Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 245/NQ-HĐND

Hưng Yên, ngày 06 tháng 12 năm 2019

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN VÙNG TRỒNG NHÃN, VẢI ĐẶC SẢN GIAI ĐOẠN 2020 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ MƯỜI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư năm 2014;

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 1671/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 về phê duyệt chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, tầm nhìn 2030; số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2019 về việc chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020;

Xét Tờ trình số 177/TTr-UBND ngày 06/11/2019 của UBND tỉnh về việc thông qua Đề án bảo tồn và phát triển vùng trồng nhãn, vải đặc sản tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra số 624/BC-KTNS ngày 03/12/2019 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; Ý kiến thảo luận và kết quả biểu quyết của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua “Đề án Bảo tồn và phát triển vùng trồng nhãn, vải đặc sản giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030” với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu tổng quát

Bảo tồn nguồn gen nhãn, vải nhằm cung cấp nguồn gen để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững vùng trồng cây nhãn, vải của tỉnh; góp phần bảo vệ môi trường, gìn giữ nét văn hóa, truyền thống, tri thức bản địa và cung cấp vật liệu cho các chương trình chọn tạo giống và các nghiên cứu khoa học khác.

Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để đầu tư phát triển, bảo tồn và thương mại hóa sản phẩm từ nhãn, vải. Chú trọng bảo hộ, bảo tồn nguồn gen nhãn, vải phục vụ mục tiêu du lịch và chọn tạo giống. Tích hợp hệ thống công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc; xác thực để xây dựng cơ sở tra cứu và quản lý xác thực đầu vào và đầu ra phục vụ tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi nhằm điều tiết và phát triển thị trường nông sản phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Giai đoạn 2020 - 2025:

+ Đến năm 2025, đảm bảo cơ bản nguồn gen nhãn, vải hiện có của tỉnh được kiểm kê, đánh giá; xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gen nhãn, vải và xác thực đảm bảo sản phẩm có chất lượng phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, phát triển sản xuất, chế biến, phát triển thị trường;

+ Xây dựng mới khu bảo tồn cây vải và duy trì bảo tồn hiện trạng của cây nhãn tổ; bảo tồn nguyên trạng đối với các cây nhãn, vải có chất lượng ngon, quí hiếm tại vườn của các chủ hộ sở hữu; thành lập vườn bảo tồn chuyển vị các nguồn gen nhãn, vải của tỉnh;

+ Giữ ổn định diện tích trồng nhãn khoảng 4.500 ha tập trung tại các huyện Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Ân Thi và thành phố Hưng Yên; tập trung cải tạo, thay thế các vườn nhãn tạp, những cây già cỗi cho năng suất, chất lượng thấp bằng các giống nhãn đặc sản, có giá trị kinh tế cao, trong đó mở rộng diện tích trồng các giống nhãn đường phèn, nhãn cùi cổ chiếm từ khoảng 15 - 20% diện tích nhãn của tỉnh, phấn đấu nâng cao giá trị sản phẩm nhãn, vải tăng khoảng 25% so với thời điểm năm 2019 vào năm 2025;

+ Phát triển mở rộng diện tích trồng giống vải Trứng Hưng Yên, phấn đấu đến năm 2025 diện tích trồng vải của tỉnh đạt từ 1.400 đến 1.500 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Phù Cừ và một số xã phía nam thuộc huyện Ân Thi; nâng cao diện tích trồng giống vải Trứng Hưng Yên chiếm từ 20 đến 30% diện tích trồng vải của tỉnh.

- Giai đoạn 2026 - 2030:

Tiếp tục duy trì các hoạt động bảo tồn nguồn gen nhãn, vải của tỉnh; chăm sóc, khai thác hiệu quả vườn cây bảo tồn đảm bảo đủ nguồn cung cấp giống nhãn, vải phục vụ công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng như cải tạo chất lượng nhãn, vải của tỉnh.

2. Nội dung

2.1. Giai đoạn 2020 - 2025

2.1.1 Kiểm kê, thu thập bổ sung, xây dựng cơ sở dữ liệu và lập bản đồ phân bố nguồn gen nhãn, vải

a) Kiểm kê nguồn gen nhãn, vải: Khảo sát, phân loại, lập danh sách, xác định số lượng, xác định mức độ đa dạng, phân bố và nguy cơ xói mòn nguồn gen nhãn, vải trong sản xuất và trong tự nhiên.

b) Thu thập nguồn gen nhãn, vải tại Hưng Yên: Thu thập khoảng 45 nguồn gen nhãn, 5 nguồn gen vải trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

c) Xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn gen nhãn, vải:

- Tư liệu hóa tri thức truyền thống liên quan đến nguồn gen nhãn, vải;

- Xây dựng mẫu tiêu bản các nguồn gen nhãn, vải;

- Đánh giá bổ sung đặc điểm sinh học, hình thái, năng suất, chất lượng quả tươi đối với 45 nguồn gen nhãn, 5 nguồn gen vải đã được thu thập.

d) Lập bản đồ phân bố nguồn gen nhãn, vải: Lập bản đồ phân bố đa dạng nguồn gen nhãn, vải tại Hưng Yên.

2.1.2. Bảo tồn nguyên vị (In-situ) và chuyển vị (ex-situ) nguồn gen cây nhãn, vải

a) Bảo tồn nguyên vị (in-situ) nguồn gen nhãn, vải:

- Duy trì nguyên trạng cây nhãn tổ tại thành phố Hưng Yên.

- Xây dựng khuôn viên khu bảo tồn nguyên trạng cây vải Trứng Hưng Yên tại hộ Ông Nguyễn Văn Vì (thôn Ba Đông, xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ) với qui mô diện tích khoảng 650 m2.

- Bảo tồn nguyên trạng đa dạng 45 nguồn gen nhãn và 5 nguồn gen vải tại vùng nguyên sản.

- Nhân cây kế vị đối với các nguồn gen nhãn, vải có nguy cơ xói mòn cao, xây dựng vườn cây kế vị khoảng 06 cây/nguồn gen.

b) Bảo tồn chuyển vị (ex-situ) nguồn gen nhãn, vải:

- Xây dựng 02 vườn bảo tồn chuyển vị tại Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh (01 vườn nhãn và 01 vườn vải) trên diện tích 01 ha (gồm các nguồn gen nhãn, vải đặc sản của tỉnh đã được thu thập) nhằm phục vụ công tác bảo tồn và thiết lập vườn cây mẹ để phục vụ công tác nhân giống.

- Xây dựng vườn mẫu bảo tồn kết hợp với du lịch sinh thái, văn hóa.

2.1.3. Khai thác, phát triển nguồn gen nhãn, vải đặc sản

- Nghiên cứu hoàn thiện một số giải pháp kỹ thuật nhằm điều khiển ra hoa khắc phục tình trạng “ra hoa, đậu quả cách năm”, nâng cao khả năng đậu quả và chất lượng một số giống nhãn, vải đặc sản.

- Cải tạo, trồng mới 400 ha nhãn là những vườn già cỗi, vườn nhãn tạp cho năng suất, chất lượng thấp bằng các giống nhãn đặc sản.

- Cải tạo, trồng mới khoảng 150 ha vải bằng giống vải Trứng Hưng Yên, tập trung tại các xã của huyện Phù Cừ và một số xã thuộc các huyện Ân Thi.

- Xây dựng mô hình thâm canh các giống nhãn, vải đặc sản với qui mô 03 ha (nhãn 02 ha, vải 01 ha) tại các vùng có điều kiện sinh thái tương tự, từ đó hoàn thiện quy trình thâm canh nhãn, vải của tỉnh làm cơ sở để nông dân các địa phương áp dụng trong sản xuất.

2.1.4. Thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn, hội nghị, hội thảo

- Tổ chức 12 lớp tập huấn (02 lớp/năm) tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nghiệp vụ, vai trò và ý thức trách nhiệm về công tác bảo tồn cho cán bộ làm công tác quản lý và nông dân ở các địa phương trong tỉnh.

- Tổ chức 60 lớp tập huấn (10 lớp/năm) hướng dẫn kỹ thuật thâm canh nhãn, vải đặc sản cho nông dân tại các vùng trồng nhãn, vải; tổ chức 06 hội nghị, hội thảo đầu bờ đánh giá, tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới về sản xuất nhãn, vải; 07 hội nghị triển khai đề án, hội nghị sơ kết đánh giá kết quả thực hiện đề án.

2.2. Giai đoạn 2026 - 2030

- Tiếp tục duy trì các hoạt động bảo tồn nguyên trạng đối với 50 nguồn gen nhãn, vải đặc sản và vườn bảo tồn nhãn, vải tại Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh.

- Tổ chức các hội nghị tập huấn tuyên truyền, hướng dẫn về công tác bảo tồn và kỹ thuật thâm canh cây nhãn, vải.

3. Kinh phí thực hiện

- Tổng kinh phí thực hiện Đề án là 53.100.163.000đ (Bằng chữ: Năm mươi ba tỷ một trăm triệu một trăm sáu mươi ba nghìn đồng).

(Trong đó: Kinh phí ngân sách nhà nước là: 18.460.563.000đ; Kinh phí đối ứng của nhân dân là: 34.639.600.000đ )

- Cụ thể kinh phí thực hiện Đề án qua các giai đoạn như sau:

+ Tổng kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2020 - 2025 là 50.707.163.000đ (Bằng chữ: Năm mươi tỷ bảy trăm linh bảy triệu một trăm sáu mươi ba nghìn đồng).

(Trong đó: Kinh phí ngân sách nhà nước là: 16.332.363.000đ; Kinh phí đối ứng của nhân dân là: 34.374.800.000đ)

+ Tổng kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2026 - 2030 là: 2.393.000.000đ (Bằng chữ: Hai tỷ, ba trăm chín mươi ba triệu đồng).

(Trong đó: Kinh phí ngân sách nhà nước là: 2.128.200.000đ, Kinh phí đối ứng của nhân dân là: 264.800.000đ)

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này và ban hành Đề án “Bảo tồn và phát triển vùng trồng nhãn, vải đặc sản tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI, Kỳ họp thứ Mười thông qua ngày 06 tháng 12 năm 2019 và có hiệu lực kể từ ngày ký.

 

 

CHỦ TỊCH




Đỗ Xuân Tuyên

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 245/NQ-HĐND năm 2019 thông qua Đề án về Bảo tồn và phát triển vùng trồng nhãn, vải đặc sản giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 do tỉnh Hưng Yên ban hành

  • Số hiệu: 245/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 06/12/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên
  • Người ký: Đỗ Xuân Tuyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản