Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2996/QĐ-UBND

Quảng Ninh, ngày 06 tháng 09 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC TRÊN CƠ SỞ GIỚI, XÂM HẠI TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Bình đẳng giới ngày 29/11/2006;

Căn cứ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ngày 05/12/2007;

Căn cứ Luật Trẻ em ngày 05/4/2016;

Căn cứ Luật phòng chống mua bán người ngày 29/3/2011;

Căn cứ Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em;

Căn cứ Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ “quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội”;

Căn cứ Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em;

Căn cứ Quyết định số 21/2016/QĐ-TTg ngày 17/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình;

Căn cứ Thông tư số 02/TT-BLĐTB&XH ngày 14/2/2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Hướng dẫn quản lý đối tượng được cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ công tác xã hội;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 2982/TTr-SLĐTBXH ngày 31/8/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp liên ngành phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa và Thể Thao, Y tế, Tư pháp, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh; Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, Giám đốc các Cơ sở trợ giúp xã hội và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Lao động -TB&XH; (báo cáo)
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; (báo cáo)
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh; (báo cáo)
- CT, các PCT UBND tỉnh; (báo cáo)
- Tòa án nhân dân tỉnh;
- Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh;
- Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh;
- Liên chi hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Quảng Ninh;
- Thành viên Ban VSTBCPN và BVCSTE cấp tỉnh;
- VO, 1,2,3; các Chuyên viên NCTH;
- Lưu: VT, VX2

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Hạnh

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC TRÊN CƠ SỞ GIỚI, XÂM HẠI TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2996/QĐ-UBND ngày 06 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về nguyên tắc, nội dung, quy trình, trách nhiệm phối hợp giữa các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan ở các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong việc phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, xâm hại trẻ em.

2. Đối tượng áp dụng

a) Đối tượng tác động

Người bị bạo lực hoặc có nguy cơ cao bị bạo lực trên cơ sở giới; trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ cao bị xâm hại; thân nhân, người bảo vệ, người giám hộ và cá nhân có liên quan.

b) Đối tượng thực hiện hoạt động phối hợp liên ngành

- Ủy ban nhân dân các cấp;

- Ngành chức năng cấp tỉnh, huyện, xã; các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội có liên quan;

- Các cơ sở trợ giúp người bị bạo lực trên cơ sở giới (người bị BLG), trẻ em bị xâm hại gồm: Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh, Cơ sở bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh; Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh; các Văn phòng Công tác xã hội, Địa chỉ tin cậy, Nhà tạm lánh được thành lập theo Quyết định của cơ quan có thẩm quyền; Cơ sở y tế công lập, Trung tâm giám định pháp y tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Quảng Ninh.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Bạo lực trên cơ sở giới (BLG) được hiểu là “Bạo lực nhằm vào một người trên cơ sở đối xử phân biệt giới hoặc giới tính. Nó bao gồm các hành động gây tác hại hoặc gây đau đóm về thể xác, tinh thần hay tình dục, gồm cả sự đe dọa thực hiện những hành vi này, sự cưỡng bức và tước đoạt tự do dưới các hình thức khác nhau. Mặc dù phụ nữ, nam giới, trẻ em trai và trẻ em gái đều có thể trở thành nạn nhân BLG nhưng phụ nữ và trẻ em gái thường là nạn nhân chủ yếu”[1].

2. Người bị BLG là người bị đối xử phân biệt giới hoặc giới tính dưới một hoặc nhiều hình thức khác nhau làm tổn thương về thể xác hoặc tinh thần. Trẻ em bị xâm hại tình dục hoặc bị chứng kiến hành vi xâm hại tình dục cũng là người bị BLG.

3. Xâm hại trẻ em: Là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc và các hình thức gây tổn hại khác[2].

4. Người có nguy cơ cao bị BLG là người sống trong môi trường gia đình, cộng đồng có nhận thức hạn chế về bình đẳng giới hoặc đã xảy ra hành vi BLG; người đã từng bị BLG; người sống trong gia đình bất hòa, có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, thất nghiệp ...

5. Trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại là trẻ em sống trong môi trường gia đình, cộng đồng đã từng có hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em; trẻ em đã từng bị bạo lực, xâm hại; trẻ em sống trong gia đình bất hòa, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn.

6. Bảo mật về thông tin là việc giữ kín thông tin liên quan đến người bị BLG, trẻ em bị xâm hại nhằm bảo vệ lợi ích tốt nhất cho nạn nhân và trẻ em; không bao gồm việc cung cấp thông tin cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm để thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ, can thiệp, xử lý các vụ việc BLG, xâm hại trẻ em.

7. Trường hợp khẩn cấp là những trường hợp bị bạo lực, xâm hại bị tổn hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, bị ảnh hưởng đến nhu cầu tối thiểu cần phải cấp cứu, điều trị và cung cấp ngay hỗ trợ ban đầu (ăn, uống, chỗ ở tạm thời) và cần cách ly/bảo vệ để bảo đảm an toàn.

8. Dịch vụ thiết yếu là bao gồm những dịch vụ cốt lõi được cung cấp bởi các ngành y tế, dịch vụ xã hội, tư pháp và hành pháp. Các dịch vụ ở mức tối thiểu cần bảo đảm các quyền, sự an toàn và sức khỏe của mọi phụ nữ và trẻ em gái từng bị BLG[3].

9. Điều phối liên ngành là phương thức hoạt động phối hợp của các bên liên quan có sự điều hành của một cơ quan chỉ đạo cấp trên và được vận hành, kết nối bởi một cơ quan thường trực làm đầu mối nhằm đảm bảo tính toàn diện, đa dạng, có hệ thống và bền vững, tránh chồng chéo hoặc phát sinh khoảng trống trong thực hiện các chức trách được giao.

10. Người quản lý đối tượng là công chức, viên chức, người lao động, cộng tác viên công tác xã hội được người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã/cấp huyện giao nhiệm vụ quản lý đối tượng (người bị BLG, trẻ em bị xâm hại).

Điều 3. Mục đích, nguyên tắc phối hợp

1. Mục đích phối hợp

a) Đảm bảo việc phòng, chống BLG, xâm hại trẻ em được thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, tránh chồng chéo và hạn chế khoảng trống; nâng cao trách nhiệm giải trình của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân trong thực hiện quy trình điều phối và trong từng hoạt động phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp, xử lý BLG, xâm hại trẻ em.

b) Huy động nguồn lực, tập trung giải pháp nhằm phát huy tối đa hiệu quả cung cấp các dịch vụ thiết yếu hỗ trợ người bị BLG, trẻ em bị xâm hại.

2. Nguyên tắc phối hợp

a) Tuân thủ chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong công tác phòng, chống BLG và xâm hại trẻ em.

b) Lấy nạn nhân làm trung tâm để thống nhất các giải pháp hỗ trợ trên cơ sở tôn trọng ý kiến, nhu cầu cá nhân; đảm bảo cung cấp dịch vụ thiết yếu chủ động, kịp thời, liên tục, phù hợp và thân thiện.

c) Phát huy vai trò, trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phối hợp liên ngành cung cấp các dịch vụ thiết yếu hỗ trợ người bị BLG và trẻ em bị xâm hại.

d) Bảo mật thông tin là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tiếp nhận, quản lý, cung cấp thông tin liên quan đến người bị BLG, trẻ em bị xâm hại và người cung cấp thông tin. Việc chia sẻ thông tin, số liệu kịp thời, chính xác cho các tổ chức, cá nhân có liên quan đến phòng ngừa, trợ giúp người bị BLG, trẻ em bị xâm hại là trách nhiệm và được thực hiện theo quy trình quản lý trường hợp, phải được sự đồng ý của đối tượng và vì mục đích trợ giúp đối tượng.

đ) Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, điều hành, phối hợp liên ngành phòng, chống BLG, xâm hại trẻ em và giải quyết các vụ việc BLG, xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn quản lý thực hiện theo phân cấp quản lý ngành, lĩnh vực thuộc tỉnh bằng nguồn lực của địa phương/đơn vị, nguồn huy động hợp pháp khác.

e) Các hoạt động hỗ trợ, can thiệp, xử lý BLG, xâm hại trẻ em có sự tham gia và chịu sự giám sát, đánh giá của cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội ở các cấp.

Chương II

NỘI DUNG PHỐI HỢP VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

Điều 4. Chỉ đạo, điều hành

1. Ủy ban nhân dân các cấp

a) Thường xuyên kiện toàn Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ và Bảo vệ, chăm sóc trẻ em; ban hành Quy chế hoạt động của Ban bảo đảm phù hợp với định hướng chung của Trung ương, của Tỉnh và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ tại địa phương, rõ trách nhiệm thực hiện và phối hợp của từng thành viên trong Ban.

b) Chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện chính sách, cung cấp dịch vụ thiết yếu, tổ chức hoạt động phòng, chống BLG, xâm hại trẻ em; bố trí nguồn lực đảm bảo tổ chức, triển khai các hoạt động phối hợp liên ngành tại địa phương; vận động nguồn lực hỗ trợ trường hợp bị BLG, trẻ em bị xâm hại phải điều trị do thương tích nặng hoặc bị tổn thương nghiêm trọng phải hồi phục lâu dài.

2. Cơ quan thường trực và đơn vị thành viên ở các cấp

a) Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội (sau đây viết tắt là LĐ- TB&XH) ở cấp tỉnh, cấp huyện và công chức phụ trách công tác LĐ-TB&XH ở cấp xã: là thường trực thay mặt Ủy ban nhân dân (sau đây viết tắt là UBND) cùng cấp điều phối các hoạt động liên ngành thuộc phạm vi Quy chế này;

b) Cơ quan thường trực chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành hàng năm và tổ chức triển khai, thực hiện theo hệ thống quản lý ngang cấp và dọc từ cấp trên đến cấp dưới.

c) Thực hiện cơ chế họp và báo cáo liên ngành theo tháng đối với cấp xã, theo quý đối với cấp tỉnh, huyện; kiểm tra, giám sát, báo cáo việc thực hiện Quy chế thông qua hệ thống chỉ số theo dõi, đánh giá (chi tiết tại Phụ lục số 01).

3. Các sở, ngành, đoàn thể, đơn vị là thành viên Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ và Bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các cấp; các cơ sở cung cấp dịch vụ và các cơ quan, đơn vị liên quan: cử bộ phận, cán bộ đầu mối thực hiện công tác phối hợp liên ngành phòng, chống BLG, xâm hại trẻ em. Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện, cơ sở trợ giúp xã hội cử cán bộ/người quản lý đối tượng bị BLG, trẻ em bị xâm hại.

Điều 5. Cung cấp dịch vụ thiết yếu hỗ trợ người bị BLG, trẻ em bị xâm hại và người có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại

1. Cơ quan thường trực ở cấp tỉnh, huyện, xã: khi tiếp nhận thông tin phải kết nối với bộ phận, cán bộ đầu mối liên ngành và tổ chức cung cấp dịch vụ để trợ giúp người bị BLG, trẻ em bị xâm hại và người có nguy cơ:

- Trung tâm Công tác xã hội tỉnh chủ trì và kết nối cung cấp dịch vụ thiết yếu ở tuyến tỉnh đối với các trường hợp đề nghị Trung tâm hoặc các cơ sở trợ giúp xã hội tỉnh hoặc các trường hợp do sở, ngành, đơn vị của tỉnh và tuyến dưới chuyển lên, tuyến Trung ương chuyển xuống. Thực hiện quy trình tiếp nhận, can thiệp, hỗ trợ, xử lý vụ việc và quản lý trường hợp đối với người tạm lánh tại Trung tâm.

- Cơ quan thường trực cấp huyện chủ trì kết nối cung cấp dịch vụ thiết yếu ở tuyến huyện đối với các trường hợp đề nghị huyện trợ giúp hoặc các trường hợp do tuyến xã chuyển lên, do huyện khác hoặc các cơ quan của tỉnh chuyển xuống. Thực hiện quy trình tiếp nhận, can thiệp, hỗ trợ, xử lý vụ việc và quản lý trường hợp tạm lánh tại cơ sở trợ giúp cấp huyện.

- Cán bộ thường trực cấp xã chủ trì kết nối cung cấp dịch vụ thiết yếu ở tuyến xã đối với các trường hợp đề nghị xã/phường/thị trấn trợ giúp hoặc các trường hợp do cấp huyện, tỉnh chuyển xuống; điều phối các thành viên liên quan ở cấp xã thực hiện quy trình tiếp nhận, can thiệp, hỗ trợ, xử lý vụ việc theo thẩm quyền, điều kiện thực tế và khả năng của xã; lập hồ sơ quản lý trường hợp tại cộng đồng; theo dõi đánh giá người bị BLG, trẻ em bị xâm hại hòa nhập cộng đồng; đề nghị chuyển lên tuyến huyện, tỉnh trợ giúp (qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm CTXH tỉnh hoặc ngành chức năng) đối với trường hợp vượt quá thẩm quyền, khả năng của xã hoặc trường hợp phức tạp, cán bộ thường trực xã chưa có kinh nghiệm trong tư vấn, trợ giúp nạn nhân.

2. Mọi thông tin về BLG và xâm hại trẻ em được chuyển về cán bộ thường trực ở cấp xã và Trung tâm Công tác xã hội tỉnh (nếu nạn nhân đồng ý chia sẻ thông tin) để xác nhận thông tin, đánh giá, phân loại, phối hợp trợ giúp.

3. Các cơ quan, đơn vị đầu mối cung cấp dịch vụ Tư pháp, Y tế, Công an, cơ sở trợ giúp xã hội chủ động và phối hợp kịp thời với cơ quan thường trực cùng cấp để xác định nhu cầu cần trợ giúp, tư vấn và cung cấp dịch vụ thiết yếu cho người bị BLG, trẻ em bị xâm hại.

Điều 6. Tiếp nhận và xử lý thông tin

1. Hình thức thông tin

Các thông tin được tiếp nhận, xử lý, báo cáo bằng các hình thức phù hợp (trực tiếp, điện thoại, gửi email, bằng văn bản... ) cho cơ quan chức năng đảm bảo tính kịp thời, chính xác, an toàn thông tin.

2. Tiếp nhận thông tin

a) Mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo kịp thời (trực tiếp hoặc qua điện thoại hoặc hình thức khác) cho cơ quan tiếp nhận thông tin khi phát hiện trực tiếp hoặc có thông tin (nghe kể, được báo, thông tin trên mạng xã hội...) về trường hợp BLG, xâm hại trẻ em. Cơ quan đầu mối tiếp nhận thông tin: là một trong những cơ quan sau đây:

- Ủy ban nhân dân cấp xã;

- Cơ quan Công an cấp xã hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất, đường dây nóng 113;

- Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp;

- Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh, Tổng đài 1800.1769;

- Các cơ sở trợ giúp nạn nhân khác.

b) Người tiếp nhận thông tin có trách nhiệm: ghi chép đầy đủ thông tin do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp (theo Mẫu số 01A nếu là trẻ em bị xâm hại, bị BLG; Mẫu số 01B nếu nạn nhân BLG không phải là trẻ em); lưu giữ thông tin liên lạc của người báo cáo/người cung cấp thông tin để tiếp tục liên hệ hoặc hướng dẫn, hỗ trợ, can thiệp, xử lý đảm bảo nhanh chóng, kịp thời.

3. Xử lý thông tin

a) Người tiếp nhận thông tin thuộc các cơ quan đầu mối: Khi có thông tin vụ việc BLG, xâm hại trẻ em, kịp thời thông tin cho UBND cấp xã (qua cán bộ thường trực cấp xã) nơi xảy ra vụ việc.

b) UBND cấp xã chủ trì, chỉ đạo, thực hiện:

- Cán bộ có trách nhiệm (Lao động- TB&XH, công an, phụ nữ...) kiểm tra, xác minh tính trung thực của thông tin đã được tiếp nhận; đánh giá sơ bộ vụ việc, nguy cơ mất an toàn và mức độ gây tổn hại đối với người bị BLG, trẻ em bị xâm hại để có các biện pháp can thiệp kịp thời; hướng dẫn người bị BLG, gia đình, người giám hộ của trẻ em cách lưu giữ chứng cứ để phục vụ công tác điều tra và các thủ tục pháp lý cần thực hiện; bảo vệ người cung cấp thông tin, tố cáo.

- Cán bộ thường trực cấp xã: Báo cáo về thường trực cấp huyện để phối hợp và triển khai các biện pháp hỗ trợ, can thiệp theo quy định ngay khi có thông tin xác thực của vụ việc; thông tin cho Trung tâm Công tác xã hội tỉnh để được hướng dẫn về chuyên môn và cách xử lý thông tin trợ giúp đối tượng.

- Công an viên thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người bị BLG, trẻ em bị xâm hại; chấm dứt ngay hành vi bạo lực, xâm hại ngay sau khi phát hiện và trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc; thu thập chứng cứ theo quy định.

c) Cơ quan Văn hóa và Thể thao, Công an, Y tế, Tư pháp, Giáo dục, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp khi nắm được thông tin vụ việc BLG, xâm hại trẻ em, có trách nhiệm báo cáo ngay cho cơ quan chủ quản cấp trên, đồng thời thông tin cho cơ quan thường trực cùng cấp (Lao động - TB&XH) và Trung tâm Công tác xã hội tỉnh để được hướng dẫn về chuyên môn và cách xử lý thông tin trợ giúp đối tượng.

Điều 7. Đánh giá nguy cơ ban đầu, mức độ tổn hại, hỗ trợ và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tạm thời cho người bị BLG, trẻ em bị xâm hại

1. Đánh giá nguy cơ ban đầu, mức độ tổn hại của người bị BLG, trẻ em bị xâm hại

Cán bộ thường trực cấp xã/cán bộ quản lý đối tượng cơ sở trợ giúp phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan tiến hành việc đánh giá nguy cơ ban đầu, mức độ tổn hại của người bị BLG, trẻ em bị xâm hại (Mẫu số 02) và báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã/người đứng đầu cơ sở trong vòng 06 giờ làm việc kể từ khi có kết quả xác thực về vụ việc.

2. Hỗ trợ người bị BLG, trẻ em bị xâm hại khám, điều trị, giám định chứng thương, xử lý vụ việc.

a) Cấp giấy giới thiệu đi khám, điều trị khẩn cấp:

Công an xã cấp Giấy giới thiệu cho người bị BLG hoặc cha, mẹ, người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em bị xâm hại để đưa nạn nhân đến cơ sở y tế trên địa bàn khám, điều trị khẩn cấp, xác định thương tích ban đầu; cử cán bộ cùng tham gia trong việc khám xác nhận thương tích và thu thập bằng chứng làm cơ sở xử lý hành chính.

Trường hợp có dấu hiệu tội phạm, Công an xã đề nghị Cơ quan điều tra cấp Giấy giới thiệu người bị BLG, trẻ em bị xâm hại đến Trung tâm giám định pháp y tỉnh để khám lấy y chứng, cử người cùng tham gia việc khám lấy y chứng, hướng dẫn người bị BLG, trẻ em bị xâm hại và gia đình các thủ tục pháp lý theo quy định và thông tin cho Phòng Lao động-TB&XH cấp huyện để biết.

Trường hợp người bị BLG, trẻ em bị xâm hại tạm lánh tại cơ sở trợ giúp, người đứng đầu cơ sở đề nghị cơ quan công an có thẩm quyền cấp giấy giới thiệu đi khám, điều trị; cử cán bộ đi cùng hỗ trợ đối tượng.

b) Khám, điều trị khẩn cấp, giám định chứng thương:

- Bệnh viện, cơ sở y tế có trách nhiệm: ưu tiên tiếp nhận, khám, điều trị khẩn cấp cho người bị BLG, trẻ em bị xâm hại theo Thông tư số 24/2017/TT- BYT ngày 17/5/2017 của Bộ Y tế và quy định hiện hành; hướng dẫn, hỗ trợ nạn nhân lưu giữ bằng chứng trước khi phẫu thuật hoặc chữa trị; thông tin nhanh đến cơ quan thường trực cùng cấp để phối hợp hỗ trợ nạn nhân; thông báo kết quả khám, điều trị ban đầu của nạn nhân cho Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan cấp Giấy giới thiệu.

Nếu phát hiện/nghi có dấu hiệu tội phạm: thông tin nhanh nhất đến cơ quan điều tra; phối hợp với cơ quan điều tra và Trung tâm giám định pháp y tỉnh để khám giám định, lưu trữ hồ sơ khám, điều trị của nạn nhân phục vụ công tác điều tra, xử lý vụ việc theo quy định.

- Trung tâm Giám định pháp y tỉnh có trách nhiệm: tiếp nhận, khám cấp y chứng cho người bị BLG, trẻ em bị xâm hại khi có Giấy giới thiệu của cơ quan chức năng. Trong thời hạn sớm nhất, cung cấp kết quả khám giám định cho cơ quan Công an, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Cảnh sát điều tra để phục vụ công tác điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo tính bảo mật thông tin.

c) Xử lý đối với vụ việc bạo lực, xâm hại:

- Đối với vụ việc chưa có dấu hiệu tội phạm hình sự, tùy theo mức độ vi phạm, UBND cấp xã và cơ quan có thẩm quyền quyết định xử lý vi phạm hành chính, giáo dục tại cộng đồng hay hòa giải theo thẩm quyền để đảm bảo răn đe và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại, bạo lực trên địa bàn, giám sát người vi phạm tại nơi cư trú; báo cáo kết quả xử lý cho Phòng Lao động-TB&XH cấp huyện.

- Đối với vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự: Trong thời gian nhanh nhất sau khi nhận thông báo và hồ sơ của cơ sở y tế hoặc Trung tâm Giám định y khoa tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã gửi kiến nghị khởi tố bằng văn bản kèm chứng cứ, tài liệu liên quan đến cơ quan Cảnh sát điều tra để xem xét, xử lý vụ việc. Cơ quan Cảnh sát điều tra: Tiến hành điều tra vụ việc và thực hiện các bước thuộc quy trình tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật; khi làm việc với trẻ em bị xâm hại, phải đảm bảo có sự tham gia của người giám hộ và cử cán bộ điều tra có kinh nghiệm thụ lý vụ án; khi người bị BLG, trẻ em bị xâm hại là phụ nữ hoặc người thiếu năng lực cần có sự tham gia của người đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nạn nhân; sau khi có kết quả xử lý vụ việc, thông báo bằng văn bản cho Phòng Lao động - TB&XH cấp huyện, UBND cấp xã được biết.

3. Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tạm thời cho người bị BLG, trẻ em bị xâm hại trong trường hợp đặc biệt, khẩn cấp.

a) Các biện pháp can thiệp khẩn cấp

- Các biện pháp can thiệp khẩn cấp (tạm lánh, cách ly tạm thời, chăm sóc thay thế...) hỗ trợ nạn nhân được thực hiện trong thời gian nhanh nhất và không quá 12 giờ kể từ thời điểm nhận được thông tin đối với trường hợp nạn nhân đang bị đe dọa hoặc bị gây tổn hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm hoặc cha, mẹ, người chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc vợ/chồng, con đẻ chính là người gây tổn hại cho nạn nhân.

- Chủ tịch UBND cấp xã quyết định các biện pháp can thiệp khẩn cấp và bố trí, thực hiện hỗ trợ cho nạn nhân tại xã để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nạn nhân. Trường hợp xã không đảm bảo điều kiện hỗ trợ hoặc do nhu cầu của nạn nhân cần chuyển tuyến: UBND cấp xã chuyển gửi nạn nhân đến tạm lánh tại cơ sở trợ giúp/tạm lánh của huyện qua Phòng Lao động- TB&XH hoặc đến cơ sở trợ giúp xã hội của tỉnh: Trung tâm công tác xã hội, Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đê thực hiện can thiệp khẩn cấp; cử người đưa, bàn giao nạn nhân cho cơ sở tạm lánh.

b) Thực hiện biện pháp tạm lánh

- Cán bộ thường trực cấp xã: báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã quyết định áp dụng biện pháp tạm lánh cho nạn nhân và hỗ trợ các điều kiện để thực hiện tạm lánh cho nạn nhân.

- Cơ sở trợ giúp cấp huyện, tỉnh: bố trí tạm lánh nếu nạn nhân có nhu cầu tạm lánh ở tuyến huyện, tuyến tỉnh; thực hiện chăm sóc, hỗ trợ, quản lý nạn nhân theo quy định trong thời gian tối đa 03 tháng theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ “quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội” và các văn bản liên quan; cung cấp các dịch vụ thiết yếu theo quy định, phù hợp với nhu cầu của nạn nhân; đề nghị và phối hợp với công an để bảo vệ nạn nhân và cán bộ, nhân viên có liên quan.

- Trường hợp chưa đảm bảo điều kiện an toàn cho nạn nhân hoặc Tòa án đang thụ lý, giải quyết vụ việc, Chủ tịch UBND cấp xã/huyện/cơ sở trợ giúp quyết định tiếp tục kéo dài thời gian tạm lánh/cách ly/chăm sóc thay thế cho đến khi nạn nhân được đánh giá bảo đảm điều kiện an toàn khi hòa nhập.

- Công an các cấp: thực hiện các biện pháp bảo vệ để ngăn chặn các hành vi đe dọa hoặc gây bạo lực, xâm hại; cung cấp, trao đổi thông tin với cán bộ thường trực cùng cấp để đảm bảo hiệu quả trong công tác phối hợp và bảo vệ tốt nhất cho nạn nhân; bảo vệ người tố cáo, người cung cấp thông tin; hướng dẫn nạn nhân và gia đình các thủ tục pháp lý để bảo vệ nạn nhân và xử lý người vi phạm.

- Bệnh viện, cơ sở y tế: Bố trí tạm lánh cho nạn nhân trong trường hợp nạn nhân đang điều trị bị đe dọa theo quy định tại Thông tư 24/2017/TT-BYT ngày 17/5/2017 của Bộ Y tế; đề nghị và phối hợp với công an để bảo vệ nạn nhân và cán bộ, nhân viên y tế liên quan.

c) Thực hiện biện pháp cách ly tạm thời hoặc chăm sóc thay thế

- Chủ tịch UBND cấp xã quyết định tạm thời cách ly và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế đối với nạn nhân là trẻ em bị bạo lực, xâm hại (Mẫu số 08A); quyết định tạm thời áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc giữa người gây bạo lực và nạn nhân bạo lực gia đình (Mẫu số 08B).

Trường hợp nạn nhân là trẻ em bị xâm hại: Cán bộ thường trực cấp xã chủ trì phối hợp với thành phần có liên quan thống nhất bằng văn bản đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã áp dụng biện pháp tạm thời cách ly trẻ em khỏi thân nhân (nội dung buổi làm việc phải được ghi biên bản). Trường hợp nạn nhân BLG: tư vấn cho nạn nhân làm đơn đề nghị áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc đối với người gây bạo lực gia đình (theo Điều 20 Luật phòng chống bạo lực gia đình) hoặc đơn đề nghị đưa vào cơ sở tạm lánh tại xã/huyện/tỉnh.

Điều 8. Thu thập thông tin, đánh giá nhu cầu cần hỗ trợ, can thiệp

1. Sau khi đánh giá ban đầu, cán bộ thường trực cấp xã phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện việc thu thập thông tin, đánh giá các vấn đề/nguy cơ cụ thể, trên cơ sở thống nhất với người bị BLG và người giám hộ (trong trường hợp nạn nhân là trẻ em) để đánh giá và xác định nhu cầu cần hỗ trợ (theo Mẫu số 03A nếu là trẻ em bị xâm hại; Mẫu số 03B nếu là người bị BLG).

2. Trường hợp người bị BLG, trẻ em bị xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì họp với Tổ công tác liên ngành cấp xã (là Ban BVCSTE cấp xã) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, đại diện tổ dân, khu phố và thân nhân của nạn nhân (trừ trường hợp thân nhân là người có hành vi bạo lực, xâm hại) để đánh giá nguồn lực và biện pháp hỗ trợ, bảo vệ phù hợp với nhu cầu thực tế của nạn nhân.

3. Trường hợp người bị BLG, trẻ em bị xâm hại tạm lánh tại cơ sở trợ giúp cấp huyện/tỉnh: người đứng đầu Cơ sở phù hợp với Chủ tịch UBND cấp xã trao đổi thông tin, đề nghị phối hợp xác minh, đánh giá nguy cơ, đánh giá nhu cầu của đối tượng để có biện pháp hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ đối tượng kịp thời.

Điều 9. Xây dựng, phê duyệt kế hoạch hỗ trợ, can thiệp

1. Xây dựng, trình kế hoạch: Căn cứ kết quả thu thập thông tin, đánh giá nguy cơ cụ thể và biên bản họp xác định các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ người bị BLG, trẻ em bị xâm hại (tại mục 2 nêu trên), trong thời hạn 03 ngày làm việc cán bộ thường trực cấp xã/cán bộ quản lý đối tượng cơ sở trợ giúp phối hợp với Tổ công tác liên ngành cùng cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan xây dựng, thống nhất nội dung Kế hoạch hỗ trợ, can thiệp (theo Mẫu số 04A nếu là trẻ em bị xâm hại; Mẫu số 04B nếu là người bị BLG).

a) Nội dung của Kế hoạch:

- Mục tiêu cần đạt được và các hoạt động hỗ trợ cần thực hiện, thời điểm bắt đầu và dự kiến kết thúc, trong đó sắp xếp các hoạt động theo thứ tự ưu tiên dựa trên nhu cầu thực tế của người bị BLG, trẻ em bị xâm hại; phân công cụ thể trách nhiệm thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; dự toán kinh phí cho từng hoạt động.

- Các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, can thiệp bao gồm: cảnh báo về nguy cơ bị bạo lực, xâm hại tiếp theo; tư vấn kiến thức, kỹ năng, biện pháp can thiệp nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu nguy cơ bạo lực, xâm hại đối với nạn nhân; hỗ trợ nạn nhân và gia đình được tiếp cận chính sách trợ giúp xã hội và các nguồn trợ giúp khác nhằm cải thiện điều kiện sống; chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý, phục hồi thể chất và tinh thần cho nạn nhân; bố trí nơi tạm trú an toàn, cách ly nạn nhân khỏi môi trường, đối tượng đe dọa hoặc đang có hành vi bạo lực, xâm hại; bố trí chăm sóc thay thế tạm thời hoặc lâu dài cho trẻ em thuộc đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 62 của Luật Trẻ em; đoàn tụ gia đình, hòa nhập trường học, cộng đồng cho nạn nhân; tư vấn, cung cấp kiến thức pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho nạn nhân BLG, trẻ em bị xâm hại, cha, mẹ, người chăm sóc và những người liên quan; theo dõi, đánh giá sự an toàn của nạn nhân.

b) Hồ sơ trình phê duyệt kế hoạch

Cán bộ thường trực cấp xã/cán bộ quản lý đối tượng cơ sở trợ giúp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã/người đứng đầu cơ sở phê duyệt Kế hoạch; hồ sơ gồm:

- Báo cáo tiếp nhận thông tin về vụ việc; đánh giá nguy cơ ban đầu, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho nạn nhân (Mẫu số 01A/01B) và đánh giá nguy cơ ban đầu, thực hiện biện pháp an toàn đối với trẻ em (Mẫu 02);

- Báo cáo thu thập thông tin, xác minh và đánh giá nguy cơ cụ thể và nhu cầu hỗ trợ của nạn nhân (Mẫu số 03A/03B);

- Biên bản họp xác định và thống nhất các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, can thiệp; các tài liệu khác có liên quan (nếu có);

- Dự thảo Kế hoạch (Mẫu số 04A và 04B); Quyết định phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ, can thiệp (Mẫu số 05).

c) Phê duyệt kế hoạch:

Trong thời hạn 02 ngày làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã/người đứng đầu cơ sở trợ giúp xem xét, ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ, can thiệp (Mẫu số 05); trường hợp khẩn cấp ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ, can thiệp trong thời hạn 01 ngày làm việc. Quyết định được gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện, phối hợp và nạn nhân BLG, trẻ em bị xâm hại (qua người giám hộ) trong ngày ký ban hành.

Điều 10. Thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp cho nạn nhân

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm chủ động phối hợp để thực hiện tốt Kế hoạch, cụ thể như sau:

a) Chủ tịch UBND cấp xã/người đứng đầu cơ sở trợ giúp chỉ đạo thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp tại địa phương/cơ sở; ra quyết định chuyển tuyến khi cần thiết; giám sát tiến độ thực hiện và hỗ trợ khi cần thiết để đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch; điều phối và vận động nguồn lực.

b) Cán bộ thường trực cấp xã/cán bộ quản lý đối tượng cơ sở trợ giúp trực tiếp thực hiện một số hoạt động hỗ trợ, can thiệp và chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp:

- Làm đầu mối liên lạc thường xuyên với người bị BLG, người giám hộ trẻ em bị xâm hại để đảm bảo tiến trình cung cấp dịch vụ phù hợp với nhu cầu của nạn nhân.

- Kết nối dịch vụ hỗ trợ trên địa bàn xã, huyện, tỉnh; cung cấp kiến thức, kỹ năng cơ bản về bảo vệ, chăm sóc trẻ em/bình đẳng giới/phòng chống BLG; hướng dẫn phương thức tiếp cận các dịch vụ thiết yếu hỗ trợ người bị BLG, trẻ em bị xâm hại trong và ngoài địa bàn; truyền thông, vận động cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia phối hợp trong quy trình cung cấp dịch vụ, hỗ trợ người bị BLG, trẻ em bị xâm hại.

- Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ, can thiệp; đề xuất, kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã/người đứng đầu cơ sở trợ giúp kịp thời điều chỉnh kế hoạch hỗ trợ cho phù hợp với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn giải quyết vụ việc.

- Hỗ trợ, thực hiện việc triển khai các chính sách trợ giúp người bị BLG, trẻ em bị xâm hại và gia đình; đề xuất các nguồn cứu trợ đột xuất, hỗ trợ làm các thủ tục liên quan tới nuôi dưỡng tạm thời, tạm lánh hoặc nhận con nuôi đối với nạn nhân là trẻ em.

c) Bệnh viện, cơ sở y tế có trách nhiệm: Tiếp nhận, khám và điều trị kịp thời cho người bị BLG, trẻ em bị xâm hại; nếu xác định rõ đối tượng xâm hại tình dục có nhiễm HIV cần chuyển ngay nạn nhân về khoa Nhi bệnh viện Đa khoa tỉnh để điều trị; chuyển tuyến trường hợp nạn nhân cần giám định hay điều trị y tế ở tuyến cao hơn. Ghi chép, chụp ảnh chứng tích ban đầu của nạn nhân nhằm cung cấp chứng cứ phục vụ cho công tác điều tra đối với các trường hợp nạn nhân bị bạo hành, xâm hại tình dục. Cung cấp các dịch vụ trị liệu tâm lý, giúp nạn nhân ổn định, phục hồi về tinh thần.

d) Công an cấp xã có trách nhiệm:

Thực hiện các biện pháp bảo vệ người bị BLG, trẻ em bị xâm hại, nhân chứng trong suốt quá trình thực hiện kế hoạch can thiệp, hỗ trợ; theo dõi, giám sát hành vi của người gây bạo lực, xâm hại và thông báo định kỳ cho cán bộ đầu mối cấp xã; hỗ trợ thủ tục pháp lý cho nạn nhân; xử lý và đề nghị xử lý vi phạm theo thẩm quyền của cấp xã; kịp thời báo cáo và chuyển tuyến cho cơ quan Công an cấp cao hơn đối với vụ việc phức tạp, có dấu hiệu tội phạm.

đ) Cán bộ Tư pháp cấp xã: Tư vấn, hỗ trợ thực hiện các thủ tục pháp lý cho người bị BLG, trẻ em bị xâm hại và gia đình nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nạn nhân trước các cơ quan tố tụng; tham mưu UBND cấp xã các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn; hỗ trợ nâng cao năng lực hiểu biết về luật pháp, pháp lý cho nạn nhân và gia đình khi có nhu cầu.

e) Cán bộ Hội Phụ nữ cấp xã: Phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, cung cấp các kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng, chống BLG, bảo vệ, chăm sóc trẻ em; hướng dẫn cha, mẹ, người chăm sóc/nuôi dưỡng trẻ, người bị BLG tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc cung cấp địa chỉ các tổ chức/đơn vị/địa chỉ tin cậy có trách nhiệm, thẩm quyền bảo vệ người bị BLG, trẻ em bị xâm hại.

f) Cơ sở giáo dục có trách nhiệm: bảo mật về thông tin liên quan đến trẻ em, học sinh, cán bộ, giáo viên bị BLG, bị xâm hại; tạo điều kiện thuận lợi nhất, đồng thời hỗ trợ trẻ tiếp tục đến trường, không phải bỏ học do định kiến và nhanh chóng hòa nhập; phân công giáo viên theo dõi tình hình tâm lý, sức khỏe của trẻ để kịp thời tư vấn, hỗ trợ, can thiệp; thường xuyên thông báo tình hình cho cán bộ đầu mối cấp xã về tình hình của trẻ.

g) Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, các Văn phòng CTXH cấp huyện, cấp xã, cơ sở trợ giúp có trách nhiệm: Tiếp nhận, hỗ trợ, can thiệp các trường hợp bị BLG, trẻ em bị xâm hại khi có yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp hoặc khi nạn nhân có nhu cầu tạm lánh để đảm bảo an toàn. Kết nối với các cơ quan chức năng: Y tế, Tư pháp, Công an, Lao động -TB&XH, các cơ sở dịch vụ cung cấp dịch vụ cho nạn nhân theo cơ chế “MỘT CỬA” tại Trung tâm CTXH; Kết nối với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em, các cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bị BLG, trẻ em bị xâm hại trong và ngoài tỉnh để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, can thiệp cần thiết trong trường hợp tỉnh chưa có loại dịch vụ này.

h) Thân nhân của người bị BLG, trẻ em bị xâm hại (trừ trường hợp thân nhân chính là người có hành vi bạo lực, xâm hại) có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện cho cán bộ, các cơ quan chức năng thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đạt kết quả tốt.

Điều 11. Rà soát, đánh giá sau khi thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp.

1. Cán bộ thường trực cấp xã/cơ sở trợ giúp chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp tổ chức rà soát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch (theo Mẫu số 06A và Mẫu 06B).

2. Trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá, cán bộ thường trực cấp xã/cán bộ quản lý đối tượng cơ sở trợ giúp có trách nhiệm:

a) Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã/người đứng đầu cơ sở về việc kết thúc kế hoạch hỗ trợ, can thiệp nếu người bị BLG, trẻ em bị xâm hại không còn nguy cơ bị bạo lực, xâm hại và các yếu tố về thể chất, tâm lý, nhận thức, tình cảm của nạn nhân đã ổn định, mục tiêu của kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đã đạt được; lập biên bản kết thúc quản lý đối tượng có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã/người đứng đầu cơ sở (Mẫu 07).

b) Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã/người đứng đầu cơ sở tiếp tục quy trình xây dựng, phê duyệt kế hoạch hỗ trợ, can thiệp nếu người bị BLG, trẻ em bị xâm hại vẫn có nguy cơ tiếp tục bị bạo lực, xâm hại hoặc các yếu tố về thể chất, tâm lý, nhận thức và tình cảm của nạn nhân chưa ổn định.

3. Hồ Sơ kế hoạch hỗ trợ, can thiệp nạn nhân được lưu trữ theo chế độ mật tại Ủy ban nhân dân cấp xã/cơ sở trợ giúp.

Điều 12. Thống kê, báo cáo số liệu, vụ việc BLG, xâm hại trẻ em

1. Trách nhiệm thống kê, báo cáo số liệu, vụ việc:

a) Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì tổng hợp, báo cáo số liệu, vụ việc về BLG, xâm hại trẻ em trên phạm vi toàn tỉnh.

b) Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, hướng dẫn, thu thập, thống kê báo cáo về phòng, chống bạo lực gia đình trên phạm vi toàn tỉnh (theo Thông tư 07/TT-BVHTTDL ngày 29/12/2017 về quy định thu thập và báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình) gửi Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổng hợp chung về phòng, chống BLG.

c) Sở Y tế chủ trì, hướng dẫn, thu thập, thống kê, tổng hợp, báo cáo các trường hợp người bệnh là người bị BLG, trẻ em bị xâm hại tại cơ sở khám, chữa bệnh trên phạm vi toàn tỉnh gửi Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tổng hợp.

d) Công an tỉnh chủ trì, hướng dẫn, thu thập, thống kê, tổng hợp, báo cáo kết quả tiếp nhận, điều tra, xử lý các vụ việc BLG, xâm hại trẻ em gửi Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổng hợp.

đ) Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố báo cáo thống kê số liệu, tình hình, kết quả hỗ trợ, can thiệp, xử lý về BLG, xâm hại trẻ em trong phạm vi quản lý; gửi đồng thời cho Sở Văn hóa và Thể thao và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

e) Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận: báo cáo kết quả phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý vụ việc BLG, xâm hại trẻ em theo chức năng, nhiệm vụ và gửi đồng thời cho Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổng hợp chung.

2. Chế độ, hình thức báo cáo:

a) Báo cáo định kỳ 06 tháng và hàng năm:

- Ủy ban nhân dân cấp xã gửi báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân cấp huyện; UBND cấp huyện và các Sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan thường trực cấp tỉnh), đồng gửi Sở Văn hóa và Thể thao để theo dõi, tổng hợp.

- Thời điểm báo cáo theo quy định của ngành, địa phương báo cáo UBND tỉnh 6 tháng, 1 năm.

- Hình thức báo cáo: Gửi báo cáo bằng văn bản, đóng dấu “mật”.

b) Báo cáo nhanh, khẩn cấp hoặc đột xuất:

- Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả xác thực vụ việc liên quan đến BLG, xâm hại trẻ em, Ủy ban nhân dân cấp xã/cơ sở trợ giúp gửi báo cáo nhanh (khẩn) về Ủy ban nhân dân và phòng Lao động-Thương binh và Xã hội cấp huyện/Sở Lao động-TB&XH hoặc gửi báo cáo đột xuất khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Báo cáo này được sử dụng để cung cấp cho các ngành liên quan có trách nhiệm thực hiện hỗ trợ, can thiệp, xử lý. Đối với các vụ việc BLG, xâm hại trẻ em có dấu hiệu nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, thương tích nặng, tử vong: UBND cấp xã, huyện/cơ sở trợ giúp báo cáo ngay sau khi biết thông tin về Ủy ban nhân dân và cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội cấp trên.

- Hình thức báo cáo bằng điện thoại để các cơ quan có liên quan kịp thời nắm thông tin và có biện pháp hỗ trợ, can thiệp, xử lý; sau đó, trong thời hạn 02 ngày, gửi báo cáo bằng văn bản.

3. Bảo mật thông tin, báo cáo

- Báo cáo chứa thông tin liên quan đến vụ việc BLG, xâm hại trẻ em phải được bảo mật theo quy định, được đóng dấu "mật" và chỉ gửi cho các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, hỗ trợ, can thiệp, xử lý theo quy định của pháp luật.

- Soạn thảo, xử lý văn bản, báo cáo vụ việc BLG, xâm hại trẻ em thực hiện theo quy định văn bản mật.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Trách nhiệm của sở, ngành thành viên Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ và bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh

1. Trách nhiệm chung

a) Chủ động triển khai, thực hiện Quy chế theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Chỉ đạo hệ thống ngành dọc triển khai thực hiện và đảm bảo công tác phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc tiếp nhận, hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với vụ việc BLG, xâm hại trẻ em khi được yêu cầu. Theo dõi, giám sát, đánh giá việc trợ giúp nạn nhân và công tác xử lý vụ việc; kiến nghị xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ bạo lực trên cơ sở giới, xâm hại trẻ em.

b) Cử lãnh đạo phụ trách và cán bộ giúp việc là người có kinh nghiệm làm đầu mối của ngành trong hoạt động phối hợp liên ngành phòng, chống BLG, xâm hại trẻ em, trực tiếp tư vấn, hỗ trợ trong các vụ việc khi có yêu cầu.

c) Tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ cơ sở của ngành về công tác phối hợp) và kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ phòng, chống BLG, xâm hại trẻ em liên quan đến nhiệm vụ của ngành. Tuyên truyền rộng rãi đường dây nóng (Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Đường dây tư vấn, hỗ trợ người bị BLG, trẻ em bị xâm hại tại Quảng Ninh 1800.1769), các địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh, dịch vụ trợ giúp nạn nhân do ngành phụ trách; chỉ đạo các cơ sở dịch vụ, kỹ thuật hướng dẫn và thực hiện tư vấn, hỗ trợ, can thiệp, xử lý vụ việc nhanh chóng, an toàn, hiệu quả.

d) Chỉ đạo phối hợp cung cấp thông tin, báo cáo kịp thời cho cơ quan thường trực cùng cấp về vụ việc BLG, xâm hại trẻ em; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Quy chế; theo dõi, đánh giá việc thực hiện hỗ trợ, can thiệp, xử lý vụ việc BLG, xâm hại trẻ em theo trách nhiệm của ngành.

2. Trách nhiệm cụ thể

a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì: phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức các lớp tập huấn triển khai thực hiện Quy chế; tập huấn liên ngành, chuyên ngành định kỳ, thường xuyên cho đội ngũ cán bộ, người cung cấp dịch vụ các cấp về kiến thức, kĩ năng cung cấp dịch vụ phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; tư vấn, trợ giúp pháp lý; trợ giúp người bị BLG, trẻ em bị xâm hại; kỹ năng làm việc với người gây BLG...; kiểm tra, đôn đốc kết quả thực hiện Quy chế, hằng năm tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Chỉ đạo Trung tâm công tác xã hội tỉnh, các Cơ sở bảo trợ xã hội phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực hiện quy trình tiếp nhận, can thiệp, hỗ trợ và chuyên gửi an toàn người bị BLG, trẻ em bị xâm hại tạm lánh tại cơ sở; phối hợp, hỗ trợ địa phương tư vấn, kết nối dịch vụ trợ giúp nạn nhân tại cộng đồng; theo dõi, đánh giá việc hỗ trợ nạn nhân hòa nhập.

- Chủ trì, tổng hợp dự toán kinh phí của các sở, ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, xâm hại trẻ em gửi Sở Tài chính thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ kinh phí.

b) Sở Văn hóa và Thể thao

- Tập huấn kỹ năng và công tác phối hợp liên ngành phòng chống bạo lực gia đình cho cán bộ làm công tác văn hóa xã hội ở cơ sở.

- Tăng cường kiểm tra, đánh giá việc triển khai các nhiệm vụ được giao về phòng, chống bạo lực gia đình đến các sở, ngành, cơ sở và địa phương; phối hợp đôn đốc, đánh giá việc thực hiện Quy chế;

- Chỉ đạo cơ sở kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp số liệu và báo cáo vụ việc bạo lực gia đình, phối hợp với các ngành liên quan trong công tác hỗ trợ, can thiệp, xử lý vụ việc bạo lực gia đình, kiến nghị xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ việc bạo lực gia đình.

c) Sở Y tế

- Chỉ đạo các đơn vị y tế có giường bệnh: ưu tiên tiếp nhận khám, điều trị đối với các người bị BLG, trẻ em bị xâm hại và người có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại; phát hiện, lưu giữ chứng tích, cung cấp thông tin về kết quả khám, điều trị của nạn nhân cho cơ quan điều tra khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

- Chỉ đạo Trung tâm Giám định pháp y tỉnh giám định đối với người bị BLG, trẻ em bị xâm hại khi có trưng cầu của cơ quan công an.

- Thông tin cho Ủy ban nhân dân cấp xã/Cơ quan thường trực để phối hợp nếu thấy có dấu hiệu bị xâm hại; phát huy vai trò phòng Công tác xã hội của cơ sở y tế trong tư vấn, tham vấn ổn định tâm lý cho người bị BLG, trẻ em bị xâm hại; bố trí cán bộ chuyên môn có kinh nghiệm trực tiếp tham gia tư vấn, trị liệu tâm lý cho nạn nhân tại các cơ sở Bảo trợ xã hội, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.

- Phối hợp với Sở Lao động - TB và tập huấn kỹ năng công tác xã hội và cung cấp dịch vụ y tế cho người bị BLG, trẻ em bị xâm hại.

d) Công an tỉnh

- Chỉ đạo Phòng nghiệp vụ và Công an cấp huyện, xã: chủ động trao đổi, cung cấp các thông tin, quá trình xử lý và kết quả xử lý, giải quyết vụ việc bạo lực trên cơ sở giới, trẻ em bị xâm hại (đặc biệt là các trường hợp được phát hiện thông qua công tác phòng, chống tội phạm) với Cơ quan thường trực cùng cấp; thực hiện biện pháp bảo vệ khẩn cấp đê ngăn chặn, loại trừ nguy cơ gây bạo lực, xâm hại tiếp theo và đảm bảo an toàn cho người bị BLG, trẻ em bị xâm hại; khẩn trương điều tra vụ việc theo quy định của pháp luật (đặc biệt quan tâm các kỹ năng điều tra phù hợp trong các vụ việc xâm hại trẻ em).

- Phối hợp với Sở Y tế và Trung tâm giám định pháp y tỉnh khám giám định cho người bị BLG, trẻ em bị xâm hại khi có Giây giới thiệu xin cấp y chứng hay Quyết định trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.

- Phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tiến hành điều tra, truy tố, giải quyết kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định pháp luật các đối tượng có hành vi bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ, xâm hại trẻ em. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài hoặc không giải quyết các trường hợp BLG, xâm hại trẻ em.

- Phối hợp với Sở Lao động - TB và tập huấn kỹ năng cung cấp dịch vụ hỗ trợ hành pháp cho người bị BLG, trẻ em bị xâm hại.

đ) Sở Tư pháp

- Chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh thực hiện trợ giúp pháp lý cho các đối tượng được quy định tại Quy chế này và các quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý đối với người bị BLG, trẻ em bị xâm hại. Chỉ đạo thực hiện tốt các hoạt động hòa giải ở cơ sở nhằm ngăn chặn nguy cơ tái diễn bạo lực.

- Phối hợp với Sở Lao động - TB và tập huấn kỹ năng cung cấp dịch vụ hỗ trợ tư pháp cho người bị BLG, trẻ em bị xâm hại.

e) Sở Giáo dục và Đào tạo

Chỉ đạo các trường học, cơ sở giáo dục chủ động phát hiện các trường hợp học sinh, giáo viên, nhân viên thuộc quyền quản lý có dấu hiệu bị BLG, xâm hại và thông báo, cung cấp thông tin cho gia đình của nạn nhân, Công an và Ủy ban nhân dân cấp xã, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền, gia đình của nạn nhân trong việc điều tra, xử lý để bảo vệ nạn nhân, nhất là trẻ em. Tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em bị xâm hại sớm được hòa nhập. Đưa nội dung về phòng chống BLG, xâm hại trẻ em vào chương trình giảng dạy trong các cơ sở giáo dục, đặc biệt ở các cấp học phổ thông.

g) Sở Thông tin và Truyền thông

Hướng dẫn, chỉ đạo Trung tâm truyền thông tỉnh và cơ quan báo chí tăng cường thông tin, tuyên truyền về phòng, chống BLG, xâm hại trẻ em; thiết lập các kênh thông tin để tiếp nhận, phản ánh thông tin về BLG, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và cung cấp kịp thời cho cơ quan liên quan để bảo vệ nạn nhân.

h) Ban Dân tộc tỉnh

Tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống BLG, xâm hại trẻ em cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

i) Sở Tài chính

Phối hợp với các ngành chức năng tham mưu xây dựng chính sách về tài chính để thực hiện công tác phối hợp liên ngành phòng chống BLG, xâm hại trẻ em. Thẩm định dự toán kinh phí thực hiện phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, xâm hại trẻ em và kinh phí thực hiện Quy chế do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ từ nguồn kinh phí thực hiện Chương trình công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bình đẳng giới, dự toán ngân sách tỉnh; hướng dẫn các địa phương bố trí kinh phí thực hiện tại cấp huyện, cấp xã.

k) Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh

Phối hợp với cơ quan thường trực và các sở, ngành, địa phương theo dõi, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện Quy chế; báo cáo nội dung vướng mắc, đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy chế cho hiệu quả và phù hợp với yêu cầu thực tế; báo cáo, đề xuất hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp đặc biệt.

Điều 16. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan

1. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh

Đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh chỉ đạo Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tiếp nhận, giải quyết kịp thời và xử lý nghiêm các vụ án BLG, xâm hại trẻ em; đồng thời rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc có liên quan đến xâm hại trẻ em, BLG theo quy định của pháp luật; quan tâm giải quyết các vụ việc ly hôn do bị bạo lực, đe dọa ảnh hưởng tới sự an toàn của nạn nhân.

2. Đề nghị Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh

Tăng cường thực hiện và chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc bạo lực đối với phụ nữ, xâm hại trẻ em, nhất là các vụ việc có điều kiện thi hành án còn tồn đọng, kéo dài.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các tổ chức xã hội có liên quan

Căn cứ phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp thực hiện tốt việc thực thi pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân tích cực, mạnh dạn tố giác, cung cấp thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền khi phát hiện các trường hợp liên quan đến trẻ em bị xâm hại và BLG; phối hợp thực hiện tư vấn, tham vấn, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại, người bị BLG, gia đình của nạn nhân theo quy định của pháp luật với các biện pháp phù hợp đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất cho nạn nhân; theo dõi, trợ giúp người bị BLG, trẻ em bị xâm hại hòa nhập cộng đồng, kiến nghị xử lý nghiêm minh và kịp thời các vụ bạo lực trên cơ sở giới, xâm hại trẻ em; vận động xã hội hóa trợ giúp nạn nhân trong quá trình điều trị thương tích, phục hồi sức khỏe.

4. Đề nghị Liên chi hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Quảng Ninh

Khi phát hiện, tiếp nhận thông tin về trẻ em bị bạo lực, xâm hại, thông tin ngay đến cơ quan có thẩm quyền để kịp thời can thiệp, hỗ trợ, xử lý; phối hợp thực hiện tư vấn, tham vấn, hỗ trợ cho trẻ em bị xâm hại và gia đình bằng các biện pháp phù hợp và đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

Điều 17. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

a) Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, tổ chức liên quan và Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện Quy chế.

b) Xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân che giấu, không thông tin, tố giác các hành vi BLG, xâm hại trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong xử lý các vụ việc theo quy định; xử lý dứt điểm các vụ việc BLG, xâm hại trẻ em xảy ra tại địa bàn quản lý và địa bàn giáp ranh; tăng cường xử lý hành chính để ngăn chặn tái phạm;

c) Tăng cường truyền thông về đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ trẻ em của quốc gia (Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111), hỗ trợ người bị BLG, trẻ em bị xâm hại của tỉnh (1800.1769), Ngôi nhà Ánh Dương tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực; Tăng cường các thiết chế bảo vệ phụ nữ và trẻ em tại địa bàn: bổ sung thiết bị camera an ninh, hệ thống đèn chiếu sáng, các thiết chế bảo vệ phụ nữ và trẻ em công cộng; thường xuyên nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương, bảo vệ tổ dân phố, người quản lý, phục vụ nơi công cộng nhằm tăng cường phát hiện và báo cáo, ngăn chặn kịp thời vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, phối hợp can thiệp, hỗ trợ nạn nhân.

d) Chủ trì thực hiện việc thanh tra, kiểm tra về phòng, chống bạo lực trên sở giới, bảo vệ trẻ em hàng năm ở địa phương, trọng tâm là công tác tiếp nhận nạn nhân và xử lý vụ việc. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về việc không kịp thời giải quyết các vụ việc BLG, xâm hại trẻ em trên địa bàn.

đ) Hằng năm bố trí kinh phí thực hiện phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, xâm hại trẻ em. Chỉ đạo thống kê, theo dõi và đánh giá thực hiện nhiệm vụ về phòng, chống BLG, xâm hại trẻ em trên địa bàn quản lý theo hướng dẫn của các sở, ngành chức năng.

2. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn

a) Trực tiếp giải quyết các vụ việc BLG, xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn quản lý. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố về việc không báo cáo vụ việc, chậm trễ trong giải quyết các vụ việc BLG, xâm hại trẻ em trên địa bàn.

b) Chỉ đạo cán bộ thôn, bản, khu phố, tổ hòa giải thường xuyên rà soát, phát hiện vụ việc nguy cơ, hành vi BLG, xâm hại trẻ em trên địa bàn và báo cáo, thông tin kịp thời cho cán bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xã/phường/thị trấn để kịp thời giải quyết. Ưu tiên bố trí nguồn lực đảm bảo hỗ trợ, can thiệp đối với các trường hợp bạo lực trên cơ sở giới, xâm hại trẻ em ngay tại địa bàn kịp thời.

c) Tăng cường các biện pháp xử lý ban đầu: hòa giải ở cơ sở, góp ý phê bình tại cộng đồng, xử lý hành chính theo thẩm quyền để răn đe và ngăn chặn hành vi bạo lực tái diễn. Trường hợp vượt quá khả năng hay vượt quá thẩm quyền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn làm văn bản báo cáo cơ quan có thẩm quyền hoặc chuyển tuyến tới dịch vụ chuyên biệt.

d) Cử lãnh đạo phụ trách và cán bộ thường trực tham mưu, thực hiện Quy chế; củng cố, duy trì mạng lưới cộng tác viên xã hội, hội viên các tổ chức đoàn thể; phát huy vai trò của địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh, các điểm tư vấn công cộng và trong trường học trên địa bàn để tư vấn, hỗ trợ, can thiệp kịp thời đối với người bị BLG, trẻ em bị xâm hại; phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Công tác xã hội trong việc hỗ trợ, can thiệp các trường hợp khẩn cấp; theo dõi, đánh giá và hỗ trợ người bị BLG, trẻ em bị xâm hại hòa nhập cộng đồng.

đ) Tuyên truyền rộng rãi đường dây nóng (Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Đường dây tư vấn, hỗ trợ người bị BLG, trẻ em bị xâm hại tại Quảng Ninh 1800.1769), Ngôi nhà Ánh Dương, các địa chỉ tin cậy, nhà tám lánh, dịch vụ trợ giúp người bị BLG, trẻ em bị xâm hại và các thông tin, kiến thức bảo vệ phụ nữ, trẻ em cho toàn thể nhân dân trên địa bàn.

e) Thường xuyên kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong thực hiện Quy chế và trong từng vụ việc. Cung cấp thông tin, báo cáo quá trình xử lý và kết quả việc giải quyết vụ việc BLG, xâm hại trẻ em cho cơ quan thường trực cấp huyện.

Trong quá trình triển khai, thực hiện Quy chế, nếu có phát sinh, vướng mắc, các Sở, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh gửi văn bản về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

PHỤ LỤC 1

KHUNG THEO DÕI, ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN QUY CHẾ PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIỚI, XÂM HẠI TRẺ EM

I. NHÓM CHỈ SỐ VỀ QUẢN TRỊ ĐIỀU PHỐI

Kết quả 1: Sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo và trách nhiệm của cộng đồng trong xây dựng Cơ chế điều phối liên ngành cung cấp dịch vụ thiết yếu hộ người bị BLG, trẻ em bị xâm hại được tăng cường

Tên chỉ số chính

Nhóm hoạt động chính

Chỉ số 1.1: Số lượng và tỷ lệ % xã/phường của tỉnh đưa công tác BĐG và PCBLG vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương (so sánh trên báo cáo hàng năm).

* Nhóm hoạt động 1.1:

- Tổ chức các hoạt động/sự kiện truyền thông, vận động chính sách về PCBLG tập trung vào các nhóm đối tượng; lồng ghép vào các mô hình CLB/Nhóm hiện có, sinh hoạt ngoại khóa trong trường học, qua các cơ quan thông tin đại chúng, đội tuyên truyền cơ sở v.v..

- Xây dựng chỉnh sửa, sản xuất hoặc tái bản các tài liệu tập huấn, tài liệu truyền thông với các chủ đề về PCBLG dành cho nhóm đối tượng khác nhau (lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của địa phương...)

Chỉ số 1.2: Số lượng và tỷ lệ % xã/phường của tỉnh lồng ghép và báo cáo các hoạt động thúc đẩy BĐG và phòng, chống BLG vào chương trình công tác của HĐND, UBND và các ban, ngành của địa phương (so sánh trên báo cáo hàng năm).

*Nhóm hoạt động 1.2: Nâng cao năng lực

- Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ chủ chốt có liên quan của địa phương về kiến thức, kỹ năng trong PCBLG.

- Tập huấn chuyên sâu cho thành viên Tổ công tác liên ngành cấp tỉnh, huyện, xã; cán bộ tại Ngôi nhà Ánh Dương, cán bộ tham gia cung cấp dịch vụ thiết yếu các cấp.

Chỉ số 1.3: Số lượng và tỷ lệ % huyện, xã của tỉnh ban hành Kế hoạch hành động/chương trình phối hợp thực hiện phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và vận hành được Cơ chế phối hợp liên ngành cung cấp dịch vụ thiết yếu hỗ trợ người bị BLG, trẻ em bị xâm hại (so sánh trên báo cáo cuối kỳ).

*Nhóm hoạt động 1.3: Xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động/Chương trình phối hợp thực hiện phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và Cơ chế điều phối liên ngành của cấp huyện, cấp xã.

Chỉ số 1.4: Số lượng các sở, ngành của tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động/Chương trình phối hợp thực hiện phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và Cơ chế điều phối liên ngành (so sánh trên báo cáo hàng năm).

*Nhóm hoạt động 1.4: Xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động/Chương trình phối hợp thực hiện phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và Cơ chế điều phối liên ngành của các ngành cấp tỉnh.

II. NHÓM CHỈ SỐ VỀ TÍNH HIỆU QUẢ CỦA HỆ THỐNG DỊCH VỤ THIẾT YẾU

Kết quả 2: Năng lực cung cấp dịch vụ thiết yếu hỗ trợ người bị BLG, trẻ em bị xâm hại tại địa phương được nâng lên

Tên chỉ số chính

Nhóm hoạt động chính

Chỉ số 2.1:

Tỷ lệ người bị BLG, trẻ em bị XH được trợ giúp khi có nhu cầu/tổng số vụ BLG, XHTE được phát hiện

Tỷ lệ người gây BLG, XHTE bị giáo dục và xử lý Số lượt người bị BLG, trẻ em bị xâm hại (phân tổ theo nhóm hành vi, địa bàn) được tiếp nhận và hỗ trợ tăng lên hàng năm.

* Nhóm hoạt động 2.1:

- Tuyên truyền về các dịch vụ thiết yếu trên toàn địa bàn tỉnh.

- Tập huấn về quy trình chuyển gửi cho đội ngũ cán bộ tham gia cung cấp dịch vụ thiết yếu ở các cấp.

- Phát triển phần mềm báo cáo thống kê phòng chống BLG chung trên toàn tỉnh.

- Tập huấn về thu thập, dữ liệu, phân tích, tổng hợp, báo cáo số liệu thống kê về phòng chống BLG.

- Tổ chức việc thu thập dữ liệu, báo cáo thống kê trên địa bàn tỉnh thông qua hệ thống báo cáo thu thập số liệu về phòng chống BLG được xây dựng và vận hành.

Chỉ số 2.2: số lượt bệnh nhân là người bị BLG, trẻ em bị xâm hại được cán bộ y tế sàng lọc, phát hiện và báo cáo, chuyển gửi tới dịch vụ thiết yếu khác

* Nhóm hoạt động 2.2:

-Thực hiện sàng lọc, tư vấn, chăm sóc và điều trị cho người bị BLG, trẻ em bị xâm hại; chuyển gửi tới dịch vụ thiết yếu khác theo nhu cầu của nạn nhân.

-Tập huấn cho cán bộ y tế các cấp về quy trình sàng lọc, phát hiện, tư vấn bệnh nhân có nguy cơ/là nạn nhân BLG, trẻ em bị xâm hại; chuyển gửi tới dịch vụ thiết yếu khác theo nhu cầu của nạn nhân.

Chỉ số 2.3: số lượt người bị BLG, trẻ em bị xâm hại được hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý tăng lên hàng năm.

* Nhóm hoạt động 2.3: Xây dựng và ban hành tài liệu; tổ chức tập huấn về quy trình cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý hỗ trợ người bị BLG, trẻ em bị xâm hại cho đội ngũ cán bộ tư pháp các cấp, cán bộ tư vấn, hòa giải tại cộng đồng.

Chỉ số 2.4: số lượt người bị BLG, trẻ em bị xâm hại được hưởng dịch vụ của ngành Công an tăng lên hàng năm.

* Nhóm hoạt động 2.4: Xây dựng và ban hành tài liệu về quy trình cung cấp dịch vụ xử lý vụ việc BLG, xâm hại trẻ em của ngành Công an; Tổ chức tập huấn về quy trình cho đội ngũ công an các cấp.

Chi số 2.5: số người gây BLG, xâm hại trẻ em bị xử lý/tham gia các hoạt động giáo dục chuyển đổi hành vi (tùy theo mức độ hành vi vi phạm) tăng lên hàng năm.

* Nhóm hoạt động 2.5: Xây dựng và ban hành tài liệu; tổ chức tập huấn về giải quyết vụ việc người bị BLG, trẻ em bị xâm hại có nhạy cảm giới cho ngành Tòa án, Kiểm sát, Cơ quan thi hành án cấp tỉnh, huyện.

Chi số 2.6: số lượng người bị BLG, trẻ em bị xâm hại được lập hồ sơ quản lý trường hợp theo đúng quy chuẩn.

* Nhóm hoạt động 2.6: Xây dựng và ban hành tài liệu về quản lý trường hợp với người bị BLG, trẻ em bị xâm hại; tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ tham gia cung cấp dịch vụ thiết yếu hỗ trợ người bị BLG, trẻ em bị xâm hại về quy trình này.

III. NHÓM CHỈ SỐ VỀ TÁC ĐỘNG CỦA CƠ CHẾ ĐIỀU PHỐI LIÊN NGÀNH

Kết quả 3.1: Nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng về phòng, chống BLG, phòng chống XHTE được nâng lên

Tên chỉ số chính

Nhóm hoạt động chính

Chỉ số 3.1: Số lượng thông tin tố giác vụ việc BLG, XHTE từ cộng đồng tăng lên hàng năm

*Nhóm hoạt động 3.1: Tổ chức các hoạt động truyền thông, xây dựng và cung cấp sản phẩm truyền thông về hệ thống dịch vụ thiết yếu, đường dây nóng hỗ trợ người bị BLG, trẻ em bị xâm hại tới mọi người dân trên toàn địa bàn tỉnh

Kết quả 3.2: Bài học kinh nghiệm từ Cơ chế Điều phối liên ngành tại tỉnh được đề xuất bổ sung, điều chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác can thiệp, trợ giúp người bị bạo lực trên cơ sở giới, trẻ em bị xâm hại

Chỉ số 3.2: Kết quả thực hiện cơ chế điều phối liên ngành tại tỉnh Quảng Ninh được đánh giá và tài liệu hoá

*Nhóm hoạt động 3.2:

- Tổ chức các hội nghị, hội thảo sơ kết, tổng kết, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm về Cơ chế điều phối liên ngành.

- Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện và đề xuất bổ sung, điều chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác can thiệp, trợ giúp người bị bạo lực trên cơ sở giới, trẻ em bị xâm hại (nếu có);

- Báo cáo, đề xuất với Bộ LĐTB&XH một số giải pháp tăng cường thực hiện phối hợp liên ngành nâng cao hiệu quả công tác can thiệp, trợ giúp người bị bạo lực trên cơ sở giới, trẻ em bị xâm hại (nếu có).

 



[1] Tuyên bố Cao ủy LHQ về Người Tị nạn (UNHCR) 2003

[2] Khoản 5, Điều 4, Luật Trẻ em

[3] Gói dịch vụ thiết yếu dành cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - UNFPA, 2020

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2996/QĐ-UBND năm 2021 về Quy chế phối hợp liên ngành phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

  • Số hiệu: 2996/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/09/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Nguyễn Thị Hạnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản