Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ VĂN HÓA - THÔNG TIN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1706/2001/QĐ-BVHTT | Hà Nội, ngày 24 tháng 7 năm 2001 |
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA - THÔNG TIN
- Căn cứ nghị định 81/CP ngày 08 tháng 11 năm 1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Văn hóa - Thông tin;
- Căn cứ Chỉ thị số 32/CT ngày 23 tháng 9 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng quy hoạch phát triển ngành đến 2010;
- Căn cứ các văn bản thỏa thuận của các Bộ, ngành có liên quan (Bộ Xây dựng tại văn bản số 1887/BXD-KTQH ngày 12 tháng 10 năm 2000; Bộ Kế hoạch và Đầu tư số 6663/BKH/LĐVX ngày 27/10/2000; Bộ Tài chính số 4470/TC/HCSN ngày 30/10/2000; Tổng cục Du lịch số 1053/TCDL- KHĐT ngày 31/10/2000; Hội Khoa học lịch sử Việt Nam số 31/HSH ngày 29/9/2000);
- Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo tồn bảo tàng tại công văn số 563/BTBT ngày 03/10/2000;
- Theo đề nghị của Trưởng Ban quy hoạch và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:
- Là các địa điểm khảo cổ, di tích lịch sử và di tích kiến trúc nghệ thuật cùng toàn bộ các di vật, bảo vất quốc gia, các giá trị văn hóa vi vật thể có liên quan tới các di tích đó.
- Là các danh lam thắng cảnh có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khoa học.
II. Các quan điểm bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh
1. Việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh (sau đây gọi là di tích) phải đảm bảo tính trung thực của lịch sử hình thành các di tích, không được làm sai lệch các giá trị và đặc điểm vốn có của di tích, phải giữ gìn nguyên vẹn, không làm biến đổi những yếu tố cấu thành của di tích, đảm bảo tính nguyên gốc của di tích.
2. Bảo tồn phải gắn với phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của di tích, với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, sự phát triển của các ngành hữu quan, nhất là các ngành Du lịch, Giao thông công chính, Xây dựng v.v. Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích nhằm đặt cơ sở pháp lý và khoa học, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành và địa phương.
3. Tạo lập sự hài hoà giữa phát triển kinh tế, quá trình đô thị hóa với bảo vệ các di tích; ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất đai và xây dựng các công trình không phù hợp trong các khu vực bảo vệ của di tích.
4. Nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước, thực hiện xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các di tích. Huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước, nâng cao nhận thức và sự tham gia đóng góp của toàn xã hội trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích.
III. Mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di tích đến 2020
1. Mục tiêu lâu dài
Giữ gìn nguyên vẹn và đầy đủ các di tích đã và đang được xếp hạng, không để xuống cấp, tổn thất hoặc bị huỷ hoại.
Nâng cao nhận thức, phát huy các giá trị của di tích trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và truyền thống văn hiến của dân tộc cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; giới thiệu bản sắc và tinh hoa văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam với các nước, là cơ sở quan trọng để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc như Nghị quyết Trung ương 5 đã đề ra.
Trong điều kiện cho phép, các di tích cần được tu bổ, tôn tạo một cách hoàn chỉnh với tư cách là một sản phẩm du lịch có giá trị phục vụ chiến lược phát triển ngành Du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về di tích và danh lam thắng cảnh theo hướng ở rộng quá trình xã hội hóa, thu hút sự tham gia rộng rãi của nhân dân vào việc bảo vệ và phát huy di tích, gắn với quản lý nhà nước bằng pháp luật.
2. Mục tiêu cụ thể
Đến 2005, hoàn thành cuộc tổng kiểm kê di tích, phân loại, hoàn thiện hồ sơ khoa học cho từng di tích, đưa vào lưu trữ quốc gia (ngân hàng dữ liệu về di tích) và ở các địa phương.
Đến 2010, 50% di tích quốc gia đặc biệt được Nhà nước đầu tư tu bổ và tôn tạo trong đó ưu tiên các di tích về lịch sử cách mạng và kháng chiến; 50% các di tích quốc gia được đầu tư tu bổ và tôn tạo bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Các di tích khác đã được xếp hạng, chủ yếu huy động sự đóng góp của nhân dân để tu bổ, chống xuống cấp,
Từ 2000 đến 2010, hoàn thành việc xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành bảo tồn di tích (các phòng thí nghiệm bảo quản, các xưởng phục chế, các trung tâm lưu trữ tư liệu về di tích...).
IV. Định hướng cơ bản trong tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích
1. Định hướng chung
1.1. Trong tu bổ, chống xuống cấp di tích
1.1.1. Khi thực hiện việc tu bổ, chống xuống cấp các công trình di tích phải lập dự án trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát, đánh giá toàn diện các giá trị di tích gốc.
1.1.2. Tôn tạo và giữ gìn bằng mọi biện pháp các thành tố nguyên gốc của di tích; hạn chế tối đa mọi sự thay thế, nhất là thay thế bằng chất liệu và vật liệu mới, giải pháp ưu tiên là bảo quản, gia cố và tu bổ di tích.
Việc khôi phục các di tích đã bị mất phải dựa trên cơ sở các tài liệu khoa học xác thực và chỉ thực hiện trong những trường hợp cần thiết. Việc sử dụng chất liệu bền vững để thay thế chất liệu dễ hư hỏng trong khôi phục di tích phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo tính xác thực đối với di tích và cần được phân biệt rõ với chất liệu gốc.
1.1.3. Trong tu bổ, chống xuống cấp di tích ưu tiên vận dụng các quy trình và các kỹ thuật thi công truyền thống; sử dụng các chất liệu và vật liệu truyền thống phù hợp với di tích. Các chất liệu, vật liệu và cấu kết mới chủ yếu được sử dụng trong bảo quản gia cố.
1.1.4. Việc tu bổ, chống xuống cấp di tích phải tuân thủ quy trình sau: Nghiên cứu tư liệu và khảo sát hiện trạng (kể cả việc nghiên cứu thám sát và khai quật khảo cổ) - xây dựng dự án và thiết kế kỹ thuật, dự toán - thẩm định, phê duyệt - thi công dưới sự giám sát của nhà chuyên môn và duy trì nhật ký công trình - nghiệm thu - hoàn chỉnh hồ sơ tu bổ.
1.2. Trong tôn tạo di tích
1.2.1. Tôn tạo di tích là nhằm tạo điều kiện làm nổi bật các mặt giá trị của di tích và tôn tạo ra môi trường cảnh quan hài hoà với di tích đó.
1.2.2. Quy hoạch các tuyến đường tham quan, đi lại trong khu di tích phải phù hợp với tính chất lịch sử của di tích. Sử dụng những hình thức chiếu sáng truyền thống phù hợp với di tích và chỉ đạo lập hệ thống chiếu sáng hiện đại khi thực sự cần thiết, không làm ảnh hưởng tới giá trị thẩm mỹ của di tích.
1.2.3. Các công trình phụ trợ được phép xây dựng, nhưng phải nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích bao gồm nhà trưng bày bổ sung di tích, nhà tiếp khách và nhà ban quản lý, trạm điện, hệ thống phòng, chống cháy, hệ thống thu gom rác thải. Vị trí các công trình này không được ảnh hưởng tới cảnh quan khu di tích. Hạn chế xây dựng nhà trưng bày bổ sung ở di tích. Trong trường hợp cần phải có thì nội dung trưng bày chỉ giới hạn trong phạm vi những sự kiện và tài liệu trực tiếp liên quan tới di tích.
Các công trình phục phục vụ như bãi đỗ xe, bến thuyền quán ăn uống, giải khát, công trình vệ sinh, cửa hàng bán hàng lưu niệm... bố trí tách biệt khỏi các khu vực bảo vệ của di tích, không được gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với cảnh quan chung của di tích.
1.2.4. Các tượng đài có thể được xây dựng ở các di tích lịch sử cách mạng để ghi dấu sự kiện chiến thắng bằng hình thức kiến trúc - điêu khắc hoành tráng kết hợp hình khối kiến trúc, phù điêu - tượng tròn - vườn hoa v.v. Vị trí tượng đài phải ở khu di tích có diện tích lớn, đặt ở khu vực thích hợp và không làm ảnh hưởng đến di tích gốc.
1.3. Trong sử dụng và khai thác di tích
Sử dụng và khai thác di tích trước hết vì lợi ích của toàn xã hội.
Khuyến khích các hoạt động sử dụng và khai thác di tích nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; xây dựng giá trị văn hóa mới, làm giàu kho tàng di sản văn hóa Việt Nam, góp phần mở rộng giao lưu văn hóa với các nước.
Khuyến khích việc sử dụng khai thác di tích để phục vụ nhu cầu du lịch văn hóa, giải trí lành mạnh của nhân dân. Bài trừ các hủ tục chống các biểu hiện tiêu cực, thương mại hóa trong sử dụng và khai thác di tích.
Khuyến khích sử dụng di tích theo đúng công năng lúc khởi dựng. Trường hợp cần thiết có thể sử dụng một số hạng mục trong di tích vào các chức năng khác, nhưng không được làm biến đổi cơ cấu không gian cũng như nội thất của di tích.
Nghiêm cấm các hình thức dịch vụ có khả năng gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng tới cảnh quan di tích, hạn chế khả năng quan sát, thưởng ngoạn di tích của khách tham quan di tích.
Việc thu phí tham quan và lệ phí sử dụng, khai thác di tích phải tuân theo quy định chung. Các khoản thu nêu trên trước hết phải được tái dầu tư cho việc bảo quản, tu bổ di tích.
2. Định hướng cụ thể
2.1. Đối với các di tích lịch sử lưu niệm sự kiện
2.1.1. Việc khoanh vùng bảo vệ di tích phải đáp ứng yêu cầu bảo tồn các di tích, môi trường, khung cảnh lịch sử, gắn với việc bảo vệ các khu rừng tự nhiên.
Do các khu di tích lịch sử quân sự thường trải rộng trên những vùng đất rộng lớn nên khu vực bảo vệ phải được phân định theo các điểm và theo cụm di tích tiêu biểu.
2.1.2. Bảo quản nguyên trạng các di tích và di vật gốc. Chỉ phục hồi khi có đủ các cơ sở khoa học như ảnh, bản vẽ, tư liệu thành văn hoặc lời kể của nhân chứng.
Ưu tiên bảo quản các yếu tố gốc như các công trình còn lại, các đồ dùng sinh hoạt của danh nhân, hầm hoà, địa đạo, các di vật (vũ khí và phương tiện chiến tranh), bảo quản hiện trường tăng sức thuyết phục của di tích gốc đối với di tích lịch sử quân sự. Chỉ phục hồi các di sản và thành phần di tích đã mất trên cơ sở các cứ liệu lịch sử chắc chắn.
2.1.3. Trong trường hợp cần thiết có thể thực hiện việc trưng bày bổ sung tại khu di tích. Nội dung trưng bày chỉ giới hạn trong việc giới thiệu những vấn đề liên quan trực tiếp di tích. nhà trưng bày bổ sung nên tổ chức các công trình kiến trúc sẵn có của di tích, nếu phải xây dựng mới thì quy mô vừa phải, phù hợp với số lượng tài liệu, hiện vật hiện có.
Đối với di tích lưu niệm, lịch sử quân sự có thể xây dựng sa bàn mô tả toàn bộ sự kiện đặt trong nhà trưng bày. Sử dụng các hình thức ghi nhận sự kiện như dựng bia, bia đài. Hạn chế việc xây dựng tượng đài.
Đối với di tích nhà tù và địa điểm diễn ra các vụ thảm sát của địch ghi dấu sự tàn bạo của kẻ thù và tinh thần đấu tranh kiên cường, tình đồng chí của các chiến sĩ cách mạng và nhân dân ta cần có hình thức tái hiện sinh động trên cơ sở tài liệu xác thực. Tư liệu toàn bộ di sản vật thể và phi vật thể của di tích. Trong điều kiện không có điều kiện ghi lại toàn bộ di tích thì phải có chọn lựa giữ lại những bộ phận khác có thể ghi dấu bằng bia biển.
Nhà lưu niệm xây dựng tại địa phương, quê hương danh nhân phải gắn với di tích gốc của danh nhân, về quy mô cần xem xét trong mối tương quan chung giữa các danh nhân ở địa phương và phù hợp với hoàn cảnh địa phương. Không xây dựng nhà tưởng niệm hay nhà bảo tàng cấp quốc gia đối với danh nhân
2.1.4. Ưu tiên cho công tác tư liệu hóa qua việc xây dựng hồ sơ khoa học, phim, ảnh tư liệu hoặc hình thức ghi nhận sự kiện bằng bia đài, đài kỷ niệm.
2.2. Đối với các di tích kiến trúc -nghệ thuật
2.2.1.Di tích tín ngưỡng tôn giáo
Ưu tiên công tác tu bổ và bảo quản hiện trạng của di tích; mọi sự thay thế các thành phần gốc phải được cân nhắc thận trọng; chỉ được thực hiện trong trường hợp thấy thực sự cần thiết và phải sử dụng vật liệu cùng chất liệu với vật liệu gốc. Các pho tượng, đồ thờ phải được bảo quản, tranh việc sơn phủ bằng loại sơn mới làm mất màu thời gian là yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của các di vật đó. Trường hợp đặc biệt cần sơ thếp lại phải áp dụng công nghệ và kỹ thuật truyền thống. Giữ gìn các cây cổ thụ trong khu di tích.
Không xây dựng nhà trưng bày bổ sung lại di tích; hạn chế tối đa các công trình tôn tạo trong khu vực bảo vệ di tích, tránh làm tổn hại đến cảnh quan khu di tích.
2.2.2. Đối với các di tích thành quách, lăng mộ
Đảm bảo khoảng cách giữa thành với các công trình xây dựng khác, kiên quyết giải tỏa các công trình xây dựng lấn chiếm khu vực bảo vệ di tích.
Bảo tồn hiện trạng các vòng thành, cổng thành, hoàn thành, các di tích khảo cổ học; tiến hành gia cố những chỗ bị hư hỏng, có thể khôi phục một số đoạn hào, cổng thành theo đúng kiến trúc vốn của di tích.
2.2.3. Đối với các di tích đô thị cổ, khu phố cổ, dinh thự, nhà ở dân dụng, vườn cảnh...
Thiết lập sự cân bằng giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển đô thị, giữa khu đô thị cổ và đô thị mới có thể vừa bảo tồn các mặt giá trị đô thị cổ vừa đáp ứng được các nhu cầu về điều kiện sống hiện tại cho dân cư trong đô thị đó. Phong cách kiến trúc và độ cao của các công trình xây mới trong khu vực tiếp giáp với di tích cần hài hòa với di tích.
Bảo tồn nguyên vẹn về mặt kiến trúc đối với các phố, khu phố mang đậm các giá trị kiến trúc cổ. Thực hiện giãn dân, không xây dựng mới các công trình có kiến trúc khác biệt; các phố và khu phố khác giữ gìn các công trình kiến trúc cổ tiêu biểu.
Việc cải tạo nội thất và trang bị kỹ thuật hiện đại (máy lạnh, đường điện, nước...) không được làm ảnh hưởng đến nội thất vốn có của di tích.
Các công trình hạ tầng, dịch vụ trong khu phố cổ không được phá vỡ cảnh quan vốn có và gây ô nhiểm môi trường.
Duy trì các truyền thống văn hóa và môi trường sống đô thị, phát triển du lịch. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể như thuần phong mỹ tục trong nếp sống, lối sống, lễ hội, nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực...
2.3. Đối với các danh lam thắng cảnh
Khu vực bảo vệ là toàn bộ cảnh quan, môi trường có liên quan đến di tích.
Bảo tồn nguyên vẹn các giá trị của thiên nhiên, giá trị kiến trúc của khu di tích; nghiêm cấm việc khai thác nguyên liệu (than, đá...) trong khu vực di tích. Cần quy hoạch việc khai thác nguyên liệu ở khu vực ngoài di tích để đảm bảo an toàn và vẻ đẹp tổng thể của danh lam thắng cảnh, tổ chức khai thác theo hướng du lịch văn hóa và nghỉ ngơi; có giải pháp tốt trong việc ngăn chặn ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải...
2.4. Đối với các địa điểm khảo cổ
Các địa điểm khảo cổ cần được nghiên cứu thám sát và khai quật có hệ thống theo một kế hoạch lâu dài. Sau khi khai quật cần phủ lấp trở lại để bảo vệ.
Đối với những di tích có giá trị lớn và có điều kiện bảo quản có thể áp dụng các phương pháp kỹ thuật và xây dựng các công trình che phủ để giữ nguyên hiện trạng hố quật như một “bảo tàng ngoài trời”
Không được xây dựng các công trình trong khu vực do tích. Trường hợp thật sự cần thiết, phải tiến hành khai quật toàn bộ di tích, sau đó mới được thi công xây dựng.
1. Đổi mới cơ chế, chính sách, chế độ quản lý di tích
1.1. Phân cấp quản lý di tích
Di tích được chia thành:
- Di tích quốc gia đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ xếp hạng.
- Di tích quốc gia do Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng
- Di tích cấp tỉnh do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xếp hạng.
Hồ sơ xếp hạng di tích do Sở Văn hóa - Thông tin xây dựng (Hồ sơ di sản thế giới do Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì). Quản lý di tích đã được xếp hạng:
- Đối với di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt có thể thành lập ban quản lý trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh. Trong trường hợp chưa có đủ cán bộ chuyên môn thì có thể thành lập Ban quản lý di tích quốc gia đặc biệt trực thuộc Sở Văn hóa - Thông tin hoặc Bảo tàng - ban quản lý di tích tỉnh, thành phố.
- Đối với các di tích còn lại vào tình hình cụ thể ở từng địa phương mà thành lập các tổ chức quản lý sau đây:
+ Những di tích có giá trị, yêu cầu chuyên môn cao thì có thể thành lập ban quản lý trực thuộc bảo tàng hoặc Ban quản lý di tích tỉnh, thành phố.
+ Những khu di tích có quy mô rộng, phức tạp có thể thành lập Ban quản lý liên ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân quận huyện.
+ Di tích tôn giáo được giao cho nhà chùa, nhà thờ tổ chức quản lý theo quy định của pháp luật.
+ Các di tích khác do Ủy ban nhân dân xã, phường ra quyết định thành lập ban quản lý.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích sau khi có ý kiến thoả thuận của Bộ Văn hóa - Thông tin về dự án, thiết kế bảo quản, tu bổ và phục hồi đối với các di tích do địa phương trực tiếp đầu tư.
- Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin phê duyệt dự án, thiết kế bảo quản, tu bổ và phục hồi đối với các di tích do Bộ Văn hóa - Thông tin trực tiếp đầu tư.
1.2. Đối với cơ chế, chính sách
Trên cơ sở Luật di sản văn hóa ban hành các quy chế cụ thể liên quan đến hoạt động bảo tồn di tích.
Xây dựng các chính sách về đầu tư, sử dụng các nguồn vốn thu được qua khai thác di tích; cơ chế để thu hút nguồn đóng góp của các doanh nghiệp trong và ngoài nước cho tu bổ, tôn tạo di tích; chính sách đối với những người có công bảo vệ và trùng tu di tích... thực hiện thường xuyên công tác thanh tra di tích.
Nâng cấp Trung tâm Thiết kế và tu bổ di tích thành cơ quan đầu ngành nghiên cứu về bảo tồn di tích.
Bộ Văn hóa - Thông tin phối hợp với Bộ Đầu tư xem xét cho phép việc thi công tu bổ di tích các dự án nhóm C được thực hiện trong nhiều năm (không phải 2 năm) và chỉ định thầu đối với các di tích có giá trị kiến trúc nghệ thuật đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, không kể giá trị gói thầu, trước hết là các công trình kiến trúc nghệ thuật được xây dựng bằng chất liệu gỗ, hệ thống tháp Chàm, các công trình khảo cổ học...
Cải tiến công tác thẩm định dự án, thiết kế và quản lý chất lượng tu bổ và tôn tạo di tích. Bộ Văn hóa - Thông tin xem xét và thẩm định dự án, thiết kế tu bổ tôn tạo đối với di tích quốc gia đặc biệt không phân biệt nguồn vốn, hình thức đầu tư qua Bộ hoặc qua địa phương phù hợp với Nghị định 52/CP và 12/CP của Chính phủ. Các di tích khác giao Cục bảo tồn và bảo tàng và Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh, thành phố thẩm định trước khi trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt.
Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật tu bổ và tôn tạo di tích; hệ thống đơn giá định mức; hệ thống tiêu chí làm cơ sở cấp chứng chỉ cho các tổ chức tư vấn và thi công, các cán bộ kỹ thuật và nhân viên kỹ thuật và nhân viên kỹ thuật thực hiện công tác tu bổ và tôn tạo di tích; ban hành quy chế về tu bổ và tôn tạo di tích.
2. Tăng cường các nguồn lực để tu bổ và tôn tạo di tích
2.1. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trong đó có mục tiêu về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc
- Mục tiêu:
Hoàn thành tổng kiểm kê di tích và xây dựng hồ sơ khoa học cho từng di tích, đưa vào lưu trữ quốc gia và ở các địa phương.
Chống xuống cấp và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Tập trung và các di tích quốc gia đặc biệt (có danh mục các di tích quốc gia đặc biệt ưu tiên đầu tư tu bổ và tôn tạo trong giai đoạn 2000-2010 kèm theo).
Giới thiệu và tuyên truyền giá trị của di tích, thu hút khách tham quan, tăng nguồn thu qua khai thác di tích.
- Nguồn vốn thực hiện:
Ngân sách nhà nước tập trung đầu tư cho các di tích lịch sử, di tích cách mạng và kháng chiến, các di tích khảo cổ học. Các di tích khác đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác.
Nguồn thu qua khai thác di tích bao gồm tiền bán vé tham quan di tích, tiền công đức, tiền thu qua các hoạt động dịch vụ của di tích kiến nghị Nhà nước để lại 100% cho đầu tư tu bổ và tôn tạo di tích.
Trước mắt, giai đoạn 2001-2005 tạm tính nguồn vốn kiến nghị với Nhà nước cho thực hiện các mục tiêu trên là 1.562 tỷ đồng trong đó ngân sách Nhà nước là 695 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn thu qua khai thác di tích hàng năm để lại tu bổ và tôn tạo di tích và ngân sách Nhà nước cân đối hàng năm). Từ 2006-2020 hàng năm sẽ đề nghị Nhà nước tăng mức đầu tư cho tu bổ di tích phù hợp với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Sử dụng có hiệu quả ngân sách cấp, vốn liên doanh và vốn vay.
(Danh mục các di tích ưu tiên tu bổ, tôn tạo theo biểu đính kèm).
2.2. Xây dựng cơ sở vật chất của ngành
Xây dựng Trung tâm tư liệu tổng hợp về di sản văn hóa tại Cục Bảo tồn bảo tàng và Trung tâm Thiết kế và tu bổ di tich.
Xây dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu bảo quản di tích và di vật, các xưởng phục chế các vật liệu, chất liệu, tranh tượng v.v... đặt tại Trung tâm Thiết kế và tu bổ di tích.
2.3. Đào tạo cán bộ quản lý và thực hiện tu bổ và tôn tạo di tích
Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, trình độ chuyên môn và nghiệp vụ quan trọng hàng đầu và phải làm thường xuyên: Tăng cường mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ; lựa chọn các cán bộ có đủ năng lực đưa đi đạo tạo ở trong nước và nước ngoài.
Đối với những người làm công tác quản lý di tích bất kể học các ngành sử học, khảo cổ, Hán Nôm, dân tộc học, mỹ thuật... phải được bồi dưỡng các kiến thức cơ bản về bảo tàng học, Luật Di sản văn hóa, các chính sách chế độ của Nhà nước đối với di tích, lý luận và kỷ thuật tu bổ, tôn tạo di tích.
Đối những người trực tiếp tu bổ và tôn tạo di tích, là chuyên gia các ngành xây dựng, kiến trúc, kinh tế...cần được trang bị thêm các kiến thức cơ bản về lịch sử, văn hóa, bảo tàng học, kiến trúc cổ, nguyên tắc và kỷ thuật tu bổ và tôn tạo di tích, xây dựng hồ sơ di tích.
Đối với các công nhân kỹ thuật hoạt động tu bổ và tôn tạo di tích cần được tập huấn, huấn luyện các kỹ thuật, từng bước thực hiện xếp hạng bậc thợ ngành tu bổ và tôn tạo di tích.
Đối với Công ty Tu bổ và tôn tạo di tích trung ương và Công ty Mỹ thuật trung ương cần kiện toàn đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư, thợ kỹ thuật bậc cao để phát triển thành những đơn vị chủ yếu thực hiện việc tu bổ và tôn tạo các di tích đặc biệt quan trọng có yêu cầu cao về kỹ thuật, mỹ thuật, chất lượng công trình.
2. Xã hội hóa công tác tu bổ và tôn tạo các di tích
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức tôn trọng, bảo tồn và phát huy các di tích trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt trong thanh thiếu niên, coi đây là biện pháp cực kỳ quan trọng có ý nghĩa lâu dài trong bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Ban hành các chính sách cụ thể để khuyến khích nhân dân tham gia vào sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
Khắc phục tư tưởng bao cấp trong nhân dân đối với việc bảo vệ và tu bổ, tôn tạo di tích đặt di tích vào các thiết chế văn hóa xã hội truyền thống xóm làng, thực hiện nhân dân có quyền quản lý, bảo vệ và tham gia đóng góp tu bổ di tích.
Thực hiện ngày toàn quốc bảo vệ di sản văn hóa dân tộc. Lấy ngày 23/11 hàng năm (ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 65/SL bảo vệ di tích) làm ngày toàn quốc bảo vệ di tích. Thành lập hội bảo vệ di tích.
Điều 2. Về các di tích dự kiến là di tích quốc gia đặc biệt, Bộ Văn hóa - Thông tin giao Cục Bảo tồn bảo tàng xây dựng tiêu chí khoa học, lấy ý kiến Hội đồng khoa học dể thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Điều 3. Cục Bảo tồn bảo tàng chủ trì phối hợp cùng Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính - Kế toán xây dựng các cơ chế, chính sách, quy chế tu bổ và tôn tạo di tích đặt ra tại Điều 1 và phổ biến, hướng dẫn các Sở Văn hóa - Thông tin, các Bảo tàng, các Ban quản lý di tích và các đơn vị có liên quan trong toàn quốc thực hiện từ năm 2001 đúng nội dung quy hoạch đã được duyệt trên đây.
Điều 4. Các ông Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán, Cục trưởng Cục Bảo tồn bảo tàng, Trưởng Ban quy hoạch Bộ và giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, các Bảo tàng, các Ban quản lý di tích và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT/BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA -THÔNG TIN |
- 1Quyết định 203/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 2176/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Chỉ thị 32 /1998/CT-TTg về công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ đến 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Nghị định 52/1999/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng
- 3Nghị định 12/2000/NĐ-CP sửa đổi Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định 52/1999/NĐ-Cp
- 4Luật di sản văn hóa 2001
- 5Quyết định 203/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 2176/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 1706/2001/QĐ-BVHTT phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành
- Số hiệu: 1706/2001/QĐ-BVHTT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 24/07/2001
- Nơi ban hành: Bộ Văn hoá và Thông tin
- Người ký: Lưu Trần Tiêu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra