Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 28/2009/QĐ-UBND

Đồng Xoài, ngày 02 tháng 07 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN VỆ SINH THÚ Y ĐỐI VỚI CƠ SỞ CHĂN NUÔI VÀ CƠ SỞ GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM TẬP TRUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29/4/2004;
Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;
Căn cứ Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28/02/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường.
Căn cứ Quyết định số 15/2006/QĐ-BNN ngày 08/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành quy định về quy trình, thủ tục kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm tra vệ sinh thú y;
Căn cứ Thông tư số 42/2006/TT-BNN , ngày 01/6/2006 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn thực hiện một số điều tại Quyết định số 394/QĐ-TTg ngày 13/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích đầu tư xây dựng mới, mở rộng cơ sở giết mổ, bảo quản, chế biến gia súc, gia cầm và cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung, công nghiệp;
Căn cứ tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5452-1991: Yêu cầu vệ sinh cơ sở giết mổ.
Căn cứ Quyết định số 01/2008/QĐ-UBND ngày 21/01/2008 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2006 – 2020; Quyết định số 03/2008/QĐ-UBND ngày 15/02/2008 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ Trâu, bò và các loại gia súc trên địa bàn tình Bình Phước giai đoạn 2006 – 2020;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 248/TTr-SNN ngày 25/6/2009,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở chăn nuôi và cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Điều 2. Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục KTVB, (Bộ Tư pháp);
- TT, TU, TT. HĐND tỉnh;
- CT, PCT;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Như điều 2;
- Sở Tư pháp;
- LĐVP, CV: SX, Trung tâm công báo tỉnh;
- Lưu: VT (T03-QPPL).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trương Tấn Thiệu

 

QUY ĐỊNH

VỀ ĐIỀU KIỆN VỆ SINH THÚ Y ĐỐI VỚI CƠ SỞ CHĂN NUÔI VÀ CƠ SỞ GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM TẬP TRUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 28/2009/QĐ-UBND ngày 02 tháng 07 năm 2009 của UBND tỉnh Bình Phước)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở chăn nuôi và cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

2. Đối tượng áp dụng của bản Quy định này bao gồm các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đang hoạt động, đầu tư xây dựng mới, mở rộng cơ sở chăn nuôi và cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung (sau đây gọi là cơ sở) trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Chương 2.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 2. Điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung

1. Quy mô cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung: Từ 1.000 đầu gia súc, hoặc từ 20.000 đầu gia cầm trở lên; đối với đà điểu từ 200 con trở lên.

2. Địa điểm phải phù hợp với quy hoạch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và phải đảm bảo các điều kiện sau:

a) Cách biệt với khu dân cư tập trung, các công trình, nguồn nước công cộng, chợ, lò giết mổ gia súc, gia cầm. Bán kính từ trại chăn nuôi đến các công trình trên tối thiểu là 300m;

b) Cao ráo, thoáng mát, không ngập úng, có hàng rào hoặc tường bao quanh bảo đảm ngăn chặn được người, động vật từ bên ngoài xâm nhập vào cơ sở;

c) Có khu hành chính riêng biệt;

d) Có nơi vệ sinh, thay quần áo cho cán bộ, công nhân, khách tham quan;

e) Có hố sát trùng cho người, phương tiện vận chuyển trước khi vào cơ sở và khu chăn nuôi;

f) Môi trường khu chăn nuôi phải đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y theo quy định.

g) Có kho riêng biệt bảo quản thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu dùng sản xuất thức ăn chăn nuôi; dụng cụ chăn nuôi; hóa chất sát trùng độc hại;

h) Có nơi cách ly, xử lý gia súc, gia cầm bệnh, chết và chất thải theo hướng dẫn của cơ quan thú y;

k) Thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc định kỳ, khi có dịch bệnh và sau mỗi đợt nuôi, xuất bán;

l) Có chương trình, quy trình phòng chống dịch bệnh động vật theo quy định của pháp luật thú y;

m) Bảo đảm thời gian để trống chuồng sau mỗi đợt nuôi, xuất bán;

n) Có biện pháp diệt trừ các loài gặm nhấm, côn trùng gây hại và ngăn chặn, hạn chế chim trời;

i) Khu vực chăn nuôi phải có đủ nguồn nước sạch. Chất lượng nước phải đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y theo quy định.

Điều 3. Điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung

1. Địa điểm

a) Phải phù hợp với quy hoạch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;

b) Cách xa với khu dân cư tập trung, công trình công cộng, xí nghiệp, nhà máy:

- Tối thiểu là 50m đối với các cơ sở giết mổ từ 20 đến 50 con heo/ngày đêm, hoặc từ 10 đến 20 con trâu bò/ngày đêm, hoặc từ 100 đến 1.000 con gia cầm/ngày đêm.

- Tối thiểu là 100m đối với các cơ sở giết trên 50 con heo/ngày đêm; hoặc trên 20 con trâu bò/ngày đêm, hoặc trên 1.000 con gia cầm/ngày đêm.

c) Không bị úng ngập; có tường bao quanh cao tối thiểu 2m; có cổng riêng biệt để xuất, nhập động vật, sản phẩm động vật; đường đi trong cơ sở phải lát gạch hoặc bằng bê tông.

2. Trang thiết bị, dụng cụ, nhà xưởng

a) Có khu vực riêng nhốt động vật chờ giết mổ; khu vực riêng để giết mổ động vật; khu cách ly động vật ốm; khu xử lý sản phẩm không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y;

b) Có phòng kiểm soát giết mổ; có nhà tắm, nhà vệ sinh đáp ứng nhu cầu tại cơ sở giết mổ; khu nghỉ cho người làm việc để tránh sự ô nhiễm và lây nhiễm chéo;

c) Có hệ thống xử lý nước thải, chất thải động vật phù hợp với công suất giết mổ. Nước thải, chất thải sau xử lý phải đạt tiêu chuẩn vệ sinh trước khi thải ra môi trường;

d) Nhà xưởng phải chống được bụi và sự xâm nhập của các loài động vật gây hại; thuận tiện cho việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc; bố trí riêng khu chứa sản phẩm dùng làm thực phẩm, khu chứa sản phẩm không dùng làm thực phẩm, khu vực cất giữ phương tiện vận chuyển, dụng cụ giết mổ;

e) Trang thiết bị, dụng cụ dùng trong giết mổ động vật phải được làm bằng vật liệu không gỉ, không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, dễ vệ sinh, khử trùng tiêu độc.

f) Nước sử dụng trong giết mổ phải đủ về số lượng và đảm bảo về tiêu chuẩn vệ sinh thú y theo quy định.

3. Công nhân làm việc trong cơ sở giết mổ.

a) Phải có giấy khám sức khỏe định kỳ.

b) Đã được tập huấn kiến thức về vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Chương 3.

KIỂM TRA ĐIỀU KIỆN VỆ SINH THÚ Y

Điều 4. Quy trình, thủ tục kiểm tra vệ sinh thú y

1. Thẩm định điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở

a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu lập cơ sở và cơ sở đang hoạt động chăn nuôi; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung phải đăng ký thẩm định điều kiện vệ sinh thú y với Chi cục Thú y.

Hồ sơ đăng ký bao gồm:

- Đơn đề nghị khảo sát địa điểm lập cơ sở;

- Dự án hoặc kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở, thiết kế kỹ thuật;

- Các giấy tờ liên quan đến việc thành lập cơ sở.

b) Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký hợp lệ, Chi cục Thú y có trách nhiệm: Khảo sát điều kiện vệ sinh thú y đối với địa điểm lập cơ sở, đánh giá các chỉ tiêu kỹ thuật liên quan và trả lời bằng văn bản;

Nếu đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y, Chi cục Thú y gửi văn bản cho chủ cơ sở và cấp có thẩm quyền làm căn cứ để cấp có thẩm quyền cho phép thành lập và đầu tư xây dựng cơ sở;

Nếu không đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh thú y, chủ cơ sở thực hiện sửa chữa, khắc phục những nội dung chưa đạt yêu cầu và đề nghị kiểm tra lại.

2) Kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở

a) Tổ chức, cá nhân có yêu cầu đưa cơ sở mới thành lập vào hoạt động hoặc đang hoạt động phải đăng ký kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y với Chi cục Thú y.

Hồ sơ đăng ký bao gồm:

- Giấy đăng ký kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y theo mẫu quy định.

- Giấy phép đầu tư hoặc giấy phép kinh doanh (bản sao có chứng thực);

- Các giấy tờ liên quan đến việc thành lập cơ sở.

b) Trong phạm vi 05 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Chi cục Thú y phải tiến hành kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn vệ sinh thú y đối với cơ sở;

- Kiểm tra việc thực hiện các các quy định về điều kiện vệ sinh thú y;

- Kiểm tra các tiêu chuẩn kỹ thuật về vệ sinh thú y;

c) Trong phạm vi 10 ngày (kể từ ngày được kiểm tra), cơ quan thú y có thẩm quyền phải trả lời kết quả kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn vệ sinh thú y.

- Nếu cơ sở đảm bảo yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn vệ sinh thú y, Chi cục Thú y cấp chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y cho cơ sở và có giá trị 02 năm kể từ ngày cấp;

- Nếu cơ sở không đảm bảo yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn vệ sinh thú y, chủ cơ sở tổ chức sửa chữa, khắc phục những nội dung chưa đạt yêu cầu của lần kiểm tra trước và đề nghị kiểm tra lại.

d) Trường hợp cơ sở tạm ngừng hoạt động, chủ cơ sở phải thông báo với cơ quan thú y có thẩm quyền;

e) Trước khi hết thời hạn của chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y hoặc trường hợp cơ sở tạm ngừng hoạt động từ 03 tháng trở lên, khi hoạt động trở lại, chủ cơ sở phải đăng ký trước ít nhất 15 ngày với Chi cục Thú y để kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở.

Chương 4.

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 5. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về điều kiện vệ sinh thú y trong chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm nêu tại Quy định này sẽ bị xử lý theo các quy định tại Nghị định số 40/2009/NĐ-CP ngày 24/4/2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y và các quy định khác của pháp luật.

Chương 5.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước

1. UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo UBND các xã, thị trấn; các phòng ban trực thuộc có liên quan thực hiện Quy định này.

2. Sở Nông nghiệp và PTNT:

a) Phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã triển khai thực hiện Quy định này

b) Chỉ đạo Chi cục Thú y:

- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung phù hợp quy hoạch, bảo đảm vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường;

- Tổ chức kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y đối với các cơ sở chăn nuôi và cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT; UBND các huyện, thị xã hướng dẫn các chủ cơ sở chăn nuôi và giết mổ tập trung xử lý môi trường, chất thải và kiểm tra việc thực hiện tại các cơ sở.

Điều 7. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân

Tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng mới, mở rộng và các cơ sở đang hoạt động chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Phước phải chấp hành theo bản Quy định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kiến nghị bằng văn bản về UBND tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và PTNT) để UBND tỉnh xem xét, quyết định.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 28/2009/QĐ-UBND ban hành Quy định về điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở chăn nuôi và cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Phước do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành

  • Số hiệu: 28/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 02/07/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước
  • Người ký: Trương Tấn Thiệu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/07/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 01/05/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản