Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 203/2000/QĐ-UB

Lào Cai, ngày 12 tháng 7 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994;

Căn cứ Luật Thương mại ngày 23 tháng 5 năm 1997;

Căn cứ thông tư số 15/TM-CSTTTN ngày 16 tháng 10 năm 1996 của Bộ Thương mại về việc hướng dẫn tổ chức và quản lý chợ;

Xét đề nghị của Sở Thương mại và Du lịch tại tờ trình số 209/QLTM ngày 19/6/2000 về việc ban hành quy chế quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Lào Cai,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này quy chế tổ chức và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định 189/QĐ-UB ngày 12/10/1996 của UBND tỉnh Lào Cai về việc: "Ban hành quy định tạm thời về tổ chức và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Lào Cai".

Điều 3. Các ông Chánh văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Giám đốc Sở Thương mại - Du lịch, Giám đốc Sở Tài chính Vật giá, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền, Cục trưởng cục Thuế, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Thủ trưởng các ngành có liên quan căn cứ quyết định thi hành.

Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Thăng

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 203/2000/QĐ-UB ngày 12/7/2000 của UBND tỉnh )

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy định về chợ

Chợ là nơi diễn ra các hoạt động mua, bán trao đổi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ở một vị trí nhất định nằm trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho phép xây dựng. Chợ thuộc mạng lưới thương nghiệp được hình thành và phát triển cùng với sự phát triển của nền kinh tế xã hội, trực tiếp góp phần phục vụ sản xuất, đời sống của cộng đồng dân cư.

Điều 2. Nguồn vốn xây dựng chợ

Các chợ của Lào cai được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay, vốn huy động nhân dân đóng góp và các nguồn vốn khác.

Khi đưa chợ vào khai thác, đều phải tuân theo các điều khoản trong bản quy chế này. Đối với các chợ được xác định là chợ Biên giới, chợ Cửa khẩu điều chỉnh theo quy định riêng.

Điều 3. Phân loại các chợ theo các tiêu thức sau:

1. Chợ loại 1 là chợ có hoạt động mua, bán, trao đổi sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thường xuyên hàng ngày số hộ kinh doanh cố định nhiều. Lượng khách tham gia mua bán đông, lượng hàng hóa lưu thông qua chợ lớn, hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ cho hoạt động của chợ được xây dựng đồng bộ, kiên cố.

2. Chợ loại 2 là những chợ hoạt động không thường xuyên mà họp theo phiên, hoặc họp thường xuyên nhưng thời gian họp mỗi phiên ngắn, số hộ kinh doanh cố định ít, số lượng hàng hóa lưu thông qua chợ không nhiều.

Danh sách các chợ được xếp vào loại 1, loại 2, trên đây có phụ lục kèm theo quy chế này.

Điều 4. Các tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, các cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia hoạt động mua bán, trao đổi sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tại các chợ trên địa bàn tỉnh Lào Cai đều phải thực hiện nghiêm túc các điều khoản trong bản quy chế này và những quy định khác có liên quan.

Điều 5. Các Thương nhân ở nước ngoài tham gia hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tại các chợ của Lào Cai phải có đầy đủ thủ tục theo quy định của pháp luật Nhà nước Việt Nam và chịu sự điều chỉnh của bản quy chế này.

Chương II

PHÂN CẤP QUẢN LÝ, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁC CẤP, CÁC NGÀNH

Điều 6. Phân cấp quản lý:

1. Đối với chợ loại 1: Giao cho UBND huyện, thị xã có nhiệm vụ trực tiếp quản lý

2. Đối với chợ loại 2: Giao cho UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tổ chức quản lý.

Điều 7. Nhiệm vụ của các cấp, các ngành.

1. UBND huyện, thị xã.

a) Ra quyết định thành lập, giải thể ban quản lý chợ loại 1.

b) Ban hành nội quy hoạt động tại các chợ loại 1.

c) Thường xuyên kiểm tra các hoạt động của các ban quản lý chợ và các hoạt động kinh doanh của các tổ chức, hộ kinh doanh, các cá nhân kinh doanh tại các chợ trên địa bàn.

d) Xây dựng các mức thu phí chợ thuộc địa bàn trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

e) Ban hành quy định việc xử lý các vi phạm tại chợ loại 1 theo quy định của pháp luật.

2. Nhiệm vụ của UBND xã, phường, thị trấn.

a) Ra quyết định thành lập, giải thể tổ quản lý chợ loại 2.

b) Ban hành nội quy hoạt động tại các chợ loại 2.

c) Phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các vi phạm tại chợ loại 2 theo thẩm quyền được pháp luật quy định.

3. Sở Thương mại - Du lịch là cơ quan chức năng giúp UBND tỉnh:

- Lập quy hoạch, kế hoạch phát triển màng lưới chợ trên địa bàn, kiến nghị những biện pháp về vốn đầu tư, công tác quản lý... để màng lưới chợ hình thành theo quy hoạch.

- Sở Tài chính vật giá và các ngành có liên quan với chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp với UBND huyện, thị xã tổ chức quản lý tốt hoạt động của các chợ. Đồng thời phải làm tốt chức năng quản lý Nhà nước của ngành đối với hoạt động kinh doanh của các thành phần kinh tế tại các chợ thuộc tỉnh Lào Cai.

Điều 8. Tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban quản lý chợ:

1. Tổ chức bộ máy của ban quản lý chợ:

a) Tất cả các chợ đều được thành lập ban quản lý hoặc tổ quản lý cho phù họp với qui mô và tình hình hoạt động của chợ

b) Chợ loại 1 được thành lập ban quản lý:

Ban quản lý chợ là đơn vị sự nghiệp có thu, biên chế của ban quản lý chợ không quá 3 người (Là viên chức, trong chỉ tiêu biên chế đã giao cho các huyện, thị xã )

Cán bộ trong ban quản lý chợ loại 1 được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước theo chế độ tiền lương hiện hành

- Một trưởng ban phụ trách công việc chung

- Một cán bộ làm kế toán

- Một cán bộ làm thủ quỹ, thủ kho

- Ngoài ra các công việc khác (tùy theo khối lượng) có thể sử dụng thêm lao động theo chế độ hợp đồng cho phù hợp.

- Tiêu chuẩn nghiệp vụ của cán bộ trong ban quản lý chợ loại 1 phải có trình độ trung cấp về kinh tế - tài chính trở lên

- Ban quản lý chợ do Phòng tài chính - thương nghiệp huyện, thị xã quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ.

- Ban quản lý chợ là đơn vị có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản giao dịch tại kho bạc nhà nước nơi hoạt động.

c) Chợ loại 2 được thành lập tổ quản lý chợ:

- Tổ quản lý chợ loại 2 biên chế tối đa không quá 2 người.

- Cán bộ trong tổ quản lý chợ loại 2 do UBND xã, phường, thị trấn xét duyệt và quyết định có thể bố trí cán bộ đương chức kiêm nhiệm hoặc thuê khoán cán bộ quản lý.

- Các công việc khác tại chợ loại 2 (tùy theo khối lượng cụ thể) có thể sử dụng lao động hợp đồng cho phù hợp.

- Tổ quản lý chợ loại 2 chịu sự kiểm tra hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ, về công tác thu, chi tài chính của Phòng tài chính - Thương nghiệp huyện, thị xã.

2. Nhiệm vụ quyền hạn của ban quản lý, tổ quản lý chợ.

a) Nhiệm vụ: Ban quản lý, tổ quản lý chợ chịu trách nhiệm trước UBND địa phương về quản lý, tổ chức sắp xếp các hoạt động kinh doanh theo ngành hàng, nhóm hàng và tính chất thương phẩm của hàng hóa.

- Xây dựng nội quy quản lý hoạt động kinh doanh tại chợ trình UBND địa phương ra quyết định ban hành.

- Đảm bảo duy trì các hoạt động kinh doanh tại chợ.

- Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn hàng hóa, an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường và văn minh trong chợ.

- Dự kiến các mức phí, đối với các hoạt động dịch vụ báo cáo UBND huyện, thị xã tổng hợp trình Tỉnh phê chuẩn

- Được phép tổ chức các hoạt động dịch vụ như: Cho thuê ki ốt, địa điểm kinh doanh, phương tiện kinh doanh, bảo vệ hàng hóa ngoài giờ, dịch vụ nghỉ trọ, y tế, cung cấp các dịch vụ điện, nước, đàm thoại, vệ sinh môi trường, trông giữ phương tiện cho người mua và người bán ..v.v..

- Việc thu phí, đối với hoạt động của các địch vụ trên phải chấp hành đúng những quy định của tỉnh.

- Quản lý toàn bộ cơ sở vật chất của chợ, lập kế hoạch sửa chữa nâng cấp hoặc xây dựng mới trình UBND huyện, thị xã phê duyệt đồng thời tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo cho hoạt động của chợ thuận lợi và hiệu quả.

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân kinh doanh buôn bán tại chợ thực hiện đúng và đầy đủ những quy định của pháp luật về hoạt động thương mại và dịch vụ.

- Phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra soát xét các hoạt động kinh doanh tại chợ, giải quyết những vấn đề tranh chấp giữa các tổ chức, cá nhân kinh doanh tại chợ thuộc phạm vi quyền hạn đồng thời báo cáo cơ quan chức năng có thẩm quyền những vấn đề ngoài phạm vi quyền hạn giải quyết.

- Tổ chức thống kê lưu lượng hàng hóa lưu thông qua chợ nắm và báo cáo số lượng thương nhân hoạt động kinh doanh trong chợ, tình hình biến động về thị trường, giá cả trong khu vực chợ, biến động về quy mô xây dựng, diện tích xây dựng, hiệu quả hoạt động của các ki ốt, thực hiện nghiêm chế sử dụng hóa đơn chứng từ và chế độ kế toán hiện hành.

Những nội dung trên được báo cáo hàng tháng về Phòng Tài chính-Thương nghiệp huyện, thị xã bình quân tháng một lần vào ngày cuối tháng, Phòng Tài chính-Thương nghiệp tổng hợp và báo cáo về UBND huyện, thị xã, Sở Thương mại - Du lịch và các ngành liên quan .

b) Quyền hạn:

- Được phép yêu cầu các tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh hoạt động trong chợ xuất trình đầy đủ các giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh.

- Không bố trí hoặc thu hồi địa điểm kinh doanh đối với các trường hợp: Không có giấy phép kinh doanh, không có đăng ký kinh doanh, không chấp hành những quy định của pháp luật về hoạt động thương mại, không chấp hành đầy đủ các nội quy hoạt động của chợ.

- Lập biên bản báo cáo cơ quan cấp trên, co quan quản lý chuyên ngành đối với các trường hợp vi phạm vượt quá thẩm quyền giải quyết của BQL, tổ QL chợ.

Chương III

NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN LỢI CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THAM GIA HOẠT ĐỘNG TẠI CHỢ

Điều 9. Nghĩa vụ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tại chợ.

- Mọi tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh và cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh tại chợ đều phải xuất trình với ban quản lý chợ đầy đủ giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh mặt hàng có điều kiện kinh doanh do cấp có thẩm quyền cấp, bảng kê danh mục hàng hóa kinh doanh và các thủ tục khác do cấp có thẩm quyền quy định.

- Có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về kinh doanh thương mại:

+ Kinh doanh đúng những mặt hàng đã ghi trong đăng ký kinh doanh.

+ Hàng hóa đưa vào kinh doanh phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.

+ Thực hiện đúng, đủ chế độ hóa đơn, chứng từ, chế độ kế toán.

+ Thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ nộp thuế, các khoản phí chợ theo quy định hiện hành.

- Niêm yết công khai mức thuế hàng tháng của cơ quan thuế tại địa điểm kinh doanh.

- Phải nghiêm chỉnh chấp hành nội quy hoạt động của chợ.

Điều 10. Quyền lợi của Tổ chúc và cá nhân tham gia kinh doanh.

- Được Ban quản lý chợ xem xét, bố trí địa điểm kinh doanh sau khi có đơn đăng ký và được sắp xếp theo thứ tự chung của chợ.

- Được đề nghị giải quyết tranh chấp liên quan đến hoạt động kinh doanh tại chợ

- Có quyền được yêu cầu giải quyết hoặc đi nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết bồi thường thiệt hại mà nguyên nhân gây ra thiệt hại thuộc ban quản lý chợ và các đối tượng khác.

- Được tạo điều kiện để tham gia hoạt động trong các hiệp, hội ngành nghề, hiệp hội kinh doanh và các tổ chức từ thiện..v..v

- Được cung cấp những thông tin về thị trường, về chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại - dịch vụ.

Chương IV

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CỦA CHỢ

Điều 11. Nguồn thu, trách nhiệm thu và nhiệm vụ chi.

1. Nguồn thu tại các chợ bao gồm:

- Các loại thuế

- Tiền bán ki ốt

- Tiền cho thuê ki ốt, thuê địa điểm kinh doanh

- Thu phí chợ.

- Tiền bán vé chợ (đối với người buôn bán nhỏ không thường xuyên) và thu từ dịch vụ khác

2. Trách nhiệm thu:

a) Đối với các loại thuế: Do cơ quan thuế địa phương tổ chức thu theo luật định.

b) Đối với các khoản tiền thu từ bán ki ốt, cho thuê ki ốt, thuê địa điểm kinh doanh các khoản phí và lệ phí do ban quản lý chợ, tổ quản lý chợ trực tiếp thu và nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định.

3. Nhiệm vụ chi:

a) Chi bù đắp vốn đầu tư xây dựng (trả tiền vay để xây dựng chợ)

b) Chi thường xuyên: Bao gồm các khoản chi phí cho hoạt động thường xuyên của ban quản lý chợ

c) Chi đầu tư sửa chữa, nâng cấp, mở rộng chợ

4. Nhiệm vụ lập kế hoạch thu, chi.

Hàng năm căn cứ vào tình hình hoạt động kinh doanh của chợ và định mức chi tiêu. Ban quản lý chợ, tổ quản lý chợ lập kế hoạch tài chính gồm 2 phần:

* Phần thu: Xác định được các khoản thu tại chợ và số thu của từng khoản trong năm không tính các khoản thu về thuế

* Phần chi: Xác định nhu cầu chi tiêu thường xuyên của ban quản lý, tổ quản lý chợ, chi đầu tư sửa chữa, nâng cấp, mở rộng chợ .v..v.

Ban quản lý, tổ quản lý chợ gửi kế hoạch thu, chi tài chính cho Phòng Tài chính-Thương nghiệp huyện, thị xã đối vói chợ loại 1 và cho ban Tài chính xã, phường, thị trấn đối với chợ loại 2 xét duyệt và để tổng hợp chung vào kế hoạch ngân sách địa phương.

5. Chế độ tiền công, tiền thù lao cho hợp đồng lao động thuê khoán, chi phí cho ban quản lý, tiền thưởng vượt kế hoạch thu, thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh theo chế độ nhà nước quy định

6. Hết năm tài chính Ban quản lý, Tổ quản lý chợ phải có báo cáo quyết toán về tình hình thu nộp, tình hình sử dụng ngân sách theo đúng chế độ kế toán thống kê hiện hành.

Điều 12. Quản lý các khoản thu tại chợ:

1. Các khoản thu tại chợ đều phải được thống nhất quản lý và thể hiện đầy đủ trong kế hoạch thu ngân sách của địa phương.

2. Các khoản thu tại chợ phải sử dụng biên lai, ấn chỉ do Bộ Tài chính (cơ quan thuế) phát hành và nộp 100% số tiền thu được vài ngân sách nhà nước.

Chương V

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 13. Khen thưởng.

- Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tại chợ chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và nội dung quy chế này, Ban quản lý chợ, tổ quản lý chợ và cán bộ thuộc ban quản lý chợ, tổ quản lý chợ hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ của mình sẽ được xét khen thưởng theo quy định.

Điều 14. Xử lý vi phạm.

- Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tại chợ không chấp hành nội quy chợ, không chấp hành những quy định trong quy chế, vi phạm chính sách pháp luật trong hoạt động kinh doanh, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý từ khiển trách, xử phạt hành chính, thu hồi địa điểm kinh doanh hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

- Cán bộ thuộc ban quản lý chợ, tổ quản lý chợ và các cơ quan chức năng quy định tại điều 7 bản quy chế này, nếu lạm dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức kinh tế và nhà nước hoặc không có biện pháp tích cực để ngăn ngừa các hành vi vi phạm trong khu vực chợ gây tác hại nghiêm trọng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Giao cho Giám đốc Sở Thương mại - Du lịch, Sở Tài chính Vật giá, Ban Tổ chức chính quyền và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chỉ đạo triển khai thực hiện quy chế này

Quá trình thực hiện có vướng mắc hoặc cần điều chỉnh bổ xung các cấp, các ngành phản ánh về Sở Thương mại - Du lịch để tổng hợp trình UBND tỉnh nghiên cứu, giải quyết.

 

PHỤ LỤC

DANH SÁCH CÁC CHỢ XẾP LOẠI 1, LOẠI 2
(Kèm theo quy chế về tổ chức và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Lào Cai)

I - Chợ loại 1:

- Chợ trung tâm huyện Bảo Yên.

- Chợ trung tâm huyện Bảo Thắng.

- Chợ trung tâm huyện Sa Pa.

- Chợ trung tâm thị xã Cam đường

- Chợ trung tâm huyện Bát Xát

- Chợ trung tâm huyện Than Uyên

- Chợ trung tâm huyện Văn Bàn

- Chợ trung tâm huyện Bắc Hà

- Chợ trung tâm huyện Mương Khương

- Chợ Cốc lếu, chợ Kim tân (Thuộc Thị xã Lào Cai).

II- Chợ loại 2: Những chợ còn lại thuộc địa bàn các xã, trung tâm cụm xã và các khu vực khác ./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 203/2000/QĐ-UB về quy chế tổ chức và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Lào Cai

  • Số hiệu: 203/2000/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/07/2000
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
  • Người ký: Nguyễn Đức Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/07/2000
  • Ngày hết hiệu lực: 12/12/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản