Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2677/QĐ-UBND

An Giang, ngày 05 tháng 11 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ TỈNH AN GIANG NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 26/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 03/2014/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý Nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư;

Căn cứ Thông tư số 90/2015/TTLT-BTC-BKHĐT ngày 15 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với hoạt động xúc tiến đầu tư;

Căn cứ Công văn số 6434/BKHĐT-ĐTNN ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn xây dựng Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 255/TTr-SKHĐT ngày 24 tháng 10 năm 2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Sở Ngoại vụ và các Sở, ban, ngành tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Thủ trưởng các sở, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Trung tâm XTĐT phía Nam;
- TT Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh;
- VP Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Nưng

 

CHƯƠNG TRÌNH

XÚC TIẾN ĐẦU TƯ TỈNH AN GIANG NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2677/QĐ-UBND ngày 05/11/2019 của UBND tỉnh An Giang)

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2019

I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Hoạt động nghiên cứu, đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư:

- Tổ chức đoàn tham dự Hội chợ ASEAN - Trung Quốc lần thứ 16 EXPO 2019 tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc (từ ngày 20/9 đến ngày 24/9), trao đổi thông tin, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh An Giang như: sản phẩm đóng lon Antesco, các sản phẩm chế biến từ cây thốt nốt, khô, mắm, sản phẩm thổ cẩm của người Khmer và Chăm, chiếu Uzu, lụa Tân Châu và các sản phẩm có tiền năng xuất khẩu thể hiện bằng tiếng Hoa, và tiếng Anh tới các quốc gia trong khu vực ASEAN và Trung Quốc;

- Tham dự hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp tiêu biểu của các tỉnh thành khu vực phía Nam Việt Nam – Trung Quốc, do Cục Công tác phía Nam, Bộ Công thương và Tổng lãnh sự quán nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Tại hội nghị, các doanh nghiệp Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn được hợp tác với doanh nghiệp An Giang trong việc cung ứng nguyên liệu chế biến và cung ứng nông sản.

2. Hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư; xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư:

- Để cập nhật kịp thời thông tin gửi đến nhà đầu tư, UBND tỉnh An Giang đã có văn bản chỉ đạo các Sở ban ngành cập nhật và biên soạn, chuẩn bị tái bản Ấn phẩm “An Giang: Kết nối cơ hội, hợp tác thành công”, tái bản (lần 1) Video Clip “An Giang – Tiềm năng và Cơ hội đầu tư”, lập báo cáo đề xuất chủ trương mời gọi đầu tư của danh mục 55 dự án để làm tài liệu xúc tiến đầu tư của tỉnh. Cụ thể như sau:

+ Cập nhật lại thông tin kinh tế xã hội, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư, danh mục các dự án mời gọi đầu tư, môi trường đầu tư kinh doanh chính xác, kịp thời đảm bảo nhu cầu tham khảo, tìm hiểu và tra cứu của nhà đầu tư;

+ Cập nhật Video Clip “An Giang: Tiềm năng, cơ hội đầu tư” thuyết minh tiếng Việt, phụ đề tiếng Anh, bổ sung các hình ảnh flycam tại các địa điểm, vị trí đã và đang triển khai thực hiện các dự án lớn nhằm tạo sức lan tỏa và thu hút các nhà đầu tư tiềm năng khác;

+ Cập nhật cơ sở dữ liệu phục vụ công tác số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến đầu tư gồm định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, tiềm năng thế mạnh An Giang, danh mục dự án mời gọi đầu tư; chi phí vận chuyển, điện nước, lương bình quân vùng, các đối tác hợp tác.

- Biên soạn và in ấn tài liệu bìa gấp 3 An Giang cơ hội, hợp tác đầu tư tiếng Việt, tiếng Anh; tài liệu mời gọi đầu tư và quảng bá Khu du lịch Núi Cấm, các dự án mời gọi đầu tư theo quy hoạch được duyệt.

3. Hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư:

- Tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư nhân dịp tham dự Hội thảo giới thiệu thị trường Hoa kỳ do Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức; Hội nghị gặp gỡ doanh nhân kiều bào năm 2019 tại An Giang; Hội chợ ASEAN - Trung Quốc; kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka

- Nhật Bản; Hội nghị Sơ kết 5 năm Chương trình hợp tác xúc tiến thương mại, đầu tư giữa Trung tâm Xúc tiến Thương mại Đầu tư các tỉnh, thành phố phía Nam (2014 - 2019) tại Cà Mau; Các sự kiện hội nghị, hội chợ thương mại, du lịch trong và ngoài tỉnh;

- Phối hợp với cơ quan truyền thông trong và ngoài tỉnh thực hiện chuyên đề, tin, bài quảng bá hoạt động xúc tiến đầu tư, môi trường đầu tư vào các dự án trên địa tỉnh như: Báo Đầu tư, Báo Diễn đàn doanh nghiệp, Tạp Chí kinh tế và dự báo, Báo Nhân dân,…

- Phối hợp VCCI Cần Thơ chuẩn bị nội dung tham dự Diễn đàn Hợp tác kinh doanh Nhật Bản - Mekong tại Cần Thơ năm 2019, giới thiệu về An Giang, danh mục dự án trọng điểm trong các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại dịch vụ, giao thông - đô thị;

- Tham gia các Hội nghị xúc tiến đầu tư do các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực khác tổ chức nhằm gia tăng cơ hội kết nối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước;

- Duy trì hoạt động các website của các sở, ngành, xây dựng Fanpage để tăng cường cung cấp thông tin về chương trình xúc tiến đầu tư, danh mục các dự án mời gọi đầu tư, các chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ đầu tư để doanh nghiệp và người dân truy cập và tìm hiểu. Kết nối doanh nghiệp của Bộ Công thương, Cục Xúc tiến Thương mại, Cục Đầu tư Nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tỉnh thành trong nước;

- Cung cấp thông tin về An Giang gửi Văn phòng cơ quan Xúc tiến Hàn Quốc để hỗ trợ quảng bá, mời gọi đầu tư.

4. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư:

- UBND tỉnh đã thành lập Tổ Công tác thực hiện nhiệm vụ triển khai các dự án đầu tư vào An Giang theo Quyết định số 237/QĐ-UBND ngày 01 tháng 02 năm 2019 (điều chỉnh theo Quyết định số 1317/QĐ-UBND ngày 30/5/2019), do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, thành viên là thủ trưởng các Sở, ngành và địa phương có liên quan và phân công tập thể Thường trực UBND tỉnh để trực tiếp chỉ đạo giải quyết những vướng mắc, khó khăn và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo lĩnh vực phân công phụ trách. Bên cạnh đó, các Sở Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường và Xây dựng đều thành lập Tổ Tư vấn - Hỗ trợ doanh nghiệp để tư vấn, hỗ trợ và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư và các thủ tục khác có liên quan;

- UBND tỉnh đã tổ chức tiếp xúc và cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tìm cơ hội đầu tư và khảo sát địa điểm, cụ thể như: Tập đoàn FLC, Công ty Tân Việt Sin, Tập đoàn Ching Luh - Đài Loan, Công ty Saigon Farm, Công ty Vsunwoo - Hàn Quốc, Công ty TNHH Phú Nông, Tập đoàn Green key - Tp. HCM;

- Tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 để trao đổi và lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp đang đầu tư tại tỉnh; qua đó nắm bắt, chia sẻ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh nhanh chóng, hiệu quả, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp giới thiệu và mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng là đối tác;

- Thường xuyên thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cung cấp thông tin về cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư trực tiếp đến các nhà đầu tư. Thường xuyên đưa tin, cập nhật các hoạt động xúc tiến đầu tư, môi trường đầu tư, cơ sở dữ liệu đầu tư lên trang thông tin điện tử của UBND tỉnh, các sở, ngành có liên quan để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu, tra cứu.

5. Hoạt động đào tạo tập huấn:

- Tổ chức Hội nghị phổ biến thông tin Hội nhập kinh tế quốc tế năm 2019: Mời ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam - Bộ Công thương trình bày tại Hội nghị và có trên 60 học viên tham dự;

- Tổ chức khóa tập huấn Xúc tiến thị trường Trung Quốc: Mời Tiến sĩ Đào Việt Anh – Tham tán thương mại Việt Nam tại Bắc Kinh – Trung Quốc, cùng tham dự lớp có 50 học viên đến từ các Sở, ngành của tỉnh, phòng Kinh tế hạ tầng huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội doanh nghiệp và tổ hợp tác sản xuất, trong đó xác định một số vấn đề cần lưu ý trong giao dịch, kinh doanh tại thị trường Trung Quốc;

- Tổ chức tổ chức lớp tập huấn “Dự án phát triển thương mại điện tử bền vững”. Chương trình tập huấn bao gồm các chuyên đề về xây dựng hệ thống kinh doanh online tự động 4.0; hướng dẫn cách bán hàng hiệu quả trên Sàn Thương mại điện tử; Ứng dụng Blockchain truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm An Giang; Phương pháp bán hàng toàn cầu qua Amazon và các chuyên đề chuyên sâu của Google Digital (xây dựng website hiệu quả, lập kế hoạch marketing digital plan, chiến lược truyền thông), với trên 100 học viên tham dự;

- Tổ chức tổ chức lớp tập huấn “Thúc đẩy quảng bá thương hiệu, xuất khẩu hàng hóa chủ lực của tỉnh An Giang ra thế giới thông qua sàn thương mại điện tử Alibaba.com”. Chương trình tập huấn bao gồm các chuyên đề về ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh; Giới thiệu dự án Alibaba về chiến lược, chính sách, lợi ích tại Việt Nam; GGS – chìa khóa sức mạnh; Logistics và hải quan trong xuất khẩu, tạo nền tảng để các doanh nghiệp An Giang hội nhập với nền công nghiệp 4.0 và thế giới;

- Tổ chức lớp tập huấn tuyên truyền về Hội nhập kinh tế quốc tế với chủ đề “Tìm hiểu về các thị trường trọng điểm trong CPTPP, đánh giá các tác động và lợi thế cạnh tranh của An Giang”, với sự tham dự của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ; Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế tại TP.HCM và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, hội nghị trình bày nhiều nội dung quan trọng về tình hình thị trường và tiềm năng xuất - nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam sau khi gia nhập CPTPP; Các cam kết mở cửa thị trường, cắt giảm thuế quan đối với một số mặt hàng chủ lực giữa Việt Nam và các thị trường trọng điểm trong CPTPP.

6. Kết quả cụ thể về các hoạt động xúc tiến đầu tư:

Từ các hoạt động xúc tiến đầu tư như đã nêu trên, tính từ đầu năm đến hết ngày 30 tháng 10 năm 2019, tỉnh An Giang đã thu hút đầu tư 62 dự án với tổng vốn đăng ký là 15.531 tỷ đồng (kể cả các dự các đầu tư vào các Khu Kinh tế cửa khẩu, Khu công nghiệp), diện tích sử dụng đất là 307,3 ha, trong đó: 01 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, 59 dự án đầu tư trong nước phân theo từng lĩnh vực như sau:

- Nông nghiệp: 05 dự án với tổng vốn đăng ký 450 tỷ đồng.

- Bất động sản: 17 dự án với tổng vốn đăng ký 13.075 tỷ đồng.

- Công nghiệp: 05 dự án với tổng vốn đăng ký 478 tỷ đồng.

- TM-DV: 29 dự án với tổng vốn đăng ký 311 tỷ đồng.

- Khác: 6 dự án với tổng vốn đăng ký 1.217 tỷ đồng.

Song song đó, tỉnh An Giang cũng đã hỗ trợ nhà đầu tư nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để triển khai các đề xuất dự án đã thống nhất về mặt chủ trương và ký biên bản ghi nhớ cam kết đầu tư cho 05 nhà đầu tư có tiềm lực mạnh về tài chính và công nghệ để nghiên cứu thực hiện các dự án trên lĩnh vực ưu tiên mời gọi đầu tư của tỉnh như: nông nghiệp công nghệ cao, phát triển hạ tầng du lịch, giao thông, khu đô thị,… Đây có thể được xem là tín hiệu tốt và cũng là thành quả cho những nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư của tỉnh.

II. NHỮNG HẠN CHẾ, BẤT CẬP:

Bên cạnh kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận thể hiện qua số dự án và vốn đăng ký tăng qua từng năm, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh còn nhiều hạn chế và bất cập, cụ thể như sau:

- Một số dự án kêu gọi đầu tư chưa có mục tiêu, nội dung chi tiết, rõ ràng, thiếu tính khả thi, chưa phù hợp với nguồn lực và tình hình thực tế của tỉnh, trong đó cơ chế chính sách chưa theo kịp xu hướng đầu tư hiện đại, quy mô lớn, đặc biệt là cơ chế, chính sách về đất đai, thuế;

- Chưa chuẩn bị hoặc hình thành được nền tảng và điều kiện cơ bản về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội một cách vững chắc để đáp ứng các nhu cầu và đòi hỏi khi thu hút và triển khai thực hiện các dự án quy mô lớn, nhất là điều kiện về hạ tầng về giao thông, vùng nguyên liệu, lực lượng lao động (cả lao động phổ thông, lao động có tay nghề và lao động chuyên môn sâu, chất lượng cao);

- Cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn. Thủ tục hành chính mặc dù đã được cải thiện đáng kể, điều kiện đầu tư kinh doanh được thông thoáng hơn, nhưng nhìn chung vẫn còn một số thủ tục rườm rà, bất hợp lý nên chưa thực sự tạo được môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng đúng nghĩa để hấp dẫn và thu hút các nhà đầu tư có năng lực;

- Xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, chưa tự cân đối được nguồn lực, còn phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ từ Trung ương. Do đó ngoài việc xây dựng và áp dụng các chính sách khuyến khích, ưu đãi chung như các tỉnh theo quy định của Trung ương, tỉnh An Giang chưa xây dựng được chính sách hỗ trợ đầu tư riêng để bù đắp những bất lợi về vị trí địa lý và điều kiện hạ tầng;

- Chính sách vĩ mô, quy định về đầu tư kinh doanh trong một số lĩnh vực thiếu ổn định, không đồng bộ nên ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng thu hút đầu tư của tỉnh;

- Chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung để phục vụ cho công tác xúc tiến đầu tư và chưa hình thành được cơ quan đầu mối thống nhất trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến và tiếp xúc nhà đầu tư nên công tác xúc tiến đầu tư chưa đi vào khuôn khổ, nề nếp, chuyên nghiệp, từ đó hiệu quả chưa cao;

- Một số dự án đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Chủ trương đầu tư nhưng chậm triển khai thực hiện mà chưa có cơ chế thu hồi ngay, điều này làm ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư khác;

- Hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá, tổ chức sự kiện còn thấp; dữ liệu, tài liệu, ấn phẩm giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội trong thời gian qua còn chưa đầy đủ, chất lượng tuyên truyền quảng bá chưa sâu và tính lan tỏa chưa cao;

- Việc tổ chức đoàn ra trong thời gian qua cũng gặp phải những khó khăn như: chưa có được mối quan hệ với cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nơi tổ chức đoàn ra; nội dung giới thiệu, quảng bá về môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều bất cập hạn chế; thông tin dự án mời gọi đầu tư chỉ dừng lại danh mục, chưa có dự án;

- Doanh nghiệp tham gia đoàn ra chưa nhiều. Đa số doanh nghiệp chưa có chương trình dự án để hợp xúc tiến đầu tư hợp tác với đối tác nước ngoài;

- Nguồn lực về kinh phí không đáp ứng cho yêu cầu. Chuyên môn của cán bộ làm công tác đoàn ra còn hạn chế;

III. NGUYÊN NHÂN CỦA HẠN CHẾ, BẤT CẬP:

Những tồn tại, hạn chế, bất cập nêu trên do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có khách quan và chủ quan, cụ thể như sau:

1. Nguyên nhân chủ quan:

- Nhận thức và năng lực tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư ở các cấp, các ngành, địa phương và doanh nghiệp còn bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp và kinh nghiệm thực tiễn. Các hoạt động xúc tiến đầu tư còn đơn lẻ, chưa có sự kết nối, chưa có chiến lược dài hạn, lộ trình cụ thể, hướng đi rõ ràng;

- Tổ chức bộ máy chậm được kiện toàn, đội ngũ cán bộ còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ; công tác đào tạo tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực về công tác xúc tiến của cán bộ chuyên môn chưa được quan tâm đúng mức, phần lớn chưa qua đào tạo nâng cao. Ở cấp huyện hầu hết cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư là kiêm nhiệm nên không chuyên sâu. Công tác chỉ đạo, điều hành ở một vài nơi còn thiếu tính sáng tạo, đổi mới, chưa thật sự chủ động, linh hoạt và quyết liệt. Ở một số nơi, tại một vài thời điểm còn thụ động, có tâm lý chờ đợi, chưa chủ động, tích cực nghiên cứu, tìm hiểu các đối tác, từ đó làm mất đi cơ hội thu hút các dự án, đặc biệt là các dự án có quy mô lớn, có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh;

- Việc chuẩn bị nội dung cho từng dự án chưa thật sự kỹ lưỡng, chi tiết vì có liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Mặt khác, công tác phối hợp của sở, ngành chưa chặt chẽ nên chưa kịp thời đáp ứng và giải quyết được các yêu cầu, trong việc cung cấp thông tin và hướng dẫn nhà đầu tư. Từ đó, làm ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư cũng như khả năng thu hút đầu tư của tỉnh;

- Chưa chủ động, thường xuyên kết nối, phát huy được mối quan hệ với các Đại sứ quán, tham tán đầu tư, thương mại Việt Nam ở nước ngoài để thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư, đặc biệt là các đối tác truyền thống và có tiềm năng lớn theo định hướng phát triển của tỉnh;

2. Nguyên nhân khách quan:

- Vị trí địa lý của tỉnh An Giang cách xa các trung tâm kinh tế và phát triển của vùng nói chung và của cả nước nói riêng, hệ thống kết cấu hạ tầng còn yếu kém, thiếu đồng bộ (nhất là hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, bến cảng) hệ thống Logistics chậm phát triển. Từ đó, làm gia tăng chi phí, giảm khả năng cạnh tranh với các địa phương có điều kiện thuận lợi hơn;

- Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra nhanh, mạnh và khó lường hơn dự báo. Các chính sách về bảo hiểm nông nghiệp mới bước đầu được hình thành, chưa thật sự trở thành điểm tựa để các nhà đầu tư an tâm;

- Các dự án đầu tư công về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, công nghiệp, thương mại - dịch vụ triển khai chậm hoặc bị dừng do ngân sách không đảm bảo. Bên cạnh đó, cũng do nguồn lực của tỉnh còn hạn chế nên cũng chưa tạo ra được quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư;

- Ngoài việc thiếu nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, nguồn kinh phí cấp cho các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh cũng bị hạn chế, hầu hết do tỉnh tự cân đối, trong khi đó ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, nguồn xã hội hóa không đáng kể nhưng chưa được hỗ trợ từ Trung ương cũng như chưa gắn với các hoạt động của Chương trình xúc tiến đầu tư cấp quốc gia.

Phần thứ 2

NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2020

I. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG VÀ MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ:

1. Quan điểm:

- Tiếp tục thu hút đầu tư nhưng có chọn lọc, tập trung vào các lĩnh vực “nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng”. Trong đó, xác định nông nghiệp và du lịch là mũi nhọn, công nghiệp thương mại và dịch vụ là bệ phóng, hạ tầng giao thông là căn bản. Tập trung thu hút đầu tư vào những khu công nghiệp chế biến, công trình giao thông kết nối, hệ thống dịch vụ logistics, thương mại hóa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo phát triển bền vững tạo đà cho phát triển nhanh;

- Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ bằng cách hình thức: Tập trung khai thác có hiệu quả các nguồn lực trên địa bàn tỉnh; thúc đẩy nhanh quá trình thành lập doanh nghiệp - gia nhập thị trường; chuyển đổi nguồn vốn tích lũy, nguồn vốn tín dụng trong và ngoài tỉnh, ngoài nước thành vốn đầu tư để hình thành các công trình, nhà máy cụ thể nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và phát triển của tỉnh;

- Phát triển kinh tế - xã hội phải đi đôi với giữ vững an ninh - quốc phòng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội;

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính trọng tâm là thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả trong công tác xúc tiến đầu tư và năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và cốt lõi của cả hệ thống chính trị nhằm tạo bước đột phá mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là yếu tố quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo ra nhiều việc làm và của cải cho xã hội, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân;

- Khai thác tốt các nguồn lực, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để biến các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh thực sự trở thành động lực và đòn bẩy mới trong phát triển kinh tế, sản xuất hàng hóa, phát triển thương mại - dịch vụ và du lịch tương xứng, đủ sức cạnh tranh trong nước và quốc tế.

2. Định hướng:

Chương trình Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2020 tập trung theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra, trong đó đặc biệt chú trọng tập trung theo định hướng của Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/6/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình hành động số 08-CTr/TU ngày 11/11/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025; các Nghị quyết về phát triển du lịch và dịch vụ, phát triển công nghiệp, định hướng cụ thể vào một số lĩnh vực trọng tâm như sau:

- Tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực: Nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng kỹ thuật hiện đại như trồng và chế biến rau củ quả, các sản phẩm nông nghiệp; chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ chăn nuôi; lĩnh vực du lịch và dịch vụ; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và từ nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương, sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường; lĩnh vực đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng bến cảng đường thủy nội địa, hạ tầng giao thông đô thị và nông thôn; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối; xử lý nước thải, rác thải đô thị và nông thôn; đổi mới sáng tạo, công nghiệp ICT, kỹ thuật số;

- Không chấp nhận các dự án đầu tư có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, khai thác lãng phí nguồn tài nguyên, công nghệ lạc hậu, phá hủy môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. Ưu tiên các dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, các dự án đầu tư có chiều sâu đổi mới công nghệ và trình độ quản trị tiên tiến, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, tạo ra nhiều việc làm;

- Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Đa dạng hóa các hoạt động và phương thức xúc tiến đầu tư; tiếp tục duy trì các thị trường và đối tác truyền thống, đồng thời mở rộng thị trường, đối tác mới; chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ với những nhà đầu tư hợp tác thành công;

- Chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tăng cường công tác dự báo tình hình phát triển kinh tế khu vực và thế giới để có kế hoạch xúc tiến đầu tư phù hợp.

3. Mục tiêu:

Trên cơ sở kết quả đạt được các năm qua, đồng thời dựa trên quan điểm và định hướng thu hút đầu tư trong thời gian tới, Chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2020 phấn đấu đạt mục tiêu sau:

- Thu hút tối thiểu 5 dự án FDI, tổng vốn đầu tư FDI trên 50 triệu USD và trên 60 dự án đầu tư lớn nhỏ từ các nhà đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư tối thiểu 15 ngàn tỷ đồng. Triển khai thực hiện và đưa vào hoạt động ít nhất 50% trên tổng số dự án được cấp phép;

- Mời gọi thành công và cấp Chủ trương đầu tư cho ít nhất 5 dự án đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn, diện tích sử dụng đất trên 200 ha cho mỗi dự án, tổng diện tích sử dụng đất trên 1.000 ha, vốn đầu tư vào lĩnh vực này tối thiểu đạt 2.000 tỷ đồng và giải ngân trên 50%;

- Mời gọi thành công và cấp Chủ trương đầu tư tối thiểu 10 dự án đầu tư vào lĩnh vực phát triển du lịch, kết cấu hạ tầng, thương mại và dịch vụ với tổng vốn đầu tư vào các lĩnh vực này tối thiểu đạt 3.000 tỷ đồng và giải ngân trên 50%;

- Tổ chức ít nhất 3 đoàn công tác cấp tỉnh đi một số nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, Thái Lan, Úc, Mỹ, Canada, các nước Châu Âu nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế, mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng, có thế mạnh trong các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh, đồng thời kết hợp học tập kinh nghiệp về khai thác, chế biến, nuôi trồng thủy sản, đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao;

- Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về xúc tiến đầu tư của tỉnh, trong đó đề cập đầy đủ các chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ đầu tư, thông tin chi tiết về các dự án mời gọi đầu tư, trình tự thủ tục đầu tư, những thuận lợi và khó khăn đối với từng dự án để nhà đầu tư có đầy đủ thông tin trước khi quyết định đầu tư;

II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ:

Trên cơ sở quan điểm, định hướng và mục tiêu như đã nêu trên, xu thế các dòng vốn FDI trên thế giới, khả năng thu hút FDI của Việt Nam và của tỉnh An Giang, Chương trình Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2020 gồm 8 nội dung hoạt động chủ yếu sau:

1. Hoạt động nghiên cứu, đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư:

- Tiếp tục tập trung nghiên cứu tiềm năng và xu hướng đầu tư vào Việt Nam của các đối tác truyền thống đã và đang đầu tư tại An Giang như Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, Úc,…Đồng thời đánh giá tiềm năng hợp tác đầu tư và xu hướng đầu tư vào Việt Nam của các đối tác mới như: Singapore, Malaysia, Mỹ, New Zealand, Pháp, Thụy Điển, Hà Lan,...

- Phối hợp tham tán Việt Nam tại các nước xây dựng kế hoạch tổ chức các đoàn ra xúc tiến đầu tư gắn với xúc tiến thương mại và du lịch với các đối tác tiềm năng, đồng thời duy trì kết nối, giao thương, giữ mối quan hệ chặt chẽ, tốt đẹp với các đối tác truyền thống bằng việc tổ chức đoàn ra, đón đoàn vào một cách thiện chí, chuyên nghiệp, cởi mở, thẳng thắn trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi;

- Tăng cường kết nối thông qua việc trao đổi thông tin, kết hợp xúc tiến đầu tư và tiến hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp An Giang với doanh nghiệp nước ngoài theo hình thức phát triển chuỗi liên kết đối với các lĩnh vực ưu tiên đầu tư của tỉnh.

2. Hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu cho hoạt động xúc tiến đầu tư:

- Tiếp tục cập nhật thông tin, số liệu, dữ liệu, tài liệu về kinh tế - xã hội theo định kỳ, xu hướng đầu tư trên thế giới và Việt Nam, thông tin thị trường trong nước và quốc tế phục vụ cho hoạt động hỗ trợ nhà đầu tư;

- Tiếp tục nâng cấp Cổng thông tin điện tử về xúc tiến đầu tư theo một giao diện thân thiện, dễ hiểu, hướng đến nhà đầu tư nước ngoài. Với chức năng chính là cung cấp thông tin về Chính sách – thủ tục đầu tư – tiềm năng – cơ hội hợp tác, là đòn bẩy thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp của các Sở, ban ngành, góp phần tiết kiệm thời gian, kinh phí xúc tiến đầu tư;

- Đổi mới công tác xây dựng cơ sở dữ liệu và cung cấp dữ liệu theo hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, bản in, các thông tin xúc tiến đầu tư sẽ được số hóa, để thuận tiện cho việc chia sẻ thông tin đến các nhà đầu tư một cách chủ động và được cập nhật thường xuyên trên phần mềm xúc tiến đầu tư;

- Xây dựng bản đồ số về dự án đầu tư trên nền bảng đồ Google map để định vị trí các dự án đã, đang và sẽ đầu tư. Bản đồ số sẽ được tích hợp vào phần mềm khi triển khai và chạy thử ngoại tuyến (sử dụng mạng nội bộ) trước khi triển khai ứng dụng trực tuyến cho nhà đầu tư.

3. Xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư:

- Xây dựng báo cáo đề xuất chủ trương mời gọi đầu tư của danh mục 55 dự án trọng điểm, nhằm cung cấp cho nhà đầu tư thông tin đầy đủ, chi tiết đối với từng dự án mời gọi đầu tư về: Quy mô, địa điểm, họa đồ vị trí; thông tin về quy hoạch, điều kiện tự nhiên, điều kiện hạ tầng kỹ thuật (giao thông, điện nước, thông tin liên lạc), hạ tầng xã hội; các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư đối với từng dự án; phân tích những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện dự án (nếu có); phân tích sơ bộ về tính khả thi của dự án, ý kiến của chính quyền địa phương, nhân dân vùng dự án và các vấn đề khác có liên quan để nhà đầu tư có thể hiểu rõ tổng quát về dự án và nhanh chóng đưa ra quyết định của mình;

- Tổ chức tổng kết Chương trình xúc tiến đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 nhằm đánh giá hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, đánh giá kết quả thực hiện thu hút các dự án thuộc danh mục kêu gọi đầu tư của giai đoạn 2016 - 2020 để rút kinh nghiệm cho công tác xây dựng Chương trình xúc tiến đầu tư giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, danh mục dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021-2025 phải bám sát kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và phải được lấy ý kiến các sở ban ngành, đoàn thể trước khi phát hành rộng rãi.

4. Hoạt động xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư

- Biên soạn và tái bản Ấn phẩm “An Giang: Kết nối cơ hội, hợp tác thành công”; Video Clip “An Giang – Tiềm năng và Cơ hội đầu tư” trong đó cập nhật hình ảnh, thông tin về kinh tế xã hội; cơ sở hạ tầng; các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư chung và trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, công nghiệp; quy mô dân số, lực lượng lao động; cập nhật danh mục các dự án trọng điểm mời gọi đầu tư của tỉnh (có điều chỉnh, bổ sung). Tài liệu và ấn phẩm đều song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh) để sử dụng trong các hoạt động xúc tiến đầu tư trong thời gian tới.

5. Hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư:

- Tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương thực hiện chuyên đề quảng bá xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh, viết bài, đăng tin, xây dựng các phóng sự nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và dự án kêu gọi thu hút đầu tư của tỉnh thông qua các kênh truyền thông, các phương tiện thông tin đại chúng;

- Xây dựng và hình thành nên mạng lưới các chuyên gia, phóng viên có uy tín và chuyên môn cao để hỗ trợ tỉnh phản biện các vấn đề thời sự liên quan các dự án đầu tư trên địa bàn nhằm đảm bảo cung cấp thông tin trung thực, chính thống nhất đến công luận; tránh dư luận xấu, xuyên tạc về môi trường, chính sách đầu tư của Tỉnh;

- Tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị đối thoại trực tiếp doanh nghiệp với sự tham dự của các chuyên gia, phóng viên báo đài nhằm phổ biến các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, lắng nghe ý kiến đề xuất của doanh nghiệp về những bất cập trong cơ chế, chính sách để tiếp tục hoàn thiện nhằm tạo môi trường tốt nhất cho các hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh;

- Tích cực tham gia diễn đàn, hội nghị - hội thảo, các sự kiện về xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để thu thập và trao đổi thông tin, dữ liệu về đầu tư và đồng thời cũng gia tăng cơ hội quảng bá về môi trường đầu tư cũng như danh mục các dự án mời gọi đầu tư của tỉnh;

- Tổ chức các Đoàn công tác cấp tỉnh và cấp sở, ngành để tiếp cận với đối tác đầu tư giới thiệu về những thành tựu kinh tế - xã hội, tiềm năng, thế mạnh và chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, các dự án trọng điểm, ưu tiên mời gọi đầu tư của tỉnh.

6. Hoạt động đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư:

- Đào tạo, nâng cao trình độ ngoại ngữ đối với cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng và nghệ thuật xúc tiến đầu tư tại chỗ cho cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư của các sở, ban, ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh;

- Lựa chọn cử cán bộ tham dự các chương trình đào tạo tập huấn về xúc tiến đầu tư do Bộ ngành Trung ương, các tổ chức trong và ngoài nước tổ chức;

- Phối hợp, liên kết với cơ quan trung ương mở 01-02 lớp đào tạo về kiến thức quản lý, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, công nghiệp ICT, kỹ thuật số cho cán bộ quản lý nhà nước, lãnh đạo các doanh nghiệp, thích ứng tốt trong thời kỳ hội nhập, bối cảnh và đòi hỏi thực tế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0);

- Tổ chức các đoàn học tập kinh nghiệm về công tác xúc tiến đầu tư tại các tỉnh, thành phố phát triển và có các đặc điểm tương đồng với tỉnh An Giang nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ làm công tác xúc tiến.

7. Hoạt động hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư; tiềm năng, thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư; triển khai dự án sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư:

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tập trung chỉ đạo các sở, ban ngành tiếp tục rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giảm tối đa số thủ tục, thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Củng cố Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư;

- Cung cấp thông tin về tình hình đầu tư, quy hoạch; pháp luật, cơ chế, chính sách, quy hoạch định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, các thủ tục đầu tư, tình hình đất đai và mặt bằng các khu - cụm công nghiệp. Hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện thủ tục về đầu tư kinh doanh, khảo sát mặt bằng, lựa chọn địa điểm đề xuất đầu tư trên các Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Ban Quản lý khu kinh tế, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư;

- Tăng cường đối thoại, thường xuyên theo dõi hoạt động của nhà đầu tư, kiểm tra, giám sát để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Phối hợp tổ chức hiệu quả hoạt động tìm kiếm, liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp;

- Tiếp tục công tác hỗ trợ các dự án đã được cấp phép đầu tư để triển khai được nhanh chóng và thuận lợi; tích cực hỗ trợ mở rộng đầu tư đối với những dự án hiệu quả; tổ chức tiếp doanh nghiệp định kỳ hằng tháng; đẩy mạnh xử lý và trả lời vướng mắc của doanh nghiệp qua Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp, xem đây là việc làm thường xuyên, mang lại niềm tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, tạo hiệu ứng lan tỏa, an tâm cho nhà đầu tư tại An Giang;

- Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng chủ lực, xây dựng, duy trì và phát triển chuỗi liên kết, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ, quảng bá thương hiệu sản phẩm trên các website để tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ, kết nối với các doanh nghiệp khác nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển thị trường.

8. Hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư:

- Duy trì kết nối, giữ vững mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với các tổ chức xúc tiến các nước như EUROCHAM, AMCHAM, KOTRA, JETRO, các Tham tán đầu tư và thương mại tại các nước,...để tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ trong việc quảng bá, giới thiệu tiềm năng, môi trường và cơ hội đầu tư vào tỉnh An Giang. Bên cạnh đó, cũng tìm hiểu sâu thêm về đối tác và nhu cầu mở rộng đầu tư để đề xuất xây dựng các chương trình hợp tác mời gọi đầu tư vào các dự án trọng điểm của tỉnh;

- Tổ chức các đoàn đi khảo sát, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm xúc tiến đầu tư, mô hình phát triển các khu – cụm công nghiệp, khu kinh tế ở trong và ngoài nước. Học tập kinh nghiệm của các địa phương đã có kinh nghiệm và thành công trong công tác xúc tiến và thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Nam thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia vào các đoàn xúc tiến đầu tư ở nước ngoài do Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức;

- Tiếp tục giữ mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố, các hiệp hội doanh nghiệp và cơ quan xúc tiến các tỉnh, thành phố trong việc tổ chức thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư;

- Tăng cường liên kết các hoạt động xúc tiến đầu tư với các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và các chương trình tuyên truyền đối ngoại;

- Nghiên cứu tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm thu hút đầu tư nước ngoài vào An Giang nhằm đánh giá hoạt động đầu tư kinh doanh, chính sách hỗ trợ. Để từ đó có đánh giá và định hướng thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH:

Để thực hiện được những mục tiêu, định hướng đề ra, cũng như nội dung Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2020, các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau đây:

1. Giải pháp về cơ chế, chính sách và cải cách hành chính:

- Tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên cơ sở các nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Kế hoạch hành động số 460/KH-UBND ngày 29/7/2019 của UBND tỉnh về triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ; gắn với nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) của tỉnh An Giang 2019, định hướng đến năm 2021; các chương trình, kế hoạch về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 08/2015/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về Nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020;

- Tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng điều hành và thực thi công vụ của bộ máy chính quyền, lấy cải cách hành chính làm khâu đột phá, lấy công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ làm hạt nhân nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về chất lượng phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Phối hợp thực hiện Quy chế một cửa liên thông trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính về đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh, giảm tối đa thời gian và chi phí giải quyết thủ tục hành chính ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề;

- Triển khai thực hiện bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở ban ngành và địa phương (DDCI) tỉnh An Giang năm 2020. Thực hiện đánh giá tính sáng tạo và kết quả điều hành của các sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện theo chỉ số cạnh tranh cấp sở, cấp huyện, góp phần xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh;

- Phấn đấu xây dựng cơ chế, chính sách riêng, đặc thù cho tỉnh An Giang để hỗ trợ tốt nhất có thể cho nhà đầu tư để bù đắp lại những bất lợi về vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng nhằm tạo sức hấp dẫn mới cho nhà đầu tư;

- Tăng cường gặp gỡ, đối thoại với nhà đầu tư để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các dự án đã được chấp thuận đầu tư triển khai thuận lợi và hoạt động có hiệu quả.

2. Giải pháp về huy động nguồn lực và tiếp cận đất đai:

- Tập trung nguồn lực, tăng chi ngân sách, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và các Tổ chức quốc tế để đầu tư và chuẩn bị tốt về điều kiện cơ sở hạ tầng, tạo quỹ đất sạch, quy hoạch và tạo vùng nguyên liệu để hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư muốn đầu tư kinh doanh tại tỉnh An Giang;

- Tạo ra bước đột phá mới trong quá trình triển khai thực hiện Đề án và Kế hoạch tạo quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang đến năm 2020. Xây dựng quy trình, hướng dẫn cụ thể về trình tự và cơ sở pháp lý để triển khai Đề án khung pháp lý thuê lại đất của dân để thực hiện dự án nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh An Giang theo Quyết định 2559/QĐ-UBND ngày 15/10/2018;

- Tiếp tục thực hiện cơ chế thỏa thuận, chấp thuận đầu tư trước, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm đưa dự án đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh;

- Tăng chi các nguồn sự nghiệp để thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư gắn với xúc tiến thương mại và du lịch. Tranh thủ các nguồn vốn hợp pháp khác để bù đắp phần nào khó khăn của ngân sách cho các hoạt động xúc tiến;

- Phát huy và tận dụng lợi thế của tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long để tranh thủ cơ chế chính sách, phân bổ nguồn lực đầu tư từ Trung ương, đặc biệt là các dự án có tính chất liên kết vùng, kết nối cao, chia sẻ tài nguyên giữa các địa phương để từng bước thu hẹp khoảng cách về địa lý, xóa bỏ các rào cản về không gian để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực tiềm năng và thế mạnh của tỉnh.

3. Giải pháp về khoa học – công nghệ và truyền thông:

- Tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh;

- Xây dựng và cung cấp phần mềm về xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang có khả năng tương tác trên điện thoại di động để cung cấp miễn phí cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân, cán bộ quản lý, công chức thực thi công vụ để dễ truy cập, tìm hiểu, tư vấn và quảng bá;

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cấp và vận hành các Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, ban ngành hoàn thiện trang thông tin điện tử của tỉnh về xúc tiến đầu tư, pháp luật, cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư, môi trường, cơ hội đầu tư, các thông tin cơ bản và chi tiết về các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư truy cập, tìm hiểu;

- Tăng cường hợp tác với các diễn giả, cơ quan báo chí địa phương và Trung ương trong công tác thông tin và truyền thông nhằm quảng bá hình ảnh, chính sách và môi trường đầu tư của tỉnh đến với các đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước; chủ động, tận dụng khai thác thông tin từ nhiều nguồn khác nhau về xúc tiến thương mại và đầu tư nhằm hỗ trợ cho việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp.

4. Giải pháp về hợp tác - đối ngoại:

- Tăng cường công tác hợp tác với các Tham tán thương mại và đầu tư của Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan xúc tiến, cơ quan ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam. Thường xuyên giữ mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức xúc tiến trong nước;

- Tổ chức hội nghị, hội thảo, đoàn ra, đoàn vào để gặp gỡ, tiếp xúc với nhà đầu tư, đối tác để trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác và mời gọi đầu tư;

- Tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh, gắn kết với các hoạt động xúc tiến đầu tư của các Bộ, ngành Trung ương và một số địa phương trên cả nước;

- Tăng cường liên kết các hoạt động xúc tiến đầu tư với các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và các chương trình tuyên truyền đối ngoại.

5. Giải pháp nâng cao năng lực

- Tổ chức đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp của các sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong việc xây dựng Chương trình, Kế hoạch xúc tiến đầu tư, kỹ năng và nghệ thuật xúc tiến đầu tư; khả năng ngoại ngữ cơ bản và chuyên sâu, kỹ năng giao tiếp, đạo đức công vụ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, công nghiệp ICT, kỹ thuật số nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đủ trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, thích ứng tốt trong thời kỳ hội nhập, bối cảnh và đòi hỏi thực tế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0);

- Thường xuyên cập nhật cơ chế, chính sách, thông tin thương mại, thị trường, tình hình biến động về chính trị - kinh tế thế giới, xu thế các dòng vốn FDI, mô hình kinh doanh mới, sự phát triển khoa học – công nghệ để cán bộ quản lý, cán bộ chuyên trách có đầy đủ thông tin nhằm hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp một cách hiệu quả, chắc chắn.

IV. Dự toán kinh phí và nguồn kinh phí thực hiện Chương trình:

1. Dự toán kinh phí: 7.752.000.000 đồng (Bằng chữ: Bảy tỷ, bảy trăm năm mươi hai triệu đồng), chi tiết tại Phụ lục 1

2. Nguồn kinh phí thực hiện các hoạt động trong Chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2020 được chi từ nguồn ngân sách tỉnh

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan Thường trực Chương trình Xúc tiến đầu tư của tỉnh, có trách nhiệm:

- Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2020; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xúc tiến đầu tư, kiểm tra, đôn đốc, theo dõi tình hình triển khai thực hiện của các sở, ban ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố, kịp thời tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư định kỳ 6 tháng và hàng năm;

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư năm 2020 được phân công tại Phụ lục 1, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp mới, cách làm hay, hiệu quả, thiết thực để UBND tỉnh xem xét, quyết định;

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư nhằm đánh giá hiệu quả trong việc thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích đầu tư;

- Làm đầu mối triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp để giải quyết kịp thời những kiến nghị hợp lý của doanh nghiệp hiện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp;

- Chủ trì rà soát, cập nhật các tài liệu, ấn phẩm, cơ sở dữ liệu, phần mềm về xúc tiến đầu tư của tỉnh; chủ trì xây dựng Video Clip giới thiệu về tiềm năng và cơ hội đầu tư tại An Giang.

2. Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư có trách nhiệm:

- Chủ trì xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện các hoạt động, nội dung xúc tiến đầu tư được phân công tại Phụ lục 1;

- Tiếp nhận những kiến nghị, phản ánh của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện xúc tiến đầu tư, kịp thời báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Ban Quản lý Khu kinh tế:

Chủ trì, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu; đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu.

4. Sở Ngoại vụ:

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thiết lập quan hệ với các cơ quan đại diện nước ngoài, các cơ quan hợp tác phát triển quốc tế tại Việt Nam phục vụ cho công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh;

- Đề xuất các đoàn đi nước ngoài tham dự các hoạt động ngoại giao kinh tế nhằm chủ động tiếp cận; xúc tiến đầu tư với các đối tác nước ngoài tại các sự kiện quan trọng trong và ngoài nước; kêu gọi và vận động kiều bào, người nước ngoài, doanh nhân nước ngoài đầu tư vào tỉnh An Giang;

- Phối hợp, tìm kiếm, vận động các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án mời gọi đầu tư của Tỉnh; phối hợp tuyên truyền, quảng bá môi trường đầu tư của tỉnh với các đối tác, đoàn khách nước ngoài đến làm việc tại tỉnh.

5. Sở Tài chính:

Căn cứ vào các nội dung, nhiệm vụ cụ thể của từng hoạt động xúc tiến đầu tư thẩm định, cân đối, bố trí kinh phí ngân sách nhà nước đảm bảo thực hiện; kiểm tra, quyết toán vốn thực hiện Chương trình theo quy định;

6. Các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương theo chức năng và nhiệm vụ chủ động triển khai lồng ghép vào hoạt động của đơn vị để thực hiện Chương trình này.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

Căn cứ Chương trình Xúc tiến đầu tư của tỉnh, chủ động xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư theo lĩnh vực địa bàn quản lý. Phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế và các sở, ban ngành có liên quan trong việc triển khai có hiệu quả Chương trình này.

8. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nhân trẻ, các Hội, cơ quan, đoàn thể của tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ tích cực phối hợp với các đơn vị sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố trong việc triển khai thực hiện Chương trình này.

Định kỳ 6 tháng (trước 30 tháng 5) và cả năm (trước 15 tháng 11) các Sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố báo cáo và cung cấp thông tin về kết quả thực hiện; kiến nghị và đề xuất phương hướng tới gửi đơn vị thường trực để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

VI. PHỤ LỤC KÈM THEO

Phụ lục 1: Tổng hợp đề xuất các hoạt động xúc tiến đầu tư năm 2020 (theo mẫu Biểu thống kê quy định tại Quyết định số 03/2014/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ).

Phụ lục 2: Tiến độ triển khai thực hiện các dự án đã trao quyết định chủ trương đầu tư.

Phụ lục 3: Danh mục hợp tác và kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh An Giang.

Phụ lục 4: Báo cáo rà soát cơ quan xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang.

Phụ lục 5: Các chính sách, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh An Giang.

 

PHỤ LỤC 1:

TỔNG HỢP ĐỀ XUẤT CÁC HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2677/QĐ-UBND ngày 05 tháng 11 năm 2019 của UBND tỉnh An Giang)

TT

Loại hoạt động XTĐT

Thời gian tổ chức

Đơn vị đầu mối tổ chức thực hiện

Thời gian tổ chức thực hiện

Địa điểm tổ chức

Mục đích/ Nội dung của hoạt động

Ngành/ lĩnh vực kêu gọi đầu tư

Địa bàn / tỉnh /vùng kêu gọi đầu tư

Căn cứ triển khai hoạt động

Đơn vị phối hợp

Kinh phí (triệu đồng)

Trong nước

Nước ngoài

Tổ chức/cơ quan trong nước

Tổ chức/ cơ quan nước ngoài

Doanh nghiệp

Ngân sách Nhà nước cấp

Chương trình XTĐT Quốc gia

Khác (tài trợ)

Trong nước

Nước ngoài

 

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

1

Hoạt động nghiên cứu, đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư

 

 

 

1.1

Tổ chức đoàn ra xúc tiến tại Nhật Bản

Cả năm

Trung tâm Xúc tiến TM&ĐT

 

 

X

Tham gia cùng VCCI Cần Thơ tổ chức diễn đàn kêu gọi đầu tư vào ĐBSCL tại Nhật Bản

Chế biến thực phẩm, nông thủy sản, hạ tầng, logistic và du lịch

ĐBSCL

Biên bản họp CLB Mekong PC lần II năm 2019 tại Vũng Tàu

VCCI Cần Thơ

 

X

X

600

 

 

1.2

Tổ chức tiếp đón đoàn vào, kết nối đầu tư nước ngoài (Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ)

Cả năm

Trung tâm Xúc tiến TM&ĐT

 

X

 

Tổ chức hội nghị, quảng bá, xúc tiến, mời gọi đầu tư

Nông nghiệp công nghệ cao

An Giang

Chương trình XTTM&ĐT 2020

Cục Xúc tiến Đầu tư

Lãnh sự quán Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản

X

X

200

 

 

2

Hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu

 

Xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm XTĐT tỉnh An Giang

2020

Sở KHĐT

Quý II

X

 

Cung cấp phần mềm CSDL về XTĐT để dễ truy cập, dễ hiểu

 

Cung cấp trong nước và quốc tế

Nhu cầu đổi mới công tác XTĐT

Sở, ngành tỉnh, đơn vị tư vấn

 

X

 

500

 

 

3

Xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư

 

 

 

 

Xây dựng Đề cương, nội dung chi tiết 55 dự án kêu gọi đầu tư được duyệt

2020

Sở KHĐT

Quý II

X

 

Giới thiệu nội dung chi tiết dự án

NN, CN, TM-DV- DL, XD, YT

An Giang

CV 4639 ngày 19/9/2019

Sở, ngành tỉnh, đơn vị tư vấn

 

X

 

2.732

 

 

4

Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư

 

 

 

4.1

Hiệu chỉnh và tái bản ấn phẩm “Cẩm nang An Giang mời gọi đầu tư”

2020

Sở KHĐT

Quý I

X

 

Phục vụ Hội nghị XTĐT và công tác xúc tiến

 

An Giang

CV 4639 ngày 19/9/2019

Sở ngành liên quan

 

 

 

80

 

 

4.2

Cập nhật Video clip “An Giang - Tiềm năng và cơ hội đầu tư”

2020

Sở KHĐT

Quý I

X

 

Phục vụ Hội nghị XTĐT và công tác xúc tiến

 

An Giang

CV 4639 ngày 19/9/2019

Sở ngành liên quan

 

 

 

190

 

 

4.3

Brochure, Profile, Leaflet, tài liệu, sách, cẩm nang, ấn phẩm

Cả năm

BQLKKT, Trung tâm Xúc tiến TM&ĐT

Cả năm

X

X

Phục vụ công tác xúc tiến

Đa ngành

An Giang

Chương trình XTTM&ĐT 2020

Sở ngành liên quan

 

X

X

500

 

 

5

Hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, và cơ hội đầu tư

5.1

Tổ chức hội nghị triển lãm, hội chợ xúc tiến thương mại

Cả năm

Trung tâm Xúc tiến TM&ĐT

 

X

 

Kết nối giao thương

NN

An Giang

 

Sở, ngành tỉnh

 

X

X

400

 

 

5.2

Tham gia hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Vùng ĐBSCL 2020

Quý IV/2020

Trung tâm Xúc tiến TM&ĐT

Quý IV/2020

X

 

Giới thiệu môi trường đầu tư, kinh doanh. Mời gọi đầu tư

Đa ngành

An Giang

Theo định kỳ của VCCI

Sở, ngành tỉnh

x

X

X

150

 

 

5.3

Truyền thông, quảng bá môi trường đầu tư trên phương tiện thông tin đại chứng.

2020

Sở KHĐT; Trung tâm Xúc tiến TM&ĐT

2020

X

 

Quảng bá môi trường đầu tư, kinh doanh.

Đa ngành

 

 

Sở, ngành tỉnh, cơ quan báo chí, diễn giả, nhà báo

X

X

X

300

 

 

5.4

Tổ chức đoàn lãnh đạo đi thăm và làm việc với đại sứ quán, tổng lãnh sự, cơ quan xúc tiến nước ngoài tại Việt Nam; Hiệp hội, doanh nghiệp

2020

Trung tâm Xúc tiến TM&ĐT

2020

X

 

Quảng bá môi trường đầu tư, kinh doanh.

Đa ngành

 

 

Sở, ngành tỉnh, cơ quan lãnh sự, hội, hiệp hội

X

X

X

200

 

 

5.5

Hội nghị tổng kết 20 xúc tiến đầu tư FDI vào An Giang

2020

Trung tâm Xúc tiến TM&ĐT

Quý III/2020

X

 

Tổng kết và đánh giá công tác thu hút đầu tư FDI

Đa ngành

An Giang

 

Sở, ngành tỉnh, cơ quan lãnh sự, DN FDI, DN, HH

X

X

X

200

 

 

5.6

Hội nghị tổng kết Chương trình xúc tiến đầu tư giai đoạn 2016- 2020

2020

Sở KHĐT

Quý II/2020

X

 

Tổng kết công tác thu hút đầu tư

Đa ngành

An Giang

 

Sở, ngành tỉnh, DN, HH

 

X

X

200

 

 

5.7

Hội nghị tiếp xúc các nhà đầu tư theo chuyên đề, lĩnh vực du lịch

2020

Sở VH,TTDL

Quý III/2020

X

 

Giới thiệu tiềm năng đầu tư vào du lịch

Đa ngành

An Giang

 

Sở, ngành tỉnh, DN, HH

X

X

X

100

 

 

5.8

Hội thảo xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp tỉnh An Giang dành cho doanh nghiệp nước ngoài (Hàn Quốc, Nhật Bản)

2020

BQLKKT

Quí I/2020

x

 

Tổ chức hội nghị, quảng bá, xúc tiến, mời gọi đầu tư

Công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp nhẹ…

An Giang

Chương trình XTĐT 2020

- VCCI tại TP. HCM - VP UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương

Tổ chức đại diện tại TP. HCM

 

x

200

 

 

5.9

Hội nghị đối thoại doanh nghiệp (2 lần)

2020

Sở KHĐT

Quý II và IV/2020

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

100

 

 

5.10

Nâng cấp, bảo trì Cổng thông tin điện tử về Xúc tiến đầu tư của Sở KHĐT và Trung tâm XTTMĐT tỉnh

2020

Sở KHĐT

Quý II/2020

X

 

Thay đổi giao diện, đẹp mắt, đầy đủ nội dung

Đa ngành

Trong nước và quốc tế

 

Sở TTTT, sở ngành tỉnh

 

X

 

500

 

 

6

Hoạt động đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư

6.1

Đào tạo, tập huấn về xúc tiến đầu tư tại chỗ, đổi mới sáng tạo, công nghệ 4.0

2020

Sở KHĐT

Quý II và IV/2020

X

 

Tập huấn nghiệp vụ

 

 

 

 

 

 

 

200

 

 

6.2

Đào tạo, tập huấn về xúc tiến thương mại và du lịch

2020

Trung tâm Xúc tiến TM&ĐT

 

X

 

Tập huấn nghiệp vụ

 

 

 

 

 

 

 

200

 

 

7

Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư

 

Hỗ trợ nhà đầu tư và doanh nghiệp đến An Giang tìm hiểu về môi trường đầu tư, hướng dẫn thủ tục, cung cấp thông tin cho nhà đầu tư

2020

Sở KHĐT, Trung tâm Xúc tiến TM&ĐT

Cả năm

X

 

Giúp doanh nghiệp đầu tư

Đa ngành

 

 

Sở, ngành tỉnh

 

 

 

100

 

 

8

Hoạt động hợp tác về xúc tiến đầu tư

 

Gặp gỡ, trao đổi, quan hệ bộ ngành, cơ quan xúc tiến các tỉnh. Hợp tác nghiên cứu khảo sát với các tổ chức xúc tiến trong và ngoài nước

2020

Trung tâm Xúc tiến TM&ĐT

Cả năm

 

 

Tranh thủ và phối hợp thực hiện

Đa ngành

 

 

Sở, ngành tỉnh

 

 

 

100

 

 

Tổng cộng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

7.752

 

 

Bằng chữ: Bảy tỷ, bảy trăm năm mươi hai triệu đồng

 

PHỤ LỤC 2:

TIẾN ĐỘ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN ĐÃ TRAO QUYẾT ĐỊNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2677/QĐ-UBND ngày 05 tháng 11 năm 2019 của UBND tỉnh An Giang)

TT

Tên Dự án

Ngành/ lĩnh vực

Tổng vốn đầu tư (tỷ đồng)

Tiến độ thực hiện

Dự án hoàn thành thi công đưa vào hoạt động

2.276

 

1

Nhà máy điện mặt trời Văn Giáo 1

Công nghiệp/ năng lượng

1.138

Dự án hoàn thành thi công đưa vào hoạt động

2

Nhà máy điện mặt trời Văn Giáo 2

Công nghiệp/ năng lượng

1.138

Dự án hoàn thành thi công đưa vào hoạt động

Dự án hoàn thành một phần hoặc toàn bộ thủ tục đất đai, xây dựng và đang thi công

4.843

 

1

Khu nông nghiệp công nghệ cao

Nông nghiệp/ trồng trọt

2.000

Hoàn thành đưa vào sử dụng một phần, phần còn lại đang tiếp tục đầu tư

2

Nhà ở công nhân Khu công nghiệp Bình Hòa

Thương mại/ xây dựng

630

Đang triển khai xây dựng, dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ hoàn thành

3

Nhà máy chế biến gạo xuất khẩu

Nông nghiệp/ trồng trọt

1.100

Đã có QĐ cho thuê đất, đang san lắp mặt bằng

4

Khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao

Nông nghiệp/ thủy sản

200

Đang xây dựng và tiếp tục đo đạc phần còn lại của dự án

5

Khu du lịch văn hóa tâm linh Bà Chúa Xứ - Cáp treo Núi Sam

Dịch vụ/ du lịch

686

Công ty đang gửi UBND thành phố Châu Đốc điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (Khu ga đi). Đang xây dựng và tiếp tục thỏa thuận bồi hoàn phần còn lại

6

Khu đô thị Thị trấn Núi Sập 1, huyện Thoại Sơn

Thương mại/ xây dựng

127

Đã hoàn thành SLMB, đang thiết kế bản vẽ thi công

7

Khu đô thị Thị trấn Núi Sập 2, huyện Thoại Sơn

Thương mại/ xây dựng

100

Đã hoàn thành SLMB, đang thiết kế bản vẽ thi công

Dự án hoàn thành công tác tạo quỹ đất và đang làm thủ tục, xin phép xây dựng

3.715

 

1

Nhà máy chế biến gạo xuất khẩu Ngọc Thiên Phú

Nông nghiệp/ trồng trọt

2.700

Đã có QĐ cho thuê đất trả tiền hàng năm và đã phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Công ty đang xin trả tiền thuê đất một lần

2

Đầu tư du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư

Dịch vụ/ du lịch

131

01/HĐ ngày 27/7/2018 Thuê dịch vụ môi trường rừng

3

Khu phức hợp sản xuất lúa hữu cơ và cụm kho bảo quản

Nông nghiệp/ trồng trọt

110

Đang làm thủ tục chuyển mục đích SDĐ và lập QH phân khu 1/2.000

4

Khách sạn The Grandeur

Dịch vụ/ dịch vụ lưu trú

774

Đang thiết kế bản vẽ thi công để xin phép xây dựng

Dự án đang bồi hoàn và triển khai các thủ tục khác

12.274

 

1

Trung tâm thương mại dịch vụ du lịch thành phố Châu Đốc

Thương mại/ kinh doanh

2.408

Công ty đang tiến hành lập các thủ tục tiếp theo (trình thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công, cấp phép xây dựng)

2

Khu liên hợp sản xuất giống và nuôi cá tra thương phẩm công nghệ cao xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú

Nông nghiệp/ thủy sản

950

Đã thỏa thuận bồi hoàn 150ha, giá trị bồi hoàn 280 tỷ đồng, đang tiếp tục bồi hoàn và xin điều chỉnh thời gian thực hiện dự án

3

Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản Bình Phú

Nông nghiệp/ thủy sản

3.000

Đã thỏa thuận bồi hoàn 520 ha

4

Khu sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao Nam Việt Bình Phú

Nông nghiệp/ thủy sản

1.000

5

Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Trà Sư

Dịch vụ/ du lịch

748

Đang tạo quỹ đất

6

Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Nông nghiệp/ trồng trọt

208

Đã chỉ đạo thu hồi và cho công ty thuê 67,19 ha để thực hiện dự án đất (VB 862/UBND-KTN ngày 03/9/2019), Sở TC đã có VB đề nghị CA huyện Thoại Sơn cung cấp thông tin tài khoản để làm thủ tục chuyển tiền

7

Nhà máy sản xuất xăng E5, E10 và cụm kho xăng dầu

Công nghiệp/ dầu khí

175

Đã bồi hoàn trên 80%

8

Khu đô thị mới Tây Nam thành phố Long Xuyên

Thương mại/ xây dựng

1.574

Thủ tướng đã thống nhất chủ trương chuyển mục đích SDĐ (CV1286 ngày 09/10/2019), UBND tỉnh đã phê duyệt QHCT tỷ lệ 1/500 và SXD đã thẩm định thiết kế cơ sở.

9

Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và chế phẩm sinh học

Nông nghiệp/ phân bón

308

Đã phê duyệt Quy hoạch 1/500 (5590/QĐ-UBND ngày 13/11/2018 của UBND huyện Tịnh Biên)

10

Bệnh viện đa khoa Phố Duyên (hoàn chỉnh từ hs dự án BV đa khoa An Sinh)

Dịch vụ/ khám chữa bệnh

628

Đã thỏa thuận trên 80% diện tích đất

11

Khu đô thị Thị trấn Chợ Mới 1

Thương mại/ xây dựng

335

Đang bồi hoàn, Sở Xây dựng đang thỏa thuận Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 làm cơ sở để UBND huyện Chợ Mới phê duyệt quy hoạch.

12

Khu đô thị mới Sao Mai Mỹ An

Thương mại/ xây dựng

940

Đang lập Nhiệm vụ QHCT tỷ lệ 1/500

Dự án chưa triển khai

4.550

 

1

Khu Nông nghiệp công nghệ cao Tân Trung

Nông nghiệp/ trồng trọt

4.550

 

 

PHỤ LỤC 3:

DANH MỤC HỢP TÁC VÀ KÊU GỌI ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2677/QĐ-UBND ngày 05 tháng 11 năm 2019 của UBND tỉnh An Giang)

TT

DANH MỤC DỰ ÁN

ĐỊA ĐIỂM

QUY MÔ

TỔNG VỐN (tỷ đồng)

ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ THỰC HIỆN

I

NÔNG NGHIỆP

 

 

 

 

1

Dự án đầu tư liên kết phát triển chuỗi giá trị gia tăng bò thịt

Tri Tôn

60 ha

2.500

Sở NN&PTNT

2

Khu liên hợp nghiên cứu sản xuất cá tra giống

Thoại Sơn

200 ha

1.500

Sở NN&PTNT

3

Dự án trồng chuối cấy mô công nghệ cao theo chuỗi giá trị

Tri Tôn

500 ha

150

Sở NN&PTNT

4

Dự án làng bè nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái Cù Lao Giêng

Chợ Mới

100 ha mặt nước

2.000

Sở NN&PTNT

5

Nhà máy chế biến rau củ quả

Chợ Mới

10 ha

200

Sở NN&PTNT

6

Dự án chuỗi cung cấp thịt heo an toàn trên địa bàn tỉnh

Tri Tôn

3 ha

500

Sở NN&PTNT

7

Cụm Công nghiệp sản xuất Nếp bền vững

Phú Tân

5.000 ha

900

Sở NN&PTNT

8

Sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao trên địa bàn thành phố Long Xuyên

Long Xuyên

100 ha

600

UBND thành phố Long Xuyên

9

Sản xuất cá tra thương phẩm chất lượng cao trên địa bàn thành phố Long Xuyên

Long Xuyên

300 ha

1.800

UBND thành phố Long Xuyên

II

THƯƠNG MẠI - DỊCH VỤ - DU LỊCH

 

 

 

 

1

Khu du lịch Cồn Phó Ba

Long Xuyên

80 - 100 ha

5.000

Sở VH,TT&DL

2

Khu du lịch nghỉ dưỡng Núi Tà Pạ

Tri Tôn

200 ha

1.000

Sở VH,TT&DL

3

Khu du lịch sinh thái cộng đồng ba xã Cù Lao Giêng

Chợ Mới

170

500

Sở VH,TT&DL

4

Khu du lịch Hồ Soài So

Tri Tôn

49 ha

500

Sở VH,TT&DL

5

Khu trung tâm hành hương (tượng Di Lặc - chùa Phật Lớn - chùa Vạn Linh)

Tịnh Biên

39,76 ha

500

Sở VH,TT&DL

6

Khu nghỉ dưỡng + vọng cảnh vồ Bồ Hong

Tịnh Biên

22,54 ha

400

Sở VH,TT&DL

7

Khu văn hóa dân gian và tín ngưỡng (phía Tây - Bắc khu trung tâm hành hương)

Tịnh Biên

25,48 ha

300

Sở VH,TT&DL

8

Khu văn hóa các dân tộc (Hồ Tà Lọt)

Tịnh Biên

120 ha

250

Sở VH,TT&DL

9

Khu bảo tồn sinh thái (vồ Bà, đỉnh Chư Thần)

Tịnh Biên

39,29 ha

120

Sở VH,TT&DL

10

Khu TM và vui chơi giải trí Vĩnh Xương

Tân Châu

62 ha

450

Ban QLKKT

11

Khu TM – DV - DL và vui chơi giải trí đặc biệt khu vực cửa khẩu Tịnh Biên

Tịnh Biên

25 ha

500

Ban QLKKT

12

Khu TM DV và vui chơi giải trí Tịnh Biên

Tịnh Biên

45 ha

900

Ban QLKKT

13

Khu TM - DV cửa khẩu Khánh Bình (gđ2)

An Phú

13 ha

260

Ban QLKKT

14

Khu vui chơi giải trí Mỹ Khánh

Long Xuyên

249,51 ha

250

UBND thành phố Long Xuyên

15

Khu du lịch lòng hồ Trương Gia Mô

Châu Đốc

10 ha

200

UBND thành phố Châu Đốc

16

Khu du lịch sinh thái bãi bồi Vĩnh Mỹ

Châu Đốc

38 ha

700

UBND thành phố Châu Đốc

17

Khu vui chơi giải trí nghỉ dưỡng thành phố Châu Đốc

Châu Đốc

68,18 ha

200

UBND thành phố Châu Đốc

18

Tuyến đường vòng công viên văn hóa Núi Sam

Châu Đốc

75,3 ha

700

UBND thành phố Châu Đốc

19

Khu du lịch Bắc Miếu Bà

Châu Đốc

22,06 ha

200

UBND thành phố Châu Đốc

20

Các khu chức năng tuyến đường nối KDC chợ Vĩnh Đông đến đường tránh quốc lộ 91

Châu Đốc

115 ha

5.000

UBND thành phố Châu Đốc

21

Khu Du lịch Búng Bình Thiên

An Phú

706,8 ha

600

UBND huyện An Phú

22

Trung tâm thương mại Bắc Cống Vong

Thoại Sơn

6 ha

100

UBND huyện Thoại Sơn

III

CÔNG NGHIỆP

 

 

 

 

1

Khu công nghiệp Bình Long mở rộng

Châu Phú

120 ha

900

Ban QLKKT

2

Khu công nghiệp Bình Hòa mở rộng

Châu Thành

98 ha

700

Ban QLKKT

3

Khu công nghiệp Hội An

Chợ Mới

100 ha

900

Ban QLKKT

4

Khu Công nghiệp Xuân Tô

Tịnh Biên

150 ha

850

Ban QLKKT

5

Nhà máy bia An Giang

Châu Thành

10 ha

500

Ban QLKKT

6

Cụm công nghiệp Bình Đức

Long Xuyên

20

150

UBND thành phố Long Xuyên

7

Cụm công nghiệp Tây Huề

Long Xuyên

40

350

UBND thành phố Long Xuyên

8

Cụm công nghiệp Vĩnh Tế

Châu Đốc

75

450

UBND thành phố Châu Đốc

9

Cụm Công nghiệp Châu Phong

Tân Châu

30 ha

200

UBND thị xã Tân Châu

10

Cụm Công nghiệp Long An

Tân Châu

20 ha

250

UBND thị xã Tân Châu

11

Cụm Công nghiệp Long Sơn

Tân Châu

35 ha

450

UBND thị xã Tân Châu

12

Cụm Công nghiệp Vĩnh Xương

Tân Châu

20 ha

150

UBND thị xã Tân Châu

13

Cụm công nghiệp Mỹ Phú

Châu Phú

75 ha

400

UBND huyện Châu Phú

14

Cụm Công nghiệp An Cư

Tịnh Biên

28 ha

200

UBND huyện Tịnh Biên

15

Cụm Công nghiệp An Nông

Tịnh Biên

35 ha

200

UBND huyện Tịnh Biên

16

Cụm công nghiệp Hòa Bình

Chợ Mới

75

450

UBND huyện Chợ Mới

17

Cụm công nghiệp Hòa An

Chợ Mới

75

450

UBND huyện Chợ Mới

18

Cụm công nghiệp An Phú

An Phú

40

200

UBND huyện An Phú

19

Cụm công nghiệp Lương An Trà

Tri Tôn

30

200

UBND huyện Tri Tôn

20

Cụm Công nghiệp Tân Thành

Thoại Sơn

18,8 ha

100

UBND huyện Thoại Sơn

21

Cụm công nghiệp Định Thành

Thoại Sơn

20 ha

200

UBND huyện Thoại Sơn

22

Cụm công nghiệp Núi Sập

Thoại Sơn

10 ha

100

UBND huyện Thoại Sơn

IV

GIAO THÔNG VẬN TẢI

 

 

 

 

1

Cầu Năng Gù

Châu Phú – Phú Tân

Cầu Bê tông cốt thép vĩnh cữu, bề rộng mặt cầu phần xe chạy 9m, khổ cầu 10m

7.700 (Dự kiến)

Sở Giao thông vận tải

V

XÂY DỰNG

 

 

 

 

1

Nâng cấp đô thị thành phố Châu Đốc

Châu Đốc

58,1 ha

8.500

UBND thành phố Châu Đốc

 

PHỤ LỤC 4:

BÁO CÁO RÀ SOÁT CƠ QUAN XÚC TIẾN ĐẦU TƯ TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2677/QĐ-UBND ngày 05 tháng 11 năm 2019 của UBND tỉnh An Giang)

STT

Tên cơ quan xúc tiến đầu tư của địa phương

Địa chỉ

Cơ quan chủ quản

Tóm tắt các chức năng, nhiệm vụ chính

Số lượng phòng/ban

Số lượng cán bộ hưởng lương từ ngân sách

1

Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp

Số 3 Lê Triệu Kiết, phường Mỹ Bình, thành phố Long Xuyên

Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Thực hiện chương trình, kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI);

- Thực hiện bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở ban ngành và địa phương (DDCI);

- Chủ trì thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư hằng năm;

- Thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh vừa chuyển đổi thành doanh nghiệp.

3

11

2

Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư

02 Ngô Gia Tự, phường Mỹ Long, thành phố Long Xuyên

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang

- Thực hiện chương trình, đề án, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ xúc tiến thương mại, du lịch;

- Chủ trì tổ chức và tham gia các hội chợ triển lãm, hội chợ chuyên ngành, phiên chợ trong, ngoài tỉnh và nước ngoài;

- Tổ chức các đoàn công tác của tỉnh và doanh nghiệp đi khảo sát thị trường, tìm kiếm kết nối giao thương;

- Thực hiện quản lý, điều hành dự án, công trình đầu tư xây dựng tại các Khu du lịch được Ủy ban nhân dân tỉnh giao; khai thác có hiệu quả tài nguyên phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bền vững.

5

19

 

PHỤ LỤC 5:

CÁC CHÍNH SÁCH, CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH, CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ CỦA TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số /QĐ-UBND ngày tháng 11 năm 2019 của UBND tỉnh An Giang)

1. Quyết định số 2000/QĐ-UBND ngày 15/7/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020; Kế hoạch số 207/KH-UBND ngày 20/4/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang triển khai thực hiện năm 2018 Chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020.

2. Quyết định số 2523/QĐ-UBND ngày 09/9/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 tỉnh An Giang.

3. Quyết định số 2524/QĐ-UBND ngày 09/9/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 tỉnh An Giang.

4. Quyết định số 32/2016/QĐ-UBND ngày 30/6/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Quy chế phối hợp trong giải quyết hồ sơ, thủ tục đầu tư theo cơ chế một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh An Giang.

5. Quyết định số 98/2016/QĐ-UBND ngày 22/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang.

6. Bản cam kết giữa Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.

7. Chương trình hành động số 377/CTr-UBND ngày 14/7/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

8. Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 23/01/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc triển khai thực hiện Cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.

9. Đề án số 338/ĐA-UBND ngày 07/6/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đề án tạo quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang đến năm 2020.

10. Kế hoạch số 510/KH-UBND ngày 11/9/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về tạo quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2017 - 2018.

11. Văn bản số 2016/UBND-KTTH ngày 17/11/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc thực hiện quy trình thủ tục đầu tư trên địa bàn tỉnh An Giang.

12. Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 08/02/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về Phát triển doanh nghiệp tỉnh An Giang đến năm 2020.

13. Kế hoạch số 124/KH-UBND ngày 19/3/2018 triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh An Giang.

14. Quyết định số 2559/QĐ-UBND ngày 15/10/2018 của UBND tỉnh về việc Phê duyệt Đề án Khung pháp lý thuê lại đất của người dân để thực hiện dự án nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh An Giang.

15. Kế hoạch số 844/KH-UBND ngày 28/12/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành kế hoạch cải cách hành chính tỉnh An Giang năm 2019.

16. Kế hoạch số 460/KH-UBND ngày 29/7/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/10/2019 của Chính phủ; gắn với nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) của tỉnh An Giang 2019, định hướng đến năm 2021.