Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2999/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 03 tháng 12 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN: "TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM QUẢN LÝ VẬN HÀNH HỆ THỐNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN HẢI QUAN"

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Luật Hải quan ngày 29/06/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan ngày 14/06/2005;

Căn cứ Quyết định số 02/2010/QĐ-TTg ngày 15/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 448/QĐ-TTg ngày 25/03/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Quyết định số 1514/QĐ-BTC ngày 22/06/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc phê duyệt Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2011-2015;

Căn cứ Hiệp định tài trợ dự án Thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia cho Hiện đại hóa Hải quan giữa Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký ngày 22/3/2012 tại Hà Nội;

Căn cứ Công hàm trao đổi tài trợ dự án Thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia cho Hiện đại hóa Hải quan giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam ký ngày 22/3/2012 tại Hà Nội;

Căn cứ Quyết định số 117/QĐ-BTC ngày 15/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục CNTT & Thống kê hải quan trực thuộc Tổng cục Hải quan;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án: "Triển khai hoạt động của Trung tâm Quản lý vận hành hệ thống công nghệ thông tin hải quan", với những nội dung sau:

1. Mục tiêu tổng quát của đề án:

- Tổ chức quản lý, vận hành toàn bộ hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin tập trung ngành Hải quan hoạt động thông suốt 24/7 đảm bảo an ninh, an toàn đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ, thực hiện thủ tục hải quan điện tử và cơ chế một cửa quốc gia; duy trì hoạt động ổn định của hạ tầng truyền thông, kết nối các đơn vị trong ngành Hải quan và các cơ quan có liên quan.

- Nâng tầm công tác quản lý, vận hành, xử lý thông tin điện tử hải quan, tạo nền tảng cho việc chuyển đổi căn bản phương pháp quản lý của ngành Hải quan theo hướng hiện đại, phù hợp với định hướng chung của Hải quan khu vực, thế giới và thực tiễn của Việt Nam.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức quản lý, vận hành hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin có năng lực và phẩm chất, đáp ứng các tiêu chuẩn về: chính quy, chuyên nghiệp, chuyên sâu về nghiệp vụ, có khả năng tiếp cận, vận dụng các kiến thức, kỹ thuật, công nghệ khoa học hiện đại vào thực tiễn công tác.

2. Nội dung thực hiện:

2.1. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý và nguồn nhân lực của Trung tâm Quản lý vận hành hệ thống CNTT hải quan thuộc Cục CNTT & Thống kê hải quan. Giao Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan thực hiện:

2.1.1. Phê duyệt tổ chức bộ máy của Trung tâm Quản lý vận hành hệ thống CNTT hải quan thuộc Cục CNTT & Thống kê hải quan theo hướng: (i) giai đoạn 2013-2015 thành lập cấp Đội chuyên môn để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được chuyên môn hóa; (ii) Giai đoạn 2016-2020 đánh giá và xem xét trình cấp có thẩm quyền nâng cấp thành phòng chuyên môn để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ.

- Về loại hình đơn vị sự nghiệp: Trung tâm Quản lý vận hành hệ thống công nghệ thông tin hải quan là đơn vị sự nghiệp công lập (đơn vị có nguồn thu sự nghiệp thấp, đơn vị không có nguồn thu, kinh phí hoạt động thường xuyên do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ);

- Về cơ cấu tổ chức: Trung tâm dự kiến gồm 5 Đội. Về nhiệm vụ, quyền hạn của các Đội thuộc Trung tâm do Cục trưởng Cục CNTT & Thống kê hải quan quy định và báo cáo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan;

- Về biên chế sự nghiệp của Trung tâm: Bổ sung số lượng cán bộ làm việc tại Trung tâm Quản lý vận hành hệ thống công nghệ thông tin hải quan theo các giai đoạn:

+ Giai đoạn I từ năm 2013-2015: Trung tâm QLVHHTCNTT hải quan hoạt động trên cơ sở nguồn lực biên chế khoảng 50 người, với cơ cấu nhân sự: (i) làm về kỹ thuật: 35 người; (ii) làm về giải đáp vướng mắc (Help-Desk): 10 người; (iii) làm các công việc khác (quản trị, tài chính...): 05 người;

+ Giai đoạn II: Từ năm 2016-2020: Trung tâm QLVHHTCNTT hải quan có biên chế khoảng 100 người, với cơ cấu nhân sự: (i) làm về kỹ thuật: 60 đến 65 người; (ii) làm về giải đáp vướng mắc (Help-Desk): 25 đến 30 người; (iii) làm các công việc khác (quản trị, tài chính...): 10 người;

- Nguồn biên chế: Nguồn biên chế của Trung tâm Quản lý vận hành hệ thống CNTT hải quan được bổ sung trên cơ sở:

+ Toàn bộ biên chế hiện hành của Trung tâm Quản lý vận hành hệ thống CNTT hải quan thuộc Cục CNTT & Thống kê hải quan: 13 người.

+ Thuyên chuyển theo nguyện vọng (ưu tiên các cán bộ nghiệp vụ, CNTT) từ các Vụ, Cục thuộc cơ quan Tổng cục và các Cục Hải quan tỉnh, thành phố: 20 người.

+ Bổ sung biên chế mới qua công tác tuyển dụng hàng năm: 67 người.

- Cơ chế tuyển dụng: Áp dụng cơ chế xét tuyển đối với một số vị trí như kế toán, quản lý khác và cơ chế tuyển dụng hợp đồng 68 đối với đội ngũ CNTT chuyên sâu có chất lượng để thực hiện công việc chuyên môn (là nam giới). Sau một thời gian công tác nếu thấy những đối tượng này hoàn thành tốt nhiệm vụ, có nguyện vọng công tác lâu dài tại Trung tâm thì có thể xem xét, tuyển dụng vào biên chế chính thức; Ngoài ra Tổng cục Hải quan thực hiện điều chuyển trong Ngành để bổ sung biên chế cho Trung tâm này.

2.1.2. Thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung chức năng nhiệm vụ của các Trung tâm DL&CNTT hiện tại của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố phục vụ cho việc kết nối toàn bộ các hệ thống CNTT trong toàn Ngành và phù hợp với mô hình xử lý dữ liệu tập trung.

2.2. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khi triển khai các ứng dụng tập trung cấp Tổng cục và tiếp nhận hệ thống VNACCS/VCIS từ Hải quan Nhật Bản. Bao gồm các nhiệm vụ lớn sau:

- Thực hiện công tác quản lý, vận hành các ứng dụng CNTT;

- Tổ chức quản trị, giám sát 24/7 tình trạng hoạt động, an ninh, kết nối mạng, truyền nhận dữ liệu và việc khai thác sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin đặt tại Trung tâm;

- Thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ, giải đáp vướng mắc cho các đối tượng sử dụng hệ thống VNACCS/VCIS, Single Windows và các hệ thống thành phần khác;

- Thực hiện công tác quản lý, đảm bảo kỹ thuật, an ninh an toàn cho hệ thống CNTT tại trung tâm;

- Thực hiện công tác bảo trì bảo dưỡng, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống mạng, trang thiết bị, phần mềm hệ thống của Trung tâm để đảm bảo đủ điều kiện hoạt động theo tiêu chuẩn quy định;

- Phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Ngành liên quan đến việc khai thác sử dụng các hệ thống đặt tại Trung tâm và kết nối, truyền nhận dữ liệu giữa các hệ thống tại Trung tâm với các hệ thống bên ngoài;

- Thực hiện cung cấp các dịch vụ công điện tử của ngành Hải quan theo quy định của pháp luật.

2.3. Xây dựng và thực hiện cơ chế thuê khoán chuyên môn ngoài ngành để thực hiện bảo trì, bảo hành mở rộng, bảo dưỡng định kỳ, nâng cấp hệ thống và khắc phục sự cố kỹ thuật đảm bảo hoạt động liên tục 24/7 cho Trung tâm QLVH hệ thống CNTT hải quan thông qua hình thức ký hợp đồng với các công ty trong nước, trong trường hợp các công ty trong nước không đủ nguồn lực thì các công ty được ký hợp đồng thuê chuyên gia, nhà thầu nước ngoài, Tổng cục Hải quan không ký trực tiếp với chuyên gia, nhà thầu nước ngoài;

2.3.1. Những dịch vụ thuê khoán theo tính chất định kỳ:

- Thuê dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng, bảo hành mở rộng các trang thiết bị kỹ thuật bao gồm: hệ thống điện, hệ thống điều hòa, phòng chống cháy nổ, hệ thống an ninh, hệ thống máy móc CNTT (máy chủ, thiết bị mạng, lưu trữ, thiết bị ANAT...);

- Thuê dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng, bảo hành mở rộng các hệ thống ứng dụng CNTT hải quan (bao gồm hệ thống VNACCS/VCIS, hệ thống single Window, các hệ thống CNTT khác).

- Hỗ trợ kỹ thuật (Đối với những công việc cần trình độ cao như turning CSDL, xử lý các vấn đề kỹ thuật của hệ thống phần mềm, phần cứng...);

2.3.2. Những dịch vụ thuê khoán theo tính chất đột xuất:

+ Thuê nâng cấp hệ thống ứng dụng CNTT đáp ứng sự thay đổi của chính sách quản lý;

+ Thuê khắc phục sự cố kỹ thuật đảm bảo hoạt động liên tục 24/7.

Để thực hiện các công việc nêu trên trong trường hợp cần thiết mà các đối tác là chuyên gia và công ty trong nước không đáp ứng được thì được phép thuê các chuyên gia, nhà thầu nước ngoài;

2.4. Xây dựng và thực hiện cơ chế chi trả lương cho cán bộ, nhân viên theo nguyên tắc khoán tổng quỹ lương của toàn bộ cán bộ, công chức của Trung tâm, bằng 2,5 lần mức lương tối thiểu; Được quyền chủ động chi trả lương theo năng lực chuyên môn của cán bộ trên cơ sở tổng quỹ lương của Trung tâm được duyệt;

3. Phạm vi triển khai: thực hiện đề án trong ngành Hải quan;

4. Đơn vị chủ quản: Tổng cục Hải quan;

5. Đơn vị thực hiện: Cục CNTT & Thống kê hải quan;

6. Thời gian thực hiện đề án: từ năm 2013 - 2020.

Điều 2. Kinh phí triển khai đề án bao gồm các nội dung sau:

1. Kinh phí thực hiện các hạng mục mua sắm cơ sở vật chất kỹ thuật của đề án giai đoạn 2013-2015: 149.000 triệu đồng (Bằng chữ: Một trăm bốn mươi chín tỷ đồng chẵn). Cụ thể như sau:

Đơn vị tính: Triệu đồng

STT

NỘI DUNG ĐẦU TƯ

THỜI GIAN

TỔNG MỨC ĐẦU TƯ

II

CÁC NỘI DUNG MUA SẮM

 

29.000

1

Mua sắm hệ thống quản lý điều hành để triển khai bộ phận trợ giúp (Help-Desk) phục vụ triển khai hệ thống VNACCS/VCIS và các hệ thống ứng dụng CNTT tập trung ngành Hải quan

2013-2014

29.000

II

CÁC NỘI DUNG THUÊ KHOÁN

 

120.000

1

Thuê dịch vụ bảo hành mở rộng trang thiết bị CNTT của trung tâm. Gồm các hạng mục:

- Thực hiện bảo hành mở rộng đối với toàn bộ hạ tầng kỹ thuật phần cứng (đối với các hạng mục hết bảo hành);

- Thực hiện bảo trì, bảo dưỡng định kỳ các trang thiết bị;

- Kiểm tra, khắc phục ngay khi có sự cố kỹ thuật xảy ra; thay thế, sửa chữa thiết bị lập tức để đảm bảo không gián đoạn hệ thống.

(Hệ thống trang thiết bị CNTT: máy chủ, thiết bị lưu trữ, backup, hệ thống mạng, bảo mật, hệ thống quản trị giám sát, ảo hóa, AD ...)

2014-2015

35.000

2

Thuê dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp các hệ thống phần mềm tại TTDL phục vụ triển khai hệ thống VNACCS/VCIS. Gồm các hạng mục:

- Những nội dung thuê khoán bảo trì, bảo dưỡng định kỳ:

+ Bảo trì, bảo dưỡng, bảo hành mở rộng các hệ thống ứng dụng CNTT hải quan (bao gồm hệ thống VNACCS/VCIS, hệ thống single Window, các hệ thống CNTT khác).

+ Hỗ trợ kỹ thuật đối với những công việc cần trình độ cao như turning cơ sở dữ liệu, xử lý các vấn đề kỹ thuật của hệ thống phần mềm...

- Những nội dung thuê khoán nâng cấp theo tính chất đột xuất:

+ Nâng cấp hệ thống ứng dụng CNTT đáp ứng sự thay đổi của chính sách quản lý;

+ Khắc phục sự cố kỹ thuật đột xuất đảm bảo hoạt động liên tục 24/7.

2014-2015

85.000

 

TỔNG CỘNG (I+II)

 

149.000

2. Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của đề án giai đoạn 2016-2020: sẽ được xác định theo từng nội dung đầu tư và đưa vào kế hoạch danh mục dự toán 5 năm và hàng năm để triển khai thực hiện.

3. Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước cấp cho Tổng cục Hải quan.

Điều 3. Tổ chức thực hiện:

1. Giao Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan:

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức triển khai thực hiện các nội dung Đề án, đảm bảo mục tiêu, phạm vi nội dung và tiến độ được phê duyệt;

- Kiểm tra giám sát tình hình triển khai các dự án của đề án;

- Định kỳ hàng năm báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính tình hình triển khai thực hiện Đề án; đề xuất, báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét phê duyệt điều chỉnh các nội dung của Đề án đảm bảo phù hợp với tiến độ và tình hình thực tế thực hiện.

2. Giao Cục Tin học và Thống kê Tài chính:

- Phối hợp với Tổng cục Hải quan thực hiện các nội dung liên quan đến công tác đầu tư, đảm bảo hạ tầng truyền thông ngành Tài chính để Trung tâm Quản lý vận hành hệ thống công nghệ thông tin của ngành Hải quan hoạt động thông suốt phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu.

- Kiểm tra giám sát việc triển khai thực hiện Đề án đảm bảo thống nhất với hạ tầng công nghệ thông tin của ngành Tài chính.

3. Giao Vụ Kế hoạch tài chính:

Đảm bảo kinh phí thực hiện Đề án đảm bảo đúng quy định, tiết kiệm, hiệu quả.

4. Giao Vụ Tổ chức cán bộ:

Trình lãnh đạo Bộ quyết định theo đúng chức năng thành lập tổ chức mới đối với lực lượng chuyên trách về công nghệ thông tin theo nội dung của Đề án.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Chánh Văn phòng Bộ và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Lưu VT, TCHQ (40b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 

ĐỀ ÁN

TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM QUẢN LÝ VẬN HÀNH HỆ THỐNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN HẢI QUAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2999/QĐ-BTC ngày 03/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

MỤC LỤC

CÁC TỪ VIẾT TẮT

MỞ ĐẦU

I. CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

II. SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN

1. Thực trạng công tác quản lý, vận hành hệ thống ứng dụng CNTT ngành Hải quan

2. Yêu cầu nhiệm vụ quản lý vận hành hệ thống CNTT Hải quan giai đoạn đến năm 2020

3. Tham khảo kinh nghiệm quản lý, vận hành hệ thống CNTT trong nước và quốc tế

III. MỤC TIÊU YÊU CẦU CỦA CÔNG TÁC QUẢN LÝ VẬN HÀNH HỆ THỐNG CNTT HẢI QUAN

1. Mục tiêu tổng quát

2. Mục tiêu cụ thể

IV. NỘI DUNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VẬN HÀNH HỆ THỐNG CNTT NGÀNH HẢI QUAN

1. Thực hiện công tác quản lý, vận hành các ứng dụng CNTT:

2. Tổ chức quản trị, giám sát 24/7 tình trạng hoạt động, an ninh, kết nối mạng, truyền nhận dữ liệu và việc khai thác sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin đặt tại Trung tâm

3. Thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ, giải đáp vướng mắc liên quan hệ thống CNTT và điều phối việc giải đáp vướng mắc liên quan các nghiệp vụ hải quan thực hiện trên hệ thống cho các đối tượng sử dụng hệ thống VNACCS/VCIS, Single Windows và các hệ thống thành phần khác

4. Thực hiện công tác quản lý, đảm bảo kỹ thuật, an ninh an toàn cho hệ thống CNTT tại trung tâm

5. Thực hiện công tác bảo trì bảo dưỡng, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống mạng, trang thiết bị, phần mềm hệ thống của Trung tâm để đảm bảo đủ điều kiện hoạt động theo tiêu chuẩn quy định

6. Phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Ngành liên quan đến việc khai thác sử dụng các hệ thống đặt tại Trung tâm và kết nối, truyền nhận dữ liệu giữa các hệ thống tại Trung tâm với các hệ thống bên ngoài

7. Thực hiện cung cấp các dịch vụ công điện tử của ngành Hải quan theo quy định của pháp luật

V. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về tổ chức bộ máy quản lý

2. Giải pháp về kỹ thuật

3. Giải pháp về nguồn nhân lực

4. Giải pháp về tài chính và thuê khoán chuyên môn

5. Giải pháp về mối quan hệ công tác với các đơn vị nghiệp vụ

VI. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

1. Giai đoạn 2013-2015:

2. Giai đoạn 2016-2020:

VII. DANH MỤC DỰ ÁN VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN

VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính

2. Trách nhiệm của Tổng cục Hải quan

IX. CÁC PHỤ LỤC

PHỤ LỤC 1: HIỆN TRẠNG HỆ THỐNG CNTT NGÀNH HẢI QUAN

PHỤ LỤC 2: BẢNG SỐ LIỆU MÁY MÓC, TRANG THIẾT BỊ TẠI CÁC CỤC HẢI QUAN TỈNH, THÀNH PHỐ

PHỤ LỤC 3: CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TRUNG TÂM NACCS/CIS

PHỤ LỤC 4: SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC BÊN NGOÀI TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ THỐNG NACCS

PHỤ LỤC 5: BẢNG SO SÁNH TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TRUNG TÂM NACCS NHẬT BẢN VÀ TRUNG TÂM QLVHHTCNTT CỦA HẢI QUAN VIỆT NAM

PHỤ LỤC 6: CƠ SỞ TÍNH TOÁN MỨC LƯƠNG HỆ SỐ 2,5 LẦN LƯƠNG TỐI THIỂU

 

CÁC TỪ VIẾT TẮT

Từ viết tắt

Nội dung

CNTT

Công nghệ thông tin

VNACCS/VCIS

Hệ thống Hải quan điện tử và thực hiện cơ chế Hải quan một cửa quốc gia

HQVN

Hải quan Việt Nam

TCHQ

Tổng cục Hải quan

BTC

Bộ Tài chính

TTQLVH

Trung tâm Quản lý vận hành hệ thống công nghệ thông tin hải quan

NACCS

Hệ thống xử lý trực tuyến các thủ tục đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đi và đến bằng đường biển, đường không của Hải quan Nhật Bản

CIS

Hệ thống thông tin tình báo của Hải quan Nhật Bản

VNACCS

Hệ thống xử lý trực tuyến các thủ tục đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đi và đến bằng đường biển, đường không của HQVN

VCIS

Hệ thống thông tin tình báo của HQVN

CSF

File cài đặt chung (common setup file)

CSDL

Cơ sở dữ liệu

MỞ ĐẦU

Trong những năm vừa qua, để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Chính phủ đặt ra cũng như đáp ứng yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế đất nước vào nền kinh tế thế giới, ngành Hải quan đã và đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, hài hòa, tiếp cận với chuẩn mực và thông lệ quốc tế cũng như xây dựng bộ máy tổ chức hướng tới một cơ quan Hải quan chuyên nghiệp, hiện đại với những thành quả nhất định được Đảng, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận một cách tích cực.

Trước những tác động cả tích cực và tiêu cực của quá trình hội nhập kinh tế và thương mại toàn cầu, Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng phê duyệt tại quyết định 448/QĐ-TTg ngày 25/03/2011 đã xác định những trụ cột chính đảm bảo việc phát triển ngành hải quan theo đúng định hướng, theo sát yêu cầu của nhiệm vụ chính trị được giao bao gồm: (i) Thể chế và hệ thống quy trình thủ tục hải quan dần tiệm cận tiến tới hòa nhập với chuẩn mực và thông lệ quốc tế; (ii) Bộ máy tổ chức chính quy với đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, chuyên sâu, tinh nhuệ; và (iii) Có hệ thống công cụ hỗ trợ thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan hiện đại trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), kỹ thuật và trang thiết bị tiên tiến. Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2011-2020 khẳng định ngành Hải quan phải "Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hi quan tích hợp đáp ứng các yêu cầu nghip vụ và thực hiện thủ tục hải quan điện tử theo hướng xử lý d liệu điện tử tập trung trên mô hình kiến trúc theo hướng dịch vụ, đóng vai trò cốt lõi ca hệ thống công nghệ thông tin thuộc cơ chế một cửa quc gia; phát triển và duy trì hoạt động n định của hạ tầng truyền thông, kết nối các đơn vị trong ngành hải quan và với các cơ quan có liên quan, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về băng thông và khả năng dự phòng; xây dựng từ 2 đến 3 Trung tâm xử lý dữ liệu điện tử Hải quan trực thuộc Tổng cục Hải quan đóng vai trò xử lý dữ liệu điện tử tập trung cho các hoạt động nghiệp vụ trong ngành với hệ thng máy chủ lớn, các thiết bị công nghệ thông tin hiện đại và các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn tiên tiến; xây dựng đội ngũ chuyên gia về công nghệ thông tin".

Ở góc độ quốc gia, Chính phủ đã có cam kết mạnh mẽ và triển khai những biện pháp quyết liệt để tiến hành cải cách thủ tục hành chính thông qua việc triển khai thực hiện Đề án 30 và ban hành các Nghị quyết liên quan đến nội dung cải cách thủ tục hành chính đối với các Bộ, Ngành, cơ quan thuộc Chính phủ. Trên bình diện quốc tế, Chính phủ đã ký kết và gia nhập hàng loạt điều ước quốc tế với nội dung và mục tiêu nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại, đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Ví dụ: gia nhập WTO; Công ước Kyoto về đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục hải quan; Công ưóc FAL về tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải đường biển quốc tế...). Trong khu vực, Chính phủ đã phê duyệt, ký kết Hiệp định và Nghị định thư về triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, được coi là một trong những công cụ để hiện thực hóa Cộng đồng kinh tế ASEAN, hướng tới Cộng đồng ASEAN. Theo đó, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia vào năm 2012-2013 để có thể sẵn sàng kết nối với Cơ chế một cửa quốc gia của các nước thành viên trên môi trường một cửa ASEAN mà nền tảng cơ bản là ứng dụng CNTT và tự động hóa công tác quản lý hải quan.

Giai đoạn 2011-2015, Tổng cục Hải quan được Chính phủ cho phép triển khai dự án hệ thống thông quan tự động trên nền tảng công nghệ hệ thống thông quan của Nhật Bản (VNACCS/VCIS). Dự án này được triển khai đồng bộ với các chương trình, đề án trang bị cơ sở hạ tầng, thiết bị kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin khác của ngành Hải quan sẽ đem lại cho ngành Hải quan một hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ hiện đại đảm bảo cho việc thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị của Ngành.

Hiện tại, Tổng cục Hải quan đang chịu trách nhiệm quản lý, vận hành và bảo trì các hệ thống hiện có của Hải quan. Khi VNACCS/VCIS được đưa vào áp dụng trong dự án này thì hệ thống VNACCS/VCIS sẽ được đặt tại Trung tâm dữ liệu (TTDL) của ngành hải quan cùng với các hệ thống khác của ngành, chính vì vậy quá trình vận hành và bảo dưỡng sẽ do TCHQ tiếp tục đảm nhiệm trên cơ sở kinh nghiệm và kỹ năng quản lý sẵn có. Tuy nhiên để đảm bảo quản trị vận hành tốt Trung tâm dữ liệu với cơ sở vật chất trang thiết bị hiện đại, đặc biệt đối với VNACCS/VCIS là một hệ thống mới, quy mô lớn, công việc quản trị phức tạp có yêu cầu về tính sẵn sàng và an toàn bảo mật rất cao thì cần thiết phải có sự đầu tư thích đáng về nguồn lực và cơ chế phù hợp để thực hiện.

Bộ Tài chính có Quyết định số 117/QĐ-BTC ngày 15/01/2013 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục CNTT & Thống kê hải quan trực thuộc Tổng cục Hải quan trong đó có hình thành Trung tâm Quản lý vận hành hệ thống CNTT hải quan với nhiệm vụ "quản lý vận hành các hệ thng CNTT trong ngành Hi quan" bao gồm cả hệ thống VNACCS/VCIS.

Xuất phát từ thực tế yêu cầu công việc, Cục CNTT & Thống kê hải quan xây dựng Đề án "Triển khai hoạt động của Trung tâm Quản lý, vận hành hệ thống công nghệ thông tin hi quan" để đơn vị này có đủ địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đảm nhận vai trò quản lý và vận hành hệ thống ứng dụng CNTT ngành Hải quan một cách toàn diện và chuyên sâu, theo kịp với tiến trình hội nhập quốc tế và cải cách, phát triển, hiện đại hóa ngành Hải quan.

Do việc xây dựng và triển khai tổ chức hoạt động của Trung tâm hướng tới mô hình chính quy, chuyên nghiệp cần nhiều thời gian để nghiên cứu và tổ chức thực hiện; trong khi đó hệ thống VNACCS/VCIS sẽ đi vào vận hành chính thức từ tháng 4/2014 yêu cầu phải sẵn sàng ngay bộ máy quản lý, vận hành vì vậy phạm vi của Đề án chủ yếu tập trung vào đề xuất các giải pháp mang tính ngắn hạn, nhằm đáp ứng yêu cầu công việc đến năm 2015 trong đó chủ yếu là phục vụ hệ thống VNACCS/VCIS. Về đề xuất mô hình, tổ chức hoạt động của Trung tâm mang tính dài hạn, tầm nhìn đến năm 2020 Tổng cục Hải quan sẽ xem xét đề xuất sau khi đánh giá, rút kinh nghiệm từ thực tế triển khai.

I. CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

- Quyết định số 02/2010/QĐ-TTg ngày 15/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính;

- Quyết định 448/QĐ-TTg ngày 25/03/2011 của Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2011-2020;

- Quyết định số 1514/QĐ-BTC ngày 22/06/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2011 - 2015.

- Hiệp định tài trợ dự án Thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia cho Hiện đại hóa Hải quan giữa Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký ngày 22/3/2012 tại Hà Nội.

- Công hàm trao đổi tài trợ dự án Thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia cho Hiện đại hóa Hải quan giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam ký ngày 22/3/2012 tại Hà Nội.

- Quyết định số 117/QĐ-BTC ngày 15/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục CNTT & Thống kê hải quan trực thuộc Tổng cục Hải quan;

- Quyết định số 1216/QĐ-TCHQ ngày 11/04/2013 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các phòng thuộc Cục CNTT & Thống kê hải quan;

- Căn cứ ý kiến chỉ đạo ngày 24/05/2013 của đ/c Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính về việc xây dựng Đề án Triển khai hoạt động của Trung tâm Quản lý vận hành hệ thống công nghệ thông tin hải quan.

Ii. Sự Cần Thiết Của Đề Án

1. Thực trạng công tác quản lý, vận hành hệ thống ứng dụng CNTT ngành Hải quan

1.1. Những nghiệp v đã triển khai ứng dụng CNTT

Trong thời gian qua ngành Hải quan đã có những bước phát triển to lớn trong việc ứng dụng CNTT vào hầu hết các lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ của ngành Hải quan, CNTT đã và đang đóng vai trò to lớn, không thể thiếu trong việc phát triển của ngành. Đến nay có thể khẳng định hầu hết các lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ, quản lý điều hành của ngành hải quan đã được tin học hóa và hoạt động phụ thuộc vào các hệ thống CNTT.

(Chi tiết các hệ thống ứng dụng CNTT ngành Hải quan: Phụ lục 1 kèm theo)

1.2. Hạ tầng kỹ thuật

1.2.1. Về hạ tầng truyền thông:

- Hệ thống mạng LAN đã được trang bị cho toàn bộ các cửa khẩu và trụ sở làm việc của Hải quan các cấp. Mạng diện rộng ngành Hải quan nằm trong hạ tầng truyền thông ngành Tài chính kết nối toàn bộ các đơn vị Hải quan từ Trung ương tới địa phương gồm Tổng cục Hải quan, 34 Cục Hải quan tỉnh, thành phố và gần 200 Chi cục Hải quan. Về cơ bản đường mạng kết nối giữa các điểm đều có đường chính và dự phòng của 2 nhà cung cấp dịch vụ khác nhau.

- Băng thông giữa các cấp đáp ứng được yêu cầu hiện tại: Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính dùng cáp quang tốc độ Gigabit; Trục xương sống Bắc - Nam sử dụng 2 đường cáp quang Gigabit chung với các phân hệ thuộc Bộ; đường từ Cục Hải quan - Trung tâm tỉnh đặt tại Kho Bạc tốc độ 4-10Mbps; từ Chi cục Hải quan - Cục Hải quan đường chính 4-10Mbps, đường dự phòng 2Mbps - 4Mbps (Các Chi cục trọng điểm đường truyền đều có băng thông 10 Mbps).

1.2.2. Về trang thiết bị công nghệ thông tin:

Toàn ngành hiện được trang bị 1.378 chiếc máy chủ các loại và 11.032 chiếc máy trạm. Các Trung tâm dữ liệu đều đã được trang bị máy chủ CSDL có năng lực xử lý cao và hệ thống lưu trữ, backup dữ liệu chuyên dụng. Các cán bộ trực tiếp làm công tác nghiệp vụ tại các cấp (Tổng cục, Cục, Chi cục) đều được trang bị 100% máy tính nối mạng để phục vụ công tác.

(Chi tiết số liệu trang thiết bị máy móc, thiết bị phần cứng: Phụ lục 2 kèm theo)

1.2.3. Về trang thiết bị đảm bảo an toàn thông tin cho toàn Ngành:

Tổng cục Hải quan đã tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể hệ thống an toàn thông tin ngành Hải quan và đưa ra mô hình thiết kế, lộ trình triển khai đến năm 2015. Tổng cục cũng đã ban hành các quy định cụ thể nhằm đảm bảo an ninh trong việc quản lý, vận hành các hệ thống công nghệ thông tin của Ngành, đặc biệt liên quan đến việc kết nối qua mạng Internet, vận hành hệ thống thông quan điện tử và một số các hệ thống cốt lõi khác.

1.2.4. Về mô hình, kiến trúc hệ thống ứng dụng:

- Tuân thủ định hướng công nghệ của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, cũng như yêu cầu chung của Chính phủ và Bộ Thông tin và truyền thông.

- Các hệ thống ứng dụng CNTT trong ngành Hải quan hiện tại chủ yếu được triển khai theo mô hình ứng dụng hướng dịch vụ, tuân thủ kiến trúc 3 lớp (three-tier) bao gồm: lớp cơ sở dữ liệu, lớp xử lý nghiệp vụ và lớp ứng dụng. Lớp xử lý nghiệp vụ đảm bảo xử lý được các yêu cầu nghiệp vụ của nhiều đối tượng người sử dụng, thời gian xử lý nhanh chóng, khả năng nâng cấp thuận lợi; lớp cơ sở dữ liệu được đặt trong các vùng mạng riêng, đảm bảo an ninh an toàn.

1.3. Cơ chế hiện tại trong việc quản lý vận hành:

Do hiện nay các hệ thống ứng dụng CNTT ngành Hải quan còn phân tán tại cả 03 cấp Hải quan. Vì vậy công tác quản lý, vận hành hệ thống công nghệ thông tin hiện tại của ngành Hải quan các Quy chế quản lý, vận hành và được phân vai theo các khối như sau:

- Khối quản lý, vận hành hệ thống cấp Tổng cục: Do Trung tâm QLVHHTCNTT thuộc Cục CNTT & Thống kê hải quan đảm nhận;

- Khối quản lý, vận hành hệ thống cấp Cục: Có 09 Trung tâm dữ liệu & CNTT đặt tại 09 Cục Hải quan lớn, các Cục Hải quan còn lại là bộ phận tin học nằm tại phòng nghiệp vụ đảm nhận;

- Khối quản lý, vận hành hệ thống cấp Chi cục: Mỗi Chi cục có từ 01 đến 02 cán bộ CNTT chuyên trách đảm nhận;

1.3.1. Đối với Trung tâm QLVHHTCNTT thuộc Cục CNTT & Thống kê hải quan:

Từ khi thành lập tháng 7 năm 2006 đến nay, Trung tâm QLVHHTCNTT hoạt động với quy mô nhỏ do các hệ thống ứng dụng CNTT ngành Hải quan còn phân tán tại cả 03 cấp Hải quan. Vì vậy công tác chủ yếu thực hiện công tác quản lý các hệ thống và CSDL được cài đặt tại Trung tâm, thực hiện thu thập và cập nhật dữ liệu từ cấp Cục Hải quan gửi lên.

Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, để chuẩn bị cho công tác quản lý, vận hành hệ thống ứng dụng CNTT ngành Hải quan tập trung tại Tổng cục và triển khai hệ thống VNACCS/VCIS. Chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm QLVHHTCNTT thuộc Cục CNTT&TK hải quan - Tổng cục Hải quan được quy định theo các Quyết định 117/QĐ-BTC ngày 15/01/2013 và Quyết định 1216/QĐ-TCHQ ngày 14/04/2013. Theo đó Trung tâm QLVHHTCNTT hải quan thực hiện một số nhiệm vụ và quyền hạn về quản lý, vận hành hệ thống CNTT như sau:

- Tham mưu giúp Cục trưởng xây dựng hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về quản lý, vận hành các hệ thống công nghệ thông tin đặt tại Trung tâm Quản lý vận hành hệ thống công nghệ thông tin Hải quan.

- Tổ chức thực hiện công tác quản lý, vận hành toàn diện Trung tâm Quản lý vận hành hệ thống công nghệ thông tin Hải quan bao gồm cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị phần cứng, hệ thống mạng, phần mềm nhằm đảm bảo các hệ thống công nghệ thông tin đặt tại Trung tâm hoạt động thông suốt, ổn định, an ninh an toàn.

- Tổ chức quản trị, giám sát 24h/24h tình trạng hoạt động, an ninh, kết nối mạng, truyền nhận dữ liệu và việc khai thác sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin đặt tại Trung tâm.

- Thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ, giải đáp vướng mắc cho các đối tượng sử dụng hoặc có kết nối với các hệ thống công nghệ thông tin đặt tại Trung tâm.

- Căn cứ danh mục dự toán công nghệ thông tin hàng năm được Tổng cục Hải quan giao, xây dựng kế hoạch mua sắm hàng hóa, dịch vụ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin thuộc phạm vi quản lý của Trung tâm đã được phê duyệt.

- Tham mưu, đề xuất và tổ chức triển khai thực hiện công tác bảo trì bảo dưỡng, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống mạng, trang thiết bị, phần mềm hệ thống của Trung tâm để đảm bảo đủ điều kiện hoạt động theo tiêu chuẩn quy định.

- Đầu mối phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Ngành liên quan đến việc khai thác sử dụng các hệ thống đặt tại Trung tâm và kết nối, truyền nhận dữ liệu giữa các hệ thống tại Trung tâm với các hệ thống bên ngoài.

- Tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm quản lý, khai thác sử dụng, đảm bảo an ninh cho hệ thống cơ sở dữ liệu đặt tại Trung tâm.

- Đầu mối quản lý, triển khai, giám sát việc áp dụng chữ ký số đối với các hệ thống thông tin của ngành Hải quan và các hệ thống ngoài Ngành có kết nối, trao đổi thông tin với Hải quan.

- Đầu mối thực hiện cung cấp các dịch vụ công điện tử của ngành Hải quan theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức thực hiện quản lý, xây dựng, cập nhật danh mục dữ liệu chuẩn của ngành Hải quan.

- Thực hiện công tác kế toán, quản lý tài chính, đấu thầu mua sắm, thuê khoán chuyên môn theo phân cấp. Quản lý, sử dụng con dấu riêng và tài khoản riêng của Trung tâm theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức điều hành, phân công nhiệm vụ, quản lý công chức, viên chức và tài sản thuộc Trung tâm theo quy định.

- Nghiên cứu, xây dựng đề tài khoa học công nghệ trong lĩnh vực quản lý, vận hành trung tâm dữ liệu.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Cục trưởng phân công.

1.3.2. Đối với các cục Hải quan tỉnh, thành phố:

- Về mặt tổ chức: có 09 Trung tâm dữ liệu & CNTT đặt tại 09 cục Hải quan lớn là: Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và các bộ phận tin học trực thuộc phòng nghiệp vụ hoặc phòng tổng hợp thuộc Cục Hải quan. Ngoài ra tại mỗi Chi cục Hải quan có từ 1-2 cán bộ phụ trách công tác tin học;

- Về mặt chức năng nhiệm vụ quản lý vận hành: Các TTDL&CNTT hoặc bộ phận tin học trực thuộc Cục chịu trách nhiệm quản lý, đảm bảo an ninh an toàn, tiếp nhận xử lý vướng mắc, hỗ trợ vận hành hệ thống ứng dụng CNTT trong phạm vi, địa bàn quản lý của Cục Hải quan.

1.4. Những tồn tại, bất cập hiện hành

1.4.1. Những tồn tại, bất cập

- Các chương trình ứng dụng ngành Hải quan triển khai tương đối rộng và phân tán dẫn đến số lượng trang thiết bị, chương trình ứng dụng triển khai nhiều, khối lượng công việc cần quản trị lớn và đầu tư dàn trải;

- Yêu cầu đối với các ứng dụng nghiệp vụ ngày càng cao, việc xử lý nghiệp vụ hoàn toàn dựa trên máy tính theo xu hướng tích hợp dữ liệu và liên thông trên toàn quốc vì vậy mô hình ứng dụng phân tán như hiện nay không phù hợp, phải chuyển về xử lý theo mô hình tập trung để không gây ách tắc trong quy trình thủ tục hải quan;

- Đội ngũ cán bộ CNTT còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn sâu để quản trị, vận hành các hệ thống CNTT của đơn vị trong bối cảnh các hệ thống CNTT được triển khai trong ngành Hải quan ngày càng gia tăng về quy mô và tính phức tạp, sử dụng công nghệ mới, hiện đại, yêu cầu đảm bảo an ninh an toàn cao. Công tác quản trị, hỗ trợ kỹ thuật, khắc phục sự cố còn chậm và thiếu chuyên nghiệp;

- Chưa hoàn toàn chủ động trong việc quản trị, giám sát, khắc phục sự cố hạ tầng đường truyền do mạng WAN của ngành Hải quan nằm trong hạ tầng truyền thông của Bộ Tài chính.

- Công tác triển khai các dự án CNTT còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu công việc;

- Riêng đối với công tác quản trị hệ thống CNTT tại Tổng cục Hải quan: Tổng cục đã thành lập Trung tâm Quản lý vận hành hệ thống CNTT hải quan thuộc Cục CNTT & Thống kê hải quan với chức năng chính là quản lý, vận hành các hệ thống CNTT đặt tại Trung tâm dữ liệu của ngành trong đó có hệ thống VNACCS/VCIS và hệ thống một cửa quốc gia (Single windows). Tuy nhiên với nguồn lực và với cơ chế hiện tại thì không thể đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

1.4.2. Nguyên nhân của những tồn tại, bất cập

- Do yếu tố lịch sử nên hệ thống ứng dụng được triển khai riêng lẻ theo từng yêu cầu nghiệp vụ và phân tán tại các Chi cục, Cục Hải quan;

- Nguồn nhân lực vừa thiếu và vừa không chuyên sâu do: (i) không có cơ chế tuyển dụng riêng cho cán bộ CNTT; (ii) chính sách đãi ngộ chưa cao nên không thu hút được chuyên gia giỏi; (iii) cán bộ tin học ở địa phương phải kiêm nhiệm nhiều công việc nên thiếu chuyên sâu; (iv) nguồn nhân lực CNTT bị ảnh hưởng do cán bộ tin học chuyên trách bị luân chuyển sang làm nghiệp vụ.

- Do vướng mắc về cơ chế và quy trình thủ tục đầu tư mua sắm dẫn đến việc triển khai các dự án và kế hoạch CNTT còn chậm.

- Chính sách của Nhà nước về quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, chính sách thuế và thủ tục hải quan thường xuyên thay đổi dẫn tới các hệ thống ứng dụng cũng thường xuyên phải thay đổi theo, trong khi việc thực hiện các quy định của Nhà nước về đầu tư mua sắm thường kéo dài nên không đáp ứng được yêu cầu.

- Khi hệ thống CNTT đã phát triển lên quy mô lớn, yêu cầu tính sẵn sàng cao, công tác quản trị trở nên phức tạp hơn và phải chuyên nghiệp thì với cách thức tự quản lý vận hành hệ thống dựa trên nguồn lực và cơ chế hiện tại sẽ không thể đáp ứng được, đòi hỏi phải có một cách thức và cơ chế quản lý mới, đặc biệt là cơ chế thuê khoán chuyên môn và hỗ trợ kỹ thuật từ bên ngoài;

Trước tình hình đó, yêu cầu nâng cao chất lượng và hiệu quả của hệ thống CNTT toàn ngành Hải quan đòi hỏi phải chuyên nghiệp hóa công tác quản lý, vận hành và hỗ trợ hệ thống. Quy trình quản trị các dịch vụ CNTT bao hàm các công tác vận hành, xử lý, bảo trì thông qua việc đa dạng hóa công tác quản lý và áp dụng hình thức thuê khoán chuyên môn từ các đối tác tin học bên ngoài là cấp bách.

2. Yêu cầu nhiệm vụ quản lý vận hành hệ thống CNTT Hải quan giai đoạn đến năm 2020

Về tổng thể đến năm 2020 ngành Hải quan sẽ đưa vào vận hành những hệ thống CNTT cốt lõi sau đây:

(i) Năm 2014 chính thức đưa hệ thống VNACCS/VCIS vào vận hành tập trung 24/7 tại Trung tâm dữ liệu của Tổng cục;

(ii) Một số ứng dụng của ngành Hải quan đang vận hành phân tán được nâng cấp xử lý tập trung cấp Tổng cục để kết nối, trao đổi thông tin với hệ thống VNACCS/VCIS;

(iii) Cổng thông tin một cửa quốc gia (Single Window) hoạt động chính thức từ cuối năm 2013, kết nối trao đổi thông tin với các Bộ ngành liên quan;

(iv) Cung cấp dịch vụ công điện tử theo lộ trình và quy định của Pháp luật;

Căn cứ theo chức năng nhiệm vụ của Trung tâm quản lý vận hành các hệ thống CNTT Hải quan và theo kế hoạch, lộ trình triển khai ứng dụng CNTT nêu trên thì yêu cầu nhiệm vụ đối với công tác quản lý vận hành hệ thống CNTT phải thực hiện bao gồm:

2.1. Nhóm nhiệm vụ về quản , vận hành các ứng dụng CNTT (VNACCS/VCIS, Single Windows, các hệ thng thành phần khác:

(i) Quản lý giám sát trạng thái hoạt động của các ứng dụng hàng ngày bao gồm các công việc: Giám sát tình trạng hoạt động của các ứng dụng, theo dõi phát hiện các vấn đề bất thường trên hệ thống để báo cho bộ phận chuyên môn xử lý, lập báo cáo về tình trạng hoạt động của hệ thống;

(ii) Tiếp nhận, giải quyết vướng mắc liên quan đến khai thác, sử dụng ứng dụng bao gồm các công việc: Tiếp nhận vướng mắc, trả lời vướng mắc hoặc chuyển tiếp cho bộ phận chuyên môn xử lý, cập nhật/kiểm tra lại kết quả xử lý;

(iii) Bảo trì bảo dưỡng, nâng cấp, phát triển hệ thống: Theo dõi việc bảo trì, bảo dưỡng hệ thống định kỳ. Phối hợp với các đơn vị liên quan để nâng cấp, phát triển hệ thống đáp ứng yêu cầu công việc;

(iv) Quản lý cơ sở dữ liệu bao gồm các công việc: Quản lý người sử dụng, xây dựng và cập nhật danh mục chuẩn, cung cấp số liệu, báo cáo phân tích theo yêu cầu, sao lưu backup dữ liệu.

2.2. Nhóm nhiệm vụ liên quan đến công tác kỹ thut, đảm bảo hạ tầng cơ sở vật chất của Trung tâm

(i) Quản lý, vận hành toàn bộ cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật của Trung tâm 24/7 bao gồm cơ sở vật chất làm việc, hệ thống điều hòa, hệ thống điện, hệ thống PCCC, hệ thống an ninh, hệ thống mạng, hệ thống máy chủ, lưu trữ,....

(ii) Theo dõi, kiểm soát an ninh và tình trạng hoạt động của toàn hệ thống. Phát hiện những vấn đề bất thường để đề xuất xử lý, khắc phục.

(iii) Thực hiện bảo trì, bảo dưỡng định kỳ, đầu tư nâng cấp hệ thống.

2.3. Nhóm nhiệm v liên quan đến công tác quản trị, tài chính

(i) Đầu mối tiếp nhận, điều phối, xử lý công việc chung của Trung tâm và phối hợp với các đơn vị bên ngoài;

(ii) Thực hiện công tác văn phòng, quản trị hậu cần;

(iii) Thực hiện công tác quản lý tài chính, kế toán của Trung tâm.

2.4. Nhóm nhiệm vụ liên quan kết nối, cung cp dịch v cho bên ngoài Ngành

Thực hiện việc tiếp nhận yêu cầu và tổ chức thực hiện cung cấp các dịch vụ công điện tử theo quy định.

3. Tham khảo kinh nghiệm quản lý, vận hành hệ thống CNTT trong nước và quốc tế

3.1. Kinh nghiệm trong nước

3.1.1. Ngân hàng Vietinbank:

- Trung tâm CNTT là đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm quản lý, vận hành hệ thống CNTT của toàn bộ Ngân hàng. Mô hình tổ chức là đơn vị sự nghiệp nằm trong Ngân hàng.

- Về tổ chức: Có 01 Trung tâm chính và các trung tâm vùng tại các khu vực trọng điểm.

- Về nhân lực: Đội ngũ cán bộ CNTT có khoảng 450 cán bộ, bao gồm bộ phận vận hành, bộ phận Contact Center, bộ phận phát triển ứng dụng... Đối với lĩnh vực công nghệ cao có thuê nguồn lực bên ngoài để hỗ trợ. Chủ yếu là thuê quản trị cơ sở dữ liệu (DBA) và thuê dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật của chính hãng vì đối với hệ thống cơ sở dữ liệu và trang thiết bị công nghệ cao cần phải có đội ngũ chuyên gia hỗ trợ từ chính hãng và đối tác cung cấp để đảm bảo vận hành 24/7, an ninh an toàn.

- Về cơ sở vật chất, trang thiết bị: Có 01 Trung tâm dữ liệu chính và 01 Trung tâm dự phòng do Ngân hàng tự xây dựng, quản lý.

- Hỗ trợ, giải quyết vướng mắc: Thành lập một trung tâm hỗ trợ, tư vấn, trả lời vướng mắc của khách hàng (Contact Center) tương tự như dịch vụ 1080 để nâng cao chất lượng, dịch vụ.

3.1.2. Ngân hàng BIDV:

Trung tâm CNTT chịu trách nhiệm quản lý, vận hành, quản trị hệ thống CNTT và tiếp nhận và xử lý các yêu cầu từ nhân viên BIDV, khách hàng và các đối tác khi sử dụng dịch vụ CNTT của BIDV. Trung tâm CNTT là một đơn vị nằm trong ngân hàng.

- Về tổ chức, trung tâm CNTT được chia thành các 03 trung tâm vùng: miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Mỗi trung tâm bao gồm các phòng ban chuyên môn như sau:

+ Phòng Dịch vụ kỹ thuật 1: vận hành, quản trị hệ thống mạng, truyền thông, máy chủ, các dịch vụ hệ thống;

+ Phòng Dịch vụ kỹ thuật 2: nghiên cứu, phát triển phần mềm;

+ Phòng Dịch vụ kỹ thuật 3: hỗ trợ, xử lý các yêu cầu về những phần mềm đang được sử dụng trên toàn hệ thống;

+ Phòng Dịch vụ kỹ thuật 4: vận hành, quản trị hệ thống Core banking;

+ Phòng An ninh - Bảo mật: vận hành, quản trị bảo mật hệ thống, bảo mật mạng, phòng chống Virus...

- Về nhân sự: Trung tâm CNTT: số lượng khoảng 200 cán bộ, bao gồm: Ban giám đốc: 4 người; Khối văn phòng: 25 người; Khối vận hành hỗ trợ: 55 người; Khối Quản trị: 65 người; Khối Phát triển: 50 người.

Đối với lĩnh vực công nghệ cao có thuê nguồn lực bên ngoài để hỗ trợ. Lĩnh vực thuê ngoài tương tự như ngân hàng Viettin Bank, chủ yếu là quản trị cơ sở dữ liệu (DBA) và dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật của chính hãng đối với hệ thống máy chủ và thiết bị thiết yếu.

- Về cơ sở vật chất, trang thiết bị: Có 01 Trung tâm dữ liệu chính và 01 Trung tâm dự phòng do Ngân hàng tự xây dựng, quản lý.

3.1.3. Sở Thông tin Truyền thông Thành phố Đà Nẵng

- Trung tâm Giao dịch Công nghệ thông tin - Truyền thông Đà Nẵng (thuộc Sở Thông tin truyền thông Đà Nẵng) có chức năng hỗ trợ, phối hợp với các Sở, ban, ngành, quận, huyện giải đáp, cung cấp thông tin về dịch vụ công, tình trạng hồ sơ dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp. Thời gian hỗ trợ 24/24h, tổng đài hỗ trợ (Help-Desk): 0511.3881.888. SMS: 8188, Cổng thông tin dịch vụ công có địa chỉ là: http://dichvucong.danang.gov.vn.

- Trung tâm Giao dịch Công nghệ thông tin - Truyền thông Đà Nẵng được thiết lập để trở thành 1 công cụ hữu ích giúp cho công dân tra cứu thông tin về các dịch vụ công, kiểm tra trạng thái hồ sơ đang được xử lý cũng như tìm kiếm các thông tin liên quan khác. Trung tâm Giao dịch CNTT-TT Đà Nẵng gồm 2 thành phần: (1) Cổng thông tin dịch vụ công và (2) Trung tâm giao tiếp với công dân (Contact Center HelpDesk).

- Mục tiêu của Trung tâm CNTT-TT Đà Nẵng là cầu nối cung cấp dịch vụ công qua mạng và điện thoại, giúp người dân và doanh nghiệp truy vấn thông tin về tình trạng xử lý hồ sơ của các Sở, ban, ngành, quận, huyện tại Cổng thông tin điện tử của thành phố đồng thời phối hợp cung cấp giải đáp mọi thông tin có liên quan đến các lĩnh vực kinh tế xã hội và đời sống của người dân Đà Nẵng.

- Biên chế và bộ máy của Trung tâm như sau: Ban Giám đốc: 03 biên chế, Phòng Hành chính tổng hợp: 06 biên chế; Phòng kỹ thuật: 05 biên chế, Phòng Tiếp nhận và giải đáp thông tin: 100 biên chế (giai đoạn đầu là 50 biên chế), Phòng Giám sát và đánh giá: 05 biên chế.

3.1.4. Sở Nông nghiệp Tỉnh Vĩnh Phúc

Tại Văn bản số 4426/UBND-NN3 ngày 09/8/2013 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND Tỉnh Vĩnh Phúc đã giao cho Sở Nông nghiệp làm đầu mối xây dựng 01 Tổng đài hỗ trợ thông tin (Help-Desk) để làm đầu mối cung cấp thông tin, tư vấn và hỗ trợ cho nông dân qua điện thoại một cách nhanh chóng, hiệu quả (mọi lúc, mọi nơi), chuyên nghiệp và thống nhất trong phạm vi toàn tỉnh Vĩnh Phúc. Các thông tin cung cấp bao gồm: Luật pháp, các chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về nông nghiệp, nông thôn, nông dân; kỹ thuật sản xuất, các mô hình canh tác chất lượng cao, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản, các dịch vụ hỗ trợ trong nông nghiệp; thông tin về mùa vụ, quy hoạch ngành nghề, vật nuôi, cây trồng, dịch bệnh; thông tin về cung cầu các loại nông sản, thực phẩm, các thông tin về thị trường tiêu thụ, giá vật tư, nhà cung cấp vật tư, nguyên liệu đầu vào trong nông nghiệp; các thông tin về lao động, việc làm, đào tạo nghề trong nông nghiệp, nông thôn,... Để đáp ứng mục tiêu hoạt động và các yêu cầu đề ra, tổng đài hỗ trợ thông tin Help-Desk được tổ chức là bộ phận trực thuộc Trung tâm Thông tin Nông nghiệp thuộc Sở NN & PTNT Vĩnh Phúc. Mô hình tổ chức Tổng đài Help-Desk như sau:

- Giám đốc Trung tâm Help-Desk: quản lý chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của tổng đài.

- Đội giám sát viên: Đội giám sát viên là những nhân sự có chuyên môn sâu trong ngành nông nghiệp, có kinh nghiệm quản lý, định hướng và đào tạo nhân viên. Nhiệm vụ là theo dõi, giám sát việc trả lời của các điện thoại viên và hỗ trợ việc giải đáp. Bộ phận giám sát có thể được chia thành các tổ riêng tùy theo phạm vi giải đáp, ví dụ tổ giải đáp thông tin nông nghiệp, tổ giải đáp thông tin về lao động, việc làm, học nghề và đào tạo nghề,... Số lượng nhân sự: Thời gian đầu Call Center Help-Desk có 5 nhân viên giám sát làm việc trong 3 ca trực (ca 1, ca 3, ca hành chính).

- Đội Tổng hợp: Quản lý công tác vận hành tổng đài trong từng ca trực, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo, đánh giá chất lượng dịch vụ. Số lượng nhân sự: 02 người.

- Đội cơ sở dữ liệu: Đội cơ sở dữ liệu là những nhân sự có chuyên môn sâu về ngành nông nghiệp, có kinh nghiệm nghiên cứu, khai thác thông tin. Nhiệm vụ là xây dựng, cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu, các câu hỏi thường gặp phục vụ việc tra cứu, giải đáp, hỗ trợ thông tin cho người dân. Số lượng nhân sự: 5 - 7 người.

- Chuyên viên kiểm định chất lượng: Nhiệm vụ là kiểm định lại chất lượng giải đáp thông tin của các Điện thoại viên. Đào tạo định hướng lại cho Trưởng nhóm về nghiệp vụ, phương pháp đánh giá chất lượng Điện thoại viên. Tổng hợp dữ liệu hàng ngày để báo cáo, phân tích chất lượng giải đáp, đề xuất các ý kiến, số lượng nhân sự: 01 người.

- Giảng viên đào tạo: Xây dựng chương trình, nội dung tài liệu đào tạo về kỹ năng, nghiệp vụ cho Điện thoại viên. Thực hiện đào tạo, tái đào tạo thường xuyên cho nhân viên. Số lượng nhân sự: 1 người.

- Chuyên viên kỹ thuật: Quản lý hệ thống, phân quyền, bảo mật, xử lý lỗi kỹ thuật hệ thống phần cứng, phần mềm và các phát sinh khác trong ca trực, số lượng nhân sự: 03 Chuyên viên làm việc.

- Nhóm Điện thoại viên: Các nhóm Điện thoại viên được hình thành trên cơ sở nhu cầu khối lượng công việc thực tế, từ 05~07 người/nhóm. Mỗi nhóm Điện thoại viên do 1 Giám sát viên quản lý. Tùy theo yêu cầu Nhóm Điện thoại viên cũng có thể chia thành các nhóm riêng theo phạm vi giải đáp chuyên sâu, như nhóm giải đáp thông tin nông nghiệp, nhóm giải đáp thông tin về lao động, việc làm, học nghề và đào tạo nghề,... Số lượng nhân sự: 25 người

1.3.4. Sở Văn hóa thể thao và du lịch thành phố Hồ Chí Minh

Tháng 7/2013, TP HCM vừa ký văn bản chấp thuận chủ trương cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thử nghiệm tổng đài thông tin du lịch trên địa bàn thành phố (sử dụng đầu số 1087). Sau thời gian thử nghiệm thành phố sẽ đưa dịch vụ này vào hoạt động chính thức. Thời gian bắt đầu hoạt động của tổng đài 1087 là từ ngày 08/07/2013 trên phạm vi toàn quốc, mức cước phí là 5000 đ/phút (1+1).

Tổng đài thông tin du lịch 1087 sẽ cung cấp thông tin, trợ giúp giải đáp thắc mắc cho du khách trong nước và quốc tế liên quan đến lĩnh vực du lịch của TP HCM với hai ngôn ngữ Anh và Việt suốt 24/24. Tổng đài cũng cung cấp các thông tin về an ninh du lịch (trên cơ sở quy chế phối hợp Tổng đài 113 và với Công an thành phố); Hỏi - đáp, góp ý về chính sách du lịch, sản phẩm du lịch; Thương mại du lịch, tư vấn thương mại du lịch và về tiêu dùng du lịch.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đây cũng là công cụ hiệu quả để triển khai các chương trình khuyến mại, xúc tiến, kích cầu du lịch thành phố, liên kết được đông đảo các doanh nghiệp, các tổ chức kinh doanh, dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, mua sắm, vận chuyển du lịch góp phần phát triển du lịch thành phố.

Mô hình tổ chức vận hành ban đầu của Call Cent HelpDesk này là mô hình kết hợp giữa Trung tâm Xúc tiến du lịch thành phố (thành lập tháng 01/2013) trực thuộc Sở Văn hóa thể thao và du lịch và Công ty Viễn thông Thành phố HCMC (thuộc Tập đoàn VNPT). Trong giai đoạn thử nghiệm Viễn thông Hồ Chí Minh sẽ tổ chức hạ tầng kỹ thuật HelpDesk và bố trí nhân sự trực giải đáp trực tiếp, các câu hỏi nghiệp vụ khó sẽ được chuyển cho các chuyên gia tại Sở Văn hóa thể thao và du lịch, đồng thời các thông tin về an toàn du khách, an ninh trật tự cũng được chuyển đến cho tổng đài 113 Công an thành phố để xử lý.

3.2. Kinh nghiệm quản lý, vận hành hệ thống CNTT quốc tế

3.2.1. Kinh nghiệm quản lý, vận hành hệ thống CNTT của Hải quan Nhật Bản

Tại Nhật Bản, cơ quan Hải quan sử dụng hệ thống NACCS và CIS cùng với một số hệ thống vệ tinh khác để thông quan tự động hàng hóa xuất nhập khẩu. Để quản lý, vận hành các hệ thống trên, một bộ máy tương ứng được hình thành với ba đơn vị chính là Trung tâm NACCS, Trung tâm Kudan và Văn phòng quản lý thông tin.

a) Trung tâm điều hành hệ thống thông quan hàng hóa tự động (NACCS)

- Việc quản lý và điều hành NACCS (hệ thống thông quan hàng hóa tự động) được tập trung về Trung tâm NACCS. Trung tâm NACCS được thành lập vào tháng 5/1977 dưới hình thức một tổ chức có thẩm quyền của Chính phủ và chuyển thành cơ quan hành chính độc lập vào tháng 10/2003. Đến tháng 10/2008, cơ quan này chính thức được cổ phần hóa, trong đó Nhà nước là cổ đông chi phối (chiếm trên 50%) để đảm bảo quyền kiểm soát của Chính phủ đối với việc bổ nhiệm Ban giám đốc cũng như vận hành toàn bộ hệ thống. Việc tư nhân hóa Trung tâm NACCS xuất phát từ đặc điểm là hệ thống NACCS phục vụ cho cả khu vực tư nhân và khu vực công, nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả cung ứng quốc tế và sức cạnh tranh giữa các cảng biển và sân bay. Cũng từ đặc điểm này mà nhân sự tại đây được phân chia theo tỷ lệ 50/50, một nửa là nhân viên chính phủ (cán bộ hải quan và một số cán bộ thuộc các cơ quan khác), nửa còn lại đến từ các công ty tư nhân lớn.

- Về nhân sự và tổ chức bộ máy:

+ Tổng số 107 (khi mới thành lập có 25 người). Số người này không thuộc biên chế của cơ quan nào. Trong đó số người từ Hải quan Nhật Bản qua chiếm đến 30 - 40%.

+ Ban lãnh đạo: 01 Tổng Giám đốc và 03 Giám đốc điều hành.

+ 5 phòng (Hành chính, Tài vụ, Kế hoạch, Hệ thống, Dịch vụ) + bộ phận giám sát độc lập.

Chi tiết cơ cấu tổ chức của Trung tâm NACCS: Phụ lục 3 kèm theo.

- Các bên tham gia sử dụng và vận hành hệ thống NACCS bao gồm cả khối cơ quan công và khối tư nhân. Về phía các cơ quan Chính phủ có: cơ quan hải quan; cơ quan quản lý nhập cư và hành khách xuất nhập cảnh; cơ quan kiểm dịch động, thực vật; cơ quan kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, dược phẩm; cơ quan quản lý cảng; cơ quan biên phòng; các văn phòng quản lý thương mại; chính quyền địa phương... Đối với khối tư nhân, các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực logistics, đại lý làm thủ tục hải quan, ngân hàng, thương nhân hoạt động xuất nhập khẩu là những đối tượng chính tham gia sử dụng hệ thống.

- Hiện nay, Trung tâm NACCS chịu trách nhiệm quản lý hệ thống NACCS và tham gia vào việc phát triển và nâng cấp chương trình và cung cấp các dịch vụ liên quan đến vận hành hệ thống NACCS. Để thực hiện nhiệm vụ này Trung tâm NACCS ký hợp đồng với công ty NTT Data để bảo trì, nâng cấp phát triển hệ thống.

- Trung tâm NACCS là đơn vị sự nghiệp có thu. Mọi giao dịch trên hệ thống NACCS đều được tính phí. Phí giao dịch sử dụng hệ thống NACCS chính là ngân sách để duy trì hoạt động của Trung tâm.

b) Trung tâm Kudan - vận hành, phát triển hệ thống CIS

- Trung tâm Kudan là một đơn vị thuộc Hải quan Nhật Bản, được thành lập trong bối cảnh tinh giản bộ máy tổ chức ở cấp trung ương và đẩy mạnh phân cấp về địa phương. Trung tâm Kudan được đặt tại Hải quan vùng Tokyo song ít chịu sự chi phối từ Hải quan Tokyo mà chủ yếu duy trì mối quan hệ dưới hình thức báo cáo, trao đổi, tham vấn trong công việc.

- Trung tâm Kudan chịu trách nhiệm chính quản lý, vận hành, phát triển và nâng cấp hệ thống CIS (hệ thống thông tin hải quan phục vụ riêng cho mục đích quản lý của cơ quan hải quan). Ngoài ra, Trung tâm Kudan cũng quản lý một số hệ thống vệ tinh nhỏ như COMTIS (Hệ thống thông tin và thu thuế đối với thư tín quốc tế), ACTIS (Hệ thống thông tin và thu thuế đối với hàng đường không), COMOS (Hệ thống kiểm tra và mạng thông tin hàng đường biển).

- Bên cạnh đó, Trung tâm cũng phối hợp với Trung tâm NACCS tham gia quản lý và vận hành hệ thống NACCS ở một mức độ giới hạn, phần lớn liên quan đến nghiệp vụ hải quan như thuế suất, chính sách,...

- Nhân sự tại Trung tâm Kudan là cán bộ, công chức hải quan được lựa chọn từ các lĩnh vực nghiệp vụ khác nhau, được đào tạo tại chỗ về kỹ năng quản lý, vận hành hệ thống. Trung tâm Kudan được cơ cấu thành 07 phòng chức năng với trên 60 biên chế.

- Trung tâm Kudan ký hợp đồng với các công ty tin học để bảo trì kỹ thuật, hỗ trợ vận hành, nâng cấp phát triển hệ thống.

Nguồn nhân lực bên ngoài để phục vụ cho vận hành NACCS/CIS: Phụ lục 4 kèm theo.

c) Văn phòng quản lý thông tin:

Là đơn vị trực thuộc Tổng cục Hải quan Nhật Bản nằm trong Bộ Tài chính, có bộ máy gọn nhẹ với khoảng 12 người. Văn phòng chịu trách nhiệm giám sát tất cả các hệ thống CNTT, bao gồm cả hai trung tâm NACCS và Kudan, mạng thông tin. Văn phòng là nơi đưa ra quyết định về định hướng phát triển, nâng cấp các hệ thống CNTT của hải quan và chịu trách nhiệm về phân bổ ngân sách đầu tư, kiểm tra, giám sát mua sắm đấu thầu các hệ thống CNTT.

Có thể thấy, mô hình tổ chức quản lý vận hành NACCS/CIS của Nhật Bản được hình thành như trên xuất phát từ nhu cầu tinh giản bộ máy trung ương và tăng cường sự tham gia của khu vực tư, qua đó nâng cao tính cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ song vẫn đảm bảo sự kiểm soát của chính phủ đối với các hệ thống.

3.2.2. Trung tâm hỗ trợ nguời nộp thuế của cơ quan thuế Hàn Quốc

Trung tâm hỗ trợ người nộp thuế Hàn Quốc được thành lập ngày 3/3/2001, giai đoạn đầu Trung tâm là một bộ phận được đặt trong một Ban của Tổng cục Thuế Hàn Quốc. Ngày 20/8/2001, Trung tâm hỗ trợ người nộp thuế Hàn Quốc được tách ra hoạt động độc lập và trực thuộc Tổng cục Thuế. Ngày 19/5/2003, cơ quan thuế Hàn Quốc đã đổi tên của Trung tâm hỗ trợ người nộp thuế thành Trung tâm tư vấn thuế quốc gia. Trung tâm hỗ trợ người nộp thuế bằng các hình thức tư vấn qua điện thoại, internet, fax và thư điện tử; cung cấp các dịch vụ tổng hợp cho đối tượng nộp thuế với bất kể đó là loại thuế gì, đối tượng nộp thuế ở vùng nào và phương tiện giao tiếp là gì.

- Về cơ cấu tổ chức của trung tâm tư vấn thuế Hàn Quốc: Trung tâm được tổ chức thành 7 Đội tư vấn thuế, gồm: Đội Hỗ trợ Hành chính: bộ phận điều hành, bộ phận tư vấn chung; Đội tư vấn Điện thoại 1 gồm: Bộ phận thuế VAT, bộ phận Thuế thu nhập từ tài sản, Bộ phận Thuế quà tặng và thừa kế, Bộ phận thuế khác; Đội tư vấn điện thoại 2 gồm: Bộ phận Thuế thu nhập, Bộ phận Thuế công ty, Bộ phận Thuế khấu trừ tại nguồn; Đội tư vấn (qua công văn, thư điện tử, gặp trực tiếp) số 1 gồm: Bộ phận Thuế thu nhập, Bộ phận Thuế khấu trừ tại nguồn, Bộ phận Thuế khác; Đội tư vấn (qua công văn, thư điện tử, gặp trực tiếp) số 2 gồm: Bộ phận Thuế công ty, Bộ phận Thuế Quốc tế; Đội tư vấn (qua công văn, thư điện tử, gặp trực tiếp) số 3 gồm: Bộ phận Thuế VAT và Bộ phận Thuế Tiêu dùng; Đội tư vấn (qua công văn, thư điện tử, gặp trực tiếp) số 4 gồm: Bộ phận Thuế thu nhập từ Tài sản, Bộ phận Thuế quà tặng và thừa kế…

- Về nhân sự: Trung tâm tư vấn thuế Hàn Quốc có tổng cộng 128 công chức, bao gồm cả Trưởng Trung tâm; Cán bộ tư vấn được lựa chọn trong số các cán bộ thuế ưu tú, những người đã phục vụ trong lĩnh vực dịch vụ công của ngành thuế ít nhất là 5 năm (hiện tại, tuổi nghề của mỗi cán bộ là 19 năm) và phải đạt tiêu chuẩn là kế toán viên thuế và thanh tra thuế...

Một số kết quả đạt được của trung tâm tư vấn thuế Hàn Quốc: Cung cấp dịch vụ cho đối tượng nộp thuế một cách tập trung, dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú và tương đối hiện đại; tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và chờ đợi của đối tượng nộp thuế; Tập trung được hệ thống trả lời điện thoại đơn lẻ phân bố tại các chi cục thuế hoặc cục thuế vùng vào một trung tâm duy nhất; Quản lý được nội dung, chất lượng trả lời qua các hình thức dịch vụ, đảm bảo tính thống nhất trên phạm vi toàn quốc;

3.2.3. Trung tâm hỗ trợ người nộp thuế của cơ quan thuế Indonesia

Trung tâm hỗ trợ người nộp thuế của cơ quan thuế Indonesia được đặt tại Tổng cục Thuế với chức năng trợ giúp về thủ tục đăng ký thuế, kê khai nộp thuế, tư vấn các vấn đề chung về pháp luật thuế, ứng dụng thuế điện tử, trả lời các vướng mắc của người nộp thuế.

- Về cơ cấu tổ chức: 01 giám đốc trung tâm, 04 phó giám đốc phụ trách 04 nội dung, được tổ chức theo nhóm: Nhóm kỹ năng chuyên môn; Nhóm trả lời vướng mắc; Nhóm giám sát chất lượng; Nhóm Hỗ trợ chung.

- Về nhân sự: Số lượng cán bộ thuế tại trung tâm là 40 người. Ngoại trừ hệ thống trả lời tự động, thời gian trả lời của các điện thoại viên từ 08h00 đến 16h00 (từ thứ 2 đến thứ 6).

III. MỤC TIÊU YÊU CẦU CỦA CÔNG TÁC QUẢN LÝ VẬN HÀNH HỆ THỐNG CNTT HẢI QUAN

1. Mục tiêu tổng quát

- Tổ chức quản lý, vận hành toàn bộ hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin tập trung ngành Hải quan hoạt động thông suốt 24/7 đảm bảo an ninh, an toàn đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ, thực hiện thủ tục hải quan điện tử và cơ chế một cửa quốc gia; duy trì hoạt động ổn định của hạ tầng truyền thông, kết nối các đơn vị trong ngành Hải quan và với các cơ quan có liên quan.

- Thực hiện công tác quản lý, vận hành, xử lý thông tin điện tử hải quan chuyên nghiệp, tạo nền tảng cho việc chuyển đổi căn bản phương pháp quản lý của ngành Hải quan theo hướng hiện đại, phù hợp với định hướng chung của Hải quan khu vực, thế giới và thực tiễn của Việt Nam.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức quản lý, vận hành hệ thống ứng dụng CNTT có năng lực và phẩm chất, đáp ứng các tiêu chuẩn về: chính quy, chuyên nghiệp, chuyên sâu về nghiệp vụ, có khả năng tiếp cận, vận dụng các kiến thức, kỹ thuật, công nghệ khoa học hiện đại vào thực tiễn công tác.

2. Mục tiêu cụ thể

Mục tiêu cụ thể đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, yêu cầu hiện đại hóa hải quan hướng tới hải quan điện tử vào 2015-2020, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý, vận hành hệ thống CNTT cụ thể sau:

2.1. Quản lý, vận hành hệ thống VNACCS/VCIS tiếp nhận từ Hải quan Nhật Bản vào năm 2014 và các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin tập trung ngành Hải quan 24/7, đảm bảo tính sẵn sàng cao và an ninh an toàn hệ thống.

- Đảm bảo tính sẵn sàng cao, hệ thống hoạt động liên tục 24/7. Giảm thiểu tối đa thời gian gián đoạn hoạt động nghiệp vụ do vấn đề kỹ thuật. Có phương án backup, dự phòng tự động khi có sự cố kỹ thuật xảy ra.

- Chuyên nghiệp hóa quy trình quản lý vận hành hệ thống công nghệ thông tin: Chuẩn hóa quy trình quản lý, vận hành theo tiêu chuẩn ISO; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản trị, giám sát hệ thống.

- Xây dựng, đề xuất, tổ chức triển khai cơ chế đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công việc, trong đó có phương án thuê khoán chuyên môn, dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật bên ngoài từ chính hãng và đối tác tin học để tăng cường chất lượng quản trị, bảo trì bảo dưỡng hệ thống, khắc phục xử lý kịp thời các sự cố kỹ thuật xảy ra.

2.2. Hình thành bộ phận riêng (Help Desk) để hỗ trợ, giải đáp vướng mắc cho các đối tượng sử dụng hệ thống VNACCS/VCIS, Single Windows và các hệ thống CNTT cốt lõi khác của ngành;

2.3. Cung cấp các dịch vụ công điện tử của ngành Hải quan mức 4 và thực hiện kết nối chia sẻ thông tin với các bộ, ngành cơ quan liên quan;

2.4. Thực hiện đảm bảo an ninh an toàn thông tin và cơ chế dự phòng phòng ngừa thảm họa đối với toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin đặt tại Trung tâm dữ liệu của ngành.

IV. NỘI DUNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VẬN HÀNH HỆ THỐNG CNTT NGÀNH HẢI QUAN

1. Thực hiện công tác quản lý, vận hành các ứng dụng CNTT:

- Đảm bảo việc vận hành ổn định, liên tục 24/7 của các hệ thống CNTT hải quan tập trung tại Tổng cục (bao gồm hệ thống VNACCS/VCIS và các hệ thống CNTT khác).

- Quản lý các giao dịch trực tuyến (online), giao dịch theo lô đảm bảo không bị tắc nghẽn.

- Quản lý việc kết nối giữa hệ thống VACCS/VCIS, Single Windows với các hệ thống thành phần.

- Quản lý việc kết nối đến các hệ thống đầu cuối (máy của hải quan và doanh nghiệp).

- Quản lý và xử lý các lỗi liên quan đến phần mềm ứng dụng. Phối hợp với đối tác thực hiện bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp, phát triển phần mềm ứng dụng.

- Thực hiện việc xây dựng CSF chuyên CNTT, quản lý, cập nhật danh mục dữ liệu chuẩn của ngành Hải quan. Đối với hệ thống VNACCS/VCIS danh mục này gồm hơn 300 file được xây dựng với nhiều loại nghiệp vụ khác nhau. CSF phục vụ cho thông quan, CSF phục vụ quản lý rủi ro, CSF phục vụ tính thuế... do các đơn vị nghiệp vụ xây dựng, Trung tâm Quản lý vận hành hệ thống CNTT hải quan cập nhật.

- Quản lý, triển khai, giám sát việc áp dụng chữ ký số đối với các hệ thống thông tin của ngành Hải quan và các hệ thống ngoài Ngành có kết nối, trao đổi thông tin với Hải quan bao gồm: Quản lý hệ thống cấp phát chữ ký số, cấp phát chữ kỹ số cho các tổ chức, cá nhân; Giám sát việc áp dụng chữ ký số; Thu hồi chữ ký số.

- Quản lý công tác sao lưu dữ liệu.

2. Tổ chức quản trị, giám sát 24/7 tình trạng hoạt động, an ninh, kết nối mạng, truyền nhận dữ liệu và việc khai thác sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin đặt tại Trung tâm.

- Giám sát tổng thể trạng thái và tình hình sử dụng tài nguyên trên toàn hệ thống bao gồm tài nguyên hệ thống mạng, trang thiết bị phần cứng, phần mềm, dữ liệu,... phát hiện nguy cơ phát sinh các bất thường trong thời gian ngắn và dài của hệ thống thông qua việc lấy và phân tích nhiều loại thông tin liên quan đến tình trạng sử dụng nguồn hệ thống (system resources).

- Giám sát các hoạt động quan trọng: Thực hiện giám sát các hoạt động quan trọng đối với các máy chủ của hệ thống từ máy chủ giám sát vận hành, quản lý đồng bộ trạng thái các máy chủ. Giám sát việc truyền nhận dữ liệu và truy cập, khai thác sử dụng các chương trình ứng dụng;

- Giám sát quy trình: Thực hiện giám sát trạng thái của quy trình OS, quy trình ứng dụng, thông báo bằng tin nhắn hoặc âm thanh cảnh báo, v.v... khi phát sinh các bất thường.

- Giám sát tính năng: Giám sát và đo lường lượng lưu lượng định kỳ khi vận hành thông thường.

- Giám sát an ninh: Giám sát an ninh toàn hệ thống trên các thiết bị và công cụ chuyên dụng. Phát hiện và đánh giá các nguy cơ rò rỉ thông tin, lỗ hổng bảo mật để có biện pháp đối phó, ngăn chặn kịp thời.

- Giám sát tin nhắn: Khi phát hiện tin nhắn báo lỗi bằng máy chủ giám sát vận hành, thực hiện thông báo bằng âm thanh cảnh báo, v.v...

3. Thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ, giải đáp vướng mắc liên quan hệ thống CNTT và điều phối việc giải đáp vướng mắc liên quan các nghiệp vụ hải quan thực hiện trên hệ thống cho các đối tượng sử dụng hệ thống VNACCS/VCIS, Single Windows và các hệ thống thành phần khác

Tổ chức bộ phận hướng dẫn, hỗ trợ, giải đáp vướng mắc liên quan đến khai thác, sử dụng hệ thống VNACCS/VCIS và các hệ thống cốt lõi khác của ngành Hải quan theo hướng chuyên nghiệp (bộ phận Help Desk), bao gồm:

3.1. Về nhiệm vụ:

- Nhiệm vụ mang tính dài hạn:

+ Hướng dẫn, giải đáp chính sách, quy trình thủ tục về Hải quan (căn cứ theo chế độ chính sách và bộ câu hỏi/trả lời đã được chuẩn hóa);

+ Tư vấn xử lý các tình huống, nghiệp vụ Hải quan cụ thể;

+ Hướng dẫn, trả lời các vướng mắc liên quan đến việc sử dụng và các vấn đề về kỹ thuật của hệ thống VNACCS/VCIS;

+ Hướng dẫn, trả lời các vướng mắc liên quan đến việc sử dụng và các vấn đề về kỹ thuật của các hệ thống CNTT khác (Single Windows, e-Payment,...);

+ Đầu mối tiếp nhận các kiến nghị, sửa đổi bổ sung, nâng cấp hệ thống liên quan đến các hệ thống CNTT trong toàn Ngành.

- Nhiệm vụ trước mắt: Do hạn chế về thời gian, nguồn lực trong khi thời điểm bắt đầu triển khai chính thức hệ thống VNACCS/VCIS còn rất ít nên nhiệm vụ chính của bộ phận Help-Desk trong giai đoạn đầu chỉ tập trung vào Hướng dẫn, trả lời các vướng mắc liên quan đến việc sử dụng và các vấn đề về kỹ thuật của hệ thống VNACCS/VCIS, việc triển khai đầy đủ các chức năng như thiết kế sẽ căn cứ vào nhu cầu và tình hình thực tế công việc sau này.

3.2. Về Mô hình:

Bộ phận hỗ trợ Help-Desk được thiết lập theo mô hình tập trung tại Trung tâm quản lý vận hành hệ thống CNTT hải quan - Tổng cục Hải quan. Ngoài ra tại một số Cục Hải quan có bộ phận Help-Desk kiêm nhiệm để phối hợp với bộ phận Help-Desk tại Tổng cục Hải quan trong việc hỗ trợ người sử dụng (09 Trung tâm CNTT tại 9 Cục Hải quan trọng điểm được lựa chọn theo mô hình Hải quan vùng của Nhật Bản) làm đầu mối tại địa phương trong việc hỗ trợ, hướng dẫn trả lời các vướng mắc của doanh nghiệp trong địa bàn.

3.3. Về nguồn lực:

3.3.1. Về số lượng bộ phận Help-Desk tại Tổng cục cần khoảng 20-30 người, trong đó năm 2014 dự kiến là 10 người gồm:

- 01 Lãnh đạo phụ trách (Phó Giám đốc Trung tâm phụ trách bộ phận Help-Desk);

- 03 cán bộ tiếp nhận câu hỏi;

- 06 cán bộ điều phối/chuyên gia theo lĩnh vực (Thông quan, Thuế, Quản lý rủi ro, phương tiện vận tải, hàng hóa, CNTT).

3.3.2. Về phương án bố trí nguồn lực:

- Nguồn nhân sự hiện có của Cục CNTT & Thống kê hải quan;

- Điều chuyển trong nội bộ ngành bao gồm các đối tượng đã tham gia dự án VNACCS/VCIS hoặc từ một số Trung tâm dữ liệu và CNTT của Hải quan địa phương có nguyện vọng chuyển về Tổng cục,...

- Tuyển dụng mới;

- Thuê đối tác bên ngoài để trả lời đối với những nội dung câu hỏi về chính sách, thủ tục đã được chuẩn hóa.

3.4. Đào tạo

Việc đào tạo kiến thức cho đội ngũ Help-Desk đặc biệt quan trọng, cần phải tổ chức đào tạo liên tục cả về kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng ứng xử, giao tiếp.

3.5. Về công tác đầu tư xây dựng:

- Đảm bảo cơ sở vật chất phòng ốc, phương tiện làm việc chuyên dụng cho bộ phận Help Desk.

- Xây dựng quy trình trợ giúp, hỗ trợ giải đáp vướng mắc trong đó phân loại các tình huống thường gặp, các chế độ chính sách có thể trả lời ngay, các tình huống phức tạp chuyển cho bộ phận chuyên môn để xử lý. Theo dõi, đôn đốc và cập nhật kết quả trả lời vào hệ thống.

- Đầu tư, ứng dụng CNTT trong việc quản lý, theo dõi, trả lời cuộc gọi. Xây dựng cơ sở dữ liệu câu hỏi/trả lời và cơ sở dữ liệu khách hàng để đảm bảo việc hướng dẫn được nhất quán, nhanh, chính xác góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ.

4. Thực hiện công tác quản lý, đảm bảo kỹ thuật, an ninh an toàn cho hệ thống CNTT tại trung tâm

- Quản lý hệ thống mạng diện rộng, mạng Internet kết nối giữa Trung tâm với các đơn vị Hải quan trong ngành và kết nối giữa Trung tâm với doanh nghiệp, các đối tác ngoài ngành khác đảm bảo thông suốt.

- Quản lý và xử lý các lỗi liên quan đến phần mềm, phần cứng, hạ tầng mạng.

- Quản lý, thực hiện việc sao lưu backup hệ thống.

- Quản lý đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống.

- Đảm bảo điều kiện môi trường cần thiết để trung tâm dữ liệu vận hành theo tiêu chuẩn (điện, nhiệt độ, an toàn PCCC...)

- Phối hợp với các đối tác thực hiện bảo trì, bảo dưỡng định kỳ và nâng cấp, phát triển hệ thống.

5. Thực hiện công tác bảo trì bảo dưỡng, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống mạng, trang thiết bị, phần mềm hệ thống của Trung tâm để đảm bảo đủ điều kiện hoạt động theo tiêu chuẩn quy định.

- Chuẩn bị cơ chế thuê khoán chuyên môn thực hiện công tác bảo trì;

- Chuẩn bị nguồn lực có chuyên môn sâu;

- Xây dựng nguồn kinh phí cho việc thuê khoán chuyên môn;

- Thực hiện mua sắm dịch vụ thuê khoán chuyên môn;

- Thực hiện bảo trì định kỳ các trang thiết bị mạng, máy tính;

- Thực hiện cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, hệ thống mạng, trang thiết bị, phần mềm hệ thống.

6. Phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Ngành liên quan đến việc khai thác sử dụng các hệ thống đặt tại Trung tâm và kết nối, truyền nhận dữ liệu giữa các hệ thống tại Trung tâm với các hệ thống bên ngoài.

- Thực hiện xây dựng các quy định về khai thác, sử dụng các hệ thống CNTT.

- Quản lý, theo dõi việc kết nối, truyền nhận dữ liệu với các bên liên quan.

- Tổng hợp báo cáo các vấn đề liên quan đến quản lý, theo dõi việc kết nối, truyền nhận dữ liệu với các bên liên quan.

7. Thực hiện cung cấp các dịch vụ công điện tử của ngành Hải quan theo quy định của pháp luật

V. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về tổ chức bộ máy quản lý

1.1. Giao Cục CNTT & Thống kê hải quan xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt tổ chức bộ máy của Trung tâm Quản lý vận hành hệ thống CNTT hải quan của Cục CNTT & Thống kê hải quan theo hướng: (i) giai đoạn 2013-2015 thành lập cấp Đội chuyên môn để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được chuyên môn hóa được nêu tại Mục IV; (ii) Giai đoạn 2016-2020 đánh giá và xem xét trình cấp có thẩm quyền nâng cấp thành phòng chuyên môn để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ.

- Về loại hình đơn vị sự nghiệp: Trung tâm Quản lý vận hành hệ thống công nghệ thông tin Hải quan là đơn vị sự nghiệp (đơn vị có nguồn thu sự nghiệp thấp, đơn vị không có nguồn thu, kinh phí hoạt động thường xuyên do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ);

- Về cơ cấu tổ chức: Trung tâm dự kiến gồm 5 Đội. Về nhiệm vụ, quyền hạn của các Đội thuộc Trung tâm sẽ do Cục trưởng Cục CNTT & Thống kê hải quan quy định;

- Về biên chế sự nghiệp của Trung tâm: sẽ do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định.

1.2. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung chức năng nhiệm vụ của các Trung tâm DL&CNTT hiện tại của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố phục vụ cho việc kết nối toàn bộ các hệ thống CNTT trong toàn Ngành và phù hợp với mô hình xử lý dữ liệu tập trung.

Trong giai đoạn trước mắt (2013-2020), Trung tâm QLVH hoạt động đúng theo chức năng nhiệm vụ đã được phê duyệt. Sau khi hệ thống VNACCS/VCIS và các hệ thống CNTT tập trung của ngành Hải quan đã đi vào hoạt động ổn định, đồng thời có thời gian để tổng kết, đánh giá và nghiên cứu đề xuất cơ chế áp dụng giống như mô hình NACCS/CIS của Nhật Bản.

2. Giải pháp về kỹ thuật

- Thiết lập hệ thống giám sát, vận hành hệ thống 24/7;

- Đầu tư hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, các trang thiết bị máy móc thuộc Trung tâm (bao gồm cả trung tâm dự phòng) đảm bảo đủ năng lực xử lý;

- Nâng cấp hạ tầng mạng diện rộng phù hợp với kiến trúc chung của hạ tầng truyền thông ngành Tài chính, đảm bảo đáp ứng yêu cầu xử lý tập trung và vận hành hệ thống 24/7, an ninh an toàn;

- Thiết lập hệ thống giải đáp và xử lý vướng mắc (Help-desk);

- Thiết lập hệ thống quản lý, giám sát an ninh;

- Thiết lập hệ thống dự phòng, sao lưu dữ liệu, đảm bảo tính sẵn sàng.

3. Giải pháp về nguồn nhân lực

3.1. Tăng cường nguồn nhân lực có chuyên môn sâu

Để đáp ứng yêu cầu quản lý vận hành hệ thống công nghệ thông tin, đặc biệt khi triển khai hệ thống VNACCS/VCIS cần phải có đủ nguồn nhân lực. Vì vậy trong thời gian tới cần bổ sung biên chế đáp ứng được yêu cầu chuyên môn cho Trung tâm Quản lý vận hành hệ thống CNTT hải quan thông qua cơ chế tuyển dụng đặc thù riêng như sau:

Cần tuyển dụng được đội ngũ cán bộ kỹ thuật công nghệ thông tin (là nam giới đối với các công việc quản trị, vận hành hệ thống và xử lý vướng mắc kỹ thuật CNTT) có chuyên môn sâu.

3.1.1. Yêu cầu chung

- Về năng lực:

+ Tốt nghiệp đại học hệ chính quy chuyên ngành CNTT, toán tin ứng dụng trở lên;

+ Có khả năng phân tích, nắm bắt vấn đề;

+ Có kỹ năng làm việc nhóm tốt.

- Về kinh nghiệm:

+ Có ít nhất 02-03 năm làm việc trong lĩnh vực CNTT, có kiến thức về thiết kế CSDL, phân tích thiết kế hệ thống ứng dụng, có kiến thức lập trình, đã từng tham gia các dự án sử dụng công nghệ Microsoft SQL Server; Microsoft Visual Studio Basic, Microsoft Visual Studio .NET, Oracle, PostgreSQL...

3.1.2. Yêu cầu về kiến thức chuyên môn.

- Am hiểu về các văn bản, quy định và hướng dẫn về các nghiệp vụ quản lý hải quan;

- Nắm vững kiến trúc tổng thể hệ thống ứng dụng của ngành Hải quan;

- Nắm vững kiến trúc hệ thống, kiến trúc mạng của ngành Hải quan;

- Nắm vững các phần mềm hệ thống đang và sẽ được triển khai của ngành Hải quan.

Trên cơ sở cơ chế tuyển dụng đặc thù riêng được phê duyệt, Cục CNTT & Thống kê hải quan có trách nhiệm chuẩn bị nguồn nhân lực có chuyên môn sâu về công nghệ thông tin để thực hiện các nhiệm vụ quản lý vận hành toàn bộ hệ thống.

3.2. Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực

3.2.1. Đào tạo cán bộ trong nước và nước ngoài

- Đối tượng đào tạo:

+ Công chức quản lý, vận hành hệ thống CNTT;

+ Công chức giám sát vận hành hệ thống CNTT.

- Nội dung đào tạo:

+ Phương pháp quản lý, vận hành hệ thống;

+ Quản trị hệ thống phần mềm;

+ Sử dụng hệ thống phần mềm;

+ Phương pháp thao tác thiết bị đầu cuối.

3.2.2. Xây dựng cơ chế đào tạo

Xây dựng cơ chế phù hợp để đảm bảo nguồn nhân lực am hiểu về nghiệp vụ hải quan, phục vụ công tác trợ giúp, quản lý vận hành...

3.3. Xây dựng và thực hiện cơ chế tuyển dụng

Để thực hiện các nhiệm vụ mới được phê duyệt, trong khi nguồn lực cán bộ của Trung tâm Quản lý vận hành hệ thống CNTT hải quan thuộc Cục CNTT & Thống kê hải quan của Tổng cục Hải quan còn mỏng. Đề nghị Bộ Tài chính phê duyệt cơ chế tuyển dụng đặc thù riêng cho Trung tâm QLVHHTCNTT hải quan theo các hình thức sau (vẫn phải đảm bảo quy định của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính):

- Thuyên chuyển từ một số đơn vị nghiệp vụ tại Tổng cục và một số Cục Hải quan về;

- Tuyển dụng viên chức theo chế độ tuyển dụng;

- Hợp đồng vụ việc;

- Hợp đồng dài hạn (cơ chế tuyển dụng tương tự như hợp đồng 68): Cho phép Cục CNTT & Thống kê hải quan cơ chế chủ động xét tuyển, ký hợp đồng với các đối tượng có năng lực, trình độ chuyên môn tốt với mức lương phù hợp với thị trường vào làm việc tại Trung tâm.

Về cơ chế tuyển dụng được áp dụng cơ chế xét tuyển đối với một số vị trí như kế toán, quản lý khác và cơ chế tuyển dụng hợp đồng 68 đối với đội ngũ CNTT chuyên sâu có chất lượng để thực hiện công việc chuyên môn (là nam giới). Sau một thời gian công tác nếu thấy những đối tượng này hoàn thành tốt nhiệm vụ, có nguyện vọng công tác lâu dài tại Trung tâm thì có thể xem xét, tuyển dụng vào biên chế chính thức; Ngoài ra Tổng cục Hải quan thực hiện điều chuyển trong Ngành để bổ sung biên chế cho Trung tâm này.

3.4. B sung biên chế cho Trung tâm

3.4.1. Số lượng biên chế:

Để đảm bảo thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ nêu trên, đến năm 2020 biên chế của Trung tâm Quản lý vận hành hệ thống CNTT hải quan cần được bố trí 100 cán bộ, công chức.

3.4.2. Nguồn biên chế

Nguồn biên chế của Trung tâm Quản lý vận hành hệ thống CNTT hải quan được bổ sung trên cơ sở:

- Toàn bộ biên chế hiện hành của Trung tâm Quản lý vận hành hệ thống CNTT hải quan thuộc Cục CNTT & Thống kê hải quan: 13 người.

- Thuyên chuyển theo nguyện vọng (ưu tiên các cán bộ nghiệp vụ, CNTT) từ các Vụ, Cục thuộc cơ quan Tổng cục và các Cục Hải quan tỉnh, thành phố: 20 người.

- Bổ sung biên chế mới qua công tác tuyển dụng hàng năm: 67 người.

3.4.3. Lộ trình tổ chức thực hiện

- Giai đoạn I từ năm 2013-2015: Trung tâm QLVHHTCNTT hải quan hoạt động trên cơ sở nguồn lực biên chế khoảng 50 người, với cơ cấu nhân sự: (i) làm về kỹ thuật: 35 người; (ii) làm về giải đáp vướng mắc (Help-Desk): 10 người; (iii) làm các công việc khác (quản trị, tài chính...): 05 người;

- Giai đoạn II: Từ năm 2016-2020: Trung tâm QLVHHTCNTT hải quan có biên chế khoảng 100 người, với cơ cấu nhân sự: (i) làm về kỹ thuật: 60 đến 65 người; (ii) làm về giải đáp vướng mắc (Help-Desk): 25 đến 30 người; (iii) làm các công việc khác (quản trị, tài chính...): 10 người;

4. Giải pháp về tài chính và thuê khoán chuyên môn

Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan cần có cơ chế đầu tư kinh phí đủ, ổn định cho duy trì, đảm bảo vận hành hệ thống thông tin.

Bộ Tài chính giao Tổng cục Hải quan quyết định đầu tư mua sắm, thuê khoán chuyên môn theo đúng cơ chế phân cấp của Bộ Tài chính. Áp dụng cơ chế đặc thù cho phép giản lược thủ tục đầu tư đảm bảo thời gian đầu tư mua sắm, thuê khoán chuyên môn phục vụ quản lý, vận hành hệ thống CNTT, đặc biệt là triển khai quản lý, vận hành hệ thống VNACCS/VCIS tiếp nhận từ Hải quan Nhật Bản một cách hiệu quả.

Trung tâm QLVHHTCNTT hải quan là đơn vị hành chính sự nghiệp, do vậy được thực hiện một số nội dung:

4.1. Cơ chế thuê khoán:

Hệ thống VNACCS/VCIS là một hệ thống lớn, rất phức tạp vì vậy đội ngũ cán bộ Hải quan tham gia dự án chủ yếu mới nắm bắt được về kiến trúc tổng thể và những tính năng cơ bản của hệ thống, chưa hoàn toàn làm chủ được toàn bộ cũng như chưa đủ khả năng xử lý khắc phục sự cố xảy ra. Mặt khác số lượng các hệ thống liên quan phục vụ VNACCS/VCIS cũng khá nhiều và đều là những hệ thống lớn, được phát triển từ nhiều nhà cung cấp khác nhau; đồng thời toàn bộ hạ tầng kỹ thuật của Trung tâm dữ liệu được thiết kế theo tiêu chuẩn Tier3 rất phức tạp vì vậy đòi hỏi công tác quản lý vận hành Trung tâm phải chuyên nghiệp và Trung tâm phải có đủ đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn sâu theo từng lĩnh vực.

Từ thực tế nêu trên và với yêu cầu đảm bảo vận hành hệ thống VNACCS/VCIS liên tục 24/7, có độ tin cậy cao, an toàn trong bối cảnh nguồn nhân lực của Hải quan chưa đáp ứng được thì yêu cầu về thuê khoán chuyên môn bên ngoài là hết sức cần thiết.

Qua phân tích kinh nghiệm quản lý, vận hành của Nhật Bản, đối với hệ thống NACCS Bạn thuê ngoài toàn bộ gồm các công việc: Giám sát, vận hành hệ thống; hỗ trợ, xử lý sự cố kỹ thuật; bảo trì, bảo dưỡng hệ thống (hệ thống ở đây bao gồm cả phần cứng, mạng, phần mềm ứng dụng, phần mềm hệ thống). Hệ thống CIS do Hải quan quản lý tuy nhiên Bạn cũng thuê ngoài toàn bộ phần bảo trì, bảo dưỡng và hỗ trợ, xử lý về mặt kỹ thuật.

Đối với Hải quan Việt Nam do có nhiều điểm khác với Nhật Bản về chính sách quản lý và hệ thống CNTT tích hợp rất nhiều hệ thống thành phần khác nhau nên trong giai đoạn trước mắt sẽ có những nội dung công việc Hải quan phải chịu trách nhiệm thực hiện và có những công việc phải thuê ngoài, cụ thể như sau:

(i) Những công việc Hải quan phải tự thực hiện:

+ Thực hiện công tác quản lý, vận hành Trung tâm bao gồm cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị phần cứng, hệ thống mạng, phần mềm;

+ Tổ chức quản trị, giám sát 24/7 tình trạng hoạt động, an ninh, kết nối mạng, truyền nhận dữ liệu và việc khai thác sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin đặt tại Trung tâm;

+ Thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ, giải đáp vướng mắc cho các đối tượng sử dụng hoặc có kết nối với các hệ thống công nghệ thông tin đặt tại Trung tâm (Nội dung này có thể kết hợp với thuê khoán ngoài, phần liên quan đến giải đáp sâu về nghiệp vụ phải do Hải quan tự thực hiện, những phần giải đáp đơn giản có thể xem xét thuê ngoài cho hiệu quả hơn);

+ Phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Ngành liên quan đến việc khai thác sử dụng các hệ thống đặt tại Trung tâm và kết nối, truyền nhận dữ liệu giữa các hệ thống tại Trung tâm với các hệ thống bên ngoài;

+ Quản lý, khai thác sử dụng, đảm bảo an ninh cho hệ thống cơ sở dữ liệu đặt tại Trung tâm;

+ Quản lý, triển khai, giám sát việc áp dụng chữ ký số đối với các hệ thống thông tin của ngành Hải quan và các hệ thống ngoài Ngành có kết nối, trao đổi thông tin với Hải quan;

+ Thực hiện cung cấp các dịch vụ công điện tử của ngành Hải quan theo quy định của pháp luật;

+ Thực hiện quản lý, xây dựng, cập nhật danh mục dữ liệu chuẩn của ngành Hải quan.

(ii) Những dịch vụ thuê khoán theo tính chất định kỳ:

- Thuê khoán bảo trì, bảo dưỡng hạ tầng kỹ thuật của Trung tâm bao gồm: Hệ thống điện động lực, hệ thống cơ điện nhẹ (hệ thống PCCC, hệ thống kiểm soát an ninh vào ra, hệ thống camera giám sát, hệ thống quản trị BMS,...), hệ thống điều hòa chính xác. Nội dung công việc cụ thể như sau:

+ Thực hiện bảo hành mở rộng đối với toàn bộ hạ tầng kỹ thuật phần cứng (đối với các hạng mục hết bảo hành);

+ Thực hiện bảo trì, bảo dưỡng định kỳ các trang thiết bị;

+ Kiểm tra, khắc phục ngay khi có sự cố kỹ thuật xảy ra; thay thế, sửa chữa thiết bị lập tức để đảm bảo không gián đoạn hệ thống.

- Thuê khoán bảo trì, bảo dưỡng hệ thống trang thiết bị CNTT: máy chủ, thiết bị lưu trữ, backup, hệ thống mạng, bảo mật, hệ thống quản trị giám sát, ảo hóa, AD.... Nội dung công việc cụ thể như sau:

+ Thực hiện bảo hành mở rộng đối với toàn bộ hạ tầng kỹ thuật phần cứng (đối với các hạng mục hết bảo hành);

+ Thực hiện bảo trì, bảo dưỡng định kỳ các trang thiết bị;

+ Kiểm tra, khắc phục ngay khi có sự cố kỹ thuật xảy ra; thay thế, sửa chữa thiết bị lập tức để đảm bảo không gián đoạn hệ thống.

- Thuê khoán bảo trì, bảo dưỡng định kỳ phần mềm (bao gồm hệ thống VNACCS/VCIS, hệ thống single Window, các hệ thống CNTT khác):

+ Bảo trì, bảo dưỡng, bảo hành mở rộng các hệ thống ứng dụng CNTT hải quan (bao gồm hệ thống VNACCS/VCIS, hệ thống single Window, các hệ thống CNTT khác).

+ Hỗ trợ kỹ thuật đối với những công việc cần trình độ cao như turning cơ sở dữ liệu, xử lý các vấn đề kỹ thuật của hệ thống phần mềm...

(iii) Những dịch vụ thuê khoán theo tính chất đột xuất:

+ Thuê nâng cấp hệ thống ứng dụng CNTT đáp ứng sự thay đổi của chính sách quản lý;

+ Thuê khắc phục sự cố kỹ thuật đảm bảo hoạt động liên tục 24/7.

Để thực hiện các công việc nêu trên thông qua hình thức ký hợp đồng với các công ty trong nước, trong trường hợp các công ty trong nước không đủ nguồn lực thì các công ty được ký hợp đồng thuê chuyên gia, nhà thầu nước ngoài, Tổng cục Hải quan không ký trực tiếp với chuyên gia, nhà thầu nước ngoài;

4.2. Xây dựng và thực hiện cơ chế chi trả lương:

- Xây dựng và thực hiện cơ chế chi trả lương cho cán bộ, nhân viên theo nguyên tắc khoán tổng quỹ lương của toàn bộ cán bộ, công chức của Trung tâm, bằng 2,5 lần mức lương tối thiểu;

- Được quyền chủ động chi trả lương theo năng lực chuyên môn của cán bộ trên cơ sở tổng quỹ lương của Trung tâm được duyệt.

4.3. Cơ chế bố trí kinh phí:

Kinh phí hoạt động của Trung tâm QLVHHTCNTT hải quan được bố trí từ các nguồn:

- Nguồn kinh phí từ nguồn NSNN được Bộ Tài chính phê duyệt;

- Nguồn kinh phí đầu tư từ nguồn ngân sách khoán chi của ngành Hải quan.

5. Giải pháp về mối quan hệ công tác với các đơn vị nghiệp vụ

5.1. Trung tâm QLVHHTCNTT hải quan:

Trung tâm QLVHHTCNTT hải quan chủ trì thực hiện các công việc:

- Quản lý thống nhất toàn bộ các hệ thống ứng dụng nghiệp vụ ngành Hải quan đảm bảo vận hành ổn định, an toàn 24/7;

- Thực hiện việc xây dựng các file CSF về CNTT; quản lý, cập nhật danh mục dữ liệu chuẩn của ngành Hải quan;

- Phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ cập nhật các file CSF phục vụ cho thông quan, CSF phục vụ quản lý rủi ro, CSF phục vụ tính thuế... do các đơn vị nghiệp vụ xây dựng.

5.2. Các đơn vị nghiệp vụ trong ngành Hi quan:

Các đơn vị nghiệp vụ chủ trì thực hiện các công việc:

- Thực hiện các công tác nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ được phân quyền trên hệ thống ứng dụng nghiệp vụ của ngành Hải quan;

- Chủ trì xây dựng các file CSF phục vụ cho thông quan, CSF phục vụ quản lý rủi ro, CSF phục vụ tính thuế...;

- Phối hợp với Trung tâm QLVHHTCNTT hải quan để cập nhật các file CSF đưa thông tin vào hệ thống phục vụ công tác nghiệp vụ.

VI. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

1. Giai đoạn 2013-2015:

Kế hoạch thực hiện từ 2013-2015 chi tiết như sau:

STT

NỘI DUNG

THỜI GIAN

2013

2014

2015

1.

Thực hiện công tác quản lý, vận hành bao gồm cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị phần cứng, hệ thống mạng, phần mềm

X

X

X

2.

Tổ chức quản trị, giám sát 24/7 tình trạng hoạt động, an ninh, kết nối mạng, truyền nhận dữ liệu và việc khai thác sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin đặt tại Trung tâm

X

X

X

3.

Thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ, giải đáp vướng mắc cho các đối tượng sử dụng hoặc có kết nối với các hệ thống công nghệ thông tin đặt tại Trung tâm

 

X

X

4.

Thực hiện công tác bảo trì bảo dưỡng, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống mạng, trang thiết bị, phần mềm hệ thống của Trung tâm

 

X

X

5.

Phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Ngành liên quan đến việc khai thác sử dụng các hệ thống đặt tại Trung tâm và kết nối, truyền nhận dữ liệu giữa các hệ thống tại Trung tâm với các hệ thống bên ngoài

X

X

X

6.

Triển khai các giải pháp nhằm quản lý, khai thác sử dụng, đảm bảo an ninh cho hệ thống cơ sở dữ liệu đặt tại trung tâm

 

X

X

7.

Quản lý, triển khai, giám sát việc áp dụng chữ ký số đối với các hệ thống thông tin của ngành Hải quan và các hệ thống ngoài Ngành có kết nối, trao đổi thông tin với Hải quan

X

X

X

8.

Thực hiện cung cấp các dịch vụ công điện tử của ngành Hải quan theo quy định của pháp luật

X

X

X

9.

Thực hiện quản lý, xây dựng, cập nhật danh mục dữ liệu chuẩn của ngành Hải quan

X

X

X

10.

Tuyển dụng cán bộ chuyên môn sâu về CNTT

 

X

X

11.

Xây dựng và thực hiện cơ chế thuê khoán chuyên môn

X

X

X

12.

Xây dựng và thực hiện cơ chế đãi ngộ đối với cán bộ

X

X

X

2. Giai đoạn 2016-2020:

- Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của đề án giai đoạn 2013-2015;

- Thực hiện đánh giá toàn diện công tác quản lý vận hành của Trung tâm QLVHHTCNTT hải quan để tìm ra những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý, vận hành để rút kinh nghiệm.

- Xây dựng đề án điều chỉnh trình Tổng cục và Bộ Tài chính phê duyệt theo một số nội dung sau:

+ Đề xuất điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho Trung tâm QLVHHTCNTT hải quan;

+ Đề xuất mô hình hoạt động mới phù hợp với đặc thù quản lý và tính chất hoạt động của Trung tâm QLVHHTCNTT hải quan giai đoạn 2016-2020;

+ Xem xét quy mô và đề xuất cơ chế tài chính, nhân sự có tính chất ổn định lâu dài phù hợp với yêu cầu hoạt động của Trung tâm QLVHHTCNTT hải quan.

VII. DANH MỤC DỰ ÁN VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN

Lộ trình và kinh phí thực hiện các dự án, nhiệm vụ thuộc Đề án bố trí từ dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm được cấp có thẩm quyền giao (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên) và từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Dự kiến kinh phí hàng năm để thực hiện Đề án như sau:

Đơn vị tính: Triệu đồng

STT

NỘI DUNG ĐẦU TƯ

THỜI GIAN

TỔNG MỨC ĐẦU

I

CÁC NỘI DUNG MUA SẮM

 

29.000

1

Mua sắm hệ thống quản lý điều hành để triển khai bộ phận trợ giúp (Help-Desk) phục vụ triển khai hệ thống VNACCS/VCIS và các hệ thống ứng dụng CNTT tập trung ngành Hải quan

2013-2014

29.000

II

CÁC NỘI DUNG THUÊ KHOÁN

 

120.000

1

Thuê dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng hạ tầng kỹ thuật của trung tâm. Gồm các hạng mục:

- Thực hiện bảo hành mở rộng đối với toàn bộ hạ tầng kỹ thuật phần cứng (đối với các hạng mục hết bảo hành) đối với toàn bộ hạ tầng kỹ thuật của Trung tâm bao gồm: Hệ thống điện động lực, hệ thống cơ điện nhẹ (hệ thống PCCC, hệ thống kiểm soát an ninh vào ra, hệ thống camera giám sát, hệ thống quản trị BMS,...), hệ thống điều hòa chính xác;

- Thực hiện bảo trì, bảo dưỡng định kỳ các trang thiết bị;

- Kiểm tra, khắc phục ngay khi có sự cố kỹ thuật xảy ra; thay thế, sửa chữa thiết bị lập tức để đảm bảo không gián đoạn hệ thống.

2014-2015

0

2

Thuê dịch vụ bảo hành mở rộng trang thiết bị CNTT của trung tâm. Gồm các hạng mục:

- Thực hiện bảo hành mở rộng đối với toàn bộ hạ tầng kỹ thuật phần cứng (đối với các hạng mục hết bảo hành);

- Thực hiện bảo trì, bảo dưỡng định kỳ các trang thiết bị;

- Kiểm tra, khắc phục ngay khi có sự cố kỹ thuật xảy ra; thay thế, sửa chữa thiết bị lập tức để đảm bảo không gián đoạn hệ thống.

(Hệ thống trang thiết bị CNTT: máy chủ, thiết bị lưu trữ, backup, hệ thống mạng, bảo mật, hệ thống quản trị giám sát, ảo hóa, AD ...)

2014-2015

35.000

3

Thuê dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp các hệ thống phần mềm tại TTDL phục vụ triển khai hệ thống VNACCS/VCIS. Gồm các hạng mục:

- Những nội dung thuê khoán bảo trì, bảo dưỡng định kỳ:

+ Bảo trì, bảo dưỡng, bảo hành mở rộng các hệ thống ứng dụng CNTT hải quan (bao gồm hệ thống VNACCS/VCIS, hệ thống single Window, các hệ thống CNTT khác).

+ Hỗ trợ kỹ thuật đối với những công việc cần trình độ cao như turning cơ sở dữ liệu, xử lý các vấn đề kỹ thuật của hệ thống phần mềm...

- Những nội dung thuê khoán nâng cấp theo tính chất đột xuất:

+ Nâng cấp hệ thống ứng dụng CNTT đáp ứng sự thay đổi của chính sách quản lý;

+ Khắc phục sự cố kỹ thuật đột xuất đảm bảo hoạt động liên tục 24/7.

2014-2015

85.000

 

TỔNG CỘNG (I+II)

 

149.000

(Bằng số: Một trăm bốn mươi chín tỷ đồng chẵn)

VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính

1.1. Cục Tin học và Thống kê Tài chính có trách nhiệm đảm bảo hạ tầng truyền thông ngành Tài chính đáp ứng kịp thời yêu cầu thực hiện các chương trình, dự án ứng dụng công nghệ thông tin ngành Hải quan, hỗ trợ xây dựng cơ chế thuê khoán chuyên môn trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin. Thực hiện kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện, đánh giá và báo cáo Bộ Tài chính tiến độ, kết quả thực hiện Đề án.

1.2. Vụ Kế hoạch Tài chính có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan, bảo đảm kinh phí (chi đầu tư phát triển chi thường xuyên) để thực hiện các nhiệm vụ, dự án ứng dụng công nghệ thông tin theo kế hoạch đã được Bộ Tài chính phê duyệt.

1.3. Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục Hải quan đề xuất mô hình, tổ chức, chính sách đối với lực lượng chuyên trách về công nghệ thông tin theo nội dung của Đề án.

2. Trách nhiệm của Tổng cục Hải quan

2.1. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức triển khai thực hiện các nội dung Đề án, đảm bảo mục tiêu, phạm vi nội dung và tiến độ được phê duyệt;

2.2. Kiểm tra giám sát tình hình triển khai các dự án của đề án;

2.3. Định kỳ hàng năm báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính tình hình triển khai thực hiện Đề án; đề xuất, báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét phê duyệt điều chỉnh các nội dung của Đề án đảm bảo phù hợp với tiến độ và tình hình thực tế thực hiện.

IX. CÁC PHỤ LỤC

 

PHỤ LỤC 1

HIỆN TRẠNG HỆ THỐNG CNTT NGÀNH HẢI QUAN

1. Các hệ thống ứng dụng CNTT:

Hiện nay trong toàn ngành Hải quan đang triển khai 13 hệ thống ứng dụng. Mỗi hệ thống thực hiện một số chức năng hỗ trợ công tác nghiệp vụ hải quan và được triển khai theo những quy mô khác nhau, có thể phân loại các hệ thống trên thành các nhóm cụ thể như sau:

1.1. Nhóm các hệ thống được triển khai trên phạm vi toàn ngành tại cả 03 cấp Tổng cục, Cục và Chi cục:

- Hệ thống thu thập và xử lý dữ liệu tờ khai hải quan (SLXNK) thực hiện chức năng thu thập, xử lý thông tin về tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu; phân luồng hàng hóa;

- Hệ thống quản lý dữ liệu giá tính thuế (GTT01) thực hiện chức năng cập nhật, quản lý dữ liệu giá tính thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

- Kế toán thuế XK, thuế NK (KT559) thực hiện chức năng quản lý theo dõi tình hình thu nộp thuế của doanh nghiệp, Quản lý các khoản thu của ngành hải quan theo quy định của chế độ kế toán thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

- Hệ thống quản lý thông tin vi phạm pháp luật hải quan (VP) thực hiện chức năng thu thập, quản lý thông tin về tình hình vi phạm pháp luật Hải quan của các tổ chức, cá nhân và phương tiện; cung cấp thông tin đầu vào cho hệ thống QLRR để đánh giá doanh nghiệp;

- Hệ thống quản lý rủi ro (QLRR) thực hiện chức năng tổng hợp thông tin, phân loại đánh giá doanh nghiệp, cung cấp thông tin để hệ thống SLXNK phân luồng hàng hóa;

- Hệ thống thông tin nghiệp vụ Hải quan tích hợp triển khai tại Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh và tiếp tục triển khai mở rộng trong toàn Ngành, bước đầu chuyển sang mô hình xử lý thông tin tập trung;

Các hệ thống này được cài đặt tại hầu hết các máy tính trong ngành Hải quan (khoảng 85 % - tương đương khoảng 4500 máy trạm và máy chủ). Tại cấp Chi cục các hệ thống đóng vai trò hỗ trợ cán bộ làm việc trực tiếp, thu thập thông tin, tổng hợp thông tin; Tại cấp Cục và Tổng cục các hệ thống đóng vai trò công cụ hỗ trợ việc tổng hợp và khai thác thông tin tại quy mô rộng hơn.

1.2. Các hệ thống hỗ trợ công tác nghiệp vụ đặc thù của một số Chi cục Hải quan:

- Hệ thống quản lý loại hình nhập nguyên liệu để gia công (GC) thực hiện chức năng quản lý và theo dõi việc thanh khoản hợp đồng thuộc loại hình nhập nguyên liệu để gia công;

- Hệ thống quản lý loại hình nhập nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu (SXXK) thực hiện chức năng quản lý và theo dõi việc thanh khoản hợp đồng thuộc loại hình nhập nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu;

Các hệ thống này được triển khai tại các Chi cục Hải quan có loại hình nghiệp vụ đặc thù tại hầu hết các Cục Hải quan tỉnh, thành phố;

- Hệ thống thông quan điện tử thực hiện thủ tục hải quan điện tử, hiện đã triển khai tại toàn bộ 34 Cục Hải quan tỉnh, thành phố.

1.3. Các hệ thống cung cấp thông tin nghiệp v triển khai tại Tng cục Hải quan:

Các hệ thống này được cài đặt tại Tổng cục Hải quan, gồm các hệ thống sau:

- Hệ thống quản lý rủi ro thực hiện chức năng tổng hợp thông tin từ các hệ thống khác để thực hiện phân loại đánh giá doanh nghiệp và phân luồng hàng hóa;

- Hệ thống NET Office (tin học hóa văn phòng): Quản lý văn bản, phân luồng xử lý công việc;

- Hệ thống giám sát hàng hóa thực hiện thủ tục hải quan điện tử, giám sát tình trạng hoạt động của hệ thống thông quan điện tử hoạt động tại các Cục, Chi cục Hải quan trên cả nước;

- Hệ thống quản lý đăng ký, truy cập của các doanh nghiệp tham gia thủ tục Hải quan điện tử;

- Hệ thống thông tin tình báo;

- Hệ thống thông tin phục vụ công tác kiểm tra sau thông quan;

- Hệ thống thông tin kết nối với các ngân hàng thương mại phục vụ thu thuế XNK bằng phương thức điện tử;

- Hệ thống trao đổi thông tin thu nộp thuế giữa các cơ quan Thuế - Hải quan - Kho bạc - Tài chính;

- Hệ thống giám sát truyền nhận thông tin nghiệp vụ;

- Hệ thống thống kê thực hiện chức năng tổng hợp, phân tích thông tin về tình hình XNK trên toàn quốc;

- Hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin và thông quan điện tử đối với phương tiện vận tải đường biển xuất cảnh, nhập cảnh (E-Manifest).

2. Hệ thống hạ tầng mạng

- Sơ đồ vật lý của hạ tầng hiện tại:

3. Mô hình, kiến trúc hệ thống ứng dụng

+ Cổng tiếp nhận - thực hiện nhận và gửi thông điệp dữ liệu điện tử theo chuẩn quốc tế XML, EDI,... giữa các hệ thống bên ngoài (doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, Ngân hàng thương mại, các cơ quan quản lý,....) đến hệ thống thông tin của Hải quan Việt Nam.

+ Lớp giao diện - dành cho người dùng - tương tác với thiết bị, ví dụ trên các máy tính cá nhân tiêu chuẩn, đặc trưng nhất là các thiết bị máy trạm (thin-clients), các công cụ trình duyệt, PDA.

+ Lớp Ứng dụng tích hợp - được xây dựng theo kiến trúc hướng dịch vụ SOA để thực hiện việc quản lý thi hành quy trình nghiệp vụ và luồng công việc - tại lớp này có thể định nghĩa lại các đường đi của luồng công việc cho phù hợp với các quy định và các thủ tục nghiệp vụ tạo nên vận hành ổn định lâu dài đối với hệ thống thông tin của Hải quan Việt Nam.

+ Tầng truy cập xử lý dữ liệu - là tầng nằm giữa tầng cơ sở dữ liệu và các chức năng của lớp ứng dụng, thực hiện việc quản lý các đối tượng giao dịch.

+ Lớp máy chủ ứng dụng - quản lý các đơn vị ứng dụng đa luồng và cung cấp khả năng mở rộng các giao dịch.

+ Lớp cơ sở dữ liệu - cung cấp khả năng tích hợp các giao dịch, tối ưu hóa kho dữ liệu và truy xuất dữ liệu, bảo mật dữ liệu, các dịch vụ nhân bản và tăng khả năng truy cập vào cơ sở dữ liệu khi các máy chủ và dữ liệu vật lý của hệ thống.

+ Lớp điều hành hệ thống - cung cấp việc điều khiển ở mức thấp của hệ thống, thực hiện công việc điều hành các máy tính, máy chủ mạng, các thiết bị lưu trữ.

 

PHỤ LỤC 2:

BẢNG SỐ LIỆU MÁY MÓC, TRANG THIẾT BỊ TẠI CÁC CỤC HẢI QUAN TỈNH, THÀNH PHỐ

STT

Đơn vị

Số lượng cán bộ

Máy chủ

Máy trạm

Máy xách tay

Máy in A3

Máy in A4

Tủ rack

Router

Switch

Firewall

Tape

SAN

UPS

6KVA

≥10KVA

 

Tổng cộng

10,918

1,378

11,032

987

342

3,427

361

445

772

96

45

20

354

24

1

Tổng cục

1,200

57

1,231

 

46

403

 

 

 

 

 

 

 

 

2

Cục HQ An Giang

209

26

162

25

0

65

6

12

21

2

2

1

9

0

3

Cục HQ Bà Rịa - Vũng Tàu

301

52

331

28

13

108

19

25

46

6

2

1

12

2

4

Cục HQ Bắc Ninh

159

30

122

7

3

37

7

4

16

0

0

3

10

0

5

Cục HQ Bình Định

152

25

172

16

8

64

7

8

17

3

2

0

6

0

6

Cục HQ Bình Dương

314

75

373

48

22

91

15

22

54

5

3

1

12

3

7

Cục HQ Bình Phước

106

26

120

17

5

34

12

10

31

2

1

0

6

0

8

Cục HQ Cà Mau

62

16

86

13

4

49

3

3

3

3

1

0

5

0

9

Cục HQ Cần Thơ

143

32

217

28

6

65

9

9

19

3

2

0

10

1

10

Cục HQ Cao Bằng

178

22

141

25

9

41

10

18

21

2

0

1

10

0

11

Cục HQ Đà Nẵng

284

44

263

24

15

77

14

9

33

2

1

1

8

3

12

Cục HQ Đăk Lăk

102

22

124

20

3

43

8

9

17

3

1

0

7

1

13

Cục HQ Điện Biên

92

16

64

20

4

36

2

7

16

1

1

1

9

0

14

Cục HQ Đồng Nai

389

96

559

80

14

165

28

25

34

3

2

1

16

5

15

Cục HQ Đồng Tháp

121

27

132

25

3

62

10

15

11

2

0

0

7

0

16

Cục HQ Gia Lai

90

24

84

14

4

37

6

13

10

1

1

0

7

0

17

Cục HQ Hà Giang

106

16

112

22

3

39

3

11

7

5

1

0

6

0

18

Cục HQ Hà Tĩnh

196

35

216

54

3

90

8

13

19

3

1

0

13

0

19

Cục HQ Khánh Hòa

135

26

136

31

5

48

6

14

18

4

1

0

8

0

20

Cục HQ Kiên Giang

144

19

98

28

5

40

4

11

9

3

1

0

6

0

21

Cục HQ Lạng Sơn

361

43

308

34

9

86

12

16

28

2

1

1

10

1

22

Cục HQ Lào Cai

217

29

205

19

0

94

8

10

27

1

0

0

12

0

23

Cục HQ Long An

136

27

196

16

11

33

11

14

18

2

1

0

7

0

24

Cục HQ Nghệ An

246

26

193

25

7

72

8

18

14

10

1

0

9

0

25

Cục HQ Quảng Bình

134

19

124

20

3

28

7

13

16

3

1

0

10

1

26

Cục HQ Quảng Nam

88

25

92

14

2

25

5

14

14

0

0

0

6

0

27

Cục HQ Quảng Ngãi

127

26

145

25

3

41

9

7

12

4

4

0

7

0

28

Cục HQ Quảng Ninh

545

79

487

46

21

53

-

8

-

1

9

1

32

-

29

Cục HQ Quảng Trị

221

25

167

16

2

28

5

11

18

3

1

0

9

0

30

Cục HQ Tây Ninh

159

31

157

6

9

50

6

2

14

2

0

0

8

0

31

Cục HQ Thanh Hóa

190

20

257

53

6

107

8

6

8

1

0

0

6

0

32

Cục HQ TP. Hà Nội

991

84

869

36

20

226

29

20

41

1

0

1

20

1

33

Cục HQ TP. Hải Phòng

857

86

939

44

19

242

31

19

60

5

2

1

21

3

34

Cục HQ TP. Hồ Chí Minh

2050

154

2053

76

48

709

42

39

90

5

2

6

24

3

35

Cục HQ Thừa Thiên Huế

113

18

97

32

7

39

3

10

10

3

0

0

6

0

 

PHỤ LỤC 3

CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TRUNG TÂM NACCS/CIS

1. Tổng quan hoạt động của Trung tâm NACCS:

1.1. Về cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ:

TT

Hạng mục

Nhật Bản

1

Chức năng

- Chức năng quản lý, vận hành hệ thống và dịch vụ khách hàng.

2

Tổ chức

- Trực thuộc BTC từ khi thành lập đến nay. Trước năm 2008 là đơn vị hành chính độc lập. Từ năm 2008 là công ty cổ phần do Nhà nước nắm cổ phần chi phối

- Trung tâm chính tại Kawasaki, 3 văn phòng khu vực tại Fukuoka, Osaka, Nagoya

3

Bộ máy nhân sự

- Tổng số 107 (mới thành lập 25 người). Số người này không thuộc biên chế của cơ quan nào. Trong đó số người từ Hải quan Nhật Bản qua chiếm đến 30 - 40%.

- BLĐ: 01 TGĐ + 03 Giám đốc điều hành.

- 5 phòng (Hành chính, Tài vụ, Kế hoạch, Hệ thống, Dịch vụ) + bộ phận giám sát độc lập

4

Quan hệ công việc

Là chủ sở hữu và chịu trách nhiệm toàn diện về hệ thống NACCS gồm: Quản lý vận hành, nâng cấp, xây dựng, duy trì bảo dưỡng, truyền thông, dịch vụ hỗ trợ khách hàng. Người sử dụng hệ thống bao gồm khối Chính phủ (có Hải quan) và doanh nghiệp

5

Kinh phí

Từ chính phủ và nguồn thu từ tư nhân khi sử dụng hệ thống

1.2. Mô tả hoạt động cụ thể:

- Chức năng, nhiệm vụ: Trung tâm NACCS quản lý hệ thống NACCS và tham gia vào việc phát triển, sửa đổi các chương trình và các hoạt động khác liên quan tới vận hành NACCS. Trung tâm NACCS quản lý, vận hành hệ thống đưa ra quyết sách, cơ chế, chính sách để xử lý các vấn đề của NACCS; là đầu mối thu thập ý kiến từ các bên liên quan như doanh nghiệp, cơ quan ban ngành khác, hài hòa hóa quyền lợi của các bên. Ví dụ nhập Port EDI do Trung tâm NACCS làm đầu mối thuyết phục Chính phủ, các bên liên quan. Phát triển phần mềm: NACCS đưa ra yêu cầu trình Bộ Tài chính sau khi có sự đồng ý của khối doanh nghiệp và các bên liên quan (họp hàng năm). Các nhà thầu sẽ thực hiện việc xây dựng phần mềm.

- Kiểm soát hoạt động của NACCS và Trung tâm NACCS: Mặc dù Hải quan Nhật Bản không điều khiển hệ thống NACCS một cách trực tiếp. Nhưng cổ phiếu của Trung tâm NACCS được sở hữu hoàn toàn bởi Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Tài chính có quyền ra lệnh cho Trung tâm NACCS trong trường hợp cần thiết. Trung tâm NACCS ký hợp đồng với công ty NTT Data để Công ty này trực tiếp quản lý và vận hành hệ thống NACCS. Công ty này lại ký hợp đồng với các nhà thầu phụ để thực hiện từng phần công việc. Nhà thầu sẽ lập kế hoạch/ khuyến nghị đối với việc quản lý và vận hành. Sau đó báo cáo chi tiết với Trung tâm NACCS để có quyết định cuối cùng trước khi thực hiện. Công ty NTT Data hàng tháng phải báo cáo mọi vấn đề liên quan vận hành hệ thống NACCS.

- Sửa chữa, thay đổi hệ thống:

+ Khi có trục trặc về kỹ thuật hay vận hành, công ty NTT Data lập báo cáo phản ánh hiện trạng và đề xuất phương án xử lý cho Trung tâm NAC và Trung tâm sẽ là người quyết định phương án sửa và công ty NTT Data sẽ là người thực hiện trên cơ sở sự đồng ý của Trung tâm NACCS.

+ Cứ 8 năm thay đổi lớn 1 lần, update hệ thống hoặc thay đổi cơ chế và sẽ mở thầu lại để lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên nhà thầu phát triển hệ thống là công ty NTT Data vẫn đóng vai trò chính.

- Quyền sở hữu và kinh phí vận hành:

+ Trung tâm NACCS là 1 doanh nghiệp sử dụng kinh phí để vận hành: 60% kinh phí do nhà nước chi trả (các cơ quan); 40% do thu phí từ dịch vụ khai báo của doanh nghiệp.

+ Trước đây Trung tâm NACCS là cơ quan nhà nước. 6 năm gần đây cổ phần hóa và trở thành doanh nghiệp tư nhân có sự giám sát của Bộ Tài chính.

+ Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định giám đốc Trung tâm NACCS, hiện là 1 người từ công ty bảo hiểm sang.

+ Trung tâm NACCS có người từ doanh nghiệp sang khoảng 3 - 4 năm sẽ quay lại công ty của họ. Hải quan Nhật Bản tận dụng kinh nghiệm của doanh nghiệp để phản ánh vào hệ thống.

+ Hệ thống NACCS chịu sự giám sát của phòng quản lý thông tin của Hải quan Nhật Bản. Hệ thống NACCS nghỉ 3 giờ/ tuần.

- Kết nối đầu cuối:

+ Các doanh nghiệp sử dụng hệ thống riêng của họ kết nối trực tiếp vào NACCS.

+ Trung tâm NACCS công bố các chuẩn. Các doanh nghiệp đạt chuẩn sẽ có hệ thống riêng. Hiện tại trung tâm NAC hỗ trợ 50% người sử dụng terminal.

- Bộ phận Help desk:

+ Help desk thuộc trung tâm NACCS. Thực hiện hướng dẫn về nghiệp vụ và kỹ thuật.

+ Những câu hỏi đơn giản (có trong sách hướng dẫn) do nguồn nhân lực bên ngoài trả lời. Câu hỏi khó do trung tâm NACCS trả lời. Câu hỏi liên quan đến hải quan thì Hải quan trả lời; về kỹ thuật thì công ty NTT Data trả lời.

- Cập nhật file CSF (file cài đặt chung):

+ Phòng hệ thống thuộc Trung tâm NACCS chịu trách nhiệm về việc xây dựng và cập nhật file CSF. Có 2 loại: loại liên quan nghiệp vụ hải quan thì do Trung tâm Kudan thực hiện; các file CSF liên quan đến sử dụng hệ thống do Trung tâm NACCS thực hiện.

- Tổ chức đặt yêu cầu nâng cấp phần mềm và tổ chức xây dựng để đảm bảo phù hợp với nghiệp vụ hải quan mới phát sinh.

+ Khi có thay đổi về quy trình thủ tục, thì việc đầu tiên phải thay đổi về luật, văn phòng quản lý thông tin của Hải quan Nhật Bản kiểm tra các vấn đề cần thiết liên quan thay đổi hệ thống, làm việc với công ty NTT Data và trung tâm NACCS để lựa chọn phương án khả thi nhất để xây dựng; kinh phí do Hải quan Nhật Bản kiểm chịu.

+ Hàng năm vào tháng 3 sẽ có thông qua việc sửa luật Hải quan Nhật Bản. Việc sửa này đòi hỏi phải nâng cấp hệ thống. Nếu có đủ kinh phí thì thực hiện ngay. Nếu không đủ kinh phí thì phải chờ tạm dừng chưa đưa vào thực hiện hoặc chuyển sang làm thủ công.

2. Mô tả hoạt động của Trung tâm KuDan:

- Trung tâm KuDan là đơn vị quản lý hệ thống thông tin tình báo - CIS do Hải quan Nhật Bản quản lý (trực thuộc Hải quan Tokyo).

- Trung tâm KuDan thuộc Hải quan Nhật Bản và chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, giám sát hệ thống CIS. Tuy nhiên việc quản lý và vận hành hệ thống CIS và cũng thực hiện bởi NTT DATA và các nhà thầu phụ khác.

2.1. Về cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ, nguồn nhân lực:

Tên phòng

Số nhân viên

Chức năng (Nhiệm vụ)

Điều phối

6

- Ngân sách, An ninh, điều phối giữa các phòng có liên quan

- Quản lý tiến trình của tối ưu hóa hệ thống

Phát triển hệ thống CIS & Phần mềm thiết bị đầu cuối

10

- Phát triển hệ thống CIS (Phần mềm và phần cứng)

- Hỗ trợ giải quyết trục trặc hệ thống liên quan đến CIS (hoạt động thứ hai)

- Phát triển thế hệ tiếp theo của CIS

- Hỗ trợ giải quyết trục trặc hệ thống liên quan đến thiết bị đầu cuối

- Chỉnh sửa tài liệu hướng dẫn về phần mềm thiết bị đầu cuối

Phát triển hệ thống COMITS & ACTIS

7

Hỗ trợ giải quyết trục trặc hệ thống liên quan đến COMTIS & ACTIS

Sử dụng hệ thống (CIS, COMTIS & ACTIS)

12

- Vận hành & Quản lý CIS, Quản lý CSF đối với CIS

- Hỗ trợ giải quyết trục trặc hệ thống liên quan đến CIS (hoạt động thứ nhất)

- Chỉnh sửa tài liệu hướng dẫn về CIS

- Quản lý thông tin tầm nhìn CIS

Sử dụng hệ thống (NACCS)

9

- Quản lý CSF đối với NACCS bao gồm cả biểu thuế

- Hỗ trợ giải quyết trục trặc hệ thống liên quan đến CIS (hoạt động thứ nhất)

- Chỉnh sửa tài liệu hướng dẫn về NACCS

Phát triển hệ thống NACCS

11

- Tổng điều phối hoạt động & vận hành của NACCS

- Hỗ trợ giải quyết trục trặc hệ thống liên quan đến CIS (hoạt động thứ hai)

- Chỉnh sửa chương trình NACCS

- Tất cả các nghiên cứu phát triển NACCS

Sử dụng hệ thống (COSMOS, vận chuyển đường biển SS, các mạng lưới)

9

- Vận hành & Quản lý COSMOS, vận chuyển đường biển SS

- Hỗ trợ giải quyết trục trặc hệ thống liên quan đến COSMOS, vận chuyển đường biển SS

- Vận hành & Quản lý Mạng lưới

Tổng số

64

Không bao gồm người đứng đầu Kudan (1)

2.2. Những nhiệm vụ hiện nay đang được thuê ngoài:

Nhiệm vụ

Hoạt động cụ thể

Quản lý hệ thống

Quản lý hệ thống. Khi họ phát hiện ra lỗi và không tự khắc phục được sẽ đề nghị các nhân viên hỗ trợ kỹ thuật giúp đỡ

Vận hành

Hầu hết các hoạt động đã được thiết lập trong hệ thống. Đó là lý do mà các nhân viên quản lý có thể vận hành hệ thống trong cùng một thời điểm

Hỗ trợ kỹ thuật

Trong trường hợp hệ thống gặp sự cố, cần tìm nguyên nhân và đưa ra những giải pháp để xử lý những sự cố đó. Sau khi đưa ra những chỉ dẫn họ sẽ sửa chữa hệ thống

Bảo trì (Thiết bị)

Kiểm tra định kỳ các thiết bị trong trung tâm dữ liệu ví dụ như: sự ổn định của nguồn điện, hệ thống điều hòa và MDF

Bảo trì (HW)

Kiểm tra định kỳ HW và có những tác động cần thiết ví dụ như cập nhật phần mềm hệ thống, thay thế các bộ phận để đảm bảo sự hoạt động ổn định

Bảo trì (OS và tầng phần mềm giữa hai hệ thống)

Kiểm tra định kỳ HW và có những tác động cần thiết ví dụ như cập nhật OS/ tầng phần mềm giữa hai hệ thống để đảm bảo sự hoạt động ổn định

Quản trị mạng

Quản trị mạng. Khi họ phát hiện bất cứ sự cố về mạng họ sẽ có những hành động cần thiết để xử lý. Khi họ nhận thấy cần phải tăng dung lượng họ sẽ tư vấn cho chúng ta

Như vậy có thể thấy rằng Hải quan Nhật Bản đã sử dụng một số nguồn lực bên ngoài để thực hiện một số nội dung công việc trong quá trình quản lý, vận hành hệ thống của Trung tâm NACCS đó là:

- Thuê dịch vụ vận hành hệ thống: Kiểm soát hệ thống hoạt động thông suốt 24/7;

- Thuê dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật: Trong trường hợp hệ thống gặp sự cố, họ sẽ tìm nguyên nhân và đưa ra những giải pháp để xử lý những sự cố đó. Sau khi đưa ra những chỉ dẫn họ sẽ sửa chữa hệ thống;

- Thuê dịch vụ bảo trì thiết bị: Kiểm tra định kỳ hàng tuần các thiết bị trong trung tâm dữ liệu ví dụ như: sự ổn định của nguồn điện, hệ thống điều hòa;

- Thuê dịch vụ bảo trì phần cứng (HW): Kiểm tra định kỳ hàng tuần HW và có những tác động cần thiết ví dụ như cập nhật phần mềm hệ thống, thay thế các bộ phận để đảm bảo sự hoạt động ổn định;

- Thuê dịch vụ bảo trì OS và phần mềm lớp giữa: Kiểm tra định kỳ hàng tuần và có những tác động cần thiết ví dụ như cập nhật OS/ tầng phần mềm giữa hai hệ thống để đảm bảo sự hoạt động ổn định.

3. Văn phòng quản lý thông tin:

Văn phòng quản lý thông tin là đơn vị trực thuộc Tổng cục Hải quan Nhật Bản nằm trong Bộ Tài chính, có bộ máy gọn nhẹ với khoảng 12 người. Văn phòng chịu trách nhiệm giám sát tất cả các hệ thống CNTT, bao gồm cả hai trung tâm NACCS và Kudan, mạng thông tin. Văn phòng là nơi đưa ra quyết định về định hướng phát triển, nâng cấp các hệ thống CNTT của Hải quan và chịu trách nhiệm về phân bổ ngân sách đầu tư, kiểm tra, giám sát mua sắm đấu thầu các hệ thống CNTT.

 

PHỤ LỤC 4

SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC BÊN NGOÀI TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ THỐNG NACCS

TT

Nhiệm vụ

NACCS

CIS

Hoạt động cụ thể

Ghi chú

1

Quản lý hệ thống

2(6) *1

5

Quản lý hệ thống. Khi phát hiện ra lỗi và không tự khắc phục sẽ đề nghị các nhân viên hỗ trợ kỹ thuật giúp đỡ

*1: Tổng số nhân viên là 6 người trong đó có 2 nhân viên thuê ngoài

2

Vận hành

Hầu hết các hoạt động đã được thiết lập trong hệ thống. Đó là lý do mà các nhân viên quản lý có thể vận hành hệ thống trong cùng một thời điểm

3

Hỗ trợ kỹ thuật

7

7

Trong trường hợp hệ thống gặp sự cố, sẽ tìm nguyên nhân và đưa ra những giải pháp để xử lý những sự cố đó. Sau khi đưa ra những chỉ dẫn sẽ sửa chữa hệ thống

Các nhân viên hỗ trợ kỹ thuật không ở tại trung tâm dữ liệu. Trong trường hợp hệ thống gặp sự cố nhân viên sẽ tới ngay trung tâm dữ liệu

4

Bảo trì (Thiết bị)

*2

*2

Kiểm tra định kỳ các thiết bị trong trung tâm dữ liệu ví dụ như: sự ổn định của nguồn điện, hệ thống điều hòa và MDF

*2: Hoạt động này cần thuê nguồn lực từ bên ngoài. Nhưng không thể đưa ra chính xác số lượng nhân viên cần vì hoạt động này chỉ thực hiện vài ngày trong mỗi tháng.

5

Bảo trì (HW)

*2

*2

Kiểm tra định kỳ HW và có những tác động cần thiết ví dụ như cập nhật phần mềm hệ thống, thay thế các bộ phận để đảm bảo sự hoạt động ổn định

*2: Hoạt động này cần thuê nguồn lực từ bên ngoài. Nhưng không thể đưa ra chính xác số lượng nhân viên cần vì hoạt động này chỉ thực hiện vài ngày trong mỗi tháng.

6

Bảo trì (OS và tầng phần mềm giữa hai hệ thống)

*2

*2

Kiểm tra định kỳ HW và có những tác động cần thiết ví dụ như cập nhật OS/ tầng phần mềm giữa hai hệ thống để đảm bảo sự hoạt động ổn định

*2: Hoạt động này cần thuê nguồn lực từ bên ngoài. Nhưng không thể đưa ra chính xác số lượng nhân viên cần vì hoạt động này chỉ thực hiện vài ngày trong mỗi tháng.

7

Quản trị mạng

3*

3*

Quản trị mạng. Khi phát hiện bất cứ sự cố về mạng họ sẽ có những hành động cần thiết để xử lý. Khi nhận thấy cần phải tăng dung lượng sẽ tư vấn

*3: Đây là hoạt động cần thiết. Tuy nhiên, hoạt động này do nhà cung cấp mạng thực hiện.

 

PHỤ LỤC 5:

BẢNG SO SÁNH TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TRUNG TÂM NACCS NHẬT BẢN VÀ TRUNG TÂM QLVHHTCNTT CỦA HẢI QUAN VIỆT NAM

STT

Hạng mục

Nhật Bản

Việt Nam

1

Tên gọi

NACCS

VNACCS

2

Chức năng

- Nơi đặt hệ thống NACCS, một cửa quốc gia (hệ thống CIS do Hải quan quản lý

- Chức năng quản lý, vận hành hệ thống và dịch vụ khách hàng

- Nơi đặt hệ thống VNACCS, một cửa quốc gia và các hệ thống riêng của Hải quan.

- Chức năng quản lý vận hành hệ thống; cung cấp dịch vụ cổng điện tử và dịch vụ khách hàng liên quan đến TTHQĐT, một cửa quốc gia

3

Tổ chức

- Trực thuộc BTC từ khi thành lập đến nay. Trước 2008 là đơn vị hành chính độc lập. Từ 2008 là công ty cổ phần do Nhà nước nắm cổ phần chi phối

- Trung tâm chính tại Kawasaki, 3 văn phòng khu vực tại Fukuoka, Osaka, Nagoya

- Là đơn vị sự nghiệp thuộc Cục CNTT & Thống kê hải quan có tài khoản con dấu riêng.

- Trung tâm chính có trụ sở tòa nhà 5 tầng tại Tổng cục Hải quan khu ĐTM Yên Hòa, Hà Nội, trung tâm dự phòng tại 162 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội (sau này về TT dự phòng BTC tại Láng Hòa Lạc)

4

Bộ máy nhân sự

- Tổng số 107 cán bộ (mới thành lập 25 người)

- BLĐ: 01 TGĐ + 03 Giám đốc điều hành

- 5 phòng (Hành chính, Tài vụ, Kế hoạch, Hệ thống, Dịch vụ) + bộ phận giám sát độc lập

- Tổng số 13 cán bộ

- BLĐ: GĐ + 03 PGĐ

- Dự kiến thành lập 03 phòng/bộ phận (quản trị hậu cần, quản lý vận hành hệ thống, kỹ thuật). Xem xét bổ sung phòng/bộ phận dịch vụ khách hàng (Help-Desk)

5

Quan hệ công việc

- Là chủ sở hữu và chịu trách nhiệm toàn diện về hệ thống NACCS gồm: Quản lý vận hành, nâng cấp, xây dựng, duy trì bảo dưỡng, truyền thông, dịch vụ hỗ trợ khách hàng. Người sử dụng hệ thống bao gồm khối Chính phủ (có Hải quan) và doanh nghiệp

- Là đơn vị thuộc Cục CNTT & Thống kê hải quan chịu trách nhiệm quản lý vận hành hệ thống; ký hợp đồng với các đối tác IT để quản trị, bảo trì bảo dưỡng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật TTDL;

- Các phòng chức năng của Cục chủ trì xây dựng mới, nâng cấp hệ thống, bàn giao cho Trung tâm quản Iý. Trung tâm ký hợp đồng với các đối tác để thực hiện và tiếp nhận bàn giao

- Các Vụ, Cục và địa phương là người sử dụng hệ thống. Trung tâm là đầu mối cung cấp dịch vụ công điện tử và dịch vụ hỗ trợ, giải đáp vướng mắc liên quan đến TTHQĐT và SW

6

Kinh phí

Từ chính phủ và nguồn thu từ tư nhân sử dụng hệ thống

Kinh phí hoạt động từ nguồn NSNN

 

PHỤ LỤC 6

CƠ SỞ TÍNH TOÁN MỨC LƯƠNG HỆ SỐ 2,5 LẦN LƯƠNG TỐI THIỂU

Trên cơ sở nghiên cứu các quy định hiện hành để làm rõ căn cứ sử dụng cơ chế chi trả lương cho các cán bộ làm việc tại Trung tâm QLVH bằng 2,5 lần mức lương tối thiểu, Tổng cục Hải quan đề xuất như sau:

1. Cơ sở đề xuất:

- Theo yêu cầu công việc đối với cán bộ chuyên môn về CNTT làm việc tại TTQLVH là kỹ sư công nghệ thông tin bậc 2 và bậc 3;

- Ngân hàng Nhà nước hiện nay đang thực hiện cơ chế chi lương bằng 03 lần mức lương tối thiểu;

- Ủy ban chứng khoán Nhà nước hiện nay đang thực hiện cơ chế chi lương bằng 03 lần mức lương tối thiểu;

- Hiện nay ngành Thuế-Hải quan-Kho bạc Nhà nước đang được thực hiện cơ chế khoán chi với mức khoán chi là 1,8 lần mức lương tối thiểu. Tuy nhiên để thực hiện việc so sánh với mức lương trung bình của xã hội đối với ngạch kỹ sư CNTT, Tổng cục Hải quan sử dụng mức lương tối thiểu để so sánh. Theo đó lương của một cán bộ làm công tác tin học trong ngành Hải quan được tính toán như sau:

STT

Mức lương đối với kỹ sư CNTT

Cán bộ (kỹ sư CNTT) hưởng Phụ cấp theo ngạch kiểm tra viên (chưa tính theo cơ chế khoán 1.8)

Tiền lương và phụ cấp theo hệ số điều chỉnh 1,8 (Phụ cấp Công vụ hệ số 1)

Hệ số lương

Ưu đãi ngành

Phụ cấp công vụ

Trừ BHXH, YT, KPCĐ, BHTN

Tiền lương và phụ cấp (Phụ cấp Công vụ hệ số 1)

 

 

1

2=(1)*0,2

3=(1)*0,25

4=(1)*lương cơ bản *0,095

5=((1)+(2))* lương cơ bản) +(3)* lương cơ bản +(4)

5=((1)+(2))* lương cơ bản*1,8) +(3)* lương cơ bản +(4)

1

Kỹ sư bậc 1

2.34

0.468

0.585

255,645

4,157,595

6,229,665

2

Kỹ sư bậc 2

2.67

0.534

0.668

291,698

4,743,923

7,108,208

3

Kỹ sư bậc 3

3.00

0.600

0.750

327,750

5,330,250

7,986,750

4

Kỹ sư bậc 4

3.33

0.666

0.833

363,803

5,916,578

8,865,293

(Ghi chú: Các trường hợp đang xét trên đang giả định không có thâm niên công tác và không có chức vụ).

- Theo khảo sát thị trường năm 2012 về mức lương đối với kỹ sư làm công tác công nghệ thông tin tại một số công ty tin học lớn tại địa bàn thành phố Hà Nội cụ thể như sau:

Đơn vị tính: VNĐ

TT

Mức lương đối với kỹ sư CNTT làm việc tại các công ty

CMC

FPT

HiPT

VietTel

1

Cấp độ 4 (Dưới 3 năm kinh nghiệm) tương đương kỹ sư bậc 1

6,200,000

11,660,000

7,800,000

22,000,000

2

Cấp độ 3 (3-5 năm kinh nghiệm) tương đương kỹ sư bậc 2

10,400,000

12,480,000

11,300,000

25,000,000

3

Cấp độ 2 (5-10 năm kinh nghiệm) tương đương kỹ sư bậc 3

13,500,000

17,800,000

14,800,000

30,000,000

4

Cấp độ 1 (trên 10 năm kinh nghiệm) tương đương kỹ sư bậc 4

17,100,000

20,780,000

18,300,000

60,000,000

Từ đó tính ra mức lương trung bình như sau:

Đơn vị tính: VNĐ

TT

Mức lương đối với kỹ sư CNTT làm việc tại các công ty

Mức lương bình quân

1

Cấp độ 4 (Dưới 3 năm kinh nghiệm) tương đương kỹ sư bậc 1

11,915,000

2

Cấp độ 3 (3-5 năm kinh nghiệm) tương đương kỹ sư bậc 2

14,795,000

3

Cấp độ 2 (5-10 năm kinh nghiệm) tương đương kỹ sư bậc 3

19,025,000

4

Cấp độ 1 (trên 10 năm kinh nghiệm) tương đương kỹ sư bậc 4

29,045,000

2. Xác định mức lương

- Tổng hợp so sánh:

Đơn vị tính: VNĐ

TT

Mức Iương đối với kỹ CNTT

Mức lương tối thiểu tại CQNN

Mức lương BQ tại công ty

Mức chênh lệch

1

Cấp độ 4 (Dưới 3 năm kinh nghiệm) tương đương kỹ sư bậc 1

4,157,595

11,915,000

2.9 lần

2

Cấp độ 3 (3-5 năm kinh nghiệm) tương đương kỹ sư bậc 2

4,743,923

14,795,000

3.1 lần

3

Cấp độ 2 (5-10 năm kinh nghiệm) tương đương kỹ sư bậc 3

5,330,250

19,025,000

3.6 lần

4

Cấp độ 1 (trên 10 năm kinh nghiệm) tương đương kỹ sư bậc 4

5,916,578

29,045,000

4.9 lần

- Trên cơ sở các căn cứ, tính toán nêu trên và tham khảo mức lương trung bình của một số công ty tin học lớn, Tổng cục Hải quan đề xuất được sử dụng cơ chế chi trả lương bằng 2,5 lần mức lương tối thiểu đối với cán bộ làm công tác tin học tại TTQLVH. Với hệ số 2,5 lần mức lương tối thiểu mặc dù chưa bằng được mức trung bình của xã hội nhưng cũng đã tiếp cận sát với mặt bằng xã hội. Cụ thể như sau:

TT

Mức lương đối với kỹ sư CNTT

Mức lương tối thiểu

Mức lương tối thiểu (nhân với hệ số 2,5)

1

Cấp độ 4 (Dưới 3 năm kinh nghiệm) tương đương kỹ sư bậc 1

4,157,595

10,393,988

2

Cấp độ 3 (3-5 năm kinh nghiệm) tương đương kỹ sư bậc 2

4,743,923

11,859,808

3

Cấp độ 2 (5-10 năm kinh nghiệm) tương đương kỹ sư bậc 3

5,330,250

13,325,625

4

Cấp độ 1 (trên 10 năm kinh nghiệm) tương đương kỹ sư bậc 4

5,916,578

14,791,445

Như vy nếu so sánh mức khoán chi hiện hành là 1,8 lần và mức đề xuất mới đi với cán bộ, công chức của Trung tâm QLVH là 2,5 lần mức lương tối thiểu thì mức chênh lệch là hợp lý trong giai đoạn hin nay (tăng 0,7 ln) nhằm thu hút được cán bộ có trình độ chuyên môn phù hợp với tính chất công việc quản vận hành hệ thống CNTT ngành Hải quan.

- Nguyên tắc thực hiện: thực hiện theo chế độ chính sách hiện hành của ngành Hải quan và chế độ đãi ngộ đặc biệt khi triển khai hệ thống VNACCS và trình cơ chế chi tiết khi Đề án được phê duyệt, triển khai. Được phép trả lương theo nguyên tắc khoán tổng quỹ lương của toàn bộ cán bộ, công chức của Trung tâm, bằng 2,5 lần mức lương tối thiểu; Được quyền chủ động chi trả lương theo năng lực chuyên môn của cán bộ trên cơ sở tổng quỹ lương của Trung tâm được duyệt.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2999/QĐ-BTC năm 2013 phê duyệt Đề án: "Triển khai hoạt động của Trung tâm Quản lý vận hành hệ thống công nghệ thông tin hải quan" do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 2999/QĐ-BTC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/12/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/12/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản