Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2918/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 31 tháng 12 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN VÙNG TRỒNG NHÃN, VẢI ĐẶC SẢN TỈNH HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN 2020-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật đầu tư ngày 26/11/2014;

Căn cứ Luật đa dạng sinh học ngày 28/11/2008;

Căn cứ Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đa dạng sinh học;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 1671/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 về phê duyệt chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, tầm nhìn 2030; số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2019 về việc Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 27/6/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về Chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giá trị gia tăng cao, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Thông báo số 1827-TB/TU ngày 14/10/2019 của Tỉnh ủy Hưng Yên về Đề án Bảo tồn và phát triển vùng trồng nhãn, vải đặc sản tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 245/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên về việc thông qua Đề án Bảo tồn và phát triển vùng trồng nhãn, vải đặc sản tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ các Quyết định của UBND tỉnh: Số 1854/QĐ-UBND ngày 12/11/2014 về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Số 817/QĐ-UBND ngày 26/03/2019 về việc phê duyệt Đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 298/TTr-SNN ngày 23 tháng 12 năm 2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Bảo tồn và phát triển vùng trồng nhãn, vải đặc sản tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án đã phê duyệt đúng quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Cục Trồng trọt - Bộ NN và PTNT;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KT2Trn Tun.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Thế Cử

 

ĐỀ ÁN

BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN VÙNG TRỒNG NHÃN, VẢI ĐẶC SẢN TỈNH HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN 2020-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số   /QĐ-UBND ngày   tháng   năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên)

Phần I

MỞ ĐẦU

I. Tính cấp thiết

Hưng Yên là tỉnh ở trung tâm Đồng bằng sông Hồng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, liền kề thủ đô Hà Nội, gần một số tuyến trục kinh tế và đô thị lớn, có các tuyến đường bộ quan trọng của Quốc gia chạy qua; với điều kiện khí hậu thuận lợi, đất đai màu mỡ, nhất là có 6/10 huyện, thành phố nằm cạnh sông Hồng, sông Luộc là những điều kiện rất thuận lợi để phát triển trồng các loại cây ăn quả như: nhãn, vải, cây có múi... Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển từ trồng những cây có hiệu quả kinh tế thấp như lúa, ngô, đậu đỗ... sang trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn trong đó có cây ăn quả, do vậy diện tích sản xuất cây ăn quả phát triển mạnh mẽ qua các năm. Đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 12.500 ha cây ăn quả các loại, một số loại cây ăn quả có khả năng cạnh tranh cao ở thị trường trong nước, triển vọng xuất khẩu là rất lớn.

Tỉnh Hưng Yên có nhiều giống nhãn rất phong phú, trong đó có nhiều giống nhãn là đặc sản nổi tiếng trong và ngoài nước như: PHM99 -1.1 (Nhãn chín muộn Khoái Châu), PHM99-2.1 (nhãn Hương Chi), các giống nhãn chín muộn (HTM1, HTM2, HTM6) nhãn đường phèn ... bên cạnh đó cây vải của tỉnh, đặc biệt là giống vải Trứng Hưng Yên có nhiều đặc trưng, thế mạnh riêng so với nhiều giống vải khác đang trồng tại các một số tỉnh, thành khác ở khu vực Bắc Bộ như: Chín sớm hơn so với đại trà từ 5-10 ngày, kích thước quả lớn (18-20 quả/kg), quả khi chín có cùi dày, ráo vỏ, vị ngọt thanh và có mẫu mã bắt mắt được thị trường tiêu thụ ưa chuộng. Diện tích trồng hai loại cây này chiếm khoảng 50% diện tích cây ăn quả, giá trị kinh tế thu được từ 2 loại cây này đạt từ 250 - 300 triệu đồng/ha/năm mang lại nguồn thu nhập chính của nhiều hộ nông dân tại các huyện: Khoái Châu, Tiên Lữ, Phù Cừ, Kim Động và thành phố Hưng Yên.

Mặc dù nguồn giống nhãn, vải của tỉnh khá phong phú, tuy nhiên việc khai thác bảo tồn và phát triển các giống nhãn, vải đặc sản còn nhiều hạn chế; theo kết quả điều tra năm 2019 của Trung tâm Tài nguyên thực vật cho thấy: có đến trên 80% diện tích sản xuất nhãn của tỉnh được trồng bằng 02 giống là PHM99-1.1 (nhãn chín muộn Khoái Châu) và PHM99-2.1 (nhãn Hương Chi), đối với cây vải chủ yếu là 02 giống vải Lai Hưng Yên và vải Trứng Hưng Yên (diện tích vải Lai Hưng Yên là chủ yếu). Mặt khác, tại nhiều tỉnh thành trong cả nước nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn La, Hòa Bình, Bắc Giang... có tốc độ phát triển cây nhãn khá mạnh, trong đó cơ cấu giống nhãn chủ yếu là các giống nhãn có xuất xứ từ Hưng Yên và Hà Tây (cũ), những tỉnh này có lợi thế về diện tích sản xuất tập trung quy mô lớn, điều kiện tự nhiên, khí hậu, đất đai thuận lợi nên sản phẩm nhãn quả của các địa phương này đã tạo ra sự cạnh tranh khá mạnh đối với sản phẩm nhãn của tỉnh... tương tự như cây nhãn là cây vải ở Bắc Giang và Hải Dương. Chính vì vậy, trong thời gian tới cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm nhãn, vải của tỉnh bằng cách thay thế, cải tạo các vườn tạp, vườn già cỗi bằng các giống nhãn, vải đặc sản, đặc trưng của tỉnh như: nhãn cùi cổ, nhãn đường phèn, vải Trứng Hưng Yên... từ đó tạo sự khác biệt nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị sản phẩm nhãn, vải của tỉnh.

Hiện nay nhiều giống nhãn, vải đặc sản, quý hiếm của tỉnh như: Nhãn đường phèn, nhãn cùi cổ, vải Trứng Hưng Yên... đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt do việc bảo tồn khai thác và phát triển những loại cây này chưa được quan tâm đúng mực; việc khai thác sử dụng nguồn gen nhãn, vải còn tự phát, quy mô nhỏ, dẫn đến sản lượng không ổn định, giá cả biến động. Việc đưa vào sản xuất các giống cải tiến đã làm lãng quên và mất dần nhiều giống địa phương cổ truyền. Phát triển thâm canh theo hướng độc canh đã và đang thu hẹp hệ sinh thái - nơi khu trú của đa dạng các nguồn gen nhãn vải. Mặt khác, do tác động của thị trường mà nhiều nguồn gen nhãn, vải bản địa có chất lượng rất tốt nhưng năng suất thấp bị chặt bỏ, thay thế. Việc chiết ghép tạo ra những giống nhãn, vải mới với ưu điểm cho năng suất cao nhưng chất lượng ở mức trung bình đến khá đã thay thế cho những giống có chất lượng tốt, hương vị đậm đà như những giống nhãn, vải ngon trước đây.

Trước yêu cầu hội nhập và phát triển của đất nước, Đề án Bảo tồn và phát triển vùng trồng nhãn, vải đặc sản tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 là Chương trình hành động có tính chiến lược. Đề án được triển khai sẽ giúp tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo tồn, phát triển nguồn gen nhãn, vải đồng thời giúp cho việc khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên cây trồng đặc sản của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

II. Căn cứ pháp lý xây dựng Đề án

Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật đa dạng sinh học ngày 28 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đa dạng sinh học;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 1671/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2015 về phê duyệt chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, tầm nhìn 2030; số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2019 về việc Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về Chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giá trị gia tăng cao, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Thông báo số 1827-TB/TU ngày 14 tháng 10 năm 2019 của Tỉnh ủy Hưng Yên về Đề án Bảo tồn và phát triển vùng trồng nhãn, vải đặc sản tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020- 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 245/NQ-HĐND ngày 06 tháng 12 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên về việc thông qua Đề án Bảo tồn và phát triển vùng trồng nhãn vải đặc sản tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ các Quyết định của UBND tỉnh: Số 1854/QĐ-UBND ngày 12 tháng 11 năm 2014 về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Số 817/QĐ-UBND ngày 26 tháng 03 năm 2019 về việc phê duyệt Đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025.

Phần II

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG SẢN XUẤT, TIÊU THỤ VÀ BẢO TỒN NGUỒN GEN NHÃN, VẢI TỈNH HƯNG YÊN

I. Thực trạng sản xuất, tiêu thụ nhãn, vải

1. Diện tích, năng suất và sản lượng

Theo thống kê, diện tích nhãn của tỉnh đến năm 2019 là 4.469 ha, trong đó diện tích nhãn đã cho thu hoạch khoảng 4.100 ha, sản lượng nhãn năm 2019 ước khoảng 32.000 tấn, giá trị thu được ước khoảng 1.000 tỷ đồng. Hiện nay, cây nhãn được trồng chủ yếu ở các huyện Khoái Châu (1.600 ha), Tiên Lữ (600 ha), Kim Động (500 ha) và thành phố Hưng Yên (1.000 ha); diện tích nhãn nêu trên được trồng ở khoảng trên 125 vùng sản xuất tập trung có quy mô từ 5 ha trở lên. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng trên 500 ha nhãn đã được công nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP...

Đến năm 2019, diện tích trồng vải khoảng 950 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 750 ha, sản lượng thu hoạch vải năm 2019 ước đạt 9.000 tấn, giá trị thu nhập ước khoảng 200 tỷ đồng. Cây vải được trồng tập trung chủ yếu ở huyện Phù Cừ, ngoài ra còn được trồng rải rác tại các huyện Tiên Lữ, An Thi và Kim Động. Toàn tỉnh có trên 100 ha sản xuất vải đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

2. Về cơ cấu giống, trà vụ

- Cây nhãn:

Theo số liệu điều tra của Trung tâm Tài nguyên thực vật, diện tích trồng các giống: PHM 99-1.1 (nhãn chín muộn Khoái Châu) và PHM 99-2.1 (nhãn Hương Chi) chiếm khoảng 80% diện tích; các giống nhãn có nguồn gốc từ các tỉnh ngoài như: HTM1, HTM2, HTM6.. chiếm khoảng 15% diện tích; các giống nhãn khác như: Nhãn đường phèn, nhãn cùi cổ, nhãn thóc... chiếm khoảng 5% diện tích.

Các giống nhãn cũng được phân bố theo các vùng trồng tập trung, cụ thể: Các giống nhãn: PHM 99-1.1, HTM1, HTM2, HTM6 được trồng chủ yếu tại các huyện Khoái Châu, Yên Mỹ, Kim Động; các giống PHM 99-2.1, nhãn đường phèn, nhãn cùi cổ, nhãn thóc... được trồng chủ yếu tại thành phố Hưng Yên và các huyện lân cận như Tiên Lữ, Phù Cừ, Ân Thi...

Thời vụ thu hoạch nhãn của tỉnh được chia làm 03 trà, cụ thể: Trà nhãn chín sớm (thu hoạch từ 15/7-30/7 hàng năm) chiếm khoảng 5-10%,; trà nhãn chín chính vụ (thu hoạch từ 05/8 đến 25/8) chiếm từ 55-60 %; trà nhãn chín muộn (thu hoạch từ 30/8-20/9 hàng năm) chiếm 30-35%.

- Cây vải:

Giống vải trồng phổ biến hiện nay chủ yếu gồm 02 giống chính (chiếm trên 95% diện tích) là: Vải lai Hưng Yên tập trung ở các xã phía nam của huyện Phù Cừ và vải Trứng Hưng Yên tập trung ở các xã phía Bắc (chủ yếu là xã Phan Sào Nam) thuộc huyện Phù Cừ và xã Đa Lộc thuộc huyện Ân Thi; các giống vải khác như: Vải thiều Hải Dương, vải lai Dây... từ 5-10% diện tích còn lại. Nhìn chung, các giống vải của tỉnh cho thu hoạch tập trung từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 6 (sớm hơn so với các tỉnh từ 5-10 ngày).

3. Tình hình tiêu thụ

Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương bên cạnh việc tổ chức tốt khâu sản xuất, đã triển khai nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản tỉnh nói chung và sản phẩm nhãn, vải nói riêng như: Lễ hội vải, Lễ hội nhãn lồng, Lễ hội cam... tham gia các hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm nhãn, hội chợ, triển lãm, trưng bày sản phẩm nông sản... Thông qua các hoạt động trên đã góp phần quảng bá rộng rãi các sản phẩm nông sản chủ lực của Hưng Yên, nhiều doanh nghiệp đầu mối, nhà phân phối, siêu thị đã ký kết hợp đồng thu mua, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Big C, Fivi Mart, Coop Mart, Vietnam Airline... góp phần nâng cao thương hiệu, giá trị các sản phẩm nông sản của tỉnh, nhất là đối với nhóm cây ăn quả chủ lực như: nhãn, cam, vải...

Nhìn chung sản phẩm nhãn, vải của tỉnh đã có thương hiệu nên bán được giá hơn so với các nơi khác. Nhãn đầu vụ có giá bán cao từ 50-70 nghìn đồng/kg; chính vụ, nhãn thu hoạch rộ, giá ổn định ở mức từ 20-35 nghìn đồng/kg.... Đặc biệt, các giống nhãn đặc sản như: Nhãn cùi cổ, nhãn đường phèn có giá bán cao hơn các giống nhãn thông thường từ 2-3 lần và được các tổ chức, cơ quan, thương lái đặt mua từ giai đoạn quả non để làm quà. Đối với cây vải, do có lợi thế chín sớm hơn đại trà ở khu vực phía Bắc từ 5-10 ngày nên giá bán khá cao, bình quân từ 20-35 nghìn đồng/kg, riêng giống vải Trứng Hưng Yên do diện tích sản xuất còn nhỏ, sản lượng ít nên giá bán khá cao, vụ vải năm 2019 giá bán dao động phổ biến từ 60-70 nghìn đồng/kg.

4. Công tác bảo quản, chế biến: Công tác bảo quản, chế biến sản phẩm nhãn, vải của tỉnh còn nhiều hạn chế: Sản phẩm nhãn, vải tươi chủ yếu được sơ chế, chế biến thủ công để làm long, chưa có sản phẩm chế biến sâu, một số Hợp tác xã, cơ sở đã đầu tư xây dựng kho lạnh để bảo quản quả tươi nhưng quy mô còn rất nhỏ, không đáng kể. Toàn tỉnh có trên 1.000 cơ sở chế biến long nhãn, vải; hàng năm tiêu thụ hàng nghìn tấn nhãn vải tươi, tuy nhiên, hầu hết những cơ sở này chủ yếu sản xuất gia công, quy mô nhỏ.

5. Về sản xuất giống nhãn, vải: Toàn tỉnh hiện có trên 30 doanh nghiệp, Hợp tác xã chuyên sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả trong đó có giống nhãn với tổng sản lượng trên 100 vạn cây/năm phục vụ nhu cầu trồng mới của nông dân trong và ngoài tỉnh, trong đó tập trung chủ yếu sản xuất các giống: PHM 99-2.1, PHM 99-1.1, HTM 1, HTM 6,.. chiếm trên 90%. Ngoài ra, tại một số xã thuộc các huyện: Khoái Châu, Yên Mỹ, Kim Động và thành phố Hưng Yên các hộ nông dân có kỹ thuật chiết, ghép để tự nhân giống để cung cấp cho nhu cầu chuyển đổi của nông dân trong và ngoài tỉnh. Riêng đối với cây vải, các hộ chủ yếu sử dụng biện pháp chiết cành, nhân giống từ các cây vải tại địa phương hoặc các vùng lân cận.

II. Thực trạng về bảo tồn, phát triển nguồn gen

1. Thực trạng bảo tồn nguồn gen trong nước

Việc thu thập quỹ gen cây trồng ở Việt Nam đã được bắt đầu từ sau chiến tranh Thế giới thứ nhất. Đồng thời với việc đẩy mạnh khai thác thuộc địa, người Pháp đã tiến hành thu thập các giống lúa trồng, hình thành tập đoàn quỹ gen lúa để từ đó bình tuyển các giống ưu tú mở rộng sản xuất nhằm đẩy mạnh xuất khẩu gạo của Việt Nam. Người Pháp cũng nhập nội nguồn gen cao su và cà phê vào Đông Dương để xúc tiến mở rộng đồn điền sản xuất hai nhóm cây công nghiệp quan trọng này ở Việt Nam.

Sau ngày giành độc lập, công tác quỹ gen cây trồng cũng ngay lập tức được chính phủ quan tâm, đầu tư. Năm 1956, Học viện Nông Lâm đã bắt đầu tổ chức thu thập và nghiên cứu một số tập đoàn giống cây trồng ở miền Bắc. Năm 1987 Chương trình Bảo tồn nguồn gen quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì đã xúc tiến nhiệm vụ bảo tồn quỹ gen cây trồng; việc định hướng chiến lược, lựa chọn phương thức bảo tồn thích hợp với từng nhóm đối tượng cây trồng từng bước được hoàn thiện. Cùng năm này bảo tồn quỹ gen cây trồng đã trở thành nhiệm vụ khoa học thường xuyên cấp nhà nước, sau khi Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, nay là Bộ Khoa học và Công nghệ, ban hành Quy chế lâm thời về bảo tồn nguồn gen.

Năm 1989 Tổ quỹ gen cây trồng thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam cũ được thành lập. Năm 1990 cơ sở của Ngân hàng gen cây trồng Quốc gia được hình thành, ban đầu lưu giữ 1.300 giống lúa. Năm 1996, Trung tâm Tài nguyên di truyền thực vật trực thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam cũ được thành lập, và được giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối điều phối các hoạt động bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật vì mục tiêu lương thực và nông nghiệp trong cả nước. Cùng với việc xây dựng và phát triển Ngân hàng gen thực vật quốc gia, Hệ thống Tài nguyên di truyền thực vật quốc gia bao gồm 22 đơn vị thành viên hoạt động theo nguyên tắc màng lưới cũng dần được hình thành.

Trong xu thế hội nhập kinh tế ngày càng gia tăng và với nguy cơ ngày càng cao của suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu, quốc gia nào làm chủ được nhiều tài nguyên di truyền động, thực vật thì quốc gia đó có tiềm năng to lớn trong cạnh tranh về sản phẩm nông nghiệp, phát triển công nghệ sinh học, đảm bảo an ninh lương thực, quốc phòng và bảo vệ môi trường. Đầu tư cho đề án là nhằm đảm bảo để nước ta quản lý hiệu quả và bảo vệ quyền sở hữu của mình đối với nguồn tài nguyên quý giá này của dân tộc.

2. Thực trạng bảo tồn nguồn gen nhãn, vải tại tỉnh Hưng Yên

2.1. Đa dạng nguồn gen nhãn, vải

2.1.1. Đa dạng nguồn gen nhãn

Dựa trên kết quả phiếu điều tra, qua phân tích tổng hợp số liệu cho thấy Hưng Yên khá đa dạng về nguồn tài nguyên thực vật, tổng cộng có trên 120 nguồn gen các loại cây trồng. Trong đó nhóm cây ăn quả có sự đa dạng lớn nhất, đặc biệt là nguồn gen cây nhãn rất đa dạng phong phú tới 50 nguồn gen.

Trong số 50 nguồn gen nhãn đang sản xuất trên địa bàn tỉnh thì có trên 40 nguồn gen có nguồn gốc bản địa. Mỗi hộ gia đình thường trồng từ 3-4 nguồn gen nhãn là chủ yếu (chiếm 76,5%), tuy nhiên cũng có hộ trồng tới 20 nguồn gen nhãn. Số lượng cá thể của các nguồn gen này cũng rất khác nhau, các giống nhãn: PHM 99-1.1 và PHM 99-2.1 được trồng với số lượng lớn nhất chiếm đến hơn 80% số lượng.

Dựa vào một số đặc điểm nông sinh học như màu sắc, hình dạng lá, đặc điểm cùi, hình dạng màu sắc hạt, màu sắc vỏ quả mà chia các loại này thành 4 nhóm giống chính là: nhãn thóc, nhãn nước, nhãn cùi và nhãn đường phèn, trong đó nhóm nhãn cùi là nhóm có sự đa dạng lớn nhất.

Có rất nhiều giống nhãn được nông dân đưa và sản xuất, từ các giống của địa phương tự nhân giống như PHM 99-1.1 nhãn siêu ngọt ở Khoái Châu, PHM 99-2.1 ở Hồng Nam cho đến các giống nhãn có nguồn gốc từ các tỉnh khác như nhãn HTM1, HTM2, HTM6. Các giống nhãn này chiếm một tỷ trọng lớn trong sản xuất nhãn của các địa phương. Bên cạnh các giống chủ lực nêu trên thì trong nhân dân vẫn còn lưu giữ rất nhiều nguồn gen nhãn khác như: Nhãn cùi chính vụ, nhãn cùi sớm, nhãn cùi muộn, cùi mã mây, nhãn đường phèn, nhãn cổ...

2.1.2. Đa dạng nguồn gen vải

Các giống vải tuy không được phong phú như bộ giống nhãn nhưng qua điều tra sơ bộ, trên địa bàn có 3 giống chính trong sản xuất là: Vải Lai Hưng Yên, vải Trứng Hưng Yên và vải thiều Hải Dương. Các giống này chủ yếu là các giống vải chín sớm và có giá trị kinh tế cao trong sản xuất. Các nguồn gen vải chủ yếu được trồng tập trung ở huyện Phù Cừ.

2.2. Bảo tồn nguồn gen nhãn, vải của Hưng Yên.

Nhằm lưu giữ nguồn gen và bảo đảm đa dạng sinh học, phục vụ nghiên cứu, lai tạo, nhân giống đáp ứng nhu cầu về giống nhãn của nông dân trong và ngoài tỉnh, những năm qua các cơ quan khoa học của Trung ương (Viện Di truyền nông nghiệp, Viện nghiên cứu Rau quả,...) và UBND tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo, phê duyệt các đề án, dự án nhằm bảo tồn các giống nhãn và phát triển các giống nhãn có giá trị thương mại cao phục vụ sản xuất hàng hóa, qua đó đã bình tuyển, lựa chọn được nhiều giống nhãn ưu tú đạt tiêu chuẩn cây đầu dòng đưa vào bảo tồn, phát triển tạo nguồn giống tốt phục vụ trồng mới, ghép cải tạo vườn tạp, do vậy tỷ lệ diện tích trồng các giống nhãn có năng suất, chất lượng, giá trị cao chiếm khoảng 85-90% diện tích nhãn của tỉnh; đồng thời cung cấp hàng trăm vạn mắt ghép phục vụ sản xuất cây nhãn giống. Cụ thể như sau:

- Từ năm 1999-2005, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả thực hiện dự án ng dụng Khoa học và Công nghệ bảo tồn nguồn gen, sản xuất giống nhãn lồng đặc sản, thâm canh theo hướng tiên tiến hàng hóa phục vụ chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở Hưng Yên”, đã tổ chức trồng, lưu giữ nguồn gen tại Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh được 340 cây nhãn (đến năm 2017 còn hơn 200 cây) được chiết, ghép từ những cây nhãn ưu tú đã được giải trong hội thi năm 1999, năm 2005 và một số giống nhãn chín muộn có nguồn gốc từ tỉnh Hà Tây cũ; gắn biển theo dõi, bảo tồn nguyên trạng cho hơn 20 cây nhãn tại vườn thuộc các xã Hồng Nam, Liên Phương thuộc thành phố Hưng Yên.

- Từ năm 2002-2006 Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Di truyền Nông nghiệp thực hiện dự án "Bảo tồn đa dạng sinh học nông nghiệp VIE/01/G35" tại Hưng Yên đã điều tra, đánh giá các giống nhãn hiện có ở Hưng Yên và xây dựng 02 mô hình bảo tồn nguồn gen cây nhãn tại các xã Hồng Nam và Liên Phương (thành phố Hưng Yên) với tổng diện tích 6,5 ha, với 22 hộ trực tiếp tham gia. Dự án đã bảo tồn nguyên trạng được 1.200 cây và trồng mới được 375 cây bao gồm những giống nhãn như: nhãn lồng, nhãn cùi, đường phèn, cùi điếc... tỷ lệ nhãn ngon, ưu tú chiếm 80% với cả 3 trà: chín sớm, chín chính vụ và chín muộn.

Từ năm 2013-2015 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương thực hiện dự án “Bảo tồn giống nhãn đặc sản và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm vùng chuyên canh nhãn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2012-2015”. Dự án đã đạt được các kết quả như sau.

- Năm 2013 và 2015 đã tổ chức bình tuyển và cấp Giấy công nhận cây đầu dòng cho 28 cây nhãn (trong đó có 02 cây được công nhận đặc cách là PHT99-1.1 và PHM99-2.1 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống quốc gia) và 21 cây nhãn đạt tiêu chuẩn nhân giống. Các cây đầu dòng và cây đạt tiêu chuẩn để nhân giống tập trung chủ yếu ở các huyện Khoái Châu, Kim Động và thành phố Hưng Yên. Đây là các địa chỉ tin cậy, cung cấp các nguồn giống tốt, chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển cây nhãn cho nông dân trong và ngoài tỉnh.

- Tổ chức cấp mã số quản lý, gắn biển theo dõi, hỗ trợ vật tư cho 49 cây nhãn đầu dòng và cây đủ tiêu chuẩn nhân giống trên; xây dựng, phổ biến quy trình chăm sóc, khai thác hợp lý và hiệu quả đối với các cây nhãn được bảo tồn tại chỗ, trong đó tập trung chủ yếu vào các khâu kỹ thuật chính như: Điều tiết nước; đảm bảo dinh dưỡng cho cây vào các thời điểm; cắt tỉa cành, tỉa hoa và quả; khai thác quả; khai thác cây lấy cành chiết; khai thác cây lấy cành mắt ghép...

- Hướng dẫn chủ cây cách thức lập và ghi chép sổ theo dõi quá trình chăm sóc và khai thác cây nhãn bảo tồn, trên cơ sở đó có thể đánh giá rõ được hiệu quả kinh tế của từng cây nhãn bảo tồn.

Năm 2017 và năm 2018 đã cấp Giấy công nhận cho 01 cây vải đạt tiêu chuẩn cây đầu dòng và 56 vườn cây ăn quả các loại đạt tiêu chuẩn vườn cây ăn quả đầu dòng, tạo địa chỉ tin cậy để khai thác mắt ghép phục vụ công tác sản xuất giống.

III. Những hạn chế, yếu kém bảo tồn, phát triển sản xuất nhãn, vải

Công tác bảo tồn giống chủ yếu tập trung vào bình tuyển, bảo tồn và phát triển các giống nhãn có giá trị thương mại, sản xuất hàng hóa; Công tác bảo tồn nguồn gen đa dạng sinh học phục vụ nghiên cứu (chọn lọc, lai tạo,..) và giữ gìn giống bản địa,... ít được thực hiện do giá trị thương mại thấp (như giống nhãn nước, nhãn thóc, nhãn đường phèn,..).

Đối tượng tham dự bình tuyển chủ yếu là các chủ vườn, chủ cây vườn có chất lượng quả tốt phục vụ sản xuất hàng hóa và làm giống. Các cây nhãn, vải lâu năm thuộc công trình công cộng, đường giao thông, trong di tích lịch sử, văn hóa,... rất ít đăng ký tham gia bình tuyển, đánh giá.

Công tác bình tuyển, bảo tồn các giống có chất lượng tốt của tỉnh (nhãn đặc sản) cũng chưa được thường xuyên, chưa đánh giá, lựa chọn hết được các giống nhãn ưu tú có trên địa bàn tỉnh do nguồn kinh phí còn hạn hẹp.

Giai đoạn 1999-2005, cùng với việc bảo tồn nguyên trạng tại vườn chủ cây; việc bảo tồn tập trung được thực hiện tại vườn bảo tồn giống nhãn (Sở Khoa học và Công nghệ), tuy vậy cơ sở hạ tầng, vật chất (hệ thống vườn, vật dụng, trang thiết bị...) chưa đáp ứng yêu cầu; diện tích vườn bị thu hẹp. Nhiệm vụ bảo tồn thiếu tập trung, thiếu sự giám sát thường xuyên và chưa có lực lượng chuyên trách, theo dõi, đánh giá chuyên sâu nên việc đánh giá cây nhãn bảo tồn tại đây theo quy định hầu như không được thực hiện.

Từ sau các đợt bình tuyển năm 2013 và năm 2015, công tác bảo tồn được thực hiện chủ yếu là bảo tồn nguyên trạng tại vườn của chủ cây. Đa số các chủ vườn chưa nắm rõ hết tầm quan trọng của công tác bảo tồn, có nhiều cây không được chăm sóc vì hiệu quả kinh tế thấp (cây già cỗi, cây cho quả ngon nhưng quả nhỏ, cây ở vị trí khó chăm sóc,...), do chính sách hỗ trợ của nhà nước không tương xứng và không thường xuyên.

Một số cây nhãn thuộc diện bảo tồn nguyên trạng nằm cạnh đường giao thông hoặc trong các khu di tích, văn hóa,... việc bảo vệ, quản lý, áp dụng các biện pháp chăm sóc cũng ít được quan tâm.

Chưa xây dựng cơ chế chính sách đồng bộ và phù hợp để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư và địa phương nhằm đẩy mạnh, khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực bảo tồn, trồng mới, sơ chế, chế biến, bảo quản và sản xuất thành phẩm từ nhãn, vải trong tỉnh.

Chưa có cơ chế và giải pháp đảm bảo đầu ra ổn định cho nguồn nhãn, vải lai chín sớm. Tiềm năng và hiện trạng nguồn tài nguyên nhãn, vải ở Hưng Yên là phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, sự phong phú này cũng chỉ có giới hạn. Chúng chỉ có thể thực sự trở thành tiềm năng lâu dài nếu biết giữ gìn và khai thác một cách hợp lý.

Công tác sản xuất giống đã đạt được nhiều kết quả khả quan tuy nhiên bộ giống chưa thực sự phong phú do nguồn mắt ghép của các cây bảo tồn ít, hầu hết thuộc quyền sở hữu cá nhân.

Phần III

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

I. Quan điểm

- Bảo tồn và phát triển vùng trồng nhãn, vải đặc sản là nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên. Việc bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen là trách nhiệm của nhà nước, của cộng đồng, của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

- Bảo tồn và phát triển vùng trồng nhãn, vải đặc sản phải trên cơ sở các căn cứ khoa học, hệ thống văn bản pháp luật của nhà nước; đảm bảo khai thác có hiệu quả những lợi thế về điều kiện tự nhiên và xã hội; việc bảo tồn phải được ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại kết hợp hài hòa với tri thức truyền thống; công tác bảo tồn phải gắn với quản lý, bảo vệ, khai thác hợp lý nguồn gen nhãn, vải sẵn có, quý hiếm của tỉnh, đồng thời bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái.

II. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

- Bảo tồn nguồn gen nhãn, vải nhằm cung cấp nguồn gen phong phú để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững sản xuất cây nhãn, vải của tỉnh; góp phần bảo vệ môi trường, gìn giữ các nét văn hóa, truyền thống, tri thức bản địa và cung cấp vật liệu cho các chương trình chọn tạo giống và các nghiên cứu khoa học khác.

- Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để đầu tư phát triển, bảo tồn và thương mại hóa sản phẩm từ nhãn, vải. Chú trọng bảo hộ, bảo tồn nguồn gen nhãn, vải phục vụ mục tiêu du lịch và chọn tạo giống. Tích hợp hệ thống công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc; xác thực để xây dựng cơ sở tra cứu và quản lý xác thực đầu vào và đầu ra phục vụ tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi nhằm điều tiết và phát triển thị trường nông sản phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Giai đoạn 2020-2025

- Đến năm 2025, đảm bảo cơ bản nguồn gen nhãn, vải hiện có của tỉnh được kiểm kê, đánh giá; xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gen nhãn, vải và xác thực đảm bảo sản phẩm có chất lượng phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, phát triển sản xuất, chế biến, phát triển thị trường.

- Xây dựng mới khu bảo tồn cây vải tổ và duy trì bảo tồn hiện trạng của cây nhãn tổ; bảo tồn nguyên trạng đối với các cây nhãn, vải có chất lượng ngon, quý hiếm tại vườn của các chủ hộ sở hữu; thành lập vườn bảo tồn chuyển vị các nguồn gen nhãn, vải của tỉnh.

- Giữ ổn định diện tích trồng nhãn khoảng 4.500 ha tập trung tại các huyện Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Ân Thi và thành phố Hưng Yên; tập trung cải tạo, thay thế các vườn nhãn tạp, những cây già cỗi cho năng suất, chất lượng thấp bằng các giống nhãn đặc sản, có giá trị kinh tế cao, trong đó mở rộng diện tích trồng các giống nhãn đường phèn, nhãn cùi cổ chiếm từ khoảng 15-20% diện tích nhãn của tỉnh, phấn đấu nâng cao giá trị sản phẩm nhãn, vải tăng khoảng 25% so với thời điểm hiện tại vào năm 2025.

- Phát triển mở rộng diện tích trồng giống vải Trứng Hưng Yên, phấn đấu đến năm 2025 diện tích trồng vải của tỉnh đạt từ 1.400-1500 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Phù Cừ và một số xã phía nam thuộc huyện Ân Thi; nâng cao diện tích trồng giống vải Trứng Hưng Yên chiếm từ 20-30% diện tích trồng vải của tỉnh.

2.2. Giai đoạn 2026-2030

Tiếp tục duy trì các hoạt động bảo tồn nguồn gen nhãn, vải của tỉnh; chăm sóc, khai thác hiệu quả vườn cây bảo tồn đảm bảo đủ nguồn cung cấp giống nhãn, vải phục vụ công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng như cải tạo chất lượng nhãn, vải của tỉnh.

Phần IV

NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

I. Nội dung của Đề án giai đoạn 2020-2025

1. Nội dung 1: Kiểm kê, thu thập bổ sung, xây dựng cơ sở dữ liệu và lập bản đồ phân bố nguồn gen nhãn, vải

1.1. Kiểm kê nguồn gen nhãn, vải

Khảo sát, phân loại, lập danh sách, xác định số lượng, xác định mức độ đa dạng, phân bố và nguy cơ xói mòn nguồn gen nhãn, vải trong sản xuất và trong tự nhiên.

1.2. Thu thập nguồn gen nhãn, vải tại Hưng Yên

Thu thập khoảng 45 nguồn gen nhãn, 5 nguồn gen vải trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

1.3. Xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn gen nhãn, vải

- Tư liệu hóa tri thức truyền thống liên quan đến nguồn gen nhãn, vải.

- Xây dựng mẫu tiêu bản các nguồn gen nhãn, vải.

- Đánh giá bổ sung đặc điểm sinh học, hình thái, năng suất, chất lượng quả tươi đối với 45 nguồn gen nhãn, 5 nguồn gen vải đã được thu thập.

1.4. Lập bản đồ phân bố nguồn gen nhãn, vải

Lập bản đồ phân bố đa dạng nguồn gen nhãn, vải tại Hưng Yên.

2. Nội dung 2: Bảo tồn nguyên vị (In-situ) và chuyển vị (ex-situ) nguồn gen cây nhãn, vải

2.1. Bảo tồn nguyên vị (in-situ) nguồn gen nhãn, vải

- Duy trì nguyên trạng cây nhãn tổ tại thành phố Hưng Yên.

- Xây dựng khuôn viên khu bảo tồn nguyên trạng cây vải Trứng Hưng Yên (cây vải Tổ) tại hộ ông Nguyễn Văn Vì (thôn Ba Đông, xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ) với quy mô diện tích khoảng 650 m2.

- Bảo tồn nguyên trạng đa dạng 45 nguồn gen nhãn và 5 nguồn gen vải tại vùng nguyên sản.

- Nhân cây kế vị đối với các nguồn gen nhãn, vải có nguy cơ xói mòn cao, xây dựng vườn cây kế vị khoảng 06 cây/nguồn gen.

2.2. Bảo tồn chuyển vị (ex-situ) nguồn gen nhãn, vải

- Xây dựng 02 vườn bảo tồn chuyển vị tại Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh (01 vườn nhãn và 01 vườn vải) trên diện tích 01 ha (gồm các nguồn gen nhãn, vải đặc sản của tỉnh đã được thu thập) nhằm phục vụ công tác bảo tồn và thiết lập vườn cây mẹ để phục vụ công tác nhân giống.

- Xây dựng vườn mẫu bảo tồn kết hợp với du lịch sinh thái, văn hóa.

3. Nội dung 3. Khai thác, phát triển nguồn gen nhãn, vải đặc sản Hưng Yên

- Nghiên cứu hoàn thiện một số giải pháp kỹ thuật nhằm điều khiển ra hoa khắc phục tình trạng “ra hoa, đậu quả cách năm”, nâng cao khả năng đậu quả và chất lượng một số giống nhãn, vải đặc sản.

- Cải tạo, trồng mới 400 ha nhãn là những vườn già cỗi, vườn nhãn tạp cho năng suất, chất lượng thấp bằng các giống nhãn đặc sản.

- Cải tạo, trồng mới khoảng 150 ha vải bằng giống vải Trứng Hưng Yên, tập trung tại các xã của huyện Phù Cừ và một số xã thuộc các huyện Ân Thi.

- Xây dựng mô hình thâm canh các giống nhãn, vải đặc sản với quy mô 03 ha (nhãn 02 ha, vải 01 ha) tại các vùng có điều kiện sinh thái tương tự, từ đó hoàn thiện quy trình thâm canh nhãn, vải của tỉnh làm cơ sở để nông dân các địa phương áp dụng trong sản xuất.

4. Nội dung 4. Thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn, hội nghị, hội thảo

- Tổ chức 12 lớp tập huấn (02 lớp/năm) tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nghiệp vụ, vai trò và ý thức trách nhiệm về công tác bảo tồn cho cán bộ làm công tác quản lý và nông dân ở các địa phương trong tỉnh.

- Tổ chức 60 lớp tập huấn (10 lớp/năm) hướng dẫn kỹ thuật thâm canh nhãn, vải đặc sản cho nông dân tại các vùng trồng nhãn, vải; tổ chức 06 hội nghị, hội thảo đầu bờ đánh giá, tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới về sản xuất nhãn, vải; 07 hội nghị triển khai đề án, hội nghị sơ kết đánh giá kết quả thực hiện đề án.

II. Nội dung Đề án Giai đoạn 2026-2030

- Tiếp tục duy trì các hoạt động bảo tồn nguyên trạng đối với 50 nguồn gen nhãn, vải đặc sản và vườn bảo tồn nhãn, vải tại Trung tâm Giống nông nghiệp.

- Tổ chức các hội nghị tập huấn tuyên truyền, hướng dẫn về công tác bảo tồn và kỹ thuật thâm canh cây nhãn, vải.

III. Giải pháp thực hiện

1. Giải pháp quy hoạch

Tổ chức thực hiện Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 02/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 và các văn bản của UBND tỉnh: Số 1854/QĐ-UBND ngày 12/11/2014 về phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; số 635/QĐ-UBND ngày 05/3/2018 về phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa từ năm 2018 đến năm 2020. Việc quy hoạch và phát triển vùng sản xuất nhãn, vải phải phù hợp với điều kiện của từng địa phương và gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, gắn với các hoạt động du lịch góp phần xây dựng nền sản xuất bền vững, hiệu quả cao.

2. Nhóm giải pháp về khoa học công nghệ

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành từ khâu nhân giống, trồng, chăm sóc, khai thác đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ... các sản phẩm nhãn; tăng cường công tác phối hợp với các tổ chức nghiên cứu khoa học nghiên cứu nguồn gen nhãn, vải để bảo tồn khai thác nguồn gen, phát triển giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc... kỹ thuật để hạn chế hiện tượng “ra hoa, đậu quả cách năm” và chủ động ứng phó với điều kiện thời tiết bất thuận do biến đổi khí hậu bất thuận gây ra.

Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật trong sơ chế, chế biến nhãn, vải nhất là “chế biến sâu” nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nhãn, vải, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Khuyến khích, ưu tiên ứng dụng các công nghệ an toàn tạo ra các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường.

Tiếp tục thực hiện Quyết định số 2532/QĐ-UBND ngày 16/10/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch tổ chức chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) trên một số loại cây ăn quả chủ lực của tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2018-2020.

3. Giải pháp về tuyên truyền, phổ biến

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi người dân về vai trò, tầm quan trọng của việc bảo tồn nguồn gen nhãn, vải đối với công tác sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao, hướng dẫn nông dân áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới trong thâm canh cây nhãn, vải nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.

4. Giải pháp quản lý nhà nước

Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của hệ thống cán bộ chuyên môn từ cấp tỉnh đến cấp xã, thôn phục vụ công tác bảo tồn và phát triển sản xuất cây nhãn, vải của tỉnh.

Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra chất lượng các loại vật tư nông nghiệp đang được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhằm hạn chế các loại giống cây, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chất lượng kém, ngoài danh mục lưu thông trên thị trường làm thiệt hại cho người sản xuất.

5. Giải pháp về cơ chế, chính sách

Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách hiện có của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương và chính sách của tỉnh về hỗ trợ, khuyến khích trông, thâm canh cây ăn quả và sơ chế, bảo quản, chế biến cây ăn quả nói chung và cây nhãn, vải nói riêng.

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các chính sách hỗ trợ trồng, thâm canh và sơ chế, bảo quản, chế biến cây nhãn, vải để phù hợp với điều kiện của tỉnh Hưng Yên và đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Nghiên cứu, đề xuất tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ cần thiết như: Miễn giảm tiền thuê đất, thuế, vay vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo lao động, giống, kỹ thuật; phát triển vùng trồng nhãn, vải áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm; thu hút, sử dụng nhân lực trong sản xuất, bảo quản, chế biến quả,.... nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cộng đồng, người dân tham gia bảo tồn và phát triển nhãn, vải trên địa bàn tỉnh, trọng điểm là tại vùng nhãn gốc thành phố Hưng Yên, huyện Tiên Lữ, huyện Khoái Châu và huyện Phù Cừ, trước mắt là về thủ tục hành chính đối với các dự án bảo tồn, phát triển nhãn, vải trên địa bàn tỉnh.

Ưu tiên sản xuất, đăng ký, lưu hành sản phẩm đối với nhãn, vải đặc sản và các sản phẩm từ nhãn, vải đáp ứng thực tiễn và phù hợp quy định hiện hành, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy thị trường tiêu dùng sản phẩm từ nhãn, vải của tỉnh.

6. Giải pháp về đầu tư

Lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình khuyến nông; các Chương trình mục tiêu quốc gia; Chương trình, dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào phát triển nông nghiệp... để phục vụ phát triển sản xuất, bảo quản, chế biến nhãn, vải trên địa bàn tỉnh.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở nghiên cứu ứng dụng, đào tạo, sản xuất, dịch vụ sản xuất cây giống phục vụ công tác sản xuất và phát triển nhãn, vải ở quy mô lớn; khuyến khích đầu tư cho công tác bảo tồn, bảo vệ và tái sinh và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác nghiên cứu tại các vùng trồng nhãn, vải trọng điểm.

Huy động tối đa các nguồn lực tài chính và lồng ghép các nguồn vốn, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn để thực hiện việc đầu tư, phát triển và chế biến nhãn, vải đảm bảo có sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, hộ gia đình, cá nhân tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển nhãn, vải.

7. Về phát triển Tổ hợp tác, Hợp tác xã

Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 07/9/2015 của UBND tỉnh về đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2015-2020; trên cơ sở các vùng sản xuất nhãn, vải tập trung hướng dẫn nông dân thành lập Hợp tác xã, Tổ hợp tác kiểu mới tạo điều kiện thuận lợi để đổi mới tổ chức sản xuất; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các Hợp tác xã nông nghiệp theo hướng chú trọng hơn tới việc khuyến khích tập trung ruộng đất, tổ chức nông dân sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, an toàn, chất lượng gắn với chế biến và tiêu thụ.

Tập trung công tác đào tạo, nâng cao năng lực quản trị, quản lý, năng lực khoa học kỹ thuật, năng lực thị trường cho cán bộ Hợp tác xã và tổ trưởng các Tổ hợp tác từ đó điều hành theo hướng cơ cấu bộ máy quản lý gọn, linh hoạt và năng động.

8. Về khuyến khích liên kết, xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm

Khuyến khích, tạo điều thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất nhãn, vải theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến chế biến tiêu thụ sản phẩm nhằm ổn định đầu ra, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất; phát triển các hình thức hợp tác liên kết đa dạng, phù hợp, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm đảm bảo an toàn chất lượng.

Tiếp tục làm tốt công tác xây dựng, bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nhãn, vải của tỉnh; chú trọng đầu tư bao bì, nhãn mác đẹp, có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo sự tin tưởng, yên tâm cho khách hàng; trang bị đầy đủ các điều kiện theo quy định để phục vụ; Tổ chức các hội nghị, hội chợ... để giới thiệu, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nhãn, vải.

IV. Kinh phí thực hiện Đề án

Tổng kinh phí thực hiện Đề án là 53.100.163.000đ (Năm mươi ba tỷ một trăm triệu một trăm sáu mươi ba nghìn đồng).

Trong đó:

- Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước là: 18.460.563.000đ;

- Vốn đối ứng của nhân dân là: 34.639.600.000đ. Cụ thể kinh phí thực hiện Đề án qua các giai đoạn như sau:

1. Giai đoạn 2020-2025

Tổng kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn từ 2020-2025 là: 50.707.163.000đ (Năm mươi tỷ bảy trăm linh bảy triệu một trăm sáu mươi ba nghìn đồng). Trong đó:

- Vốn từ nguồn ngân sách nhà nước là: 16.332.363.000đ;

- Vốn đối ứng của nhân dân là: 34.374.800.000đ.

Gồm:

- Kiểm kê, thu thập, lập bản đồ phân bố nguồn gen nhãn vải là: 915.000.000đ;

- Bảo tồn nguyên trạng các cây nhãn, vải đặc sản: 789.000.000đ;

- Xây dựng khu bảo tồn cây vải tổ (Vải trứng Hưng Yên): 3.326.663.000đ;

- Xây dựng vườn bảo tồn các giống nhãn, vải đặc sản tại Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh: 1.156.500.000đ;

- Xây dựng mô hình thâm canh nhãn, vải đặc sản: 2.142.000.000đ;

- Phát triển, mở rộng vùng trồng nhãn đặc sản: 29.600.000.000đ;

- Phát triển mở rộng vùng trồng vải Trứng Hưng Yên: 11.100.000.000đ;

- Tập huấn hướng dẫn bảo tồn: 180.000.000đ;

- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật thâm canh: 900.000.000đ;

- Hội nghị đầu bờ: 108.000.000đ;

- Hội nghị triển khai, sơ kết, tổng kết đề án: 70.000.000đ;

- Chi khác (Ban quản lý, tham quan, tuyên truyền...): 420.000.000đ.

2. Giai đoạn 2026-2030

Tổng kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2026-2030 là: 2.393.000.000đ. Trong đó:

- Vốn từ nguồn ngân sách nhà nước là: 2.128.200.000đ;

- Vốn đối ứng của nhân dân là: 264.800.000đ.

Gồm:

- Kinh phí duy trì các hoạt động bảo tồn nguyên trạng đối với 50 cây nhãn, vải đặc sản: 05 năm x 130.300.000 đồng/50 cây = 615.500.000đ.

- Bảo vệ, chăm sóc vườn bảo tồn cây nhãn, vải đặc sản tại Trung tâm Giống nông nghiệp là: 128.300.000 đồng/năm x 5 năm = 641.500.000đ.

- Tập huấn, tuyên truyền, hội nghị hội thảo: 5 năm x 10 lớp/năm x 15.000.000 đồng/lớp = 750.000.000đ.

- Chi phí quản lý đề án: 5 năm x 70.000.000 đồng/năm = 350.000.000đ.

(kèm theo Phụ lục chi tiết).

V. Đánh giá hiệu quả của Đề án

1. Về kinh tế

Triển khai thực hiện bảo tồn nguồn gen nhãn, vải đặc sản tạo ra nguồn cung cấp giống tốt, ổn định phục vụ công tác phát triển trồng mới, cải tạo vườn tạp, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhãn vải của tỉnh; hình thành các vùng sản xuất tập trung, sản xuất ra các sản phẩm nông sản có thương hiệu, có giá trị kinh tế cao, mang tính cạnh tranh cao và phù hợp với nhu cầu của thị trường, đưa giá trị sản phẩm nhãn, vải của tỉnh tăng 20 - 25% so với thời điểm hiện nay góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của nông dân.

2. Về xã hội

Việc trồng trọt, thu hái, sản xuất nhãn, vải đến thành phẩm tại chỗ góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm và tạo nguồn thu nhập tại chỗ cho nhân dân, giúp ổn định cuộc sống.

Mặc khác, việc bảo tồn và phát triển nhãn, vải của tỉnh là nâng tỉ lệ che phủ đất, ngoài ra còn có ý nghĩa trong đảm bảo an ninh môi trường, xanh sạch đẹp cảnh quan và phát triển bền vững.

Xây dựng cơ sở vật chất, phục vụ cho đào tạo, nghiên cứu khoa học và giáo dục môi trường, phát triển du lịch sinh thái, du lịch vườn trại góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng dân cư địa phương.

3. Về môi trường

Cây trồng nói chung, cây nhãn vải nói riêng tồn tại cùng với hệ sinh thái nông nghiệp và nông thôn của vùng có mối tương quan chặt chẽ giữa đa dạng sinh học cây trồng và đa dạng văn hóa, gắn với tri thức sản xuất, bảo quản và chế biến sử dụng nguồn gen của cộng đồng dân cư tỉnh, là bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Việc phát triển trồng nhãn, vải lai chín sớm hình thành nên nhiều vùng chuyên canh và tạo nên đặc trưng cảnh quan cho từng vùng miền.

Là sản phẩm của nông nghiệp hữu cơ, việc sản xuất nhãn, vải sạch có luôn có những đặc trưng chủ yếu sau: bảo vệ độ phì nhiêu lâu dài của đất, duy trì mức các chất hữu cơ, phát triển các hoạt động sinh học của đất; Cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng bằng cách dùng các loại dinh dưỡng không tan được biến đổi nhờ các vi sinh vật ở đất và những dinh dưỡng ở đất do tưới tiêu đem lại; có thể cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng từ việc bón dạng phân hữu cơ, hỗn hợp vô cơ - hữu cơ qua rễ hay dưới dạng hòa tan qua lá; kiểm soát sâu, bệnh, cỏ chủ yếu dựa vào luân canh cây trồng, đa dạng sinh học, các chất diệt sâu bệnh sinh học và sử dụng những giống cây trồng, có độ kháng cao. Tất cả các yếu tố trên đều thuận lợi cho phát triển môi trường sống.

Phần VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Là cơ quan Thường trực giúp UBND tỉnh chỉ đạo điều phối, xây dựng kế hoạch triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án. Tổng hợp kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc phát sinh khi triển khai thực hiện Đề án báo cáo UBND tỉnh.

- Thành lập Ban quản lý thực hiện Đề án gồm đại diện các sở ngành liên quan và các đơn vị trực thuộc sở và đại diện phòng chuyên môn thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Phối hợp với các Cục, Vụ, Viện liên quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tư vấn, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong việc bảo tồn và phát triển cây nhãn, vải đặc sản của tỉnh.

- Phối hợp với các đơn vị tư vấn và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, thâm canh cây nhãn, vải đặc sản để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng quy trình, hướng dẫn việc bảo tồn chăm sóc, bảo vệ, khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn gen nhãn, vải của tỉnh; các quy trình trồng, chăm sóc, thâm canh cây nhãn, vải cho hiệu quả kinh tế cao.

- Chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị liên quan trực thuộc thuộc sở tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác bảo tồn; hướng dẫn kỹ thuật thâm canh nhãn, vải cho hiệu quả kinh tế cao.

- Hằng năm, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch, kinh phí thực hiện Đề án trình UBND tỉnh phê duyệt.

2. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí vào kế hoạch hàng năm thực hiện Đề án đảm bảo các mục tiêu, nhiệm vụ giao; hướng dẫn các trình tự, thanh quyết toán kinh phí thực hiện đảm bảo đúng quy định hiện hành.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh cân đối nguồn vốn, xây dựng kế hoạch cấp kinh phí để thực hiện Đề án; tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách nhằm huy động, thu hút các nguồn lực đầu tư để phát triển sản xuất trồng nhãn, vải đặc sản trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Khoa học và Công nghệ

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, ban hành các quy trình chăm sóc, khai thác đối với các nguồn gen nhãn, vải của tỉnh; ưu tiên các đề tài, dự án khoa học công nghệ về nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất nhãn, vải; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương xây dựng và bảo vệ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nhãn, vải của tỉnh.

5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Phối hợp với các sở, ngành liên quan giới thiệu, quảng bá du lịch sinh thái, tâm linh gắn với việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nhãn, vải của tỉnh; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, rà soát các cây nhãn, vải tại các khu di tích, tâm linh... đề xuất, bổ sung vào danh sách cây bảo tồn; chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn tăng cường công tác thông tin nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với việc bảo tồn nói chung và bảo tồn nguồn gen, vải nói riêng.

6. Sở Công Thương

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của tỉnh nói chung và sản phẩm nhãn, vải nói riêng; chú trọng thiết kế bao bì, tem, nhãn mác đẹp phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước nhất là những thị trường khó tính để nâng cao giá trị sản phẩm.

7. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh liên quan

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền được giao, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong tổ chức thực hiện Đề án; tham mưu UBND tỉnh về những vấn đề liên quan lĩnh vực ngành mình quản lý, giải quyết các vướng mắc để thực hiện Đề án hiệu quả.

8. UBND các huyện, thị xã và thành phố

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm kê nguồn gen nhãn, vải hiện có trên địa bàn; đánh giá, xác định các nguồn gen nhãn vải đặc sản, quý hiếm để đưa vào bảo tồn, phát triển; phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát quy hoạch phát triển vùng trồng nhãn vải; hỗ trợ xây dựng vùng trồng nhãn, vải gắn với phát triển du lịch miệt vườn, tâm linh.

Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị tăng cường vận động, hướng dẫn thành lập Hợp tác xã, Tổ hợp tác theo Luật Hợp tác xã năm 2012 tại các vùng sản xuất nhãn, vải tập trung; ngoài chính sách của tỉnh, ban hành cơ chế chính sách riêng hỗ trợ các Hợp tác xã, Tổ hợp tác mới thành lập.

Phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại; đẩy mạnh việc hỗ trợ chứng nhận vùng sản xuất nhãn, vải đạt tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất..

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện bảo tồn nguyên trạng nguồn gen nhãn, vải tại địa phương./.

 


PHỤ LỤC 1:

KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

ĐVT: 1.000 đồng

STT

Nội dung

Tổng giai đoạn 2020 - 2025

Chia ra

Nguồn vốn

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

NSNN

Vốn khác

1

Kiểm kê, thu thập, lập bản đồ phân bố nguồn gen nhãn vải

915.000

490.000

425.000

-

-

-

-

915.000

-

2

Bảo tồn nguyên trạng các cây nhãn, vải đặc sản

789.000

131.500

131.500

131.500

131.500

131.500

131.500

466.200

322.800

3

Xây dựng khu bảo tồn cây vải tổ (Vải trứng Hưng Yên)

3.326.663

3.326.663

-

-

-

-

-

3.326.663

-

4

Xây dựng vườn bảo tồn các giống nhãn, vải đặc sản tại TTGNN

1.156.500

216.500

188.000

188.000

188.000

188.000

188.000

1.156.500

-

5

Xây dựng mô hình thâm canh nhãn, vải

2.142.000

-

786.000

339.000

339.000

339.000

339.000

540.000

1.602.000

6

Phát triển, mở rộng vùng trồng nhãn đặc sản

29.600.000

-

5.920.000

5.920.000

5.920.000

5.920.000

5.920.000

6.000.000

23.600.000

7

Phát triển mở rộng vùng trồng vải Trứng Hưng Yên

11.100.000

-

2.220.000

2.220.000

2.220.000

2.220.000

2.220.000

2.250.000

8.850.000

8

Tập huấn hướng dẫn bảo tồn

180.000

30.000

30.000

30.000

30.000

30.000

30.000

180.000

-

9

Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật thâm canh

900.000

150.000

150.000

150.000

150.000

150.000

150.000

900.000

-

10

Hội nghị đầu bờ

108.000

-

-

-

36.000

36.000

36.000

108.000

-

11

Hội nghị triển khai, sơ kết, tổng kết đề án

70.000

20.000

10.000

10.000

10.000

10.000

10.000

70.000

-

12

Chi khác (Ban quản lý, tham quan, tuyên truyền..)

420.000

70.000

70.000

70.000

70.000

70.000

70.000

420.000

-

 

Tổng

50.707.163

4.434.663

9.930.500

9.058.500

9.094.500

9.094.500

9.094.500

16.332.363

34.374.800

 

PHỤ LỤC 1.1:

PHÂN KỲ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

ĐVT: 1.000 đồng

STT

Nội dung

Tổng giai đoạn 2020 - 2025

Chia ra

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

1

Kiểm kê, thu thập, lập bản đồ phân bố nguồn gen nhãn vải

915.000

490.000

425.000

-

-

-

-

2

Bảo tồn nguyên trạng các cây nhãn, vải đặc sản

466.200

77.700

77.700

77.700

77.700

77.700

77.700

3

Xây dựng khu bảo tồn cây vải tổ (Vải trứng Hưng Yên)

3.326.663

3.326.663

-

-

-

-

-

4

Xây dựng vườn bảo tồn các giống nhãn, vải đặc sản tại TTGNN

1.156.500

216.500

188.000

188.000

188.000

188.000

188.000

5

Xây dựng mô hình thâm canh nhãn, vải

540.000

-

198.000

85.500

85.500

85.500

85.500

6

Phát triển, mở rộng vùng trồng nhãn đặc sản

6.000.000

-

1.200.000

1.200.000

1.200.000

1.200.000

1.200.000

7

Phát triển mở rộng vùng trồng vải Trứng Hưng Yên

2.250.000

-

450.000

450.000

450.000

450.000

450.000

8

Tập huấn hướng dẫn bảo tồn

180.000

30.000

30.000

30.000

30.000

30.000

30.000

9

Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật thâm canh

900.000

150.000

150.000

150.000

150.000

150.000

150.000

10

Hội nghị đầu bờ

108.000

0

-

0

36.000

36.000

36.000

11

Hội nghị triển khai, sơ kết, tổng kết đề án

70.000

20.000

10.000

10.000

10.000

10.000

10.000

12

Chi khác (Ban quản lý, tham quan, tuyên truyền..)

420.000

70.000

70.000

70.000

70.000

70.000

70.000

 

Tổng

16.332.363

4.380.863

2.798.700

2.261.200

2.297.200

2.297.200

2.297.200

 

PHỤ LỤC 2.

KIỂM KÊ, THU THẬP, LẬP BẢN ĐỒ PHÂN BỐ NGUỒN GEN NHÃN, VẢI

ĐVT: 1.000 đồng

STT

Nội dung

ĐVT

Số lượng

Đơn giá

Thành tiền

 

Chia ra các năm

 

 

 

 

Nguồn KP

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

m 2023

Năm 2024

Năm 2025

NSNN

Dân đóng góp

1

Kiểm kê nguồn gen nhãn, vải

 

 

 

130.000

130.000

 

 

 

 

 

130.000

 

1.1

Thuê công lao động

 

 

 

52.310

52.310

 

 

 

 

 

 

 

 

- Thuê chuyên gia đánh giá

Công

70

581

40.670

40.670

 

 

 

 

 

 

 

 

- Thuê công lao động phổ thông

Công

60

194

11.640

11.640

 

 

 

 

 

 

1.2

Xây dựng phiếu cung cấp thông tin (35 - 40 chỉ tiêu)

Phiếu

1

2.000

2.000

2.000

 

 

 

 

 

 

 

1.3

Chi trả công cho người cung cấp thông tin

Phiếu

800

50

40.000

40.000

 

 

 

 

 

 

 

1.4

Phụ cấp lưu trú (4 người/ngày x 26 ngày)

Ngày

96

150

14.400

14.400

 

 

 

 

 

 

 

1.5

Thuê xe đi công tác

Ngày

26

700

18.200

18.200

 

 

 

 

 

 

 

1.6

VPP, phô tô, chi khác...

 

 

 

3.090

3.090

 

 

 

 

 

 

 

2

Thu thập nguồn gen nhãn, vải

Cây

300

150

45.000

45.000

 

 

 

 

 

45.000

 

3

Xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn gen

Gen

50

 

710.000

310.000

400.000

 

 

 

 

710.000

 

3.1

Tư liệu hóa nguồn gen nhãn, vải

 

 

 

60.000

60.000

 

 

 

 

 

 

 

 

- Trả công chuyên gia

Công

100

581

58.100

58.100

 

 

 

 

 

 

 

 

- Chi khác

 

 

 

1.900

1.900

 

 

 

 

 

 

 

3.2

Xây dựng mẫu tiêu bản nguồn gen nhãn, vải

Gen

50

8.000

400.000

 

400.000

 

 

 

 

 

 

3.3

Phân tích, bổ sung các đặc điểm sinh học

Gen

50

5.000

250.000

250.000

 

 

 

 

 

 

 

4

Lập bản đồ phân bố nguồn gen

Chiếc

1

20.000

20.000

 

20.000

 

 

 

 

20.000

 

5

Chi khác

 

 

 

10.000

5.000

5.000

 

 

 

 

10.000

 

 

Tổng (1 2 3 4)

 

 

 

915.000

490.000

425.000

 

 

 

 

915.000

 

 

PHỤ LỤC 3:

KINH PHÍ BẢO TỒN NGUYÊN TRẠNG NHÃN, VẢI

ĐVT: 1.000 đồng

STT

Nội dung

ĐVT

Số lượng

Đơn giá

Thành tiền

Nguồn kinh phí

NSNN

Vốn đóng góp

1

Nguyên vật liệu, năng lượng

 

 

 

34.000

10.200

23.800

 

Phân hữu cơ (15kg/cây x 50 cây)

Kg

750

8

6.000

1.800

4.200

 

Phân NPK (10 kg/cây x 50 cây)

Kg

500

15

7.500

2.250

5.250

 

Vôi bột (2kg/cây x 50 cây)

Kg

100

5

500

150

350

 

Phân bón lá (1kg/cây x 50 cây)

kg

50

200

10.000

3.000

7.000

 

Thuốc BVTV (0,2 kg/cây x 50 cây)

kg

10

1.000

10.000

3.000

7.000

2

Công lao động

 

 

 

97.500

67.500

30.000

 

- Công lao động phổ thông (4 công/cây/năm x 50 cây)

Công

200

150

30.000

 

30.000

 

- Công kỹ thuật theo dõi, kiểm tra, đánh giá... (3 công/cây/năm)

Công

150

450

67.500

67.500

 

3

Tổng chi phí cho 50 cây/năm

 

 

 

131.500

77.700

53.800

4

Tổng Chi phí 06 năm (2020 - 2025)

 

 

 

789.000

466.200

322.800

 

PHỤ LỤC 4:

KINH PHÍ XÂY DỰNG KHU BẢO TỒN CÂY VẢI TỔ (VẢI TRỨNG HƯNG YÊN)

ĐVT: 1.000 đồng

STT

Nội dung

ĐVT

Nguồn vốn

Số lượng

Đơn giá

Thành tiền

NSNN

Vốn khác

1

Chi phí đền bù giải phóng mặt bằng

 

 

 

1.697.500

1.697.500

 

 

Chi trả đền bù khi thu hồi giải phóng mặt bằng

m2

650

2.150

1.397.500

1.397.500

 

 

Chi phí đền bù hoa màu và công trình khác

 

 

 

300.000

300.000

 

2

Chi phí thi công xây dựng, tôn tạo

 

 

 

1.470.750

1.470.750

 

2.1

Chi phí xây dựng tôn tạo

 

 

 

1.427.913

1.427.913

 

 

Dọn dẹp mặt bằng thi công

100m2

20

6.121

122.420

122.420

 

 

Đắp cát, máy đầm cóc, độ chặt Y/C K = 0,90

100m3

5

18.383

97.430

97.430

 

 

Đào khuôn đường, đất C2

m3

475

203

96.429

96.429

 

 

Vận chuyển phế thải hỗn hợp sau phá dỡ, ô tô 7T tự đổ, phạm vi <= 1000m

100m3

5

1.531

7.273

7.273

 

 

Vận chuyển phế thải hỗn hợp <= 4km bằng ô tô tự đổ 7 tấn (tạm tính 3km)

100m3

5

2.048

9.728

9.728

 

 

Đắp cát, độ chặt Y/C K = 0,98

100m3

3

17.698

46.192

46.192

 

 

Làm móng cấp phối đá dăm loại II

100m3

1

36.340

34.145

34.145

 

 

Cát vàng tạo phẳng

m3

16

658

10.304

10.304

 

 

Sản xuất, lắp dựng, tháo dỡ ván khuôn mặt đường bê tông

100m2

0

9.421

2.939

2.939

 

 

Bê tông mặt đường đá 2x4, mác 250

m3

104

1.737

181.343

181.343

 

 

Bó vỉa đá xẻ tại mép đường

m

120

791

94.920

94.920

 

 

Bó vỉa đá xẻ lối đi bộ

m

70

656

45.920

45.920

 

 

Xây tường thẳng bằng gạch chỉ vữa XM M75

m3

7

1.312

9.698

9.698

 

 

Lát đá mặt bồn hoa

m2

24

1.375

33.000

33.000

 

 

Bê tông vỉa nền hè, M200, đá 2x4

m3

4

1.377

5.508

5.508

 

 

Lát gạch tezzaro KT:400x400

m2

40

195

7.800

7.800

 

 

Trồng cây

cây

10

18.278

182.779

182.779

 

 

Đổ đất màu trồng cây

m3

113

141

15.933

15.933

 

 

Đất đắp mái kè

m3

439

110

48.263

48.263

 

 

Đắp đất mái kè

m3

439

148

64.935

64.935

 

 

Làm lớp đá dăm 2x4 đệm móng

m3

32

749

23.856

23.856

 

 

Xây móng bằng đá hộc vữa XM M100

m3

25

1.269

31.757

31.757

 

 

Xây mái dốc thẳng đá hộc, vữa XM M100

m3

91

1.333

121.303

121.303

 

 

Trồng, chăm sóc cây mới

CT

1

73.112

73.112

73.112

 

 

Cải tạo miếu

CT

1

60.926

60.926

60.926

 

2.2

Chi phí hạng mục chung, công việc không xác định được khối lượng (3%)

 

 

 

42.837

42.837

 

 

Tổng

 

 

 

3.168.250

3.168.250

 

 

Chi phí dự phòng (5%)

 

 

 

158.413

158.413

 

 

Tổng

 

 

 

3.326.663

3.326.663

 

 

PHỤ LỤC 5:

KINH PHÍ XÂY DỰNG VƯỜN BẢO TỒN NHÃN, VẢI ĐẶC SẢN

ĐVT: 1.000 đồng

STT

Nội dung

ĐVT

Số lượng

Đơn giá

Thành tiền

Chia ra

Nguồn vốn

2020

2021

2022

2023

2024

2025

NSNN

Vốn khác

1

Nguyên vật liệu, năng lượng

 

 

 

678.000

130.500

109.500

109.500

109.500

109.500

109.500

678.000

 

 

Mua đất trồng bổ sung

m3

60

250

15.000

15.000

 

 

 

 

 

 

 

 

Phân hữu cơ (5kg/cây x 300 cây x 6 năm)

Tấn

9

8.000

72.000

12.000

12.000

12.000

12.000

12.000

12.000

 

 

 

Phân NPK (1 kg/cây/năm x 6 năm)

kg

9.000

15

135.000

22.500

22.500

22.500

22.500

22.500

22.500

 

 

 

Vôi bột (2kg/cây/năm x 6 năm)

Kg

3.600

5

18.000

3.000

3.000

3.000

3.000

3.000

3.000

 

 

 

Phân bón lá (0,2kg/cây/năm x 6 năm)

Kg

360

200

72.000

12.000

12.000

12.000

12.000

12.000

12.000

 

 

 

Thuốc BVTV (0,2kg/cây/năm x 6 năm)

Kg

360

1.000

360.000

60.000

60.000

60.000

60.000

60.000

60.000

 

 

 

Cọc chống, dây buộc...

Cây

300

20

6.000

6.000

 

 

 

 

 

 

 

2

Công lao động

 

 

 

358.500

66.000

58.500

58.500

58.500

58.500

58.500

358.500

 

 

Công đào hố, trồng cây (6 cây/công)

Công

50

150

7.500

7.500

 

 

 

 

 

 

 

 

Công chăm sóc (150 công/năm x 6 năm)

Công

900

150

135.000

22.500

22.500

22.500

22.500

22.500

22.500

 

 

 

Công kỹ thuật chỉ đạo, theo dõi (80 công/năm x 6 năm)

Công

480

450

216.000

36.000

36.000

36.000

36.000

36.000

36.000

 

 

3

Chi phí quản lý, chi khác…

Năm

6

20.000

120.000

20.000

20.000

20.000

20.000

20.000

20.000

120.000

 

 

Tổng

 

 

 

1.156.500

216.500

188.000

188.000

188.000

188.000

188.000

1.156.500

 

 

PHỤ LỤC 6:

KINH PHÍ XÂY DỰNG MÔ HÌNH THÂM CANH NHÃN, VẢI ĐẶC SẢN

ĐVT: 1.000 đồng

STT

Nội dung

ĐVT

Số lượng

Đơn giá

Thành tiền

Chia ra

Nguồn vốn

2.020

2.021

2.022

2.023

2.024

2.025

NSNN

Vốn khác

1

Nguyên vật liệu, năng lượng

 

 

 

600.000

 

220.000

95.000

95.000

95.000

95.000

180.000

420.000

 

Chi phí mua giống (250 cây/ha 50

Cành ghép

12.500

10

125.000

 

125.000

 

 

 

 

37.500

87.500

 

Phân hữu cơ

Tấn

25

8.000

200.000

 

40.000

40.000

40.000

40.000

40.000

60.000

140.000

 

Phân NPK

Kg

7.500

15

112.500

 

22.500

22.500

22.500

22.500

22.500

33.750

78.750

 

Vôi bột

Kg

2.500

5

12.500

 

2.500

2.500

2.500

2.500

2.500

3.750

8.750

 

Phân bón lá

kg

500

200

100.000

 

20.000

20.000

20.000

20.000

20.000

30.000

70.000

 

Thuốc BVTV

kg

50

1.000

50.000

 

10.000

10.000

10.000

10.000

10.000

15.000

35.000

2

Công lao động

 

 

 

114.000

 

42.000

18.000

18.000

18.000

18.000

0

114.000

 

Công ghép cải tạo

Công

160

150

24.000

 

24.000

 

 

 

 

 

24.000

 

Công chăm sóc

Công

600

150

90.000

 

18.000

18.000

18.000

18.000

18.000

 

90.000

 

Tổng chi phí cho 01 ha (05 năm)

 

 

 

714.000

 

262.000

113.000

113.000

113.000

113.000

180.000

534.000

 

Chi phí cho 03 ha (05 năm)

 

 

 

2.142.000

 

 786.000

339.000

339.000

339.000

339.000

540.000

1.602.000

 


PHỤ LỤC 7:

KINH PHÍ PHÁT TRIỂN VÙNG TRỒNG NHÃN, VẢI ĐẶC SẢN

 ĐVT: 1.000 đồng

STT

Nội dung

ĐVT

Số lượng

Đơn giá

Thành tiền

Nguồn vốn

NSNN

Vốn khác

1

Chi phí mua giống (250 cây/ha 50 cành ghép/cây)

Cành ghép

10.000

5,0

50.000

15.000

35.000

2

Công ghép cải tạo

Công

160

150

24.000

 

24.000

3

Tổng chi phí cho 01 ha

 

 

 

74.000

15.000

59.000

4

Tổng chi phí cho cải tạo 450 ha nhãn

Ha

400

74.000

29.600.000

6.000.000

23.600.000

5

Chi phí cải tạo, trồng mới 150 ha vải Trứng Hưng Yên

ha

150

74.000

11.100.000

2.250.000

8.850.000

6

Tổng giai đoạn 2020 - 2025

 

 

 

40.700.000

8.250.000

32.450.000

 

PHỤ LỤC 8:

HỘI NGHỊ, HỘI THẢO, TẬP HUẤN...

ĐVT: 1.000 đồng

STT

Nội dung

ĐVT

Số lượng

Đơn giá

Thành tiền

Nguồn vốn

NSNN

Vốn khác

I

Tập huấn hướng dẫn bảo tồn

 

 

 

 

 

 

1

Hỗ trợ tiền ăn cho đại biểu không lương

Người

105

50

5.250

5.250

 

2

Tài liệu, VPP

Bộ

110

50

5.500

5.500

 

3

Tiền nước uống, giải khát giữa giờ

Người

110

20

2.200

2.200

 

4

Trang trí khánh tiết

Lớp

1

1.050

1.050

1.050

 

5

Chi khác (máy chiếu, xe...)

 

 

 

1.000

1.000

 

 

KP tổ chức 01 lớp tập huấn

 

 

 

15.000

15.000

 

 

Tổng giai đoạn 2020 - 2025 (2 lớp/năm x 6 năm)

 

 

 

180.000

180.000

 

II

Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật thâm canh giống nhãn, vải đặc sản

 

 

 

 

 

 

1

Hỗ trợ tiền ăn cho đại biểu không lương

Người

105

50

5.250

5.250

 

2

Tài liệu, VPP

Bộ

110

50

5.500

5.500

 

3

Tiền nước uống, giải khát giữa giờ

Người

110

20

2.200

2.200

 

4

Trang trí khánh tiết

Lớp

1

1.050

1.050

1.050

 

5

Chi khác (máy chiếu, xe...)

 

 

 

1.000

1.000

 

 

KP tổ chức 01 lớp tập huấn

 

 

 

15.000

15.000

 

 

Tổng giai đoạn 2020 - 2025 (10 lớp/năm x 6 năm)

 

 

 

900.000

900.000

 

III

Hội nghị đầu bờ đánh giá mô hình thâm canh

 

 

 

 

 

 

1

Hỗ trợ tiền ăn cho đại biểu không lương

Người

150

50

7.500

7.500

 

2

Tài liệu, VPP

Bộ

160

30

4.800

4.800

 

3

Tiền nước uống, giải khát giữa giờ

Người

160

20

3.200

3.200

 

4

Trang trí khánh tiết

Lớp

1

1.500

1.500

1.500

 

5

Chi khác (máy chiếu, xe...)

 

1

1.000

1.000

1.000

 

 

KP tổ chức 01 HN

 

 

 

18.000

18.000

 

 

Tổng giai đoạn 2020 - 2025 (2 HN/năm x 3 năm)

HN

 

 

108.000

108.000

 

III

Hội nghị triển khai, sơ kết năm, tổng kết

 

 

 

 

 

 

1

Hỗ trợ tiền ăn cho đại biểu không lương

Người

55

50

2.750

2.750

 

2

Tài liệu, VPP

Bộ

90

50

4.500

4.500

 

3

Tiền nước uống, giải khát giữa giờ

Người

90

20

1.800

1.800

 

4

Trang trí khánh tiết

Lớp

1

500

500

500

 

5

Chi khác (máy chiếu, xe...)

 

 

 

450

450

 

 

KP tổ chức 01 HN

 

 

 

10.000

10.000

 

 

Tổng giai đoạn 2020 - 2025 (2 HN/năm x 6 năm)

HN

7

10.000

70.000

70.000

 

 

Tổng (I II III)

 

 

1.258.000

1.258.000

1.258.000

 

 


PHỤ LỤC 9:

CHI PHÍ BAN QUẢN LÝ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN GIAI ĐOẠN 2020 - 2025

 ĐVT: 1.000 đồng

STT

Nội dung

ĐVT

Số lượng

Đơn giá

Thành tiền

Chia ra:

Nguồn vốn

2020

2021

2022

2023

2024

2025

NSNN

Vốn khác

1

Xăng xe, thuê xe kiểm tra, theo dõi, chỉ đạo thực hiện...

Năm

6

20.000

120.000

20.000

20.000

20.000

20.000

20.000

20.000

120.000

 

2

Thông tin tuyên truyền

Năm

6

15.000

90.000

15.000

15.000

15.000

15.000

15.000

15.000

90.000

 

3

n phòng phẩm....

Năm

6

15.000

90.000

15.000

15.000

15.000

15.000

15.000

15.000

90.000

 

4

Chi khác (tài liệu, dụng cụ chuyên môn....)

Năm

6

20.000

120.000

20.000

20.000

20.000

20.000

20.000

20.000

120.000

 

 

Tổng giai đoạn 2020 - 2025

 

 

 

420.000

70.000

70.000

70.000

70.000

70.000

70.000

420.000

 

 

PHỤ LỤC 10:

KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN GIAI ĐOẠN 2026 - 2030

ĐVT: 1.000 đồng

STT

Nội dung

ĐVT

Số lượng

Đơn giá

Tổng giai đoạn 2026 -2030

Chia ra:

Nguồn vốn

2026

2027

2028

2029

2030

NSNN

Vốn khác

1

Duy trì các hoạt động bảo tồn nguyên trạng nguồn gen nhãn, vải đặc sản (50 cây)

Năm

5

130.300

651.500

130.300

130.300

130.300

130.300

130.300

386.700

264.800

2

Chăm sóc vườn cây bảo tồn nguồn gen nhãn, vải đặc sản

Năm

5

128.300

641.500

128.300

128.300

128.300

128.300

128.300

641.500

 

3

Tập huấn, hội nghị, hội thảo....

HN

50

15.000

750.000

150.000

150.000

150.000

150.000

150.000

750.000

 

4

Chi phí BQL (VPP, xăng xe....)

Năm

5

70.000

350.000

70.000

70.000

70.000

70.000

70.000

350.000

 

 

Tổng giai đoạn 2026 -2030

 

 

 

2.393.000

478.600

478.600

478.600

478.600

478.600

2.128.200

264.800

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2918/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển vùng trồng nhãn, vải đặc sản tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 2918/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/12/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên
  • Người ký: Bùi Thế Cử
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/12/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản