Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 203/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA VẬT THỂ, PHI VẬT THỂ CỦA TRÀ THÁI NGUYÊN

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên tại tờ trình số 83/TTr-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2012 và tờ trình số 76/TTr-UBND ngày 20 tháng 9 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên với những nội dung chính sau đây:

1. Mục tiêu:

a) Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên, góp phần để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển kinh tế xã hội.

b) Tôn vinh các giá trị văn hóa đặc sắc của Trà Thái Nguyên; khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới; giới thiệu giá trị văn hóa Trà Việt Nam với đông đảo nhân dân trong nước và quốc tế; thực hiện giao lưu, hợp tác với các dân tộc Việt Nam và trên thế giới.

c) Thúc đẩy việc phục dựng, tạo lập và phát huy giá trị các hoạt động lễ hội, Festival Trà, nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, độc đáo của tỉnh Thái Nguyên; giúp người dân có cuộc sống vật chất, tinh thần phong phú, lành mạnh, văn minh.

d) Làm phong phú các hoạt động văn hóa, du lịch, dịch vụ liên quan đến Trà Thái Nguyên, tạo việc làm cho người dân trong tỉnh; phát triển các mô hình trồng và chế biến chè, xây dựng làng nghề chè truyền thống trong địa bàn tỉnh.

đ) Hình thành và phát triển các ngành kinh tế, du lịch, dịch vụ và hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị phục vụ Festival Trà Thái Nguyên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách bền vững; xây dựng và bảo vệ thương hiệu Trà Thái Nguyên để Thái Nguyên thực sự trở thành vùng chè nổi tiếng trong nước và quốc tế.

e) Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, huy động mọi nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Trà Thái Nguyên.

2. Nội dung hoạt động:

a) Bảo tồn và phát triển các vùng chè, làng chè truyền thống nổi tiếng, gắn với phương thức sản xuất cổ truyền như: Tân Cương, La Bằng, Khe Cốc Trại Cài, Sông Cầu; quy hoạch lại các vùng trồng chè để nâng cao năng suất, chất lượng và tính an toàn của nguyên liệu chè búp tươi.

b) Sưu tầm, tổng hợp, kiểm kê, bảo quản, lập hồ sơ khoa học và trưng bày, triển lãm các hiện vật, di vật cổ vật; khôi phục, giữ gìn, nâng cao chất lượng và phát huy các loại hình văn hóa nghệ thuật.

c) Nâng cao chất lượng và phát huy các lễ hội dân gian truyền thống của Thái Nguyên, văn hóa ẩm thực trà tại các cộng đồng dân cư; phát triển các loại hình văn hóa nghệ thuật đương đại, kết hợp hài hòa với các hình thức văn hóa dân gian truyền thống.

d) Hoàn thiện các cơ sở văn hóa, thể thao phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao, cộng đồng và tổ chức Festival Trà Thái Nguyên: Bảo tàng tỉnh, Nhà văn hóa đa năng, Trung tâm Triển lãm văn hóa, Khu liên hợp thể thao, Trung tâm đua thuyền.

đ) Đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ quản lý chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, các nhà nghiên cứu văn hóa; đào tạo kỹ năng, nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, giao tiếp và trình diễn nghệ thuật mời trà, thưởng trà.

e) Hoàn thiện hệ thống hạ tầng, các dịch vụ, các sản phẩm tại các khu, điểm du lịch của tỉnh để có thể kết nối, hình thành tour - tuyến du lịch nội tỉnh và các tỉnh đến với Festival Trà Thái Nguyên; tập trung phát triển các tour - tuyến du lịch, điểm du lịch gắn với làng nghề.

g) Tổ chức Festival Trà Thái Nguyên định kỳ 2 năm một lần; thời gian tổ chức vào quý IV của năm tổ chức theo định kỳ.

3. Các dự án thành phần:

a) Dự án Sưu tầm, phục hồi và tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng gắn với cây chè tại các vùng chè lớn của tỉnh.

b) Dự án Bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn, phát triển văn hóa vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên.

c) Dự án Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên.

d) Dự án nghiên cứu, truyền thông tác dụng của cây chè đối với đời sống và sức khoẻ con người với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thái Nguyên.

đ) Dự án Tổ chức Festival Trà Thái Nguyên.

4. Giai đoạn thực hiện:

a) Giai đoạn I: Từ năm 2013 đến 2015: Điều tra, nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các giá trị văn hóa phi vật thể; bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; bảo tồn, phát triển các làng nghề chè truyền thống gắn kết với phát triển du lịch; tổ chức Festival Trà Thái Nguyên; đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng, công tác tuyên truyền.

b) Giai đoạn II: Từ năm 2016 đến năm 2020: Tiếp tục triển khai các nội dung hoạt động của giai đoạn I và phát huy các kết quả đã đạt được.

5. Nguồn kinh phí thực hiện:

- Ngân sách trung ương;

- Ngân sách địa phương;

- Nguồn vốn huy động xã hội hóa;

- Các nguồn vốn hợp pháp khác.

Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Chỉ đạo các Sở, ngành chuyên môn, các đơn vị có liên quan trên địa bàn triển khai các nội dung, nhiệm vụ của đề án bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ.

2. Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện đề án theo đúng nội dung đã được phê duyệt và quy định hiện hành.

3. Trên cơ sở đề án được phê duyệt, triển khai lập và phê duyệt các dự án thành phần theo từng giai đoạn và tổ chức triển khai thực hiện.

4. Xây dựng các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực, các nhà đầu tư, các tổ chức xã hội cùng đầu tư thực hiện đề án.

Điều 3. Trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan:

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên triển khai thực hiện để án bảo đảm đúng tiến độ, mục tiêu đề ra; hướng dẫn về chuyên môn đối với các dự án thành phần có liên quan, các hạng mục bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của trà Thái Nguyên.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét cân đối phần vốn thuộc ngân sách nhà nước để thực hiện đề án.

3. Các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên để thực hiện đề án trong phạm vi, thẩm quyền của mình.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký bàn hành.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Bộ trưởng các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này ./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ: Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính;
- UBND tỉnh Thái Nguyên;
- Sở VHTT&DL tỉnh Thái Nguyên;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, VIII, TH;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Thiện Nhân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 203/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 203/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/01/2013
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Thiện Nhân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/01/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản