Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2007/QĐ-UBND

Lạng Sơn, ngày 20 tháng 12 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN SẮP XẾP TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ CỦA CÁC TỔ CHỨC HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Kết luận số 28-KL/TW, ngày 21/02/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức;

Căn cứ Công điện số 209/CĐ-TTg ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 612/TTr-SNV ngày 07/12/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2022 - 2025.

Điều 2. Giao Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện các nội dung cụ thể của Đề án.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường trực Tỉnh uỷ;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy;
- Thành viên BCĐ tỉnh
(theo Quyết định số 1025/QĐ-UBND);
- Các huyện uỷ, thành uỷ;
- PCVP UBND tỉnh,
các phòng CM, ĐV, TTTT;
- Lưu: VT, NC(TPT).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hồ Tiến Thiệu

 

ĐỀ ÁN

SẮP XẾP TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ CỦA CÁC TỔ CHỨC HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN GIAI ĐOẠN 2022-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2007/QĐ-UBND ngày 20/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ

I. THỰC TRẠNG

1. Về tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính

1.1. Cấp tỉnh

Thực hiện Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trên địa bàn tỉnh hiện có 19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (gọi tắt là Sở), trong đó: 17 Sở được tổ chức thống nhất trong toàn quốc và 02 Sở được tổ chức theo đặc thù riêng của tỉnh1; các Sở hoạt động ổn định, tổ chức bộ máy đảm bảo đúng quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 03 cơ quan, tổ chức hành chính khác, gồm: Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới.

1.2. Cấp huyện

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Kết luận số 34-KL/TW ngày 07/8/2018 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, năm 2018 trên địa bàn tỉnh đã thực hiện: (1) Sáp nhập 11 Phòng Y tế các huyện, thành phố vào Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; (2) Sáp nhập 10 Phòng Dân tộc các huyện vào Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện và đổi tên thành Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc.

Tổng số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện hiện có: 121 phòng; tổ chức bộ máy cơ bản đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cụ thể như sau:

TT

UBND các huyện

UBND thành phố

1

Văn phòng HĐND&UBND

(bao gồm công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực Y tế)

Văn phòng HĐND&UBND

(bao gồm công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực Y tế)

2

Phòng Nội vụ

Phòng Nội vụ

3

Phòng Tư pháp

Phòng Tư pháp

4

Phòng Tài chính - Kế hoạch

Phòng Tài chính - Kế hoạch

5

Phòng Tài nguyên và MT

Phòng Tài nguyên và MT

6

Phòng Lao động, TB, XH - Dân tộc

Phòng Lao động, TB&XH

7

Phòng Văn hoá và Thông tin

Phòng Văn hoá và Thông tin

8

Phòng Giáo dục và Đào tạo

Phòng Giáo dục và Đào tạo

9

Thanh tra

Thanh tra

10

Phòng NN&PTNT

Phòng Kinh tế

11

Phòng Kinh tế và Hạ tầng

Phòng Quản lý Đô thị

2. Về đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL)

2.1. Cấp tỉnh

- Tổng số các ĐVSNCL trực thuộc UBND tỉnh: 03 đơn vị2.

- Tổng số các ĐVSNCL trực thuộc các Sở, Ban, ngành: 93 đơn vị (trong đó: Sự nghiệp giáo dục và đào tạo: 40 đơn vị, sự nghiệp y tế: 21 đơn vị, sự nghiệp văn hoá, thể thao: 07 đơn vị, sự nghiệp khác: 25 đơn vị).

2.2. Cấp huyện

Tổng số ĐVSNCL trực thuộc UBND cấp huyện, có: 674 đơn vị; trong đó:

(1) Đơn vị sự nghiệp giáo dục: 623 trường học, gồm: 225 trường mầm non; 175 trường tiểu học; 140 trường trung học cơ sở; 73 trường Tiểu học và THCS; 09 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, 01 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (huyện Hữu Lũng).

(2) Đơn vị sự nghiệp văn hóa, thể thao, thông tin: 11 đơn vị (Trung tâm Văn hóa - Thể thao các huyện, Thành phố).

(3) Sự nghiệp khác: 40 đơn vị, gồm: 11 Trung tâm Phát triển quỹ đất; 11 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng; 11 Trung tâm dịch vụ nông nghiệp; 06 Đội Quản lý trật tự đô thị; Ban Quản lý chợ Giếng Vuông.

3. Về biên chế công chức, số lượng người làm việc (tính đến 30/9/2022)

3.1. Biên chế công chức:

Kết quả giảm biên chế công chức giai đoạn 2015-2021: giảm 332 biên chế3 công chức, tỉ lệ giảm 13,8%.

Năm 2022 tổng số biên chế công chức của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố được giao: 2.066 biên chế, có mặt: 1.932 biên chế. Trong đó:

- Sở, Ban, ngành được giao: 1.096 biên chế; có mặt: 1.039 biên chế.

- UBND các huyện, thành phố được giao: 970 biên chế; có mặt: 893 biên chế.

3.2. Số lượng người làm việc:

Kết quả giảm số lượng người làm việc giai đoạn 2015-2021: giảm 2.210 người làm việc, tỷ lệ giảm 9,17%.

Năm 2022 tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước của sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố được giao: 21.754 người, có mặt: 20.357 người. Trong đó:

- Sở, Ban, ngành, ĐVSNCL thuộc UBND tỉnh được giao: 5.641 người; có mặt: 5.308 người.

- UBND các huyện, thành phố, được giao: 16.093 người; có mặt: 15.049 người.

- Dự phòng: 20 người.

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Những kết quả đạt được

Việc triển khai thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị giai đoạn 2015-2021 đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Quá trình thực hiện, đã triển khai đầy đủ các nội dung theo chỉ đạo của Trung ương và nhận được sự đồng thuận của các cơ quan, đơn vị. Đến hết năm 2021, có 06/09 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu đề ra:

(1) Giảm tối thiểu 10% biên chế công chức so với năm 2015;

(2) Giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước;

(3) Cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong theo hướng giảm đầu mối, giảm cấp phó... sửa đổi, bổ sung hoàn thiện một số quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ;

(4) Thực hiện thí điểm mô hình mới về tổ chức bộ máy;

(5) Cơ bản hoàn thành việc thể chế hoá các chủ trương của Đảng về đổi mới, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập;

(6) Sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp xã, giảm số lượng thôn, tổ dân phố.

Tổ chức bộ máy, số lượng lãnh đạo quản lý các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện cơ bản đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

2. Hạn chế

- Hiện nay trên địa bàn tỉnh còn có 64/774 (tỷ lệ 8,2%) đơn vị sự nghiệp công lập chưa đảm bảo số lượng người làm việc tối thiểu là 15 người theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Các đơn vị sự nghiệp giáo dục còn nhiều điểm trường.

- Còn 03 chỉ tiêu chưa đạt so với mục tiêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, đó là:

(1) Tỷ lệ cơ chế tự chủ (đạt 2,06/10%); Tỷ lệ giảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 7,2/10%);

(2) Chưa hoàn thành việc cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định;

(3) Chưa hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công đối với một số lĩnh vực cơ bản như y tế, giáo dục đào tạo,...

- Hầu hết các Chi cục và tương đương thuộc Sở chỉ bố trí tối thiểu 12 biên chế công chức, không có đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Chi cục; còn tình trạng biệt phái công chức từ Chi cục về Sở để thực hiện nhiệm vụ.

- Có 03 tổ chức hành chính4 sử dụng số lượng người làm việc (biên chế sự nghiệp).

- Có 06 Đội Quản lý trật tự đô thị thuộc UBND các huyện, thành phố được thành lập theo yêu cầu thực tiễn, trong khi chưa có quy định của cấp có thẩm quyền về mô hình Đội quản lý trật tự đô thị tại cấp huyện.

Phần thứ hai

NỘI DUNG SẮP XẾP TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Căn cứ pháp lý

- Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

- Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về viếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

- Kết luận số 28-KL/TW, ngày 21/02/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

- Thông báo số 16-TB/TW, ngày 07/7/2022 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

- Kết luận số 40-KL/TW, ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026.

- Quyết định số 72-QĐ/TW, ngày 18/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về biên chế các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026;

- Công điện số 209/CĐ-TTg ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Yêu cầu thực tiễn

Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế là một trong những nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng, được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo thực hiện.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng về tổ chức bộ máy, chất lượng, số lượng công chức, viên chức với những hạn chế, khó khăn nêu trên; để đảm bảo cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW thì yêu cầu đặt ra cần thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện với mục tiêu: xây dựng tổ chức bộ máy đồng bộ, tinh gọn, phù hợp yêu cầu thực hiện công tác quản lý nhà nước. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị rõ ràng, không chồng chéo, trùng lặp. Cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, người lao động phù hợp, phát huy được năng lực, trình độ, kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực để thực hiện công việc được giao. Thực hiện tinh giản biên chế công chức, viên chức; tăng cường kiêm nhiệm công việc, giảm bớt đầu mối một số chức danh lãnh đạo, quản lý, …

Do vậy, việc xây dựng Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tế, đúng chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và chỉ đạo của Tỉnh ủy.

II. MỤC TIÊU XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Về tổ chức bộ máy

- Giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021 (77 đơn vị).

- Cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thôn, tổ dân phố theo quy định.

2. Về biên chế

- Giảm 5% biên chế công chức so với năm 2021 (103 biên chế công chức);

- Giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021 (2.189 biên chế sự nghiệp).

III. NỘI DUNG SẮP XẾP LẠI TỔ CHỨC BỘ MÁY

1. Về sắp xếp tổ chức hành chính

1.1. Sở Nội vụ:

- Giải thể Ban Thi đua - Khen thưởng, chuyển thành phòng Thi đua - Khen thưởng;

- Thành lập Phòng Quản lý văn thư lưu trữ.

1.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Sáp nhập Hạt Kiểm Lâm huyện Cao Lộc với Hạt Kiểm lâm thành phố.

1.3. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội:

Sáp nhập phòng Giáo dục nghề nghiệp vào phòng Lao động, Việc làm - Bảo hiểm xã hội.

(Chi tiết tại Phụ lục số 01 kèm theo).

2. Về sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập

2.1. Sở Xây dựng:

Sáp nhập Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình xây dựng với Trung tâm Quy hoạch xây dựng.

2.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Giải thể Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, thành lập Phòng Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trực thuộc Chi cục Thuỷ lợi (để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn).

2.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Trung tâm Xúc tiến đầu tư: Sáp nhập phòng Hành chính và Phòng Kế hoạch - Tổng hợp.

2.4. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Trường Cao đẳng Sư phạm: sáp nhập khoa bồi dưỡng cán bộ quản lý và nghiệp vụ vào Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học.

2.5. Sở Công Thương:

Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại: sáp nhập phòng Tư vấn Công nghiệp với phòng Khuyến công - Tiết kiệm năng lượng.

2.6. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch:

- Thành lập Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Lạng Sơn (trên cơ sở tách bộ phận nghệ thuật chuyên nghiệp thuộc Trung tâm Văn hoá nghệ thuật tỉnh);

- Giải thể Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng, thành lập Trung tâm Văn hóa tỉnh để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của bộ phận văn hóa cơ sở, phát hành phim, chiếu bóng và điện ảnh.

- Bảo tàng tỉnh: sáp nhập Phòng Hành chính và Phòng Kiểm kê bảo quản; sáp nhập Phòng Nghiệp vụ bảo tàng và Phòng Nghiệp vụ Di tích.

- Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao: sáp nhập phòng Tổ chức thi đấu vào phòng Hành chính.

- Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch: thực hiện sắp xếp, sáp nhập 04 phòng xuống còn 02 phòng trực thuộc.

2.7. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Sáp nhập Trung tâm Công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường vào Văn phòng Đăng ký đất đai (đã hoàn thành).

- Trung tâm Tài nguyên và Môi trường: sáp nhập Phòng Kỹ thuật địa chính với Phòng Phát triển quỹ đất; Phòng Hành chính - Tổng hợp với Phòng Kỹ thuật môi trường.

2.8. Đối với UBND các huyện, thành phố:

(1) UBND huyện Chi Lăng: Sáp nhập 04 trường Mầm non, 08 trường Tiểu học và THCS.

(2) UBND huyện Lộc Bình: Sáp nhập 02 trường Mầm non, 12 trường Tiểu học và THCS.

(3) UBND huyện Tràng Định:

- Sáp nhập 06 trường Mầm non, 06 trường Tiểu học và THCS.

- Xoá bỏ 06 điểm trường.

(4) UBND huyện Đình Lập:

- Sáp nhập 02 trường Mầm non, 04 trường Tiểu học và THCS.

- Sáp nhập Đội quản lý trật tự đô thị với Trung tâm Phát triển quỹ đất.

(5) UBND huyện Văn Quan: Sáp nhập 12 trường Tiểu học và THCS.

(6) UBND huyện Bình Gia: Sáp nhập 08 trường Mầm non.

(7) UBND huyện Hữu Lũng:

- Sáp nhập 16 trường Tiểu học và THCS.

- Sáp nhập Đội quản lý trật tự đô thị với Trung tâm Phát triển quỹ đất. (8) UBND huyện Bắc Sơn: Sáp nhập 10 trường Tiểu học và THCS.

(9) UBND huyện Văn Lãng:

- Sáp nhập 04 trường Tiểu học và THCS.

- Sáp nhập Đội quản lý trật tự đô thị với Trung tâm Phát triển quỹ đất.

(10) UBND huyện Cao Lộc:

- Sáp nhập 02 Trường Tiểu học và THCS.

- Xoá bỏ 03 điểm trường.

(Chi tiết theo phụ lục số 02 đính kèm).

IV. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ ÁN

1. Về tổ chức hành chính: Giảm 01 tổ chức tương đương Chi cục, 01 Hạt Kiểm lâm, 09 vị trí lãnh đạo quản lý.

2. Về đơn vị sự nghiệp công lập: Giảm 54 đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 7,01%), 10 phòng chuyên môn nghiệp vụ, 09 điểm trường, 104 vị trí lãnh đạo quản lý.

V. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

Lộ trình thực hiện sắp xếp các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập chi tiết tại Phụ lục số 01, 02 kèm theo.

VI. VỀ QUẢN LÝ BIÊN CHẾ, TINH GIẢN BIÊN CHẾ

1. Trên cơ sở quyết định giao biên chế của Trung ương, hằng năm UBND tỉnh tiếp tục thực hiện giao, phân bổ biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định, phù hợp với nội dung thực hiện của Đề án này và Đề án của các cơ quan, đơn vị đã xây dựng; phấn đấu đến hết năm 2025 thực hiện đạt mục tiêu giảm 5% biên chế công chức so với năm 2021, giảm 10% số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.

2. Tiếp tục triển khai thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 và Nghị định số 143/2020/NĐ-CP ngày 10/12/2020 của Chính phủ) đảm bảo theo quy định.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Thực hiện phân bổ lại chỉ tiêu biên chế công chức của Chi cục Kiểm lâm để bổ sung cho Chi cục Chăn nuôi - Thú y, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật nhằm từng bước khắc phục việc sử dụng viên chức làm việc tại các tổ chức hành chính.

- Tạm dừng tuyển dụng viên chức tại: (1) Chi cục Chăn nuôi - Thú y, (2) Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.

4. Sở Giao thông vận tải: tạm dừng việc tuyển dụng viên chức tại Thanh tra Giao thông vận tải.

5. Sở Y tế: thực hiện việc phân bổ lại số lượng người làm việc giao cho Trường Cao đẳng y tế đảm bảo phù hợp với quy mô, số lớp, số học viên, sinh viên hiện có.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo: thực hiện việc phân bổ lại số lượng người làm việc giao cho Trường Cao đẳng Sư phạm đảm bảo phù hợp với quy mô, số lớp, số học sinh, sinh viên hiện có.

Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ban, ngành; đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố có nội dung thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy, biên chế có trách nhiệm:

- Tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Đề án này đảm bảo theo quy định.

- Thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy, biên chế theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

- Tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện các nội dung sắp xếp lại tổ chức bộ máy, biên chế theo Đề án, báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh.

2. Sở Nội vụ: Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan:

- Hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện Đề án, các nội dung liên quan về việc thực hiện chế độ chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động.

- Tham mưu thực hiện phân bổ, điều chỉnh việc giao biên chế, số lượng người làm việc, hợp đồng lao động đối với các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố phù hợp với kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy.

- Hướng dẫn, rà soát điều chỉnh Đề án vị trí việc làm của các sở, ban, ngành; xây dựng Đề án vị trí việc làm các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố sau khi có hướng dẫn của Bộ, ngành.

- Hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố thực hiện báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án và tổng hợp, xây dựng Báo cáo của UBND tỉnh.

- Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị; phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng quy định.

3. Sở Tài chính: Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu thực hiện hoặc hướng dẫn thực hiện bàn giao tài chính, tài sản và các nội dung khác liên quan đến tài chính, tài sản của các cơ quan, đơn vị khi thực hiện các nội dung sắp xếp tổ chức bộ máy theo Đề án.

4. Sở Tư pháp: Chủ trì thẩm định các dự thảo Quyết định của UBND tỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh trên cơ sở nội dung Đề án này.

Kèm theo Đề án gồm có:

- Phụ lục số 01: Nội dung sắp xếp các phòng, tổ chức hành chính thuộc các Sở, ngành tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2022-2025.

- Phụ lục số 02: Nội dung sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2022-2025./.



1 Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc.

2 Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh; Trường Cao đẳng nghề.

3 Bao gồm 108 biên chế QLTT chuyển về Bộ Công Thương quản lý.

4 Thanh tra Giao thông vận tải, Chi cục Chăn nuôi và Thú ý, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2007/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2022-2025

  • Số hiệu: 2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/12/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
  • Người ký: Hồ Tiến Thiệu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/12/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản