Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3044/QĐ-UBND

Thái Bình, ngày 30 tháng 12 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NGƯ DÂN TỈNH THÁI BÌNH ĐÓNG MỚI, CẢI HOÁN TÀU KHAI THÁC HẢI SẢN VÀ TÀU DỊCH VỤ HẬU CẦN NGHỀ CÁ.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 1690/2010/QĐ-TTg ngày 16/09/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2013/QĐ-UBND ngày 12/9/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án Phát triển các phương tiện đánh bắt xa bờ gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường biển giai đoạn 2013 - 2015, tỉnh Thái Bình;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài chính tại Tờ trình số 513/TTr-LS.NN-TC ngày 23/12/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ ngư dân tỉnh Thái Bình đóng mới, cải hoán tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, với các nội dung sau:

1. Đối tượng và điều kiện hỗ trợ.

1.1. Đối tượng hỗ trợ: Chủ tàu cá có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Thái Bình thực hiện đóng mới, cải hoán tàu cá làm nghề khai thác và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có tổng công suất máy chính từ 300CV trở lên và tàu cá có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên (hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, tai nạn thuyền viên tàu cá).

1.2. Điều kiện hỗ trợ.

a. Đối với tàu cá đóng mới, cải hoán:

- Tàu cá đóng mới, cải hoán có tổng công suất máy chính từ 300CV trở lên;

- Có Giấy chứng nhận xuất xưởng hoặc Biên bản thanh lý và bàn giao tàu cá (đối với tàu đóng mới), Biên bản thanh lý sửa chữa tàu cá (đối với tàu cá cải hoán) được ký kết trong giai đoạn từ ngày 01/01/2013 đến ngày 31/12/2015;

- Được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá;

- Tàu cá trang bị máy thông tin tầm xa VX1700;

- Giấy chứng nhận bảo hiểm thân tàu, Giấy chứng nhận bảo hiểm tai nạn thuyền viên còn hiệu lực;

- Chủ tàu cá phải cam kết đưa tàu hoạt động trong thời gian tối thiểu 02 năm (tối thiểu 24 tháng) kể từ ngày nhận được chính sách hỗ trợ của tỉnh; trường hợp chưa đảm bảo thời gian hoạt động theo cam kết (chưa đủ 24 tháng), muốn chuyển quyền sở hữu tàu cá cho tổ chức, cá nhân khác thì chủ tàu phải có trách nhiệm hoàn trả lại toàn bộ kinh phí đã được hỗ trợ.

b. Đối với tàu cá đang hoạt động có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên:

- Được cấp Giấy chứng an toàn kỹ thuật tàu cá, Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá;

- Giấy chứng nhận bảo hiểm tai nạn thuyền viên tàu cá còn hiệu lực.

- Giấy chứng nhận bảo hiểm thân tàu còn hiệu lực.

2. Định mức hỗ trợ:

2.1. Hỗ trợ kinh phí một lần cho chủ tàu cá đóng mới, cải hoán, hoàn thành thủ tục theo quy định, cụ thể:

- Đối với tàu cá đóng mới:

+ Tàu cá tổng công suất máy chính từ 300CV đến dưới 500CV hỗ trợ 150 triệu đồng/tàu;

+ Tàu có tổng công suất máy chính từ 500CV trở lên hỗ trợ 200 triệu đồng/tàu.

- Đối với tàu cải hoán:

+ Tàu có tổng công suất máy chính từ 300CV đến dưới 500CV hỗ trợ 70 triệu đồng/tàu;

+ Tàu có tổng công suất máy chính từ 500CV trở lên hỗ trợ 100 triệu đồng/tàu.

2.2. Hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu cá: Hỗ trợ 100% kinh phí theo hóa đơn mua bảo hiểm thân tàu/năm đối với tàu cá có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên.

2.3. Hỗ trợ 100% kinh phí theo hóa đơn mua bảo hiểm thuyền viên cho thuyền viên tàu cá có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên với mức tối đa không quá 126.000 đồng/người/năm.

2.4. Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động, bồi dưỡng nghiệp vụ thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên (theo Quyết định số 1956/2009/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020).

3. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ:

3.1. Tàu cá đóng mới, cải hoán, hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu cá có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của chủ tàu cá;

- Bản sao có công chứng các loại giấy tờ của chủ tàu cá:

a. Đối với tàu đóng mới:

+ Sổ hộ khẩu;

+ Chứng minh thư nhân dân;

+ Giấy chứng nhận xuất xưởng hoặc Biên bản thanh lý và bàn giao tàu cá;

+ Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá;

+ Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá còn hiệu lực;

+ Giấy phép khai thác thủy sản còn hiệu lực hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (tàu dịch vụ hậu cần nghề cá);

+ Giấy chứng nhận bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên tàu cá còn hiệu lực;

+ Hóa đơn mua máy thông tin liên lạc tầm xa VX1700, Biên bản kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá bất thường (đối với máy thông tin VX1700).

b. Đối với tàu cải hoán:

+ Sổ hộ khẩu;

+ Chứng minh thư nhân dân;

+ Biên bản thanh lý sửa chữa tàu cá;

+ Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá;

+ Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá còn hiệu lực;

+ Giấy phép khai thác thủy sản còn hiệu lực hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (tàu dịch vụ hậu cần nghề cá);

+ Giấy chứng nhận bảo hiểm thân tàu cá, bảo hiểm tai nạn thuyền viên tàu cá còn hiệu lực;

+ Hóa đơn mua máy thông tin liên lạc tầm xa VX1700, Biên bản kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá bất thường (đối với máy thông tin VX1700).

c. Bảo hiểm thân tàu:

+ Đơn đề nghị hỗ trợ bảo hiểm thân tàu cá, có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của chủ tàu cá;

+ Chứng minh thư nhân dân;

+ Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá;

+ Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá còn hiệu lực;

+ Giấy phép khai thác thủy sản còn hiệu lực hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (tàu dịch vụ hậu cần nghề cá);

+ Giấy chứng nhận bảo hiểm thân tàu cá còn hiệu lực.

3.2. Bảo hiểm tai nạn thuyền viên tàu cá, hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị hỗ trợ bảo hiểm tai nạn thuyền viên tàu cá có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của chủ tàu cá.

- Bản sao có công chứng các loại giấy tờ của chủ tàu cá:

+ Chứng minh thư nhân dân;

+ Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá;

+ Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá còn hiệu lực;

+ Giấy phép khai thác thủy sản còn hiệu lực hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (đối với tàu dịch vụ hậu cần nghề cá);

+ Giấy chứng nhận bảo hiểm tai nạn thuyền viên tàu cá còn hiệu lực.

4. Thủ tục:

- Chủ tàu sau khi hoàn thành việc đóng mới, cải hoán tàu cá, mua bảo hiểm thân tàu, mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên tàu cá gửi Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thành lập Hội đồng thẩm tra đóng mới, cải hoán tàu cá, làm cơ sở để Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận vào đơn đề nghị hỗ trợ của chủ tàu.

- Căn cứ vào hồ sơ đề nghị cấp kinh phí hỗ trợ của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố gửi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và các ngành chức năng thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định cấp kinh phí hỗ trợ.

- Căn cứ vào Quyết định cấp kinh phí hỗ trợ của Ủy ban nhân dân tỉnh; Sở Tài chính thực hiện cấp bổ sung có mục tiêu qua ngân sách cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp bổ sung có mục tiêu qua ngân sách cấp xã.

- Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ cho chủ tàu cá, không để xảy ra tiêu cực, lợi dụng, thanh toán sai đối tượng được hỗ trợ và thực hiện công khai mức hỗ trợ theo quy định hiện hành.

5. Phương thức hỗ trợ: Hỗ trợ sau đầu tư, trực tiếp cho các chủ tàu cá đã được đăng ký và cấp phép hoạt động.

6. Thời gian thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ: Từ 01/01/2014 đến hết năm 2015.

7. Nguồn kinh phí: Từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương và nguồn kinh phí hỗ trợ phòng chống dịch bệnh nông nghiệp, hỗ trợ giống, thuốc trừ cỏ và hỗ trợ khác từ ngân sách cấp tỉnh năm 2014 - 2015.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các địa phương có liên quan tổ chức thực hiện Điều 1, Quyết định này;

- Phối hợp với Sở Tài chính, các ngành liên quan hướng dẫn thủ tục và quy trình hỗ trợ, thủ tục nghiệm thu, cấp phát kinh phí, đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định của Nhà nước;

- Hàng năm lập dự trù kinh phí thực hiện năm sau, gửi Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phân bổ vốn trong dự toán ngân sách hàng năm, riêng năm 2013 hỗ trợ theo thực tế;

- Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố theo dõi tình hình hoạt động của các chủ tàu cá, phát hiện những trường hợp lợi dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước để trục lợi, kịp thời đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ cho phù hợp với tình hình thực tế;

- Thông báo bằng văn bản đến Sở Tư pháp biết các chủ tàu cá nhận chính sách hỗ trợ của tỉnh để cùng phối hợp thực hiện.

2. Sở Tài chính:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành, các địa phương hướng dẫn thủ tục và quy trình hỗ trợ, thủ tục nghiệm thu, cấp phát kinh phí đảm bảo quy định;

- Tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí ngân sách để thực hiện chính sách theo quy định tại Quyết định này;

- Kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Lao động Thương binh và Xã hội: Phối hợp với các ngành thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho ngư dân theo Quyết định số 1956/2009/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Thông báo công khai, rộng rãi chủ trương hỗ trợ của tỉnh để chủ tàu cá biết, thực hiện;

- Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Phòng Kinh tế thành phố tổ chức tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đề nghị hỗ trợ của chủ tàu cá, đúng đối tượng được hỗ trợ;

- Tổng hợp danh sách chủ tàu cá đủ điều kiện được hỗ trợ, mức kinh phí trình Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp).

5. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn:

- Chỉ đạo thành lập Hội đồng thẩm tra đúng đối tượng chủ tàu cá được hỗ trợ;

- Thông báo công khai, rộng rãi chủ trương, mức hỗ trợ của Ủy ban nhân dân tỉnh để chủ tàu cá biết, thực hiện;

- Chịu trách nhiệm thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ cho chủ tàu cá, thanh toán đúng đối tượng được hỗ trợ và thực hiện công khai mức hỗ trợ theo quy định hiện hành.

6. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh theo dõi các chủ tàu cá đã nhận chính sách hỗ trợ, phát hiện các chủ tàu cá có dấu hiệu lợi dụng chính sách của Nhà nước để trục lợi, phối hợp với sở, ngành, địa phương có biện pháp xử lý kịp thời.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Lao động Thương binh và Xã hội; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng ngành, đơn vị, cá nhân có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VPUBND tỉnh;
- Lưu VT, NN, TH, TM.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Văn Sinh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3044/QĐ-UBND năm 2013 quy định chính sách hỗ trợ ngư dân tỉnh Thái Bình đóng mới, cải hoán tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá

  • Số hiệu: 3044/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/12/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình
  • Người ký: Phạm Văn Sinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/12/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản