Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13/2002/NQ-CP

Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2002

NGHỊ QUYẾT

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 13/2002/NQ-CP NGÀY 19 THÁNG 11 NĂM 2002VỀ CÁC GIẢI PHÁP KIỀM CHẾ GIA TĂNG VÀ TIẾN TỚI GIẢM DẦNTAI NẠN GIAO THÔNG VÀ ÙN TẮC GIAO THÔNG

Ngày 30 tháng 10 năm 2002, tại phiên họp thường kỳ tháng 10 năm 2002 Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải kiêm Chủ tịch ủy ban An toàn giao thông Quốc gia báo cáo tình hình tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, các giải pháp trước mắt và cơ bản để khắc phục tình trạng này. Sau khi thảo luận, Chính phủ đã quyết nghị như sau:

Tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của nhà nước và nhân dân, đang là vấn đề bức xúc đòi hỏi Đảng, Nhà nước ta, trước hết là Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng, các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương phải tập trung sức lãnh đạo, chỉ đạo để từng bước khẩn trương giải quyết một cách có hiệu quả vấn đề nổi cộm này. Tình trạng gia tăng tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do quản lý nhà nước còn nhiều thiếu sót, khuyết điểm và ý thức quá kém trong chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông.

Để khắc phục những yếu kém nêu trên, phải phấn đấu bằng các giải pháp đồng bộ, kiên quyết thực hiện mục tiêu kiềm chế, tiến tới giảm dần tốc độ gia tăng tai nạn giao thông đường bộ và ùn tắc giao thông đô thị, trước hết ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các thành phố, thị xã, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện ngay các giải pháp sau:

1. Bộ Giao thông vận tải bổ sung, hoàn thiện chiến lược, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển phương tiện giao thông đường bộ, nhất là ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố, thị xã; trong đó phải thể hiện rõ phương án phát triển thích hợp các loại phương tiện vận tải đường bộ theo hướng ưu tiên phát triển vận tải công cộng, hạn chế thấp nhất phương tiện giao thông cá nhân, trình Chính phủ trong tháng 12 năm 2002.

2. Các Bộ, ngành chức năng và ủy ban nhân dân các địa phương có trách nhiệm tập trung đầu tư và ban hành các chính sách ưu đãi để phát triển nhanh vận tải khách công cộng ở các đô thị, trước mắt cần đẩy mạnh phát triển xe buýt; Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố, thị xã có mật độ dân cư lớn phải thành lập các doanh nghiệp nhà nước công ích đủ sức thực hiện nhiệm vụ vận tải khách công cộng; ban hành các chính sách cụ thể nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vận tải khách công cộng theo quy hoạch và khuyến khích, vận động người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng; những cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có số lượng lớn cán bộ, công nhân viên đóng trên địa bàn không có tuyến xe buýt phải tổ chức xe đưa đón công nhân viên.

Ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, trước hết là giải quyết các nút giao thông, đường vành đai, đường xuyên tâm; sớm xây dựng đề án phát triển các loại phương tiện vận tải khách có khả năng vận chuyển số lượng lớn ở các thành phố như : xe điện, tàu điện ngầm ...

Song song với việc phát triển vận tải khách công cộng và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, cần khẩn trương ban hành các giải pháp đồng bộ nhằm kiềm chế sự gia tăng mô tô, xe máy, tiến tới giảm dần số lượng mô tô, xe máy lưu hành trong nội thành, nội thị các thành phố, thị xã.

Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh ban hành lộ trình và các biện pháp chặt chẽ, phù hợp nhằm kiềm chế tối đa sự gia tăng số lượng mô tô, xe máy, trong đó có xem xét cụ thể việc tạm dừng đăng ký mô tô, xe máy mới và quy định các tuyến đường, khu vực, thời gian không cho mô tô, xe máy lưu hành để hạn chế ùn tắc giao thông.

3. Kiên quyết lập lại trật tự kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Bộ Công an tập trung chỉ đạo và tăng cường lực lượng vào việc hướng dẫn và điều khiển giao thông thông suốt; thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trước hết phải tập trung kiểm tra, xử phạt nghiêm những người điều khiển mô tô không có giấy phép lái xe, kiên quyết chấm dứt tình trạng người điều khiển mô tô không có giấy phép lái xe; đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm khắc những vi phạm của người điều khiển mô tô, xe máy như : chưa đủ tuổi quy định, đua xe trái phép, chạy quá tốc độ, điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng,...

Để hạn chế thương vong do chấn thương sọ não từ tai nạn giao thông gây ra, cảnh sát giao thông phải kiên quyết xử phạt những người điều khiển và ngồi trên mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm trên những đoạn đường bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh lại những đoạn đường quy định phải đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy cho phù hợp.

Bộ Giao thông vận tải phải thường xuyên kiểm tra các cơ sở đào tạo và công tác sát hạch cấp giấy phép lái xe, kiên quyết thu hồi giấy phép đào tạo của những cơ sở đào tạo lái xe không đủ tiêu chuẩn quy định, đình chỉ hoạt động và xử lý nghiêm khắc Hội đồng sát hạch nếu có sai phạm hoặc sát hạch viên có hành vi tiêu cực; ban hành quy định việc kiểm tra lại và đổi giấy phép lái xe theo lộ trình thích hợp, không gây phiền hà cho nhân dân.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải ban hành quy định việc đánh dấu số lần vi phạm Luật Giao thông đường bộ trên giấy phép lái xe hiện hành để quản lý người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ (kể cả người điều khiển mô tô), chỉ đạo việc cử cán bộ cảnh sát giao thông là sát hạch viên tham gia các Hội đồng sát hạch để cấp giấy phép lái xe của ngành giao thông vận tải.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo việc quản lý, giáo dục học sinh chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, bảo đảm chấm dứt tình trạng học sinh chưa đủ tuổi quy định đi học bằng mô tô, xe máy; tiếp tục mở rộng giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong trường học trên phạm vi toàn quốc.

4. Bộ Công an tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật những trường hợp xe ô tô không đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật lưu hành trên đường giao thông.

Bộ Giao thông vận tải tổ chức rà soát lại và quản lý chặt chẽ công tác đăng kiểm ô tô và xử lý nghiêm khắc những kiểm định viên có hành vi tiêu cực; trình Chính phủ các chính sách hỗ trợ cho những chủ xe thực hiện tốt Nghị định số 92/2001/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

5. Khi đăng ký mô tô, xe máy, người đăng ký phải xuất trình giấy phép lái xe; phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và đóng các loại phí và lệ phí theo quy định. Bộ Công an hướng dẫn thực hiện quy định này.

Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy tắc, biểu phí, tăng mức bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; tăng mức thu lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký và lệ phí lưu hành mô tô, xe máy ở các thành phố, thị xã; đồng thời ban hành chính sách hỗ trợ tài chính cho phát triển vận tải khách công cộng bằng xe buýt và đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đô thị.

6. Bộ Công an trình Chính phủ đề án tăng cường biên chế, trang thiết bị cho cảnh sát giao thông và đề xuất chính sách về đào tạo, đãi ngộ thích hợp cho cảnh sát giao thông trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giữ gìn trật tự an toàn giao thông; thường xuyên giáo dục nâng cao trách nhiệm, phẩm chất và năng lực nghiệp vụ của cảnh sát giao thông; khen thưởng kịp thời đi đôi với xử lý nghiêm khắc những cán bộ, chiến sĩ có hành vi tiêu cực trong khi làm nhiệm vụ.

7. Bộ Văn hoá - Thông tin chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức chỉ đạo và huy động các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và các địa phương, trước hết là báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam,... tham gia vào công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho mọi tầng lớp nhân dân và thực hiện các giải pháp nêu trong Nghị quyết này của Chính phủ.

8. Các Bộ, cơ quan liên quan, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các giải pháp nêu trên theo phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình, xem đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo việc giải toả các điểm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường và hành lang an toàn giao thông trên địa phương mình.

9. Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết này, hàng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Đề nghị Bộ Chính trị có chỉ thị cho các cấp uỷ Đảng có Nghị quyết tăng cường lãnh đạo công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở các địa phương.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông do Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 13/2002/NQ-CP
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 19/11/2002
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: 15/12/2002
  • Số công báo: Số 63
  • Ngày hiệu lực: 04/12/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản