố trí lại lực lượng sản xuất theo hướng hình thành các cụm công nghiệp dệt may, da giày. Tại các đô thị, thành phố, các đầu mối giao thông chính, các cảng biển, dân trí cao, hạ tầng cơ sở thuận lợi, phát triển các nhà máy sản xuất quy mô lớn sản xuất các sản phẩm thời trang, cao cấp và xuất khẩu. Tại các khu dân cư tập trung, thị trấn, thị xã, thị tứ dọc theo các tuyến giao thông chính, phát triển các cơ sở sản xuất quy mô vừa và nhỏ để sử dụng lao động tại chỗ, sản xuất các sản phẩm tiêu dùng nội địa và làm vệ tinh cho các nhà máy lớn.
- Tập trung đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu, hình thành một số cụm chợ đầu mối cung cấp nguyên phụ liệu cho Vùng, giảm dần tỷ trọng sản phẩm gia công, tăng tỷ trọng sản phẩm tự sản xuất.
- Tăng cường khâu nghiên cứu, thiết kế mẫu mốt; mở rộng các hệ thống siêu thị, bán buôn, hệ thống đại lý; ứng dụng thương mại điện tử trong các hoạt động giao dịch, nhất là hoạt động xuất nhập khẩu.
d) Quy hoạch phát triển
- Dệt may:
Đầu tư xây dựng cụm công nghiệp dệt may tại Hưng Yên, Vĩnh Phúc hoặc Hà Tây. Xây dựng mới nhà máy dệt (vải dệt kim, vải cao cấp) tại Hải Phòng. Đầu tư mới nhà máy dệt may, in nhuộm tại Bắc Ninh công suất 1.500 tấn/năm (6 triệu sản phẩm). Đầu tư xây dựng 02 nhà máy sản xuất phụ liệu may tại Hải Phòng và Hưng Yên. Xây dựng mới một số cơ sở may quy mô 3-4 triệu sản phẩm/năm.
- Da giầy :
Đầu tư mới 01 nhà máy thuộc da công suất 5 triệu sqft/năm tại Hưng Yên. Kêu gọi đầu tư xây dựng cụm công nghiệp thuộc da tại Hải Phòng công suất 10 triệu sqft/năm. Đầu tư mới một số dây chuyền sản xuất giầy các loại tại các tỉnh, công suất 1-2 triệu sản phẩm/năm/01 dây chuyền. Đầu tư mới một số cơ sở sản xuất cặp túi công suất 0,5 triệu chiếc/năm tại các tỉnh.
4.8. Công nghiệp khai thác
a) Quan điểm phát triển
- Phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản phải trên cơ sở lợi thế về tài nguyên đã được đánh giá đầy đủ của mỗi địa phương, gắn với tăng cường quản lý nhà nước, đảm bảo sử dụng tài nguyên có hiệu quả, bảo vệ môi trường và trật tự an toàn xã hội.
- Tăng cường chế biến sâu khoáng sản, hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô chưa qua chế biến, nâng cao tối đa hệ số thu hồi khoáng sản chính, các khoáng sản đi kèm và giá trị của các sản phẩm chế biến.
b) Mục tiêu phát triển
Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2006-2010 khoảng 22,36%; giai đoạn 2011-2015 khoảng 18,64%.
c) Định hướng phát triển
- Tập trung nguồn lực để đổi mới công nghệ khai thác chế biến khoáng sản nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
- Tổ chức đánh giá trữ lượng các mỏ có triển vọng làm căn cứ đầu tư khai thác chế biến, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu phục vụ trong nước và xuất khẩu.
- Hoạt động khai thác khoáng sản phải đảm bảo các điều kiện phát triển bền vững, quản lý tốt nguồn tài nguyên; hạn chế tối đa việc gây ảnh hưởng tới môi trường các khu du lịch đã được xác định, đặc biệt là khu du lịch Hạ Long, Đồ Sơn...
d) Quy hoạch phát triển
Hoạt động khai thác than ở các địa phương phải tuân thủ theo Quy hoạch phát triển ngành than đã được trình duyệt. Khai thác đá vôi chủ yếu tại các địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương. Khai thác sét, cao lanh chủ yếu ở Hải Dương...
4.9. Công nghiệp điện lực
a) Quan điểm phát triển
- Phát triển điện lực Vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc phải phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, có tính đến các điều kiện cụ thể Vùng, đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định. Không phát triển các nhà máy nhiệt điện than có công suất nhỏ và ảnh hưởng tới môi trường.
- Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn vốn trong nước và vốn nước ngoài, đa dạng hoá các hình thức đầu tư để phát triển nguồn điện. Ưu tiên phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo cho các địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn và hải đảo.
- Phát triển và hoàn thiện mạng lưới điện trong Vùng nhằm nâng cao độ ổn định, tin cậy trong cung cấp điện theo tiêu chí N-1, giảm thiểu tổn thất điện năng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải tạo lưới trung áp sang điện áp 22kV và điện khí hoá nông thôn.
- Sơ đồ lưới điện phải có độ dự trữ và tính linh hoạt cao cung cấp điện an toàn, ổn định, đảm bảo chất lượng điện năng (điện áp và tần số) cho phát triển kinh tế - xã hội của Vùng, đặc biệt đối với khu vực trung tâm như: Hà nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.... và các khu chế xuất, khu công nghiệp.
b) Mục tiêu phát triển
- Đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu tiêu dùng điện cho sản xuất và tiêu dùng dân cư trong Vùng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện áp, chú trọng tới các khu vực trung tâm, các khu công nghiệp, khu chế xuất
- Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng điện năng khoảng 23%/năm; tốc độ tăng trưởng công suất khoảng 20,1%/năm trong giai đoạn 2006 – 2010. Trong giai đoạn 2011 - 2015 các chỉ số tương ứng là 18,20% và 15,13%. Trong giai đoạn 2016 - 2020 là 15,04% và 14,05%.
c) Quy hoạch phát triển
Thực hiện theo Quy hoạch phát triển Điện lực Việt Nam giai đoạn 2006-2015 có xét đến triển vọng 2025 và các Quy hoạch phát triển điện lực các tỉnh trong Vùng giai đoạn đến 2015. Khẩn trương nghiên cứu địa điểm phát triển thêm các nhà máy nhiệt điện than công suất lớn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của Vùng trong trường hợp tăng trưởng cao hơn dự kiến. Phấn đấu đến năm 2015 xây thêm khoảng 10-12 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất tăng thêm khoảng 6300 - 7000MW. Sau năm 2015 nghiên cứu xây dựng thêm 1-2 nhà máy nhiệt điện than, công suất khoảng 600-1200MW. Phát triển đồng bộ lưới điện ở các cấp điện áp nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu dùng điện trong Vùng.
4.10. Phát triển tiểu thủ công nghiệp
a) Quan điểm phát triển
- Phát triển tiểu thủ công nghiệp trên cơ sở những ngành nghề truyền thống, có lợi thế về lao động, tài nguyên trên địa bàn, chú trọng các vùng nông thôn đang đô thị hoá, có chuyển đổi đất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
- Phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, môi sinh; Kết hợp hài hoà giữa công nghệ mới với công nghệ cổ truyền, giữa sản xuất tiểu thủ công nghiệp với kinh doanh du lịch, với các hoạt động dịch vụ khác.
b) Mục tiêu phát triển
Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2006-2010 khoảng 20,0%; giai đoạn 2011-2015 khoảng 17,29%.
c) Định hướng phát triển
- Xây dựng và phát triển tiểu thủ công nghiệp phải gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, với phát triển thương mại, dịch vụ, quy hoạch và chỉnh trang nông thôn, giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường.
- Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi nhằm khuyến khích, thu hút vốn đầu tư của mọi người dân vào sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Ưu tiên phát triển các ngành nghề truyền thống, kết hợp mở thêm nghề mới, sản xuất sản phẩm xuất khẩu, chế biến nông sản, thực phẩm và các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp khác.
- Chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng và đa dạng hoá mẫu mã sản phẩm, thể hiện được bản sắc văn hoá dân tộc, gắn với việc xây dựng làng văn hoá - du lịch tại khu vực nông thôn.
d) Quy hoạch phát triển
- Tại Hà Nội : Phát huy các ngành nghề truyền thống như gốm sứ, may da, thủ công mỹ nghệ (chạm, khảm, trang trí nội thất, dát vàng), mứt bánh, thực phẩm, dược liệu. Khôi phục, mở rộng thêm các ngành mới như cơ khí gia công, sửa chữa nhỏ các máy móc thiết bị, sản xuất đồ gỗ, đồ gia dụng.
- Tại Hải Phòng: Phát huy các ngành nghề truyền thống như chế biến nông, lâm, hải sản, gốm, sứ, sơn mài, điêu khắc, mộc, thêu ren, dệt thảm, mây tre đan, khảm trai v.v.. Khôi phục, mở rộng thêm các ngành mới như rèn, hàn, đúc gang, đúc kim loại màu, đóng -sửa chữa tàu thuyền.
- Tại Quảng Ninh: Phát huy các ngành nghề truyền thống như chế biến nông, lâm, hải sản, mộc, thêu ren, mây tre đan, khảm trai, gốm sứ, thuỷ tinh, rèn nông cụ .v.v. Khôi phục, mở rộng thêm các ngành mới như đồ mỹ nghệ từ than đá, đóng sửa chữa tàu thuyền, sản xuất tinh dầu.
- Tại Hải Dương: Phát huy các ngành nghề truyền thống như chế tác vàng, bạc, chạm khắc gỗ, dệt lụa tơ tằm, chế biến thực phẩm (đậu xanh, bánh gai, bánh đa), thêu, đan, cói. Khôi phục, mở rộng thêm các ngành mới như gia công cơ khí nhỏ; sửa chữa máy móc, đồ gia dụng.
- Tại Hưng Yên : Phát huy các ngành nghề truyền thống như chế biến gỗ, đúc đồng, đan, thêu; chế biến nông sản, lâm sản, thực phẩm, dược liệu. Khôi phục, mở rộng thêm các ngành mới như tái chế phế liệu; sửa chữa máy móc, đồ gia dụng.
- Tại Hà Tây: Phát huy các ngành nghề truyền thống như dệt lụa; chế biến nông lâm sản thực phẩm; mỹ nghệ xuất khẩu. Khôi phục, mở rộng thêm các ngành mới như dệt kim (gồm cả hấp, sấy, nhuộm), gia công cơ kim khí; dệt thổ cẩm.
- Tại Vĩnh Phúc: Phát huy các ngành nghề truyền thống như khắc đá, rèn, mộc, đan lát, gốm, sứ; chế biến nông lâm sản, thực phẩm, sản xuất vật liệu. Khôi phục, mở rộng thêm các ngành mới như dệt lụa, sản xuất đồ mỹ nghệ, chạm, khảm xuất khẩu, sửa chữa máy móc, đồ gia dụng.
- Tại Bắc Ninh: Phát huy các ngành nghề truyền thống như gỗ mỹ nghệ, mộc dân dụng, mây tre đan, tơ tằm; chạm khắc đồ mỹ nghệ. Khôi phục, mở rộng thêm các ngành mới như tái chế phế liệu (sắt, thép), dệt kim; Gia công cơ khí, sửa chữa đồ gia dụng.
5. Phân bố khu công nghiệp
Trong giai đoạn đến năm 2020, cần tập trung thu hút đầu tư để lấp đầy các khu công nghiệp hiện có, đồng thời từng bước mở rộng và triển khai xây dựng mới một số khu, cụm công nghiệp hình thành các hành lang công nghiệp sau:
- Hành lang công nghiệp theo đường 5 (Hà Nội - Hải Dương - Hưng Yên) chủ yếu cho phát triển các lĩnh vực điện tử, may mặc, lắp ráp ô tô, xe máy, chế biến lương thực, thực phẩm... như các khu công nghiệp Sài Đồng, Daewoo - Hanel, Hà Nội - Đài Tư (Hà Nội) ; Như Quỳnh A, B, Phố Nối A, Phố Nối B (Hưng Yên) ; Phúc Điền, Đại An, phía Tây thành phố. Hải Dương, Phú Thái (Hải Dương).
- Hành lang công nghiệp đường 2 - đường 19 (Vĩnh Phúc - Hà Nội - Bắc Ninh - Hải Dương) chủ yếu cho phát triển các loại hình công nghiệp: điện tử, máy vi tính, thiết bị nghe nhìn, sản phẩm quang học, đồ dùng gia đình cao cấp, cơ khí, hóa chất, vật liệu xây dựng cao cấp…như các khu công nghiệp Kim Hoa, Quang Minh (Vĩnh Phúc), Nội Bài (Hà Nội), Yên Phong I và II, cụm công nghiệp Phong Khê (Bắc Ninh).
- Hành lang công nghiệp quốc lộ 1 (Bắc Ninh - Hà Nội - Hà Tây) chủ yếu cho phát triển các các nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm, sản xuất lắp ráp máy nông nghiệp, phụ tùng ôtô, xe máy, thủ công mỹ nghệ, hàng điện tử - tin học, sản xuất bao bì, đồ nhựa…như khu công nghiệp Đại Đồng - Hoàn Sơn (Bắc Ninh), cụm công nghiệp Ngọc Hồi (Hà Nội) ; Hà Bình Phương, khu công nghiệp Bắc Thường Tín (Hà Tây)...
- Hành lang công nghiệp quốc lộ 18 (Bắc Ninh – Hải Dương - Quảng Ninh) chủ yếu cho phát triển các ngành sản xuất kính nổi, khí công nghiệp, vật liệu xây dựng cao cấp, cơ khí, hóa chất, phân bón, các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp…như khu công nghiệp Tiên Sơn, Quế Võ I và II (Bắc Ninh) ; Phả Lại (Hải Dương) ; Việt Hưng, Cái Lân (Quảng Ninh).
6. Tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư
Nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp giai đoạn 2006-2015 khoảng 415.968 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho các ngành công nghiệp khoảng 226.732 tỷ đồng, xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp khoảng 30.000 tỷ đồng, đầu tư cho điện, nước khoảng 159.236 tỷ đồng.
Dự kiến tỷ lệ huy động từ các nguồn vốn trong nước khoảng 63-67%, vốn ngoài nước khoảng 33-37%.
7. Giải pháp và chính sách
7.1. Các giải pháp chủ yếu
a) Giải pháp về tổ chức quản lý
- Từng bước hình thành các cụm liên kết doanh nghiệp trong đó bao gồm doanh nghiệp sản xuất, cơ sở dịch vụ công nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu-triển khai, cơ sở cung ứng nguyên liệu, kho bãi…
- Hình thành một số khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghệ cao, khu công nghiệp hỗ trợ, một số trung tâm cung cấp nguyên phụ liệu chuyên ngành.
b) Giải pháp về vốn
- Nguồn vốn ngân sách tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để đến năm 2010 hoàn thành các công trình chủ yếu, đảm bảo thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong Vùng; một phần hỗ trợ cho đầu tư nghiên cứu đổi mới khoa học công nghệ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
- Ưu tiên cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được vay đầu tư phát triển các lĩnh vực sản xuất kinh doanh mà Nhà nước khuyến khích.
- Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn vốn cho đầu tư phát triển, chú trọng các nguồn vốn của doanh nghiệp, từ thị trường chứng khoán, từ cổ phần hoá doanh nghiệp, nguồn FDI, vốn vay...Kết hợp lồng ghép giữa các nguồn vốn để bảo đảm hiệu quả sử dụng.
- Khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới, khuyến khích tư nhân đầu tư sản xuất thông qua việc đơn giản hóa các thủ tục thành lập, tạo điều kiện tiếp cận mặt bằng sản xuất, nguồn vốn, thông tin...
c) Giải pháp về đất đai
- Phân bố kế hoạch sử dụng đất một cách hợp lý, có hiệu quả, đặc biệt đất giành cho khu công nghiệp.
- Có giải pháp và chính sách tích cực, đồng bộ để thực hiện giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư cho các dự án bảo đảm tiến độ xây dựng.
d) Giải pháp về công nghệ
- Khuyến khích doanh nghiệp hình thành Quỹ phát triển khoa học công nghệ, tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất theo phương châm đổi mới từng phần, từng công đoạn tiến tới đổi mới toàn bộ.
- Phát triển hệ thống thông tin khoa học và công nghệ phục vụ nghiên cứu đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp công nghiệp trong vùng. Gắn hoạt động nghiên cứu phát triển của các cơ sở nghiên cứu với các doanh nghiệp.
đ) Giải pháp về nguồn nhân lực
- Tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành then chốt như cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, sản xuất vật liệu mới... cho các khu công nghiệp, các dự án công nghiệp trọng điểm, các ngành nghề mới. Chú trọng đào tạo nghề để có đội ngũ công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ lành nghề đủ khả năng nắm bắt và sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật và công nghệ hiện đại. Tổ chức đào tạo lại đội ngũ cán bộ kỹ thuật và quản lý, nâng dần chất lượng đào tạo lên ngang tầm các nước trong khu vực và thế giới.
- Thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo nghề nhằm thu hút mọi nguồn lực, đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Củng cố và đầu tư phát triển các Trường công nhân kỹ thuật, Trường dạy nghề của các tỉnh trong Vùng.
- Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và các địa phương tổ chức đào tạo nguồn nhân lực bằng các hình thức đào tạo theo địa chỉ, đào tạo tại chỗ, tổ chức dạy nghề cho cư dân nông thôn.
e) Giải pháp bảo vệ môi trường
- Thực hiện các quy định của pháp luật về đánh giá tác động môi trường của dự án và đánh giá môi trường chiến lược của các quy hoạch.
- Giành đủ nguồn lực cho việc đầu tư các dự án bảo vệ môi trường, xử lý chất thải từ các nhà máy tới các khu công nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp tăng tích luỹ, hình thành nguồn vốn hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường.
- Thực hiện đầy đủ công tác theo dõi, quan trắc, đo đạc và quản lý các chỉ tiêu môi trường; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.
7.2 Các chính sách chủ yếu
a) Chính sách về thị trường
- Xây dựng đồng bộ chính sách kích cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp ở nông thôn.
- Mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin thị trường để giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh.
- Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý liên quan tới thương mại để hạn chế những hành vi gian lận thương mại (hàng giả, hàng nhái, buôn lậu...), vi phạm các nguyên tắc và luật lệ thương mại quốc tế như trợ cấp, bán phá giá; các hành vi cạnh tranh không bình đẳng; nâng cao ý thức của người tiêu dùng và tăng cường vai trò của Hội bảo vệ người tiêu dùng.
- Nâng cao vai trò của các Hiệp hội ngành hàng trong công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường và hỗ trợ giữa các doanh nghiệp trong Vùng.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, để giảm phiền hà và chi phí cho các doanh nghiệp, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho ngành.
b) Chính sách xúc tiến đầu tư
- Công bố danh mục các dự án công nghiệp kêu gọi đầu tư trong từng thời kỳ để các nhà đầu tư lựa chọn các phương án đầu tư thích hợp.
- Triển khai cụ thể hoá các chủ trương chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn trong vùng.
- Khuyến khích các Tập đoàn, Tổng công ty lớn trong và ngoài nước đầu tư vào các ngành nghề công nghệ cao, các dự án có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, với nhiều hình thức đầu tư khác nhau.
c) Chính sách huy động vốn
- Áp dụng chính sách tạo vốn đầu tư thông qua hình thức thuê tài chính, nhất là thuê tài chính của các tổ chức nước ngoài.
- Áp dụng huy động vốn ứng trước đối với khách hàng để đầu tư hạ tầng mà trước tiên là đầu tư cho điện, nước và giao thông.
- Các địa phương trong Vùng có kế hoạch giành từ ngân sách địa phương 0,5 - 1% tổng thu ngân sách hàng năm để bổ sung nguồn kinh phí khuyến công.
d) Chính sách về tài chính, thuế
- Tạo thuận lợi cho các loại hình doanh nghiệp được tiếp cận các nguồn tài chính một cách bình đẳng, minh bạch và nhanh chóng. Có cơ chế hỗ trợ về tài chính cho các hoạt động khoa học công nghệ, hình thành doanh nghiệp mới, tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp vừa và nhỏ...
- Từng địa phương cần công khai khung giá thuê đất cho từng khu vực tạo điều kiện cho các nhà đầu tư lựa chọn; phổ biến các biểu thuế theo lộ trình cam kết với WTO để doanh nghiệp chủ động các giải pháp thực hiện.
- Sử dụng công cụ thuế, phí một cách linh hoạt, phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế để khuyến khích cạnh tranh bình đẳng, đồng thời bảo hộ hợp lý một số sản phẩm công nghiệp.
đ) Chính sách khoa học công nghệ
- Có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí để đổi mới, công nghệ, chuyển giao hoặc mua thiết kế, đào tạo nhân lực.....
- Hình thành một số trung tâm nghiên cứu và phát triển mạnh đủ khả năng cung cấp thông tin, tư vấn chuyển giao công nghệ tiên tiến cho các doanh nghiệp công nghiệp trong vùng.
- Có chính sách hỗ trợ tài chính để tạo lập và phát triển thị trường công nghệ, sản xuất sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm chế thử lần đầu từ các kết quả nghiên cứu.
- Các địa phương nghiên cứu giành một phần ngân sách để hỗ trợ các hoạt động khoa học công nghệ, nghiên cứu triển khai áp dụng công nghệ mới, các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học, áp dụng các giải pháp hữu ích...
- Cần có chính sách để thu hút cán bộ quản lý giỏi, các chuyên gia khoa học kỹ thuật đầu đàn, công nhân có tay nghề cao về nhà ở, phương tiện đi lại, phương tiện làm việc, phụ cấp lương...
e) Chính sách phát triển vùng nguyên liệu
- Khuyến khích hình thành mối liên kết giữa nhà sản xuất với người cung cấp nguyên liệu bằng nhiều hình thức phù hợp trên cơ sở hài hoà lợi ích để phát triển vùng nguyên liệu và ổn định nguồn cung cấp.
- Các địa phương, doanh nghiệp có cơ chế hỗ trợ người trồng nguyên liệu về giống, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật thâm canh, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật thu hái và sơ chế, bảo quản, vận chuyển sau thu hoạch để nâng cao chất lượng nguyên liệu và hiệu quả sản xuất.
g) Chính sách đào tạo và sử dụng lao động
- Có chính sách thu hút các trí thức, chuyên gia, thợ lành nghề giỏi chuyển về công tác tại các địa phương trong vùng. Các doanh nghiệp cần giành kinh phí đưa cán bộ trẻ có năng lực đi đào tạo tại các nước phát triển.
- Thực hiện chính sách tuyển dụng cán bộ thông qua thi tuyển, bố trí đúng người, đúng việc; chuyển dần hình thức bổ nhiệm giám đốc doanh nghiệp sang hình thức ký hợp đồng.
1. Bộ công nghiệp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các địa phương trong Vùng thực hiện quy hoạch này và tham gia có hiệu quả các hoạt động của Ban chỉ đạo điều phối phát triển các Vùng Kinh tế trọng điểm do Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách.
2. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Xây dựng, Thương mại, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Ngân hàng Nhà nước theo chức năng của mình phối hợp với Bộ Công nghiệp triển khai các giải pháp, chính sách nêu trong Quyết định này.
3. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong Vùng chỉ đạo các Sở Công nghiệp:
- Hoàn thiện quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn mỗi tỉnh, thành phố cho phù hợp với quy hoạch tổng thể của Vùng.
- Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp triển khai các dự án.
- Đưa các nội dung triển khai quy hoạch công nghiệp theo vùng vào kế hoạch hàng năm, kế hoạch 5 năm (đến năm 2015) để Bộ Công nghiệp tổng hợp, cân đối.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ CHỦ YẾU THEO CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM BẮC BỘ ĐẾN NĂM 2015, CÓ XÉT ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2007 /QĐ-BCN ngày 20 tháng 7 năm 2007)
TT | Tên dự án | Địa điểm | Năng lực sản xuất | Vốn đầu tư (tỷ đồng) | Nguồn vốn | Thời gian | ||
2006-2010 | 2011-2015 | 2006-2010 | 2011-2015 | |||||
1. NGÀNH CÔNG NGHIỆP CƠ KHÍ | ||||||||
1. | Kêu gọi liên doanh đầu tư nhà máy sản xuất và lắp ráp máy công cụ và cơ khí chính xác | Hà Nội hoặc Hải Phòng | 5000 chiếc/năm ; 300 tấn/năm |
|
| 150-200 | ĐTNN | 2006-2010 |
2. | Kêu gọi đầu tư Nhà máy sản xuất động cơ Diesel 30-50 HP | Hà Nội hoặc Hà Tây | 30.000 chiếc/năm | 20.000 chiếc/năm | 900 | 600 | ĐTNN | 2006-2010 |
3. | Nhà máy chế tạo máy nông nghiệp | Hải Dương | 5.000 TB/năm |
|
| 500 | Vốn tự có+vay | 2006-2010 |
4. | Nhà máy chế tạo máy nông nghiệp | Hà Tây | 5.000 TB/năm |
| 500 |
| Vốn tự có+vay | 2006-2010 |
5. | Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị nâng hạ (CK Quang Trung) | Quảng Ninh | 20.000 Tấn TB/năm |
| 553 |
| Vốn DN+Vay | 2006 |
6. | Kêu gọi đầu tư liên doanh Nhà máy sản xuất cơ khí lớn, thiết bị siêu trường, siêu trọng | Quảng Ninh | 21000 tấn TB/năm |
|
| 500 | LD | 2006-2010 |
7. | 02 nhà máy chế tạo thiết bị áp lực | Hải Phòng và Vĩnh Phúc | 150.000 tấn TBị/năm |
| 800 | 400 | LD | 2006-2010 |
8. | Nhà máy chế tạo thiết bị thuỷ lực | Quảng Ninh | 50.000 tấn Tbị/năm |
|
| 400 | LD | 2006-2010 |
9. | Nhà máy tua bin thuỷ | Hải Phòng | 50.000 tấn Tbị/năm |
|
| 600 | LD | 2006-2010 |
10. | Dự án xây dựng nhà máy mới (cơ sở 2) Nhà máy đóng tàu Sông Cấm tại Thủy Nguyên | Hải Phòng |
|
| 250-300 |
| Tự có+vay | 2006-2007 |
11. | NM sản xuất lắp ráp thiết bị lạnh xuất khẩu. | Hà Nội | 100.000 SP/năm |
| 300 | 200 | LD | 2006-2010 |
12. | NM sản xuất lắp ráp máy giặt công nghiệp và dân dụng. | Hà Nội | 100.000 SP/năm |
| 250 | 200 | LD | 2006-2010 |
13. | Sản xuất thiết bị điều khiển và đo lường điện. | Hà Nội | 150.000 SP/năm |
| 200 | 200 | LD | 2006-2010 |
14. | 02 NM sản xuất đồ điện - điện gia dụng xuất khẩu. | Quảng Ninh và Vĩnh Phúc | 100.000 SP/năm |
| (300-500)x2 |
| LD | 2006-2010 |
15. | 03 nhà máy linh kiện điện tử ô tô | Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc |
|
| (300-400)x3 |
| LD | 2006-2010 |
16. | 01 Nhà máy thiết bị điện tử | Bắc Ninh | 50.000-70.000 SP/năm |
| 700 |
| LD | 2006-2010 |
17. | 02 Nhà máy thiết bị điện tử | Hà Tây, Vĩnh Phúc | 50.000-70.000 SP/năm |
|
| 700x2 | LD | 20011-2015 |
18. | Các dự án thuộc Brother’s | Hải Dương KCN Phúc Điền |
|
| 1.500 |
| ĐTNN | 2006-2010 |
2. CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN NÔNG, LÂM SẢN, THỰC PHẨM | ||||||||
1. | Nhà máy C/B quả tươi | Đông Triều, Quảng Ninh |
| 8.000 tấn/năm |
| 65-70 | LD |
|
2. | Nhà máy nước quả ép | Hải Dương |
| 15-20 triệu lít/năm |
| 100-120 | LD |
|
3. | Nhà máy triết ly dầu đậu nành | Quảng Ninh |
| 120.000 tấn/năm |
| 415 | LD |
|
4. | Nhà máy C/B dầu thực vật | Hà Tây |
| 20.000-30.000 tấn/năm |
| 50-70 | LD |
|
5. | 01 nhà máy sữa | Quảng Ninh hoặc Hải Phòng |
| 50 triệu lít/năm | 250 |
| Vốn DN+vay | 2011-2015 |
6. | 02 Nhà máy chế biến thịt | Hà Tây, Vĩnh Phúc |
| 8.000 tấn/năm |
| 45 | Vốn DN + Vay | 2011-2015 |
7. | 01 Nhà máy bột giấy | Tiên Yên, Quảng Ninh | 125.000 tấn/năm |
| 4.875 |
| Vốn DN + Vay | 2006-2010 |
8 | 01 Nhà máy bia | Vĩnh Phúc | 150 triệu lít/năm |
| 600 |
| Vốn DN + Vay | 2006 |
9 | 01 Nhà máy bia | Quảng Ninh | 50-100 triệu lít/năm |
| 300 |
| Vốn DN + Vay | 2006-2010 |
10 | 05 nhà máy nước quả | Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Tây |
| (30-40 triệu x5lít/năm) |
| 500-600 | LD | 2011-2015 |
11 | 01 Nhà máy nước khoáng | Tản Viên, Hà Tây | 10-15 triệu lít/năm |
| 30-40 |
| Vốn DN + Vay | 2006-2010 |
3. CÔNG NGHIỆP LUYỆN KIM | ||||||||
1. | - Nhà máy cán nóng thép tấm (Cụm CN tàu thuỷ Cái Lân) | Quảng Ninh | 250.000T/năm |
| 500 |
| Vốn DN + Vay | 2006-2010 |
2. | - Nhà máy cán thép cường độ cao (Cụm CN tàu thuỷ Cái Lân) | -nt- | 250.000T/năm |
| 500 |
| Vốn DN + Vay | 2006-2010 |
3. | Nhà máy thép đặc biệt | -nt- |
| 50.000 tấn/năm |
| 600 | Liên doanh | 2011-2015 |
4. | Nhà máy thép đặc biệt | Hải Phòng | 50.000 tấn/năm |
| 600 |
| Liên doanh | 2011-2015 |
5. | Nhà máy thép (Khu CN tàu thuỷ Hải Dương) | Hải Dương | 250.000 tấn/năm |
| 500 |
| Vốn DN + Vay | 2006-2010 |
6. | Nhà máy phôi thép | -nt- | 250.000 tấn/năm |
| 500 |
| Vốn DN + Vay | 2006-2010 |
7. | Nhà máy thép đặc biệt | -nt- |
| 50.000 tấn/năm |
| 600 | Liên doanh | 2011-2015 |
4. CÔNG NGHIỆP ĐIỆN TỬ – TIN HỌC | ||||||||
1. | Sản xuất thiết bị điểu khiển CNC | Sài đồng B | 10x103c/n | 20x103c/n | 148 | 160 | Vốn DN | 2006-2012 |
2. | Sản xuất lắp ráp máy ảnh điện tử (DVD) | Sài đồng B | 20 x103 c/n | 400x103 c/n | 240 | 160 | Vốn DN | 2006-2012 |
3. | Sản xuất, lắp ráp điện thoại di động | Sài đồng B | 400x103 c/n | 800x103 c/n | 160 | 320 | Vốn DN | 2006-2013 |
4. | Sản xuất màn hình TV tinh thể lỏng | Sài đồng B | 800x103 c/n | 1000x103 c/n | 160 | 1920 | ĐTNN | 2006-2011 |
5. | Sản xuất linh kiện máy tính xuất khẩu | Sài đồng B | 200x103 c/n | 300x103 c/n | 80 | 740 | Vốn DN | 2006-2012 |
6. | Sản xuất linh kiện công nghệ tin học, viễn thông | Sài đồng B | - | - | 128 | 320 | ĐTNN | 2006-2013 |
7. | Sản xuất linh kiện và sản phẩm thu hình cho hệ thống Internet | Sài đồng B | 100x103 c/n | 200x103 c/n | 80 | 320 | Vốn DN | 2006-2012 |
8. | Sản xuất linh kiện kỹ thuật số | Sài đồng B | 100x103 c/n | 200x103 c/n | 80 | 320 | ĐTNN | 2006-2012 |
9. | Chế tạo phần mềm chuyên về kỹ thuật công nghệ | Hoà lạc |
|
| 80 | 320 | Vốn DN | 2006-2014 |
10. | Sản xuất thiêt bị điện tử phục vụ đào tạo từ cấp 1 đến đại học | Sài đồng B | 50x103 c/n | 100x103 c/n | 80 | 160 | Vốn DN | 2006-2013 |
11. | Sản xuất thiết bị điện tử y tế | Sài đồng B | 100x103 c/n | 200x103 c/n | 150 | 160 | Vốn DN | 2006-2012 |
12. | NM lắp ráp hàng điện tử dân dụng | Cty CP điện tử HP | 400x103 c/n | 500x103 c/n | 176 | 120 | Vốn DN | 2006-2011 |
13. | NM sản xuất linh kiện, phụ tùng | TP Hải Phòng | 5.000x103 c/n | 6.000x103 c/n | 230 | 150 | ĐTNN | 2006-2013 |
14. | Dây chuyền lắp ráp hàng điện tử. | KCN.Việt Hưng -CP | 500x103 c/n | 800x103 c/n | 150 | 200 | Vốn DN | 2006-2014 |
15. | Nhà máy lắp ráp thiết bị CNTT | TP. Hạ Long | 500x103 c/n | 700x103 c/n | 320 | 180 | Vốn DN | 2006-2014 |
16. | NM lắp ráp hàng điện tử dân dụng | TP Hải Dương | 400x103 c/n | 500x103 c/n | 176 | 120 | Vốn DN | 2006-2014 |
17. | .Liên doanh sản xuất máy tính | Như Quỳnh | 100x103 c/n | 150x103 c/n | 200 | 250 | Vốn DN | 2006-2011 |
18. | L D thiết bị thu hình kỹ thuật số | Như Quỳnh | 200x103 c/n | 100x103 c/n | 200 | 100 | Vốn DN | 2006-2011 |
19. | NM sản xuất linh kiện bán dẫn | Hoà Lạc | 200x103 c/n | 300x103 c/n | 800 | 500 | ĐTNN | 2006-2012 |
20. | NM lắp ráp máy vi tính và thiết bị CNTT | Hoà Lạc | 300x103 c/n | 400x103 c/n | 120 | 200 | Vốn DN | 2006-2013 |
21. | NM sản xuất thiết bị điện tử ôtô, xe lửa … | Vĩnh Phúc | 200x103 c/n | 200x103 c/n | 320 | 340 | Vốn DN | 2006-2011 |
22. | NM sản xuất linh kiện, phụ tùng điện tử | TP Bắc Ninh | 5.000x103 c/n | 6.000x103 c/n | 230 | 250 | Vốn DN | 2006-2012 |
| 5. CÔNG NGHIỆP KHAI THÁC VÀ CHẾ BIẾN KHOÁNG SẢN | |||||||
1 | Xây dựng nhà máy tuyển than tập trung cho các mỏ Khe Chàm 1, 2, 3, 4, Cao Sơn và Bắc Cọc 6 | Quảng Ninh | 5x106 t/n | 5x106t/n | 450 | 450 | Vốn tự có + vốn vay | 2006-2015 |
2 | Xây dựng mới nhà máy tuyển than Lép Mỹ | Quảng Ninh | 3x106 t/n | 3x106 t/n | 280 | 280 | Vốn tự có + vốn vay | 2006-2015 |
3 | Xây dựng mới nhà máy tuyển than Cánh Gà | Quảng Ninh | 2x106 t/n | - | 180 | - | Vốn tự có + vốn vay | 2006-2010 |
4 | Xây dựng nhà máy tuyển than Nam Mẫu | Quảng Ninh | 3x106 t/n | - | 280 | - | Vốn tự có + vốn vay | 2006-2010 |
5 | Khai thác quặng Antimon | Quảng Ninh | - |
| - | 10 | Vốn tự có + vốn vay | 2010-2015 |
| 6. CÔNG NGHIỆP HÓA CHẤT VÀ SẢN PHẨM HOÁ CHẤT | |||||||
1 | Xây dựng nhà máy phân phức hợp DAP; | Quảng Ninh | 330.000 tấn/năm |
| 3.000 |
| Vốn tự có + vốn vay | 2006- 2010 |
2 | Xây dựng/mở rộng nhà máy phân đạm khí than; | Quảng Ninh | 500.000 tấn/năm | 500.000 tấn/năm | 4.000 | 500 | Vốn tự có + vốn vay | 2006-2015 |
3 | Đầu tư xây dựng nhà máy DAP 1, 2; | Hải Phòng | 330.000 tấn/năm | 330.000 tấn/năm | 2.700 | 2.700 | Vốn tự có + vốn vay | 2006-2015 |
4 | Xây dựng nhà máy sản xuất axit H2SO4 | Hải Phòng | 200.000 tấn/năm |
| 335 |
| Vốn tự có + vốn vay | 2006-2010 |
5 | Xây dựng nhà máy liên doanh sản xuất hoá dược; | Hà Nội | 300-1000 tấn/năm |
| 320 |
| Vốn tự có + vốn vay | 2006-2010 |
6 | Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất các chi tiết cao su kỹ thuật. | Bắc Ninh | 1.000.000 Sp/năm |
| 400 |
| Vốn tự có + vốn vay | 2006-2010 |
7 | Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất soda phục vụ cho sản xuất thủy tinh và chất tẩy rửa tổng hợp. | Hải Dương | 200.000 tấn/năm |
| 2.200 |
| Vốn tự có + vốn vay | 2006-2010 |
7. CÔNG NGHIỆP DỆT MAY – DA GIẦY | ||||||||
1 | Xây dựng mới và nâng công suất nhà máy dệt . | Hải Phòng | 800T/n | 1.500T/n | 80 | 70 | Vốn tự có, vốn vay | 2006-2007 2011-2012 |
2 | Đầu tư mới và nâng công suất nhà máy, dệt may, in nhuộm | Bắc Ninh | 1.500 tấn/năm (6 tr.sản phẩm) | 3000 tấn/năm (12 tr.sản phẩm) | 200 | 150 | ĐTNN, DN | 2006-2008 2011-2013 |
3 | Đầu tư xây dựng mới và nâng công suất hai nhà máy sản xuất phụ liệu may : + Khoá kéo: + Cúc kim loại: + Cúc nhựa: + Chỉ may: + Mex: + Nhãn: + Băng các loại: + Chun các loại: | Hải Phòng, Hưng Yên. |
- 15 trm/n - 10 tr.bộ/n - 300tr.ch/n - 300T/n - 15tr.m2/n - 3 tr.m/n - 10 tr.m/n - 5 tr.m/n |
- 30 trm/n - 20 tr.bộ/n - 700 tr.ch/n - 700T/n - 30 tr.m2/n - 6 tr.m/n - 20 tr.m/n - 10 tr.m/n | 400 | 400 | ĐTNN, DN, vốn vay | 2006-2007 2011-2012 |
4 | Kêu gọi ĐTNN vào xây dựng cụm công nghiệp thuộc da | Hải Phòng | 10 triệu sqft/năm | 25 triệu sqft/năm | 140 | 150 | ĐTNN, vốn vay | 2006-2012 |
DANH MỤC CÁC KHU, CỤM CÔNG NGHIỆP DỰ KIẾN XÂY DỰNG MỚI VÀ MỞ RỘNG ĐẾN NĂM 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2007/QĐ-BCN ngày 20 tháng 7 năm 2007)
STT | Khu công nghiệp | Dtích (ha) | Địa điểm |
1 | KCN Vật Cách | 277 | Quận Hồng Bàng, HP |
2 | KCN Sở Dầu – Thượng Lý – Hạ Lý | 259 | Quận Hồng Bàng, HP |
3 | Cảng Hoàng Diệu – Cửa Cấm – Chùa Vẽ | 233 | Quận Ngô Quyền, HP |
4 | KCN Đông Hải | 223 | Quận Hải An, HP |
5 | KCN Đình Vũ | 937 | Quận Hải An, HP |
6 | KCN Bến Kiền | 237 | Huyện Thủy Nguyên, HP |
7 | KCN Minh Đức – Tràng Kênh | 295 | Huyện Thủy Nguyên, HP |
8 | KCN Bến Rừng | 405 | Huyện Thủy Nguyên. HP |
9 | KCN Tiên Hội | 46 | Huyện An Lão, HP |
10 | Cống Đôi – Văn Tràng | 99 | Quận Kiến An, HP |
11 | KCN Quán Trữ | 39 | Quận Kiến An, HP |
12 | KCN Đồng Hòa – Nam Sơn | 155 | Quận Kiến An, HP |
13 | KCN Lê Thiện | 73 | Huyện An Dương, HP |
14 | KCN Đại Bản – An Hưng | 340 | Huyện An Dương, HP |
15 | KCN Nomura | 153 | Hải Phòng |
16 | KCN Nam Sơn | 72 | Huyện An Dương, HP |
17 | KCN An Đồng | 25 | Huyện An Dương, HP |
18 | KCN Vĩnh Niệm | 26 | Quận Lê Chân, HP |
19 | KCN Tràng Duệ | 124 | Huyện An Dương, HP |
20 | KCN đường 353 | 100 | Huyện Kiến Thụy, HP |
21 | KCN Hải Thành | 59 | Huyện Kiến Thụy, HP |
22 | KCX Hải Phòng 96 | 100 | Huyện Kiến Thụy, HP |
23 | KCN An Lão | 20 | Huyện An Lão, HP |
24 | KCN Bàng La - Đồ Sơn | 10 | TX. Đồ Sơn, HP |
25 | KCN Núi Đồi | 27 | Huyện Kiến Thụy, HP |
26 | KCN thị trấn An Dương | 27 | H.An Dương, HP |
27 | KCN Vĩnh Bảo | 20 | H.Vĩnh Bảo, HP |
28 | KCN Bàng La | 53 | TX. Đồ Sơn, HP |
29 | KCN Tiên Lãng | 27 | H.Tiên Lãng, HP |
30 | Trung tâm hậu cần nghề cá | 50 | H.Cát Hải, HP |
31 | KCN sạch ở khu kinh tế tổng hợp Vân Đồn | 100 | Huyện Vân Đồn - QN |
32 | KCN tổng hợp dịch vụ dầu khí Bến Rừng - Yên Hưng | 200 | Huyện Yên Hưng - QN |
33 | Các KCN dọc đường cao tốc Hà Nội - Móng Cái | 500 | Đông Triều, Uông Bí, Hoành Bồ, Mông Dương, Hải Hà (QN) |
34 | KCN Đồng Đăng | 300 | Ngoại thành TP. Hạ Long - QN |
35 | KCN Bắc Cửa Lục | 340 | Ngoại thành TP. Hạ Long - QN |
36 | KCN Cộng Hoà | 200 | Xã Cộng Hoà, Chí Linh (Hải Dương) |
37 | KCN Cẩm Phúc | 120 | Xã Cẩm Phúc, Cẩm Giàng (bắc đường 5A) - HD |
38 | KCN Tầu thuỷ | 200 | Xã Lai Vu, Kim Thành (HD) |
39 | Mở rộng KCN Đại An (phần mở rộng) | 230 | TP Hải Dương + huyện Cẩm Giàng (HD) |
40 | KCN Quốc Tuấn | 500 | Xã Quốc Tuấn, Nam Sách (HD) |
41 | KCN Đoàn Thắng | 200 | Xã Đoàn Thắng +Toàn Thắng huyện Gia Lộc (HD) |
42 | KCN Phả Lại | 100 | Huyện Chí Linh (HD) |
43 | KCN Hưng Đạo | 120 | Xã Hưng Đạo, Tứ Kỳ (HD) |
44 | KCN Nghĩa An | 200 | Huyện Ninh Giang (HD) |
45 | KCN Tân Việt | 150 | Huyện Bình Giang (HD) |
46 | KCN Gia Tân | 150 | Huyện Gia Lộc (HD) |
47 | Phố Nối A | 500 | Hưng Yên |
48 | Phố Nối B | 350 | Hưng Yên |
49 | Phố Nối C | 90 | Hưng Yên |
50 | Minh Đức | 200 | Hưng Yên |
51 | Vĩnh Khúc | 200 | Văn, Giang, Hưng Yên |
52 | Trưng Trắc (Phố Nối D) | 250 | Hưng Yên |
53 | Như Quỳnh A | 50 | Văn Lâm, Hưng Yên |
54 | Như Quỳnh B | 45 | Văn Lâm, Hưng Yên |
55 | Tân Quang | 90 | Văn Lâm, Hưng Yên |
56 | Tân Dân | 300 | Hưng Yên |
57 | Kim Động | 300 | Hưng Yên |
58 | Ân Thi | 300 | Hưng Yên |
59 | Trung Nghĩa | 300 | Hưng Yên |
60 | Tiên Lữ | 200 | Hưng Yên |
61 | Phù Cừ | 200 | Hưng Yên |
62 | KCN nặng Miếu Môn - Xuân Mai | 500 | các xã Tân Tiên, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ - Chương Mỹ (Hà Tây) |
63 | KCN nhẹ Thanh Mỹ - Xuân Sơn | 200 | TX. Sơn Tây Mỹ (Hà Tây) |
64 | KCNcơ khí và công nghiệp nhẹ Quốc Oai - Thạch Thất | 150 | 2 huyện Quốc Oai, Thạch Thất Mỹ (Hà Tây) |
65 | KCN nhẹ Phú Nghĩa | 150 | Phú Nghĩa - Chương Mỹ (Hà Tây) |
66 | KCN nhẹ Khu Cháy | 100 | các xã thuộc Tảo Dương Văn, Trung Tú, Phương Tú, Vạn Thái Mỹ (Hà Tây) |
67 | KCN nhẹ Châu Can | 200 | Xã Châu Can (Nam Cầu Giẽ) - Phú Xuyên Mỹ (Hà Tây) |
68 | KCN nhẹ Thường Tín | 200 | Thường Tín Mỹ (Hà Tây) |
69 | KCN Quang Minh | 706 | các xã QM, TL, KH - Mê Linh (Vĩnh Phúc) |
70 | KCN Kim Hoa | 261 | Kim Hoa- Mê Linh (Vĩnh Phúc) |
71 | KCN Bình Xuyên | 1071 | Các xã Hương Canh, Đạo Đức, Sơn Lôi, Bá Hiến - Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) |
72 | KCN Khai Quang | 157 | Khai Quang- Vĩnh Yên; Tam Hợp, Quất Lưu - Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) |
73 | KCN Chấn Hưng | 75 | Chấn Hưng - Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) |
74 | KCN Bình Dương | 100 | Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) |
75 | KCN Cao Phong | 120 | Lập Thạch (Vĩnh Phúc) |
76 | KCN Đình Chu | 120 | Lập Thạch (Vĩnh Phúc) |
77 | KCN Đồng Văn | 60 | Yên Lạc (Vĩnh Phúc) |
78 | KCN Tam Dương | 240 | Đạo Tú, Hướng Đạo - Tam Dương (Vĩnh Phúc) |
79 | KCN Đồng Cương | 90 | Yên Lạc (Vĩnh Phúc) |
80 | KCN Dệt May | 90 | TX. Phúc Yên (Vĩnh Phúc) |
81 | KCN Yên Phong | 340 | Yên Phong, Bắc Ninh |
82 | KCN Yên Phong II | 300 | Yên Phong, Bắc Ninh |
83 | KCN Quế Võ mở rộng | 200 | Bắc Ninh |
84 | KCN Quế Võ II | 300 | Bắc Ninh |
85 | KCN Đại Đồng - Hoàn Sơn II | 300 | Tiên Du, Bắc Ninh |
86 | KCN Nam Sơn - Hạp Lĩnh | 200 | Tiên Du - Quế Võ, BN |
87 | KCN Thuận Thành | 300 | Thuận Thành, BN |
88 | KCN công nghệ thông tin | 54 | Tiên Du, Bắc Ninh |
| Tổng cộng diện tích các KCN dự kiến đến 2015 (ha) | 18.080 |
|
| Tổng vốn đầu tư đến 2015 (tỷ đ) | 25.000 |
|
- 1Thông báo số 112/TB-VPCP về việc kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Ban Chỉ đạo Tổ chức điều phối phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 145/2004/QĐ-TTg về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 29/2007/QĐ-BCN phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung đến năm 2015, có xét đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành.
- 4Quyết định 34/2007/QĐ-BCN phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành
- 5Quyết định 02/2008/QĐ-BCT phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp sản xuất máy động lực và máy nông nghiệp giai đoạn 2006-2015, có xét đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 6Quyết định 2757/QĐ-BCT năm 2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 1Thông báo số 112/TB-VPCP về việc kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Ban Chỉ đạo Tổ chức điều phối phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Nghị định 55/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp
- 3Quyết định 145/2004/QĐ-TTg về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 29/2007/QĐ-BCN phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung đến năm 2015, có xét đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành.
- 5Quyết định 34/2007/QĐ-BCN phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành
- 6Quyết định 02/2008/QĐ-BCT phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp sản xuất máy động lực và máy nông nghiệp giai đoạn 2006-2015, có xét đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 7Quyết định 2757/QĐ-BCT năm 2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
Quyết định 31/2007/QĐ-BCN phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2015, có xét đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành.
- Số hiệu: 31/2007/QĐ-BCN
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 20/07/2007
- Nơi ban hành: Bộ Công nghiệp
- Người ký: Hoàng Trung Hải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 552 đến số 553
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra