Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2211/QĐ-UBND

An Giang, ngày 03 tháng 8 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN CÔNG TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2016 – 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công;

Căn cứ Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 43/2015/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, ban hành chính sách khuyến công trên địa bàn tỉnh An Giang;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 1360/TTr-SCT ngày 20 tháng 7 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình Khuyến công tỉnh An Giang giai đoạn 2016 -2020 (Chương trình kèm theo).

Điều 2. Sở Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện nhiệm vụ Chương trình khuyến công theo phân công, định kỳ báo cáo UBND tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Thay thế Quyết định số 1666/QĐ-UBND ngày 31 tháng 7 năm 2013.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương, Thủ trưởng các Sở, ban ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Nưng

 

CHƯƠNG TRÌNH

KHUYẾN CÔNG TỈNH AN GIANG GIAI Đ0ẠN 2016 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2211/QĐ-UBND ngày 03 tháng 8 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)

PHẦN I

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN CÔNG GIAI ĐOẠN 2013 – 2015

I. Kết quả thực hiện các nội dung của Chương trình khuyến công tỉnh An Giang giai đoạn 2013 - 2015

1) Đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề

Giai đoạn 2013 - 2015 đã tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề 85 lớp, đạt 472% (Kế hoạch 18 lớp), giải quyết việc làm cho 2.550 lao động, thuộc các lĩnh vực công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp, công nghệ kỹ thuật cơ khí chế tạo và sản xuất, gia công hàng dệt may, Thêu – jour, sản xuất đường thốt nốt (từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020)

2) Hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp

Tổ chức 5 lớp Hội thảo, tập huấn có 316 đại biểu tham dự thuộc cán bộ Phòng kinh tế/Kinh tế-Hạ tầng, cán bộ xã, phường, thị trấn và cơ sở công nghiệp nông thôn, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp về “Nâng cao năng lực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn”; “Nâng cao nghiệp vụ áp dụng sản xuất sạch hơn”; “Tìm kiếm thị trường, tháo gỡ khó khăn và gắn kết giữa nhà sản xuất với nhà phân phối”, “Nâng cao năng suất thông qua tiết kiệm chi phí bằng sản xuất sạch hơn”; “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”. Tổ chức 7 đoàn tham quan học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh cho 105 lượt người tham gia. Thực hiện báo cáo đánh giá nhanh sản xuất sạch hơn cho 02 cơ sở, doanh nghiệp cơ sở sản xuất bánh kẹo và sản xuất chiếu uzu.

3) Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất Công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp; xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn

- Xây dựng 25 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất cho nghề mộc, sản xuất đường thốt nốt, may gia công, dệt chiếu, …

- Hỗ trợ ứng dụng, đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất trên địa bàn tỉnh 211 dự án (trong đó: khuyến công quốc gia 03, khuyến công địa phương 201, khoa học và công nghệ 07 dự án).

- Hỗ trợ và tạo điều kiện cho 20 doanh nghiệp áp dụng công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng và công bố 30 sản phẩm, hàng hóa phù hợp quy chuẩn kỹ thuật địa phương. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp 124 nhãn hiệu cá thể, 11 nhãn hiệu tập thể.

4) Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

- Tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp tỉnh đạt 11 sản phẩm đạt, tham gia cấp khu vực có 02 sản phẩm đạt giải (bánh hạnh nhân Tiến Anh, huyện Chợ Mới và hệ thống rãi, đùa lúa trong lò sấy của cơ sở cơ khí Hai Lâm, huyện Châu Phú). Đề cử tham dự bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia có 01 sản phẩm đạt giải cấp quốc gia (sản phẩm bánh hạnh nhân Tiến Anh).

- Thông tin cho 2.027 doanh nghiệp, cơ sở để tham gia Hội chợ nước ngoài, ngoài tỉnh, trong tỉnh, phiên chợ hàng Việt về nông thôn.

- Hỗ trợ xây dựng 1 nhà trưng bày quảng bá sản phẩm gắn với tour – tuyến du lịch cho nghề dệt thổ cẩm Khmer xã Văn Giáo huyện Tịnh Biên.

- Hỗ trợ tham gia hội chợ, triển lãm, kết nối cung cầu, giao thương và xúc tiến thương mại trong và ngoài nước: hỗ trợ cho 460 lượt cơ sở, doanh nghiệp chi phí thuê gian hàng, miễn giảm chi phí gian hàng; 300 lượt tham gia gian hàng giới thiệu sản phẩm, hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ; 16 lượt Hội nghị kết nối cung - cầu, giao thương hàng hóa giữa các tỉnh thành trong cả nước. Qua đó có 13 DN/CSSX tham gia với 75 sản phẩm. Doanh số bán hàng vào các hệ thống phân phối trong nước, từ năm 2013 đến 2015 đạt khoảng 782 tỷ đồng.

5) Tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn

- Tổ chức 06 cuộc Hội nghị triển khai Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp hơn 500 lượt đại biểu tham dự. Ban hành Văn bản hướng dẫn thực hiện quy trình đầu tư theo Luật Đầu tư. Ban hành Quy chế phối hợp liên ngành trong giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thuế và đăng ký mẫu dấu đối với doanh nghiệp thành lập trên địa bàn tỉnh An Giang. Rà soát, cập nhật và công khai các điều kiện, thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, các tài liệu về quy hoạch kinh tế - xã hội, cơ chế chính sách... trên cổng thông tin điện tử của Sở Công Thương và niêm yết công khai tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.

- Hỗ trợ 04 cơ sở thiết kế mẫu mã, bao bì cho sản phẩm rượu, chổi cọng dừa và chiếu uzu.

6) Cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công

- Các cơ quan Báo, Đài thực hiện 30 phóng sự, 26 bài viết, 5 bản tin Công Thương giới thiệu về hoạt động sản xuất, kinh doanh, về hoạt động khuyến công và các văn bản có liên quan cho các cơ sở tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp, làng nghề trong tỉnh thiết kế, in ấn tờ bướm, tờ rơi giới thiệu sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ và hàng đặc sản. Xây dựng và phát hành sổ tay hướng dẫn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các hộ gia đình.

- Khảo sát nắm thông tin về các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh An Giang để hỗ trợ quảng bá trên website của các tỉnh, thành phố trong cả nước.

7) Hợp tác quốc tế về khuyến công

Cử cán bộ tham gia đoàn công tác học tập kinh nghiệm về công tác khuyến công, khuyến khích phát triển công nghiệp, quản lý cụm công nghiệp, sản xuất sạch hơn tại Thái Lan do Cục Công nghiệp địa phương tổ chức.

8) Nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công

- Cử cán bộ tham dự các hội thảo, hội nghị, các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho cho cán bộ làm công tác khuyến công do Cục Công nghiệp địa phương tổ chức. Tổ chức triển khai, hướng dẫn các văn bản liên quan cho các cán bộ của Phòng Kinh tế- Kinh tế/Hạ tầng về Nghiệp vụ công tác khuyến công; Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công và các văn bản hướng dẫn thi hành và Chương trình Khuyến công tỉnh An Giang giai đoạn 2013 – 2015, định hướng đến năm 2020.

- Ban hành quyết định số 1666/QĐ-UBND ngày 31 tháng 7 năm 2013, Quyết định ban hành Chương trình khuyến công tỉnh An Giang giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020; Quyết định số 43/2015/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2015, Quyết định ban hành Chính sách khuyến công trên địa bàn tỉnh An Giang.

- Tổ chức các đoàn nghiệm thu, thẩm định các đề án khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương trên địa bàn tỉnh.

- Trang bị các máy móc thiết bị làm việc cho Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp kinh phí 257 triệu đồng.

II. Nhận xét đánh giá kết quả thực hiện

1) Mặt đạt được:

- Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, điều hành của Uỷ ban nhân dân tỉnh, tổ chức thực hiện của các Sở, Ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố đã đưa Chương trình khuyến công đến các doanh nghiệp, cơ sở tiếp cận kịp thời, tạo điều kiện các cơ sở đầu tư sản xuất, phát triển sản phẩm, ổn định lao động, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp trên toàn tỉnh.

- Thông qua Chương trình khuyến công các cơ sở công nghiệp nông thôn, đặc biệt là các cơ sở làng nghề đã có sự chuyển biến đáng kể trong mạnh dạn đầu tư, ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất, từ đó nâng cao được chất lượng sản phẩm và tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

- Nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn đã mở rộng được thị trường tiêu thụ nội địa, trong đó một số cơ sở đã từng bước tiếp cận được thị trường xuất khẩu.

- Trình độ năng lực quản lý sản xuất kinh doanh được cải thiện cũng như thương hiệu sản phẩm ngày càng được chú trọng, quan tâm hơn.

- Các Sở, ngành chức năng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chính sách có liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp.

2) Những tồn tại, hạn chế:

- Một số ngành nghề công nghiệp nông thôn phát triển chưa bền vững, ô nhiễm môi trường nhiều địa phương ở mức nghiêm trọng (ngành rèn, sản xuất dây keo, sản xuất gạch ngói…)

- Số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT của tỉnh An Giang rất lớn (trên 14.000 cơ sở CNNT), phần lớn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; tuy nhiên do nguồn kinh phí khuyến công còn hạn chế, số lượng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn được hỗ trợ chưa nhiều (trên 200 cơ sở CNNT) trên toàn tỉnh do một số ngành nghề thị trường tiêu thụ còn khó khăn nên chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất.

- Nhiều nội dung hoạt động khuyến công đề ra trong kế hoạch nhưng không triển khai được hoặc triển khai đạt tỷ lệ thấp như: Thành lập cụm liên kết công nghiệp, mô hình làng nghề kết hợp du lịch, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xây dựng mô hình trình diễn, hỗ trợ ứng dụng đổi mới công nghệ, tổ chức Hội thảo, tổ chức đoàn tham quan khảo sát trong nước.

- Kinh phí thực hiện Chương trình giai đoạn 2013-2015 thực hiện đạt thấp (32%/KH: 44.993/138.529 triệu đồng). Trong đó kinh phí Trung ương đạt 7,7%/KH (800/10.335 triệu đồng), ngân sách tỉnh đạt 82% (11.305/13.863 triệu đồng), nguồn khác chỉ đạt 28,7% (32.887/114.331 triệu đồng).

3) Nguyên nhân những tồn tại, hạn chế:

- Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nguồn lực hạn chế, vì vậy sản phẩm làm ra có sức cạnh tranh thấp, nhất là giai đoạn Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế.

- Do đội ngũ cán bộ phụ trách công tác khuyến công cấp huyện chủ yếu là kiêm nhiệm, không có cán bộ chuyên trách cấp xã do quy định số lượng cán bộ không chuyên trách cấp xã, vì vậy việc xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch, đề án khuyến công gặp nhiều khó khăn (theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ; Nghị quyết số 08/2010/NQ-HĐND ; Quyết định số 54/2010/QĐ-UBND quy định cấp xã có 20 chức danh không chuyên trách)

- Một số nội dung hoạt động khuyến công đề ra trong kế hoạch nhưng không thực hiện được do chưa có hướng dẫn cụ thể từ Trung ương đến địa phương (thành lập cụm liên kết công nghiệp, mô hình kết hợp làng nghề với du lịch), một số nội dung tổ chức triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn do ít cơ sở sản xuất đăng ký nhu cầu hỗ trợ (xây dựng mô hình trình diễn, hỗ trợ ứng dụng, đổi mới công nghệ hiện đại vào sản xuất), một số nội dung do chi phí hỗ trợ thấp không đủ để triển khai thực hiện (tổ chức hội thảo, hỗ trợ xây dựng phát triển thương hiệu), riêng nội dung tổ chức đoàn tham quan, khảo sát trong nước phải hạn chế tổ chức để tiết kiệm chi ngân sách.

- Nhiều nội dung hoạt động khuyến công có mức hỗ trợ kinh phí thấp hơn các chương trình khác (hỗ trợ kinh phí truyền nghề trong khuyến công thấp hơn hỗ trợ đào tạo nghề theo Chương trình 1956, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường thấp hơn Chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng phát triển thương hiệu thấp hơn Chương trình của Bộ Khoa học và Công nghệ...); mặt khác, quy định về các thủ tục thanh quyết toán còn phức tạp, mất nhiều thời gian nên chưa thu hút nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tham gia chương trình.

- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động khuyến công ban hành chưa kịp thời, thiếu chi tiết dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai (như Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công ban hành từ năm 2012, đến 2014 mới có Thông tư hướng dẫn về quản lý kinh phí khuyến công; nhiều nội dung vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể như: Hỗ trợ đầu tư phòng trưng bày sản phẩm, hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các cơ sở sản xuất di dời vào các khu, cụm công nghiệp, hỗ trợ thành lập cụm liên kết công nghiệp, sản xuất sạch hơn...).

PHẦN II

CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN CÔNG TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

I. Mục tiêu của Chương trình:

1. Mục tiêu tổng quát:

- Huy động các nguồn lực trong tỉnh và ngoài tỉnh tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ khuyến công, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới.

- Khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh trong điều kiện Hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2020 có trên 300 doanh nghiệp và cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ từ Chương trình khuyến công.

- Thông qua Chương trình khuyến công tạo việc làm cho khoảng 6000 lao động nông thôn. Phấn đấu đến năm 2020, khu vực công nghiệp thu hút 150 ngàn lao động.

- Đến năm 2020 giá trị sản xuất công nghiệp – TTCN (giá so sánh 2010) đến năm 2020 ước đạt 45.461 tỷ đồng tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm ước tăng 7%/năm. Phấn đấu đến năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,10%.

II. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Chương trình

1) Phạm vi điều chỉnh:

Chương trình gồm các nội dung hoạt động khuyến công quy định tại Điều 4 Quyết định số 43/2015/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, Quyết định ban hành Quy định chính sách khuyến công trên địa bàn tỉnh An Giang, quản lý và tổ chức thực hiện hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn thuộc các ngành nghề quy định tại Điều 5, Quyết định 43/2015/QĐ-UBND .

2) Đối tượng áp dụng:

Các tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 2, Quyết định số 43/2015/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, Quyết định ban hành Quy định chính sách khuyến công trên địa bàn tỉnh An Giang

III. Nội dung Chương trình khuyến công tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020

1) Tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề

Tổ chức 75 lớp đào tạo nghề và truyền nghề tiểu thủ công nghiệp cho 750 lao động theo nhu cầu của cơ sở công nghiệp nông thôn từ nguồn Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020;

2) Nâng cao năng lực quản lý và áp dụng sản xuất sạch hơn

- Hỗ trợ cho các doanh nghiệp và cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia các khóa đào tạo khởi sự doanh nghiệp và nâng cao nâng cao nhận thức về năng lực sản xuất sạch hơn trong công nghiệp…

- Hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia khảo sát, học tập kinh nghiệm, tìm kiếm thị trường, tham gia kết nối cung cầu tại các tỉnh trong nước 10 lượt.

3) Hỗ trợ xây dựng mô hình tình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp –tiểu thủ công nghiệp

- Hỗ trợ xây dựng 4 mô hình trình diễn kỹ thuật áp dụng công nghệ mới, sản phẩm mới;

- Hỗ trợ chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 05 cơ sở;

- Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị và chuyển giao công nghệ cho 200 cơ sở công nghiệp nông thôn.

4) Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

- Tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh 03 lượt;

- Tham gia Hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu và Hội chợ khác trong và ngoài tỉnh 20 cuộc;

- Hỗ trợ 50 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ triển lãm trong nước;

- Hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn đăng ký thương hiệu 10 cơ sở;

- Hỗ trợ 04 có sở đầu tư phòng trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm gắn với du lịch và các khu thương mại;

- Hỗ trợ Trung tâm khuyến công đầu tư phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh;

- Hỗ trợ 3 cơ sở CNNT xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử quảng bá thương hiệu trên internet.

5) Tư vấn, trợ giúp cơ sở công nghiệp nông thôn

- Tư vấn cung cấp thông tin cho 25 cơ sở;

- Hỗ trợ đánh giá nhanh sản xuất sạch hơn cho 10 cơ sở;

- Hỗ trợ chi phí thành lập doanh nghiệp vùng kinh tế- xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn cho 02 doanh nghiệp;

6) Hỗ trợ cung cấp thông tin: Lập dự án đầu tư, marketting; quản lý-sản xuất-tài chính…

- Xây dựng và phát hành 10 bản tin công thương;

- Thực hiện 10 kỳ truyền thanh, truyền hình;

- Thực hiện 26 chuyên mục báo địa phương và hệ thống truyền thanh cơ sở;

- Xây dựng, in ấn tờ rơi, tờ gấp và các hình thức tuyên truyền khác 18 bộ;

- Hàng năm xây dựng và duy trì 01 bộ cơ sở dữ liệu công nghiệp nông thôn tỉnh An Giang.

7) Hỗ trợ liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế và phát triển cụm công nghiệp

- Hỗ trợ thành lập Hiệp hội, Hội ngành nghề cấp tỉnh 02 lượt;

- Hỗ trợ mô hình liên kết sản phẩm tiểu thủ công nghiệp với hoạt động du lịch 02 mô hình;

- Hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp 01 cụm;

- Hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp 02 cụm;

- Hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho cụm công nghiệp 01 cụm;

- Hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho cơ sở công nghiệp nông thôn 02 cơ sở;

- Hỗ trợ tư vấn lãi suất vốn vay cho các cơ sở CNNT gây ô nhiễm môi trường di dời vào Khu, cụm công nghiệp 01 cơ sở;

8) Hợp tác quốc tế về khuyến công

Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác khuyến công theo các chương trình hợp tác quốc tế và chương trình, đề án học tập, khảo sát ngoài nước do Bộ Công Thương tổ chức. Dự kiến cử 02 lượt cán bộ quản lý tham gia.

9) Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công

- Hỗ trợ xây dựng chương trình, tài liệu, tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, văn bản quy phạm pháp luật cho cán bộ làm công tác khuyến công cấp huyện và cơ sở 10 lớp;

- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức cộng tác viên khuyến công cấp huyện và cơ sở xã, phường, thị trấn;

- Tổ chức triển khai và tổng kết Chương trình khuyến công giai đoạn;

- Kiểm tra, giám sát, hướng dẫn triển khai thực hiện các Chương trình, đề án, kế hoạch khuyến công.

IV. Các giải pháp thực hiện Chương trình:

1) Tăng cường quản lý nhà nước về khuyến công

- Rà soát lại cơ chế, chính sách đã ban hành để điều chỉnh bổ sung hoàn thiện cho phù hợp với thực tế của địa phương và phù hợp với các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương.

- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu theo dõi quản lý chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công.

- Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc thực hiện các hoạt động khuyến công, tạo ra bước đột phá thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chủ trương chính sách của nhà nước để người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển công nghiệp ở nông thôn;

2) Nâng cao năng lực của bộ máy làm công tác khuyến công

- Nâng cao năng lực cán bộ làm công tác khuyến công theo hướng chuyên nghiệp; củng cố và tăng cường năng lực quản lý nhà nước về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đối với Phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố; bố trí cán bộ làm công tác khuyến công chuyên trách cấp huyện; hỗ trợ hình thành và phát triển mạng lưới cộng tác viên khuyến công ở tất cả các xã, phường, thị trấn.

- Tổ chức đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, đội ngũ cán bộ viên chức của các tổ chức dịch vụ khuyến công và cộng tác viên cấp xã.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động khuyến công hàng năm, giai đoạn để rút kinh nghiệm.

3) Huy động các nguồn tài chính cho hoạt động khuyến công

- Phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để huy động các nguồn lực, các nguồn vốn tài trợ cho các hoạt động khuyến công.

- Bám sát chỉ đạo của Cục Công nghiệp địa phương - Bộ Công thương để tiếp cận kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các hoạt động khuyến công.

- Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân được thụ hưởng chính sách khuyến công bố trí đủ nguồn vốn đối ứng để triển khai thực hiện Chương trình.

4) Lồng ghép chương trình khuyến công vi thực hiện các Chương trình mục tiêu khác

Thực hiện các hoạt động khuyến công với các chương trình mục tiêu: (Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; Chương trình chống biến đổi khí hậu; Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch; Chính sách phát triển ngành nghề nông thôn; Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ; Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trên địa bàn tỉnh An Giang và các chương trình khác) để khuyến khích, thu hút nguồn vốn của toàn xã hội đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn.

5) Tăng cường sự phối hợp hoạt động của các quan quản lý nhà nước vi các đoàn thchính trị, xã hội, nghề nghiệp; các tổ chức tư vấn, các doanh nghiệp, sđể triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động khuyến công trong tỉnh

- Triển khai thực hiện tốt các nội dung, chương trình phối hợp hoạt động giữa Sở Công Thương với tổ chức, đoàn thể (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Liên minh HTX, Đoàn thanh niên; Hiệp hội doanh nghiệp....)

- Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị (các viện, các trường, các chuyên gia, kỹ sư, các nhà quản lý...) để triển khai hoạt động khuyến công.

V. Kinh phí thực hiện Chương trình

Tổng kinh phí thực hiện Chương trình khuyến công tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020 dự kiến 73,44 tỷ đồng, trong đó đề nghị trung ương hỗ trợ từ nguồn khuyến công quốc gia 6 tỷ đồng, vốn đối ứng của tổ chức, cá nhân 38,09 tỷ đồng ngân sách địa phương 29,35 tỷ đồng

(Chi tiết dự kiến kinh phí tại Phụ lục số 02 kèm theo).

VI. Tổ chức thực hiện:

1) Sở Công Thương

- Xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn tổ chức thực hiện về khuyến công theo chương trình được duyệt;

- Xây dựng dự toán kinh phí thực hiện Chương trình và tổng hợp chung trong dự toán của Sở, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để xem xét bố trí dự toán, trình UBND tỉnh quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;

- Hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thu hút vốn và các nguồn lực phục vụ cho hoạt động khuyến công;

- Thực hiện các chức năng quản lý nhà nước khác theo quy định tại Khoản 1, Điều 14 Quyết định 43/2015/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2015 của UBND tỉnh An Giang.

2) Sở Tài chính

Hàng năm, căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, Sở Tài chính xem xét thẩm định dự toán kinh phí thực hiện Chương trình do Sở Công Thương lập (cùng thời điểm xây dựng dự toán kinh phí thường xuyên của đơn vị) để tổng hợp vào phương án phân bổ ngân sách tỉnh và tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí trong dự toán hàng năm của đơn vị để thực hiện theo tiến độ và quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

3) Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Công Thương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp và các chính sách liên quan đến hỗ trợ cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang.

4) Sở Nội vụ

- Tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt việc ổn định biên chế bộ máy Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đảm bảo hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm theo quy định.

- Đề xuất chế độ phụ cấp đối với công tác viên khuyến công cấp huyện, cấp xã.

5) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Xây dựng, hoàn thiện đề xuất UBND tỉnh ban hành chính sách phát triển ngành nghề nông thôn theo Nghị định 66/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ. Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh An Giang;

- Phối hợp với Sở Công thương lồng ghép các chương trình, chính sách liên quan đến phát triển vùng nguyên liệu, chế biến nông sản sau thu hoạch, đào tạo nghề, truyền nghề cho lao động nông thôn tránh trùng lắp, chồng chéo.

6) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho lao động của các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, các khu, các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của các đơn vị sử dụng lao động, kinh phí thực hiện từ “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” được phê duyệt theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ Tướng Chính phủ.

7) Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch tỉnh An Giang từ năm 2014 -2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1008/QĐ-UBND ngày 01 tháng 7 năm 2014. Khai thác tốt tiềm năng 4 làng nghề công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp thành điểm tham quan du lịch như: sản xuất đường thốt nốt, dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo (huyện Tịnh Biên); Dệt thổ cẩm Chăm Châu Phong và dệt lụa Tân Châu (thị xã Tân Châu) và các ngành nghề sản xuất khác.

8) Sở Khoa học và Công nghệ

Tiếp tục hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ; nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; phát triển tài sản trí tuệ; xây dựng nhãn hiệu chứng nhận An Giang cho các sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 và những chính sách khác liên quan do cấp có thẩm quyền ban hành.

9) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh An Giang

- Chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện chính sách hỗ trợ vay vốn phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp.

- Đề xuất chính sách cho vay phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Quyết định số 1289/QĐ-UBND ngày 12 tháng 8 năm 2014.

10) Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư

- Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia xúc tiến thị trường, tham gia các kỳ hội chợ trong và ngoài nước, xây dựng và phát triển thương hiệu, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

- Quảng bá hình ảnh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Tỉnh trên websile của đơn vị.

11) Sở Tài nguyên và Môi trường

- Tổ chức tập huấn cho các tổ chức, cá nhân, lồng ghép các quy định và chính sách mới về bảo vệ môi trường, giới thiệu, khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, công nghệ thân thiện môi trường.

- Rà soát, khảo sát và đề xuất Trung ương hỗ trợ làng nghề tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường Chương trình mục tiêu khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường của Trung ương.

12) Báo An Giang, Đài phát thanh truyền hình An Giang

Phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị có liên quan thực hiện các phóng sự chuyên đề về lĩnh vực công nghiệp và thương mại phục vụ cho hoạt động khuyến công. Tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Nhà nước về hoạt động khuyến công trên các phương tiện thông tin đại chúng.

13) Các sở, ban, ngành liên quan khác: Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở Công thương lồng ghép các chương trình mục tiêu với Chương trình khuyến công để triển khai thực hiện.

14) Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố:

- UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức điều hành Chương trình khuyến công trên địa bàn cấp huyện theo sự hướng dẫn của Sở Công Thương.

- Phân công Phó Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố, phụ trách trực tiếp điều hành Chương trình khuyến công trên địa bàn.

- Hàng năm bố trí ngân sách huyện để thực hiện Chương trình khuyến công. Tạo điều kiện kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị và biên chế con người thực hiện hoạt động khuyến công.

- Chỉ đạo Phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn cấp huyện xây dựng kế hoạch và kinh phí, lựa chọn và xây dựng, thực hiện các kế hoạch, đề án, dự án khuyến công trên địa bàn cấp huyện. Phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thực hiện các nội dung của Chương trình và tổ chức triển khai kế hoạch, đề án, dự án khuyến công trên địa bàn.

VII. Kiểm tra, giám sát, thông tin báo cáo

- Sở Công Thương lập kế hoạch và phối hợp Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất; giám sát đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu của các đề án, bảo đảm việc quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.

- Các sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phối hợp Sở Công Thương tổ chức thực hiện nhiệm vụ Chương trình khuyến công theo phân công, có trách nhiệm theo dõi, đánh giá định kỳ 3 tháng, 6 tháng, năm gửi Sở Công Thương tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn vướng mắc, các đơn vị phản ánh về Sở Công Thương để nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2211/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Chương trình Khuyến công tỉnh An Giang giai đoạn 2016 -2020

  • Số hiệu: 2211/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/08/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Lê Văn Nưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản