Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22/2000/QĐ-BGDĐT

Hà Nội, ngày 11 tháng 7 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SỐ 22/2000/QĐ-BGDĐT NGÀY 11 THÁNG 7 NĂM 2000 VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TRƯỜNG TIỂU HỌC

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2/3/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 29/CP ngày 30/3/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Luật Phổ cập giáo dục tiểu học ngày 12/8/1991;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 2/12/1998;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tiểu học,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Điều lệ Trường tiểu học .

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Quyết định này thay thế Quyết định số 3257/GD và ĐT ngày 8/11/1994 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Điều lệ trường tiểu học.

Điều 3: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng trường tiểu học chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Nguyễn Minh Hiển

(Đã ký)

 

ĐIỀU LỆ TRƯỜNG TIỂU HỌC

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 22 /2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 11 tháng 7 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Điều lệ này quy định về tổ chức và hoạt động của trường tiểu học và cơ sở giáo dục tiểu học khác; về tổ chức, cá nhân tham gia giáo dục ở bậc tiểu học.

Điều 2. Vị trí của trường tiểu học

Trường tiểu học là cơ sở giáo dục của bậc tiểu học, bậc học nền tảng của hệ thống giáo dục quốc dân. Trường tiểu học có tư cách pháp nhân và con dấu riêng.

Điều 3. Nhiệm vụ và quyền hạn của trường tiểu học

Trường tiểu học có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Tổ chức giảng dạy, học tập và các hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục tiểu học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định ban hành;

2. Huy động trẻ em đúng độ tuổi vào lớp một, vận động trẻ em bỏ học đến trường, thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục tiểu học và tham gia xoá mù chữ trong phạm vi cộng đồng;

3. Quản lý giáo viên, nhân viên và học sinh;

4. Quản lý, sử dụng đất đai, trường sở, trang thiết bị và tài chính theo quy định của pháp luật;

5. Phối hợp với gia đình học sinh, tổ chức và cá nhân trong cộng đồng thực hiện các hoạt động giáo dục;

6. Tổ chức cho giáo viên, nhân viên và học sinh tham gia các hoạt động xã hội trong phạm vi cộng đồng;

7. Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Hệ thống trường tiểu học

1. Trường tiểu được tổ chức theo các loại hình công lập, bán công, dân lập.

Trường tiểu học bán công, dân lập sau đây gọi chung là trường tiểu học ngoài công lập.

2. Trường tiểu học chuyên biệt gồm:

a. Trường phổ thông dân tộc bán trú;

b. Trường tiểu học dành cho trẻ em bị thiệt thòi;

c. Trường tiểu học dành cho trẻ em tàn tật.

3. Cơ sở giáo dục tiểu học khác gồm :

a. Lớp tiểu học gia đình do cha mẹ học sinh có đủ năng lực và trình độ chuyên môn tự nguyện thành lập và trực tiếp giảng dạy;

b. Lớp tiểu học linh hoạt do các cá nhân, tổ chức nhà nước và tổ chức xã hội tự nguyện thành lập cho những trẻ em không có điều kiện theo học ở các trường, lớp chính quy;

c. Lớp tiểu học dành cho trẻ em bị thiệt thòi, trẻ em tàn tật.

Điều 5. Tên trường

1. Việc đặt tên trường được quy định như sau:

a. Đối với trường công lập: Trường tiểu học + tên riêng của trường;

b. Đối với trường ngoài công lập : Trường tiểu học + tên loại hình trường (bán công, dân lập) + tên riêng của trường.

2. Tên trường được ghi trên quyết định thành lập trường, con dấu, biển trường và các giấy tờ giao dịch.

Điều 6. Phân cấp quản lý

1. Trường tiểu học do Phòng Giáo dục và Đào tạo quản lý, chỉ đạo trực tiếp.

2. Các cơ sở giáo dục tiểu học khác được một trường tiểu học công lập bảo trợ và quản lý theo quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) trên cơ sở đề nghị của Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Điều 7. Quy chế về tổ chức và hoạt động của trường tiểu học chuyên biệt, trường ngoài công lập

Các trường tiểu học chuyên biệt, trường tiểu học ngoài công lập tuân theo các quy định tương ứng của Điều lệ này, Quy chế về tổ chức và hoạt động của trường tiểu học chuyên biệt, Quy chế về tổ chức và hoạt động của các trường ngoài công lập do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định ban hành.

Điều 8. Nội quy trường tiểu học

Các trường tiểu học có trách nhiệm căn cứ vào Điều lệ này và các Quy chế nêu ở Điều 7 của Điều lệ này (đối với trường chuyên biệt, trường ngoài công lập) để xây dựng nội quy của trường mình.

Chương 2

TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ

Điều 9. Điều kiện thành lập trường

Trường tiểu học được xét cấp quyết định thành lập khi:

1. Việc mở trường phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường học và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương;

2. Tổ chức mở trường bảo đảm:

a. Có đủ cán bộ quản lý và giáo viên theo chuẩn quy định tại các Điều 18, 19 và 34 của Điều lệ này;

b. Có cơ sở vật chất, trang thiết bị đạt được những yêu cầu cơ bản quy định tại Chương VI của Điều lệ này;

c. Có đủ những điều kiện về tài chính theo quy định của Bộ Tài chính.

Điều 10. Thẩm quyền thành lập trường

Trường tiểu học do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập.

Điều 11. Hồ sơ và thủ tục thành lập trường

1. Hồ sơ xin thành lập trường gồm:

a. Đơn xin thành lập trường;

b. Luận chứng khả thi với những nội dung quy định tại Điều 9 của Điều lệ này;

c. Đề án về tổ chức và hoạt động;

d. Sơ yếu lý lịch của người dự kiến làm hiệu trưởng.

2. Thủ tục xét duyệt thành lập trường được quy định như sau:

a. Uỷ ban nhân dân cấp xã (đối với trường tiểu học công lập, bán công), tổ chức (đối với trường tiểu học dân lập) có trách nhiệm lập hồ sơ theo quy định tại khoản 1 của điều này.

b. Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận hồ sơ; chủ trì, phối hợp với các cơ quan và Uỷ ban nhân dân cấp xã có liên quan tổ chức thẩm định về mức độ phù hợp của việc mở trường với quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tính khả thi của luận chứng quy định tại Điều 9 của Điều lệ này; trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cấp có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo kết quả bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức xin thành lập trường.

Điều 12. Điều kiện thành lập cơ sở giáo dục tiểu học khác

Cơ sở giáo dục tiểu học khác được xét cấp quyết định thành lập khi:

1. Việc mở cơ sở giáo dục tiểu học khác phù hợp với yêu cầu phổ cập giáo dục tiểu học của địa phương;

2. Tổ chức, cá nhân mở cơ sở giáo dục tiểu học khác có đề án về tổ chức và hoạt động bảo đảm:

a. Có giáo viên theo tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 33 của Điều lệ này;

b. Có phòng học đủ yêu cầu về ánh sáng, vệ sinh, bàn ghế học sinh, bàn ghế giáo viên và bảng viết theo quy định tại Điều 45 của Điều lệ này;

c. Được một trường tiểu học công lập cùng địa bàn cấp huyện nhận bảo trợ và quản lý việc thực hiện mục tiêu, chương trình giáo dục, kế hoạch dạy học, quy chế kiểm tra và đánh giá.

Điều 13. Hồ sơ và thủ tục thành lập cơ sở giáo dục tiểu học khác

1. Hồ sơ xin thành lập cơ sở giáo dục khác gồm:

a. Đơn xin thành lập;

b. Đề án về tổ chức và hoạt động theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của Điều lệ này;

c. Văn bản của một trường tiểu học công lập cùng địa bàn cấp huyện nhận trách nhiệm bảo trợ và quản lý;

d. Sơ yếu lý lịch của người dự kiến đứng đầu cơ sở giáo dục đó.

2. Thủ tục xét duyệt thành lập cơ sở giáo dục tiểu học khác:

a. Tổ chức, cá nhân lập hồ sơ theo quy định tại khoản 1 của Điều này;

b. Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận hồ sơ; thẩm định tính khả thi của đề án tổ chức và hoạt động, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định; thông báo kết quả bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân xin thành lập cơ sở giáo dục tiểu học khác trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Điều 14. Sáp nhập, chia, tách, đình chỉ hoạt động, giải thể trường tiểu học, cơ sở giáo dục tiểu học khác

1. Cấp có thẩm quyền quyết định thành lập thì có thẩm quyền quyết định việc sáp nhập, chia, tách, đình chỉ hoạt động, giải thể trường tiểu học, cơ sở giáo dục tiểu học khác;

2. Thủ tục sáp nhập, chia, tách cơ sở giáo dục tiểu học để thành lập cơ sở giáo dục tiểu học mới tuân theo các quy định tại Điều 11 và Điều 13 của Điều lệ này.

3. Việc đình chỉ hoạt động, giải thể trường tiểu học, cơ sở giáo dục tiểu học khác tuân theo quy định chung của Chính phủ.

Điều 15. Lớp học, tổ học sinh, khối lớp học, điểm trường

1. Học sinh được tổ chức theo lớp học. Mỗi lớp học có không quá 35 học sinh. Lớp học có lớp trưởng, một hoặc hai lớp phó do tập thể học sinh bầu ra hoặc do giáo viên chủ nhiệm chỉ định. Việc bầu hoặc chỉ định lớp trưởng, lớp phó được thực hiện hằng tháng hoặc 2 - 3 tháng trong năm học theo quyết định của giáo viên chủ nhiệm. Số học sinh trong từng lớp của trường chuyên biệt có quy định riêng.

2. Mỗi lớp học có một giáo viên vừa làm chủ nhiệm, vừa giảng dạy các môn học. Tuỳ điều kiện cụ thể của từng trường, có thể phân công giáo viên chuyên trách đối với các môn hát - nhạc, mỹ thuật, thể dục.

3. Mỗi lớp được chia thành nhiều tổ học sinh. Mỗi tổ có tổ trưởng do học sinh trong tổ bầu ra hoặc do giáo viên chủ nhiệm chỉ định và được thay đổi định kỳ hằng tháng hoặc 2 - 3 tháng trong năm học theo quyết định của giáo viên chủ nhiệm.

4. Ở những trường có nhiều lớp có thể thành lập khối lớp học để phối hợp các hoạt động chung đối với những lớp cùng trình độ. Số lớp học tối đa trong một trường tiểu học là 30 lớp. Đối với những trường hiện có, nếu số lớp học vượt trên 30 lớp, hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm đề ra các biện pháp tổ chức lại trường, lớp, báo cáo Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo để trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.

4. Ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trường tiểu học có thể có nhiều điểm trường được bố trí tại những địa điểm khác nhau trên địa bàn xã hoặc cụm xã, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đi học. Tại mỗi điểm trường có một giáo viên chủ nhiệm lớp đồng thời đảm nhận nhiệm vụ phụ trách điểm trường theo sự phân công của hiệu trưởng.

Điều 16. Tổ chuyên môn

1. Giáo viên trường tiểu học được tổ chức thành tổ chuyên môn theo khối lớp hoặc liên khối lớp. Tổ chuyên môn có tổ trưởng và từ một đến hai tổ phó do hiệu trưởng cử.

2. Tổ chuyên môn có những nhiệm vụ sau đây:

a. Xây dựng kế hoạch hoạt động chung của tổ, hướng dẫn xây dựng và quản lý kế hoạch cá nhân của tổ viên theo kế hoạch dạy học, phân phối chương trình và các quy định khác của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

b. Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả giảng dạy và giáo dục của giáo viên theo kế hoạch của nhà trường;

c. Đề xuất việc khen thưởng, kỷ luật đối với giáo viên;

d. Giúp hiệu trưởng chỉ đạo các hoạt động giáo dục khác.

3. Tổ chuyên môn sinh hoạt mỗi tuần một lần.

Điều 17. Tổ hành chính - quản trị

Các nhân viên hành chính, quản trị, tài vụ, thư viện, y tế, bảo vệ và nhân viên khác (được tổ chức thành tổ hành chính - quản trị) giúp hiệu trưởng thực hiện các công tác phục vụ hoạt động giảng dạy, giáo dục và các hoạt động khác của trường tiểu học. Tổ có tổ trưởng và một hoặc hai tổ phó do hiệu trưởng cử.

Điều 18. Hiệu trưởng

1. Hiệu trưởng trường tiểu học là người chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động của nhà trường, do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện bổ nhiệm đối với trường công lập, bán công, công nhận đối với trường dân lập, theo đề nghị của Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo .

Hiệu trưởng trường tiểu học được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ 5 năm và không quá 2 nhiệm kỳ liên tục tại cùng một trường.

2. Hiệu trưởng trường tiểu học phải là giáo viên có thời gian dạy học ít nhất 5 năm (không kể thời gian tập sự) ở bậc tiểu học hoặc bậc học cao hơn và được tín nhiệm về chính trị, đạo đức và chuyên môn, có năng lực quản lý trường học, có sức khoẻ.

3. Hiệu trưởng trường tiểu học có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch năm học;

b. Tổ chức bộ máy của trường; thành lập và cử tổ trưởng các tổ chuyên môn, tổ hành chính - quản trị; thành lập và cử chủ tịch các hội đồng trong nhà trường;

c. Phân công, quản lý, kiểm tra công tác của giáo viên, nhân viên; đề nghị với Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo về quyết định tuyển dụng, thuyên chuyển, đề bạt giáo viên, nhân viên của trường; khen thưởng, thi hành kỷ luật đối với giáo viên, nhân viên theo quy định của Nhà nước;

d. Quản lý hành chính, tài chính, tài sản của nhà trường;

đ. Tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ trong nhà trường;

e. Quản lý học sinh và các hoạt động của học sinh do nhà trường tổ chức; nhận học sinh vào học, giới thiệu học sinh chuyển trường; quyết định khen thưởng, kỷ luật học sinh; xét duyệt kết quả đánh giá, xếp loại học sinh, danh sách học sinh lên lớp, ở lại lớp, danh sách học sinh được dự thi tốt nghiệp tiểu học;

g. Được dự các lớp bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn và nghiệp vụ quản lý trường học; được hưởng các quyền lợi của hiệu trưởng theo quy định.

Điều 19. Phó hiệu trưởng

1. Phó hiệu trưởng là người giúp việc cho hiệu trưởng. Mỗi trường tiểu học có từ một đến hai phó hiệu trưởng do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện bổ nhiệm, công nhận theo đề nghị của Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo và của hiệu trưởng.

2. Phó hiệu trưởng phải là giáo viên có thời gian dạy học ít nhất là 3 năm (không kể thời gian tập sự) ở bậc tiểu học hoặc bậc học cao hơn, được tín nhiệm về chính trị, đạo đức, chuyên môn, có năng lực quản lý trường học, có sức khoẻ.

3. Phó hiệu trưởng có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a. Thực hiện và chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng về những việc được phân công;

b. Cùng hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước cấp trên về các hoạt động có liên quan của nhà trường;

c. Thay mặt hiệu trưởng điều hành hoạt động của nhà trường khi được uỷ quyền.

d. Được dự các lớp bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn và nghiệp vụ quản lý trường học; được hưởng các quyền lợi của phó hiệu trưởng theo quy định.

Điều 20. Giáo viên tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh và Sao Nhi đồng Hồ Chí Minh

Mỗi trường tiểu học có một giáo viên tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và Sao Nhi đồng Hồ Chí Minh (Sau đây gọi là giáo viên tổng phụ trách Đội). Giáo viên tổng phụ trách Đội có thể là chuyên trách hoặc kiêm nhiệm, có trách nhiệm phối hợp với nhà trường tổ chức và quản lý các hoạt động của Đội và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo bổ nhiệm, công nhận giáo viên tổng phụ trách Đội theo đề nghị của hiệu trưởng trường tiểu học,

Điều 21. Hội đồng giáo dục

1. Hội đồng giáo dục là tổ chức tư vấn cho hiệu trưởng, do hiệu trưởng thành lập vào đầu mỗi năm học và làm Chủ tịch. Thành viên của Hội đồng gồm: các phó hiệu trưởng, bí thư chi bộ Đảng, chủ tịch Công đoàn giáo dục, bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, giáo viên tổng phụ trách Đội, các tổ trưởng chuyên môn, một số giáo viên lâu năm có kinh nghiệm giảng dạy và giáo dục và trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh trường.

Khi cần thiết, hiệu trưởng có thể mời đại diện chính quyền và đoàn thể địa phương tham dự các cuộc họp của Hội đồng giáo dục.

2. Hội đồng giáo dục tư vấn cho hiệu trưởng trong việc xây dựng kế hoạch giảng dạy và giáo dục; đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch của trường; xem xét và lập danh sách học sinh được đề nghị học trước tuổi hoặc học vượt lớp; tổng kết kinh nghiệm, sáng kiến của giáo viên; đề xuất các biện pháp cải tiến công tác của trường.

3. Hội đồng giáo dục họp ít nhất mỗi học kỳ một lần.

Điều 22. Các Hội đồng khác trong trường

1. Hội đồng thi đua và khen thưởng do hiệu trưởng thành lập vào đầu mỗi năm học và làm chủ tịch. Các thành viên của Hội đồng gồm: phó hiệu trưởng, bí thư Chi bộ Đảng, chủ tịch Công đoàn giáo dục, bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, giáo viên tổng phụ trách Đội, các giáo viên chủ nhiệm.

Hội đồng thi đua và khen thưởng giúp hiệu trưởng tổ chức phong trào thi đua học tập, đề nghị danh sách học sinh được khen thưởng.

Hội đồng thi đua khen thưởng họp vào cuối mỗi học kỳ.

2. Ngoài Hội đồng nêu trên, khi cần thiết hiệu trưởng có thể thành lập các hội đồng tư vấn khác. Nhiệm vụ, thành phần và thời gian hoạt động của các hội đồng này do hiệu trưởng quyết định.

Điều 23. Tổ chức Đảng và đoàn thể trong trường tiểu học

1. Tổ chức Đảng trong trường tiểu học lãnh đạo nhà trường và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

2. Công đoàn giáo dục, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Sao Nhi đồng Hồ Chí Minh và các tổ chức xã hội khác hoạt động trong trường tiểu học theo quy định của pháp luật, nhằm giúp nhà trường trong việc thực hiện mục tiêu, nguyên lý giáo dục.

Điều 24. Quản lý tài sản, tài chính

1. Việc quản lý tài sản của nhà trường phải tuân theo các quy định của Nhà nước. Mọi thành viên trong trường có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ tài sản nhà trường.

2. Việc quản lý thu, chi từ các nguồn tài chính của nhà trường phải tuân theo các quy định về kế toán, thống kê, báo cáo định kỳ của Bộ Tài chính và Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tài chính.

Chương 3

CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC

Điều 25. Chương trình giáo dục, kế hoạch dạy học

1. Trường tiểu học thực hiện chương trình giáo dục, kế hoạch dạy học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định ban hành.

2. Trường tiểu học thực hiện thời gian học tập theo biên chế năm học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cho mỗi năm học.

3. Căn cứ vào kế hoạch dạy học và biên chế năm học, trường tiểu học xây dựng thời khoá biểu cho trường mình. Thời khoá biểu phải ổn định, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh.

Trường tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày được thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Việc cho học sinh toàn trường tạm thời nghỉ học vì những lý do đặc biệt không được quy định trong biên chế năm học phải được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định trên cơ sở đề nghị của Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Điều 26. Sách giáo khoa và tài liệu tham khảo

1. Sách giáo khoa tiểu học bao gồm sách bài học và sách bài tập theo danh mục được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở trường tiểu học và các cơ sở giáo dục tiểu học khác.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định danh mục các tài liệu tham khảo được phép sử dụng trong trường tiểu học. Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh mua bất cứ loại tài liệu tham khảo nào.

Điều 27. Các hoạt động giáo dục

1. Hoạt động giáo dục trên lớp được tiến hành thông qua việc dạy và học các môn học bắt buộc và tự chọn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

2. Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp do nhà trường phối hợp với các lực lượng giáo dục ngoài nhà trường tổ chức, bao gồm hoạt động ngoại khoá về khoa học, văn học, nghệ thuật, thể dục - thể thao nhằm phát triển năng lực toàn diện của học sinh và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu; các hoạt động vui chơi, tham quan, du lịch, giao lưu văn hoá; các hoạt động bảo vệ thiên nhiên, môi trường; các hoạt động lao động công ích; các hoạt động xã hội; các hoạt động từ thiện phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học.

Điều 28. Hệ thống sổ sách theo dõi hoạt động giáo dục trong trường

Hệ thống sổ sách theo dõi hoạt động giáo dục trong trường gồm:

Đối với nhà trường:

- Sổ đăng bộ;

- Sổ theo dõi Phổ cập giáo dục tiểu học;

- Sổ nghị quyết của nhà trường;

- Sổ kế hoạch công tác;

- Sổ kiểm tra, đánh giá giáo viên về công tác chuyên môn;

- Sổ gọi tên và ghi điểm;

- Học bạ của học sinh;

- Sổ khen thưởng, kỷ luật học sinh;

- Sổ quản lý tài sản, cơ sở vật chất, tài chính;

- Sổ lưu trữ các văn bản, công văn.

2. Đối với giáo viên:

- Sổ chủ nhiệm;

- Sổ ghi chép tổng hợp;

- Sổ dự giờ thăm lớp;

- Bài soạn.

Điều 29. Đánh giá học sinh

1. Trong quá trình học tập và rèn luyện học sinh thường xuyên được đánh giá, nhận xét theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Việc đánh giá học sinh phải được thực hiện công khai, công bằng, khách quan, chính xác và toàn diện.

3. Ở các cơ sở giáo dục tiểu học khác, vào cuối mỗi học kỳ và cuối năm học, trường tiểu học được giao trách nhiệm quản lý cơ sở giáo dục đó tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục học sinh và xác nhận kết quả vào học bạ của mỗi học sinh.

4. Học sinh tiểu học thuộc mọi loại hình trường, lớp, nếu có đủ điều kiện quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có thể tham dự các kỳ thi học sinh giỏi lớp 5 ở địa phương.

5. Học sinh của mọi loại hình trường, lớp đã học hết chương trình tiểu học, có đủ điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được dự thi tốt nghiệp tiểu học và nếu trúng tuyển được cấp bằng tốt nghiệp tiểu học.

6. Việc ra đề kiểm tra, đề thi phải căn cứ vào các yêu cầu về nội dung và phương pháp được thể hiện trong chương trình giáo dục tiểu học và được cụ thể hoá trong sách giáo khoa. Nội dung các đề thi tốt nghiệp tiểu học chỉ giới hạn ở chương trình giáo dục của lớp năm.

Điều 30. Giữ gìn và phát huy truyền thống nhà trường

1. Mỗi trường tiểu học có một phòng truyền thống nhằm lưu giữ những tài liệu, hiện vật có liên quan tới việc thành lập và phát triển của nhà trường. Phòng truyền thống là nơi giáo dục truyền thống, tinh thần đoàn kết của giáo viên, nhân viên và học sinh của trường.

2. Mỗi trường tiểu học có thể chọn một ngày trong năm làm ngày truyền thống của trường mình và lấy ngày truyền thống đó để tổ chức Hội trường hàng năm hoặc một số năm.

3. Học sinh cũ của trường tiểu học có thể thành lập ban liên lạc để giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà trường; huy động các nguồn lực để giúp đỡ nhà trường trong việc thực hiện mục tiêu, nguyên lý giáo dục.

Chương 4

GIÁO VIÊN

Điều 31. Giáo viên trường tiểu học

Giáo viên trường tiểu học là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, gồm: hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, giáo viên dạy các môn học, giáo viên tổng phụ trách Đội.

Điều 32. Nhiệm vụ của giáo viên

1. Giáo viên dạy các môn học

Giáo viên dạy các môn học ở trường tiểu học có những nhiệm vụ sau đây:

a. Giảng dạy và giáo dục theo đúng chương trình giáo dục, kế hoạch dạy học; soạn bài, kiểm tra, đánh giá đúng quy định; lên lớp đúng giờ, không tuỳ tiện bỏ giờ, bỏ buổi học, đảm bảo chất lượng và hiệu quả giảng dạy; quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức; tham gia các hoạt động của tổ chuyên môn;

b. Tham gia công tác phổ cập giáo dục tiểu học ở địa phương;

c. Rèn luyện đạo đức, học tập văn hoá, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy và giáo dục;

d. Thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật, các quyết định của hiệu trưởng; nhận nhiệm vụ do hiệu trưởng phân công, chịu sự kiểm tra của hiệu trưởng và của các cấp quản lý giáo dục;

đ. Giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh, thương yêu, tôn trọng học sinh, đối xử công bằng với học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ các bạn đồng nghiệp;

e. Chủ động phối hợp với Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Sao Nhi đồng Hồ Chí Minh, với gia đình học sinh và các tổ chức xã hội có liên quan trong hoạt động giảng dạy và giáo dục;

g. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

2. Giáo viên tổng phụ trách Đội

Giáo viên tổng phụ trách Đội là giáo viên tiểu học được bồi dưỡng về công tác Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Sao Nhi đồng Hồ Chí Minh; có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động của Đội Thiếu niên và Sao Nhi đồng ở nhà trường.

Điều 33. Quyền của giáo viên

Giáo viên tiểu học có những quyền sau đây:

1. Được nhà trường tạo điều kiện để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục học sinh;

2. Được hưởng mọi quyền lợi về vật chất và tinh thần và được chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ theo chế độ, chính sách quy định đối với nhà giáo;

3. Được trực tiếp hoặc thông qua tổ chức của mình tham gia quản lý nhà trường;

4. Được hưởng nguyên lương và phụ cấp theo quy định khi được cử đi học để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ;

5. Thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 34. Trình độ chuẩn được đào tạo

1. Giáo viên tiểu học phải đạt trình độ chuẩn trung học sư phạm 9 +3 đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trung học sư phạm 12 + 2 đối với vùng còn lại.

2. Giáo viên tiểu học chưa đạt trình độ chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này phải được nhà trường, các cơ quan quản lý giáo dục tạo điều kiện để học tập, bồi dưỡng đạt trình độ chuẩn.

3. Giáo viên tiểu học có trình độ trên chuẩn được tạo điều kiện để phát huy tác dụng của mình trong giảng dạy và giáo dục.

4. Người tốt nghiệp trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học chưa qua đào tạo sư phạm muốn trở thành giáo viên tiểu học phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm tiểu học tại các trường, khoa sư phạm .

Điều 35. Hành vi, ngôn ngữ ứng xử, trang phục của giáo viên

1. Hành vi, ngôn ngữ ứng xử của giáo viên phải mẫu mực, có tác dụng giáo dục đối với học sinh.

2. Trang phục của giáo viên phải chỉnh tề, giản dị, phù hợp với các hoạt động sư phạm, theo quy định của Chính phủ về trang phục của cán bộ, công chức nhà nước.

Ở những nơi có điều kiện, giáo viên có thể mặc đồng phục hằng ngày khi tới trường hoặc một số ngày nhất định trong tuần, trong tháng theo quyết định của hiệu trưởng trên cơ sở đề nghị của Hội đồng giáo dục nhà trường.

Điều 36. Các hành vi bị cấm đối với giáo viên

Giáo viên không được có những hành vi sau đây:

1. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của học sinh và đồng nghiệp;

2. Gian lận trong tuyển sinh, thi cử và cố ý đánh giá sai kết quả học tập, rèn luyện của học sinh;

3. Vi phạm quy định dạy thêm ngoài giờ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo;

4. Hút thuốc, uống rượu, bia khi lên lớp và khi tham giá các hoạt động giáo dục ở nhà trường.

Điều 37. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Giáo viên có thành tích sẽ được khen thưởng, được tặng danh hiệu thi đua và các danh hiệu cao quý khác.

2. Giáo viên phạm khuyết điểm thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Chương 5

HỌC SINH

Điều 38. Tuổi học sinh tiểu học

1. Tuổi của học sinh tiểu học là từ 6 đến 14 tuổi. Tuổi vào học lớp một là 6 tuổi

2. Trẻ em có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể học trước tuổi hoặc học vượt lớp nếu được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép trên cơ sở đề nghị của Hội đồng giáo dục nhà trường căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Số năm học trước tuổi và vượt lớp trong cả bậc tiểu học không được quá một năm. Trường hợp học trước tuổi và vượt lớp quá một năm học trong cả bậc học phải được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo duyệt.

3. Trẻ em ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em bị khuyết tật, trẻ em kém phát triển về thể lực và trí tuệ, trẻ em bị thiệt thòi, học sinh ở nước ngoài về nước có thể vào học lớp một ở tuổi cao hơn tuổi quy định ở khoản 1 của Điều này theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 39. Nhiệm vụ của học sinh tiểu học

Học sinh tiểu học có những nhiệm vụ sau đây:

1. Kính trọng thầy giáo, cô giáo, nhân viên nhà trường; đoàn kết, giúp đỡ bạn bè; phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà trường; thực hiện điều lệ, nội quy nhà trường; chấp hành các quy tắc trật tự, an toàn xã hội;

2. Chăm chỉ học tập, hoàn thành mọi nhiệm vụ học tập và rèn luyện theo yêu cầu của thày giáo, cô giáo, của nhà trường;

3. Chăm lo rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh cá nhân, giữ gìn và bảo vệ môi trường;

4. Tham gia các hoạt động tập thể của trường, của lớp, của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Sao Nhi đồng Hồ Chí Minh; giữ gìn, bảo vệ tài sản của nhà trường; giúp đỡ gia đình, tham gia lao động công ích và công tác xã hội phù hợp với lứa tuổi.

Điều 40. Quyền của học sinh tiểu học

Học sinh tiểu học có những quyền sau đây:

1. Được vào học ở một trường tiểu học thuộc xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) nơi cư trú; được chọn trường ngoài nơi cư trú nếu trường đó có khả năng tiếp nhận; được chuyển trường khi có lý do chính đáng;

Học sinh các cơ sở giáo dục tiểu học khác được tiếp tục học tập ở một trường tiểu học nếu có đầy đủ hồ sơ hợp lệ.

2. Được bình đẳng trong việc hưởng thụ giáo dục toàn diện; được bảo đảm những điều kiện tối thiểu về thời gian, cơ sở vật chất, vệ sinh, an toàn để học tập ở lớp và tự học ở nhà;được cung cấp thông tin về việc học tập của mình; được sử dụng trang thiết bị, phương tiện phục vụ các hoạt động học tập, văn hoá, thể dục -thể thao của nhà trường theo quy định;

3. Được tôn trọng và bảo vệ, được đối xử bình đẳng, dân chủ; được quyền khiếu nại với nhà trường và các cấp quản lý giáo dục về những quyết định đối với bản thân mình;

4. Được tham gia các hoạt động nhằm phát triển năng khiếu về các môn học, về thể dục, thể thao, nghệ thuật do nhà trường tổ chức nếu có đủ điều kiện theo quy định;

5. Được nhận học bổng hoặc những khoản trợ cấp khác theo quy định đối với những học sinh được hưởng chính sách xã hội, những học sinh quá khó khăn về đời sống và những học sinh có năng lực đặc biệt;

6. Được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 41. Hành vi, ngôn ngữ ứng xử, trang phục của học sinh tiểu học

1. Hành vi, ngôn ngữ ứng xử của học sinh tiểu học phải có văn hoá, phù hợp với đạo đức và lối sống của lứa tuổi học sinh tiểu học.

2. Trang phục của học sinh phải sạch sẽ, gọn gàng, giản dị thích hợp với độ tuổi và thuận tiện cho việc học tập và sinh hoạt ở nhà trường. Khi đi học, học sinh không được bôi son, đánh phấn; sơn móng tay, móng chân, đeo đồ trang sức.

Điều 42. Các hành vi bị cấm đối với học sinh

Học sinh không được có những hành vi sau đây:

1. Vô lễ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, nhân viên nhà trường ;

2. Gian lận trong khi thi và kiểm tra ;

3. Đánh bạc; vận chuyển, tàng trữ, sử dụng ma tuý, vũ khí, chất nổ, chất gây cháy, các loại chất độc hại; lưu hành văn hoá phẩm đồi truỵ;

4. Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và ngoài xã hội;

5. Hút thuốc, uống rượu, bia.

Điều 43. Khen thưởng và kỉ luật

1. Học sinh có thành tích trong học tập và rèn luyện được nhà trường và các cấp quản lý giáo dục khen thưởng theo các hình thức:

- Khen trước lớp sau mỗi tháng;

- Tặng danh hiệu và phần thưởng học sinh tiên tiến, học sinh xuất sắc;

- Cấp giấy chứng nhận, bằng khen nếu đạt kết quả trong các kỳ thi học sinh giỏi;

- Các hình thức khen thưởng khác.

2. Học sinh phạm khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc trách phạt theo các hình thức:

- Phê bình trước lớp;

- Khiển trách có thông báo với gia đình.

Chương VI

Cơ sở vật chất và thiết bị

Điều 44: Trường học

1. Địa điểm

Địa điểm đặt trường phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a. Độ dài đường đi của học sinh đến trường hoặc điểm trường trong khoảng1-2 km; riêng đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không quá 3 km. Nếu độ dài đường đi của học sinh đến trường vượt quá quy định trên, nhà trường cần thoả thuận với cha mẹ học sinh để có biện pháp đưa học sinh đến trường và đón học sinh về nhà thuận tiện, an toàn.

b. Môi trường xung quanh không tác động xấu tới việc giảng dạy, học tập và an toàn của thày và trò.

2. Diện tích mặt bằng

Diện tích mặt bằng xây dựng trường được xác định trên cơ sở số lớp, số học sinh và đặc điểm vùng với bình quân tối thiểu là 10 m 2/1 học sinh đối với khu vực nông thôn, miền núi và 6 m 2/1 học sinh đối với khu vực thành phố, thị xã. Mẫu thiết kế trường tiểu học thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho từng vùng.

3. Khuôn viên của trường phải có hàng rào bảo vệ (tường xây hoặc hàng rào cây xanh) cao tối thiểu 1,5 m. Cổng trường và hàng rào bảo vệ phải bảo đảm yêu cầu an toàn, thẩm mỹ. Tại cổng chính của trường phải có biển trường ghi bằng chữ to, trang nhã, dễ đọc, theo nội dung:

- Góc trên bên trái

Dòng thứ nhất: Uỷ ban nhân dân huyện (tên của huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh)

Dòng thứ hai: Phòng Giáo dục và Đào tạo.

- ở giữa: Ghi tên trường theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Điều lệ này.

- Dưới cùng ghi địa chỉ, số điện thoại của trường (nếu có).

4. Cơ cấu khối công trình

a. Khối phòng học: số phòng học được xây dựng tương ứng với số lớp học của trường.

b. Khối phòng phục vụ học tập:

- Phòng giáo dục rèn luyện thể chất;

- Phòng giáo dục nghệ thuật hoặc nhà đa năng;

- Thư viện: kho sách, phòng đọc cho học sinh, phòng đọc cho giáo viên ;

- Phòng thiết bị giáo dục;

- Phòng hoạt động Đội.

c. Khối phòng Hành chính quản trị

- Phòng hiệu trưởng (đối với những trường có quy mô lớn cần thêm phòng phó hiệu trưởng);

- Phòng giáo viên;

- Văn phòng;

- Phòng y tế học đường;

- Kho;

- Phòng thường trực, bảo vệ ở gần cổng trường.

d. Khu đất làm sân chơi, bãi tập không dưới 30 % diện tích mặt bằng của trường. Sân chơi phải bằng phẳng, có trồng hoa và cây bóng mát. Bãi tập thể dục có hố nhảy cao, nhảy xa đúng tiêu chuẩn và bảo đảm an toàn cho học sinh.

đ. Khu vệ sinh, khu chứa rác và hệ thống cấp thoát nước theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo về vệ sinh trường tiểu học.

e. Khu để xe cho học sinh, giáo viên và nhân viên.

5. Đối với những trường hiện có, nếu chưa bảo đảm các yêu cầu theo quy định tại Điều này, thì hiệu trưởng nhà trường có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch cải tạo trường, lớp, báo cáo trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo để trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện giải quyết.

Điều 45. Phòng học

1. Phòng học phải bảo đảm đủ ánh sáng, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông; đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh, đúng quy cách theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về vệ sinh trường tiểu học.

2. Trong phòng học có các thiết bị sau đây:

- Bàn ghế học sinh theo kích cỡ phù hợp với lứa tuổi của từng lớp (đảm bảo 1 học sinh/1 chỗ ngồi) ;

- 01 bàn, 01 ghế tựa cho giáo viên;

- Bảng viết;

- Bục giảng và bục kê bàn ghế của giáo viên;

- Có hệ thống đèn và hệ thống quạt (đối với những trường đã có điện lưới);

- Có hệ thống tủ tường (đối với những trường có đủ điều kiện);

Các thiết bị phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu sắp đặt theo quy định về vệ sinh trường tiểu học.

Điều 46. Thư viện

1. Thư viện trường tiểu học phục vụ cho việc giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh; tổ chức cho học sinh, theo từng loại đối tượng, được thuê, mượn sách giáo khoa, góp phần bảo đảm tất cả học sinh đều có sách giáo khoa để học tập; tổ chức tủ sách lưu động đưa đến các điểm trường.

2. Mỗi trường tiểu học có một thư viện gồm: kho sách, phòng đọc cho học sinh, phòng đọc cho giáo viên; với đủ các phương tiện, thiết bị cần thiết như tủ, giá (kệ) sách, hộp thư mục, bàn ghế.

Điều 47. Thiết bị giáo dục

1. Trường tiểu học phải được trang bị đủ thiết bị giáo dục; phải tổ chức quản lý và sử dụng có hiệu quả thiết bị giáo dục trong giảng dạy và học tập theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Giáo viên có trách nhiệm sử dụng thiết bị giáo dục theo đúng các yêu cầu về nội dung và phương pháp được quy định trong chương trình giáo dục.

Chương 7

NHÀ TRƯỜNG GIA ĐÌNH XÃ HỘI

Điều 48. Trách nhiệm của nhà trường với gia đình và Ban đại diện cha mẹ học sinh

1. Nhà trường phải chủ động phối hợp thường xuyên và chặt chẽ với gia đình và Ban đại diện cha mẹ học sinh, để xây dựng môi trường giáo dục thống nhất nhằm thực hiện mục tiêu, nguyên lý giáo dục.

2. Ban đại diện cha mẹ học sinh là tổ chức do cha, mẹ, người giám hộ của học sinh trường tiểu học cử ra để thay mặt cho cha, mẹ, người giám hộ học sinh giải quyết các mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

3. Trường tiểu học có Ban đại diện cha mẹ học sinh của từng lớp và Ban đại diện cha mẹ học sinh của toàn trường:

a. Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, gồm từ 3 đến 5 thành viên, có nhiệm vụ phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp để động viên các gia đình thực hiện trách nhiệm và quyền của mình đối với việc học tập, rèn luyện của con em;

b. Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường, gồm từ 5 đến 9 thành viên do các ban đại diện cha mẹ học sinh lớp cử ra, có nhiệm vụ phối hợp với Hội đồng giáo dục trường, Hội đồng giáo dục cấp xã để góp phần thực hiện các quan hệ phối hợp quy định tại Điều 49 của Điều lệ này. Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của trường là thành viên của Hội đồng giáo dục trường.

Điều 49. Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội

Nhà trường phải chủ động phối hợp với Hội đồng giáo dục cấp xã, ban đại diện cha mẹ học sinh trường, các tổ chức chính trị xã hội và cá nhân có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục trẻ em trong cộng đồng, nhằm:

- Thống nhất quan điểm, nội dung, phương pháp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội;

- Huy động mọi lực lượng của cộng đồng chăm lo sự nghiệp giáo dục, xây dựng phong trào học tập và môi trường giáo dục lành mạnh, góp phần xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục của nhà trường.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 22/2000/QĐ-BGDĐT về Điều lệ Trường tiểu học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 22/2000/QĐ-BGDĐT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/07/2000
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Nguyễn Minh Hiển
  • Ngày công báo: 22/08/2000
  • Số công báo: Số 31
  • Ngày hiệu lực: 26/07/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản