Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 01/2008/QĐ-UBND

Đồng Xoài, ngày 21 tháng 01 năm 2008  

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHĂN NUÔI, GIẾT MỔ, CHẾ BIẾN, TIÊU THỤ GIA CẦM TẬP TRUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 2006 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-BKH ngày 07/02/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Thực hiện Quyết định số 1382/QĐ-UBND ngày 11/8/2006 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề cương và dự toán Quy hoạch chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2006 – 2020;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo thẩm định số 1362/BCTĐ-SKHĐT ngày 10/12/2007; Tờ trình số 161/TTr-SNN ngày 21/11/2007 của Sở Nông nghiệp & PTNT,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2006 - 2020 với các nội dung sau:

1. Tên báo cáo Quy hoạch: Quy hoạch chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2006 - 2020.

- Đơn vị lập báo cáo quy hoạch: Phân viện Quy hoạch Thiết kế Nông nghiệp.

2. Chủ đầu tư: Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Bình Phước.

3. Quan điểm định hướng, mục tiêu quy hoạch:

3.1. Quan điểm định hướng quy hoạch:

- Phát huy tối đa các lợi thế phát triển chăn nuôi gia cầm tập trung, chuyển đổi mạnh từ chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ, lẻ sang sản xuất hàng hóa theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp trên cơ sở có quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung. Phát triển chăn nuôi gia cầm gắn kết chặt chẽ và đồng bộ từ khâu sản xuất - thu mua - chế biến - bảo quản - tiêu thụ, đồng thời ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, thú y, quy trình nuôi dưỡng để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.

- Tiến hành xây dựng vùng chăn nuôi thâm canh kết hợp với xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm (thịt, trứng gia cầm) có chất lượng cao, khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, chất lượng đồng đều, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nội bộ tỉnh và các tỉnh lân cận, nhất là thành phố Hồ Chí Minh và hướng đến thị trường xuất khẩu.

- Nhà nước tạo môi trường thuận lợi cho ngành chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định và bền vững với cơ chế chính sách phù hợp, khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu khoa học kỹ thuật, sản xuất giống gia cầm chất lượng cao, xây dựng cơ sở giết mổ chế biến thịt gia cầm, cơ sở sản xuất thức ăn gia súc,… Đồng thời, tăng cường hệ thống quản lý nhà nước và hệ thống giám định sản phẩm về chăn nuôi gia cầm và thú y.

3.2. Mục tiêu quy hoạch:

a) Mục tiêu chung:

- Tạo ra bước đột phá về hệ thống tổ chức sản xuất chăn nuôi gia cầm từ khâu sản xuất - thu mua - chế biến - bảo quản - tiêu thụ.

- Nâng cao hiệu quả và tăng giá trị sản xuất chăn nuôi gia cầm từ 8,64% năm 2005 lên 17 - 18% trong tổng giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi vào năm 2010, 16 - 17% vào năm 2015 và 15 - 16% vào năm 2020.

- Chủ động kiểm soát và khống chế được dịch cúm gia cầm, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh khác gây ra, đảm bảo an toàn dịch tễ, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ những hoạt động chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển và kinh doanh sản phẩm gia cầm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đồng thời bảo vệ tốt nhất đàn gia cầm.

- Xây dựng các vùng chăn nuôi gia cầm tập trung, sản xuất ra sản phẩm gia cầm có chất lượng cao, giá thành hợp lý, có khả năng cạnh tranh trên thị trường và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Khai thác triệt để các lợi thế, đất đai, lao động và các giống gia cầm phù hợp để đẩy nhanh tốc độ phát triển chăn nuôi.

b) Mục tiêu giai đoạn 2006 - 2010:

- Sắp xếp một bước hệ thống sản xuất gia cầm. Quy hoạch vùng chăn nuôi gia cầm tập trung hàng hóa (công nghiệp và bán công nghiệp), thực hiện đổi mới tổ chức hệ thống sản xuất chăn nuôi gia cầm. Tiến hành di dời các trại chăn nuôi và lò mổ gia cầm không đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường ra khỏi khu dân cư.

- Kiểm soát và khống chế được dịch cúm gia cầm và các dịch bệnh nguy hiểm, nhất là các dịch bệnh có thể lây lan sang người. Hoàn thiện mạng lưới thú y, đảm bảo an toàn vệ sinh sản phẩm gia cầm từ khâu nuôi dưỡng - giết mổ - chế biến - bảo quản - phân phối - tiêu thụ - bàn ăn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đồng thời bảo vệ tốt đàn gia cầm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

- Khôi phục sản xuất chăn nuôi gia cầm để đạt giá trị sản xuất gia cầm tương đương năm 2003. Đến năm 2010 đạt chỉ tiêu số lượng và sản phẩm gia cầm cụ thể như sau (trong đó coi trọng phát triển chăn nuôi gà, hạn chế phát triển thủy cầm): Tổng đàn gia cầm khoảng 2,0 triệu con. Tổng khối lượng thịt gia cầm: 5.300 tấn. Tổng sản lượng trứng: 17,6 triệu quả.

- Phấn đấu đến năm 2010, tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi gia cầm hàng hóa theo hướng trang trại, gia trại chiếm trên 60%. Trong đó, đàn gia cầm nuôi theo hướng bán công nghiệp và công nghiệp chiếm 50% tổng đàn, sản lượng thịt gia cầm chiếm 65% tổng sản lượng và trứng gia cầm chiếm trên 47%.

c) Mục tiêu dài hạn đến năm 2015 và đến năm 2020:

- Năm 2015: Tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi gia cầm hàng hóa theo hướng trang trại, gia trại chiếm trên 80%. Trong đó, đàn gia cầm nuôi theo hướng bán công nghiệp và công nghiệp chiếm trên 70% tổng đàn, sản lượng thịt gia cầm chiếm 84% tổng sản lượng và trứng gia cầm chiếm 53%. Đạt chỉ tiêu số lượng và sản phẩm gia cầm cụ thể như sau: Tổng đàn gia cầm khoảng 2,4 triệu con. Tổng khối lượng thịt gia cầm: 8.300 tấn. Tổng sản lượng trứng: 17,4 triệu quả.

- Đến năm 2020: Tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi gia cầm hàng hóa theo hướng trang trại, gia trại chiếm 94%. Chăn nuôi nhỏ lẻ ở nông hộ chỉ còn chiếm tỷ trọng 12%, đàn gia cầm nuôi theo hướng bán công nghiệp và công nghiệp chiếm 88% tổng đàn, sản lượng thịt gia cầm chiếm 95% tổng sản lượng và trứng gia cầm chiếm trên 82%. Chỉ tiêu về số lượng và sản phẩm gia cầm như sau: Tổng đàn gia cầm khoảng 2,8 triệu con. Tổng khối lượng thịt gia cầm: 13.000 tấn. Tổng sản lượng trứng: 17,3 triệu quả.

4. Quy hoạch vùng chăn nuôi, hệ thống giết mổ, chế biến, tiêu thụ gia cầm tập trung:

4.1. Quy hoạch vùng chăn nuôi gia cầm tập trung:

a) Vùng chăn nuôi gia cầm tập trung theo phương thức công nghiệp:

- Huyện Đồng Phú: Gồm địa bàn các xã Thuận Phú, Tân Lập, Thuận Lợi, Đồng Tiến, Tân Phước. Trong đó, khu vực ưu tiên đầu tư phát triển các trang trại chăn nuôi gia cầm tập trung thuộc 2 xã Tân Lập và Thuận Lợi.

- Huyện Chơn Thành: Địa bàn các xã Minh Long, Minh Lập, Tân Quan. Trong đó, khu vực ưu tiên đầu tư phát triển các trang trại chăn nuôi gia cầm tập trung thuộc xã Tân Quan.

- Huyện Bình Long: Địa bàn các xã Tân Hiệp, Thanh Lương, An Khương, Thanh Phú. Trong đó, khu vực ưu tiên đầu tư phát triển các trang trại chăn nuôi gia cầm tập trung thuộc 2 xã Tân Hiệp và An Khương.

b) Vùng chăn nuôi gia cầm tập trung theo phương thức bán công nghiệp:

- Huyện Đồng Phú: Gồm địa bàn các xã Tân Tiến, Tân Hòa, Tân Lợi, Tân Hưng. Trong đó, khu vực ưu tiên đầu tư phát triển các trang trại chăn nuôi gia cầm tập trung thuộc 2 xã Tân Hòa và Tân Lợi.

- Huyện Chơn Thành: Gồm địa bàn các xã Nha Bích, Minh Thành, Minh Thắng, Thành Tâm. Trong đó, khu vực ưu tiên đầu tư phát triển các trang trại chăn nuôi gia cầm tập trung thuộc xã Thành Tâm.

- Huyện Bình Long: Gồm địa bàn các xã Thanh An, Phước An, Minh Đức, Thanh Bình, Tân Hưng, An Phú. Trong đó, khu vực ưu tiên đầu tư phát triển các trang trại chăn nuôi gia cầm tập trung thuộc xã Thanh An.

- Huyện Phước Long: Gồm địa bàn các xã Long Bình, Đức Hạnh, Phước Tín, Long Tân, Phú Riềng, Bình Phước, Bù Nho, Bình Thắng, Phú Nghĩa, Phú Trung, Đa Kia, Long Hưng, Long Hà.

- Huyện Bù Đốp: Gồm địa bàn xã Phước Thiện, một phần các xã Thiện Hưng, Thanh Hòa, Tân Tiến, Tân Thành.

- Huyện Bù Đăng: Gồm địa bàn các xã Nghĩa Trung, Đức Liễu, Thống Nhất, Bom Bo, Đăng Hà, Minh Hưng, Phước Sơn, Đoàn Kết.

- Huyện Lộc Ninh: Gồm địa bàn các xã Lộc Điền, Lộc Quang, Lộc Thuận, Lộc Hiệp, Lộc Thành, Lộc Thạnh, Lộc Hưng, Lộc Khánh, Lộc Tấn và một phần xã Lộc Thiện.

4.2. Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ - chế biến - bảo quản sản phẩm gia cầm tập trung:

Giai đoạn 2010 - 2015, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 7 cơ sở giết mổ gia cầm với tổng công suất: 4.100 con/ngày đêm. Giai đoạn 2015 - 2020 có 8 cơ sở giết mổ gia cầm với tổng công suất: 7.500 con/ngày đêm.

a) Thị xã Đồng Xoài: Đến năm 2010 di dời cơ sở giết mổ gia cầm ở phường Tân Đồng đến xã Đồng Tiến (huyện Đồng Phú) và nâng cấp giết mổ bán công nghiệp với công suất 500 con/ngày đêm.

b) Huyện Đồng Phú: Năm 2012 xây dựng mới cơ sở giết mổ gia cầm ở xã Tân Lập với công suất 1.000 con gia cầm/ngày đêm và đến năm 2020 nâng công suất lên 2.000 con/ngày đêm.

c) Huyện Bình Long: Đến năm 2010 nâng cấp cơ sở giết mổ gia cầm ở xã Tân Lợi (hiện có) lên công suất 500 con/ngày đêm với phương thức bán công nghiệp. Giai đoạn 2015 - 2020, xây dựng mới thêm cơ sở giết mổ ở xã Thạnh Phú với công suất 500 con/ngày đêm.

d) Huyện Phước Long: Năm 2010 di dời cơ sở giết mổ gia cầm ở xã Sơn Giang đến xã Bình Phước; đồng thời nâng công suất giết mổ lên 500 con/ngày đêm. Đến năm 2020, nâng công suất lên 1.000 con/ngày đêm.

e) Huyện Chơn Thành: Năm 2008 xây dựng mới cơ sở giết mổ gia cầm ở xã Thành Tâm với công suất 1.000 con/ngày đêm, đến năm 2020 năng công suất giết mổ lên 2.000 con/ngày đêm.

f) Huyện Lộc Ninh và Bù Đăng: Mỗi huyện xây dựng 1 cơ sở giết mổ gia cầm với dây chuyền giết mổ gà bán công nghiệp, công suất 300 - 500 con/ngày đêm/cơ sở. Cơ sở giết mổ của huyện Lộc Ninh đặt tại xã Lộc Tấn và ở huyện Bù Đăng đặt tại xã Minh Hưng.

g) Các xã vùng sâu - vùng xa: Sau khi khống chế được dịch cúm gia cầm sẽ cho bán gia cầm sống ở chợ nông thôn, song phải ở trong khu vực được quy định của ngành Thú y.

4.3. Tổ chức hệ thống kinh doanh buôn bán sản phẩm gia cầm:

- Các chợ trung tâm thị xã và thị trấn huyện sẽ cấm kinh doanh buôn bán gia cầm sống. Đối với các quầy sạp bán sản phẩm gia cầm phải có tủ trữ lạnh.

- Đối với các chợ bán lẻ, tập trung nâng cấp khu vực bán buôn thực phẩm, kiên quyết giải tán các chợ tự phát và những nơi buôn bán thịt gia cầm không theo quy hoạch, khuyến khích phát triển các hệ thống siêu thị, các cửa hàng bán lẻ sản phẩm gia cầm tại các thị xã, trung tâm các huyện. Đặc biệt chú ý đến địa bàn dân cư, khu công nghiệp theo quy hoạch.

- Trong các chợ ở nông thôn thiết kế các ô, quầy sạp cũng như sắp xếp các ngành hàng cho phù hợp, nhất là khu vực bán gia cầm sống, sản phẩm gia cầm đã qua giết mổ.

- Sản phẩm thịt gia cầm phải được kiểm dịch và có dấu kiểm soát vệ sinh thú y và gia cầm sống bán ở chợ nông thôn phải có giấy tiêm phòng.

5. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư:

5.1. Dự án đầu tư khôi phục đàn gia cầm và xây dựng mô hình chăn nuôi gia cầm:

- Hoạt động chính của dự án: Cung cấp gà giống; hỗ trợ xây dựng chuồng trại; tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật và phòng chống bệnh; hỗ trợ thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và vaccin.

- Thời gian thực hiện: 2008 - 2015.

- Địa điểm triển khai: Các huyện, thị.

5.2. Dự án xây dựng mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học:

- Hoạt động chính của dự án: Hỗ trợ gà giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và vaccin; kiểm soát chặt chẽ từ con giống - thức ăn chăn nuôi - vệ sinh chuồng trại - phòng bệnh và tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn lịch tiêm phòng, xử lý phân, xử lý gia cầm chết và phòng hộ cho người chăn nuôi; phổ biến kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn xây dựng chuồng trại, loại bỏ phương thức chăn nuôi gia cầm truyền thống quảng canh sang nuôi an toàn sinh học.

- Thời gian thực hiện: 2008 - 2011.

- Địa điểm triển khai: Huyện Chơn Thành, Bình Long, Phước Long, Đồng Phú.

5.3. Dự án Phát triển một số giống gia cầm địa phương và giống gà lai có chất lượng tốt phù hợp với các điều kiện chăn nuôi bán chăn thả:

- Hoạt động chính của dự án: Xây dựng mô hình kỹ thuật nuôi gà sản xuất giống và ấp bằng tủ ấp; phổ biến quy trình tiêm phòng vaccin; aÙp dụng công thức lai giữa giống gà địa phương với các giống gà thịt lông màu nhập nội.

- Thời gian thực hiện: 2008- 2015.

- Địa điểm triển khai: Huyện Chơn Thành, Bình Long, Phước Long và Đồng Phú, Lộc Ninh và Bù Đăng.

5.4. Dự án xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật:

- Hoạt động chính của dự án: Xây dựng vùng và cơ sở an toàn dịch bệnh động vật; cung cấp con giống vật nuôi sạch bệnh, sản phẩm chăn nuôi an toàn vệ sinh thực phẩm; giám sát và kiểm soát dịch bệnh, giết mổ, kinh doanh, vận chuyển động vật và sản phẩm chăn nuôi.

- Thời gian thực hiện: 2008 - 2011.

- Địa điểm triển khai: 8 huyện, thị.

5.5. Dự án củng cố và tăng cường hệ thống thú y tỉnh Bình Phước:

- Hoạt động chính của dự án: Hoàn thiện hệ thống tổ chức thú y từ tỉnh đến các huyện, thị - xã, tạo liên kết chặt chẽ với các cơ quan liên quan giữa cơ quan thú y với người chăn nuôi, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành; nâng cao năng lực, hiện đại hoá ngành thú y của tỉnh, đáp ứng nhu cầu sản xuất, đời sống xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

- Thời gian thực hiện: 2008- 2011.

- Địa điểm triển khai: Chi cục thú y, Trạm thú y các huyện, thị và mạng lưới thú y cơ sở.

6. Các giải pháp thực hiện quy hoạch:

6.1. Nhóm giải pháp về kỹ thuật:

a) Giống gia cầm:

- Phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ chủ yếu sử dụng giống gia cầm địa phương, sẽ tự cung cấp giống. Đối với phương thức chăn nuôi bán công nghiệp sử dụng giống gà Tam Hoàng, Lương Phượng, Kabir, BT2,... và phương thức công nghiệp sử dụng giống gà hướng thịt: ISA - 30MPK, AA,… và giống gà hướng trứng: Hyline, Brown Nick, Babcock B380,...

- Đối với giống gia cầm nhập nội có năng suất cao nuôi công nghiệp, hướng chính là mua các giống gà bố mẹ từ các công ty giống vốn 100% nước ngoài về các trại gà giống ở Bình Phước do tư nhân quản lý sản xuất gà giống thương phẩm nhằm giải quyết một phần nhu cầu giống tại chỗ; mặt khác, có thể trực tiếp mua giống gà thương phẩm hoặc hợp đồng nuôi gia công với các công ty chăn nuôi ngoài tỉnh như Công ty CP, Công ty Giống Gia cầm miền Nam,... Đồng thời, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh xây dựng trại gà giống gia cầm ông bà với quy mô 5.000 - 10.000 con/trại; đặc biệt là giống gà lông màu và giống gà lai cung cấp con giống gia cầm cho các trang trại chăn nuôi trong tỉnh.

b) Nghiên cứu áp dụng một số kiểu chuồng nuôi phù hợp nhằm dễ khống chế và kiểm soát dịch bệnh:

Trên cơ sở các kiểu chuồng nuôi hiện có, cần tiếp tục cải tiến tổng kết một số mẫu chuồng phù hợp, dễ xây dựng để khuyến cáo áp dụng cho trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn; có thể lựa chọn 2 kiểu chuồng là: Kiểu chuồng kín hoàn toàn (chuồng lạnh) và kiểu chuồng hở nuôi nhốt.

c) Giải quyết đủ nhu cầu thức ăn tinh cho đàn gia cầm:

- Bố trí lại cơ cấu cây trồng, chuyển một số diện tích trồng lúa không hiệu quả sang trồng ngô và khoai mỳ nhằm đáp ứng nguồn nguyên liệu dùng để chế biến thức ăn chăn nuôi. Khuyến khích các trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô lớn trang bị máy móc và mua nguyên liệu về tự chế biến thức ăn chăn nuôi để giảm giá thành thức ăn chăn nuôi, hoặc các trang trại chăn nuôi gia cầm hợp đồng với các nhà máy sản xuất thức ăn công nghiệp để bảo đảm cung cấp ổn định về số lượng và chất lượng thức ăn với giá cả hợp lý.

- Mặt khác, có thể kêu gọi đầu tư 1 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi với công suất khoảng 50.000 tấn/năm.

d) Giải pháp về khoa học - công nghệ trong chăn nuôi:

- Nghiên cứu công nghệ chẩn đoán phòng trừ dịch bệnh, công nghệ xử lý môi trường,…

- Áp dụng công thức lai tạo giữa giống gà địa phương với các giống gà lông màu nhập nội và sử dụng tủ ấp.

- Thiết kế chuồng gà kiểu chuồng kín, thực hiện quy trình cùng vào - cùng ra, đồng thời áp dụng biện pháp nuôi gia cầm an toàn sinh học.

e) Giải pháp về thú y:

- Tăng cường năng lực quản lý ngành thú y trên các lĩnh vực: Giám sát, thông tin dịch bệnh, phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch - kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc thú y, công tác cán bộ và giáo dục, tuyên truyền.

- Đầu tư thích hợp cho ngành Thú y để có đủ năng lực hoạt động, đáp ứng được yêu cầu thực tế; trong đó, ưu tiên đầu tư cho công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và công tác tuyên truyền.

f) Công tác khuyến nông:

- Mở rộng và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gia cầm, quy trình và các biện pháp phòng chống dịch bệnh, biện pháp nuôi gia cầm an toàn sinh học, gắn đào tạo với thực tiễn sản xuất.

- Thông qua các chương trình, dự án, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới. Cung cấp các thông tin về giống, về giá cả vật tư đầu vào, thị trường tiêu thụ và giá cả sản phẩm,…

- Phối hợp với UBND các huyện tổ chức các mô hình chăn nuôi gia cầm và nhân rộng các mô hình điển hình về tổ chức chăn nuôi gia cầm bảo đảm an toàn dịch bệnh và có hiệu quả kinh tế cao.

6.2. Nhóm giải pháp về chính sách:

a) Điều chỉnh một số chính sách và quy định về điều kiện chăn nuôi:

Rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành một số văn bản, chính sách mới về sản xuất, chăn nuôi. Trước mắt sẽ xây dựng và ban hành quy định về điều kiện chăn nuôi gia cầm tập trung đồng thời quy định về điều kiện chăn nuôi gia cầm ở nông hộ, trang trại, doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi gia cầm.

b) Chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hộ, trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, kinh doanh gia cầm nằm trong khu dân cư, đô thị,… di dời và chuyển đổi ngành nghề sản xuất để chủ động phòng chống dịch và ô nhiễm môi trường.

c) Khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi gia cầm (trang trại, sản xuất giống, thức ăn gia súc, chế biến…).

d) Chính sách về đất đai:

Tạo điều kiện cho các chủ trang trại được thuê đất lâu dài đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phát triển chăn nuôi theo tinh thần Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP ngày 02/02/2000 của Chính phủ về kinh tế trang trại.

e) Chính sách về đầu tư và tín dụng:

- Huy động các nguồn lực nhằm khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi đầu tư hợp lý, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ, chế biến, hỗ trợ đầu tư phát triển một số chợ bán buôn sản phẩm chăn nuôi.

- Thực hiện chính sách tín dụng ngân hàng đối với kinh tế trang trại cùng với các chính sách huy động sức dân đầu tư phát triển sản xuất chăn nuôi. Đặc biệt, tập trung vốn đầu tư vào các trang trại chăn nuôi gia cầm theo phương thức công nghiệp và bán công nghiệp.

f) Chính sách liên quan đến công tác thú y:

Tăng cường vaccin phòng bệnh đối với một số bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng đến kinh tế chăn nuôi, hỗ trợ kinh phí vaccin cúm gia cầm và thuốc sát trùng tiêu độc. Hỗ trợ đầu tư tủ cấp đông, trữ đông kinh doanh sản phẩm gia cầm cho các hộ kinh doanh thịt gia cầm tại các chợ.

g) Chính sách cho công tác nghiên cứu khoa học và khuyến nông:

Tăng cường đào tạo tập huấn, nâng cao trình độ kỹ thuật và quản lý cho chủ trang trại chăn nuôi. Hỗ trợ các trang trại chăn nuôi xây dựng thương hiệu hoặc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm chăn nuôi. Đào tạo cán bộ nghiên cứu và khuyến nông viên.

h) Chính sách đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chăn nuôi:

Ngoài lực lượng cán bộ có trình độ cao được đào tạo ở các trường đại học, tổ chức các lớp tập huấn đào tạo tay nghề cho cán bộ ở địa phương và cấp cơ sở, lực lượng kỹ thuật viên.

Điều 2. Sau khi Báo cáo Quy hoạch chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2006 - 2020 được phê duyệt, Chủ đầu tư có trách nhiệm triển khai thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước, tổ chức thực hiện theo các nội dung đã nêu tại Điều 1 Quyết định này.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Thương mại - Du lịch, Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Phước, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Văn Danh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 01/2008/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2006 - 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành

  • Số hiệu: 01/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/01/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước
  • Người ký: Bùi Văn Danh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/01/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản