Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1377/QĐ-UBND

An Giang, ngày 15 tháng 7 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUY HOẠCH VÙNG SẢN XUẤT CÂY ĂN QUẢ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2015 – 2016

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/6/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2163/QĐ-UBND ngày 29/11/2012 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 535/QĐ-UBND ngày 27/3/2013 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch kinh phí hoạt động Ban Điều hành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2013 - 2015;

Căn cứ Quyết định số 1884/QĐ-UBND ngày 28/10/2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Xét Tờ trình số 16/TTr-BĐHNNCNC ngày 09/7/2015 của Ban Điều hành nông nghiệp Công nghệ cao,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2015 - 2016, bao gồm các nội dung cụ thể như sau:

1. Mục tiêu thực hiện:

a) Mục tiêu tổng quát:

-Xây dựng vùng trồng cây ăn quả phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hoá lớn theo hướng ứng dụng công nghệ cao và hiệu quả.

- Phát triển bền vững góp phần tái cơ cấu ngành trồng trọt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu, nâng cao giá trị tăng thêm trên một đơn vị diện tích đất, tăng hiệu quả kinh doanh của các cơ sở, doanh nghiệp thu mua, bảo quản, tiêu thụ trái cây và tăng thu nhập cho người sản xuất phấn đấu đạt hiệu quả sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 cao hơn từ 30% so với bình quân toàn tỉnh thời điểm 2012.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Xây dựng đội ngũ chuyên gia về hỗ trợ kỹ thuật cho phát triển cây ăn quả chủ lực trong tỉnh.

- Hình thành ít nhất 01 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hoá lớn phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu, có năng suất cây ăn quả bình quân tăng từ 10% trở lên so với 2013 và giá trị sản lượng cây ăn quả chủ lực sản xuất tập trung đạt trên 150 triệu đồng/ha/năm.

- Xây dựng ít nhất 01 mô hình sản xuất phát triển xoài theo hướng GAP gắn với du lịch sinh thái tại các xã cù lao huyện Chợ Mới.

- Đề xuất danh mục đề tài, dự án, đề án, mô hình khoa học và công nghệ (sau đây gọi tắt là nhiệm vụ khoa học và công nghệ) về sản xuất, chế biến và tiêu thụ cây ăn quả chủ lực ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

- Ưu tiên hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về việc ứng dụng công nghệ cao trong xây dựng, cải tạo vườn tạp và chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP theo quy mô của quy hoạch đã được phê duyệt.

- Tổ chức xúc tiến ươm tạo, thành lập, nâng cấp hoạt động cho các hợp tác xã sản xuất cây ăn quả gắn với việc tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, kỹ thuật viên, công nhân, xã viên, tổ viên; xúc tiến thương mại sản phẩm cây ăn quả trong và ngoài tỉnh.

2. Nội dung thực hiện:

a) Công tác tổ chức sản xuất tại các vùng quy hoạch: Tổ chức các hoạt động triển khai, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện tại các vùng quy hoạch của tổ thực hiện kế hoạch.

b) Khảo sát, đánh giá hiện trạng sản xuất cây ăn quả và hiệu quả hoạt động chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ liên quan đến sản xuất cây ăn quả giai đoạn 2010 - 2015 tại huyện Chợ Mới, Tri Tôn, Tịnh Biên, thị xã Tân Châu.

- Nhằm thu thập thông tin thứ cấp của ngành chức năng, phỏng vấn các cơ sở sản xuất và nông hộ trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh (30 phiếu phỏng vấn/huyện, thị xã).

- Kết quả điều tra sẽ làm cơ sở đề xuất một số nội thảo luận trong hội thảo khoa học và các hoạt động phát triển cây ăn quả theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế bền vững trên cùng một đơn vị diện tích.

- Đề xuất các giải pháp nâng cao, giải quyết vướng mắc, khó khăn các mô hình sản xuất không hiệu quả; củng cố và xây dựng các tổ hợp tác sản xuất cây ăn quả.

c) Phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam xây dựng nội dung, kế hoạch thu thập và đánh giá các tiến bộ khoa học và công nghệ liên quan đến sản xuất cây ăn quả ở Chợ Mới, Tân Châu, Tịnh Biên và Tri Tôn. Xây dựng các quy trình công nghệ hoặc các mô hình ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng thương hiệu đạt chuẩn VietGAP; nâng cao năng lực cán bộ và nông dân sản xuất cây ăn quả trong tỉnh; xây dựng các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả; nghiên cứu, bảo tồn nguồn giống cây ăn quả bản địa và tiềm năng.

d) Tập huấn TOT và nông dân:

- Tập huấn TOT: Phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam xây dựng nội dung, kế hoạch tập huấn TOT trên cây xoài và một số cây trồng tiềm năng. Nhằm xây dựng nhóm chuyên gia cây ăn quả phục vụ huấn luyện nông dân phát triển nâng cao các loại hình cây ăn quả tại Viện Cây ăn quả miền Nam (01 lớp/20 cán bộ kỹ thuật, tổ chức tại Viện Cây ăn quả miền Nam).

- Tập huấn nông dân: Tổ chức 08 lớp tập huấn tại Tân Châu, Chợ Mới, Tri Tôn, Tịnh Biên (25 nông dân/lớp) nhằm nâng cao kinh nghiệm và chuyên môn trong sản xuất cây ăn quả và định hướng nông dân sản xuất cây quả theo tiêu chuẩn VietGAP.

đ) Nghiên cứu học tập mô hình sản xuất cây ăn quả đạt chất lượng cao, hiệu quả kinh tế ổn định ngoài tỉnh và tiến hành xúc tiến quảng bá sản phẩm trái cây ngon.

- Nghiên cứu học tập: Tổ chức 02 chuyến cho 05 cán bộ và 10 nông dân khảo sát học tập các mô hình cây ăn quả đạt hiệu quả ở các HTX, vùng sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao ở Lâm Đồng (01 chuyến), Vĩnh Long, Bình Dương (01 chuyến) ..... nhằm đề xuất các mô hình có khả năng ứng dụng trên địa bàn tỉnh An Giang.

- Xúc tiến quảng bá sản phẩm trái cây ngon: Quảng bá các sản phẩm cây ăn quả đặc trưng, đặc sản của tỉnh cho du khách khu vực đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh. Tạo tiền đề cho việc xây dựng thương hiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm theo hướng GAP.

e) Tổ chức hội thảo khoa học lấy ý kiến chuyên gia các viện trường, doanh nghiệp, nông dân, nhà quản lý nhằm đánh giá đúng tiềm năng, cơ hội, thách thức và khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ cây ăn quả của tỉnh. Từ đó đề xuất một số các danh mục đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao cho sản xuất và chế biến cây ăn quả chủ lực và tiềm năng của tỉnh; các dự án kêu gọi đầu tư về phát triển sản xuất và chế biến cây ăn quả; danh mục dự án đầu tư tập trung của tỉnh nhằm đạt mục tiêu đề ra của quy hoạch phát triển cây ăn quả và danh mục các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cây ăn quả phù hợp.

g) Tổ chức Hội nghị tổng kết nhằm đánh giá toàn diện kết quả thực hiện trên cơ sở lấy ý kiến từ các Sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã và người sản xuất, để điều chỉnh quy hoạch nếu cần. Đồng thời, rút kinh nghiệm triển khai quy hoạch cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2015 -2016 và đề xuất kế hoạch hoạt động cho giai đoạn 2017 - 2020.

3. Tổ chức thực hiện:

a) Đơn vị chủ trì:

- Sở Nông nghiệp và PTNT là đơn vị chủ quản phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện tốt các nội dung kế hoạch. Phối hợp cùng với các địa phương tham gia xây dựng và tổng kết các mô hình sản xuất cây ăn quả có tiềm năng phát triển, phổ biến và nhân ra diện rộng.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Chi cục Bảo vệ thực vật là đơn vị chủ trì phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và các đơn vị trực thuộc liên quan thực hiện chủ trì xây dựng và theo dõi các nội dung và kinh phí thực hiện kế hoạch triển khai.

b) Tổ chuyên trách: Có 16 thành viên, gồm các ông/bà sau:

- Ths. Huỳnh Hiệp Thành - Giám đốc TT Khuyến nông, Trưởng nhóm.

- Ths. Nguyễn Phước Thành - Trưởng phòng Trồng Trọt và kiểm dịch thực vật - Chi cục BVTV, Phó nhóm.

- Ths. Nguyễn Văn Toàn - Phó trưởng Phòng KHKT - Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó nhóm.

- Ths. Trần Văn Khải - Trưởng Bộ môn KHCT - Trường Đại học An Giang, Thành viên.

- Ths. Phạm Danh Tướng - Phó Trưởng phòng QLCN - Sở KH&CN, Thành viên.

- Ths. Nguyễn Văn Hồng - Phó phòng Kỹ Thuật - Trung tâm Khuyến Nông, Thành viên.

- Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó ban KT - Hội Nông dân tỉnh, Thành viên.

- Bà Lê Thị Ái - Viên chức Trung tâm Công nghệ sinh học, Thành viên (thư ký nhóm).

- Ông Nguyễn Văn Sanh - Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT Chợ Mới, Thành viên.

- Ông Trần Văn Cường - Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT Tri Tôn, Thành viên.

- Ông Phan Văn Út - Cán bộ kỹ thuật Trạm BVTV Tịnh Biên, Thành viên.

- Ông Nguyễn Văn Xinh - Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT Châu Phú, Thành viên.

- Ông Phan Văn Dũng - Trưởng phòng Kinh tế Tân Châu, Thành viên.

- Mời PGs. TS Trần Văn Hâu - Khoa Nông nghiệp & SHƯD - Trường Đại học Cần Thơ làm tư vấn xây dựng kế hoạch.

- Mời TS. Hồ Thanh Bình - Khoa Nông nghiệp & TNTN - Trường Đại học An Giang làm tư vấn xây dựng kế hoạch.

- Mời Viện Cây Ăn Quả Miền Nam làm tư vấn xây dựng kế hoạch.

Tổ chuyên trách có nhiệm vụ:

- Hỗ trợ, tư vấn đơn vị điều phối việc xây dựng kế hoạch triển khai quy hoạch, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong khi thực hiện kế hoạch. Định kỳ có báo cáo kết quả thực hiện về các bên liên quan và Ban Điều hành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang.

- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ kỹ thuật, hội viên hội làm vườn và nhà vườn về các vấn đề kỹ thuật canh tác, quản lý và phát triển sản xuất cây ăn quả. Đồng thời tham gia giám sát các tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài, dự án, mô hình liên quan đến phát triển cây ăn quả trong tỉnh.

- Tham mưu, điều chỉnh nội dung kế hoạch trên cơ sở tham vấn, lấy ý kiến các sở, ban, ngành, đoàn thể, người sản xuất và doanh nghiệp, đảm bảo nội dung kế hoạch phù hợp với thực tế.

c) Các sở, ban, ngành, Trường Đại học An Giang và UBND huyện, thị xã, thành phố có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.

d) Thời gian thực hiện: từ năm 2015 đến năm 2016.

4. Dự toán kinh phí thực hiện: 354.094.000 đồng (Ba trăm, năm mươi bốn triệu, không trăm, chín mươi bốn ngàn đồng), từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ. Trong đó:

+ Năm 2015: 118.350.000 đồng

+ Năm 2016: 235.744.000 đồng

Bao gồm:

- Công tác tổ chức sản xuất tại các = 8,58 triệu đồng;

- Điều tra khảo sát đánh giá hiện trạng = 12,91 triệu đồng;

- Phối hợp Viện CAQ xây dựng nội dung, kế hoạch thu thập và đánh giá các tiến bộ khoa học và công nghệ = 10,2 triệu đồng;

- Tập huấn TOT trên cây xoài, cây ăn quả = 189,984 triệu đồng;

- Khảo sát, nghiên cứu học tập mô hình = 62,5 triệu đồng;

- Tham gia hội thi trái cây = 20,00 triệu đồng;

- Hội thảo khoa học = 32,72 triệu đồng;

- Hội thảo sơ kết, tổng kết = 17,2 triệu đồng.

Điều 2. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan giám sát việc triển khai thực hiện Kế hoạch này theo quy định hiện hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các cơ quan liên quan và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Nưng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1377/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2015 - 2016

  • Số hiệu: 1377/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/07/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Lê Văn Nưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/07/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản