Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1854/QĐ-UBND | Hưng Yên, ngày 12 tháng 11 năm 2014 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Căn cứ Thông báo số 1217-TB/TU ngày 02/10/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại văn bản số 449/CV-NN ngày 24/10/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thực hiện Đề án đúng theo quy định.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH HƯNG YÊN THEO HƯỚNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
(Kèm theo Quyết định số 1854/QĐ-UBND ngày 12 tháng 11 năm 2014)
1. Tên Đề án: Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
2. Quan điểm, mục tiêu tái cơ cấu
2.1. Quan điểm:
- Tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải đảm bảo phù hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch vùng và quy hoạch phát triển các ngành liên quan, đồng thời phát huy lợi thế so sánh các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản; phát triển công nghệ bảo quản, chế biến nhằm khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp của tỉnh.
- Tái cơ cấu nông nghiệp cần tuân thủ cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện từng địa phương, từng lĩnh vực; gắn tăng trưởng kinh tế với đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội; chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị lợi nhuận; gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên đất và nước, đa dạng sinh học,...
- Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế hoạt động; hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển thị trường, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống; phát huy vai trò của các tổ chức cộng đồng, nông dân và doanh nghiệp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.
2.2. Mục tiêu:
- Về kinh tế: Tập trung khai thác và phát huy tốt lợi thế của tỉnh; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,...đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Duy trì tốc độ tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu; phấn đấu tốc độ tăng trưởng GTSX nông nghiệp, thủy sản giai đoạn 2011- 2015 bình quân là 4%/năm và đạt từ 2,5% - 3% giai đoạn 2016 - 2020.
- Về xã hội: Nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đến năm 2015, có 25% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới (đến năm 2020 có 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng lên 2,5 lần so với năm 2008); tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) đến năm 2020 còn dưới 3%.
- Về môi trường: Quản lý có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, khai thác hiệu quả các lợi ích môi trường, nâng cao năng lực quản lý rủi ro, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; quản lý và sử dụng hiệu quả, an toàn các loại hóa chất, thuốc trừ sâu, chất thải từ chăn nuôi, trồng trọt, công nghiệp chế biến và làng nghề; bảo tồn đa dạng sinh học. Đến năm 2015, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh phấn đấu đạt 95%, đến năm 2020 đạt 100%.
2.3. Định hướng phát triển
- Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng gắn kết với thị trường; tập trung phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh; trong đó, ưu tiên các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như: Bò thịt chất lượng cao, lợn hướng nạc, gà Đông Tảo, Đông Tảo lai, nhãn lồng, vải lai, cam, bưởi, chuối, hoa các loại, cây cảnh, một số cây dược liệu và rau màu các loại.
- Lấy khoa học công nghệ và đổi mới tổ chức sản xuất làm động lực cho tăng trưởng. Phát triển sản xuất nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung, hiện đại, hướng về xuất khẩu. Chuyển mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng giá trị chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và rau màu trong nội bộ ngành nông nghiệp.
- Tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, nâng cao giá trị gia tăng. Ưu tiên phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo các loại hình kinh tế hợp tác, HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ; mỗi sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đều gắn kết chặt chẽ với các cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến nông sản trong chuỗi giá trị.
3. Nội dung tái cơ cấu trong các lĩnh vực cụ thể
3.1. Trồng trọt:
Tái cơ cấu trồng trọt gắn với tái cơ cấu chăn nuôi, phát triển sản xuất theo quy mô lớn, tập trung, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường đầu tư phát triển công nghệ sau thu hoạch theo hướng hiện đại, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; tập trung phát triển các loại cây trồng có thế mạnh phát triển hàng hóa, phục vụ công nghiệp chế biến, thúc đẩy tăng trưởng.
a) Cây lúa: Giữ ổn định về diện tích và sản lượng lúa; khuyến khích chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả,...chuyển sang trồng cây hàng năm khác, không làm biến dạng đất lúa. Tiếp tục phát triển mô hình liên kết sản xuất lúa hàng hóa theo hướng cánh đồng mẫu để ứng dụng đồng bộ các tiến bộ KHKT và đầu tư cơ giới hóa vào các khâu sản xuất,...Đến năm 2015, diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh duy trì khoảng 76.200ha (đến 2020 là 70.000ha) tập trung trên địa bàn các huyện Kim Động, Khoái Châu, Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ,... Tập trung cải tạo giống lúa để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị; đến năm 2020, năng suất bình quân trên 66,5 tạ/ha/vụ, sản lượng đạt khoảng 465.000 - 500.000 tấn, phấn đấu tỷ lệ lúa chất lượng cao chiếm trên 60%, tỷ lệ lúa lai chiếm khoảng 20-25% diện tích.
b) Cây trồng hàng năm:
- Cây Ngô: Phát triển, mở rộng diện tích theo hướng gắn với phát triển chăn nuôi gia súc. Sử dụng các giống mới và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng; mở rộng diện tích ngô theo hướng thâm canh trên đất lúa. Đến năm 2020, diện tích ngô tẻ khoảng 8.500ha, diện tích ngô nếp khoảng 2.500 ha, tập trung chủ yếu tại một số xã của các huyện Khoái Châu, Kim Động, Phù Cừ, thành phố Hưng Yên.
- Cây Chuối: Mở rộng diện tích trồng trên vùng đất bãi, đất trồng cây hàng năm,…thay thế một số cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp thuộc các huyện Khoái Châu, Kim Động và thành phố Hưng Yên; trồng chuyển đổi tại các khu vực trồng lúa kém hiệu quả thuộc các huyện Khoái Châu, Yên Mỹ, Kim Động. Phấn đấu đến năm 2020 khoảng 1.700ha, tập trung ở một số xã thuộc các huyện Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ, thành phố Hưng Yên,…
- Rau các loại: Tập trung vào phát triển sản xuất rau theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), rau công nghệ cao. Diện tích bố trí khoảng 10.000 ha (vụ Đông từ 6.500-7.000ha), sản lượng cây rau đậu, thực phẩm các loại đạt khoảng 250.000 tấn, tập trung ở một số xã thuộc huyện Yên Mỹ, Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Thành phố Hưng Yên; phấn đấu các vùng chuyên canh rau được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, trong đó có từ 50-100 ha đạt chứng nhận sản xuất theo GAP,…
c) Cây ăn quả: Áp dụng quy trình Vietgap trong thâm canh cây ăn quả; trước mắt ưu tiên triển khai trên diện tích trồng nhãn, cây có múi,… nhằm cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn khi đưa ra thị trường.
- Cây Nhãn, Vải: Giữ ổn định 3.000 ha trồng nhãn, trong đó xây dựng vùng sản xuất nhãn hàng hóa tập trung, gắn với cải tạo vùng nhãn gốc hiện có và một số vùng phụ cận; địa bàn phát triển tập trung chủ yếu ở một số xã của thành phố Hưng Yên và các huyện Tiên Lữ, Khoái Châu, Kim Động, Ân Thi…; nhất là vùng nhãn gốc ở Hồng Nam, Hồng Châu và Quảng Châu (TP Hưng Yên), nhãn muộn ở Hàm Tử, Đông Kết, Bình Minh (Khoái Châu). Giữ ổn định diện tích vải lai ở huyện Phù Cừ mở thêm một số diện tích ở Tiên Lữ, Ân Thi.
- Cây có múi: Giữ ổn định diện tích cây ăn quả có múi đến năm 2015 với diện tích 2.500 ha, sản lượng 30.760 tấn (đến năm 2020, diện tích đạt 3.000 ha, sản lượng 51.300 tấn). Áp dụng kỹ thuật thâm canh và công nghệ bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị. Tập trung phát triển ở các địa phương, như: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Kim Động và thành phố Hưng Yên.
d) Hoa, cây cảnh: Đến năm 2020, diện tích khoảng 1.600ha, tập trung ở một số xã của Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Văn Lâm, Thành phố Hưng Yên. Thành lập các tổ, nhóm, hội để cùng sản xuất và tiêu thụ; xây dựng một số mô hình “Làng sinh vật cảnh” ở Văn Giang và một số địa phương khác trong tỉnh; xây dựng nhãn hiệu tập thể Quất cảnh Văn Giang.
3.2. Chăn nuôi:
Từng bước chuyển dịch cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng: giảm tỷ trọng chăn nuôi lợn, tăng tỷ trọng chăn nuôi trâu, bò, gia cầm và các con vật nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao, gắn với đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường; đến năm 2020, tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi, thủy sản trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản phấn đấu đạt trên 60%.
a) Chăn nuôi lợn: Đến năm 2015, ổn định tổng đàn lợn toàn tỉnh hiện có khoảng 600.000 con (trong đó, tỷ lệ đàn lợn hướng nạc đạt 80%); đến năm 2020, tổng đàn đạt 800.000 con, tỷ lệ lợn hướng nạc đạt trên 85%, sản lượng 150.000 tấn.
b) Chăn nuôi trâu, bò: Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hướng sản xuất hàng hóa, ưu tiên phát triển bò thịt có năng suất, chất lượng cao thông qua việc tăng đàn bò 3 máu (lai Sind x Brahman, lai Sind x Droughmaster), bò sữa. Xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình Bò thịt "Brahman hóa". Đến năm 2015, đàn bò đạt 52.000 con; năm 2020 đạt 60.000 con; trong đó, bò sữa đến năm 2015 đạt 1.500 con năm 2020 đạt 2.000 con (tập trung phát triển ở các xã thuộc huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động). Phát triển đàn trâu đến năm 2020 đạt khoảng 4.000 con, chủ yếu ở các huyện Ân Thi, Mỹ Hào,...
c) Chăn nuôi gia cầm: Đến năm 2015, đàn gia cầm đạt 9,0 triệu con, sản lượng thịt 25 nghìn tấn, sản lượng trứng 254 triệu quả; đến năm 2020, tổng đàn 12 triệu con, sản lượng thịt 35 nghìn tấn, sản lượng trứng 358 triệu quả. Chuyển đổi cơ cấu giống gia cầm theo hướng nâng cao tỷ trọng gà lông mầu, nhất là gà Đông Tảo, Đông Tảo lai lên 17-20% (năm 2015), 40- 45% (năm 2020); phát triển các giống vịt có năng suất, chất lượng cao như giống supermeat, Kaki campell,…
3.3. Thủy sản: Tái cơ cấu theo hướng đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản theo hướng thâm canh, đa dạng hóa đối tượng và hình thức nuôi; diện tích nuôi thủy sản đến năm 2020 phấn đấu đạt khoảng 5.000 ha, sản lượng đạt trên 35.000 tấn (trong đó, nuôi cá thâm canh 1.050 ha; nuôi bán thâm canh 1.920 ha; nuôi quảng canh VAC 1.030 ha); nuôi cá lồng bè khoảng 150 lồng, sản lượng trên 250 tấn.
3.4. Phát triển công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn:
- Phát triển công nghiệp chế biến: Ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp bảo quản sau thu hoạch và chế biến sản phẩm nhằm tăng giá trị sản xuất; thu hút đầu tư vào các lĩnh vực chế biến nông sản, đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong chế biến (GHP, GMP, ISO,...). Trong đó:
+ Rau, củ quả: Tập trung thu hút đầu tư, hỗ trợ xây dựng phát triển hệ thống các cơ sở sơ chế, chế biến và các cửa hàng bán rau an toàn gắn với vùng nguyên liệu tập trung (Thành phố Hưng Yên, Khoái Châu, Văn Giang, Tiên Lữ,…) với tổng sản lượng đến năm 2020 khoảng 70.000 tấn rau; xây dựng nhà bảo ôn bảo quản rau, quả tươi tại các khu vực sản xuất tập trung có công suất 3.000 - 5.000 tấn/năm.
+ Chế biến thức ăn chăn nuôi, thủy sản: Phát huy tối đa công suất các nhà máy, cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản hiện có trên địa bàn tỉnh.
+ Chế biến gia súc, gia cầm: Hỗ trợ, khuyến khích phát triển hệ thống cơ sở giết mổ thịt gia súc, gia cầm; phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có 100 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 3-5 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; với công suất 320 tấn lợn/ngày đêm, 30 tấn gia cầm/ngày đêm, 110 tấn trâu bò/ngày đêm.
- Phát triển ngành nghề nông thôn: Đến năm 2020, phát triển các làng nghề theo quy hoạch, với quy mô, cơ cấu sản phẩm, trình độ công nghệ hợp lý, phù hợp với điều kiện của từng địa phương; gắn hoạt động kinh tế của làng nghề với dịch vụ du lịch và bảo tồn phát triển văn hóa truyền thống; dự kiến thu hút khoảng 60.000 lao động, giá trị sản xuất TTCN - ngành nghề đạt 26 tỷ đồng (giá thực tế), giá trị sản xuất khối làng nghề đạt 5.000 tỷ đồng.
3.5. Xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu:
- Giao thông nông thôn: Tiếp tục thực hiện chủ trương hỗ trợ xi măng để cứng hóa, bê tông hóa giao thông nông thôn, đường ra đồng theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trong 5 năm tới, phấn đấu hoàn thành nhựa hóa, bê tông hóa 100% đường thôn xóm, đường ra đồng đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn.
- Điện: Tăng cường cơ sở vật chất ngành điện trên cơ sở tiếp tục thực hiện duy tu, nâng cấp hệ thống điện nông thôn, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng điện, bán điện đúng quy định.
- Cấp nước: Khai thác các nguồn lực, từng bước tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt, nhất là địa bàn nông thôn; chú trọng xây dựng hệ thống nước phục vụ cho nhu cầu phát triển công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020, số hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%.
- Thủy lợi: Củng cố, phát triển thủy lợi nội đồng, gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng thủy lợi nội đồng, đáp ứng các phương thức canh tác tiên tiến; nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và tiết kiệm nước, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
4.1. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch: Tăng cường quản lý giám sát nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch, lựa chọn một số sản phẩm có lợi thế để lập dự án, triển khai thực hiện;
- Chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được phê duyệt. Trên cơ sở đó, bố trí lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hình thành những vùng sản xuất chuyên canh và thâm canh cây, con có chất lượng, hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng; phát triển mạnh những cây trồng, vật nuôi có lợi thế, có thị trường tiêu thụ ổn định, có sức cạnh tranh cao; xác định thứ tự ưu tiên trong lộ trình thực hiện các quy hoạch để khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của từng vùng.
- Triển khai rà soát, điều chỉnh bổ sung và xây dựng mới các quy hoạch gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện quy hoạch, nhất là sự kết hợp giữa quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội; tăng cường tính công khai minh bạch đối với các quy hoạch.
- Tùy theo điều kiện cụ thể, mỗi huyện lựa chọn 2-3 cây, con chủ lực để xây dựng kế hoạch hoặc đề án phát triển theo hướng thâm canh (nhất là đối với cây trồng hàng năm) đáp ứng yêu cầu thị trường; đồng thời, tham mưu, đề xuất các cơ chế chính sách và giải pháp đồng bộ triển khai thực hiện hiệu quả.
4.2. Đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, công tác khuyến nông và cơ giới hóa trong sản xuất:
- Ứng dụng rộng rãi các quy trình, kỹ thuật tiên tiến, đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông, lâm, thủy sản:
+ Đối với trồng trọt: Ứng dụng quy trình cơ giới hóa đồng bộ; thâm canh lúa theo quy trình kỹ thuật tiên tiến (SRI), thâm canh cây mầu (ngô, đậu tương,…); ứng dụng công nghệ cao vào phát triển vùng sản xuất tập trung các sản phẩm có lợi thế của tỉnh: Rau các loại, hoa trong nhà lưới, nhà kính; sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP); triển khai các mô hình tưới tiết kiệm đối với một số cây trồng cạn và các cây đặc sản.
+ Đối với chăn nuôi: Xây dựng và triển khai Chương trình "Brahman hóa"; đẩy mạnh ứng dụng quy trình chăn nuôi lợn, gà theo tiêu chuẩn VietGap. Phát triển chăn nuôi lợn, trâu bò thịt theo quy mô trang trại tập trung, hiện đại từ khâu giống, sản xuất, chế biến thức ăn, chăm sóc, giết mổ; khuyến khích trồng một số giống cỏ mới chịu hạn, chịu lạnh phục vụ chăn nuôi trâu bò như giống V.A 06, cỏ Alfafa…; ứng dụng công nghệ cao vào phát triển chăn nuôi, kiểm soát và chăn nuôi an toàn dịch bệnh; xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng công nghệ khí sinh học, men vi sinh nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
+ Đối với thủy sản: Mở rộng diện tích ứng dụng quy trình kỹ thuật, công nghệ nuôi thâm canh theo tiêu chuẩn Vietgap; nghiên cứu ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi thâm canh một số loài thủy sản đặc sản, phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh. Khuyến khích phát triển trang trại nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng cây ăn quả, cây hàng năm.
- Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao:
+ Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 25/10/2011 của Tỉnh ủy về Chương trình phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao. Đổi mới mô hình quản lý, đầu tư, nâng cấp Trung tâm Truyền tinh nhân tạo lợn của tỉnh thành Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất giống cây trồng, vật nuôi nhằm chuyển giao KHKT, chủ động cung ứng giống đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân.
+ Đối với giống cây nông nghiệp: Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt dự án “Duy trì hệ thống sản xuất giống lúa tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011-2015”, Dự án Bảo tồn giống nhãn đặc sản và vùng chuyên canh nhãn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2012-2015. Đẩy mạnh khảo nghiệm, phát triển đưa vào cơ cấu sản xuất các giống lúa, ngô, rau,...có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với từng vùng sinh thái của tỉnh. Chủ động tiếp cận và ứng dụng đưa các giống biến đổi gen vào sản xuất khi được các cơ quan quản lý cho phép. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ nhu cầu trong tỉnh.
+ Đối với giống vật nuôi: Tăng cường ứng dụng giống vật nuôi tiên tiến vào sản xuất, làm tốt công tác quản lý giống vật nuôi. Tiếp tục nâng cao tỷ lệ đàn lợn nạc theo hướng lai 3,4,5 máu cho năng suất, chất lượng cao. Chuyển đổi cơ cấu giống gia cầm theo hướng nâng cao tỷ trọng gà lông mầu, nhất là gà Đông Tảo, Đông Tảo lai, tăng nhanh các giống có năng suất, chất lượng cao như giống supermeat,…Tăng nhanh tỷ lệ đàn bò thịt lai 3 máu (lai Sind x Brahman, lai Sind x Droughmaster, bò lai 4 máu.
+ Đối với giống thủy sản: Nâng cấp cơ sở hạ tầng các cơ sở sản xuất giống thủy sản; hoàn thiện các quy trình sản xuất giống tốt có năng suất, chất lượng cao (cá trắm đen, cá chép V1, cá rô ta,…). Tiếp tục ứng dụng giống mới, giống thủy đặc sản cho giá trị kinh tế cao vào phục vụ sản xuất.
- Ưu tiên đầu tư và thu hút đầu tư phát triển công nghệ chế biến tiên tiến, hiện đại; gắn sản xuất với công nghệ chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng đối với các sản phẩm lợi thế của tỉnh.
4.3. Tích cực dồn thửa đổi ruộng và tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất:
- Thực hiện tốt Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 14/6/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Kế hoạch số 144/KH-UBND ngày 18/9/2013 của UBND tỉnh về tiếp tục dồn thửa, đổi ruộng đất nông nghiệp thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, nhằm khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất để tạo ra các vùng sản xuất chuyên canh theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa hiệu quả cao.
- Cơ bản hoàn thành việc dồn thửa đổi ruộng trong năm 2014.
4.4. Củng cố, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, quản lý trong nông nghiệp, nông thôn:
- Khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ, nhất là đối với một số sản phẩm có giá trị hàng hóa cao là lợi thế của tỉnh; khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân, tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội (hội nông dân, hiệp hội ngành hàng,…).
- Khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp, liên kết chặt chẽ với nông dân xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa; doanh nghiệp đứng ra tổ chức sản xuất, cung ứng đầu vào (giống, vật tư, công nghệ sản xuất), thu mua sản phẩm (bình ổn đầu ra), trong đó lợi ích được phân chia hài hòa giữa các bên tham gia.
- Khuyến khích các hộ gia đình góp vốn, tích tụ ruộng đất quy mô lớn, chỉnh trang đồng ruộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng sản xuất (giao thông, thủy lợi, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống điện,…) để thuận lợi trong việc áp dụng quy trình sản xuất, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, đưa nhanh cơ giới vào sản xuất. Hình thành cánh đồng liên kết, vùng sản xuất rau củ quả sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư.
- Củng cố và phát triển kinh tế hợp tác, chú trọng phát triển các loại hình kinh tế hợp tác hoạt động sản xuất gắn với cung ứng dịch vụ nông nghiệp tổng hợp theo chuỗi giá trị sản phẩm từ cung ứng dịch vụ đầu vào đến chế biến.
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền để giúp các HTX tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho các HTX tổ chức hoạt động có hiệu quả; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã nông nghiệp dễ dàng tiếp cận về tín dụng, đào tạo, đất đai, thị trường,...
4.5. Gắn tái cơ cấu ngành với đẩy mạnh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới:
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo để đẩy mạnh triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 theo Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 10/5/2011 của Tỉnh ủy, gắn tái cơ cấu ngành nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới.
- Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ; trên cơ sở điều tra, khảo sát và xây dựng kế hoạch tổng thể nhu cầu đào tạo nhân lực lao động phục vụ phát triển sản xuất của từng vùng, lĩnh vực nhằm giảm lao động sản xuất nông nghiệp trong cơ cấu lao động chung của tỉnh.
- Tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, phát động phong trào thi đua, tạo quyết tâm cao trong xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò chủ thể của người dân nông thôn - người hưởng lợi trực tiếp từ Chương trình, coi đây là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của từng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, ban, ngành và địa phương.
- Ban hành cơ chế, chính sách, làm tốt công tác lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Khuyến khích và huy động nguồn lực xã hội trong xây dựng nông thôn mới, coi trọng nguồn lực tại chỗ.
- Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội ở nông thôn; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục, bảo tồn và phát triển văn hóa,…nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở; tăng cường đảm bảo quốc phòng, an ninh trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.
- Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; xử lý có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải, chất thải do hoạt động trồng trọt, chăn nuôi ở khu vực nông thôn.
4.6. Tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và quản lý chất lượng sản phẩm nâng cao giá trị gia tăng:
- Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại gắn với từng sản phẩm hàng hóa cụ thể; tăng cường phối hợp, liên kết phát triển thị trường (tập trung vào các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận).
- Hỗ trợ đầu tư, xây dựng, phát triển thương hiệu và chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông sản có lợi thế của tỉnh, như: Nhãn lồng, gà Đông Tảo, quất cảnh Văn Giang, rau quả, thủ công mỹ nghệ,…
- Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm nông sản; khuyến khích nhân rộng mô hình kiểm soát, quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi, áp dụng theo các tiêu chuẩn VietGAP, ISO, HACCP,…
4.7. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công:
- Khuyến khích thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng chuyển giao một số dịch vụ công sang cho tư nhân và tổ chức xã hội thực hiện; đồng thời, từng bước chuyển việc cung cấp một số dịch vụ công (cấp nước sạch, thú y, bảo vệ thực vật, tưới tiêu, quản lý vùng nuôi an toàn dịch bệnh,...) sang cho tư nhân và các tổ chức xã hội thực hiện. Ngoài ra, khuyến khích đầu tư hình thức đối tác - công tư trong các lĩnh vực vận hành và bảo trì hệ thống thủy lợi, cơ sở hạ tầng nông thôn.
- Ưu tiên đầu tư công để nâng cấp cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất tập trung, đê điều, phòng chống lụt bão; lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; giám sát, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản; hỗ trợ đầu tư bảo quản sau thu hoạch và công nghệ chế biến nông sản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng và bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm.
4.8. Phát triển dịch vụ nông nghiệp:
- Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đổi mới và phát triển đồng bộ hệ thống dịch vụ công theo chuỗi giá trị sản phẩm (từ giống, bảo vệ thực vật, thú y, khuyến nông, kiểm tra chất lượng nông sản, thị trường tiêu thụ,…).
- Củng cố và phát triển các tổ chức dịch vụ nông nghiệp phục vụ cho phát triển sản xuất đi kèm với cơ chế kiểm tra nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; cung ứng phân bón, thuốc BVTV; dịch vụ làm đất, thu hoạch, tiêu thụ và chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủy sản.
4.9. Cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước:
- Đẩy mạnh cải cách hành chính; sắp xếp, tổ chức lại bộ máy quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn từ tỉnh tới cơ sở, đảm bảo đủ năng lực quản lý ở các cấp.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức quản lý nhà nước ở các cấp; củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y đến cấp xã, thôn.
- Tăng cường năng lực cho hệ thống kiểm tra, kiểm nghiệm, thanh tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và nâng cao chất lượng, giá trị hàng hóa.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, dự tính, dự báo tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để kịp thời tổ chức phòng, chống, dập dịch, đảm bảo an toàn cho sản xuất.
4.10. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách để tạo động lực cho tái cơ cấu phát triển sản xuất nông nghiệp:
- Bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích liên doanh, liên kết trong sản xuất, sửa đổi một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất.
- Nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; xã hội hóa đầu tư theo hình thức nhà nước tham gia đầu tư cùng doanh nghiệp trong xây dựng, quản lý vận hành các công trình nước sạch nông thôn, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn;
- Về thị trường tiêu thụ sản phẩm: Bổ sung cơ chế, chính sách về đất đai, tín dụng, thuế,… hỗ trợ các tổ chức kinh tế tư nhân xây dựng cơ sở bảo quản, chế biến, làm đầu mối tiêu thụ hàng hóa cho người nông dân.
5.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án để triển khai thực hiện; phối hợp với Sở Tài chính tham mưu rà soát, điều chỉnh bổ sung cơ chế, chính sách thực hiện Đề án;
- Tham mưu giúp UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới các quy hoạch; ban hành cơ chế chính sách, dự án chuyên ngành để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án;
- Phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan kiểm tra, giám sát và đánh giá việc thực hiện Đề án định kỳ hàng năm và từng giai đoạn, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và các bộ, ngành liên quan theo quy định.
5.2. Sở Tài chính:
- Tham mưu, bố trí kinh phí hàng năm và cả giai đoạn để triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ tái cơ cấu theo kế hoạch để thực hiện Đề án;
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các văn bản hướng dẫn quản lý, cấp phát và thanh quyết toán nguồn kinh phí theo quy định tài chính hiện hành.
5.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Tham mưu, đề xuất bố trí ngân sách đầu tư hàng năm, lồng ghép với các chương trình, dự án từ các nguồn vốn khác nhau để thực hiện có hiệu quả Đề án; hướng dẫn doanh nghiệp về điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quy định;
- Tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách của tỉnh nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
5.4. Sở Công Thương:
- Tham mưu các chính sách thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ, thúc đẩy xuất khẩu nông sản; hỗ trợ quảng bá sản phẩm hàng hóa thế mạnh của tỉnh; khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến nông nghiệp, thủy sản gắn với tiêu thụ nông sản;
- Chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại trong hoạt động kinh doanh, vật tư nông nghiệp, thuốc BVTV, nông sản hàng hóa,…
5.5. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương rà soát, quản lý chặt chẽ trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp, nhất là đất lúa;
- Tham mưu các chính sách liên quan đến đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học theo hướng tạo thuận lợi cho nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững.
5.6. Sở Khoa học và Công nghệ:
- Tham mưu bổ sung các cơ chế, chính sách có liên quan để hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ; điều chỉnh cơ cấu đề tài nghiên cứu, tập trung vào các nhiệm vụ chính của Đề án tái cơ cấu,… góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp;
- Hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện việc xây dựng và phát triển thương hiệu đối với các sản phẩm hàng hóa nông sản thế mạnh trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
5.7. Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với ngành NN-PTNT và các huyện, thành phố xây dựng chương trình truyền thông nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phổ biến đến tận người dân;
5.8. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hưng Yên và các cơ quan thông tin đại chúng: Phối hợp với ngành NN-PTNT và chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về các chủ trương, chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp để triển khai thực hiện có hiệu quả.
5.9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, các cơ quan đoàn thể tỉnh: Phối hợp chặt chẽ với ngành NN-PTNT tăng cường tuyên truyền, vận động các hội viên chủ động, tích cực tham gia thực hiện Đề án; thực hiện dồn thửa đổi ruộng và xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ nông dân hợp tác, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác, bảo vệ lợi ích của hội viên trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng liên kết.
5.10. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng:
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hưng Yên: Chỉ đạo các Ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đối với nông nghiệp, nông thôn; tạo cơ chế thông thoáng về hồ sơ, thủ tục vay vốn để người dân có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất;
- Các Ngân hàng: Chính sách xã hội, Ngân hàng phát triển, Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Hưng Yên và các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân vay vốn phát triển sản xuất.
5.11. Các sở, ban, ngành liên quan: Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong tổ chức thực hiện Đề án; tham mưu UBND tỉnh về những vấn đề liên quan thuộc lĩnh vực quản lý của ngành mình, giải quyết các vướng mắc để thực hiện Đề án có hiệu quả.
5.12. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quán triệt mục tiêu, nội dung Đề án; các chủ trương, chính sách của tỉnh, huyện về tái cơ cấu;
- Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện cơ cấu sản phẩm, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng xã gắn với Đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn;
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm nông, lâm, thủy sản; về quản lý nước thải nông nghiệp, chất thải từ chăn nuôi và trồng trọt, nhằm giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.
- Bố trí ngân sách để đảm bảo việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương đảm bảo đạt hiệu quả, mục tiêu đề ra; tổ chức hội nghị triển khai, sơ kết hàng năm và các giai đoạn thực hiện Đề án.
Các sở, ngành, các huyện, thành phố trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Đề án. Báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp), trước ngày 05 tháng 12 hàng năm./.
- 1Quyết định 2670/QĐ-UBND năm 2013 Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 2Quyết định 2277/QĐ-UBND năm 2013 về Chương trình hành động thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Quyết định 899/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 3Quyết định 6593/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2013 – 2020
- 4Quyết định 1039/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2014-2020 do tỉnh Long An ban hành
- 5Quyết định 1883/QĐ-UBND năm 2014 về Đề án tổ chức hệ thống tiêu thụ nông - thuỷ sản gắn với tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2015 - 2020
- 6Quyết định 1203/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" theo Quyết định 899/QĐ-TTg do tỉnh Bắc Ninh ban hành
- 7Quyết định 932/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch hành động thực hiện "Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" tỉnh Khánh Hòa theo Quyết định 899/QĐ-TTg
- 8Nghị quyết 01/2015/NQ-HĐND về việc thông qua Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2015-2020 do Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 9Quyết định 1396/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến 2030
- 10Quyết định 1008/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 11Quyết định 148/QĐ-UBND năm 2015 về Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015 -2020
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Quyết định 1956/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 899/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 62/2013/QĐ-TTg chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 2670/QĐ-UBND năm 2013 Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 6Quyết định 2277/QĐ-UBND năm 2013 về Chương trình hành động thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Quyết định 899/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 7Quyết định 6593/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2013 – 2020
- 8Quyết định 1039/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2014-2020 do tỉnh Long An ban hành
- 9Quyết định 1883/QĐ-UBND năm 2014 về Đề án tổ chức hệ thống tiêu thụ nông - thuỷ sản gắn với tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2015 - 2020
- 10Quyết định 1203/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" theo Quyết định 899/QĐ-TTg do tỉnh Bắc Ninh ban hành
- 11Quyết định 932/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch hành động thực hiện "Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" tỉnh Khánh Hòa theo Quyết định 899/QĐ-TTg
- 12Nghị quyết 01/2015/NQ-HĐND về việc thông qua Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2015-2020 do Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 13Quyết định 1396/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến 2030
- 14Quyết định 1008/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 15Quyết định 148/QĐ-UBND năm 2015 về Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015 -2020
Quyết định 1854/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững
- Số hiệu: 1854/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 12/11/2014
- Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên
- Người ký: Đặng Minh Ngọc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra