Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3468/UBND-KT
V/v hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân theo Quyết định số 289/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

Phan Thiết, ngày 18 tháng 7 năm 2008

 

Kính gửi:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Sở Tài chính;
- Kho bạc Nhà nước tỉnh;
- Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển.

 

Ngày 18 tháng 3 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 289/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và ngư dân. Để triển khai Quyết định trên, Bộ Tài chính đã có Thông tư số 35/2008/TT-BTC ngày 25 tháng 4 năm 2008 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 289/QĐ-TTg và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Quyết định số 1381/QĐ-BNN-KTBVNL ngày 06 tháng 5 năm 2008 về việc ban hành tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật đối với tàu cá được hỗ trợ theo Quyết định số 289/QĐ-QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Công điện số 30/CĐ-BNN-KTBVNL ngày 19 tháng 6 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc khẩn trương triển khai thực hiện Quyết định số 289/QĐ-TTg ngày 18 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến kết luận của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội nghị giao ban trực tuyến với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ngày 08 tháng 7 năm 2008;

Để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho ngư dân thống nhất trong toàn tỉnh, phù hợp với tình hình thực tế nghề cá của địa phương và giải quyết hỗ trợ kịp thời cho ngư dân, Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn một số nội dung cụ thể trong triển khai thực hiện chính sách trên như sau:

I. HƯỚNG DẪN VỀ ĐỐI TƯỢNG, ĐIỀU KIỆN VÀ HỒ SƠ HỖ TRỢ NGƯ DÂN

Ngư dân theo hướng dẫn tại Mục I của Công văn này gồm chủ tàu cá là cá nhân, hợp tác xã, không bao gồm các tổ chức thành lập theo Luật Doanh nghiệp.

1. Hỗ trợ ngư dân mua mới, đóng mới tàu đánh bắt hải sản hoặc tàu cung ứng dịch vụ cho hoạt động khai thác hải sản có công suất máy chính từ 90 CV trở lên

a) Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ:

Ngư dân thực hiện mua mới, đóng mới tàu đánh bắt hải sản hoặc tàu cung ứng dịch vụ cho hoạt động khai thác thủy sản có công suất máy chính từ 90 CV trở lên.

b) Điều kiện được hỗ trợ:

- Tàu mua mới, đóng mới phải có công suất từ 90 CV trở lên, đã hoàn thành thủ tục đăng kiểm, đăng ký, có Giấy phép khai thác thủy sản (đối với tàu đánh bắt hải sản) hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (đối với tàu dịch vụ hậu cần), đã hoàn thành việc mua bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên.

- Tàu mua mới, đóng mới phải đạt các tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật theo quy định tại Quyết định số 1381/QĐ-BNN-KTBVNLTS ngày 06 tháng 5 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cụ thể:

+ Tàu đóng mới phải có Quyết định cho phép đóng mới của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành trong năm 2008 hoặc các năm tiếp theo.

+ Tàu mua mới phải là tàu mua trực tiếp từ cơ sở đóng mới tàu cá có tư cách pháp nhân, có chứng từ mua bán hợp lệ. (hoá đơn bán hàng của cơ sở đóng tàu do Bộ Tài chính phát hành).

+ Máy mới 100% là máy thủy chuyên dùng (không phải là máy được thủy hóa); có đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, có hồ sơ kỹ thuật kèm theo, có chứng từ mua bán hợp lệ (hoá đơn bán hàng do Bộ Tài chính phát hành) và cam kết bảo hành của chính hãng (theo điều khoản ghi trong hợp đồng hoặc Giấy bảo hành kèm theo máy).

Công suất máy là công suất định mức liên tục của máy chính lai chân vịt lắp đặt trên tàu, không bao gồm máy phụ và các động cơ chuyên dụng khác.

- Ngư dân có địa chỉ cư trú hợp pháp, có hoạt động khai thác hải sản hoặc dịch vụ hậu cần trên biển được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn sở tại (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân xã) xác nhận.

c) Hồ sơ hỗ trợ:

- Đơn đề nghị hỗ trợ mua mới, đóng mới tàu (theo mẫu thống nhất của Bộ Tài chính) có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã về tàu đang hoạt động thường xuyên trên biển.

- Bản sao có công chứng hoặc có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã về các giấy tờ:

+ Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá;

+ Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá (còn hiệu lực);

+ Giấy phép khai thác thủy sản (còn hiệu lực) hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (đối với tàu dịch vụ hậu cần);

+ Giấy chứng nhận bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn thuyền viên (còn hiệu lực).

- Bản sao các giấy tờ liên quan đến việc xác định vỏ mới, máy mới 100%, gồm:

+ Quyết định cho phép đóng mới tàu cá của Sở Thuỷ sản (cũ) hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký từ ngày 01 tháng 01 năm 2008 trở về sau; đối với tàu mua mới phải có thêm hoá đơn bán hàng của cơ sở đóng tàu do Bộ Tài chính phát hành.

+ Chứng chỉ chất lượng máy thuỷ của chính hãng (Certificates of Quality) ghi rõ tên/model và số series cho từng máy;

+ Bản sao Giấy chứng nhận xuất xứ máy thuỷ (Country of Origin, C/O);

+ Bản sao Tờ khai hải quan của máy thuỷ nhập khẩu;

+ Biên bản kiểm tra kỹ thuật của Cơ quan đăng kiểm tàu cá trong đó có ghi kết luận cụ thể là vỏ mới, máy mới 100%.

2. Hỗ trợ ngư dân thay máy mới có công suất từ 40 CV trở lên

a) Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ, gồm:

Ngư dân là chủ sở hữu của tàu đánh bắt hải sản hoặc tàu dịch vụ phục vụ hoạt động khai thác thuỷ sản thực hiện thay máy cũ bằng máy mới có công suất từ 40 CV trở lên.

b) Điều kiện được hỗ trợ:

- Tàu đánh bắt hải sản, tàu dịch vụ phục vụ hoạt động khai thác hải sản đã hoàn thành thủ tục đăng ký, đăng kiểm, có Giấy phép khai thác thủy sản, tham gia mua bảo hiểm thân tàu.

- Được Ủy ban nhân dân xã xác nhận tàu đang hoạt động thường xuyên trên biển.

- Máy được lắp đặt trên tàu phải là máy mới 100% đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quy định tại điểm b, khoản 1, Mục I của Công văn này.

c) Hồ sơ hỗ trợ:

- Đơn đề nghị hỗ trợ thay máy tàu (theo mẫu thống nhất của Bộ Tài chính) có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã đang hoạt động thường xuyên trên biển.

- Bản sao có công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã về các giấy tờ:

+ Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá;

+ Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá (còn hiệu lực);

+ Giấy phép khai thác thủy sản (còn hiệu lực) hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (đối với tàu dịch vụ hậu cần);

+ Giấy chứng nhận bảo hiểm thân tàu (còn hiệu lực).

- Bản sao các giấy tờ liên quan đến việc xác định máy mới 100%, gồm:

+ Chứng chỉ chất lượng máy thuỷ của chính hãng (Certificates of Quality) ghi rõ tên/model và số series cho từng máy;

+ Bản sao Giấy chứng nhận xuất xứ máy thuỷ (Country of Origin, C/O);

+ Bản sao Tờ khai hải quan của máy thuỷ nhập khẩu;

+ Biên bản kiểm tra kỹ thuật của Cơ quan đăng kiểm tàu cá trong đó có ghi kết luận cụ thể là máy mới 100%.

3. Hỗ trợ về kinh phí bảo hiểm thân tàu và hỗ trợ bảo hiểm tai nạn thuyền viên

a) Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ:

- Hỗ trợ bảo hiểm thân tàu cho ngư dân là chủ sở hữu các tàu đánh bắt hải sản và tàu dịch vụ có công suất từ 40 CV trở lên đã mua bảo hiểm thân tàu.

- Hỗ trợ bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho thuyền viên làm việc trên tàu cá, tàu dịch vụ không phân biệt công suất có mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên.

b) Điều kiện được hỗ trợ:

- Tàu đánh bắt hải sản và tàu dịch vụ hậu cần có công suất từ 40 CV trở lên, đã hoàn thành thủ tục đăng ký, đăng kiểm, có Giấy phép khai thác hải sản hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tham gia mua bảo hiểm thân tàu.

- Thuyền viên làm việc trên tàu cá, tàu dịch vụ không phân biệt công suất, đã hoàn thành thủ tục đăng ký, đăng kiểm, có Giấy phép khai thác hải sản hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tham gia mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên.

c) Hồ sơ hỗ trợ:

- Đơn đề nghị hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn thuyền viên (theo mẫu thống nhất của Bộ Tài chính) của chủ tàu có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã về tàu đang hoạt động thường xuyên trên biển.

- Bản sao có công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã về các giấy tờ:

+ Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá;

+ Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá (đối với tàu từ 20 CV trở lên, còn hiệu lực);

+ Giấy phép khai thác thủy sản (còn hiệu lực) hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (đối với tàu dịch vụ hậu cần);

+ Giấy chứng nhận bảo hiểm thân tàu còn hiệu lực ít nhất là 3 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ của năm đề nghị hỗ trợ (không áp dụng đối với tàu công suất dưới 40 CV);

+ Giấy chứng nhận bảo hiểm thuyền viên còn hiệu lực ít nhất là 3 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ của năm đề nghị hỗ trợ;

+ Sổ danh bạ thuyền viên tàu cá có ghi danh sách thuyền viên mua bảo hiểm.

4. Hỗ trợ về dầu cho ngư dân là chủ sở hữu tàu đánh bắt hải sản hoặc tàu cung ứng dịch vụ cho hoạt động khai thác hải sản

a) Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ:

Ngư dân là chủ sở hữu tàu đánh bắt hải sản, tàu dịch vụ có tiến hành hoạt động khai thác hoặc dịch vụ thường xuyên trên biển, nguồn thu từ đánh bắt và dịch vụ trên biển là nguồn thu nhập chính.

b) Điều kiện được hỗ trợ:

- Các chủ tàu đánh bắt hải sản, tàu dịch vụ đã hoàn thành thủ tục đăng ký, đăng kiểm và có Giấy phép khai thác thủy sản (đối với tàu đánh bắt hải sản) hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (đối với tàu dịch vụ).

- Có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã hoặc Đồn biên phòng về tàu hoạt động thường xuyên trên biển.

c) Hồ sơ hỗ trợ:

- Đơn đề nghị hỗ trợ về dầu (theo mẫu thống nhất của Bộ Tài chính) có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã hoặc Đồn biên phòng. Trường hợp tàu di chuyển ngư trường đến các địa phương khác hoạt động thì ngư dân có thể lấy xác nhận của Đồn biên phòng của nơi đến.

- Báo cáo hoạt động chuyến biển (theo mẫu đính kèm văn bản này) có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã hoặc Đồn biên phòng.

- Bản sao có công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã về các giấy tờ:

+ Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá;

+ Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá (đối với tàu từ 20 CV trở lên, còn hiệu lực);

+ Giấy phép khai thác thủy sản (còn hiệu lực) hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (đối với tàu dịch vụ);

+ Giấy chứng nhận bảo hiểm tai nạn thuyền viên đối với tàu từ 90 CV trở lên (còn hiệu lực).

* Đối với các lần hỗ trợ về dầu tiếp theo trong năm 2008, hồ sơ hỗ trợ như sau:

- Đơn đề nghị hỗ trợ về dầu có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã hoặc Đồn biên phòng về tàu đang hoạt động thường xuyên trên biển.

- Báo cáo hoạt động chuyến biển có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã hoặc Đồn biên phòng.

II. VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC HỖ TRỢ NGƯ DÂN VÀ XÂY DỰNG DỰ TOÁN, PHƯƠNG THỨC CẤP PHÁT, HẠCH TOÁN VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ HỖ TRỢ CHO NGƯ DÂN VÀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

1. Về trình tự, thủ tục hỗ trợ

a) Ngư dân sau khi hoàn thành việc đóng mới tàu, mua tàu mới, thay máy mới, mua bảo hiểm thân tàu, mua bảo hiểm thuyền viên hoặc sau khi kết thúc chuyến đi biển đánh bắt hải sản lập hồ sơ theo hướng dẫn gửi đến Ủy ban nhân dân xã nơi cư trú.

b) Căn cứ vào hồ sơ do ngư dân lập, Ủy ban nhân dân xã tổng hợp danh sách và gửi toàn bộ hồ sơ của ngư dân cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc Phòng Kinh tế) chủ trì, phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định hồ sơ. Kết quả thẩm định phải được lập thành văn bản và lưu giữ tại cơ quan chủ trì thẩm định cùng với hồ sơ xin hỗ trợ. Trường hợp hồ sơ xin hỗ trợ của ngư dân không đủ điều kiện theo quy định thì cơ quan thẩm định phải có văn bản thông báo cho ngư dân để bổ sung hoàn thiện hồ sơ.

c) Căn cứ kết quả thẩm định, Phòng Nông nghiệp Phát triển nông thôn (hoặc Phòng Kinh tế) lập báo cáo trình Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân huyện) xem xét ban hành quyết định về danh sách và mức hỗ trợ cho ngư dân. Quyết định được gửi cho các cơ quan: Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc Phòng Kinh tế), Phòng Tài chính - Kế hoạch, Kho bạc Nhà nước huyện, thị xã, Ủy ban nhân dân xã nơi có ngư dân được hỗ trợ.

d) Căn cứ Quyết định hỗ trợ ngư dân của Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân xã niêm yết và công bố công khai tại trụ sở về danh sách và mức hỗ trợ cho ngư dân. Việc công bố công khai danh sách và mức hỗ trợ cho ngư dân thực hiện theo quy định tại Thông tư số 54/2006/TT-BTC ngày 19 tháng 6 năm 2006 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện quy chế công khai hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước đối với cá nhân, dân cư.

e) Căn cứ Quyết định hỗ trợ ngư dân của Ủy ban nhân dân huyện, Kho bạc Nhà nước huyện có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân xã thông báo công khai lịch cấp tiền hỗ trợ cho ngư dân để ngư dân đến Kho bạc Nhà nước huyện làm thủ tục lĩnh tiền hỗ trợ. Khi nhận tiền hỗ trợ ngư dân phải xuất trình Giấy chứng minh nhân dân để đối chiếu.

2. Về xây dựng dự toán, phương thức cấp phát, hạch toán và quyết toán kinh phí hỗ trợ ngư dân

a) Căn cứ danh sách số hộ ngư dân thuộc diện được hỗ trợ trên địa bàn huyện, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triền nông thôn (hoặc Phòng Kinh tế) xây dựng dự toán kinh phí thực hiện chính sách của toàn huyện tổng hợp vào dự toán chi ngân sách huyện hàng năm báo cáo Sở Tài chính để tổng hợp vào dự toán chi ngân sách địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tài chính, lập phương án phân bổ kinh phí thực hiện chính sách cho từng địa phương, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh giao dự toán chi hỗ trợ ngư dân cho các địa phương cùng với dự toán ngân sách hàng năm.

b) Căn cứ dự toán chi hỗ trợ ngư dân được Ủy ban nhân dân tỉnh giao, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triền nông thôn (hoặc Phòng Kinh tế) lập phương án phân bổ kinh phí báo cáo Ủy ban nhân dân huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định cùng với dự toán ngân sách nhà nước hàng năm.

c) Khi kết thúc năm, số kinh phí hỗ trợ cho ngư dân không sử dụng hết được chuyển sang năm sau để tiếp tục thực hiện, không được sử dụng cho mục đích khác. Trường hợp trong năm thiếu kinh phí, Ủy ban nhân dân huyện chủ động ứng trước kinh phí để chi trả cho ngư dân và báo cáo Sở Tài chính (cụ thể số đối tượng và số kinh phí còn thiếu) để trình Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung. Khi kết thúc thời gian thực hiện chính sách, số kinh phí còn thừa (nếu có) sẽ được thu hồi để hoàn trả cho ngân sách Trung ương.

Riêng đối với năm 2008, trên cơ sở số đối tượng và nhu cầu kinh phí chi trả do Ủy ban nhân dân huyện báo cáo, Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định tạm ứng có mục tiêu cho ngân sách các huyện để kịp thời chi trả cho các đối tượng.

3. Về chế độ báo cáo

Định kỳ hàng tháng, Ủy ban nhân dân các huyện báo cáo chi tiết về tình hình chi hỗ trợ cho ngư dân theo từng loại chính sách và từng đối tượng trên địa bàn theo quy định tại khoản 4, 5, 6, 7 của Điều 1 Quyết định số 289/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gửi Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triền nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triền nông thôn.

III. TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

Để việc thực hiện hỗ trợ được nhanh chóng, chính xác và tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân trong việc nhận hỗ trợ theo chính sách, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo một số vấn đề trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ như sau:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã: lập bộ phận chuyên trách tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đề nghị hỗ trợ của ngư dân để tham mưu cho Ủy ban nhân dân xã xác nhận vào hồ sơ đề nghị hỗ trợ của ngư dân đúng nội dung, bảo đảm chính xác, khách quan về hoạt động của ngư dân trên biển; tổng hợp danh sách và gửi toàn bộ hồ sơ cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế để thẩm định; niêm yết và công bố công khai về danh sách và mức hỗ trợ cho ngư dân; phối hợp với Kho bạc Nhà nước huyện thông báo công khai lịch cấp tiền hỗ trợ cho ngư dân.

b) Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc Phòng Kinh tế) và Phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định nhanh chóng, chính xác hồ sơ để giải quyết hổ trợ kịp thời cho ngư dân. Các trường hợp không đủ hồ sơ theo quy định thì phải nhanh chóng hướng dẫn ngư dân bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chỉ đạo Chi cục Quản lý thủy sản tổ chức kiểm tra chặt chẽ để kết luận chính xác trong Biên bản kiểm tra kỹ thuật về các trường hợp tàu mua mới, tàu đóng mới, thay máy mới, theo đúng tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật đã ban hành; theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.

3. Sở Tài chính chịu trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo nguồn kinh phí để cấp tạm ứng cho các huyện thực hiện chi hỗ trợ cho ngư dân, định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện cho Bộ Tài chính theo quy định.

4. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chỉ đạo các Đồn biên phòng xác nhận vào đơn xin hỗ trợ dầu về hoạt động khai thác hoặc dịch vụ trên biển của ngư dân, đảm bảo thuận lợi, nhanh chóng, đúng đối tượng và điều kiện quy định.

5. Tổ công tác 289 của tỉnh có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân theo đúng hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương và của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn này, kịp thời báo cáo và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết những vấn đề vướng mắc của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.

6. Về thời gian tổ chức hỗ trợ cho ngư dân:

a) Đối với việc hỗ trợ mua mới, đóng mới tàu cá và thay máy mới tại khoản 1 và khoản 2, Mục I của văn bản này, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo xét duyệt và ra quyết định về mức hỗ trợ theo quy định cho từng trường hợp khi ngư dân đã nộp đủ hồ sơ theo quy định (không chờ tập hợp nhiều hồ sơ để giải quyết một lần).

b) Đối với việc hỗ trợ về bảo hiểm tại khoản 3, Mục I của văn bản này, hàng tháng, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo xét duyệt và ra quyết định về danh sách và mức hỗ trợ tiền mua bảo hiểm của năm lập hồ sơ cho ngư dân.

c) Đối với hỗ trợ về dầu tại khoản 4, Mục I văn bản này, Ủy ban nhân dân huyện tổ chức xét duyệt và ra quyết định về danh sách và mức hỗ trợ trong năm 2008 theo thời gian như sau:

- Từ nay đến 31 tháng 8 năm 2008: thực hiện hỗ trợ dầu lần 1 năm 2008.

Mức hỗ trợ lần 1:

+ Tàu từ 90 CV trở lên:                                      8.000.000 đồng/tàu.

+ Tàu từ 40 CV đến dưới 90 CV:                         5.000.000 đồng/tàu.

+ Tàu dưới 40 CV:                                             3.000.000 đồng/tàu.

- Từ ngày 01 tháng 9 đến ngày 15 tháng 10 năm 2008: thực hiện hỗ trợ dầu lần 2 năm 2008.

Mức hỗ trợ lần 2 như lần 1.

- Từ ngày 16 tháng 10 đến ngày 30 tháng 11 năm 2008: thực hiện hỗ trợ dầu lần 3 năm 2008.

Mức hỗ trợ lần 3 như lần 1.

- Từ ngày 01 tháng 12 đến ngày 15 tháng 01 năm 2009: thực hiện hỗ trợ dầu lần 4 năm 2008

Mức hỗ trợ lần 4:

+ Tàu từ 40 CV đến dưới 90 CV:                5.000.000 đồng/tàu.

+ Tàu dưới 40 CV:                                     6.000.000 đồng/tàu.

(tàu từ 90 CV trở lên đã hỗ trợ đủ 3 lần theo quy định nên không hỗ trợ trong lần 4. Đối với tàu dưới 40 CV gộp lần 5 vào lần 4 để giải quyết chung trong lần 4)

Yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã phổ biến ngay Công văn này đến các ban, ngành, đoàn thể cấp xã và trưởng các thôn, khu phố, đồng thời tổ chức niêm yết công khai Công văn này để ngư dân biết, thực hiện; chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ đúng thời gian và mức hỗ trợ quy định.

Ngoài những nội dung đã hướng dẫn cụ thể tại Công văn này, những nội dung khác có liên quan đến thủ tục, trình tự hỗ trợ cho ngư dân vẫn thực hiện theo Quyết định số 289/TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện của các Bộ, ngành có liên quan.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có gì vướng mắc, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố vùng biển kịp thời phản ánh về Tổ công tác 289, Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết theo thẩm quyền./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
 - Bộ NN&PTNT (b/c);
 - Bộ Tài chính (b/c);
 - TT. Tỉnh ủy;
 - TT. HĐND tỉnh;
 - Chủ tịch, các PCTUBND tỉnh;
 - UBMTTQ tỉnh;
 - Hội Nông dân tỉnh;
 - Đài Phát thanh - Truyển hình BT;
 - Báo Bình Thuận (phổ biến);
- Lưu: VT, TH, KT. Vân (30b).

CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3468/UBND-KT hướng dẫn chính sách hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 289/QĐ-TTg do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành

  • Số hiệu: 3468/UBND-KT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 18/07/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Huỳnh Tấn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản