Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2693/QĐ-UBND

Trà Vinh, ngày 22 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH VÙNG CÂY ĂN QUẢ CHỦ LỰC TRỒNG TẬP TRUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị quyết số 109/NQ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) của tỉnh Trà Vinh;

Căn cứ Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 02 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1648/QĐ-BNN-TT ngày 17 tháng 7 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực trồng tập trung và định hướng rải vụ một số cây ăn quả ở Nam bộ đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Nghị quyết số 12/2016/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh khóa IX - kỳ họp thứ 2 thông qua Quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực trồng tập trung trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 1269/QĐ-UBND ngày 05 tháng 8 năm 2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đề cương, nhiệm vụ quy hoạch và dự toán kinh phí dự án Quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực trồng tập trung trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 642/TTr-SNN ngày 20 tháng 12 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực trồng tập trung trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

- Sản xuất cây ăn quả của tỉnh phải được đầu tư và phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường và hiệu quả bền vững. Phát triển vườn cây ăn quả phải gắn liền với phát triển du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái.

- Cây ăn quả lựa chọn để phát triển phải có hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng tốt thị trường tiêu thụ nội địa cũng như chế biến và xuất khẩu. Ưu tiên phát triển những cây ăn quả đặc sản chủ lực của tỉnh đã có truyền thống sản xuất và có thế mạnh.

- Ưu tiên đất tốt, đủ điều kiện nước tưới để trồng cây ăn quả đặc sản, nhất là trên đất phù sa đã lập vườn lâu năm, đất cù lao có đê bao bảo vệ hoàn chỉnh.

- Phát triển vườn cây ăn quả cần kết hợp với du lịch sinh thái để tăng sức hấp dẫn cho du lịch và tăng hiệu quả kinh doanh.

- Phát triển cây ăn quả theo các hướng tập trung đầu tư nâng cao hiệu quả trên diện tích vườn chuyên canh hiện có. Đồng thời, chuyển đổi các diện tích trồng màu, cây lâu năm, đất lúa có hiệu quả kinh tế thấp nằm trong vùng quy hoạch sang trồng cây ăn quả, cải tạo vườn tạp, vườn hỗn hợp có hiệu quả kinh tế thấp sang vườn cây ăn quả chuyên canh.

- Trong giai đoạn trước mắt, duy trì cả 2 mô hình: Vườn trồng tập trung và vườn xen canh. Mô hình vườn xen canh chỉ mang tính chất tạm thời và phải đảm bảo chọn lựa cây trồng xen hợp lý. Về lâu dài chỉ duy trì mô hình vườn chuyên canh mới đáp ứng được yêu cầu về thâm canh sản xuất hàng hóa.

- Đầu tư phát triển cây ăn quả theo chuỗi giá trị gia tăng, gắn kết chặt chẽ cả 4 khâu (sản xuất - thu mua - chế biến + bảo quản - tiêu thụ) ưu tiên trước hết cho sản xuất, bảo quản và kết nối thị trường. Mỗi huyện cần chọn từ 1 - 2 loại cây trồng hội đủ các điều kiện phát triển sản xuất thành sản phẩm hàng hóa chủ lực, có sức cạnh tranh trên thị trường để đầu tư phát triển.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng ngành hàng cây ăn quả chủ lực trồng tập trung trên địa bàn tỉnh phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực trồng tập trung góp phần tái cơ cấu ngành trồng trọt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu, nâng cao giá trị tăng thêm trên một đơn vị diện tích đất, tăng thu nhập cho người sản xuất và hiệu quả kinh doanh của các cơ sở, doanh nghiệp thu mua, bảo quản, tiêu thụ cây ăn quả.

2.2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2020:

- Diện tích phát triển cây ăn quả ở Trà Vinh đến năm 2020 khoảng 20.000 ha, diện tích cho thu hoạch khoảng 18.000 ha, sản lượng 311.000 tấn.

- Năng suất bình quân đối với cây ăn quả chủ lực trồng tập trung tăng 20-25% so với năm 2015;

- 100% sản phẩm cây ăn quả chủ lực trồng tập trung đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, trong đó trên 50% sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng GAP.

- Tăng chủng loại, sản lượng và giá trị cây ăn quả xuất khẩu của vùng trồng tập trung ở Trà Vinh lên trên 50%.

- Giá trị sản lượng cây ăn quả chủ lực tập trung đạt trên 170 triệu đồng/ha/năm.

b) Đến năm 2025:

- Diện tích phát triển cây ăn quả ở Trà Vinh đến năm 2025 đạt khoảng 22.000 ha, diện tích cho thu hoạch 20.000 ha sản lượng 378.000 tấn.

- Năng suất bình quân đối với cây ăn quả chủ lực trồng tập trung tăng 15-20% so với năm 2020;

- 100% sản phẩm cây ăn quả chủ lực trồng tập trung đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, trong đó trên 70% sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng GAP.

- Tăng chủng loại, sản lượng và giá trị cây ăn quả xuất khẩu của vùng trồng tập trung ở Trà Vinh lên trên 70%.

- Giá trị sản lượng cây ăn quả chủ lực tập trung đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm.

3. Nội dung quy hoạch

3.1. Chủng loại cây ăn quả chủ lực trồng tập trung trên địa bàn tỉnh, gồm 05 chủng loại: Xoài, Cam, Chuối, Bưởi, Nhãn.

3.2. Diện tích và phân bố các loại cây ăn quả chủ lực trồng tập trung

Tổng diện tích cây ăn quả chủ lực trồng tập trung đến năm 2020 diện tích 7.900 ha sản lượng 131.840 tấn, đến năm 2025 là 8.810 ha sản lượng 154.100 tấn, trồng tập trung tại 5 huyện trọng điểm là Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú và thành phố Trà Vinh, cụ thể như sau:

a) Đối với cây xoài: Chuyển đổi các giống xoài kém chất lượng sang các giống xoài chất lượng cao như xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Chu. Chuyển diện tích xoài kém hiệu quả sang cây trồng khác. Vùng trồng xoài tập trung chủ yếu bố trí lâu dài ở huyện Càng Long, Tiểu Cần, Cầu Kè và Châu Thành; đến năm 2020 diện tích trồng xoài chất lượng cao đạt 1.440 ha sản lượng khoảng 17.840 tấn và lâu dài đến năm 2025 nâng lên khoảng 1.590 ha sản lượng khoảng 21.100 tấn, trong đó:

- Huyện Cầu Kè: Tập trung ở 04 xã: Tam Ngãi, An Phú Tân, Ninh Thới, Hòa Tân, diện tích khoảng 300 ha - 325 ha, tổng sản lượng đạt khoảng 4.000 - 4.500 tấn.

- Huyện Châu Thành: Tập trung ở 03 xã: Lương Hòa A, Lương Hòa, Nguyệt Hóa, diện tích khoảng 180 ha - 200 ha, tổng sản lượng đạt khoảng 2.340 - 2.600 tấn.

- Huyện Càng Long: Tập trung ở 05 xã: Đại Phúc, Đại Phước, Nhị Long, Nhị Long Phú, Đức Mỹ, diện tích khoảng 820 ha - 910 ha, tổng sản lượng dự kiến 10.000 - 12.000 tấn.

- Huyện Tiểu Cần: Tập trung chủ yếu ở 03 xã: Tân Hòa, Hùng Hòa, Long Thới, diện tích khoảng 140 ha - 155 ha, sản lượng dự kiến 1.500 - 2.000 tấn (chủ yếu phát triển trong khu vực trồng cây ăn quả ven sông Cần Chông).

b) Đối với cây cam: Vùng trồng cam tập trung chủ yếu ở huyện Cầu Kè, Càng Long, Tiểu Cần; định hướng đến năm 2020 là 2.000 ha sản lượng 38.000 tấn và đến năm 2025 nâng lên khoảng 2.500 ha sản lượng khoảng 50.000 tấn, trong đó:

- Huyện Cầu Kè: Tập trung chủ yếu các xã ven sông Hậu như: Tam Ngãi, An Phú Tân, Hòa Tân, Ninh Thới, Thông Hòa, Thạnh Phú, Hòa Ân, Châu Điền diện tích khoảng 1.845 ha - 2.310 ha, sản lượng khoảng 35.000 - 46.000 tấn (nằm vào khu vực giới hạn phía Tây là QL54 được quy hoạch chủ yếu là phát triển kinh tế theo xu hướng nhà vườn cây ăn quả chuyên nghiệp)

- Huyện Càng Long: Tập trung ở 03 xã: Nhị Long Phú, Đức Mỹ, Nhị Long, diện tích khoảng 100 ha - 120 ha, sản lượng 2.000 - 2.500 tấn.

- Huyện Tiểu Cần: Tập trung ở 03 xã: Tân Hòa, Long Thới, Hùng Hòa, diện tích khoảng 55 ha - 70 ha, sản lượng 1.000 - 1.500 tấn.

c) Đối với cây chuối:

- Tập trung cải tạo diện tích chuối trồng cũ, đầu tư trồng mới theo chế độ thâm canh; phát triển giống chuối mốc, chuối tiêu làm chủ lực, tổ chức trồng đại trà trên đất vườn nhà; trồng chuối lùn, chuối tiêu, chuối cau ở những khu vực có thổ nhưỡng phù hợp trên đất vườn nhà, kết hợp với phát triển gia trại, trang trại. Hằng năm có kế hoạch hỗ trợ giống chuối cho nhân dân.

- Vùng chuối tập trung chủ yếu ở huyện Càng Long, Cầu Kè, Châu Thành, Trà Cú và Tiểu Cần; định hướng đến năm 2020 là 1.800 ha sản lượng khoảng 43.000 tấn và đến năm 2025 có thể mở rộng lên khoảng 2.000 ha sản lượng khoảng 50.000 tấn, trong đó: Xây dựng vùng trồng chuối với kỹ thuật công nghệ cao tập trung ở xã An Quãng Hữu, huyện Trà Cú diện tích 400 ha; cải tạo diện tích vườn tạp, trồng trên líp các ao nuôi cá và chuyển đổi các loại giống có chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng.

d) Vùng trồng bưởi tập trung ở các huyện : Châu Thành, Cầu Kè, Càng Long, Tiểu Cần và thành phố Trà Vinh; định hướng đến năm 2020 và 2025 diện tích khoảng 1.000 - 1.030 ha sản lượng khoảng 13.000 tấn, trong đó:

- Huyện Châu Thành: Tập trung ở 03 xã: Lương Hòa, Nguyệt Hóa, Lương Hòa A, diện tích khoảng 80 ha - 85 ha, sản lượng khoảng 1.000 tấn.

- Huyện Cầu Kè: Tập trung ở 07 xã: Thông Hòa, Tam Ngãi, Hòa Ân, Hòa Tân, Ninh Thới, An Phú Tân và Châu Điền, diện tích khoảng 420 ha - 435 ha, sản lượng khoảng 6.000 tấn.

- Huyện Càng Long: Tập trung ở 07 xã: Mỹ Cẩm, Bình Phú, Đại Phước, Nhị Long, Nhị Long Phú, Đức Mỹ và thị trấn Càng Long, diện tích khoảng 205 ha - 210 ha, sản lượng khoảng 2.500 tấn.

- Huyện Tiểu Cần: Tập trung ở 09 xã: Phú Cần, Hiếu Tử, Hiếu Trung, Long Thới, Hùng Hòa, Tân Hùng, Tập Ngãi, Tân Hòa và thị trấn Cầu Quan, diện tích khoảng 265 ha, sản lượng khoảng 3.200 tấn.

- Thành phố Trà Vinh tập trung xã Long Đức diện tích khoảng 30 - 35 ha, sản lượng khoảng 300 tấn.

đ) Vùng trồng nhãn tập trung chủ yếu ở huyện Cầu Kè, Tiểu Cần; định hướng đến năm 2020 và năm 2025 diện tích khoảng 1.660-1.690 ha, sản lượng khoảng 20.000 tấn, chú ý đa canh (đưa sầu riêng, chôm chôm hoặc một số cây trồng khác vào trồng xen ở đất chuyên canh nhãn tại khu vực ven sông Hậu), trong đó:

- Huyện Cầu Kè: Tập trung chủ yếu các xã ven sông Hậu (Thông Hòa, Tam Ngãi, Phong Phú, Phong Thạnh, Hòa Ân, Hòa Tân, Ninh Thới, An Phú Tân và Châu Điền) diện tích khoảng 1.560ha - 1.590ha, sản lượng khoảng 19.000 tấn.

- Huyện Tiểu Cần: Tập trung ở 03 xã Tân Hòa, Long Thới và thị trấn Cầu Quan, diện tích khoảng 100 ha, sản lượng khoảng 1.000 tấn.

(Cụ thể Phụ lục I đính kèm)

4. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư:

(Cụ thể Phụ lục II đính kèm)

5. Các giải pháp thực hiện quy hoạch

5.1. Giải pháp về tổ chức sản xuất

- Tuyên truyền vận động nông dân tự nguyện tham gia các hình thức hợp tác liên kết, từ vườn cây nhỏ của nông hộ liên kết thành vùng sản xuất tập trung có quy mô phù hợp.

- Đa dạng hóa các loại hình hợp tác liên kết sản xuất: câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã, vườn cây ăn quả mẫu lớn, doanh nghiệp cổ phần.

- Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân theo chuỗi giá trị cây ăn quả chủ lực trồng tập trung, từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp liên doanh, liên kết trực tiếp với các đối tác nước ngoài, đặc biệt là khâu bảo quản và tiêu thụ cây ăn quả tươi.

- Hỗ trợ, khuyến khích hình thành các liên kết vùng trong sản xuất, rải vụ thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa đảm bảo phát triển ngành hàng cây ăn quả bền vững.

5.2. Giải pháp về giống

- Để thúc đẩy phát triển vườn cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 cần phải có kế hoạch đáp ứng nhu cầu cây giống chất lượng cao và sạch bệnh cho sản xuất, ước tính nhu cầu cây giống cho trồng mới, thay thế giống cũ và cải tạo vườn cây bình quân từ 1- 1,5 triệu cây giống/năm, nếu tính một cơ sở sản xuất mỗi năm cho sản lượng 100.000 cây thì cần phát triển từ 10-15 cơ sở sản xuất.

- Cần tận dụng và khuyến khích các cơ sở hiện có để phát huy công suất trong thời kỳ đầu, nên có những chính sách khuyến khích đầu tư và phát triển các cơ sở giống cây ăn quả mới, ưu tiên phát triển các giống cây có múi. Tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế có thể cùng tham gia để đáp ứng kịp thời yêu cầu của sản xuất.

- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giống đảm bảo kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất - kinh doanh giống để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời về chất lượng giống; Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn các văn bản pháp quy về giống giúp các cơ sở sản xuất - kinh doanh giống nắm và thực hiện theo đúng các quy định Nhà nước; nâng cao nhận thức cho nông dân về giống.

5.3. Giải pháp về xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm

a) Giải pháp về xây dựng thương hiệu

- Quan tâm đến giống cây trồng bằng các biện pháp: quy hoạch lại các cơ sở sản xuất giống; thực hiện các biện pháp trợ giá mua giống cho nhà vườn; khuyến khích nhà vườn nhập các loại giống cây ăn quả tốt, các giống dự đoán sẽ có nhu cầu lớn trên thị trường,… Đồng thời, khuyến cáo người sản xuất chuyển đổi từ giống cây ăn quả chất lượng kém sang trồng những cây giống mới chất lượng cao hơn.

- Xây dựng hệ thống kiểm tra và vệ sinh thực phẩm đối với cây ăn quả ở cấp hợp tác xã và thành lập tổ kiểm tra chuyên môn cấp huyện.

- Huy động sự đóng góp của nhà nông, của các doanh nghiệp có liên quan, kết hợp với sử dụng ngân sách địa phương tổ chức lớp tập huấn những kiến thức cơ bản cho nhà nông về trồng cây ăn quả, kiến thức về hội nhập…nhằm nâng cao nhận thức của họ trong việc sản xuất cây ăn quả hàng hóa.

- Phát triển thương hiệu cho cây ăn quả Trà Vinh nhằm tạo lòng tin cho khách hàng, tăng vị thế của hàng hóa cây ăn quả tỉnh nhà.

b) Giải pháp về tiêu thụ sản phẩm

- Thực hiện đồng bộ bốn khâu sản xuất, thu mua, chế biến - bảo quản và tiêu thụ theo hình thức liên kết bốn nhà.

- Các doanh nghiệp cần hỗ trợ nhà vườn nâng cao công nghệ sau thu hoạch và bảo quản nông sản gắn với chế biến tại chỗ để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Nâng cao chất lượng hàng nông sản theo hướng sản xuất sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hóa học thay bằng phân bón hữu cơ, vi sinh.

- Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu các sản phẩm cây ăn quả, cây đặc sản của địa phương tại các hội chợ, hội thi về sản phẩm nông nghiệp, thường xuyên tổ chức và tham gia các hội thi trái ngon tạo điều kiện để các cơ sở, doanh nghiệp tiếp cận tìm các đối tác tiêu thụ. Đối với thị trường tiêu thụ trong nước (qua hệ thống các siêu thị, chợ đầu mối…), tăng cường khâu lưu thông phân phối giữa các vùng, miền; đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm trái cây thông qua chế biến… để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.

5.4. Nhóm các giải pháp về xây dựng kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất và tiêu thụ cây ăn quả

a) Về thủy lợi: Hoàn chỉnh hệ thống đê bao bảo vệ khép kín cho vùng được quy hoạch trồng tập trung cây ăn quả ở địa bàn tỉnh. Xây dựng hệ thống đê bao cần kết hợp với giao thông nông thôn. Nạo vét các kênh mương dẫn tưới và tiêu nước cho vùng trồng cây ăn quả. Nghiên cứu áp dụng kỹ thuật tưới nước tiết kiệm (tưới nhỏ giọt, tưới phun,…) cho một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

b) Về bảo vệ thực vật: Chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về phòng trừ sâu bệnh tổng hợp IPM, sử dụng các chế phẩm nguồn gốc hữu cơ và vi sinh, sản xuất cây ăn quả theo hướng GAP. Phổ biến rộng rãi các quy trình phòng trừ các bệnh trên cây ăn quả.

c) Về cơ giới hóa: Từng bước áp dụng cơ giới hóa trong các khâu tưới nước, phun thuốc, bón phân cho vườn cây. Nghiên cứu áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm tự động.

d) Gắn sản xuất vùng nguyên liệu với cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói và chế biến:  Sớm củng cố và nâng chất các chợ cây ăn quả đầu mối ở các vùng nguyên liệu trọng điểm. Xây dựng chợ cây ăn quả làm đầu mối tập trung hàng có số lượng lớn, chất lượng cao, giá cả phù hợp phục vụ cho cả 3 kênh: tiêu thụ nội địa, xuất khẩu và nguyên liệu cho chế biến.

5.5. Các giải pháp về chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển sản xuất cây ăn quả

- Hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ cây ăn quả an toàn: Thực hiện theo Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ Về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

- Hỗ trợ về đầu tư và tín dụng: Thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Thông tư số 84/2011/TT-BTC ngày 16/6/2011của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số chính sách tài chính khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 61/2010/NĐ-CP; Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 và Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg ngày 02/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản và Thông tư 03/2011/TT-NHNN ngày 08/3/2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn chi tiết thực hiện Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg.

5.6. Giải pháp về vốn đầu tư

- Tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 621 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác 322 tỷ đồng, vốn tín dụng 151 tỷ đồng và vốn của người dân 148 tỷ đồng.

- Vốn của Nhà nước tập trung đầu tư chủ yếu vào xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, giao thông, chợ, nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại.

- Vốn vay tín dụng và vốn của người dân tập trung đầu tư kiến thiết cơ bản để trồng mới và cải tạo vườn cây ăn quả, xây dựng cơ sở bảo quản.

- Huy động tài trợ của các tổ chức để đầu tư nghiên cứu khoa học, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại.

Điều 2. Tổ chức thực hiện Quy hoạch

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

- Tổ chức công bố công khai, thông báo rộng rãi nội dung quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi để mọi công dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư (trong và ngoài nước) dễ dàng tiếp cận nghiên cứu và khai thác.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực trồng tập trung trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 theo thứ tự dự án - đề án ưu tiên đầu tư.

- Tiếp nhận các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới từ các Viện, Trường, trung tâm nghiên cứu để chuyển giao các quy trình canh tác tiên tiến, quy trình xử lý ra hoa trái vụ hiệu quả, kỹ thuật xử lý, quản lý dịch hại, công nghệ xử lý, bảo quản, chế biến sau thu hoạch…

- Theo dõi, giám sát việc thực hiện và tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh Quy hoạch kịp thời khi không còn phù hợp.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: Xác định nhu cầu nguồn vốn hàng năm, cân đối và bố trí vốn đầu tư theo phân cấp, đúng quy định để thực hiện quy hoạch đạt tiến độ, hiệu quả.

3. Các Sở, Ban, ngành tỉnh có liên quan: Theo chức năng, nhiệm vụ của Sở, Ban, ngành có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình tổ chức thực hiện Quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực trồng tập trung trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đảm bảo đạt hiệu quả.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện Quy hoạch trên địa bàn; chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn nằm trong vùng quy hoạch khuyến cáo người dân cải tạo vườn tạp và trồng mới các loại cây ăn quả chủ lực trồng tập trung theo Quy hoạch.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động thu mua, tiêu thụ sản phẩm trái cây trên địa bàn.

- Theo dõi tình hình triển khai thực hiện Quy hoạch trên địa bàn, nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để có sự chỉ đạo.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Trà Vinh; Thủ trưởng các Sở, ngành tỉnh có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Kim Ngọc Thái

 

PHỤ LỤC I

QUY HOẠCH VÙNG CÂY ĂN QUẢ CHỦ LỰC TRỒNG TẬP TRUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2693/QĐ-UBND ngày 22 tháng 12 năm 2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh)

ĐVT: Ha

TT

Hạng mục

Hiện trạng năm 2015

Quy hoạch năm 2020

Tầm nhìn năm 2025

 I

Vùng trồng xoài tập trung

1.086

1.440

1.590

 1

Huyện Cầu Kè

200

300

325

 

Xã Tam Ngãi

68

150

160

 

Xã An Phú Tân

51

60

65

 

Xã Hòa Tân

39

45

50

 

Xã Ninh Thới

42

45

50

 2

Huyện Châu Thành

103

180

200

 

Xã Lương Hòa

50

80

90

 

Xã Nguyệt Hóa

48

80

90

 

Xã Lương Hòa A

8

20

20

 3

Huyện Càng Long

651

820

910

 

Xã Đại Phúc

17

20

20

 

Xã Đại Phước

17

20

20

 

Xã Nhị Long Phú

287

350

380

 

Xã Nhị Long

223

290

330

 

Xã Đức Mỹ

107

140

160

 4

Huyện Tiểu Cần

132

140

155

 

Xã Long Thới

42

45

50

 

Xã Tân Hòa

48

50

55

 

Xã Hùng Hòa

42

45

50

II

Vùng trồng cam tập trung

1.833

2.000

2.500

 1

Huyện Cầu Kè

1.688

1.845

2.310

 

Xã Tam Ngãi

973

1.020

1.200

 

Xã An Phú Tân

189

200

300

 

Xã Hòa Tân

299

310

450

 

Xã Ninh Thới

23

25

50

 

Xã Thông Hòa

150

200

200

 

Xã Thạnh Phú

20

40

40

 

Xã Hòa Ân

20

30

40

 

Xã Châu Điền

15

20

30

2

Huyện Càng Long

95

100

120

 

Xã Nhị Long Phú

52

53

60

 

Xã Nhị Long

20

22

30

 

Xã Đức Mỹ

24

25

30

3

Huyện Tiểu Cần

50

55

70

 

Xã Long Thới

15

15

20

 

Xã Tân Hòa

25

25

30

 

Xã Hùng Hòa

10

15

20

III

Vùng trồng chuối tập trung

1.363

1.800

2.000

 1

Huyện Trà Cú

61

440

500

 

Xã Phước Hưng

20

20

25

 

Xã Tân Sơn

17

20

25

 

Xã An Quãng Hữu

25

400

450

2

Huyện Cầu Kè

494

520

570

 

Xã Tam Ngãi

218

230

250

 

Xã An Phú Tân

99

105

120

 

Xã Hòa Tân

68

70

80

 

Xã Ninh Thới

109

115

120

3

Huyện Châu Thành

77

80

100

 

Xã Lương Hòa

24

25

30

 

Xã Nguyệt Hóa

24

25

30

 

Xã Hưng Mỹ

29

30

40

4

Huyện Càng Long

361

380

420

 

Xã Đại Phúc

90

95

100

 

Xã Đại Phước

68

70

80

 

Xã Nhị Long Phú

94

100

110

 

Xã Nhị Long

60

65

70

 

Xã Đức Mỹ

49

50

60

5

Huyện Tiểu Cần

371

380

410

 

Xã Long Thới

147

150

160

 

Xã Tân Hòa

190

190

200

 

Xã Hùng Hòa

34

40

50

IV

Vùng trồng bưởi tập trung

875

1000

1030

1

Thành phố Trà Vinh

20

30

35

 

Xã Long Đức

20

30

35

2

Châu Thành

69

80

85

 

Xã Lương Hòa

16

20

25

 

Xã Nguyệt Hóa

48

50

50

 

Xã Lương Hòa A

5

10

10

3

Huyện Cầu Kè

372

420

435

 

Xã Thông Hòa

10

20

20

 

Xã Tam Ngãi

122

130

130

 

Xã Hòa Ân

28

35

35

 

Xã Hòa Tân

37

40

40

 

Xã Ninh Thới

137

145

150

 

Xã An Phú Tân

22

30

40

 

Xã Châu Điền

16

20

20

4

Huyện Càng Long

190

205

210

 

TT. Càng Long

27

30

30

 

Xã Mỹ Cẩm

50

50

55

 

Xã Bình Phú

22

25

25

 

Xã Đại Phước

19

20

20

 

Xã Nhị Long

24

25

25

 

Xã Nhị Long Phú

26

30

30

 

Xã Đức Mỹ

24

25

25

5

Huyện Tiểu Cần

224

265

265

 

TT. Cầu Quan

21

25

25

 

Xã Phú Cần

16

20

20

 

Xã Hiếu Tử

15

20

20

 

Xã Hiếu Trung

17

20

20

 

Xã Long Thới

36

40

40

 

Xã Hùng Hòa

22

25

25

 

Xã Tân Hùng

20

25

25

 

Xã Tập Ngãi

28

35

35

 

xã Tân Hòa

49

55

55

V

Vùng trồng nhãn tập trung

1.648

1660

1690

1

Huyện Cầu Kè

1.549

1560

1590

 

Xã Thông Hòa

38

40

40

 

Xã Tam Ngãi

230

240

250

 

Xã Phong Phú

108

110

110

 

Xã Phong Thạnh

20

20

20

 

Xã Hòa Ân

15

20

20

 

Xã Hòa Tân

420

420

420

 

Xã Ninh Thới

285

280

280

 

Xã An Phú Tân

412

410

430

 

Xã Châu Điền

20

20

20

2

Huyện Tiểu Cần

99

100

100

 

Xã Tân Hòa

29,1

29

29

 

Xã Long Thới

17

18

18

 

TT. Cầu Quan

53

53

53

 

PHỤ LỤC II

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2693/QĐ-UBND ngày 22 tháng 12 năm 2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh)

STT

Tên dự án - đề án

1

Dự án sản xuất giống CAQ huyện Trà Cú, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Càng Long (500.000 - 800.000 cây giống/năm phục vụ 3.500 ha)

2

Dự án chế biến sản phẩm cây ăn quả tại huyện Cầu Kè, Càng Long (KCN Cầu Quan)

3

Dự án xây dựng làng vườn sinh thái kết hợp với chương trình bảo tồn phát triển làng nghề phục vụ du lịch nông thôn

4

Dự án hạ tầng thiết yếu phục vụ vùng sản xuất cây ăn quả tập trung 02 huyện Càng Long, Châu Thành và Tp.Trà Vinh tỉnh Trà Vinh

5

Đề án đầu tư phát triển cây cam sành huyện Cầu Kè

6

Đề án đầu tư phát triển cây xoài huyện Càng Long

7

Đề án vùng trồng chuối với kỹ thuật công nghệ cao tập trung ở xã An Quãng Hữu, huyện Trà Cú

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2693/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực trồng tập trung trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025

  • Số hiệu: 2693/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/12/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Trà Vinh
  • Người ký: Kim Ngọc Thái
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/12/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản