Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 26/2003/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 30 tháng 01 năm 2003 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUI ĐỊNH HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND;
Căn cứ Luật giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19/11/2002 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 36/2001/NĐ-CP ngày 10/7/2001 và số 39/2001/NĐCP ngày 13/7/2001 của Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông công chính và Giám đốc Công an Thành phố.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1 : Qui định về phạm vi

 Qui định về phạm vi cấm hoạt động của các phương tiện giao thông trên một số tuyến đường thuộc vành đai II, vành đai III và một số tuyến đường khác trên địa bàn Thành phố Hà Nội cụ thể như sau :

 1 - Từ các đường : Âu Cơ, Nghi Tàm, Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Nguyễn Khoái, Minh Khai, Nguyễn Tam Trinh, Pháp Vân, Kim Giang, Khương Đình, Nguyễn Trãi (đoạn từ đường Khương Đình đến đường Khuất Duy Tiến), Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng trở vào trung tâm thành phố.

 2 - Riêng ở trên các đường từ Trần Nhật Duật qua Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Nguyễn Khoái rẽ vào phố Minh Khai đi qua đường Nguyễn Tam Trinh đến đường Pháp Vân và đoạn đường gồm các phố từ đường Nguyễn Trãi qua đường Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng đến đường Phạm Văn Đồng được hoạt động bình thường.

Điều 2 : Qui định, thời gian hoạt động cho các loại phương tiện như sau :

 1/ Trên các đường phố quy định tại Điều 1 :

 a - Các loại xe tô vận tải có tải trọng đến 1,25 tấn :

 Cấm hoạt động từ 6h30 đến 8h30 và từ 16h30 đến 18h30 hàng ngày.

 b - Các loại xe tô vận tải có tải trọng từ trên 1,25 tấn đến 2,5 tấn.

 Cấm hoạt động từ 6h00 đến 19h00 hàng ngày.

 c - Đối với các loại xe tô vận tải, có trọng tải trên 2,5 tấn và các loại xe máy thi công :

 Cấm hoạt động từ 6h00 đến 21h00 hàng ngày.

 d- Đối với các loại xe vận tải siêu trường, siêu trọng (theo Quyết định số 824/2002/QĐ-BGTVT ngày 25/3/2002 của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải) và cá xe tô tải có trọng lượng toàn bộ xe lớn hơn 10 tấn ; cấm hoạt động 24/24h.

 Các loại xe này có nhu cầu vào các đường, phố được quy định tại Điều 1 phải có giấy phép lưu hành đặc biệt do Sở giao thông công chính Hà Nội cấp (theo uỷ quyền của Cục trưởng Cục Đường bộ Việt nam) và chỉ được hoạt động từ 21h00 dến 6h00 sáng ngày hôm sau.

 e - Đối với các loại xe ô tô chở khách (trừ xe ô tô buýt công cộng của Thành phố, xe hợp đồng đưa đón cán bộ công nhân viên, học sinh sinh viên, lực lượng vũ trang, xe phục vụ tang lễ, xe phục vụ đám cưới, xe công vụ, xe tham quan du lịch) : Cấm hoạt động từ 6h30 đến 8h30 và từ 16h30 đến 18h30 hàng ngày.

 Các loại xe khách liên tỉnh, xe khách chất lượng cao phải đỗ ở bến xe ngoài thành phố, theo quy định của Thành phố.

 g - Đối với các loại xe ô tô buýt của Thành phố :

 Được hoạt động (24h00/24h00) trên các tuyến đường, phố theo chiều và tuyến đường có phần đường dành riêng theo biển chỉ dẫn theo lộ trình đối với từng loại xe buýt do Thành phố quy định.

 h - Đối với các loại xe chuyên dùng :

 - Các loại xe cấp nước sinh hoạt, xe chuyên dùng giải quyết các sự cố đột xuất về điện, nước, úng ngập do mưa, lún sụt đường, gẫy cành, đổ cây được phép hoạt động 24h/24h hàng ngày.

 - Các loại xe cắt sửa cây, xe tưới nước rửa đường, xe hút bụi, xe hút phân, xe hút bùn, xe vận chuyển bùn phục vụ thoát nước, xe thu gom rác, xe và máy sửa chữa cầu đường, xe nâng đưa người làm việc trên cao được hoạt động trên các đường phố trừ giờ cao điểm : sáng từ 6h30 đến 8h30; Chiều từ 16h30 đến 18h30.

 - Xe chở thực phẩm tươi sống, trọng tải đến 2,5 tấn được hoạt động trên các đường phố trừ giờ cao điểm : Sáng từ 6h30 đến 8h30; chiều từ 16h30 đến 18h30. Xe chở tiền, vàng bạc, ngoại tệ được hoạt động 24h00/24h00 theo quy định tại khoản 3 điều 16, chương 4 Nghị định số 81/1998/NĐ-CP ngày 01/10/1998 của Chính phủ.

 - Các loại xe chuyên dùng vận chuyển rác, xe chở lương thực, chỉ được phép hoạt động trên các đường phố từ 19h00 đến 6h00 sáng hôm sau.

 - Các loại xe hoạt động khác trái với quy định tại quyết định này phải có giấy phép của Công an Thành phố cấp theo điều 52 khoản I Nghị định số 36/2001/NĐ-CP ngày 10/7/2001 của Chính phủ.

 2 - Các loại xe khác và xe thô sơ :

 a/ Cấm các loại xe Lambro, xe công nông, xe bông sen, xe chở khách được hoán cải từ xe tải các loại, máy trộn bê tông tự hành hoạt động trên các đường phố quy định tại Điều 1 và các tuyến quốc lộ thuộc địa phận Hà Nội vào trung tâm Thành phố.

 b/ Cấm sử dụng các loại xe máy 3 bánh chuyên dùng để kinh doanh chở khách và hàng hóa.

 c/ Cấm sử dụng xe máy kéo theo xe thô sơ hoạt động trên địa bàn Thành phố.

 d/ Cấm các loại ô tô, xe máy chạy quá tốc độ quy định, đua xe, lạng lách, các xe gây tiếng ồn, bụi, khói quá mức độ cho phép làm ô nhiễm môi trường.

 e/ Cấm mô tô, xe máy chở quá 2 người (kể cả người điều khiển phương tiện).

 g/ Cấm các loại xe : Xe súc vật kéo, xe người kéo, xe đẩy (trừ xe của người tàn tật, xe nôi trẻ em), xe đạp thồ hoạt động trên đường, phố quy định tại điều 1 trở vào Trung tâm thành phố.

 h/ Cấm các loại xe xích lô hoạt động trên đường, phố quy định tại điều 1 trở vào trung tâm Thành phố. Đối với xe xích lô du lịch chỉ cho phép những xe đã đăng ký, đang hoạt động và được kiểm tra lại về an toàn, mỹ thuật để lấy thẻ hoạt động định kỳ và chỉ được hoạt động ngoài giờ cao điểm (sáng từ 6h30 đến 8h30; Chiều từ 16h30 đến 18h30).

Điều 3 : Xử lý vi phạm

 Tất cả các phương tiện giao thông vi phạm quy định tại quyết định này và Luật giao thông đường bộ bị xử lý :

 a - Đối với ô tô, mô tô, xe máy : xử phạt theo quy định của pháp luật và tạm giữ phương tiện từ 15 đến 60 ngày tùy theo mức độ vi phạm. Riêng mô tô, xe máy tham gia đua xe thì tịch thu, bán đấu giá đưa vào Quĩ hỗ trợ người tàn tật.

 b - Đối với xe thô sơ, xe xích lô thì tịch thu.

Điều 4 : Phân công trách nhiệm

 a - Giám đốc Sở Giao thông công chính có trách nhiệm tổ chức, kiểm tra cắm biển báo giao thông theo quy định trên, phối hợp với Giám đốc Sở Văn hóa thông tin và các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền hướng dẫn thực hiện.

 b - Giám đốc Công an Thành phố có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm các quy định tại Quyết định này và các quy định của Pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Điều 5 :

 Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 12/2001/QĐ-UB ngày 22/3/2001 của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội.

 Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc, chưa phù hợp thì Sở Giao thông công chính và Công an Thành phố tổng hợp, thống nhất đề xuất ý kiến, báo cáo Uỷ ban nhân dân Thành phố xem xét, giải quyết.

Điều 6 :

 Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân Thành phố, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các Quận, Huyện, Giám đốc Công an Thành phố, Giám đốc Sở Giao thông công chính và Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, đơn vị có liên quan và mọi người tham gia giao thông chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

T/M. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
K/T. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
 
 
 
 
Đỗ Hoàng Ân

 

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 26/2003/QĐ-UB Qui định hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 26/2003/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/01/2003
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Đỗ Hoàng Ân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/02/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 14/01/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản