Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2012/QĐ-UBND

Thái Bình, ngày 18 tháng 01 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC CHỦ ĐỘNG KIỂM SOÁT DỊCH BỆNH TRÊN GIA SÚC, GIA CẦM Ở TỈNH THÁI BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Pháp lệnh Thú y năm 2004;

Căn cứ Nghị quyết số 29/2011/NQ-HĐND ngày 14/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ tăng cường năng lực chủ động kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 11/TTr-SKHĐT ngày 09/01/2012 và đề nghị của Sở Tư pháp tại Báo cáo thẩm định số 02/BC-STP ngày 06/01/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ tăng cường năng lực chủ động kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở tỉnh Thái Bình”.

Điều 2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn thi hành quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chi cục trưởng Chi cục Thú y; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Văn Sinh

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC CHỦ ĐỘNG KIỂM SOÁT DỊCH BỆNH TRÊN GIA SÚC, GIA CẦM Ở TỈNH THÁI BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 04/2012/QĐ-UBND ngày 18 tháng 01 năm 2012 của UBND tỉnh).

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Chính sách hỗ trợ tăng cường năng lực chủ động kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nhằm chủ động kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tỉnh Thái Bình, góp phần phát triển sản xuất chăn nuôi hàng hoá thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

Quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước cho công tác tăng cường năng lực chủ động kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở tỉnh Thái Bình.

Điều 3. Đối tượng áp dụng

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn ở tỉnh Thái Bình.

Chương II

CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Điều 4. Hỗ trợ tiêm vắc xin phòng bệnh hàng năm

1. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí mua vắc xin tiêm phòng các bệnh nguy hiểm ở vật nuôi tại các hộ gia đình, gia trại (đối với chăn nuôi trang trại, chủ trang trại tự mua vắc xin tiêm phòng); bao gồm:

a) Vắc xin phòng các bệnh đỏ cho đàn lợn (dịch tả, tụ huyết trùng, đóng dấu và phó thương hàn).

b) Vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng cho đàn trâu bò và đàn lợn nái, đực giống.

2. Ngân sách tỉnh hỗ trợ công tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm với mức hỗ trợ 200 đồng/lần tiêm theo quy định tại Thông tư 136/2010/TT-BTC ngày 13/9/2010 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y.

3. Kinh phí triển khai, tổ chức công tác tiêm phòng (họp, kiểm tra, mua sắm vật tư, dụng cụ bảo hộ lao động…) hàng năm ở cấp nào, ngân sách cấp đó đảm nhiệm.

Điều 5. Hỗ trợ kinh phí giám sát dịch bệnh, hoạt động chốt kiểm dịch, vệ sinh khử trùng tiêu độc hàng năm

1. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng/năm cho kinh phí giám sát, xác minh dịch bệnh (chi phí trang thiết bị, dụng cụ vật tư chuyên ngành, hoá chất phục vụ chuẩn đoán xác minh dịch bệnh; kinh phí này được ngân sách tỉnh cấp bổ sung hàng năm cho Chi cục Thú y).

2. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật liên ngành tại các đầu mối giao thông của tỉnh. Kinh phí hoạt động của đội kiểm soát dịch lưu động, chốt kiểm dịch động vật được thành lập theo quyết định của cấp huyện, cấp xã do cấp huyện, xã đảm nhiệm.

3. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí mua hóa chất dự phòng. Ngân sách huyện, xã đảm nhiệm kinh phí mua vôi bột, hóa chất xử lý vệ sinh khử trùng tiêu độc ở những nơi có nguy cơ cao về dịch bệnh.

Điều 6. Công tác tuyên truyền tập huấn hàng năm

Kinh phí thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tăng cường năng lực chủ động kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở cấp nào do ngân sách cấp đó chịu trách nhiệm.

Điều 7. Hỗ trợ kinh phí tiêu hủy gia súc, gia cầm

Được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008 và Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008 về chính sách hỗ trợ, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Ngân sách huyện, thành phố chủ động trong công tác hỗ trợ tiêu hủy gia súc, gia cầm khi chưa đủ điều kiện công bố dịch.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Trách nhiệm của các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Theo dõi tình hình thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện cơ chế chính sách với Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Nghiên cứu, sửa đổi chính sách hỗ trợ trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định khi cần thiết.

2. Sở Tài chính:

a) Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ban, ngành liên quan cân đối nguồn ngân sách và bố trí vốn hàng năm để thực hiện cơ chế hỗ trợ.

b) Hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện cấp phát, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ theo quy định.

c) Chủ trì thẩm định, thanh quyết toán; thanh tra, kiểm tra kinh phí hỗ trợ theo cơ chế chính sách và quy định hiện hành của Nhà nước.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chỉ đạo Chi cục Thú y chủ động cung ứng các loại vắc xin, hóa chất đảm bảo tiến độ và yêu cầu của công tác phòng chống dịch bệnh; phối hợp với các cấp, ngành triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ theo quy định này.

b) Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện cơ chế hỗ trợ của các đơn vị chức năng; kịp thời phản ánh đề xuất giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện.

4. Các sở, ngành khác có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tổ chức thực hiện các nội dung của quy định này.

5. Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố:

a) Chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện cơ chế trên địa bàn quản lý.

b) Chủ động nguồn ngân sách địa phương thực hiện các hoạt động quy định trong cơ chế hỗ trợ.

c) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, các đơn vị liên quan trên địa bàn thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành thú y trong phạm vi địa phương.

6. Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình, Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố chủ động và phối hợp tuyên truyền rộng rãi cơ chế hỗ trợ tới cán bộ, nhân dân trong tỉnh.

Điều 9. Điều khoản thi hành

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện đúng quy định này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc kịp thời phản ánh về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 04/2012/QĐ-UBND về Quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ tăng cường năng lực chủ động kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở tỉnh Thái Bình

  • Số hiệu: 04/2012/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/01/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình
  • Người ký: Phạm Văn Sinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản