- 1Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010
- 2Quyết định 12/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 1208/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 1488/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 3Nghị định 95/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương
BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2757/QĐ-BCT | Hà Nội, ngày 31 tháng 03 năm 2014 |
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 nám 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung chính như sau:
a) Phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phù hợp với phát triển kinh tế xã hội cả nước, kinh tế xã hội Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, dựa trên lợi thế so sánh về vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, nguồn nhân lực có chất lượng cao; chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển công nghiệp bền vững gắn với quốc phòng, an ninh trật tự xã hội và bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ di sản văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc, không ảnh hưởng đến phát triển du lịch.
b) Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm một số ngành, lĩnh vực công nghệ cao; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên; tập trung xây dựng hình thành vùng công nghiệp lõi nhằm phát huy vai trò đầu tàu, tạo động lực thị trường cho các vùng khác cùng phát triển; phát triển công nghiệp lưỡng dụng phục vụ quốc phòng.
c) Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ theo hướng từng bước giảm dần công nghiệp sơ chế thâm dụng lao động, tăng dần các ngành công nghiệp có trình độ công nghệ cao, sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng.
a) Mục tiêu chung
Xây dựng Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trở thành Vùng công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; phát triển công nghiệp Vùng gắn với khoa học công nghệ, các trung tâm nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, thử nghiệm sản phẩm mới; tạo nên các sản phẩm có chất lượng và giá trị cao có khả năng cạnh tranh và đáp ứng tiêu chuẩn tiên tiến của các nước.
b) Mục tiêu cụ thể
- Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp giai đoạn đến năm 2020 đạt 10,05%; giai đoạn đến năm 2030 đạt 7,75%;
- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn đến năm 2020 đạt 14,72%; giai đoạn đến năm 2030 đạt 12,96%.
- Cơ cấu ngành công nghiệp và xây dựng trong các ngành kinh tế đạt 49,10% năm 2020 và giảm xuống 47,80% năm 2030.
a) Định hướng đến năm 2020:
- Phát triển các ngành có lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của Vùng, hướng đến sản xuất một số sản phẩm có thương hiệu, đặc trưng cho Vùng, tham gia vào chuỗi xuất khẩu và chuỗi sản xuất trọng điểm của cả nước.
- Tập trung ưu tiên phát triển nhanh hơn một số ngành, sản phẩm công nghiệp như: Công nghiệp điện tử, cơ khí chính xác, công nghiệp chế tạo khuôn mẫu, dụng cụ y tế, công nghiệp dược, hóa mỹ phẩm....
- Hợp tác, liên kết giữa các ngành, doanh nghiệp công nghiệp của Vùng với các địa phương và các vùng khác để sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp.
- Khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ các ngành cơ khí chế tạo, sản xuất ô tô-xe máy, điện tử, tạo ra mạng lưới vệ tinh cho các công ty lớn.
- Áp dụng công nghệ hiện đại đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp đầu tư mới; nâng cấp, đổi mới công nghệ một số loại hình công nghiệp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
b) Tầm nhìn đến năm 2030:
Đến năm 2030, phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ theo hướng thân thiện với môi trường, công nghiệp sạch, công nghệ cao, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp có công nghệ và thiết bị hiện đại, các sản phẩm của công nghiệp có thương hiệu uy tín, có chất lượng và giá trị cao, mang tính khu vực và quốc tế, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng được tiêu chuẩn tiên tiến của các nước phát triển và tham gia vào một số công đoạn trong chuỗi sản xuất công nghiệp toàn cầu. Chuyên ngành điện tử, cơ khí chế tạo, cơ điện tử là các ngành công nghiệp chủ lực, chi phối, có tính chủ động cao trong chuỗi sản xuất công nghiệp trong nước và tham gia xuất khẩu.
a) Công nghiệp cơ khí, luyện kim
Đến năm 2020
- Công nghiệp cơ khí tập trung sản xuất máy móc, phương tiện vận tải phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Phát triển cơ khí chế tạo thiết bị đồng bộ, các thiết bị điện, cơ điện tử, tự động hóa đáp ứng cơ bản yêu cầu của thị trường trong nước, từng bước tham gia thị trường khu vực và thế giới.
- Đóng tầu biển trọng tải đến 100.000 DWT, tập trung sửa chữa nhóm tầu biển có trọng tải đến 150.000 DWT; lắp ráp chế tạo xe khách, xe buýt, xe tải nặng, xe tải nông dụng và một số chủng loại xe, máy móc thi công; đóng, sửa chữa lắp ráp các loại đầu máy, toa tàu hiện đại.
- Chú trọng nghiên cứu, thiết kế sản phẩm mới theo hướng gắn kết, hợp tác chặt chẽ giữa các viện, trường với các doanh nghiệp; gắn các chương trình nghiên cứu quốc gia với phát triển các sản phẩm trọng điểm.
- Tăng cường liên kết cơ khí nội vùng và với cơ khí cả nước, bao gồm cả cơ khí quốc phòng; xây dựng các chương trình dự án sản phẩm có tính lưỡng dụng cao để phát huy năng lực tổ chức sản xuất và nâng cao khả năng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu an ninh quốc gia khi cần thiết.
- Sửa chữa, chế tạo một số loại trang thiết bị, phụ tùng như các loại vũ khí thông thường, các loại xe quân dụng, xe chuyên dụng phục vụ quốc phòng
- Đối với ngành luyện kim, đầu tư mới các cơ sở sản xuất thép tấm công nghệ hiện đại, tiên tiến, ưu tiên sản xuất thép hợp kim phục vụ ngành cơ khí chế tạo trong Vùng và cả nước. Áp dụng công nghệ cao trong hệ thống điều khiển tự động các quá trình luyện thép.
Đến năm 2030
- Tiếp tục mở rộng, đầu tư thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị điện gia dụng; máy và thiết bị phụ trợ cho ngành sản xuất ô tô, xe máy; sản xuất khuôn mẫu với yêu cầu đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường sau năm 2020.
- Tăng cường công tác nghiên cứu, thiết kế để đến năm 2030 có thể sản xuất được các chi tiết, linh kiện quan trọng nhằm tham gia sâu vào chuỗi cung ứng cho ngành cơ khí khu vực và toàn cầu.
- Hình thành mạng lưới liên kết công nghiệp trong ngành cơ khí; đẩy mạnh hợp tác với các nước có ngành công nghiệp cơ khí chế tạo phát triển; ứng dụng công nghệ chế tạo mới, hiện đại trong sản xuất linh kiện, phụ tùng phục vụ nhu cầu các ngành có liên quan.
- Tăng cường khâu nghiên cứu, thiết kế, sản xuất các loại vũ khí, trang thiết bị công nghệ cao phục vụ quốc phòng.
b) Công nghiệp sản xuất thiết bị điện, điện tử
Đến năm 2020
- Sản xuất tập trung với trình độ công nghệ cao các nhóm sản phẩm: Máy tính, máy in các loại; Sản xuất linh kiện điện tử; Thiết bị hỗ trợ cá nhân các loại như điện thoại di động; Điện tử dân dụng; Thiết bị điện tử công nghiệp và chuyên dụng với hệ thống thiết bị với kỹ thuật tích hợp, điều khiển hệ thống, dây chuyền sản xuất hoặc dịch vụ; Phần mềm ứng dụng.
- Phát triển các lĩnh vực mang tính lưỡng dụng phục vụ quốc phòng như điện tử điều khiển tên lửa hành trình, điện tử viễn thông do thám, tìm kiếm; điện tử trong các thiết bị bay không người lái...
Đến năm 2030
Đầu tư vào các lĩnh vực đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường trong Vùng, trong nước và khu vực và có khả năng tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, cụ thể:
- Sản xuất thiết bị gia dụng chất lượng cao bằng vật liệu mới;
- Chế tạo các thiết bị điện tử dùng để đo kiểm, thiết bị y tế;
- Thiết kế và chế tạo các thiết bị, phương tiện bảo vệ, an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ;
- Tự cung cấp phần lớn nhu cầu phần mềm trong công nghiệp dân dụng và quốc phòng.
c) Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy hải sản, thực phẩm
Đến năm 2020
- Tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế thị trường, lợi thế về nguồn nguyên liệu, từng bước tăng tỷ trọng xuất khẩu ra thị trường khu vực và thế giới.
- Đầu tư công nghệ chế biến tiên tiến, từng bước giảm dần tỷ trọng sản phẩm chế biến thô, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.
- Đa dạng hóa về quy mô và loại hình sản xuất, đồng thời xây dựng các cơ sở chế biến tập trung tại các vùng nguyên liệu lớn, khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và kinh tế hộ gia đình.
- Chế biến thịt: Khuyến khích các cơ sở hiện có chuyển dần sang các chế biến sản phẩm cao cấp, đáp ứng tốt các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, và nhu cầu trong nước.
- Chế biến thủy sản: Khuyến khích đầu tư, nâng cấp công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu.
- Chế biến thức ăn gia súc: Xây dựng các cơ sở sản xuất có quy mô lớn và sản xuất sản phẩm chất lượng cao.
- Công nghiệp chế biến gỗ: Củng cố các cơ sở hiện có và đa dạng hóa sản phẩm, tập trung sản xuất các sản phẩm gia dụng xuất khẩu.
- Công nghiệp rượu, bia, nước giải khát: Đầu tư sản xuất nước giải khát với quy mô lớn, thiết bị, công nghệ hiện đại, đảm bảo vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu trong nước kết hợp xây dựng vùng nguyên liệu, trong đó ưu tiên sản xuất nước giải khát từ hoa quả tươi và các loại nước uống bổ dưỡng.
Đến năm 2030
Đầu tư mở rộng các dự án với thiết bị tiên tiến, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường thực tế trong nước và khu vực, đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
d) Công nghiệp hóa chất
Đến năm 2020
- Tập trung phát triển các nhóm sản phẩm phân bón vi sinh có hàm lượng dinh dưỡng cao, dược phẩm, hóa chất phục vụ công nghiệp, sản phẩm điện hóa, sản phẩm nhựa, cao su, sơn cao cấp, hóa mỹ phẩm.
- Phát triển ngành hóa dược trong Vùng có cơ cấu phù hợp với phát triển chung của ngành dược và nhu cầu xã hội, trong đó ưu tiên sản xuất trong nước với các loại thuốc thuộc danh mục thiết yếu, thuốc thuộc các chương trình y tế quốc gia. Phát triển các vùng dược liệu, đầu tư chiều sâu đối với các các cơ sở sản xuất nguyên liệu hóa dược; sản xuất bao bì dược phẩm; trang thiết bị phục vụ ngành y tế.
Tầm nhìn đến năm 2030
Đầu tư xây dựng một số nhà máy sản xuất các nguyên liệu kháng sinh thế hệ mới đáp ứng khoảng 40% nhu cầu về nguyên liệu sản xuất kháng sinh trong nước.
đ) Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng
Đến năm 2020
- Xi măng: Thực hiện theo Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 và các văn bản điều chỉnh theo tình hình phát triển hàng năm của ngành, trong đó tập trung vào những vấn đề sau:
Đầu tư phát triển công nghiệp xi măng theo hướng bền vững, sử dụng tài nguyên hợp lý, bảo vệ môi trường sinh thái, di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan và đảm bảo an ninh quốc phòng;
Không đầu tư các trạm nghiền độc lập riêng lẻ;
Khuyến khích đầu tư công nghệ sản xuất xi măng gắn với việc xử lý và sử dụng chất thải công nghiệp và rác thải làm nhiên liệu để tiếp kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường;
- Vật liệu xây, vật liệu lợp: Phát triển dây chuyền sản xuất gạch, ngói không nung ở những khu vực có nhu cầu lớn. Sản xuất gạch không nung siêu nhẹ; nhà máy sản xuất các tấm lợp, vách ngăn bằng vật liệu mới.
- Gạch ốp lát: Phát triển đa dạng các chủng loại gạch lát; đầu tư đổi mới công nghệ cho các dây chuyền sản xuất hiện có để nâng cao trình độ cơ giới hóa, tự động hóa trong tất cả các khâu sản xuất, đặc biệt là việc tự kiểm tra phân tích, xử lý điều chỉnh phối liệu xương men và nhiệt độ nung sấy trong lò.
- Sứ vệ sinh: Phát triển đa dạng các loại sứ vệ sinh với nhiều kích thước, kiểu dáng, màu sắc khác nhau nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng; đồng thời, sản xuất các phụ kiện sứ vệ sinh đồng bộ để thay thế hàng nhập khẩu.
Đến năm 2030
Phát triển khoa học công nghệ, đưa công nghệ mới và thiết bị hiện đại vào sản xuất vật liệu xây dựng nhằm nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
- Lựa chọn quy mô đầu tư hợp lý, tiếp tục phát triển sản xuất các sản phẩm gạch không nung, gốm sứ cao cấp, các chủng loại vật liệu trang trí và hoàn thiện, các sản phẩm có khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
e) Công nghiệp dệt may-da giầy
Đến năm 2020
- Dệt - may:
Hình thành các doanh nghiệp may quy mô lớn, đầu tư máy móc thiết bị chuyên môn hóa, tự động hóa nhằm hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng dệt may ở thị trường trong và ngoài nước.
Tại các khu dân cư tập trung, thị trấn, thị xã, thị tứ xây dựng các cơ sở may quy mô nhỏ để sử dụng lao động tại chỗ của các địa phương, sản xuất các sản phẩm tiêu dùng nội địa và làm xí nghiệp vệ tinh cho các nhà máy may quy mô lớn tại các đô thị.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ như sợi, chỉ may, thiết kế mẫu mã để chuyển dần từ gia công sang sản xuất nội địa.
- Da - giầy:
Đầu tư hợp lý giữa sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh với sản xuất nguyên phụ liệu, thiết kế mẫu mốt.
Hình thành các doanh nghiệp hiện đại, sản xuất các sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật và công nghệ cao để từng bước làm chủ thị trường tiêu thụ trong nước và tham gia xuất khẩu. Các sản phẩm chủ lực là giầy thể thao, giầy vải, giầy nữ, giầy da; các sản phẩm nguyên liệu và bán thành phẩm của giầy gồm đế giầy, các sản phẩm vải bồi, vải giả da, phom giầy.
Đến năm 2030
- Tiếp tục mở rộng các nhà máy may xuất khẩu, chất lượng cao
- Phát triển trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, công nghệ, trung tâm thời trang của Vùng.
- Hình thành liên kết chuỗi cung ứng giữa các doanh nghiệp xe sợi, dệt, may, thiết kế và doanh nghiệp sản xuất để nâng cao giá trị sử dụng nguyên liệu trong nước.
g) Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản
Đến năm 2020
- Phát triển công nghiệp than theo hướng đảm bảo đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế quốc dân, từng bước giảm xuất khẩu.
- Đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, quản lý tốt nguồn tài nguyên;
- Các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản phải gắn với nhu cầu tiêu thụ của thị trường; hạn chế tối đa gây ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường và các khu du lịch.
Đến năm 2030
- Đầu tư thăm dò trữ lượng tài nguyên nhằm đảm bảo độ tin cậy các dự án khai thác khoáng sản trong Vùng.
- Tập trung khai thác và chế biến sâu khoáng sản thích hợp với nhu cầu và khả năng tiêu thụ trong nước.
h) Công nghiệp điện năng
Đến năm 2020
- Phát triển điện lực Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia theo Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 8064/QĐ-BCT ngày 27 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt “Quy hoạch phát triển điện lực vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, có tính đến các điều kiện cụ thể của Vùng, đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định.
- Phát triển lưới điện truyền tải và phân phối gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Vùng và của từng địa phương trong Vùng, phát triển đồng bộ với tiến độ đưa vào vận hành các nhà máy điện để đạt được hiệu quả đầu tư chung của hệ thống điện quốc gia và khu vực; đảm bảo chất lượng điện và độ tin cậy cung cấp điện ngày càng được nâng cao.
- Tổng sản lượng điện thương phẩm toàn Vùng tăng trưởng 13,0%/năm giai đoạn 2011 - 2015; tăng 11,6%/năm giai đoạn 2016-2020 và 8,9%/ năm giai đoạn 2021-2025.
Về nguồn điện: Đầu tư các nguồn điện mới với tổng công suất tăng thêm 5.640 MW;
Về lưới điện: Xây dựng mới và nâng công suất các trạm biến áp 500kV, các trạm 220 kV, 110kV và đường dây ở các cấp điện áp đảm bảo đồng bộ theo tiến độ đưa nguồn điện vào khai thác.
Đến năm 2030
- Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống nguồn điện với các dự án nhiệt điện đáp ứng yêu cầu công nghệ mới, tiên tiến, tiêu tốn ít nhiên liệu, hiệu suất cao. Đầu tư mới các nguồn điện với tổng công suất tăng thêm là 2.670MW;
- Đồng bộ hóa hệ thống truyền tải và phân phối tương ứng với các nguồn điện và theo yêu cầu phụ tải.
5. Phân bố không gian trong phát triển công nghiệp
a) Công nghiệp cơ khí, luyện kim
- Cơ khí: Sản xuất động cơ điện, máy biến áp khô công suất lớn, xe con, xe chuyên dụng, thiết bị toàn bộ, máy móc cơ khí chính xác tại Hà Nội; đóng tàu, máy móc cơ khí nặng, thiết bị khai thác, sàng tuyển, ô tô tải nặng tại Quảng Ninh; thiết bị siêu trường, siêu trọng, thiết bị thủy lực cho máy xây dựng, các loại xe công nghiệp, máy móc thiết bị thuộc ngành dầu khí, năng lượng, đóng và sửa chữa tàu thủy, công nghiệp hỗ trợ ngành đóng tàu tại Hải Phòng; lắp ráp ô tô, xe máy, linh kiện máy móc, máy móc phục vụ nông nghiệp tại Hải Dương; xe máy, xe ô tô con, xe chuyên dụng, phụ tùng ô tô, xe máy, máy móc công trình tại Hưng Yên; xe máy, ô tô, máy cắt, gọt kim loại, sản xuất khuôn mẫu tại Vĩnh Phúc; linh phụ kiện máy móc tại Bắc Ninh.
- Luyện kim: Sản xuất các loại thép cán nóng, thép tấm, thép cường độ cao, thép đặc chủng tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương.
b) Công nghiệp sản xuất thiết bị điện, điện tử
Sản xuất linh kiện điện tử, máy tính xách tay, lắp ráp máy chủ tại Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc; sản xuất các thiết bị truyền hình số, linh kiện điện tử đa năng tại Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh; máy in và các thiết bị sao chụp tại Hà Nội, Bắc Ninh; điện thoại tại Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng; sản xuất các thiết bị cơ điện tử, thiết bị chuyên dụng tập trung ở Hà Nội, các cơ sở lắp ráp đặt tại Hải Phòng, Vĩnh Phúc và Quảng Ninh. Phát triển phần mềm tập trung ở Hà Nội, Bắc Ninh.
c) Công nghiệp chế biến nông, lâm, hải sản, thực phẩm
- Chế biến rau quả thực phẩm: Trung tâm tại Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương.
- Chế biến dầu thực vật: Quảng Ninh, Hải Phòng.
- Chế biến sữa: Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.
- Chế biến thịt: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng.
- Chế biến thủy sản: Hải Phòng và Quảng Ninh.
- Chế biến thức ăn gia súc: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên.
- Chế biến đồ uống: Xây dựng và mở rộng các nhà máy bia ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh; rượu đặc sản ở Quảng Ninh, Hà Nội; nước giải khát ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương.
d) Công nghiệp hóa chất
- Sản xuất phân bón hóa học và các chất bảo vệ thực vật tại Hải Phòng, Quảng Ninh.
- Sản xuất các loại săm lốp ô tô, xe máy, xe đạp tại Hà Nội, Hải Phòng. Sản xuất vải mành nylon và kim loại, chất độn, hóa chất phụ gia tại Hải Dương, Bắc Ninh.
- Các cơ sở sản xuất sơn, pin, ắc quy, chất tẩy rửa tại Hải Phòng.
- Sản xuất ống nhựa, bao bì nhựa, sản phẩm nhựa các loại tại Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương.
đ) Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng
Sản xuất xi măng ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương; gạch không nung phát triển ở tất cả các địa phương trong Vùng; sản xuất sợi thủy tinh, lưới, vải thủy tinh, thủy tinh cao cấp ở Hải Phòng, Quảng Ninh; men màu ở Hải Dương, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh; Sứ vệ sinh ở Hà Nội, Quảng Ninh; gạch ốp lát ở Hải Dương; sản xuất vật liệu nhẹ, siêu nhẹ tại Hải Phòng, Hưng Yên.
e) Công nghiệp dệt may-da giầy
Trung tâm mẫu mốt, thời trang và Trung tâm thiết kế mẫu được xây dựng tại Hà Nội, Hải Phòng. Các dự án sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt- may bố trí ở Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc. Sản xuất giầy sẽ tập trung ở Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên.
g) Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản
Khai thác than ở Quảng Ninh theo quy hoạch ngành than đã được Chính phủ phê duyệt. Khai thác đá vôi chủ yếu tại các địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương. Khai thác sét, cao lanh chủ yếu ở Quảng Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc; thăm dò, khai thác đá xây dựng, đá ốp lát ở Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh; thăm dò, khai thác sét chịu lửa ở Bắc Ninh.
a) Giải pháp về vốn
- Vốn của Nhà nước tập trung chủ yếu vào xây dựng kết cấu hạ tầng (các công trình giao thông, đường điện, nước đến hàng rào các khu công nghiệp), một phần danh cho việc phát triển nguồn nhân lực và nghiên cứu đổi mới khoa học công nghệ.
- Đối với vốn đầu tư nước ngoài: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, tăng cường xúc tiến đầu tư, tạo sức hấp dẫn thu hút vốn đầu tư, đặc biệt từ các nhà đầu tư là các tập đoàn, công ty lớn xuyên quốc gia;
- Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ đất và thị trường vốn. Phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn thông qua các hình thức hợp tác đầu tư PPP, BOT, BT;
- Áp dụng huy động vốn ứng trước đối với khách hàng để đầu tư hạ tầng mà trước tiên là đầu tư cho điện và nước, giao thông;
- Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, nguồn vốn ODA, vốn viện trợ để sử dụng đầu tư phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm của Vùng, nhất là đối với các công trình có khả năng chậm thu hồi vốn;
- Khuyến khích các doanh nghiệp tăng quy mô vốn kinh doanh và đầu tư. Sử dụng công cụ thuế và tín dụng để khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân mở rộng quy mô vốn;
- Sử dụng các điều kiện ưu tiên trong sử dụng đất cho các doanh nghiệp kinh doanh đạt hiệu quả cao.
b) Giải pháp về công nghệ
- Chú trọng thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn từ Mỹ, Nhật Bản, Tây Âu. Xây dựng cơ chế đặc biệt thu hút các nhà đầu tư, tranh thủ các kênh chuyển giao, hợp tác khoa học công nghệ, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ;
- Mở rộng hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ, đa dạng hóa các loại hình hợp tác để tranh thủ tối đa sự chuyển giao công nghệ hiện đại từ đối tác nước ngoài cho phát triển công nghiệp. Trong các dự án đầu tư phát triển và trong hợp tác sản xuất kinh doanh cần đặc biệt coi trọng yếu tố chuyển giao công nghệ mới, coi đây là một trong những yếu tố để quyết định dự án đầu tư và hợp đồng hợp tác sản xuất;
- Khuyến khích sử dụng công nghệ, thiết bị công nghệ trong sản xuất công nghiệp có hiệu suất năng lượng cao, sử dụng các dạng năng lượng thay thế có hiệu quả cao hơn trong dây chuyền sản xuất nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
- Khuyến khích phát triển các dịch vụ công nghệ, xây dựng thị trường công nghệ, thường xuyên định kỳ mở hội chợ công nghệ, lập ngân hàng dữ liệu thông tin công nghệ mới. Phát triển một số trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có đủ tiềm lực để hình thành vườn ươm công nghệ, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ.
c) Giải pháp về nguồn nhân lực
- Tiến hành rà soát điều chỉnh lại hệ thống đào tạo, khắc phục tình trạng cơ cấu đào tạo lao động chưa hợp lý. Đặc biệt cần mở rộng việc đào tạo nghề cho lao động ở khu vực nông thôn, nơi tập trung một lực lượng dôi dư, thiếu kỹ năng và trình độ lao động;
- Xây dựng cơ chế đặc biệt để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là chính sách tiền lương, môi trường làm việc và hỗ trợ về nhà ở, đất ở và các điều kiện làm việc liên quan;
- Mở rộng loại hình hợp tác lao động với nước ngoài, liên kết với các cơ sở giáo dục có uy tín trong và ngoài nước để mở cơ sở đào tạo đẳng cấp quốc tế tại Vùng;
- Ưu tiên nguồn vốn nhà nước cho phát triển giáo dục đào tạo, xây dựng cơ chế thu hút nguồn nhân lực cho phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
d) Giải pháp về thị trường và sản phẩm
- Đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển thị trường: Đối với thị trường đầu ra, bên cạnh những thị trường truyền thống như Trung Quốc và các nước Đông Á, ASEAN, Mỹ, EU, sẽ khai thác các thị trường lớn, tiềm năng đang phát triển như các nước nhóm BRIC (trong đó có Braxin, Nga, Ấn Độ);
- Thực hiện nghiêm túc các cam kết trong hiệp định khu vực để tận dụng tối đa ưu thế của thị trường ASEAN. Hình thành đại diện của doanh nghiệp, hiệp hội ở các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản...Tích cực tham gia các hội chợ chuyên ngành, đa ngành ở trong và ngoài nước để nắm bắt kịp xu thế tiêu dùng, tìm kiếm thị trường mới.
- Có chiến lược và bước đi cụ thể để mở rộng và làm chủ thị trường trong nước của doanh nghiệp; Trước mắt tập trung cho thị trường các địa phương trong Vùng, tiếp đến là các thị trường có sức mua lớn trong cả nước.
đ) Giải pháp về phát triển công nghiệp hỗ trợ
- Tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2011 về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ theo hướng thuận lợi hơn, hấp dẫn hơn, đồng thời phải đảm bảo được tính ổn định lâu dài.
- Các địa phương trong Vùng tiếp tục bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh để khuyến khích, hỗ trợ đầu tư cho các dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ mà tỉnh có thế mạnh.
- Ưu đãi cao cho các doanh nghiệp FDI có các dự án chuyển giao công nghệ và có cam kết tài trợ cho một số các doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ. Khuyến khích chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất tại Việt Nam.
- Trình Chính phủ cho phép thành lập các khu công nghiệp hỗ trợ trong Vùng để thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp hỗ trợ với các ưu đãi và được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.
e) Giải pháp hợp tác liên vùng và phối hợp phát triển
- Chủ động xây dựng và phối hợp triển khai giữa các tỉnh trong Vùng những chương trình phát triển công nghiệp công nghệ cao, chương trình có quy mô lớn;
- Liên doanh, liên kết cùng triển khai dự án phát triển các mặt hàng công nghiệp đáp ứng nhu cầu thay thế nhập khẩu hoặc hướng về xuất khẩu (kể cả gia công, lắp ráp sản phẩm công nghiệp).
- Hợp tác theo mô hình xí nghiệp mẹ đặt tại một trong các tỉnh, thành phố trong Vùng và các xí nghiệp con đặt tại các tỉnh khác để phân công sản xuất chuyên môn hóa hoặc cung cấp công nghệ thích hợp cho nhau.
- Xây dựng và triển khai các dự án phát triển công nghiệp có quy mô lớn mang tính Vùng nhằm làm hạt nhân lan tỏa thúc đẩy sự phát triển của các ngành khác trong Vùng.
g) Đẩy mạnh công tác khuyến công, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp nông thôn
- Tiếp tục thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia, tập trung vào những chương trình hỗ trợ: Nâng cao năng lực quản lý; đào tạo, truyền và phát triển nghề trong các cơ sở công nghiệp nông thôn; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật; liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế; lập quy hoạch chi tiết, xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp bằng các nguồn vốn Trung ương và địa phương.
- Tư vấn và giúp các doanh nghiệp phát triển thương hiệu, ứng dụng công nghệ mới, tìm kiếm thị trường. Tổ chức các lớp tập huấn về phát triển thương mại điện tử, xúc tiến thương mại; tổ chức hội chợ giới thiệu sản phẩm, công nghệ.
a) Chính sách thị trường
- Xây dựng cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, phát triển thị trường.
- Tạo mọi điều kiện để nâng cao khả năng tiếp thị của các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm công nghiệp.
- Có cơ chế hỗ trợ công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung vào các khâu từ nhập khẩu đến phân phối, tiêu dùng để làm cho thị trường lành mạnh hơn, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp.
b) Chính sách khuyến khích đầu tư
- Xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Đặc biệt quan tâm đến vấn đề chính sách ưu đãi về thuế, thời hạn thuê đất, tiền thuê đất;
- Ưu tiên cho đầu tư trực tiếp 100% vốn nước ngoài, nhất là các công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia có tầm cỡ trên thế giới;
- Ưu đãi thích hợp các nguồn vốn đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
c) Chính sách khoa học công nghệ
- Khuyến khích thành lập các đơn vị tư vấn, môi giới và dịch vụ khoa học công nghệ;
- Áp dụng chính sách miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ - thiết bị, miễn giảm thuế cho phần vốn dành cho nghiên cứu đổi mới công nghệ.
1. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ chỉ đạo phát triển công nghiệp theo Quy hoạch được phê duyệt, có trách nhiệm:
- Hướng dẫn, tuyên truyền và phối hợp với các địa phương để cùng triển khai thực hiện và xây dựng các bước cụ thể về định hướng công nghệ, sản phẩm nêu trong Quy hoạch; theo dõi việc thực hiện Quy hoạch.
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hàng năm tổ chức đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch, từ đó có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển công nghiệp Vùng.
- Kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế để thúc đẩy phát triển công nghiệp Vùng.
2. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Khoa học và Công nghệ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Giao thông vận tải; Lao động, Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Quốc phòng; Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng của mình, chủ trì và phối hợp với Bộ Công Thương trong việc: Thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển công nghiệp; hỗ trợ tín dụng đầu tư có tính đặc thù đối với các doanh nghiệp công nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động, nghiên cứu đổi mới, tiếp nhận chuyển giao công nghệ; tăng cường đào tạo, dạy nghề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp; nghiên cứu, thiết kế, sản xuất các loại trang thiết bị, phụ tùng phục vụ quốc phòng.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ:
a) Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn mỗi tỉnh, thành phố cho phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; đưa các nội dung triển khai quy hoạch công nghiệp vào kế hoạch hàng năm, kế hoạch 5 năm về phát triển công nghiệp trên địa bàn; phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy hoạch.
b) Tổng hợp tình hình thực hiện quy hoạch Vùng hàng năm (các dự án cấp vùng trên địa bàn tỉnh), đề xuất các kiến nghị và báo cáo về Bộ Công Thương.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi Nhận: | BỘ TRƯỞNG |
DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN CHỦ YẾU KÊU GỌI ĐẦU TƯ VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM BẮC BỘ ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 2757/QĐ-BCT ngày 31 tháng 3 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)
I. Công nghiệp cơ khí, luyện kim
STT | Tên dự án | Địa điểm |
A. Ngành cơ khí, chế tạo | ||
1. | Dự án sản xuất biến áp khô công suất lớn; sản xuất động cơ điện, quạt công nghiệp, thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao; sản xuất thiết bị ngành y tế | Hà Nội |
2. | Dự án sản xuất cơ khí nặng; sản xuất, lắp ráp ô tô tải nặng, xe chuyên dùng cho ngành khai thác; sản xuất và lắp ráp máy ủi, máy xúc | Quảng Ninh |
3. | Dự án sản xuất thiết bị thủy lực cho máy xây dựng và các loại xe công nghiệp; sản xuất máy móc thiết bị thuộc ngành dầu khí, năng lượng, đóng và sửa chữa tàu thủy; phát triển khu công nghiệp hỗ trợ đóng tàu và KCN chuyên sâu về cơ khí chế tạo | Hải Phòng |
4. | Dự án sản xuất máy cắt, gọt kim loại CNC, sản xuất khuôn mẫu | Hà Nội, Hải Phòng, |
5. | Dự án sản xuất thiết bị chế biến thực phẩm, chế tạo thiết bị dệt may; sản xuất thiết bị xử lý môi trường công nghiệp và chất thải đô thị | Hà Nội, Hải Phòng |
6. | Dự án sản xuất thiết bị phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp | Hải Dương, Hưng Yên |
7. | Dự án sản xuất thiết bị phụ trợ cho ngành sản xuất ô tô, xe máy | Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Bắc Ninh |
8. | Dự án sản xuất, lắp ráp xe ô tô con, xe chuyên dụng | Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương |
B. Ngành luyện kim | ||
9. | Dự án sản xuất thép cao cấp (thép hợp kim, thép không gỉ, kim loại hợp kim) đặc chủng | Hải Phòng, Hải Dương |
10. | Dự án sản xuất thép ống các loại; thép cuộn | Vĩnh Phúc, Hải Phòng |
II. Công nghiệp điện tử, tin học
STT | Tên dự án | Địa Điểm |
1. | Dự án sản xuất thiết bị điều khiển máy CNC | Hà Nội, Vĩnh Phúc |
2. | Dự án sản xuất màn hình tinh thể lỏng | Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc |
3. | Dự án sản xuất và lắp ráp điện thoại di động | Bắc Ninh, Hà Nội |
4. | Dự án sản xuất linh kiện điện tử, máy tính xách tay, lắp ráp máy chủ và siêu PC | Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên |
5. | Dự án sản xuất mạch in, thiết bị điện tử | Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên |
6. | Dự án lắp ráp máy quay thiết bị quang học | Bắc Ninh |
7. | Dự án sản xuất thiết bị điện tử y tế | Hà Nội, Hải Phòng |
8. | Dự án sản xuất đồ điện tử gia dụng | Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc |
9. | Dự án phát triển phần mềm chuyên dụng | Hà Nội, Hải Phòng |
III. Công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm
STT | Tên dự án | Địa Điểm |
1. | Dự án đầu tư xây dựng kho lạnh bảo quản rau quả | Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương |
2. | Dự án nhà máy chế biến rau quả | Quảng Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hưng Yên. |
3. | Dự án chế biến các sản phẩm sữa | Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc |
4. | Dự án nhà máy chế biến thịt hộp | Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. |
5. | Dự án nhà máy thức ăn gia súc | Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên. |
6. | Dự án chế biến nước quả đóng lon, nước giải khát | Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh |
IV. Công nghiệp hóa chất
STT | Tên dự án | Địa điểm |
1. | Dự án Khu liên hợp sản xuất nhựa | Hưng Yên |
2. | Dự án nhà máy chế biến cao su tổng hợp | Quảng Ninh |
3. | Dự án nhà máy tái chế phế liệu nhựa | Hưng Yên hoặc Hải Dương |
4. | Dự án sản xuất các sản phẩm nhựa kỹ thuật; Sản xuất các chi tiết cao su kỹ thuật | Bắc Ninh |
5. | Dự án nhà máy sản xuất hóa mỹ phẩm cao cấp | Hà Nội |
6. | Dự án nhà máy sản xuất LAS; Mở rộng nhà máy DAP. | Hải Phòng |
7. | Dự án sản xuất sơn đặc chủng | Hà Nội, Quảng Ninh |
8. | Dự án nhà máy sản xuất lốp ôtô theo công nghệ lốp radian | Hà Nội, Hải Phòng |
9. | Dự án sản xuất pin nhiên liệu rắn | Hà Nội, Hải Phòng |
10. | Dự án sản xuất thuốc kháng sinh | Hà Nội, Bắc Ninh |
11. | Dự án nhà máy sản xuất khí công nghiệp | Hải Phòng, Bắc Ninh |
V. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng
STT | Tên dự án | Địa điểm |
1. | Dự án đầu tư các dây chuyền sản xuất gạch không nung | Các tỉnh trong Vùng |
2. | Dự án men màu cho sản xuất gốm, sứ, gạch men | Hải Dương, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh |
4. | Dự án sản xuất sợi thủy tinh và các sản phẩm từ sợi thủy tinh | Hải Phòng, Quảng Ninh |
5. | Dự án sản xuất gạch bloc thủy tinh, gạch trang trí | Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương |
6. | Dự án sản xuất vật liệu xây dựng nhẹ, siêu nhẹ | Hải Phòng, Hưng Yên |
VI. Công nghiệp dệt may, da giày
STT | Tên dự án | Địa điểm | ||
A. Ngành Dệt-May | ||||
1. | Dự án nhà máy may xuất khẩu | Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc | ||
2. | Dự án đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác giai đoạn 2 KCN Dệt may phố Nối | Hưng Yên | ||
3. | Dự án xây dựng nhà máy sợi | Quảng Ninh, Hải Phòng | ||
4. | Dự án nhà máy sản xuất bông xơ, bông tấm; Sản xuất khóa kéo | Hải Phòng | ||
5. | Dự án nhà máy sản xuất chỉ may | Hải Nội | ||
6. | Dự án nhà máy cúc nhựa | Hưng Yên, Hải Phòng | ||
7. | Dự án sản xuất các loại băng chun, băng dệt, các loại ren trang trí | Hưng Yên | ||
8. | Dự án nhà máy sản xuất cúc dập | Vĩnh Phúc | ||
9. | Đầu tư Khu liên hợp sợi Dệt nhuộm May | Hải Phòng | ||
B. Ngành Da-Giầy | ||||
1. | Dự án sản xuất giầy da thời trang, giầy thể thao, giầy nữ, giầy vải | Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Ninh | ||
2. | Dự án sản xuất cặp, túi ví | Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Ninh | ||
3. | Dự án sản xuất đế giầy, phom giầy | Bắc Ninh, Hải Phòng | ||
4. | Dự án sản xuất các loại phụ liệu ngành giầy | Bắc Ninh | ||
5. | Dự án xây dựng Trung tâm thiết kế mẫu | Hải Phòng, Hà Nội | ||
|
|
|
|
|
VII. Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản
STT | Tên dự án | Địa điểm |
1. | Dự án khai thác than | Quảng Ninh |
2. | Dự án thăm dò, khai thác cao lanh và sét-cao lanh | Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc |
3. | Dự án thăm dò, khai thác sét làm vật liệu xây dựng | Hà Nội, Hải Phòng. Quảng Ninh |
4. | Dự án thăm dò, khai thác đá vôi | Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương |
5. | Dự án thăm dò, khai thác đá xây dựng, đá ốp lát | Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh |
6. | Dự án thăm dò, khai thác sét chịu lửa | Bắc Ninh |
VIII. Chương trình phát triển Công nghiệp sản xuất điện
TT | Chương trình |
1. | Chương trình phát triển các dự án nhiệt điện với với tổng công suất tăng thêm đến năm 2020 là 5.640 MW; giai đoạn 2021-2030 tăng thêm 2.670MW |
2. | Chương trình xây mới đường dây và trạm biến áp 500kV, 220 kV, 110kV |
- 1Quyết định 31/2007/QĐ-BCN phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2015, có xét đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành.
- 2Quyết định 05/2011/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 198/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Quyết định 31/2007/QĐ-BCN phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2015, có xét đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành.
- 3Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 4Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010
- 5Quyết định 05/2011/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 12/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 1208/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 1488/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Nghị định 95/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương
- 10Quyết định 198/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 2757/QĐ-BCT năm 2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- Số hiệu: 2757/QĐ-BCT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 31/03/2014
- Nơi ban hành: Bộ Công thương
- Người ký: Vũ Huy Hoàng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 31/03/2014
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực