Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 214/QĐ-UBND

Hậu Giang, ngày 3 tháng 2 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH HẬU GIANG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 92/2014/NQ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới;

Căn cứ Quyết định số 105/2006/QĐ-TTg ngày 16 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030;

Căn cứ Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030;

Căn cứ Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 10 tháng 6 năm 2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang khóa XII về phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 26 tháng 11 năm 2014 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII về phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 07/TTr-SVHTTDL ngày 19 tháng 01 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, gồm những nội dung chính sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

2. Phát triển thể dục thể thao là yêu cầu khách quan, góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực, chất lượng cuộc sống của Nhân dân và chất lượng nguồn nhân lực; giáo dục ý chí, đạo đức, xây dựng nếp sống lành mạnh, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

3. Xây dựng và phát triển văn hóa, thể dục thể thao là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội và của mỗi người dân. Đầu tư cho văn hóa, thể dục thể thao là đầu tư cho con người, cho sự phát triển.

4. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát:

- Hướng mọi hoạt động văn hóa vào việc xây dựng con người phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo; tuân thủ pháp luật; có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, lối sống văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội; đồng thời, nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa, tinh thần của Nhân dân, đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc và khu công nghiệp tập trung.

- Xây dựng và phát triển sự nghiệp thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe Nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tăng tuổi thọ của người Việt Nam theo tinh thần vì sự nghiệp dân cường, nước thịnh, hội nhập và phát triển.

- Đưa ngành du lịch giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh trên cơ sở khai thác hợp lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên du lịch của tỉnh; đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng, khu vực và quốc tế trong lĩnh vực du lịch; góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo.

2. Mục tiêu cụ thể:

2.1. Lĩnh vực văn hóa:

- Đến năm 2020: có trên 90% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 50% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, 50% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới.

- Đến năm 2025: có trên 95% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 75% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, 75% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới.

2.2. Lĩnh vực thể thao:

a. Thể dục thể thao quần chúng:

- Đến năm 2020: có 33,29% dân số tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên; 25,51% hộ gia đình luyện tập thể dục thể thao; 85% học sinh, sinh viên đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể và 85% cán bộ, chiến sỹ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực; 900 câu lạc bộ thể dục thể thao.

- Đến năm 2025: có 38% dân số tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, trên 28% hộ gia đình luyện tập thể dục thể thao; 100% học sinh, sinh viên đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể và trên 90% cán bộ, chiến sỹ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực; trên 1.000 câu lạc bộ thể dục thể thao.

b. Thể dục thể thao thành tích cao:

- Đến năm 2020: có 50 vận động viên đẳng cấp quốc gia; đạt 66 huy chương tại các giải thể thao khu vực, quốc gia và quốc tế.

- Đến năm 2025: có 73 vận động viên đẳng cấp quốc gia; đạt 80 huy chương tại các giải thể thao khu vực, quốc gia và quốc tế.

2.3. Lĩnh vực du lịch:

- Đến năm 2020: tổng số khách du lịch đạt 160.000 lượt, trong đó khách quốc tế là 18.000 lượt và khách nội địa là 142.000 lượt. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12,49%/năm (tổng số khách), 17,03%/năm (khách quốc tế) và 11,96%/năm (khách nội địa).

- Đến năm 2025: tổng số khách du lịch đạt 250.000 lượt, trong đó khách quốc tế là 38.000 lượt và khách nội địa là 212.000 lượt. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 9,91%/năm (tổng số khách), 15,87%/năm (khách quốc tế) và 9,01%/năm (khách nội địa).

2.4. Lĩnh vực gia đình:

- Đến năm 2020: có 95% hộ gia đình được tiếp cận thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình; 95% số người có hành vi bạo lực gia đình được tiếp cận hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa, giáo dục chuyển đổi hành vi; 95% số nạn nhân bị bạo lực gia đình được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa bạo lực gia đình và tư vấn tâm lý; 90% số cán bộ phụ trách công tác gia đình được tập huấn công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.

- Đến năm 2025: có 97% hộ gia đình được tiếp cận thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình; 97% số người có hành vi bạo lực gia đình được tiếp cận hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa, giáo dục chuyển đổi hành vi; 97% số nạn nhân bị bạo lực gia đình được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa bạo lực gia đình và tư vấn tâm lý; 95% số cán bộ phụ trách công tác gia đình được tập huấn công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Lĩnh vực văn hóa:

- Tiếp tục thực hiện và nâng cao Phong trào “Toàn dân đòa kết xây dựng đời sống văn hóa”, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài. Tập trung nâng cao chất lượng các danh hiệu làm nhiệm vụ nồng cốt của phong trào.

- Đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn, bảo tàng và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng bảo tồn một số lễ hội truyền thống đặc trưng, truyền dạy, phổ biến văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Khmer, Hoa. Thông qua các hoạt động văn hóa gắn với phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, giải quyết việc làm cho Nhân dân.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cộng đồng và chất lượng các sản phẩm văn hóa, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân.

- Về hoạt động văn học, nghệ thuật sáng tác nhiều tác nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc trong việc xây dựng con người toàn diện.

- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tăng cường hợp tác và giao lưu khu vực, quốc tế về văn hóa.

2. Lĩnh vực thể dục, thể thao:

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học, bảo đảm mục tiêu phát triển toàn diện nhân cách học sinh, sinh viên; góp phần phát hiện và đào tạo, bồi dưỡng những tài năng về thể thao bổ sung cho tỉnh.

- Mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động thể dục, thể thao quần chúng. Duy trì, nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; gắn việc chỉ đạo phát triển phong trào thể dục, thể thao với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở” với Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh; quan tâm phát triển phong trào thể dục, thể thao người cao tuổi, người khuyết tật và người lao động tại các khu công nghiệp.

- Xây dựng kế hoạch phát triển thể thao thành tích cao dựa trên các thế mạnh, nguồn lực, điều kiện sẵn có của từng đại phương, trên nguyên tắc đầu tư có trọng điểm, hiệu quả, tránh dàn trải. Coi trọng giáo dục đạo đức, ý chí lòng tự hào dân tộc cho vận động viên. Tôn vinh và đãi ngộ xứng đáng các huấn luyện viên, vận động viên xuất sắc.

- Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, y học thể thao phục vụ tuyển chọn, đào tạo vận động viên và tập luyện thể dục thể thao vì sức khỏe Nhân dân.

- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, phát triển các tổ chức xã hội về thể dục, thể thao; tăng cường hợp tác khu vực, quốc tế về thể dục thể thao.

3. Lĩnh vực du lịch:

- Định hướng về thị trường và sản phẩm du lịch: nghiên cứu khai thác có hiệu quả thị trường du khách quốc tế và thị trường khách du lịch trong nước. Các sản phẩm du lịch gồm: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch về nguồn, du lịch cuối tuần, du lịch nghỉ dưỡng; trong đó, du lịch văn hóa là điểm mạnh của Hậu Giang với những di tích lịch sử cách mạng có giá trị trong và ngoài khu vực. Đưa một số dự án du lịch vào hoạt động, khai thác giai đoạn 2015 - 2020 và tần nhìn đến 2025.

- Định hướng đầu tư phát triển du lịch: tập trung đầu tư nâng cấp, tôn tạo hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; đầu tư phát triển hệ thống cơ sở lưu trú và công trình phục vụ du lịch; đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới và các cơ sở vui chơi giải trí; đầu tư tu bổ, tôn tạo, bảo vệ các di tích văn hóa - lịch sử và khôi phục phát triển lễ hội truyền thống phục vụ du lịch.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Phát triển nguồn nhân lực:

Quy hoạch sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, lao động tham gia vào các hoạt động trong lĩnh vực của ngành; có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực hiện có về chuyên môn, ngoại ngữ, tin học. Xây dựng cơ chế, chính sách quản lý và sử dụng nguồn nhân lực; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các chuyên gia giỏi hoạt động trong lĩnh vực của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức, viên chức hiện có, xây dựng tiêu chí cho từng công việc. Từ đó có kế hoạch bổ nhiệm, tuyển dụng, đào tạo, luân chuyển hoặc cho thôi việc những cán bộ không đáp ứng được nhu cầu.

2. Đầu tư tài chính:

Sử dụng và khai thác có hiệu quả các nguồn lực hiện có; đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, huy động từ Nhân dân và các thành phần kinh tế - xã hội tham gia vào các hoạt động đầu tư. Ngoài ra có chính sách khuyến khích nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực của ngành, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Đảm bảo tốt nguồn vốn đầu tư để thực hiện quy hoạch ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

3. Đổi mới cơ chế chính và quản lý điều hành:

Thực hiện đổi mới cơ chế chính sách, cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho các lĩnh vực của ngành phát triển. Triển khai kịp thời, có hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước vào các hoạt động Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các thành phần kinh tế, đảm bảo tính công bằng và hiệu quả góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

4. Tuyên truyền và quảng bá:

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền và quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thông tin nhanh chóng, đầy đủ những chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân. Đa dạng hóa các hình thức quảng bá du lịch của Hậu Giang đến bạn bè trong và ngoài nước góp phần đưa du lịch của Hậu Giang vào bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.

5. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch:

- Đa dạng hóa các loại hình hoạt động văn hóa, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy kho tàng văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Xây dựng mới những công trình văn hóa quan trọng; trùng tu, tôn tạo và khai thác có hiệu quả các di tích lịch sử đặc trưng của Hậu Giang.

- Nâng cao chất lượng các môn thể thao, chất lượng vận động viên, huấn luyện viên. Nghiên cứu bổ sung các giải thể thao cấp tỉnh, các mô hình thể thao giải trí, đặc biệt là các giải thể thao phong trào để từ đó có điều kiện phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo những nhân tài phục vụ cho sự nghiệp phát triển thể dục thể thao của tỉnh.

- Nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch có lợi thế và đặc trưng của tỉnh để tập trung đầu tư phát triển, đưa du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế quan trọng góp phần tích cực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

- Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đầy đủ và kịp thời; đa dạng hóa, hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện hoạt động; kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

6. Tổ chức liên kết, phối hợp:

Liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh; phối hợp có hiệu quả giữa các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình; hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

7. Xã hội hóa:

Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích để đẩy nhanh quá trình xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch góp phần tích cực để phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đưa ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát triển lên tầm cao mới.

Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

- Tổ chức tuyên truyền phổ biến Quy hoạch đến các cấp ủy Đảng, chính quyền; các sở, ban, ngành, đoàn thể; các doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh.

- Cụ thể hóa Quy hoạch thành kế hoạch 05 năm, hàng năm; các chương trình, đề án, dự án cụ thể và đề xuất các giải pháp tổ chức triển khai thực hiện.

- Phối hợp chặt chẽ với UBND huyện, thị xã, thành phố và các ngành chức năng trong việc thực hiện Quy hoạch.

- Chủ trì tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách để thực hiện đạt mục tiêu của Quy hoạch.

- Chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, tổng hợp và báo cáo tình hình thực hiện Quy hoạch; đề xuất điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phù hợp với nhiệm vụ phát triển từng thời kỳ.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh đưa các chỉ tiêu phát triển của Quy hoạch này vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.

3. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, có trách nhiệm tổ chức triển khai và phối hợp thực hiện Quy hoạch.

Điều 3. Giám đốc Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Bộ VHTTDL (để báo cáo);
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Lưu: VT, VX. HNg
D:\VAN - XA 2016\VHTTDL\QĐ
\T1\phe duyet QH nganh VHTTDL.doc

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đồng Văn Thanh

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 214/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2025

  • Số hiệu: 214/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/02/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hậu Giang
  • Người ký: Đồng Văn Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/02/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản