Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2612/QĐ-UBND

An Giang, ngày 31 tháng 8 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM GIAI ĐOẠN 2017-2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Thú y;

Căn cứ Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh;

Căn cứ Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm;

Căn cứ Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008 về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm;

Căn cứ Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn;

Căn cứ Quyết định số 476/QĐ-BNN-TY ngày 17/02/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn năm 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 907/QĐ-UBND ngày 17/6/2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch cúm gia cầm giai đoạn 2014 -2018 trên địa bàn tỉnh An Giang;

Căn cứ Quyết định số 1891/QĐ-UBND ngày 07/7/2016 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn năm 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 611/QĐ-TYV7 ngày 30/12/2016 của Cơ quan Thú y Vùng VII về việc ban hành Danh mục chi tiết và biểu giá dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng cho động vật và chẩn đoán thú y tại Cơ quan Thú y vùng VII;

Căn cứ Công điện số 1475/CĐ-BNN-TY ngày 17/02/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn vi rút cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm khác xâm nhiễm vào Việt Nam;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 181/TTr-SNN&PTNT ngày 28 tháng 8 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh An Giang, với các nội dung cụ thể như sau:

A. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH NĂM 2016.

1. Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm

Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm ổn định chỉ xảy ra những bệnh thông thường như cảm nóng say nắng, bỏ ăn và được can thiệp kịp thời. Không xảy ra những bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, tai xanh, cúm. Tổng số gia súc, gia cầm mắc bệnh 7.926 con (trong đó có 262 con chết) tỉ lệ điều trị khỏi 97%; hiện tượng trên xảy ra rải rác 2.774 hộ nuôi ở địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố (trong đó heo mắc bệnh 4.698 con, 1.398 trâu bò, 875 con chó, 964 con gia cầm). Bên cạnh đó, công tác giám sát tình hình dịch bệnh đến tận các hộ chăn nuôi được Trạm Chăn nuôi và Thú y và hệ thống mạng lưới nhân viên chăn nuôi và thú y xã, phường, thị trấn thực hiện thường xuyên chặt chẽ nhất là vào những thời điểm dễ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

2. Công tác tiêm phòng: Thực hiện công tác phòng bệnh chủ động qua việc tiêm phòng vaccin cho đàn gia súc, gia cầm, ngành Chăn nuôi và Thú y luôn chủ động lượng vaccin tiêm phòng. Kết quả số gia súc, gia cầm được tiêm phòng các loại vaccin trên địa bàn tỉnh như sau:

a) Trên đàn heo: Số heo được tiêm phòng vaccin dịch tả - tụ huyết trùng 160.555 lượt con đạt 88% so kế hoạch, đạt 84% so cùng kỳ, lở mồm long móng 51.737 lượt con đạt 37% so kế hoạch, đạt 108% so cùng kỳ, tiêm phòng tai xanh 6.296 con đạt 49% so cùng kỳ.

b) Trên đàn trâu, bò: Số trâu bò được tiêm phòng tụ huyết trùng 61.694 con đạt 82% so kế hoạch, đạt 61% so cùng kỳ, lở mồm long móng 99.114 lượt con đạt 58,93% so kế hoạch, đạt 63% so cùng kỳ (trong đó số trâu bò được tiêm miễn phí ở 5 huyện biên giới là 43.236 con đạt 94,16% so kế hoạch)

c) Trên đàn chó: Số chó được tiêm phòng dại là 27.247 con đạt 75% so với kế hoạch đạt 106% so cùng kỳ.

d) Trên đàn gia cầm: Số gia cầm được tiêm phòng trong năm như sau: vịt 1.047.265 lượt con đạt 17,49% so cùng kỳ năm 2015, (trong đó số vịt tiêm mũi 1 là 856.104 con, vịt tiêm phòng mũi 2 là 104.400 con, vịt tiêm > 2 mũi 89.761 con), Gà tiêm: 82.055 con đạt 138% so cùng kỳ năm 2016 (trong đó gà < 35 ngày tuổi là 17.400 con, gà > 35 ngày tuổi 64.655 con), Tỉ lệ tiêm phòng vaccin cho gia cầm thấp do các hộ chăn nuôi vịt đàn vẫn còn tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ miễn phí, đàn gà nuôi trong dân phần lớn nuôi thả lan nên trở ngại rất lớn trong việc tiêm phòng.

Tăng cường hoạt động tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh và lợi ích việc phòng bệnh, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẽ và các trang trại đã chủ động thực hiện việc tiêm phòng cho vật nuôi của mình như sau: Aftopor 1.675 liều, Rabisin 266 liều, Tụ huyết trùng trâu bò 100 liều, Dịch tả heo 100 liều, tai xanh 710 liều.

Nhìn chung, tỉ lệ tiêm phòng không cao do một số loại vaccin giá thành cao, chất lượng sản phẩm bán ra lại thấp nên đa số các hộ chăn nuôi không tiêm phòng vì làm tăng chi phí. Mặt khác, nhiều năm qua tình hình dịch bệnh ổn định nên các hộ chăn nuôi có phần chủ quan đến khi có dịch bệnh xảy ra mới mua vaccin về tiêm phòng cho đàn vật nuôi của mình.

Đối với vaccin lở mồm long móng heo tỉ lệ tiêm phòng rất thấp; do nhiều năm liền từ năm 2006 đến nay đối với vaccin lở mồm long móng trâu bò được tiêm phòng miễn phí từ nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ nên người chăn nuôi chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên không chịu tiêm phòng cho đàn vật nuôi tại nhà.

3. Công tác giám sát: (giám sát cúm gia cầm tại chợ, giám sát kháng thể gia cầm) giám sát sau tiêm phòng lở mồm long móng (LMLM) trâu bò.

- Giám sát sự lưu hành virus cúm theo Công văn số 2356/TY-DT ngày 27/11/2015 và Công văn số 1046/TY-DT ngày 30/05/2016 của Cục Thú y thu 240 mẫu dịch hầu họng gia cầm và 120 mẫu môi trường tại lò mổ Cái Dung. Kết quả đều âm tính.

- Giám sát sự lưu hành của virus cúm gia cầm và 450 mẫu huyết thanh kiểm tra hiệu giá kháng thể sau tiêm phòng từ nguồn kinh phí tỉnh tại 05 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, Tân Châu và Châu Thành đã thu 150 mẫu dịch hầu họng gia cầm. Kết quả có 02 mẫu dương tính với virus cúm gia cầm Subtype H5N1.

- Kiểm tra hiệu giá kháng thể sau tiêm phòng vaccin lở mồm long móng trâu bò: Thu 60 mẫu huyết thanh trâu bò đã được tiêm phòng vaccin lở mồm long móng tại huyện Châu Phú. Kết quả có 01 mẫu không đạt hiệu giá kháng thể kháng virus lở mồm long móng tương ứng serotype O1 manisa.

4. Công tác tiêu độc khử trùng

- Công tác vệ sinh tiêu độc được thực hiện thường xuyên và kịp thời tiêu độc các điểm bán thịt gia súc, gia cầm, phương tiện vận chuyển, điểm giết mổ, khu vực chăn nuôi, cơ sở ấp trứng gia cầm với tổng diện tích vệ sinh tiêu độc là 12.439.190 m2 (trong đó tiêu độc khu vực chăn nuôi 10.316.632 m2, phương tiện vận chuyển 557.974 m2, quầy kệ bán thịt gia súc gia cầm 451.682 m2, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm 1.001.885 m2, cở sở ấp trứng gia cầm 111.017 m2).

- Phân bổ 3.339 lít thuốc sát trùng cho Trạm Chăn nuôi và thú y của 11 huyện, thị xã, thành phố, các trạm kiểm dịch động vật biên giới thực hiện 02 đợt vệ sinh tiêu độc khử trùng.

5. Công tác tập huấn, thông tin, tuyên truyền

- Thông tin, tuyên truyền là công tác trọng tâm, thường xuyên nhằm nâng cao ý thức của người chăn nuôi trong việc phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng trên gia súc và bệnh tai xanh trên đàn heo, bệnh dại trên chó. Tuyên truyền được sử dụng bằng nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, để ngăn chặn các loại mầm bệnh vào đàn gia súc gia cầm. Tuyên truyền người dân không ăn thịt gia súc gia cầm bệnh chết, không rõ nguồn gốc nhất là khu vực người dân tộc. Trong năm 2016 đã cấp 124.185 tờ bướm về các bệnh Lở mồm long móng, Cúm gia cầm, Tai xanh, bệnh Dại, Dịch tả vịt, Dịch tả heo về cho hộ chăn nuôi để người chăn nuôi hiểu rõ hơn về tác hại của dịch bệnh chủ động khai báo khi phát hiện dịch bệnh.

- Kết hợp với Cơ quan Thú y vùng VII tổ chức tập huấn chuyên môn chuẩn hóa hệ thống nhân viên cho 162 nhân viên chăn nuôi và thú y các xã, phường, thị trấn tham dự.

- Tổ chức lớp tập huấn cho các hộ kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn tỉnh.

B. KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH CHO ĐÀN GIA SÚC, GIA CẦM GIAI ĐOẠN 2017-2020.

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu

- Thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Thú y trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

- Phát hiện dịch nhanh, kịp thời dập dịch, hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc và bệnh tai xanh ở lợn...; từng bước kiểm soát, khống chế không để dịch xảy ra, chủ động xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm, tạo nền tảng để chuyển sang giai đoạn thanh toán cúm gia cầm thể độc lực cao trên địa bàn tỉnh từ sau năm 2020. Khống chế không để xảy ra dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh.

- Khống chế bệnh lở mồm long móng LMLM, từng bước đi đến thanh toán bệnh lở mồm long móng ở An Giang nói riêng, Việt Nam nói chung. Phấn đấu đến năm 2020 bệnh lở mồm long móng cơ bản được khống chế trên địa bàn tỉnh xây dựng thành công một số vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh lở mồm long móng được Cục Thú y công nhận, tạo điều kiện chung cho Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế.

- Đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm của tỉnh, phục vụ sản xuất, ổn định đời sống, bảo vệ sức khoẻ con người và môi trường sinh thái.

2. Yêu cầu

- Triển khai thực hiện phải có sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và cả hệ thống chính trị; huy động được toàn dân tích cực tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

- Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, động vật thủy sản phải tuân theo quy định của Luật Thú y và hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh An Giang.

- Tổ chức phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm phải kịp thời, phù hợp và hiệu quả, không để lãng phí các nguồn kinh phí đầu tư cho công tác nầy.

- Nâng cao nhận thức cho toàn dân, cán bộ chính quyền các cấp, cán bộ các ngành liên quan về tính chất nguy hiểm và những thiệt hại về kinh tế của bệnh cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng gây ra. Đào tạo cán bộ chuyên môn từ cơ sở đến huyện, tỉnh để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc gia cầm có hiệu quả.

II. CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM GIAI ĐOẠN 2017-2020

1. Công tác phòng dịch bệnh gia cầm

1.1. Thực hiện tiêm vaccin phòng bệnh cúm gia cầm

a) Số liều vaccin: Theo số liệu thống kê tháng 10/2016 của Cục Thống kê tỉnh An Giang, toàn tỉnh hiện có 4.429.410 con gia cầm. Trong đó có 1.077.560 con gà và 3.351.850 con vịt, ngan, ngỗng. Trên cơ sở số liệu thống kê và theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT dự kiến số gia cầm sẽ được tiêm phòng trong năm sẽ đạt từ 80% trở lên trong diện tiêm.

- Số gà: 1.077.560 con x 80% x 01 liều x 2 đợt = 1.724.096 liều.

- Số vịt, ngan, ngỗng: 3.351.850 con x 80% x 2 liều x 2 đợt = 10.725.920 liều.

b) Phạm vi tiêm phòng:

Tổng số xã, phường, thị trấn thực hiện tiêm phòng là 156 xã, phường, thị trấn.

c) Lực lượng tham gia thực hiện công tác tiêm phòng

Lực lượng tổ chức, đôn đốc, kiểm tra, giám sát:

- Tỉnh: 12 người (01 người của Sở Nông nghiệp và PTNT và 11 người của Chi cục Chăn nuôi và Thú y).

- Huyện, thị xã, thành phố: 22 người (phòng Kinh tế, phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Chăn nuôi và Thú y của 11 huyện, thị xã, thành phố).

- Xã: Các nhân viên chăn nuôi và thú y trực tiếp tại địa bàn.

- Mạng lưới nhân viên chăn nuôi và thú y: 156 xã, phường, thị trấn; mỗi xã, phường, thị trấn có 01 người phụ trách, có xã địa bàn rộng tăng cường thêm 01 người, hiện nay biên chế là 178 người. Nhân viên chăn nuôi và thú y xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Trưởng ban nhân dân khóm, ấp nắm danh sách đăng ký tiêm phòng, thông báo hộ chăn nuôi nhốt gia cầm để được tiêm phòng đúng lịch quy định.

d) Vaccin sử dụng tiêm phòng

Theo khuyến cáo của Cục Thú y, vaccin H5N1 (chủng Re-6) được đánh giá là có hiệu quả phòng dịch cao đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, Chi cục sẽ sử dụng vaccin H5N1 (chủng Re-6) trong trường hợp phát hiện có nhánh virus mới sẽ chuyển đổi sang vaccin H5N1 khác.

Năm 2017, số vaccin sử dụng tiêm phòng 4.000.000 liều (do trong năm còn vaccin dự phòng). Tổng số vaccin sử dụng năm 2018 là 12.000.000 liều (số đầu con theo thống kê tiêm 02 mũi tiêm/con x 2 đợt/năm) và những năm sau số lượng vaccin dự toán tăng 5% so với năm trước do tăng đàn.

đ) Đối tượng và thời gian tiêm phòng

- Đối tượng tiêm phòng là gia cầm các loại gồm: gà, vịt, vịt xiêm.

- Thực hiện tổ chức tiêm phòng thường xuyên theo các tháng cho những đàn gia cầm nuôi mới và đến tuổi tiêm phòng, đàn hết miễn dịch và đến kỳ tiêm phòng nhắc lại, không tập trung tiêm thành đợt chính.

e) Kinh phí hỗ trợ cho chủ nuôi

- Không miễn phí: Đối với đàn gia cầm trên 2.000 con: Bắt buộc tiêm phòng, chủ nuôi chịu mọi chi phí tiêm phòng.

- Được miễn phí: Đối với đàn gia cầm dưới 2.000 con: Nhà nước chỉ hỗ trợ tiền vaccin tiêm phòng cho các đàn gà, vịt, vịt xiêm hoặc đàn nuôi hỗn hợp (gà và vịt). Các hộ chăn nuôi phải trả tiền công và các chi phí liên quan đến công tác tiêm phòng cúm gia cầm.

g) Kinh phí thực hiện công tác tiêm phòng

- Tiền công tiêm phòng do người chăn nuôi chi trả theo Thông tư số 283/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính quy định khung giá thu dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng cho động vật, chẩn đoán thú y và dịch vụ kiểm nghiệm thuốc dùng cho động vật và theo các quy định hiện hành.

- Chi phí lấy mẫu và xét nghiệm giám sát chủ động:

Thực hiện lấy mẫu giám sát virus H5N1, H5N6, H7N9 và mẫu môi trường tại 5 huyện, thị. Mỗi huyện, thị lấy 6 mẫu gộp và lấy 2 đợt trong năm. Lấy mẫu huyết thanh gia cầm tại 5 huyện, thị mỗi huyện, thị lấy 90 mẫu (3 xã, mỗi xã 30 mẫu) lấy 2 đợt trong năm. Trang bị bảo hộ lao động, vật tư lấy mẫu, nhiên liệu lấy mẫu, hỗ trợ chủ nuôi gia cầm lấy mẫu huyết thanh, chi phí vận chuyển giao mẫu từ huyện đến Chi cục bình quân mỗi huyện 02 lần và từ Chi cục đến Cơ quan xét nghiệm. Các mẫu xét nghiệm này sẽ được Chi cục chuyển giao cho Cơ quan Thú y vùng VII và phí xét nghiệm sẽ trả cho vùng VII theo Quyết định số 611/QĐ-TYV7 ngày 30/12/2016 về ban hành Danh mục chi tiết và biểu giá dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng cho động vật và chẩn đoán thú y tại Cơ quan Thú y vùng VII.

- Chi phí lấy mẫu và xét nghiệm bệnh phẩm (khi có dịch xảy ra):

Lấy mẫu xét nghiệm phát hiện bệnh cúm ở những huyện, thị có ổ dịch cũ và có nguy cơ dịch bệnh xảy ra. Kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm bệnh phẩm trên 6 huyện, trung bình 05 mẫu/huyện gồm chi phí xét nghiệm, bảo hộ lao động, phụ cấp đi đường, nhiên liệu lấy và giao mẫu từ các huyện, thị đến Cơ quan Thú y vùng VII.

- Chi bồi dưỡng làm báo cáo ngoài giờ tổng hợp và báo cáo quyết toán cúm gia cầm, tiêu độc cho cán bộ tỉnh 03 người 02 đợt mỗi đợt 03 giờ và bồi dưỡng làm báo cáo ngoài giờ tổng hợp cúm gia cầm, tiêu độc cho cán bộ huyện thị thành 22 người 02 đợt mỗi đợt 02 giờ theo số tiền lương của từng cán bộ.

- Chi phí tiêu hủy vỏ chai đựng vaccin cúm gia cầm: Hàng năm các huyện, thị, thành đều có thành lập hội đồng tiêu hủy vỏ chai đựng vaccin vào cuối mỗi đợt tiêm phòng (Uỷ ban nhân dân, phòng kinh tế, phòng nông nghiệp, Chi cục Chăn nuôi và thú y, trạm chăn nuôi và thú y), các chi phí như thuê xe vận chuyển vỏ chai đến bãi rác nơi tiêu hủy, thuê mướn công nhân, chất đốt như dầu củi, chi phí khác..., tùy theo mức độ tiêm phòng nhiều hoặc ít đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho tiêu hủy, tối đa mỗi huyện 02 đợt/năm.

h) Công tác giám sát dịch bệnh sau tiêm phòng

Hàng tháng sau mỗi đợt tiêm phòng Chi cục Chăn nuôi và Thú y phân công cán bộ kỹ thuật xuống huyện, thị, thành phối hợp với cán bộ thú y 11 huyện, thị, thành để cùng tiến hành giám sát tình hình dịch bệnh tận các hộ chăn nuôi, nhân viên Chăn nuôi thú y xã, phường, thị trấn đang thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn theo các yêu cầu sau:

- Kiểm tra việc tiêm phòng các loại vaccin trong tiêm phòng bắt buộc theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc quy định về phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn;

- Tình hình quản lý các đàn vịt chạy đồng trên địa bàn phụ trách của nhân viên Chăn nuôi thú y xã, phường, thị trấn;

- Việc chấp hành quy định của ngành Thú y về tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc tại các hộ nuôi;

- Việc quản lý, bảo quản và sử dụng vaccin của các Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, thị , thành phố;

- Kiểm tra thường xuyên, đột xuất việc thực hiện tiêm phòng miễn phí vaccin cúm của cán bộ phụ trách tiêm phòng tại các hộ chăn nuôi, kiểm tra đối chiếu số liệu thực tế tiêm phòng và số liệu tổng hợp báo cáo tại địa bàn (danh sách hộ chăn nuôi, số gia cầm tiêm phòng, số liệu sử dụng miễn phí).

- Giám sát tình hình dịch bệnh đàn gia súc gia cầm đến tận hộ chăn nuôi, trong đó đặc biệt chú ý bệnh cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng trên gia súc và bệnh tai xanh trên heo.

1.2. Công tác tiêu độc sát trùng

Đối tượng thực hiện: Các khu vực mua bán, giết mổ gia cầm, các hộ chăn nuôi gia cầm, thủy cầm nhốt.

a) Hình thức thực hiện: Gồm 02 hình thức:

- Cấp phát hóa chất cho hộ chăn nuôi tự phun xịt: các Trạm Chăn nuôi và Thú y phân bổ hóa chất cho các nhân viên chăn nuôi và thú y tiến hành cấp hóa chất cho từng hộ chăn nuôi và có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc người nuôi tự phun xịt, tiến hành tiêu độc hai đợt vào thời điểm trước và sau khi tiêm phòng.

- Chi công phun xịt thường xuyên cho các điểm tập trung, khu vực mua bán, giết mổ gia cầm, các ổ dịch cũ do cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, thị, thành thực hiện, mỗi trạm 02 người mỗi đợt 08 ngày. Dự kiến mỗi năm thực hiện 05 đợt (trong đó có 02 đợt đột xuất theo yêu cầu cấp thiết).

b) Số lượng thuốc sát trùng: Tổng số thuốc sát trùng sử dụng trong năm là: 7.500 lít trong đó để cho nguồn dự phòng tại Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh là 1.500 lít và cấp kinh phí về huyện mua là 6.000 lít/11 huyện, bình quân 38 lít/xã.

c) Kinh phí thực hiện công tác tiêu độc sát trùng là: Gồm các khoản chi sau:

- Mua thuốc sát trùng bình quân mỗi huyện 545 lít/năm.

- Bồi dưỡng công tác tiêu độc sát trùng: Công phun xịt theo định mức tại Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008 về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

- Hỗ trợ bảo hộ lao động phục vụ công tác phun xịt: gồm khẩu trang giấy, găng tay, ủng cao su, kính bảo hộ và xăng đổ máy phun.

1.3. Chi phí kiểm tra giám sát

- Chi xăng xe cho đội đặc nhiệm Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đi kiểm tra các huyện, thị, thành, dự trù đội có 08 người kiểm tra 08 lần/năm và cấp 30 lít/đợt kiểm tra.

- Chi xăng xe cho 12 đội kiểm tra liên ngành lưu động 02 lít/người/ngày.

- Chi tiền phụ cấp công tác đội kiểm tra liên ngành lưu động, đội đặc nhiệm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y.

- Chi tiền xe, phụ cấp công tác giám sát 11 huyện, thị, thành của cán bộ Chi cục phụ trách địa bàn kiểm tra giám sát 05 đợt/năm, mỗi đợt kiểm tra 08 ngày/huyện/đợt.

1.4. Chi phí triển khai và tổng kết

Tổ chức 01 Hội nghị triển khai , 01 Hội nghị sơ kết đánh giá giữa giai đoạn và 01 Hội nghị tổng kết tiêm phòng tại tỉnh cho các đối tượng và các thành viên có liên quan, bình quân 100 người/Hội nghị.

1.5. Công tác tuyên truyền phòng bệnh

Năm 2017 thực hiện tuyên truyền phòng bệnh cúm gia cầm và bệnh dịch tả vịt đến người nuôi trong tỉnh qua sử dụng tài liệu bướm, song song đó thực hiện một cuộc phóng sự trên đài truyền hình về bệnh cúm gia cầm và đây là nhiệm vụ chính trị chuyên môn của ngành chăn nuôi và thú y, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương (vùng có nguy cơ cao) tuyên truyền để người dân biết được tính chất nguy hiểm và tác hại để phòng chống các bệnh truyền nhiễm hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra trên các trạm phát thanh phường, xã, thị trấn của các huyện, thị, thành.

Từ năm 2018 trở đi để nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền phòng chống dịch cúm sẽ thực hiện các phóng sự truyền hình vào những thời điểm dễ phát sinh dịch bệnh để người nuôi nhận biết và chủ động phòng ngừa cho đàn vật nuôi của mình. Mặt khác, để thông tin tuyên truyền đến được người nuôi trên địa bàn xã, phường, thị trấn sẽ sử dụng hình thức loa phóng thanh di động trong việc tuyên truyền phòng bệnh và hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn.

2. Công tác phòng dịch bệnh gia súc

2.1. Tiêm vaccin phòng bệnh lở mồm long móng, bệnh tai xanh

2.1.1. Tiêm vaccin phòng bệnh lở mồm long móng

- Từ năm 2017 trở đi, sử dụng nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững do Trung ương bố trí hàng năm để thực hiện, ưu tiên bố trí kinh phí mua vaccin miễn phí cho đàn trâu bò giống của Nhà nước, đàn trâu bò của các hộ gia đình, cá nhân trong vùng khống chế thuộc diện tiêm phòng bắt buộc của các huyện biên giới tiến hành tiêm phòng 2 đợt trong năm, mỗi đợt tiêm 51.065 liều vaccin lở mồm long móng cho trâu, bò.

- Ngân sách tỉnh hỗ trợ tiêm phòng vaccin miễn phí cho đàn trâu bò giống của Nhà nước, đàn trâu bò của các hộ gia đình, cá nhân trong vùng đệm thuộc diệm tiêm phòng bắt buộc theo Quyết định số 1891/QĐ-UBND ngày 07/7/2016 của Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang về việc phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn năm 2016-2020, tiêm phòng 02 đợt trong năm, mỗi đợt tiêm 25.863 liều vaccin lở mồm long móng cho trâu, bò và những năm sau số lượng vaccin dự toán tăng 5% so với năm trước. Đồng thời, hỗ trợ theo nhu cầu thực tế cần thiết các chi phí cho công tác tiêm phòng các huyện vùng khống chế và vùng đệm mỗi huyện được trang bị gồm: thùng bảo quản vaccin, ống tiêm, kim tiêm, pen, nước đá và bông cồn cho từng xã.

2.1.2. Tiêm vaccin phòng bệnh tai xanh

Lượng vaccin mua dự phòng khi cần thiết hoặc khi có dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh An Giang, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh việc tiêm phòng miễn phí cho các hộ chăn nuôi.

2.2. Công tác tuyên truyền

Năm 2017 thực hiện tuyên truyền về triệu chứng, bệnh tích và phương pháp điều trị, phòng các bệnh lở mồm long móng (LMLM), tụ huyết trùng trâu bò, bệnh tai xanh, dịch tả ở heo, bệnh dại.

Từ năm 2018 trở đi để nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền phòng chống dịch LMLM trên trâu bò, heo, bệnh Tai xanh heo, ngành sẽ thực hiện các phóng sự truyền hình vào những thời điểm dễ phát sinh dịch bệnh để người nuôi nhận biết và chủ động phòng ngừa cho đàn vật nuôi của mình. Mặt khác, để thông tin tuyên truyền đến được người nuôi trên địa bàn xã, phường, thị trấn sẽ sử dụng hình thức loa phóng thanh di động trong việc tuyên truyền phòng bệnh và hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn.

2.3. Tập huấn tuyên truyền viên phòng chống bệnh dại, tai xanh, LMLM, cúm gia cầm.

Kết hợp với công tác tuyên truyền trong năm 2018 và những năm tiếp theo, đồng thời nâng cao năng lực, kiến thức chuyên môn, tăng kĩ năng giám sát dịch bệnh cho hệ thống nhân viên thú y, các kĩ thuật viên hành nghề thú y tự do, chính quyền tại địa phương sẽ tổ chức mỗi huyện 01 lớp tập huấn về các quy định trong phòng chống dịch bệnh, các biện pháp chăn nuôi an toàn, giám sát dịch tại địa phương.

2.4. Chi phí lấy mẫu

Lấy 120 mẫu xét nghiệm để đánh giá kết quả tiêm phòng và khả năng đáp ứng miễn dịch của đàn gia súc sau khi được tiêm phòng, thực hiện 2 đợt trên năm và trên đàn trâu bò; lấy mẫu trên 02 huyện thuộc vùng khống chế và vùng đệm, mỗi huyện chọn 03 xã để lấy mẫu xét nghiệm, mỗi xã 20 mẫu. Trang bị bảo hộ lao động, dụng cụ lấy mẫu, nhiên liệu lấy mẫu, tiền công lấy mẫu, hỗ trợ chủ gia súc chi phí, vận chuyển giao mẫu từ huyện đến Chi cục và từ Chi cục đến Cơ quan xét nghiệm. Các mẫu xét nghiệm này sẽ được Chi cục chuyển giao cho cơ quan thú y vùng VII và phí xét nghiệm sẽ trả cho vùng VII theo Quyết định số 611/QĐ-TYV7 ngày 30/12/2016 về ban hành Danh mục chi tiết và biểu giá dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng cho động vật và chẩn đoán thú y tại Cơ quan Thú y vùng VII.

2.5. Chi phí tiêu huỷ vỏ chai đựng vaccin LMLM và vận chuyển vaccin

Cuối mỗi đợt tiêm phòng huyện, thị, thành thành lập hội đồng tiêu hủy và thanh lý vỏ chai đựng vaccin LMLM tùy theo mức độ tiêm phòng nhiều hay ít và xin ý kiến chỉ đạo cho tiêu hủy. Chi phí vận chuyển vaccin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y về các Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, thị, thành và vận chuyển 02 đợt trong năm.

2.6. Chi phí tiêu huỷ động vật, sản phẩm động vật vi phạm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y và các Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, thị, thành khi phát hiện động vật, sản phẩm động vật vi phạm căn cứ vào biên bản của đơn vị kiểm tra, biên bản giao nhận trạm lập biên bản ghi nhận tình trạng vệ sinh thú y của động vật, sản phẩm động vật; biên bản xử lý vệ sinh thú y của động vật, sản phẩm động vật (tuỳ theo thực tế sản phẩm nhiều hay ít sẽ xin ý kiến chỉ đạo cho tiêu hủy).

2.7. Chi tổng hợp báo cáo ngoài giờ

Bồi dưỡng làm báo cáo ngoài giờ tổng hợp và báo cáo quyết toán vaccine lở mồm long móng cho cán bộ tỉnh 03 người 02 đợt mỗi đợt 03 giờ và bồi dưỡng làm báo cáo ngoài giờ tổng hợp cho cán bộ huyện thị thành 22 người 02 đợt mỗi đợt 02 giờ theo số tiền lương của từng cán bộ.

3. Công tác chống dịch gia súc, gia cầm

Chi phí cho công tác chống dịch sử dụng khi có dịch bệnh xảy ra:

a) Bồi dưỡng cho các chốt trạm kiểm dịch (Vàm Cống, Hội An) mỗi chốt có 02 đội, mỗi đội 03 người gồm Quản lý thị trường, Công an, Thú y; chốt kiểm dịch lưu động (Tri Tôn, Tân Châu, Thoại Sơn) mỗi chốt có 02 đội, mỗi đội 03 người gồm Quản lý thị trường, Công an, Thú y và đội kiểm dịch kiểm soát liên ngành lưu động tỉnh gồm 11 người, mỗi huyện thị là 01 đội mỗi đội 10 người gồm: Quản lý thị trường, Y tế, Thú y, Công an, Phòng Nông nghiệp và PTNT (Phòng Kinh tế) mỗi đơn vị 02 người và chỉ được thành lập khi có ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

b) Chi phí thù lao cho lực lượng tham gia thực hiện vào ổ dịch lấy mẫu, giám sát lấy mẫu gồm 3 cán bộ của tỉnh và 2 cán bộ trạm huyện, thị, thành. Chi cho lực lượng trực chống dịch trong 21 ngày gồm 5 cán bộ của tỉnh và mỗi huyện 2 cán bộ.

c) Thưởng nóng cho người cung cấp thông tin chính xác về dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Mỗi huyện, thị, thành dự trù 03 thông tin được cung cấp, mức thưởng 500.000 đồng/thông tin. Lưu ý, phải bảo vệ bí mật về người cung cấp thông tin.

d) Chi phí mua bảo hộ lao động dùng cho công tác tiêu hủy: Bộ đồ bảo hộ gồm 7 món (khẩu trang giấy, găng tay, kính, nón giấy, bộ đồ giấy, ủng giấy,...), khẩu trang N95, áo mưa nilon và ủng cao su.

đ) Dự toán chi phí hỗ trợ chủ nuôi có gia súc, gia cầm bị tiêu hủy: Được thực hiện theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

- Hỗ trợ chủ nuôi có gia cầm bị tiêu huỷ là 6.650 con x 35.000 đ/con. Trong năm dự kiến chi hỗ trợ chủ nuôi theo số liệu Cục Thống kê tỉnh An Giang 01/10/2016 là 4.429.410 con, số dự kiến tiêu hủy bằng 0,3% số 50% gia cầm dự kiến tiêm phòng.

- Hỗ trợ chủ nuôi có gia súc (heo) bị tiêu hủy dự kiến là 200 con, bình quân 70 kg/con x 38.000đ/kg.

- Hỗ trợ chủ nuôi có gia súc (trâu, bò, dê) bị tiêu hủy dự kiến là 200 con, bình quân 100 kg/con x 45.000đ/kg.

e) Chi hỗ trợ cho việc thực hiện tiêu hủy gia súc, gia cầm: khoán chi phí tiêu huỷ gồm: hoá chất, nhiên liệu, thuê mướn nhân công vận chuyển, nhân công đào hố, bảo hộ lao động,...

- Chi phí tiêu huỷ gia cầm: khoán 10.000.000 đ/huyện, dự kiến 50% số huyện bị tiêu huỷ.

- Chi phí tiêu huỷ gia súc (heo): khoán 10.000.000 đ/huyện, dự kiến 50% số huyện bị tiêu huỷ.

- Chi phí tiêu huỷ gia súc (trâu, bò, dê): khoán 10.000.000 đ/huyện, dự kiến 50% số huyện bị tiêu huỷ.

g) Chi hỗ trợ cán bộ thú y và những người trực tiếp tham gia nhiệm vụ chống dịch để thực hiện tiêu huỷ gia súc, gia cầm. Mức chi tối đa 100.000 đồng/người/ngày đối với ngày làm việc và 200.000 đồng/người/ngày đối với ngày nghỉ, ngày lễ, tết theo Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

III. DỰ TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN

Tổng dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm giai đoạn 2017-2020 là 39.232.485.406 đồng (Ba mươi chín tỷ, hai trăm ba hai triệu, bốn trăm tám mươi lăm ngàn, bốn trăm lẻ sáu đồng) từ nguồn ngân sách tỉnh (không kể kinh phí do người chăn nuôi chi trả công tiêm phòng và các nguồn kinh phí hỗ trợ khác). Cụ thể:

- Năm 2017: 852.530.175 đồng.

- Năm 2018: 12.453.296.880 đồng.

- Năm 2019: 12.787.744.287 đồng.

- Năm 2020: 13.138.914.064 đồng.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ nội dung Kế hoạch đã được phê duyệt chịu trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn thực hiện và có báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về kết quả thực hiện theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh.

- Tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo quy định của Luật Thú y và các văn bản, chỉ thị của các bộ, ngành Trung ương và của UBND tỉnh.

- Phối hợp với các Sở, ngành trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch và hướng dẫn việc thực hiện theo đúng quy định.

- Báo cáo định kỳ, đột xuất tình hình công tác phòng chống dịch về UBND tỉnh.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan triển khai thực hiện tốt các nội dung của Kế hoạch này nhằm đạt hiệu quả về công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cao nhất.

2. Sở Tài chính căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách hằng năm, thẩm định, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch theo quy định.

3. Các Sở ngành có liên quan: Công an tỉnh, Sở Công Thương, Sở Y tế, Sở Thông tin Truyền thông, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo An Giang theo chức năng được phân công chủ động, phối hợp và hỗ trợ Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện tốt các nội dung Kế hoạch đã được phê duyệt.

4. UBND huyện, thị xã, thành phố

- Xây dựng Kế hoạch phòng, chống gia súc, gia cầm giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn quản lý căn cứ vào nội dung Kế hoạch này.

- Chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý. Tăng cường chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm ở các cấp. Chủ động sử dụng nguồn kinh phí của địa phương, chi phí kịp thời phục vụ công tác phòng, chống dịch. Có kế hoạch, phương án, chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ lực lượng, vật tư chủ động đối phó kịp thời khi có dịch xảy ra.

- Chỉ đạo, tổ chức tốt việc phối hợp giữa các lực lượng trên địa bàn: Công an, Quản lý thị trường, Biên phòng, Thú y và chính quyền cơ sở tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển động vật sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định tại Nghị định số 119/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi.

- Thông tin, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, truyền hình của địa phương để nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; đưa tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về diễn biến, nguy cơ dịch bệnh và biện pháp phòng, chống; hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, dấu hiệu để phát hiện dịch bệnh, hướng dẫn biện pháp an toàn khi tiếp xúc với gia súc, gia cầm để người dân tự bảo vệ bản thân, bảo vệ cộng đồng và chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Kiểm tra,xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm mua bán gia cầm sống tại chợ và chăn nuôi thủy cầm thả trên sông, kênh, rạch, nơi có dòng nước dùng trong sinh hoạt.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường quản lý đàn gia súc, gia cầm; triển khai công tác quy hoạch chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, đảm bảo vệ sinh môi trường; tổ chức giám sát tình hình dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm, phát hiện sớm các ổ dịch nhằm kịp thời bao vây, khống chế không để dịch lây lan; thực hiện giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm đến tận khóm, ấp, hộ chăn nuôi; thường xuyên vệ sinh, khử trùng môi trường.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, ban quản lý các chợ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra việc chăn nuôi, vận chuyển, kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, buôn bán không đúng nơi quy định.

- Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định tiêu hủy đàn gia súc, gia cầm bị bệnh trong diện phải tiêu hủy khi đã được Chi cục Chăn nuôi và Thú y xác định và có kết quả xét nghiệm là dương tính của Cơ quan Thú y Vùng đồng thời thực hiện các biện pháp phòng, chống kịp thời, hiệu quả.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Những nội dung phê duyệt trước đây trái với nội dung tại Quyết định này đều được bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các Sở, ngành có liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp & PTNT; Cục Thú y;
- TTUBND tỉnh;
- Công an tỉnh, Sở Công Thương;
- Sở Tài chính; Sở Nông Nghiệp & PTNT;
- Sở Thông tin Truyền thông; Sở Y Tế;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Chi cục Chăn nuôi Thú y.
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Đài PTTH An Giang, Báo An Giang;
- P.KTN; P.KTTH,P.HCTH;

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lâm Quang Thi

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2612/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh An Giang

  • Số hiệu: 2612/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/08/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Lâm Quang Thi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản